Jan 5, 2009

Vỡ Tháp





1-
Sau khi thấy tên mình trong danh sách những người bị bãi việc vì công ty thua lỗ, tôi nghĩ ngay đến một chuyến đi xa. Chắc là phải đi xa. Đây là cơ hội duy nhất để tôi thoát ra khỏi cái thế giới chật hẹp của tôi. Hơn ít chục năm nay, hầu như tôi cứ lẩn quẩn mãi với những công việc liên quan đến miếng cơm manh áo. Hoặc khá hơn một chút nữa là vùi đầu vào một mớ sách báo nói nhăng nói cuội về lịch sử loài người, về những hành tinh xa vời, về những chuyến bay trên không gian, về những thế giới không tưởng.

Không tưởng! Như thế nào là không tưởng? Không tưởng vì không ở gần tầm tay. Hay không tưởng vì bước chân người chưa đi tới ?

Wajkicasasamje Okijjugo!
Lật bản đồ trên thế giới, tìm khắp mặt sông hồ. Nơi nao trên trái đất có địa danh nầy? Gần mười hôm nằm nghiền ngẫm cho chuyến đi, tôi mệt dã dượi. Đi thì phải đi chứ, nhưng nên bắt đầu đi từ đâu? Sự phải-ra-đi lúc nào cũng canh cánh trong lòng, và không thể không đi được…

Hôm nay tôi vác cái túi vỏn vẹn có vài bộ quần áo, một ít lương khô, ít giấy tờ hộ thân cần thiết và quyết định lên đường.
Vừa ra khỏi nhà, một chiếc xe buýt chạy trờ tới và tôi phóng vội lên xe.
Xe sẽ đưa tôi đến chân trời nào, đến phương hướng nào, tôi không hề bận tâm. Tôi biết là tôi đang trên đường đi tìm một cõi an bình cho chính tôi. Tôi tự ý thoát ra khỏi cái chật hẹp của tháp ngà mà linh hồn tôi luôn thổn thức. Ra khỏi cái tháp ngà! A ha! biết bao thiên hạ đang ung dung tự tại trong tháp ngà với tiếng ca điệu kèn…

2-
Khi xe chuyển bánh, tôi ngả mình nằm dài trên nệm xe. Những tiếng động huyên náo xung quanh tôi cũng bớt dần rồi im hẳn. Tôi mơ màng nghĩ đến thành phố tôi sắp đến. Thành phố đó có điều gì bí ẩn mà tại sao trong những năm tháng đã qua nó luôn luôn ở trong tôi như một thôi thúc ?

Wajkicasasamje Okijjugo! tên gọi từ đâu tới mà sao nghe như quen như thuộc ? Đó có phải là âm vang của ký ức ? Đó có phải là một thành phố của huyền thoại ? Hay thành phố của một thời hưng phế nào đó trong một cõi xa xôi nào đó ?

***

“Xích vào ghế bên kia đi cha nội !”
Đi kèm với tiếng nói ồm oàm là một cái đá đau chết người vào khuỷu chân tôi. Tôi rút chân co người lại và choàng mắt ngó người bất lịch sự kia. Hắn xí xóa,
“Xin lỗi nhé! Kể ra thì đá có hơi mạnh”.

Mạnh là cái chắc. Còn giả vờ kể ra với không kể ra! Tôi tự bảo thầm như vậy, rồi ngồi thẳng người lên, đầu dựa vào thành ghế, mắt nhắm nghiền định ngủ tiếp. Người lạ khều tay qua làm phiền tôi,
“Ông bạn co giò lên cho tôi nhét cái túi xuống dưới ghế tí coi.”
Tôi lại nhổm người đậy và mở mắt liếc nhìn hắn. Rồi lẳng lặng không nói gì, tôi co hai chân lên. Cái túi màu đen hơi quá khổ nên hắn không nhét hết vào dưới ghế được, hắn cứ rút ra đẩy vô một lúc, rồi cuối cùng giã lã,
“Thôi thì thế nầy cũng được. Ông bạn có thể cho hai chân ngơi nghỉ trên cái túi của tôi. Nhưng nhớ đừng đạp mạnh đấy nhé ! Trong đó có nải chuối…”
Tôi bực dọc,
“Mẹ kiếp ! ông ở đâu tới mà cứ như là cha tôi ấy.”
Hắn lại cười,
“Sorry, sorry. Chốc nữa xe dừng ở trạm sắp đến, tôi sẽ thu xếp cho bạn được thoải mái hơn. Bây giờ tối quá, chả thấy gì cả.”

