Jul 6, 2004

Tình Hàng Xóm





"Ai hủ tiếu Nam Dzang đây? Ai hủ tiếu Nam Dzang đây?"
Tiếng con bé đối diện nhà tôi vang lên giữa trưa hè. À, nó chơi trò Đồ Hàng. Nó có đôi mắt thật lớn, gương mặt thon thon xinh xắn và mái tóc lơ thơ dài đến ngang vai. Nó sống với bà nội và cô ruột. Ba mẹ và anh chị em con bé chết hết, vì ghe vỡ trên đường vượt biển. Nó sống sót như như một phép lạ, cô Tư nó bám được vào mảnh ván khi ghe vỡ, rồi cố gắng đi tìm đứa con 4 tuổi của cô đang trôi dạt nơi đâu, bất chợt nó được đưa lên mặt nước bởi một túi nilon lớn từ đáy biển nổi lên. Cô Tư vội vã vơ lấy nó, ôm vào lòng, trước khi bị sóng nhồi cho bất tỉnh. Hai cô cháu được tàu đánh cá Việt Nam vớt, mang vào Vũng Tàu, rồi trở lại Sài Gòn với bà mẹ già ở nhà mỏi mắt chờ tin con. Gia cảnh của nhà họ thật đáng thương, tiếng khóc rấm rứt của ba người đàn bà còn sót lại trong cuộc đời là cả chuỗi ngày bi thảm. Ông Nội tôi thường mời họ qua nhà giảng lý Vô Thường về đời sống mỏng manh cho họ nghe. Từ đấy ba người đàn bà ấy, coi gia đình tôi như là người nâng đỡ họ trong những ngày đen tối. Thời gian trôi qua, hai năm trời sau, cuộc sống của ba người đàn bà cũng dần nguôi ngoai thương nhớ. Con bé tên Ly, lên 6 tuổi, ngoan ngoãn và rất hiếu thảo.

Một chuyện khá hài hước. Bên nhà tôi thì có ba người đàn ông. Ông nội, ba và tôi. Tự dưng có một sự tương xứng kỳ lạ. Có lần tôi nói chơi:
- Ông Nội ơi, nhà mình và nhà đối diện đối nhau chan chát. Ba ông con đối với ba bà cháu. Cửa đối cửa. Đúng là hậu môn đăng đối!
Ông Nội tôi nạt:
- Cái thằng này chỉ nói bậy nói bạ.
Nhưng rồi ông cũng tủm tỉm cười. Có lẽ ông nghĩ "thay vì môn đăng hậu đối, thằng nhóc nói hậu môn đăng đối... đúng là thằng quỷ!"
Hai nhà hàng xóm chúng tôi chơi với nhau rất thân, chia ngọt xẻ bùi. Có gì ngon lạ cũng mang biếu nhau. Ông Nội tôi làm thầy thuốc, không bao giờ lấy của ai một đồng, nên những người bệnh nhân khá giả hay tìm những của ngon vật lạ đến biếu để tạ ơn ông. Mỗi lần có lộc như thế, ông thường sai tôi chia phần sang biếu gia đình ấy. Còn gia đình kia, nấu nướng món gì cũng sớt phần mang qua "tiếp tế" cho ba ông "đực rựa" bên này. Hồi ấy tôi 14 tuổi, bà nội con Ly hay bảo:
- Mai mốt con Ly lớn, tao gả cho mày.
Tôi thường đứng trơ mắt ra nhìn. Trời đất, trên đời chẳng còn gì vô vị hơn con bé lên 6 tuổi đối với thằng con trai 14. Ở cái tuổi hiếu động, tay chân khều khào lớn nhanh như thổi, tôi chỉ thích võ thuật, đánh lộn, đá banh và học chữ. Những chuyện khác đối với tôi chẳng có gì thú vị.

Ba năm sau, tôi vượt biển qua Bidong rồi đi định cư tại Thụy Sĩ. Trong những lá thư của ông nội tôi có vài lần nhắc đến ba bà cháu nọ. Lần đầu tiên ông viết: "Toàn ơi, cô Giáo My (cô Tư của con bé Lý) trước cửa nhà ta, mới bước đi bước nữa. Chồng cô cũng là nhà giáo. Đạo đức, hiền lành và rất thương cô. Hai người mua căn nhà riêng ở gần rạp hát Minh Châu. Còn căn nhà đối diện, cô mời gia đình chồng cũ ở dưới quê lên, trả lại cho họ rồi con ạ. Ông viết để con mừng cho cô ấy." Khoảng vài tháng sau, ông lại viết: "Mặc dù gia đình cô giáo My đã dọn đi, nhưng họ vẫn chạy qua thăm ông luôn. Nhất là con bé Ly. Nó cứ chạy qua hỏi về anh Toàn của nó. Nó có vẻ buồn vì con đi xa mà không nói nó tiếng nào. Con có viết thư thì đây là địa chỉ... nên viết vài chữ thăm gia đình họ, con ạ."

Cuộc sống ở Hải Ngoại là chuỗi thời gian vất vả đấu tranh, hội nhập và học hành vươn tới. Thỉnh thoảng tôi cũng nhớ đến gia đình hàng xóm cũ, song không thể viết thư thăm hỏi thường được. Thời gian thấm thoắt trôi qua, tôi mất hẳn liên lạc về gia đình nọ.

16 năm sau, tôi trở về Việt Nam lần đầu tiên, mặc dù có đến khu rạp hát Minh Châu tìm họ, song không ai biết cô giáo My hay bé Ly là ai cả. Tôi buồn, vì chắc gia đình họ đã chuyển đi.

