Trang

Nov 28, 2006

Chiếc Lá Đầu Tiên



Em thấy không, tất cả đã xa rồi
Trong tiếng thở của thời gian rất khẽ
Tuổi thơ kia ra đi cao ngạo thế
Hoa súng tím vào trong mắt lắm mê say .

Chùm phượng hồng yêu dấu ấy rời tay
Tiếng ve trong veo xé đôi hồ nước
Con ve tiên tri vô tâm báo trước
Có lẽ một người cũng bắt đầu yêu .

Muốn nói bao nhiêu, muốn khóc bao nhiêu
Bài hát đầu xin hát về trường cũ
Một lớp học bâng khuâng màu xanh rủ
Sân trường đêm rụng xuống trái bàng đêm.

Nỗi nhớ đầu anh nhớ về em
Nỗi nhớ trong tim em nhớ về với mẹ
Nỗi nhớ chẳng bao giờ nhớ thế
Bạn có nhớ trường, nhớ lớp, nhớ tên tôi ?

- "Có một nàng Bạch Tuyết, các bạn ơi !
Với lại bảy chú lùn rất quấy"
- "Mười đấy chứ ! Nhìn xem trong lớp ấy !"
(ơi những trận cười trong sáng đó lao xao).
Những chuyện năm nao, những chuyện năm nào
Cứ xúc động, cứ xôn xao biết mấy
Mùa hoa mơ rồi đến mùa hoa phượng cháy
Trên trán thầy, tóc chớ bạc thêm.
Thôi hết thời bím tóc trắng ngủ quên
Hết thời cầm dao khắc lăng nhăng lên bàn ghế cũ.

Quả đã ngọt trên mấy cành đu đủ
Hoa đã vàng, hoa mướp của ta ơi .
Em đã yêu anh, anh đã xa rồi
Cây bàng hẹn hò chia tay vẫy mãi
Anh nhớ quá và chỉ lo ngoảnh lại
Không thấy trên sân trường - chiếc lá buổi đầu tiên.
825

Nov 27, 2006

Còn hơn cả đẹp



Một họa sĩ ngồi vẽ trong vườn cây ăn quả. Sau khi tác phẩm hoàn thành, ông hỏi bà chủ vườn:
- Bà thấy bức tranh đẹp chứ?
- Ồ, hay lắm!
- Mảng nào của nó làm bà hài lòng nhất?
- Từ khi ông ngồi đây, không có con chim nào dám đến ăn quả chín nữa.
2106

Tham quan "ăn" gì cho ngon



Nhân viên phòng đăng ký kinh doanh vốn có tiếng ăn bẩn nói với một ông chủ đang muốn chuyển nghề kinh doanh:

- Được rồi, tôi giải quyết đăng ký kinh doanh cho ông sớm. Nhưng về sau, có hàng gì rẻ, "ngon" phải đến gọi tôi "ăn" với nhé.

- Ông yên tâm, tôi không quên ơn ông đâu.

- Thế ông chuẩn bị kinh doanh ngành gì?

- Phân, gio, thuốc trừ sâu, vòng hoa phúng viếng và hộp đựng tro xương.

- !!!
1365

Nov 26, 2006

Biện hộ



Thầy: Sao em không ghi định lý vào vở?

Trò: Thưa thầy, em có ghi chú là : xem sách giáo khoa.

Thầy: Thế sao em không vẽ hình vào vở?

Trò: Thưa thầy, em có ghi chú là xem bảng.

Thầy: Cả bài tập em vẫn chưa làm là sao?

Trò: Thưa thầy, em có ghi chú là : xem sách hình học đấy ạ!

Thầy: ?!!



o O o



Trong lớp học, thày hỏi trò:

- Em đang viết gì vậy?

- Một bức thư cho chính mình ạ!

- Trong đó nói gì?

- Ngày mai em mới có thể biết được điều đó sau khi nhận thư.

