May 14, 2005

Chuyến Bay Cuối Năm



Thành phố nhỏ, thành phố hiền hoà được lồng trong một tiểu bang không mấy người biết đến, người ta chỉ biết đến sau một biến động to lớn làm xao động cả thế giới, nếu không, chẳng ai biết đến tiểu bang này nằm ở chỗ nào trên bản đồ nước Mỹ. Thế nhưng, những ngày gần tết cũng xôn-xao nhộn-nhịp hẳn lên ở những chợ VN, Ở đấy người ta thấy la- liệt những chiếc bánh chưng, những đòn bánh tét, những hộp mứt, hộp trà, những phong bì đỏ. Ở cửa ra vào những chậu mai vàng nở rộ bên cạnh những chậu quất nặng trĩu trái. Sự tấp nập của người mua đã tạo nên một khung cảnh khác lạ với mọi ngày làm xao động không ít lòng người xa quê hương.

Ngoài trời vẫn lạnh, mùa đông nơi đây vẫn còn để thấy một vài cơn tuyết đi về, cây bradford trước nhà trơ trụi lá trông như bộ xương khô đang được tô điểm bằng những bông tuyết bay phất phới tạo nên một bức tranh thật hoang lạnh, để những kỷ niệm xưa cũ vẫn đi về như những bóng ma chập chờn níu kéo từ một hố thẳm ký ức nào đó. Tiếng điện thoại reo vang làm Quỳnh giật mình.

- Quỳnh đang làm gì đó? vừa gọi đến sở làm họ bảo Quỳnh bị đau không đi làm, bộ Quỳnh đau thật ha?

Quỳnh cười nhẹ chống đỡ:

- Đâu có, tại lười nên lấy cớ vậy thôi, nhưng sao không chờ cuối tuần gọi mà lại gọi vào giờ này?

Ái giả bộ trách móc:

- Thì nhớ lúc nào gọi lúc ấy không được hả? Sao mà khó tính thế? người ta gọi để rủ sang Canada ăn tết với gia đình đây nè. Sang chơi chứ không thôi lũ nhỏ cứ nhắc đến dì Quỳnh mãi đấy.

Lặng im nhìn qua cửa sổ, những bông tuyết rơi càng lúc càng nhiều, sân cỏ khô trước nhà không còn dấu vết của những cơn nắng hạ, chỉ thấy một bãi trắng xoá, phủ kín cả lối đi. Quỳnh bâng quơ:

- Thôi, không sang đâu, bên này đang lạnh lắm, tuyết rơi đầy sân đủ để buồn rũ người ra đây nè, sang Canada để kiếm thêm cái lạnh vào người nữa sao? Nói với đám nhóc khi nào hết lạnh dì Quỳnh sang.

Ái không chịu kêu lên:

- Cái gì mà lạnh? cái gì mà buồn? cứ như mình là con chim trốn tuyết không bằng. Sang đây đi, sang đây để thấy cái tuyết, cái lạnh ở đây đẹp và dễ thương chứ không giống như chỗ Quỳnh ở đâu, vả lại tết này ở Toronto có nhiều mục lắm, có cả hội chợ nữa. Quỳnh mà không sang mình cũng cứ gởi vé máy bay cho Quỳnh đấy.

Không ngờ Ái gởi thật, thế là Quỳnh đành thu xếp công việc sang Canada ăn tết đúng vào cái ngày cuối năm. Cái ngày mà dù ở văn-phòng có bận cách mấy, Quỳnh cũng cứ kiếm cớ ở nhà chùm kín chăn đọc sách hay nằm nghe nhạc.