Quả thật trong xe tối om om. Tôi nhìn vào cái đồng hồ dạ quang đeo ở cổ tay. Chín giờ rồi cơ đấy. Như vậy là tôi rời nhà đã hơn mười hai tiếng. Lên xe buýt. Xuống xe buýt. Đi lang thang một lúc. Ma đưa lối quỷ dắt đường như thế nào lại dẫn xác đến ngay trạm Greyhound. Người bán vé cho biết Greyhound đang “on sale" . Một vé khứ hồi trên khắp nước Mỹ và có thể qua tới Canada chỉ có năm mươi chín đồng … Đi thì đi. Thế là đi. Tang bồng hồ thỉ nam nhi chí. Tôi cười mỉm một mình trong bóng tối và lan man nghĩ tới cái tang bồng rất bốc đồng nầy. Không thắc mắc một chút nào về con đường sắp đi tới. Lạ lùng thật ! Sự buông thả nầy làm tôi thấy thú vị lạ lùng.
Như một canh bạc đánh thẳng tay không sợ thua. Đánh không sợ cháy túi ! Tôi gật gù,
”So far so good.”
“What do you say.” ? Ông đã thức dậy rồi ư ?”
“Vâng. Ông làm tôi hết ngủ được. Có thuốc lá không, cho một điếu.”
Hắn nhổm người lên một chút, rút bao thuốc khỏi túi quần, lịch sự mồi thuốc rồi đưa qua cho tôi.
Tôi hít được vài hơi, chưa kịp thưởng thức được trọn vẹn cái khoái lạc của mùi thuốc lạ, thì có tiếng tru tréo từ ghế phía trước,
“Bác tài ơi ! Có người hút thuốc trong xe. Tôi ngộp thở chết mất thôi !…”
Tôi dụi ngay điếu thuốc. Niềm vui của mình là cái khó chịu của người khác…

Dòng tư tưởng của tôi bị cắt đứt khi người bên cạnh trầm giọng nói,
“Từ đây tới trạm mới phải mất hết một tiếng bốn mươi lăm phút. Bạn có thấy khó chịu vì cái túi của tôi không ?”
Tôi đâm ra dễ dãi,
“Không sao ! Tôi có thể ngồi như thế nầy cho đến khi trời sáng. Có chỗ gác chân cũng không đến nỗi nào. Chỉ sợ cho nải chuối của anh có thể bị dẹp mất.”
Hắn cười,
“Nải chuối cũng có số mệnh của nải chuối. Khi tôi bỏ nó vào trong xách tay, tôi không hề có ý nghĩ là nó sẽ nằm dưới sức mạnh của chân ai. Mà nay nó lại nằm dưới chân anh, thì tất nhiên nó phải đành cam chịu thôi.”
Tôi bật lên cười vì lời nói chuyện dí dỏm của hắn. Thấy thân thiện lạ lùng. Đưa tay ra bắt và giới thiệu,
“Art Lienen, tên tôi.”
“Hân hạnh ! Hân hạnh ! Bỉ danh là Gustave C , nhưng bạn bè thường gọi tôi là Craze Guff. Vợ tôi không thích cái tên nầy lắm, nhưng đôi lúc tôi thấy thoải mái với bằng hữu hơn là với bà xã…”
Hắn cười khì sau câu nói đó .

Craze Guff, cái tên cũng lạ! Tôi quay qua nhìn kỹ hắn hơn.
Đầu đội cái mũ dạ, miệng rộng và cằm vuông. Trong bóng tối, đôi mắt hắn sáng quắc và rất linh lợi. Đôi mắt như soi thấu tâm can tôi. Tôi quay tránh đôi mắt đó một chốc, rồi đột nhiên quay lại,
“Không nhẽ tôi đã gặp ông ở đâu rồi ? Hình như tôi đã gặp ông ở đâu rồi?”
Hắn cúi đầu. Câu hỏi của tôi chìm vào trong đêm sâu. Chiếc xe lao mình trên con đường dài hun hút của xa lộ.
Chỉ có bóng đêm và xe. Chỉ có tôi đối diện với lòng tôi, một khoảng trống ngút ngàn…



3-
Xe đến thị trấn Jonhatanburgs lúc một giờ trưa. Trời nắng chang chang và gió thổi hâm hấp rất khó chịu. Mồ hôi tôi vã ra như tắm. Tôi ước ao được nhảy tõm xuống một hồ bơi, lội ít vòng cho đã.