1136

Nov 25, 2006

Hồ Tắm Chưa Có Nước



Giám đốc một Dưỡng trí viện tiếp đón phái đoàn quan khách đến viếng thăm một công trình kiến tạo mà ông rất hãnh diện.

Một quan khách nhìn qua cửa sổ thấy một số thân chủ nối nhau lên bàn nhún, nhảy xuống hồ tắm, bèn khen rằng:

Quả thật không thiếu gì cả, có hồ tắm như thế là tuyệt lắm rồi!

Ông giám đốc nở mũi:

Ấy, tôi nghĩ rằng tình trạng sẽ khả quan hơn nếu hồ này có nước.


2880

Về với nỗi khổ



Trên xe khách, một cô gái nước mắt chan hoà, đưa tay ra ngoài vẫy người đàn ông đi tiễn. Bà già ngồi bên cạnh thở dài thông cảm:
- Ngày xưa, mỗi khi chia tay chồng, tôi cũng mang tâm trạng buồn như vậy.
- Cháu đâu có sướng như bà, bởi vì bây giờ cháu phải về với chồng cháu đây.
2365

Nov 24, 2006

Anh Nhớ



Như con nít nhớ cà rem vậy mà
Như con dế trống đi xa
Một hôm nhớ đến quê nhà gáy chơi
Con dế thì gáy một hơi
Còn anh gáy hết một thời con trai


...


Cô bé ơi, anh nhớ em
Như má lúm nhớ đồng tiền đúng chưa
Như cà chớn nhớ cà chua
Như da em nhớ da-Ua ngọt ngào
Cái nhớ nhảy qua hàng rào
Chẳng thèm đăng ký cứ nhào vô anh
Xô ra thì thấy không đành
Nên anh ôm lấy rồi canh giữ hoài


...


Con kiến còn nhớ củ khoai
Huống chi tóc ngắn tóc dài nhớ nhau
Nhớ em không biết để đâu
Nếu để trên đầu thì tóc che đi
Để trong túi áo cũng kỳ
Lỡ đi đường rớt lấy gì chứng minh
Thôi thì giả bộ làm thinh
Hét lên "nhớ quá" một mình nghe chơi

2929

Chân Dung



MR1: Mày thấy hình chân dung của bạn gái tao thế nào?

MR2: Nàng có đôi mắt rất mơ huyền và khuôn mặt gơi hình sâu sắc.

MR1 (hí hửng): Cậu phân tích thật tuyệt vời.

MR2: Nhưng... mơ huyền mờ và xâu sắc xấu.
1224

Xá Tịnh Kỳ Hoàn



Ðọc kinh sách Phật, chúng ta thấy Phật thường thuyết pháp ở "Tịnh Xá Kỳ Hoàn hay Kỳ Thọ Cấp Cô Ðộc viên" cũng thế.

Ðược truyền tụng hơn hết, Tịnh xá này là công trình kiến tạo to tát của ông Tu Ðạt Ða, một Phật tử tại gia thuần thành tên tuổi được hậu thế luôn luôn nhắc nhở.

Tu Ðạt Ða, người ở thành Xá Vệ, xứ Ấn Ðộ, là tôi đại thần của vua Ba Tư Nặc và là một nhà giàu có  nhất thời bấy giờ. Tánh tình hào hiệp ưa cứu giúp kẻ cô bần, hay làm việc bố thí, thi ân, khoan hồng với người dưới, khắp xứ đều biết danh, ông được người thời bấy giờ gọi tặng là Trưởng giả "Cấp Cô Ðộc".

Tu Ðạt sanh được bảy người con trai. Chúng đều khôn lớn cả và có gia thất, trừ cậu út. Hình dung tuấn tú diện mạo khác thường, chàng có ý tự mình lựa chọn bạn trăm năm. Trưởng giả mới nhờ một thầy Bà La Môn tìm nơi mối lái.

Một hôm thầy Bà La Môn đến hóa trai ở một nhà nọ tại thành Vương Xá.