Ngày cuối năm sau những ngày lễ Thanksgiving, Christmas và New Year, hành khách đã bớt hẳn, phi trường vắng vẻ hẳn ra, không thấy một người VN hay Á Châu nào cả, chỉ mỗi mình Quỳnh với lác-đác những người dân bản xứ, vì Ái gởi vé đi gấp nên đường bay đã phải ngừng lại nhiều nơi để đón khách. Nhanh chân bước theo người tiếp viên tìm ghế ngồi, Quỳnh cẩn thận bước vào ghế trong sát cửa sổ. Người tiếp viên trước mặt đang lôi từng vật dụng cấp cứu ra để chỉ dẫn cách xử dụng và những điều phải làm khi gặp trường hợp khẩn cấp. Tiếng động cơ bắt đầu ầm-ỹ, con tàu lắc-lư, rít bánh trên phi-đạo rồi từ-từ lên cao làm Quỳnh rùng mình nhắm mắt. Khi tiếng động cơ đã êm trở lại, Quỳnh mở mắt nhìn qua khung cửa nhỏ, những building, nhà cửa, đường xá nhỏ dần rồi mất hút phía dưới. Bên ngoài không thấy gì ngoài những đám mây bàng bạc, xam-xám làm đầu óc Quỳnh lơ-đãng mông-lung.

- Xin lỗi, hình như cái khăn này của Cô thì phải?

Quỳnh giật mình quay lại, người đàn ông ngồi bên cạnh mà lúc nãy khi bước vào Quỳnh thấy che quyển báo trên mặt là một người VN, người đồng hương của Quỳnh. E-thẹn khi thấy chiếc khăn quàng cổ trên tay người khách lạ, Quỳnh cầm lấy ấp-úng :

- Dạ thưa vâng, nãy vội quá chắc tôi làm rơi... nhưng hình như không phải ông đi từ Oklahoma?

- Vâng, tôi đi từ Dallas, và hình như cô đi Canada phải không ạ?

Quỳnh ngạc nhiên:

- Thưa vâng, nhưng sao Ông biết?

- Tôi chỉ hy vọng vậy thôi, vì tôi cũng đi Canada.

Quỳnh mỉm cười im lặng. Người đàn Ông gợi chuyện:

- Tôi là Phú, xin lỗi tôi có thể biết tên cô để tiếp chuyện được không? Đường bay dài, mong sẽ đốt ngắn được thời gian.

- Vâng, tôi là Quỳnh Châu, nhưng gia đình và bạn bè lại cứ gọi tôi là Quỳnh.

- Tên Quỳnh đẹp quá, thế cô Quỳnh về ăn tết với gia đình hả?

Quỳnh thấp giọng:

- Dạ không, tôi chỉ sang chơi thôi ạ, thế còn Ông? chắc ông về Canada ăn tết với gia đình?

Liếc mắt nhìn bàn tay thon nhỏ mịn màng không đeo nhẫn của Quỳnh, Phú cảm thấy một sự yên tâm, một sự yên tâm vô cớ làm chàng muốn bật cười với chính mình:

- Không, tôi cũng như cô, không có cái diễm phúc ấy... không ngờ tôi với cô lại giống nhau trong chuyến đi cuối năm này...

Phú trầm ngâm tiếp:

- Cô Quỳnh nhìn quanh xem, chẳng có người VN nào giống mình cả, ai cũng tim về với gia đình, chỉ có những người không gia đình mới bỏ đi thôi, nhưng chẳng thà đi còn hơn là cứ ở nhà gậm nhấm nỗi buồn với bốn bức tường, ra vào chẳng biết làm gì, đến nhà bạn bè thì đứa nào cũng bận chuyện gia đình, thành ra những năm mới sang, tết nào cũng một mình, một rượu say mèm để đừng nghĩ đến chuyện gì khác, rồi say quá ngủ mê mệt cho đến khi đi làm trở lại... thế là xong một cái tết.