Craze Guff lại gần, chìa cho tôi một trái cam đỏ ối. Ban ngày tôi được nhìn thấy hắn rõ hơn. Đó là một người đàn ông to lớn, với một vầng trán phẳng lì và cái nhìn cực kỳ thông minh. Ở hắn toát ra một vẻ gì rất vĩ đại %2
C mà tự dưng tôi cảm thấy mình rất nhỏ bé và tầm thường khi đứng gần. Tôi lăn qua lăn lại trái cam trong hai tay, rồi ngửng đầu lên hỏi người đối diện một câu rất vô duyên,
“Không biết nải chuối bị dẹp có còn ăn được không?”
Hắn cười, giọng vỡ như sấm,
“Nải chuối đó không ăn được vì không phải là chuối thật.”
Hẳn tỉnh bơ khi thấy tôi nhún vai. Hắn kiên nhẫn giải thích,
”Nó được làm bằng một chất sáp đặc biệt, khi gặp thời tiết thay đổi bất thường thì sẽ biến dạng…”
“Như gặp cái nóng bây giờ, nó sẽ trở thành trái cam?”
Hỏi xong, tôi cảm thấy mình thật vô duyên. Nhưng Craze Guff hình như không màng đến điều đó. Anh ta điềm nhiên trả lời,
“Bạn nghĩ trái cam trong tay bạn không phải là của thật ư ? Không. Không. Của thật đấy. Ăn đi cho mát lòng.”
Không đợï tôi hỏi tiếp, hắn tiếp tục,
“Cái nóng bây giờ chẳng thấm tháp gì với sức nóng vạn năng của mặt trời khi ta đến gần. Nải chuối của tôi có mười hai trái như mười hai ngón tay. Mỗi ngón tay được chế bằng một chất sáp khác nhau, những chất sáp nầy có những khả năng đối kháng khác nhau.”
Tôi tròn xoe mắt kêu lên,
“Thực là khó hiểu ! Thực là khó hiểu! Tại sao không là mười ngón mà là mười hai ? “
“Mười hai ngón sẽ dùng sau khi ta đi xuyên qua mười hai lần mười hai vạn ngàn lớp khí quyển để vào không gian…Mười hai độ bay vô cõi Vô Ưu. Mỗi một ngón tay tan đi cho ta ước tính được khoảng xa gần của Hỏa tinh để tránh những bất trắc…”
Tôi đang ngơ ngác với những lời hắn nói thì Craze Guff dịu giọng,
“À nầy, bạn không để ý đến con số mười hai ư ? Người Á Đông họ có mười hai con giáp.... Một năm có mười hai tháng. Một ngày có hai lần mười hai giấc…”
Tôi thực tình không hiểu hắn muốn nói gì. Lồng ngực của tôi như muốn nứt ra. Tôi lắc đầu tỏ vẻ không thích thú lắm với câu chuyện kỳ quái của hắn.
Craze Guff nhún vai, bỏ đi. Tôi nhìn theo bóng dáng cao lớn dềnh dàng của hắn đang khuất dần sau đám cây xém lá.
Rắc rối ! Cuộc đời sao có lắm người bày ra nhiều trò thật rắc rối...

Tôi bóc cam ra ăn. Những múi cam mọng nước và ngọt lịm như đường. Cam đi tới đâu mát rượi đến đó, và trong tôi một nguồn sinh lực vô bờ tràn dâng.. Sinh lực. Mọng nước. Ngọt như đường. Tôi miên man nhớ tới đôi môi người tình năm xưa. Môi của nàng cũng ngọt nồng như thế. Em ! Bây giờ em đang ở đâu ? Bây giờ em đang ở đâu ? Lòng tôi bỗng quay quắt một trời thương nhớ…


Craze Guff trở lại. Hắn bảo xe sắp rời bến. Tôi theo gót hắn trèo lên xe tiếp tục cuộc hành trình. Người đàn bà chanh chua ngồi ở ghế trước không còn nữa, thay vào đó là một hành khách mới. Tên nầy cao và ốm lom nhom. Hắn ngồi dựa mạnh ra phía sau làm thân ghế suýt chạm vào mặt tôi. Mỗi lần hắn ẩy người là mỗi lần tôi phải thụt đầu lui rất khó chịu. Craze Guff liền ra tay tế độ. Hắn đập mạnh vào thân ghế của cái gã kia. Tên nầy tức thời đứng dậy vung tay. Nhưng khi đôi mắt hắn chạm phải cái nhìn như lửa của Craze Guff, hắn có vẻ lưỡng lự giây lát. Rồi lầm lì ngồi xuống. Và ngồi đàng hoàng. Tôi thở phào nhẹ nhõm…



4-
Chúng tôi đã đi xuyên qua rất nhiều ruộng đất khô cằn sỏi đá. Cỏ cháy xém ngọn buồn hiu. Lâu lắm mới thấy một bụi cây lơ thơ ít cành trơ trụi lá. Lãng đãng ở cuối chân trời có từng vòm bụi đỏ, trông xa như những cánh sen đang vươn lên trong sương khói, trong cõi mơ hồ. Đầu óc tôi chập chùng vô định.
Người bạn đồng hành nghiêng đầu qua nói nhỏ,
“Lúc nãy có người ghé qua xét giấy nhưng bạn ngủ say quá nên hắn không nỡ đánh thức.”
Tôi im lặng không trả lời.
Hắn tiếp tục,
“Bạn sẽ xuống bến nào ?”
Tôi không trả lời. Biết trả lời như thế nào bây giờ. Tôi mua vé để được ngồi trong xe, theo xe đi đến chân trời góc bể, đi cho mòn mỏi cuộc đời, đi cho tâm hồn dại khờ ra. Đi để được đi. Còn nơi chốn đến ? Tại sao tôi phải âu lo về nơi chốn sẽ đến ? Vả lại, nếu tôi nói cho hắn biết tên thành phố tôi muốn đến là Wajkicasasamje Okijjugo thì hắn sẽ có dịp cười vỡ mật ra, cười són đái ra à ?
Trong bản đồ thế giới đâu có nơi nào ghi tên cái thành phố lạ lùng đó. Làm sao tôi có thể trả lời câu hỏi của hắn khi chính tôi cũng không giải đáp được cái dấu hỏi to tướng trong đầu óc tôi ?


