May 6, 2007

Lấy Chồng Khác Làng





Một phiên chợ áp Tết, những đứa trẻ phụ việc cho mẹ, chúng lớn lên được hai nhà gả cho nhau, đám cưới trong trận mưa rào đầu mùa, rồi lễ cheo ở đình làng, rồi người đàn ông đi buôn xa bị hổ ăn thịt, người đàn bà vẫn giữ lễ về quê chồng giỗ với đứa con bây giờ "chân nó dài bằng cái sào nứa"... Với bấy nhiêu tình tiết, bấy nhiêu câu chuyện dằng dặc gần cả một đời người, cùng rất nhiều những thói tục của làng Bắc Bộ xưa được gói trong truyện ngắn vẫn thênh thang rất thú vị này.

~~~~~~~~~~~~~~~~~~~~~~~~~~~~~~~

Thật thì cũng làng trên chạ dưới trong hàng huyện, chẳng xa mấy. Đứng gốc cây đề ngoài cổng đồng trông qua bờ đìa, mờ mờ trong lùm cây muỗm cổ thụ nhô lên hai cái cột trụ tam quan đình, những hôm quang trời, bên này cũng thấy được lằn đê chắn ngang tầm mắt. Thế mà ngỡ như đám mây trắng mùa hạ lững thững mãi mới sang đến bên ấy. Nghĩ ra thì là cách trở, cả đời cô Vải cứ tưởng như thế.
Mấy phiên áp Tết, chợ huyện đông như nêm cối. Bà Chồi quảy ống dang ra chợ. Vườn nhà bà có búi dang, tết nào cũng được vài gánh, đỡ tiền chợ. Vừa khéo, vào một chạp, những bụi dang vừa già ống, chẻ lạt được. Tết nhất, mái bếp nhà nào cũng giắt nắm lạt, lắm việc phải cần đến.
Ở chợ, có những mặt hàng chỉ Tết mới có bán. Bác tuần chợ xếp cả ra bãi ngoài. Gánh lá dong, ống dang, những quảy thùng mật, lão hàng gáo dừa, chợ Tết người ta sắm bó đũa, cái gáo, cái muôi mới, mấy con bò buộc tận ngoài rệ sông, bò rống ò ò lẫn tiếng lợn eng éc trong rọ.
Chợ trước, gánh ống dang của bà Chồi đến nửa buổi đã hết tiệt. Cũng đã đào, chặt ống cả trăm cái, nhưng còn phơi nóc chuồng lợn, chưa se mặt. Phiên này phải đi hai gánh dồn một mới có thể đủ bán. Bà Chồi nhấc gánh rồi nói:
- Cái Vải ra quảy đỡ cho tao mấy được.
Vải buộc thành bốn bó dang nặng. Vải quảy, mẹ chỉ phải vác một bó. Chưa đến nửa buổi, cả gánh dang còn có mấy ống điếc, ống lép. Hàng bên kia, bà bán mật đong không ngớt muôi. Hàng ống dang, hàng mật chạy tay, nhà nào chẳng gói bánh, cột bếp lại lủng liểng miếng thịt bò quấn lạt, rồi nồi chè con ong, chè bà cốt ngọt lừ.
Bà hàng mật hấp tấp sang hàng bà Chồi:
- Nhờ bà để mắt trông giúp hàng nhà cháu một mảy. Quái, cái thằng chết toi, chỉ sai đi chặt mấy cái ống nứa đựng mật mà mất mặt từ nãy.
Rồi bà lão chạy qua đám chọi gà đầu bãi thì thấy thằng con dựng đứng ống nứa bên nách, đương chầu hẫu xem đá gà - hay là nó cũng đánh gá, người chăm chú, người tíu tít cá cược. Mấy tay chủ gà loay hoay mặt đỏ lựng hay đỏ cay cú.
Con trai bà bán mật ngồi ngây mặt ra. Bà lão kêu "Chết thật! Chết thật!". Rồi, vào lôi ngật nắm tóc đuôi hoa voi. Thằng con phải chống hai tay xuống như con gọng vó mới khỏi ngã ngửa ra. Rồi nó đứng lên vác bó ống nứa cong cổ chạy.
Chỉ một chốc, những ống dang, những ống nứa đựng mật đã hết sạch. Hai bà lão thong thả ăn trầu, môi cắn chỉ nhai bỏm bẻm. Thằng con trai xách những thùng mật ra bờ sông té nước gột. Cái Vải nhà bà Chồi đã lồng quang gánh để đấy, vào trong chợ, dạo xem hàng tết.
Bà bán mật vuốt quết trầu bám mép hỏi bà Chồi: - Cái cháu quảy dang là thứ mấy nhà ta?
- Cháu thứ ba bà ạ.