Một người con gái xinh đẹp tuyệt trần, đem vật thực ra dưng. Hỏi ra mới biết là ái nữ của Trưởng giả Hộ Di. Thầy yêu cầu xin tiếp chuyện với phụ thân của nàng. Thiếu nữ vào trong thưa lại, một chập sau thầy được ra mắt Trưởng giả và lấy thật tình tỏ ý mình muốn tác thành cho hai họ.

Vì đã được nghe đại danh của Trưởng giả Tu Ðạt Ða chẳng những là người giàu có muôn hộ, hay cứu giúp kẻ nghèo đói, cô bần, mà còn là một vị đại thần quyền thế ở thành Xá Vệ, nên không ngần ngại gì; Hộ Di vui lòng hứa lời cho đàng trai bước tới.

Nhân dịp có người khách buôn dong xe về Xá Vệ Bà La Môn liền gởi một phong thơ báo tin lành, ông Tu Ðạt tức tốc khởi hành, cho gia nhân chở theo rất nhiều châu báu.

Lúc đến nơi, thầy Bà La Môn đưa ông tới nhà ông Hộ Di. Ðàng gái hết sức vui mừng, tiếp rước trọng hậu. Nhận thấy tôi trai, tớ gái tấp nập cỗ bàn, Tu Ðạt Ða mới hỏi thăm duyên cớ. Trưởng giả Di cho biết sáng hôm sau ông sẽ làm lễ cúng dường Phật và chư Tỳ kheo Tăng.

- Phật là gì? Tu Ðạt hỏi

- Quan huynh chẳng nghe ư? Con vua Tịnh Phạn ở thành Ca Tỳ La Vệ, tên Tất Ðạt Ða, vì thấy khổ, sanh, già, bệnh, chết, buồn lòng không vui thú gia đình, bèn bỏ cung điện đi tu, sau sáu năm khổ hạnh, được trí huệ đầy đủ, thắng chúng ma vương, tự tại thần thông, quan minh chiếu diệu được người xưng tôn là Phật.

- Còn thế nào gọi là Tăng?

- Tăng chỉ các vị đệ tử của Phật đều là bậc sáng suốt giải thoát, có thể vì chúng sanh làm đám ruộng phước.

Tu Ðạt vui mừng vô hạn hỏi tiếp:

- Chẳng hay Phật và chư Tăng ở đâu?

- Tại một Tịnh Xá trong vườn Trúc (Trúc Lâm).

Trong đêm ấy Tu Ðạt Ða sanh lòng kính tin, lăn lộn không ngủ, trông mau trời sáng để đến ra mắt Thế Tôn.

Vừa bình minh ông đã trổi dậy, hỏi hướng rồi ra đi.

Tịnh xá Trúc Lâm vẫn còn yên tịnh, sương lạnh phủ dày, các Tỳ kheo còn đang thiền tọa. Tu Ðạt Ða đang ngơ ngác, thì đàng xa có bóng người tiến đến. Thì ra đó là Ðức Phật, bởi biết trước nên xuất thiền ra ngoài kinh hành. Vừa trông thấy tướng mạo nghiêm trang, oai nghi, đĩnh đạt của Ngài, Tu Ðạt Ða mừng quá quên cả lễ phép:

"Thưa ông, không biết đức Cù Ðàm đã dậy chưa? Ngài ở đâu? Tôi muốn gặp liền bây giờ được chăng?" Ðức Phật vui vẻ chỉ chỗ mời ngồi, rồi ôn tồn hỏi: "Ông tìm đức Cù Ðàm có việc chi? Chính tôi là người ông đang tìm".

Biết là Ðức Phật và cảm kích trước lời nói của Ngài, Tu Ðạt Ða liền cúi mình làm lễ và tha thiết bạch rằng: "Lạy Ngài rũ lòng thương xót, mở lòng dạy bảo cho kẻ đệ tử đầy tội lỗi này!".