Quỳnh im lặng, chợt thấy lòng trùng xuống, nỗi buồn như ào lấy vây quanh, như có người vừa đốt lên ngọn đèn soi rõ nỗi buồn cô đọng của nàng. Vâng, Quỳnh cũng có nỗi buồn, cũng có nỗi cô đơn của riêng Quỳnh. Nỗi buồn, nỗi cô đơn như vỏ ốc kiên cố giam giữ Quỳnh suốt bao nhiêu năm trời, sau cái ngày không giống một ngày nào đó trong đời Quỳnh. Từ cái ngày mà người ấy bỏ ra đi, đi vội vàng, đi bất ngờ, đi không một lời nhắn nhủ từ giã để cho Quỳnh xanh xao với nỗi nhớ, nỗi đau. Dù đã quá lâu, dù tất cả đã rong rêu vàng úa, nhưng thỉnh thoảng vẫn đi về réo gọi Quỳnh trong những giấc mơ mà khi tỉnh dậy, Quỳnh cảm thấy nuối-tiếc, ngẩn-ngơ, bần-thần cả một ngày dài đôi khi tiếp nối cả qua ngày hôm sau. Không thấy Quỳnh nói gì, Phú lên tiếng:

- Cô Quỳnh hình như ít đi xa lắm phải không?

- Dạ thưa vâng, đi xa vào những dịp cuối năm tôi không mấy thích cho mấy, nhưng hôm nay vì nể bạn bè thành ra...

Quỳnh buông lửng câu nói, Phú tiếp:

-Vậy bạn của cô Quỳnh chắc dặc-biệt lắm nhỉ? thế bạn của Quỳnh ở ngay tại Toronto hay ở đâu?

- Dạ thưa ở Toronto, chắc ông cũng hay đến Toronto lắm phải không ạ?

- Vâng, bạn bè tôi ở đấy cũng nhiều, t
hành ra khi nào có dịp là bay sang ngay, nhưng thường thường tôi thích đi vào tháng 10, tháng 11 hơn vì ở đấy mùa thu rất là đẹp, lá vàng rơi đẹp đến nỗi ai cũng chờ mùa thu về để rủ nhau đi thưởng ngoạn cả, tôi nghĩ không ở đâu có mùa thu đẹp bằng ở Canada. Nếu có dịp, cô Quỳnh nên đến vào những tháng ấy một lần cho biết... à, thế Quỳnh ở Toronto thì bao giờ thì trở lại Mỹ?

- Dạ mùng 10 ạ.

Bên ngoài khung cửa nhỏ, những mảng tuyết bay lãng-đãng, những cụm mây xám làm thân tàu nhấp-nhô, lắc lư đến chóng mặt. Quỳnh nhắm mắt thật chặt, mím chặt môi như cố đè nén những khó chịu, những ngầy-ngậy bên trong. Quỳnh nghe tiếng Phú, nhưng không hiểu Phú đang nói gì, khuôn mặt nàng cảm thấy lạnh buốt, tiếng Phú lần này cất lên, nghe rõ hơn:

- Cô Quỳnh chóng mặt phải không?

Quỳnh gật đầu nhưng vẫn nhắm mắt. Phú bắt đầu lục lọi, chàng lôi ra một cái bao ny-lon nhét vào tay Quỳnh, nói nhỏ bên tai:

- Quỳnh cầm cái bao này để nếu cần thì dùng nhé!

Quỳnh lại gật đầu, mắt vẫn nhắm nghiền, con tàu lại lắc lư làm Quỳnh cuống quýt cầm cái bao Phú vừa đưa, gập người nôn thốc như không còn kềm chế được một thứ gì bên trong, mái tóc dài rũ xuống che phủ một bên mặt, Phú nhìn ái ngại, chàng đưa tay vén nhẹ mái tóc dài của Quỳnh kéo về phía sau. Một vài hành khách cũng đang ngất ngư như Quỳnh, thời tiết xấu nên máy bay cư dập dềnh y như xe cộ đang đi trên những con đường đầy ổ gà tại VN. Một lúc sau, Quỳnh cảm thấy dễ chịu hơn, dựa thẳng người ra ghế, Quỳnh nói nhỏ, giọng thật yếu ớt run run:

- Quỳnh xin lỗi ông Phú nhé...

Đôi mắt to tròn, long lanh nước trong khoé mắt làm chàng thoáng rung động. Phú cầm lấy chiếc bao trên tay Quỳnh cột lại và đi về phía sau. Một lúc chàng trở lại với một xấp khăn giấy tẩm ướt nước nóng trao cho Quỳnh:

- Quỳnh lau mặt cho tỉnh táo, đây cái bao khác, nếu cần cứ cho vào đấy, đừng giữ lại để thêm chóng mặt.