Tôi lách mình qua hai hàng ghế chật hẹp để đi về hướng nhà cầu ở phía cuối xe. Ở đó, tôi đụng đầu với cái anh chàng cao lêu nghêu. Cái anh chàng ngồi phía trước đã từng có lúc làm phiền tôi ấy mà.
Thấy tôi, hắn nheo mắt. Đôi mắt sao sắc như gươm, cái nheo đủ sức nghiến đời tôi làm hai mảnh. Tôi thấy đau ở buồng ngực và gập mình lại. Hắn cúi xuống đỡ tôi, miệng lắp bắp,
“Nầy ông bạn, ông bạn không sao chứ ?”
Tôi rùng mình khi hai bàn tay hắn chạm vào da thịt tôi. Một làn khí lạnh như băng chuyền vô thân thể tôi, qua ngũ tạng rồi nguội dần.
Tôi hổn hển,
“ Không sao, tôi không sao. Xin cám ơn.”
Tiếng hắn nói, nhẹ như hơi thở ,
“Tôi tên là Mun Yokalov.”
Chưa kịp để tôi được tự giới thiệu, hắn lách mình vào cái cửa nhỏ của nhà cầu khi người ở phía trong bước ra.

***
Đang chạy êm ru tự dưng xe lắc lư như đang đi vào một con đường có nhiều ổ gà. Người tôi cũng lắc lư theo xe. Nước tiểu chảy lỏng tỏng xuống lỗ của cái bàn cầu nhỏ xíu bắn tung tóe ra ướt cả hai ống quần.
Xe lại thắng mạnh làm tôi chúi mũi suýt đập đầu vào vách. Cây bút mực gắn ở túi áo văng ra rớt vào cái bồn rửa tay bằng thiếc. Trong đó, ai đã bỏ quên một mảnh gương soi hình tròn bọc bạc rất đẹp. Tôi kéo phẹc-mơ-tuya lên cài quần, mắt dán vào bồn rửa. Cây bút nằm bên cạnh gương ngời sáng lạ kỳ. Mắt tôi hoa lên, thấy hình như cây bút di động. Như có dòng chữ múa. Bút viết trong đầu :

Dỗi hờn của em
Bồng bềnh trên sông

Thơ ngây của em
Một dúm trăng non

Tinh chất của em
Ngọc nát vàng tan...
(hkkm)

Tôi đưa tay lên đè ngực. Ngọn sóng lòng như trào lên. Tôi vục đầu xuống bồn thiếc, hoang mang. Mảnh gương nhỏ lấp lánh hai chữ MY quấn vào nhau ở phía góc mặt. Hình như gương mà không phải gương. Hình như trăng mà không phải trăng. Hai thế giới mộng và thực đang quyện vào trong nhau để ép tôi vào giữa một trạng thái vô bờ.
Tôi tự hỏi tôi đang ở đâu. ..Là ai ? Là ai ? ….







5-
Chiếc xe đò từ từ tấp vào bên vệ đường và dừng lại trước một ngôi quán bằng gỗ nằm gần bên con lộ. Tiếng người tài xế văng vẳng qua máy phóng thanh cho biết xe sẽ dừng ở đây trong vòng mười lăm phút. Mọi người lục tục xuống xe để giãn gân cốt.

Nắng chiều đã dịu, trời mát và gió thổi rất nhẹ.
Trên đường lộ có nhiều sỏi màu đen bóng. Tôi lấy mũi giày ủi ủi lớp sỏi. Một đám bụi màu tro than bay lên bám tận gấu quần. Có lẽ họa hoằn lắm ở đây mới có một cơn mưa, vì hai bên vệ đường cỏ mọc từng bụi nhỏ lưa thưa có màu xam xám…