Tháng 10 vừa qua trở về Việt Nam, qua thăm vài người trong xóm cũ. Có hỏi thăm và tình cờ có người cho tôi địa chỉ của gia đình ấy. Chỉ còn bà cụ ở khu rạp hát Minh Châu với người cháu trai ở Sa Đéc lên, còn cô My thì mua nhà trong Chợ Lớn. Bé Ly thì không biết ra sao. Tôi mừng rỡ, chạy theo địa chỉ chạy vội đến thăm. Tôi bấm chuông hai ba lần không thấy ai mở cửa. Mấy người hàng xóm thấy vậy bảo tôi: "Anh gọi đi, bà cụ ở nhà đó!" Tôi cất tiếng rổn rảng Trương Phi gọi lớn hai lần: Ly ơi Ly! Bà cụ chợt mở cửa ban công trên lầu nhìn xuống.
- Xin lỗi, cậu tìm ai?
Tôi mừng rỡ reo lên:
- Thưa bà, cháu là thằng Toàn ngày xưa trong xóm đây.
Bà cụ sững người một lát rồi, khép cửa ban công đi vào. Tôi tưởng bà cụ không nhận ra tôi. Bèn đứng tần ngần tính trở gót quay lui. Chợt cửa chính mở ra. Bà cụ run run chạy ra, nước mắt nước mũi ôm lấy tôi:
- Trời ơi thằng Toàn. Sao mày đi bao lâu không về như vậy hả? Con Ly nó mới lấy chồng rồi... Hu hu hu!
Bà cụ khóc như mưa. Tôi ôm vai bà cụ và hỏi:
- Bà ơi, bà có khỏe không? Năm ngoái cháu về có đến kiếm mà không tìm ra nhà.
Bà cụ vẫn khóc với đôi vai oằn nỗi đau ngày tháng:
- Bà khỏe, chỉ tội ông nội cháu mất rồi. Hu hu hu!
Ồ, thì ra bà cụ thấy tôi, nên nhớ tới tình hàng xóm khi xưa, khóc thương tiếc ông tôi. Bà cụ sau cơn xúc động rồi, cười bảo:
- Mày tệ bạc quá đi! Để con Ly nó mòn mỏi đợi chờ. Nó mới lấy chồng hồi tháng 6 vừa qua và nó theo chồng đi Canada rồi. Bao nhiêu năm, tao cứ đợi mày về để gả con Ly cho mày, như lời hứa khi xưa! Mãi cách đây một năm rưỡi, cô Tư nó bảo: "Chắc Toàn nó cũng lập gia đình rồi. Thôi cho con Ly lập gia đình đi kẻo ế!" Chú Bảy con Ly giới thiệu con Ly cho cháu vợ chú ấy. Rồi nó lấy chồng mất rồi! Hu hu hu!
Bà cụ xúc động lại khóc. Chắc bà cụ nhớ Ly. Khóc một hồi bà cụ lại hỏi:
- Mày vợ con gì chưa?
- Dạ chưa! Cháu tính về cưới Ly nè!
Trời ạ, tôi thật không bao giờ nhớ tới chuyện đó lại là chuyện nghiêm chỉnh như vậy. Nhưng bây giờ thấy bà cụ nghiêm trọng quá, khiến tôi cười thầm và cố ý chọc bà.
Bà cụ ngẩn người có vẻ nghĩ lung lắm. Một hồi bà lên tiếng:
- Thôi con Ly nó lấy chồng rồi. Thì mày lấy Bảo Châu con gái cô Tư đi!
Đến lượt tôi sửng hồn:
- Cô Tư có con gái là Bảo Châu ạ? Em bao nhiêu tuổi.
- Ừ, có một mụn con gái thôi. Nó 16 tuổi rồi.
Tôi muốn phá lên cười. Trời, tôi làm sao đi cưới cô bé 16 tuổi đây trời? Nhưng biết bà cụ thực tình nên tôi cố nén cười.
- Bà ơi, cháu già lắm rồi. Lớn hơn Bảo Châu hơn gấp đôi. Làm sao cháu cưới cô ấy được. Với lại, thời nay các cô gái không còn chịu đặt đâu, ngồi đấy đâu. Cô ấy sẽ chê cháu già và xấu trai... chắc chắn cổ không chịu đâu.
Bà cụ ngắt lời:
- Già gì mà già. Cũng không đến nỗi nào xấu lắm. Để bà nói là nó phải nghe. Con Bảo Châu đẹp lắm nghe, học giỏi lại rất ngoan.
Tôi vội vã khuyên bà:
- Thôi bà ạ, để từ từ tùy vào duyên số bà ơi. Không thể hấp tấp được đâu.

Ngồi nói chuyện hàn huyên với bà cụ suốt mấy tiếng đồng hồ, tôi ra về với tâm tư thương cảm. Vâng, cuộc đời đã khiến cho gia đình bà bao nhiêu đau thương mất mát. Ngày nay mọi chuyện trở lại bình thường. Mọi người bình yên được như vậy, quả là đáng mừng lắm. Bà có cho tôi coi hình đám cưới Ly. Chồng của Ly nhìn rất hiền, đẹp trai, trí thức. Ly là cô dâu tuyệt đẹp. Tôi rất mừng cho em. Giá tôi có vô tình gặp lại em ngoài đời cũng không bao giờ nhận ra em. "Ai hủ tiếu Nam Dzang đây!" Tiếng rao của con bé năm nào chợt vọng về.

Trước ngày tôi trở về Thụy Sĩ, tôi còn thăm bà cụ vài lần, có ăn cơm với bà cụ và gia đình người cháu. Tôi cũng gặp được vợ chồng cô giáo My và bé Bảo Châu. Cô bé bẽn lẽn nhìn tôi vòng tay chào:
- Con chào chú!

Ừ, bé ngoan... chú không dám.... hỏi cưới... con rùi

2410

No comments:

Post a Comment