Quỳnh ngượng ngùng cầm lấy, ấp úng:

- Quỳnh làm phiền ông Phú quá, may có ông Phú bên cạnh, nếu không...

Quỳnh buông lửng câu nói, Phú nhìn nàng mỉm cười:

- Quỳnh đừng ngại, không có gì phiền cả, tôi nghĩ Quỳnh nên nhắm mắt lại một tý cho khoẻ. À, Quỳnh có cần uống nước gì không?

- Dạ không, cám ơn.

Quỳnh nhắm mắt, một lúc thiếp dần vào giấc ngủ, Quỳnh say sưa ngủ như không biết đang dựa đầu lên vai chàng. Khuôn mặt xanh xao phảng phất nỗi buồn sâu kín nào đó như vừa trải qua những tháng ngày xao động. Đôi mắt to tròn như thảng thốt như bám chặt lấy tâm trí chàng. Phú chợt nhớ đến Yến, Yến của một Pleiku má đỏ môi hồng, Yến của thành phố chỉ đi có 5 phút lại trở về chốn cũ. Yến của ngày xưa đó đã đem đến cho chàng những yên tâm, những hạnh phúc, những tiếng cười sau những ngày hành quân miệt mài cả tháng trong rừng. Yến của sau ngày 30/4 đen tối đã khóc vùi trong tay chàng, đã thề thốt đợi chàng về, nhưng chưa được một năm sau, Mẹ Phú trong một lần thăm nuôi cho biết Yến đã lấy chồng và đã xuất ngoại.

Phú đau từ đấy, cái đau như những vết thương hằn sâu mà bao nhiêu năm trời chàng muốn tẩy xoá, muốn quên mà vẫn chưa quên được. Phú đau với cái đau tang thương của đất nước trong một ván cờ không minh bạch, mà từ đó đã cuốn theo mốt tình chân thật của chàng. Mối tình mà Phú đã ấp ủ đặt để lên ngôi, đã tôn sùng như con chiên ngoan đạo. Nhưng rồi, đất nước mất, mất tất cả. Mẹ chàng cũng mất theo giòng đời nghiệt ngã đó khi Phú còn chưa biết được ngày về, khi Phú và những người cùng chung số phận đang khốn khổ còn hơn những tên tù khổ sai của giờ thứ 25 mà Phú đã đọc. Phú cảm thấy những người lính bất hạnh như chàng đã chơi-vơi hụt-hẫng trong một khoảng trống tối đen, như bị đánh lừa trong một trò chơi chiến tranh, mà cuối cùng đã bị bắt buộc phải buông súng đứng yên làm kẻ bại trận.

Khi trở về, Phú bàng hoàng lạc-lõng, vì tất cả không còn giống như ngày chàng ra đi, tất cả như đảo ngược. Phú cảm thấy nỗi đau, nỗi hận chồng chất lên nhau để rồi từ đó chàng dửng dưng với tất cả mọi chuyện. Nỗi buồn không lối thoát như đông cứng, như băng giá đến nỗi Phú không còn cảm giác về cái buồn cái đau được nữa. Giòng đời cứ từ từ biến đổi cũng như đã biến đổi cuộc đời chàng. Đã đưa đẩy sang đến bên này để trong một buổi dạ tiệc tất-niên do Binh-Chủng của Phú tổ chức. Phú đã bất ngờ gặp lại Yến, Yến đẹp kiêu sa, lộng lẫy trong chiếc áo dạ hội đắt tiền, ở nàng lấp lánh những trang sức mà Phú không thể nào biết được cái giá trị của nó. Phú nhìn Yến đăm đăm, ở Yến, chàng không còn thấy một tý gì của Yến ngày xưa. Yến đang tíu-tít cười nói bên chồng, bên bạn bè, bên những điệu nhạc quay cuồng, nhưng khi vô tình nhìn thấy chàng... Yến khựng lại sửng-sốt nhìn Phú, như không ngờ có ngày gặp lại chàng nơi miền đất xa lạ này. Phú cũng bối rối không kém vì sự bất ngờ... để tránh sự khó chịu cho Yến, cho chàng, nên Phú lặng lẽ bỏ ra về. Đêm ấy chàng đã uống rượu thật say, say đến không còn biết gì nữa. Hai tuần sau, Phú lặng lẽ rời bỏ thành phố hoa vàng, thành phố nổi tiếng có nắng ấm để đến một nơi mà Phú hy vọng sẽ không gặp lại.