Từ lộ vào ngôi quán phải đi qua một mảnh đất nhỏ có kê hai cái băng ghế bằng gỗ cũ kỹ. Nhìn mặt ghế rất thảm hại với những vết hằn ngang dọc sần sùi loang lở những vết son đỏ tàn tạ, tôi liên tưởng tới da dẻ của người góa phụ hàng xóm đã về chiều luôn chểnh mảng trong việc săn sóc nhan sắc. Bà ấy hay biện minh bằng hai chữ cóc cần rất chối tai và gàn bướng, cho rằng cuộc đời bà coi như bỏ đi, coi như xong. “Thời gian là thủ phạm của mọi hủy hoại”, bà nói thế. Đôi khi tôi làm bà muốn điên lên khi cười cười nói rằng chính bà đã làm cho bà già hẳn ra với những ý nghĩ tương tự. Thời gian chưa hẳn là thủ phạm. Theo tôi, ta đang tự hũy hoại mình trước khi thời gian kịp hũy hoại ta. Bà la lên oai oái, kêu là tôi ác độc quá. Và tôi đã phải vội vàng nói .”sorry sorry "
liên hồi để bà nguôi giận… Bà liền hỏi,
“Thế thì tôi phải làm sao đây ?”
“ Làm sao đây ? Ôi dễ quá. Tại sao con người cứ dại dột nghĩ tới ngày chết làm gì. Phải biết chấp cái chết chứ. Ngày giờ nào còn sống thì phải biết sống cho ra hồn. Phải hưởng trọn từng tích tắc đồng hồ, và cứ mỗi giây sống được là mỗi giây lời. Khi nào Thần Chết đến thì đành đi thôi, vì không ai có thể sống muôn năm được”
Nghe tôi nói thế, bà thẫn thờ một lúc rồi lấy tay sờ sờ hai gò má. Dễ thường đang đổi ý, níu kéo thời gian chăng ?! Thực ra thì Debra, tên bà ấy, chỉ tròm trèm sáu mươi thôi, đâu đến nỗi nào. Như hai cái băng ghế này, chúng vẫn còn chắc nịch quá đi chứ, chỉ xấu nước sơn thôi...


Ngôi quán cô đơn một cách tội nghiệp, vì gần đó không thấy bóng dáng một sinh hoạt nào khác, chỉ là cánh đồng cát mông mênh tít mờ chân mây. Ngay trước mặt tiền của quán vỏn vẹn có một bảng nhựa màu trắng đã ngả vàng với giòng chữ “DONUTS & COFFEE HOUSE” sơn màu xanh dương. Gỗ ở bực thềm đã mục nhiều nơi, vì cứ mỗi bước chân của ai đó đặt lên là có tiếng ọp ẹp theo sau. Một người hành khách người Mễ Tây Cơ đi phía trước tôi khôi hài “Cứ như răng bà lão! “ làm vài người bật cười. Tôi cũng biểu đồng tình cười theo.

Tôi hỏi mua một gói thuốc lá, vài gói chips và một ly cà phê đen. Chủ tiệm là một người đàn ông khoảng trên dưới năm mươi. Đầu đội mũ cao bồi màu nâu sẫm, bên góc mũ có gắn cái lông trĩ dài, áo sơ mi màu xanh bạc lua tua những sợi dây nhỏ dính phía trước ngực, và ngay dưới tay áo cũng lòng thòng một mớ dây lua tua nữa.
Hắn đứng phía sau quày hàng, vừa không ngớt pha cà phê, hoặc gói bánh donut vào cái khăn giấy, vừa miệng bằng tay, tay bằng miệng đấu láo với khách rất vui vẻ. Hắn cho chúng tôi biết tên hắn là Travis.
“Travis Who ? “
“Travis Dumont “, hắn mỉm cười điềm nhiên trã lời.
Cái họ nghe như họ của người Pháp, tôi nghĩ, rồi phàn nàn cho có chuyện,
“Giá thuốc ở đây có vẻ hơi cao ? “
Travis xoa hai tay vào nhau,
“ Xin ông bạn thông cảm cho. Ở đây xa với tỉnh thành, hàng hóa mua phải qua nhiều chặng đường nên giá cả có cao chút đỉnh”
“ Dân cư xung quanh đây có nhiều không ông chủ ?“
“ Mười mấy gia đình, khoảng hơn năm mươi mống. Nhưng họ ở xa lắm, ở mãi tuốt trong kia, cách đây khoảng chừng vài chục dặm”
“Tiệm ông buôn bán khá chứ ?”
Travis lim dim cặp mắt, môi trề ra một chút rồi nói,
“Cũng tạm được. Cả ngày vắng như chùa bà đanh. Quán tôi chỉ sống được nhờ mỗi ngày có một chuyến xe bus đi ngang qua đây “.
“Một chuyến thôi sao ? “
“Vâng. Như quí ông biết đấy, dân cư thưa thớt như thế này nên chính quyền không đặt một cơ sở nào ở đây cả. Có chuyện gì liên quan đến hành chánh hay y tế là chúng tôi phải đi đến những quận lỵ lớn cách xa đây cả trăm dặm”
Hắn rít một hơi thuốc lá rồi nói tiếp “mà đặt làm chi cho tốn tiền của dân. Họ chỉ thuê một mình tôi bao sân là xong ngay. Ngôi quán này vừa là chỗ cho các ông dừng chân giải lao đồng thời cũng là tổng hành dinh của tôi “.