Ðức Thế Tôn bèn nói Pháp: khổ, không, vô thường, vô ngã và Niết Bàn yên vui vắng lặng cho ông Tu Ðạt nghe. Khi nghe xong, ông quá đỗi vui mừng, liền nhiễm Thánh pháp, đắc quả Tu Ðà Hoàn, thí như miếng lụa trắng dễ ăn màu nhuộm. Trưởng giả bèn quì xuống, chấp tay lạy Phật: "Bạch Thế Tôn, những người ở thành Xá Vệ nghe pháp có thể dễ thâm nhiễm như con không?" Phật bảo: "Ông vì túc căn nên mới sớm ngộ như thế không phải ai cũng ngộ như vậy đâu. Vả lại dân thành Xá Vệ phần nhiều tin theo tà giáo, khó mà nhiễm thánh pháp". Tu Ðạt bạch Phật: "Cúi xin Ngài thương xót, rủ lòng đại từ quang lâm Xá Vệ đánh chuông cảnh tỉnh để người theo tà quay về lẽ chánh".

Phật bảo: Phép của người xuất gia không được ở chung chạ với người thế tục, bên ấy không có Tịnh xá thì làm sao ta và các Tỳ kheo sang ấy ở được.

- Ðệ tử xin phát tâm kiến tạo Tịnh xá mong Phật từ bi hứa khả cho.

Ðức Phật yên lặng, tỏ dấu hứa chịu.

Mấy hôm sau, khi lo vợ cho con xong ông Tu Ðạt trở lại rừng Trúc bái Phật xin phái một vị đệ tử đi theo chỉ bảo cách thức xây cất Tịnh xá. Ðức Thế Tôn nghĩ rằng ở Xá Vệ bọn Bà La Môn rất nhiều, họ tin tưởng xằng bậy những điều không hợp chánh lý thế nào họ cũng ra mặt tranh đương, người kém tài kém đức, khó bề hàng phục được họ. Chỉ có Xá Lợi Phất trước là dòng dõi Bà La Môn thông minh đa trí, hiểu rõ nội bộ của họ đi mới có lợi. Phật liền sai Xá Lợi Phất đi theo Tu Ðạt sang Xá Vệ.

Dọc đường Tu Ðạt hỏi Xá Lợi Phất: "Ðức Phật đi bộ bao nhiêu dặm trong một ngày?" Xá Lợi Phất đáp: "Chừng nửa do tuần". Ông Tu Ðạt bèn cứ hai mươi dặm là mướn người cất một khách xá (nhà tạm) để khi Phật sang Xá Vệ, đêm có chỗ tạm nghĩ.

Khi về đến nhà, Tu Ðạt và Xá Lợi Phất trải qua mấy ngày vất vả và vẩn chưa tìm ra chỗ nào vừa ý. Một hôm đi ngang vườn cây của Thái tử Kỳ Ðà, thấy đất đai bằng phẳng, cây cối xum xuê. Xá Lợi Phất bảo Tu Ðạt: "Trong vười này cất Tịnh Xá được, vì không xa không gần thành; xa quá thì khó cho sự khất thực, còn gần quá thì ồn ào, loạn động khó yên tâm để tu hành". Thấy Tu Ðạt ra chiều suy nghĩ, Xá Lợi Phất tiếp: "Phải chăng ông sợ không thể mua được chớ gì? Ông nên đến ướm hỏi Ðông cung xem sao".

Ông Tu Ðạt liền đánh bạo đến ra mắt Thái tử Kỳ Ðà.

- Tâu Thái tử! Tôi muốn kiến tạo một Tịnh xá để thỉnh Phật và chư Tăng sang đây diễn giáo, nhưng tìm mãi không ra chỗ. Nay Thái tử có vườn cây tốt, rộng rãi, xin Thái tử vui lòng nhường, miếng vườn ấy lại cho tôi, công đức của Thái tử thật vô lượng vô biên.

Thái tử cả cười bảo: "Tôi đâu có thiếu thốn gì mà phải bán; vườn này để làm chỗ ngoạn thưởng trong khi nhàn rỗi, cho thư thả tâm hồn, bán đi thì làm thế nào?".