Máy bay bắt đầu hạ xuống phi trường. Đường đi Toronto bao giờ cũng phải ngừng lại ở Chicago để đổi chuyến bay. Mọi người lục-đục đứng lên sửa soạn hành lý, Quỳnh vẫn say sưa ngủ, Phú đánh thức nàng dậy, Quỳnh mở bừng mắt ngơ-ngác:

- Ủa, đến Toronto rồi sao?

Phú mỉm cười:

- Không, mới đến phi trường Chicago mà thôi, Quỳnh có gì xách không đưa tôi xách hộ? Mình phải nhanh lên để kịp chuyến bay tới.

Quỳnh gật đầu, ngượng-ngùng vuốt lại mái tóc, màu đỏ đã ửng lại trên khuôn mặt buồn xanh xao lúc nãy. Quỳnh nhờ Phú lấy hộ cái va ly nhỏ ở phía trên và theo chàng bước ra khỏi máy bay. Phi trường Oklahoma vắng vẻ bao nhiêu thì phi-trường Chicago lại ồn ào náo nhiệt bấy nhiêu. Đông như vậy mà Quỳnh vẫn không thấy một khôn mặt VN hay Á Đông nào khác. Bởi giờ này, có lẽ mọi người đã tìm về với gia đình, đang quây quần bên nhau vào những ngày cuối năm, chứ đâu có ai như nàng, như Phú là những kẻ bỏ đi, bỏ đi như trốn chạy sự cô đơn, sự trống vắng của chính mình. 15 phút sau, 2 người mới tìm được cổng vào của chuyến bay đi Toronto. Sau khi làm xong thủ tục, Phú đưa tay nhìn đồng hồ:

- Còn 10 phút nữa, cô Quỳnh có mệt lắm không?

Quỳnh đưa tay cột lại mái tóc, e-thẹn bào chữa cho sự mệt mỏi của mình lúc nãy trên máy bay:

- Dạ cám ơn, Quỳnh thấy đỡ nhiều lắm rồi, đi máy bay kỳ này ghê quá, cứ nghĩ đến phải lên máy bay là thấy sợ ghê đi, không ngờ Quỳnh lại làm phiền ông Phú đến như vậy!... Cũng may là hôm nay gặp được Ông Phú, nếu không... đi máy bay kiểu này chắc Quỳnh đứng tim mất thôi.

Phú ngồi xuống bên cạnh vui vẻ:

- Đâu có gì mà Quỳnh cứ phải bận tâm. Phải nói là hôm nay hên lắm tôi mới được xếp ngồi bên cạnh Quỳnh đấy chứ, vả lại hôm nay thời tiết xấu quá thành ra hành khách ai cũng mệt cả.


Chợt có tiếng thông cáo lồng lộng trong máy, tất cả các chuyến bay đều bị đình lại cho đến sáng hom sau vì thời tiết xấu. Quỳnh hoảng hốt nhìn Phú rồi lại nhìn lên bảng, chỗ đã xếp chuyến bay nhưng không có giờ khởi hành. Phú thấy đôi mắt lo sợ của Quỳnh, chàng cười trấn an:

- Không sao đâu, Quỳnh đừng lo, chuyện đình lại những chuyến bay như thế này là chuyện thường xảy ra vào mùa đông khi gặp thời tiết xấu, không sao cả, thế nào rồi ngày mai mình cũng đến được Canada mà. Bây giờ mình ra phố kiếm tiệm VN nào đó ghé vào rồi trở lại đây. Quỳnh nên ăn một tý gì cho ấm bụng... vả lại tôi cũng đã thấy đói bụng lắm rồi.