Bà bán mật hỏi ngay một câu: - Bà cho tôi nhá?
Bà Chồi còn chưa biết thế nào, bà kia quết vôi lấy miếng trầu mời đon đả: - Cái thằng quảy mật ấy.
Rồi đưa bà Chồi miếng trầu mới têm. Bà Chồi nhổ bã trầu vào gốc cây, quay lại nhón tay lấy miếng trầu mới của bà bạn hàng. Và nói:
- Ối chà, con Vải nhà tôi ấy à, có nhớn mà chẳng có khôn đâu. Bà xem đấy, mặt trời đã lấp bóng đa rồi mà còn lượn chợ, rõ con nhà.
Bà bán mật lại vuốt mép, nhổ quết trầu rồi cũng nói ồi ồi:
- Thì cái thằng hai nhà tôi cũng như cái đụn rạ. Đấy, đi theo đỡ mẹ mà lại rúc vào đám chọi gà.
Câu chuyện qua lại mắng vui mắng yêu giữa hai bà về con cái mà rồi nên duyên chúng nó.
Tháng ba năm ấy, cô Vải lấy chồng bên Lở. Bấy giờ đã có mưa mới. Những trận mưa rào đầu mùa như mưa dứ, chốc ào ào chốc tạnh; con ngòi ngoài đìa có lúc nước ngập đến gối, đến bụng.
Họ nhà trai sang đón dâu, các lão ông lão bà, các cô phù dâu thoạt chỉ xống áo như người đi làm đồng. Người xắn quần, người ôm váy, bì bõm lội. Sang đến đồng Lở, đám rước dâu ghé vào cái quán gốc cây muỗm, như khách đường xa nghỉ chân. Bấy giờ mới lấy trong tay nải ra những buồng cau, những hũ rượu. Rồi thì áo the, khăn vố của ông cầm hương, các bà váy chồi thâm lồng ngoài váy nâu da bò, các cô thì khăn vuông mỏ quạ tua dây hoa đỏ . Chú rể đi lẫn trong đám trai, áo năm thân nhuộm cậy.
Đã tinh tươm ra đám đón dâu. Đi vào đường làng, ông cầm hương áo the khăn lượt chít, vừa lội ngòi quần xắn móng heo, vẫn đi chân không - cả đám rước dâu chân đất, chả cứ một ông cầm hương. Hương đen thơm nghi ngút trước hai người đội mâm cau, mâm rượu phủ vuông lụa điều.
Vào trong xóm, nhấp nhô người lớn trẻ con các ngõ đổ ra. Trẻ con cuống quýt chăng dây, vớ được dây mướp, dây gấc, cái thắt lưng dải yếm cũng chăng ra - chỉ kiêng không được chăng thừng. Chằng chịt như mạng nhện, những cái dây cản bước, như không muốn người con gái đi lấy chồng làng xa. Âậy thế nhưng đã có người nhà trai lo sẵn, xong cả. Trẻ mỏ chỉ khó cho thêm vui. Mỗi cái dây nhận một phong bao giấy điều. Mở ra, thấy mấy đồng chinh, đồng kẽm, đứa nào cũng hí hửng, giựt giây mở đường.
Đám đón dâu có lời nói trước, đôi bên đã thoả thuận từ con lợn, thúng gạo, gánh rượu, quan tiền. Nhà trai nhà gái ăn cỗ mỗi bên, bởi vì đường đất cách trở, hai họ chỉ miếng trầu và chén rượu hả hê rồi lễ tạ xin dâu về.
Đám rước dâu đã ồn ào ra đến đầu ngõ. Bà Chồi đứng trong cổng ném vốc muối theo rồi cúi mặt, quay vào. Còn Vải thì cảm thấy đi đâu chưa biết, nhưng thế là xa nhà từ đây. Nước mắt Vải đẫm cả hai bên má.
Rước dâu về, hai họ lại tay nải đeo vai, xúm xít hỗn độn như đi chợ tết. Mặt trời đã ngả đằng sau chân tre, sương mờ khắp cánh đồng. Hai bên bờ nghe tiếng nhái, tiếng chẫu.
Vải ngước mặt lên, chỉ thấy bóng tối mờ mịt. Mới vài bước đường mà xa, sao mà thật xa.
Lội xuống ngòi, đã nhá nhem tối, tiếng chân bì bõm, nhưng chẳng trông thấy chân ai. Vải quay nhìn lại bóng tối lần nữa.
Được mấy hôm, ăn cỗ lại mặt rồi, vợ chồng Vải về làng ngoại làm lễ nộp cheo. Lấy chồng làng khác, lệ phải có lễ cheo mới được làng nhận rể.
Chồng xách cái rọ mới đan nhốt con gà trống thiến, con gà mái r1887

No comments:

Post a Comment