Ông trưởng giả Tu Ðạt năn nỉ mãi. Thải tử tánh dễ cảm, song vì tiếc miếng vườn nên định làm thối chí ông Tu Ðạt:

- Nếu trưởng giả mua, xin
đem vàng lót khắp mặt đất tôi sẽ bán cho.

- Vâng.

Thái tử hỏi hối:

- Tôi nói chơi như thế, chớ bán đi thì làm gì.

- Quân tử vô hý ngôn, Thái tử sẽ làm vua trị dân, nói bỡn sao được.

Tu Ðạt bèn vội trở về nhà hối gia nhân chở vàng đến lót. Khi đã phủ xong nơi đất liền. Trưởng giả suy nghĩ coi phải làm thế nào để lót mấy nơi bị cây mọc choán. Thái tử đến gần vỗ vai hỏi: "Thế nào Trưởng giả suy nghĩ gì? Nếu ông chê mắc thì thôi vàng ông chở về vườn tôi xin trả lại cho ông".

- Không, tôi không nói mắc rẽ gì đâu, thưa Thái tử. Tôi đang suy nghĩ coi phải chở ở kho nào cho vừa đủ, khỏi đem đi đem về thất công và tính coi mấy gốc bao nhiêu vàng đấy chứ.

Thái tử Kỳ Ðà nghe xong hết sức ngạc nhiên, tự hỏi Phật là người thế nào mà Trưởng giả coi của cải như không, xem vàng ròng như đất cục. Thật kỳ lạ quá... Có lẽ là một thánh nhơn, đạo cao đức cả mới có thể cảm hoá được lòng người như thế.

- Thôi, Thái tử bảo, ông đừng chở vàng đến nữa, bây giờ đất vườn thuộc về ông, còn cây thuộc về tôi, tôi xin cúng cho Phật đấy.

Trưởng giả vui sướng quá. Ngay ngày hôm sau kêu thợ đo đất khởi công, còn Xá Lợi Phất thì vẻ bản đồ và chỉ bảo cách thức.

Song một trở ngại lại xảy ra. Phái Lục sư ngoại đạo Bà La Môn kéo nhau đến tâu vua Ba Tư Nặc: "Trưởng giả Tu Ðạt Ða mua vườn của Thái tử để kiến tạo Tịnh xá cho bọn Sa Môn Cù Ðàm xin bệ hạ cho phép chúng tôi cùng bọn kia tranh tài, nếu họ thắng được bọn tôi, chừng ấy họ mới được phép cất Tịnh xá và sang đây thuyết đạo, còn trái lại, thì ở đâu phải ở đó".

Nhà vua liền triệu Tu Ðạt Ða vào triều vào bảo rằng: "Hàng Lục sư Bà La Môn không chịu có phái nào khác truyền giáo. Nay khanh mau vườn cất Tịnh xá để rước đồ chúng của Ðức Cù Ðàm về đây dạy đạo. Lục sư vào tâu khi nãy, xin cho hai phái cùng nhau một trận thư hùng, nếu họ thua thì khanh tự ý muốn làm gì thì làm, còn nếu phe Cù Ðàm thua thì đừng bén mảng đến đây. Muốn cho yên thuận, ta đã hứa với họ rồi, vậy khanh lo liệu thế nào cho chu tất".

- Xin bệ hạ cho phép hạ thần trở về bạch lại với đệ tử của Ðức Phật xem sao.

- Ðược, khanh cứ đi, muốn cho bọn họ và công chúng biết được giá trị của đôi bên, ngoài phương pháp đó, không còn gì hơn nữa.