Quỳnh ngập ngừng:

- Nhưng tối nay giao thừa, đâu có tiệm nào mở cửa?

Phú ngẩn người gật đầu:

- Ừ nhỉ, tôi quên mất, nhưng mình cũng cần phải ra khỏi nơi này đã, không lý mình cứ ở đây suốt đêm sao? không có tiệm ăn VN thì cũng có những tiệm ăn khác vậy, chàng đùa tiếp:

- Mình vừa ăn, vừa nói chuyện, vừa đón giao thừa luôn.

Quỳnh mỉm cười với câu nói của Phú nhưng vẫn bối rối vì chuyến bay bị đình lại. Quỳnh chán nản đứng dậy đeo túi xách lên vai bước bên cạnh Phú. Những bước đi chậm rãi, không còn hấp tấp vội vàng như lúc vừa ra khỏi máy bay. Xe taxi đưa 2 người ra phố, thành phố Chicago quá đẹp và sầm uất với những building cao đồ sộ, không bì với một nhóm building cao của thành phố Quỳnh đang ở. Phú đưa nàng vào tiệm ăn trên một toà nhà cao chót vót, ở đó Quỳnh có thể nhìn thấy khắp thành phố Chicago mà không cần phải đi đâu cả.

- Quỳnh gọi thức ăn nhé!

Quỳnh lắc đầu từ chối, nàng đẩy thực đơn về phía Phú:

- Quỳnh không rành lắm đâu, Ông Phú gọi hộ cho Quỳnh đi.

Phú gọi thức ăn và một chai Champagne, thấy Quỳnh ngạc nhiên, Phú giải thích:

- Mình phải uống Champagne để đón giao thừa chứ, nhưng nếu Quỳnh không thích thì thôi vậy.

Quỳnh vội vàng lắc đầu mỉm cười:

- Dạ không, không sao cả, ông Phú cứ tự nhiên.

Phú rót rượu ra 2 ly, chàng đưa cho Quỳnh một ly và bảo:

- Mình cụng ly nhé, trước hết chúc Quỳnh một năm hoàn toàn mới, một năm thật nhiều may mắn và toại ý những gì mà Quỳnh đang ước muốn, sau là để kỷ niệm chuyến bay bất ngờ này.

Quỳnh đưa ly lên đủ để chạm nhẹ vào ly chàng, e-thẹn nói khẽ:

- Vâng, Quỳnh cũng xin được chúc Ông Phú như vậy.

Quỳnh nhấp nhẹ, một chút ấm áp nồng nồng trong cổ, bên ngoài bầu trời tối đen, không một vì sao, những ánh đèn đường, đèn từ những toà nhà cao hắt ra chiếu vào nhau, vào những thân cây trụi lá, vào những mái nhà mà cơn gió lạnh vừa qua đã làm đông đá những giọt nước rơi lơ lửng trông như những giọt thạch nhũ lấp lánh thật đẹp. Quỳnh như mất hút trong khung cảnh thần tiên huyễn hoặc đó. Quỳnh nhớ đến những cái tết khi còn bé, khi lớn lên, nhớ đến Mẹ giờ này đang lẻ loi đón giao thừa một mình không có bố bên cạnh. Đến những con đường rợp lá, đến những lần theo người ta lên Chùa hái lộc đầu năm. Quỳnh nhớ đến tấm thẻ bài, chiếc giây đeo cổ mà sau cái ngày đổi đời, có một người đến trao và báo tin người ấy đã bỏ đi, đã đi thật xa, đi đến một nơi mà Quỳnh không thể tìm kiếm được. Đầu óc Quỳnh miên man, Quỳnh lại chợt nhớ đến hiện tại, đến chuyến bay hôm nay, đến người đàn ông đang ngồi trước mặt. Người đàn ông xa lạ mà Quỳnh vừa mới gặp, vừa mới quen nhưng đã có những cử chỉ lo lắng, săn sóc làm Quỳnh cảm động bối rối, một cái gì đó hình như không rõ rệt lắm trong Quỳnh.