Khi nói tới chữ “tổng hành dinh”, Travis phá lên cười. Có thể trong suốt ngày của mỗi ngày, lúc hắn tiếp xúc với bọn khách như chúng tôi là lúc hắn sáng giá nhất. Mỗi ngày hắn đã cười như thế này một lần, mỗi khi có chuyến xe buýt ghé qua, và mỗi ngày chữ tổng-hành-dinh được lập lại, như một thói quen hay như một cố ý ?

Vì cái cười phá của hắn không được tự nhiên cho lắm , tôi lẩn thẩn nghĩ là hắn có một tâm sự gì đó. Một người trong bọn chúng tôi nhớm lên định hỏi hắn một câu thì hắn đã tiếp tục “ Tôi là sheriff của vùng này nhé, tôi cũng là người đại diện cho hãng xe đò Greyhound nhé, tôi cũng là .....”
“Là một bưu tá viên, vì tiệm của ông coi như là cái bưu điện địa phương “, tiếng một người vừa xô cửa vào nối tiếp lời của Travis.
Đó là người tài xế lái chiếc xe buýt cho chúng tôi. Hắn khệ nệ xách vào một cái túi vải trên đó có in hình con ó xanh với hàng chữ US Postal Service và một thùng giấy khá lớn vào. Bên ngoài thùng giấy có ghi địa chỉ của nơi đến là Platino Hills.




Platino Hills, Platino Hills ! Cái tên nghe thật mỹ miều. Nếu nhắm mắt quên hết mọi ưu phiền và nghĩ tới một chuyến hải hành, thì cái quán này không khác chi con thuyền nhỏ đang buông neo trên vùng biển lặng, mà sóng biển là những đụn cát vàng mơ nhấp nhô ngoài kia...

Tiếng Travis cất lên làm rung rinh bức tranh biển vừa mới thành hình trong đầu tôi. Hắn phân bua :
“Nhận thư, phát thư mà chả có đồng xu lương nào cả “ rồi quay qua người tài xế xe đò, hắn đon đả đổi giọng :
“ A, chào ông bạn ! Mấy năm rồi mới thấy ông bạn trở về với lộ trình này. Mạnh khỏe không bồ ?”
“Nhờ trời tôi cũng sống qua ngày. Lâu quá mới gặp lại, trông ông lúc nào cũng tốt tướng. Cô gì nhỉ ? À, cô Lola. Cô Lola vẫn khỏe chứ ?”
Tên chủ quán cười hề hề
“Xin cám ơn. Ối, nàng tiên của tôi lúc nào mà chả mạnh khỏe . Mình càng lúc càng già mà cô ả càng ngày càng dẻo càng dai“. Travis nheo mắt trả lời vừa đưa tay đỡ cái túi thư .
Anh chàng tài xế cũng không vừa:
“Thế thì nhất bạn rồi, tớ chỉ mong cho cái lão bà của tớ càng dẻo càng tốt ! “
Cả hai cùng phá lên cười vang rồi cùng trao đổi thủ tục hành chánh .
Hóa ra anh tài xế xe đò cũng kiêm luôn nhiệm vụ đem thư từ những thành phố lớn về những thôn làng xa xôi hẻo lánh.


Tôi tò mò đứng nhìn những hình ảnh treo la liệt trên vách quán.
Đập ào mắt mọi người là tấm bích chương quảng cáo hiệu xe đò Greyhound với một bản đồ to tướng ngang dọc những lộ trình xuyên bang. San sát bên nhau là hình những cầu thủ nổi tiếng của thế giới cắt từ những nhật báo nào đó và hình đào xi nê ăn mặc hở hang khêu gợï. Nhưng tôi chú ý nhất là khuôn giấy vàng úa của một bức tranh nằm dưới cùng, bên cạnh những mẩu giấy rao vặt linh tinh.
Đó là bản in một bức tranh của nhà danh họa Picasso. Nhìn nét vẽ của người nghệ sĩ tài danh này, tôi lặng người đi giây lát. Cảm nhận một sự quen thuộc lạ lùng.
Có thể nào ? Tôi nhớm bước đi ra cửa để rồi quay trở lại.

Nghe tôi ngỏ ý muốn mua bản in bức tranh cũ mèm đó, chủ quán đặt bình cà phê xuống bàn. Hắn xoi mói nhìn sâu vào mắt tôi một lúc, và không nói gì hắn gỡ bức tranh xuống.
Trao tranh cho tôi, lời hắn nói như trong mơ :
“ Lâu rồi có một ông ghé qua đây nhờ tôi đưa bức tranh này cho một người. Họ không nói tên người nhận là ai.Tôi có hỏi thì họ bảo đã có ghi tên ở đâu đó. Thấy bức tranh chỉ là một bản in tầm thường, chả quan trọng nên tôi nhận. Đã bao năm qua không thấy ai đếm xỉa đến nó. Ông là người duy nhất thích nó đấy, vậy thì cứ coi như vật đã tìm được chủ “
Tôi nói cám ơn và cũng không bận tâm mấy về những lời kể lể của hắn ta.
Khi cuộn tròn bức tranh lại, tôi thấy ở góc phải phía đàng sau tấm hình có một dòng chữ mực xanh đã nhòe. Ai đó viết rằng “Nghệ thuật là gạch nối giữa những...”. Tôi cố gắng vẫn không đọc được đoạn cuối câu...
“Nè ông ơi, xe buýt đã rồ máy rồi đó”, người chủ quán vỗ vai tôi nhắc nhở.
Tôi nói cám ơn thêm một lần nữa rồi hối hả chạy ra đường, phóc vội lên xe..