Trưởng giả cáo từ ra về, mặt luôn luôn dàu dàu, đầu óc miên man lo nghĩ: "Không rõ bên ta có thể thắng được không? Hơn chẳng nói gì, còn rủi thua thì khổ biết bao. Lục sư pháp thuật cao cường, lại bè lũ đông đảo, liệu một mình Ngài Xá Lợi Phất có đương cự lại chăng?". Bao nhiêu câu hỏi làm lòng ông ngổn ngang lo sợ, đến nỗi về đến cửa nhà mà ông không hay.

Trông thấy vẽ mặt đượm đầy u buồn, lo ngại của Tu Ðạt, Xá Lợi Phất bèn cất tiếng hỏi: "Hôm nay có việc gì mà Trưởng giả không được vui?".

Tu Ðạt rầu rầu đáp: Thưa Ngài công việc kiến tạo Tịnh xá sợ không thành tựu.

- Tại sao thế?

- Thưa Ngài, bọn Lục sư quyết lòng ngăn trở công việc làm của mình. Họ đã đến khiếu nại với vua, xin cho cùng chúng ta tranh thủ nếu chúng ta thắng họ thì mới được cất Tịnh xá. Vua đã chuẩn y lời của họ. Bây giờ trăm việc tôi xin trông cậy vào Ngài. Tôi lo lắm, bọn họ tu hành theo tiên đã lâu, tài nghệ pháp thuật cao cường, trong thành này ai cũng biết, thêm nỗi bọn họ rất đông, liệu mình Ngài có chống nổi chăng?

- Trưởng giả đừng ngại. Tôi tuy một mình, nhưng ông có thấy chăng, chỉ một ánh sáng mặt trời đủ phá tan bao nhiêu bóng tối; cần gì phải đông. Ðồ chúng của Lục sư có nhiều đến bực nào cũng không làm chi tôi nổi. Trưởng giả cứ vững lòng tin tôi và tâu lại nhà vua xin định ngày đấu sức, không sao.

Tu Ðạt nghe nhõm người, chạy bay vào cung, xin định ba hôm sau là mở hội tranh tài.

Bọn Lục sư truyền rao cho tín đồ của chúng hảy đến xem cuộc đấu phép ít có mà phần thắng chắc chắn về phái họ. Vua Ba Tư Nặc cũng truyền lệnh cho dân gian và cho phép tam cung lục viện đến dự. Ðồng thời vua cho cất khán đài tại một miếng đất trống to lớn phía ngoài thành.

Ðúng ngày giờ hẹn, trời vừa tang tảng sáng, bọn Lục sư đã lũ lượt kéo tới, cả dân chúng nữa, người người không thể tính số được. Giữa khán đài, vua và hoàng hậu ngồi ghế lớn, hai bên trăm quan và cung phi mỹ nữ đứng hầu, còn dân chúng chen nhau đứng phía dưới. Trước đài, tả hữu có hai đài khác, dành cho hai phái tranh thủ.

Giờ đấu tài đã đến, bọn Lục sư thấy thế tuyên bố ầm lên: "Bọn Cù Ðàm sợ chúng ta rồi, đã tới giờ mà không thấy bóng hình đâu cả". Tiếng bàn tán cải cọ thêm to. Có kẻ đánh bạo đến gần tâu vua: "Tâu bệ hạ, bọn đệ tử Cù Ðàm có lẽ tự biết mình vô tài nên không dám đến. Vậy xin bệ hạ kể họ như thất trận rồi".

Vua Ba Tư Nặc trầm tĩnh đáp: "Chưa gì mà các người đã vội ca khúc khải hoàn, hãy đợi một chút nữa xem nào". Ðoạn vua xoay qua Tu Ðạt: "Tại sao thầy của khanh chưa đến, khanh hãy đi xem thử sao?".

Lúc ấy, Xá Lợi Phất đang ngồi thiền định dưới cội cây to, yên lặng suy nghĩ: "Hội chúng hôm nay phần đông theo tà giáo đã lâu, tà pháp đã thâm nhiễm vào trong óc của họ, nên họ đầy vẽ kêu mạn, tự cao. Làm thế nào mà cứu vớt họ? Phật đã dạy, trong khi truyền đạo, không nên dùng thần thông làm kinh dị lòng người, nhưng trong trường hợp này, nếu không dùng thần thông thì làm sao gây được tín tâm. Vậy xin Phật thấu hiểu và xá tội cho!". Vừa nghĩ xong thì Tu Ðạt hấp tấp đến.