- Quỳnh, Quỳnh đang nghĩ gì mà thừ người ra thế, ăn đi chứ!

Quỳnh giật mình quay lại khẽ nói:

-Quỳnh vừa nghĩ nếu trong chuyến bay này không có Ông Phú, không biết Quỳnh sẽ ra sao khi gặp thời tiết như thế này. Chắc Quỳnh sẽ hoảng sợ mà chết đi được.

Phú bật cười, chàng đùa:

- Vâng, tôi cũng nghĩ nếu không có Quỳnh hôm nay, tôi cũng không biết phải đón giao thừa như thế nào nữa!

Quỳnh đỏ mặt đưa ly rượu lên môi hớp nhẹ, Phú ân cần:

-Quỳnh ăn đi chứ, nãy giờ Quỳnh ăn ít quá.

Quỳnh xếp khăn bỏ lại trên bàn:

-Dạ cám ơn, Quỳnh dùng như thế đủ rồi ạ.

Nhìn đồng hồ Quỳnh hỏi:

- Đã đến giờ mình trở lại phi-trường chưa?

Phú nhìn nàng mỉm cười gật đầu, nụ cười âu yếm làm Quỳnh đỏ mặt, cuống quýt ngượng ngiụ, giả bộ kiếm đôi găng tay trong bóp và sửa lại chiếc khăn quàng cổ.

Đường phố vắng tanh, chờ mãi không thấy một chiếc taxi nào chạy ngang, 2 người thả bộ dài trên con đường trước mặt. Tuyết không còn rơi, những con gió lạnh buốt lúc nãy cũng không còn nữa. Quỳnh chợt trượt chân, lao-chao xuýt ngã, Phú nhanh tay đỡ lấy, ôm Quỳnh trong tay một lúc cho Quỳnh lấy lại sự thăng bằng. Hoi thở ấm với mùi rượu thơm của Phú vừa phả lên mặt làm Quỳnh choáng váng.

Phú âu yếm khẽ bảo:

- Quỳnh bước cẩn thận, khéo ngã.

Mặt Quỳnh đỏ bừng, cúi đầu bước đi, tay Phú vẫn đỡ nhẹ sau lưng Quỳnh. Một lúc, chàng chợt dừng lại, xoay Quỳnh sang đối diện hẳn với mình, nhìn thật sâu trong mắt Quỳnh, Phú hỏi:

- Quỳnh, Quỳnh có bao giờ tin vào định mệnh không?

Quỳnh ngước mắt nhìn Phú ngỡ ngàng, bối rối trong giây lát rồi lặng lẽ gật đầu. Hơi thở ấm, mùi đàn ông, lẫn với mùi rượu thơm của Phú làm Quỳnh hồi hộp đến khó thở, chân Quỳnh như đứng không muốn vững. Quỳnh chợt thấy một cái gì đó mới lạ vừa xảy ra, vừa đến với nàng. Quỳnh chợt quên, quên tất cả, quên tấm thẻ bài, quên luôn cả ngày tháng rong rêu vàng úa. Đôi mắt to tròn không còn thấy thảng thốt như con chim bơ-vơ lạc lõng lúc Phú mới gặp. Càng nhìn Quỳnh, Phú càng thấy tim mình đập nhanh. Chàng rung động đến cuống quýt, sự rung-động mà Phú đã thiếu vắng từ lâu, ôm Quỳnh trong tay, Phú từ từ cúi xuống... Bầu trời chợt cao hơn, trong vắt hơn và hình như có vài vì sao vừa xuất hiện trên bầu trời còn đen thẫm. Phú cảm thấy vui, Phú cảm thấy yêu đời, kéo đầu Quỳnh sát vào vai chàng, hai người bước đi, những bước thật chậm, Phú chợt hát lên nho nhỏ:

"Anh đến thăm Em đêm 30, còn đêm nào vui bằng đêm 30, Anh nói với người phu quét đường, xin chiếc lá vàng để làm bằng chứng yêu Em..."260

No comments:

Post a Comment