Craze Guff đã an vị. Thấy tôi, hắn thò tay lôi cái xách tay nằm dưới chân hắn lên và co giò cho tôi bước vào.Tôi hơi khựng người khi thấy vị hành khách ngồi bên tay trái của tôi không còn là ông lão đã từng chia xẻ với tôi một vài vui buồn trên đoạn đường từ Los Angeles đến đây. Thay vào đó là Mun Yokalov, người đã đụng đầu tôi hai lần trước kia. Hóa ra ông lão đã rời xe ở quán nước, và cái tên mà tôi ghét cay ghét đắng lại dời chỗ xuống đây!

Chiếc xe buýt chạy êm ru ngon trớn băng băng trên xa lộ.
Máy điều hòa không khí nhả những hơi lạnh mát rượi. Tôi rút bức họa của Picasso trong túi áo ra xem. Mảnh giấy in bức tranh đã úa vàng, nhưng đối với tôi, dù ở dưới dạng nào tranh Picasso vẫn luôn là một ám ảnh làm cho tôi xúc động khôn cùng. Tôi đưa tranh lui ra xa một tí để nhìn ngắm, để uống vào hồn những màu sắc sống động cuồn cuộn trong nhau.
Thế giới Picasso là thế giới huyễn thực: có nằm trong không có, tỉnh mà rất động, hạn hẹp mà vô song.Tranh Picasso đầy chất sáng tạo bởi lẽ khi càng nhìn lâu càng thấy nó biến thiên hình vạn trạng. Nhưng điều làm tôi bâng khuâng nhất là qua tranh của nhà danh họa này, đã có một lần , tôi bắt gặp được căn nguyên chìm nổi của chính lòng tôi. Đó là mối u uẩn của chính tôi quay cuồng lạc lối trong bao la của vũ trụ. Nghệ thuật vị nhân sinh phản chiếu muôn trùng bí hiểm nội tâm con người, nên nhịp thở của nhân sinh cũng là nhịp thở của vũ trụ.
Tôi cuộn tròn tranh lại. Giòng chữ ở sau bức tranh lại hiện ra “Nghệ thuật là gạch nối giữa những...”.
Tôi nhắm mắt định thần. Tiếng nói của tên chủ tiệm Travis Dumont lại vang lên, rõ mồn một,
“ Lâu rồi có một ông ghé qua đây nhờ tôi đưa bức tranh này cho một người. Họ không nói tên người nhận là ai.Tôi có hỏi thì họ bảo đã có ghi tên ở đâu đó.....Ông là người duy nhất thích nó đấy, vậy thì cứ coi như vật đã tìm được chủ “
Tôi giật nẩy mình. Trời ơi, sao lại lạ lùng thế ? sao lại có sự trùng hợp thần diệu đến thế kia?
Tôi tên là Arthur Lienen, gọi tắt là Art Lienen. Art Lienen. Art Lienen. Câu “"Nghệ thuật là gạch nối giữa những...." đúng ngay bon tên của tôi rồi ! Vậy thì tôi là gạch nối giữa những sự việc gì???? những biến cố gì???
Tôi rùng mình tóat mồ hôi. Sờ vai sờ cổ, sờ vào cả ghế ngồi. Vâng, đúng là tôi đây, con người bằng da bằng thịt, tầm thường quá mà! Tôi làm được tích sự gì để trở thành một gạch nối???

Craze Guff kéo tôi về với thực tại. Hắn nói xin phiền ông bạn nhấc chân lên cho tôi lấy cái xách tay. Lục đục kéo một hộp nhỏ ra, xong bỏ cái xách tay xuống, hắn nói cám ơn. Như có nghĩa là bạn để chân xuống được rồi. Và im lặng làm việc. Chắc là làm việc, tôi đoán thế, vì cái hộp hắn vừa mới lấy ra trông giống như một máy vi tính bỏ túi. Thỉnh thoảng máy phát ra những tia xẹt mầu tím, và hắn bấm lia lịa vào cái nút nhỏ. Tức thì trên màn ảnh con con hiện ra một bản phúc trình bằng những con số dài thậm thượt. Đôi mày Craze Guff cau lại, và rất nhanh, hắn bấm một tràng mật mã. Tất cả quả vượt quá xa sự hiểu biết của tôi.