- Bạch Ðại đức, công chúng đã nhóm họp đông đủ cả rồi, nhà vua đang chờ trông, xin Ðại đức quang lâm cho.

Xá Lợi Phất bèn xuất thiền đứng dậy, sửa ngay y phục, vất tọa cụ lên vai, rồi oai nghiêm cất bước, từ từ tiến về phía diễn trường mà quang cảnh mà là một biển người, lô nhô đầu là đầu không hàng ngũ trật tự gì cả. Thế mà khi Xá Lợi Phất đến, công chúng lại tự dưng vẹt ra, chừa một đường khá rộng cho Ngài vào. Tu Ðạt ung dung theo sau khỏi chen lấn gì cả.

Xá Lợi Phất đi đến đâu thì đám đông cúi chào, xa trông như một đồng lúa bị gió đùa. Còn bọn Lục sư, tuy lúc đầu đã dặn nhau không được tỏ vẻ kính nể nào, nhưng khi thấy vị đại đệ tử của Phật, tất cả như bị một sức mạnh gì ở thâm tâm thúc đẩy, đồng đứng dậy lễ phép chào như bao nhiêu người khác. Xá Lợi Phất chậm rãi thượng đài và an tọa. Vua Ba Tư Nặc liền ra lệnh cho hai bên đấu phép.

Lao Ðộ Sai, tay huyền thuật giỏi nhất trong phái Lục sư, trổ tài trước. Công chúng đang lao nhao chờ đợi, bỗng thấy một cây đại thọ mọc lên giữa sân sừng sừng, to lớn một cách nhanh chóng khác thường, tàn che kín khắp vùng đất chiếm làm diễn trường.

Ðồ chúng của Lục sư, biết là sự biến hóa của phe mình, lấy làm thích chí, trầm trồ khen ngợi vang rền. Tứ phía muôn mắt quay về hướng Xá Lợi Phất đang tĩnh tọa, đôi mắt lim dim như không hay thấy gì hết. Một phút, hai phút... Mọi người đều nóng ruột, nóng hơn hết có lẽ là Tu Ðạt Ða. Tiếng ồn ào vừa ngưng trong một hồi chờ đợi thắt thỏm, thì từ đôi mắt của Xá Lợi Phất hai luồn hào quang xẹt ra, bao luyện thân cây rồi cùng với thân cây biến mất trong chớp mắt. Tiếng hoan hô nổi dậy để tức khắc đổi thành tiếng kinh khủng: một con rồng nhiều đầu, thân thể to lớn dị thường, múa lộn trên hư không, giữa tiếng sấm sét vang tai điếc óc. Nhưng kìa, từ miệng của Xá Lợi Phất, một đạo bạch quang phóng ra, biến thành một con đại bàng, to gấp hai kẻ nghịch, xáp đến xớt rồng bay mất.

Thua canh này bày canh khác, Lao Ðộ Sai bèn dùng mình biến thành một con quỷ Dạ Xoa kếch xù, trên đầu lửa cháy, mắt lồi, miệng đỏ, xồng xộ chạy lại đài Xá Lợi Phất, hung ác vô cùng. Trầm tĩnh vị đệ tử của Phật xòe bàn tay năm ngón dịu mềm: Năm vị Tỳ sa môn Thiên vương hiện ra, đứng bao bốn phía và trên không. Ðồng thời lửa tam muội đùng đùng nổi dậy, phủ vây con ác quỷ không phương đào tẩu. Lửa càng cháy, tiếng than khóc cầu tha mạng sống càng lớn. Tâm khinh mạn đã tan, bốn phía lửa dữ cũng hạ, Lao Ðộ Sai hoàn phục nguyên hình, dập đầu sám hối tạ tội. Xá Lợi Phất bèn bay vọt lên hư không hiện đủ bốn oai nghi, đi, đứng, nằm, ngồi hoặc hiện thân to lớn như hư không rồi lại hiện nhỏ, hoặc nữa, chia thân ra trăm ngàn thân khác rồi thâu trăm ngàn trở lại một. Xong, Ngài trở về chỗ cũ, ngồi yên, thuyết kệ rằng:

Tâm sanh các pháp thảy đều sanh,

Tâm diệt các pháp thảy đều diệt.

