Dec 28, 2013

Tiền Bạc và Hạnh Phúc

Tác Giả: Đức Nguyễn

tiền là phương tiện tốt nhất để đạt được hạnh phúc. có lẽ, ai cũng công nhận điều này. nhưng chỉ hiểu đơn thuần như vậy thì rất dễ ngộ nhận bản chất của câu nói.

tiền chỉ là phương tiện, không phải mục đích.



thực sự thì vật chất mới trực tiếp đem lại hạnh phúc cho con người. một bữa ăn ngon làm cho bạn mãn thực, mặc bộ đồ hợp mốt khiến bạn sành điệu hơn, ngồi trên chiếc xe sang trọng làm cho bạn kiêu hãnh... nhưng tất cả những thứ đó đều phải mua bằng tiền, nên cứ bảo là tiền mang lại hạnh phúc cũng được. nhưng tiền cũng chỉ là một loại phương tiện, có phương tiện chỉ mới là điều kiện cần, bạn vẫn phải điều khiển phương tiện đó để đến cái đích cần đến, hành động "điều khiển" đó mới là điều kiện đủ. cái sai lầm phổ thông, dẫn đến ngộ nhận của con người là, họ cứ nghĩ rằng chỉ cần kiếm thật nhiều tiền thì sẽ dễ dàng có được hạnh phúc. kiếm thật nhiều tiền cũng giống như việc bạn đầu tư cho mình thật nhiều phương tiện vậy, dù bạn có 1 hay 10 hay 100 chiếc xe thì con đường bạn phải đi vẫn không thay đổi. cho nên việc đánh đồng sự sung túc (nhờ có nhiều tiền) với cuộc sống hạnh phúc là một hành động hết sức ấu trĩ. nhưng hầu hết mọi người đều mắc phải sai lầm như thế, và vô tình ngộ nhận phương tiện thành mục đích. hầu hết mọi người khi được hỏi ước mơ của họ là gì, thì đa số câu trả lời là kiếm được nhiều tiền hoặc trở nên giàu có. câu nói "thà khóc trên xe bmw còn hơn cười sau yên xe đạp" mà đa số đắc chí tin vào là một minh chứng. cứ cho là cười trên xe đạp thì không hạnh phúc đi, nhưng khóc trên bmw thì chắc chắn là bất hạnh, vậy thì câu đó chỉ có nghĩa nhằm so sánh để chọn lựa cái ít bất hạnh hơn mà thôi. rốt cuộc, dù có 10 chiếc bmw cũng vô dụng, vì cuộc sống hạnh phúc mới là thứ mà con người đang truy cầu.

vậy vấn đề không nằm ở số lượng, việc có nhiều hay ít tiền không quyết định hạnh phúc của bạn, mà chỉ cần có tiền là được. việc còn lại chính là xác định đích đến. người ta nói rất nhiều về hạnh phúc, ai cũng tìm kiếm hạnh phúc, nhưng tôi chắc không mấy ai có một khái niệm về hạnh phúc. hạnh phúc là gì bạn biết không? nếu không biết được cái mà mình cần tìm là gì, tức là bạn đang hoài công trên một hành trình vô tận.

hạnh phúc chỉ là cái bóng của nhu cầu.

niềm hạnh phúc của một đứa bé, đôi khi, chỉ đơn giản là được ba mẹ mua cho quyển truyện tranh. nhưng khi trưởng thành, tiêu chuẩn hạnh phúc của nó cũng bắt đầu thay đổi. đứa bé khi xưa bây giờ không còn vui khi được ba mẹ mua cho truyện tranh nữa, thay vào đó, phải là những món quà nhiều giá trị. một chiếc máy chơi game đời mới, một chiếc điện thoại sành điệu, một chiếc xe máy đắt tiền, hay một chuyến du lịch ngoại quốc. cũng là đứa bé đó, mà sao hạnh phúc bây giờ của nó khác xa hạnh phúc khi xưa?

rõ ràng là, hạnh phúc luôn đi liền với sự thoã mãn nhu cầu cá nhân. khi các nhu cầu của bạn được đáp ứng, bạn sẽ cảm thấy vui sướng mãn nguyện, và bạn vui tức là bạn đang hạnh phúc. vì thế, hạnh phúc không phải là một thứ hữu hình và cố định ở tương lai xa nào, để bạn gắng sức chạy đi tìm kiếm và bắt lấy như quan niệm sai lầm của hầu hết mọi người. ngược lại, hạnh phúc thường mong manh và vô định, nó luôn thay đổi theo chiều hướng tăng lên, theo sự hiểu biết và sở hữu của chúng ta. có phải bạn luôn mong ngóng một hạnh phúc cụ thể nào đó trong tương lai, vẽ ra một viễn cảnh đáng mơ ước và cố gắng thực hiện? còn nhỏ thì mong có được chiếc xe đạp, khi đã là cô cậu sinh viên thì mong được mua cho chiếc xe máy, ra trường đi làm thì ấp ủ có được căn nhà, lấy được vợ đẹp chồng giỏi. có gia đình rồi vẫn tiếp tục mơ tới một tương lai hạnh phúc nào đó (!?).

lòng tham của con người không có điểm dừng. đứa trẻ biết được giá trị của chiếc máy chơi game, nó sẽ không còn yêu thích viên bi nữa. và đó là lúc bi kịch diễn ra. nhu cầu của bạn càng lớn thì hạnh phúc sẽ càng khó đạt được, và càng xa vời tầm tay hơn. lúc đó hạnh phúc đã trở thành một món hàng xa xỉ.

tiền chỉ là phương tiện, nó có thể đưa bạn đến bến bờ hạnh phúc, hoặc cũng có thể điểm dừng là một gốc cây nào đó. nếu như bạn không biết nơi mình muốn đến là đâu, mà vẫn hăm hở chạy hết tốc lực.

No comments:

Post a Comment