Bên tay trái của tôi, Mun Yokalov ngồi im lìm đọc sách. “Động thuyết thượng thừa” của Abe Fujiyoto. A! cuốn luận đề này tôi cũng đã có lần đọc qua. Anh chàng này là một đại trí thức của viện nghiên cứu không gian NADSA của Nhật Bản. Sách được viết cách đây khoảng mươi năm, lập luận về cái giả thuyết cũ rích của Mariotte. Fujiyoto đi xa hơn, dẫn chứng rằng áp lực của khí thể không giản dị như người ta vẫn lầm tưởng. Những điều anh chàng nêu lên đã một thời trở nên những tranh luận bất phân thắng bại giữa giới khoa học gia. Sách của Mun Yokalov đang đọc được dịch bằng Nga ngữ. Đối với một người dốt đặc Nga ngữ như tôi, chữ nghĩa cũng bí hiểm như gương mặt ông khách ngồi cạnh ...

***
“Ông bạn đã thức dậy rồi ư ? “ tiếng của Craze Guff hỏi.
Tôi vươn vai đáp vâng. Hắn loay hoay cất vài thứ lặt vặt vào trong xách tay, đứng dậy quàng cái áo ấm vào rồi lại ngồi cúi xuống buộc giày.Tôi ngồi thẳng dậy, quay qua nhìn hắn, hỏi ông sẽ chuyển xe đi đâu. Hắn đáp rằng hắn có việc cần phải ở lại thị trấn sắp đến ít hôm, sau đó mới đi tiếp . Tôi xuýt xoa tiếc rẻ không được cùng hắn đi thêm một quãng đường nữa. Và bùi ngùi :
“ Bốn ngày đường vừa qua, ông đã rất tử tế với tôi. Xin cám ơn “
Hắn nói,
“Lu bu quá sức nên không được nói chuyện với ông nhiều “
“Tôi thấy ông khi nào cũng rất bận rộn, làm việc ngay cả khi đi du lịch “
Craze Guff cười xòa,
“Đi du lịch ? nghe có vẻ xa xỉ quá. Tiếc rằng tôi chưa có dịp được hưởng cái thú vị của một cuộc du lịch rong chơi thuần túy. Có nhiều thứ phải nghĩ tới quá, một ngày hai mươi bốn giờ đối với tôi không cảm thấy đủ. Nhưng trong chuyến đi này được biết ông, tôi thích lắm “
Tôi đáp nhỏ,
“Tôi cũng vậy...”
Hắn rút trong túi áo ra một tấm danh thiếp, vừa chỉ vào tên hắn trong đó vừa nói,
“Đây là tên thật của tôi. Mong có ngày chúng ta gặp lại”
Tôi nhận tấm danh thiếp. Tên của hắn ghi trên đó là Gustave H. Carlson, nhân viên trung tâm NASA, USA. Tôi trố mắt nhìn hắn.
Chính hắn đấy sao ? Craze Guff, người toàn nói chuyện trên trời dưới biển với tôi mấy hôm nay là một khoa học gia lừng lẫy của Hoa Kỳ đấy sao ? Trong vòng hai năm nay tiếng tăm của Gustave H. Carlson nổi như cồn qua những phúc trình viết về nguy cơ của thế giới địa cầu trong những ngày sắp tới. Bài viết đó làm rúng động hoàn cầu khi nói về những thiên thạch tìm thấy có dấu hiệu chuyển mình biến sinh thành một loài khác lạ, có trí thông minh vượt trội hơn chúng ta gấp bội lần....
Tôi bắt tay Gustave Carlson tỏ lòng ngưỡng mộ.
Ông ta nhìn tôi, đôi nhãn quan sáng rực. Những tia nhìn làm tôi chóa mất mấy giây, như mỗi khi mắt tôi chạm phải ánh sáng chói chan của mặt trời ngày tháng hạ.Tôi chịu đựng, không quay đầu đi chỗ khác. Gustave gật gù nói bạn khá lắm bạn khá lắm.Tôi nghe vui buồn lẩn lộn.
Rút ví ra trân trọng cất tấm danh thiếp vào, tôi tần ngần chưa biết nói gì thì Gustave chỉ tay vào một tấm hình trong ví của tôi :
“Cái hình này?”
Tôi ngắt lời “ Hình của mẹ tôi khi còn trẻ”
Ông ta gật gù khen mẹ tôi đẹp. Tôi nói mẹ tôi là người Việt Nam, mất từ khi tôi mới hai tuổi...

Gương mặt Craze Guff đột nhiên tái lại trong giây phút. Nhưng rất nhanh, hắn bước ra cửa. Điều lạ là trước khi rời xe, hắn quay đầu lại nhìn tôi không chớp mắt. Như muốn nói một điều gì. Lòng tôi bỗng nao nao.

1061

No comments:

Post a Comment