Muôn ngàn nghiệp chướng thảy do tâm,

Rồi cũng do tâm mà diệt nghiệp.

Công chúng được xem các phép biến hóa và được nghe bài kệ rồi, nhảy nhót vui mừng như người nghèo được của báu.

Nhân cơ hội ấy, Xá Lợi Phất dạy: Các pháp là khổ, là không, là vô thường, vô ngã; tất cả đều do tâm, tâm không dính mắc theo trần lao phiền não là Niết bàn tịch tịnh. Trong thính chúng bấy giờ có nhiều người nhớ lại nhân duyên trước của mình, phát tâm hướng về nẻo giải thoát, thấu được lý đạo, kẻ chứng quả Tu đà hoàn, người chứng quả Tư đà hàm v.v... Hơn ba ngàn đồ chúng của Bà La Môn đều làm lễ Xá Lợi Phất xin thọ giáo.

Cuộc so tài đấu phép đến đây chấm dứt, vua truyền bế mạc. Công chúng lục tục ra về với bao vẻ hân hoan, mà người vui mừng nhất là Tu Ðạt.

Mờ sáng hôm sau, người ta đã thấy Xá Lợi Phất, Tu Ðạt Trưởng giả và những công nhân kiến trúc có mặt tại vườn Kỳ Ðà, bắt tay vào việc. Tuy mệt nhọc nhưng mọi người đều vui vẻ sốt sắng.

Một hôm, đi ngang nền Tịnh xá, Xá Lợi Phất bỗng nhiên dừng bước chỉ con kiến càng to lớn đang bò, bảo Tu Ðạt trưởng giả: "Một khi ta mất thân người, muôn kiếp khó hoàn phục. Con kiến này đã nhiều kiếp chết đi sanh lại nơi đây là chỗ bảy đời Phật hằng giảng pháp. Ông nên biết, dầu ở sát bên chỗ Phật nói pháp mà trót mang thân súc sanh thì có mắt cũng như đui, có tai cũng như điếc, không giải thoát. Còn làm người mà mê muội, cứ nhắm mắt chạy theo tiếng gọi của vật dục, tham luyến dục lạc hiện tiền, không chịu suy nghĩ, chỉ biết có ngày nay không tin nhân quả, đã vậy còn gây thêm nghiệp hủy bán chánh pháp, thì xét kỹ không hơn con kiến bao nhiêu, cành sống càng xa ánh sáng giác ngộ, khổ não trăm bề, sa đọa vào bậc thấp hèn đem tối. Thế nên sanh được làm người là một điều khó; là một đại bất hạnh khi đã được thân người mà không lo tu sửa để được lần về nẻo giải thoát, hoặc kiếp sau còn trở làm người cố công tu học, thì thật uổng cho một kiếp.

Công trình kiến trúc vĩ đại quá, thành thử Xá Lợi Phất cũng như Tu Ðạt trưởng giả phải vất vả, cực nhọc suốt ba bốn thánh mới hoàn thành. Tu Ðạt bèn vào triều yết kiến vua Ba Tư Nặc trình các việc và xin vua phái sứ thần sang thành Vương Xá thỉnh Phật quang lâm. Vua y lời.

Một buổi sáng trời quang gió mát, Ðức Thế Tôn cùng các đệ tử lên đường sang Xá Vệ, ngày đi đêm nghỉ nơi các khách xá của Tu Ðạt đã lo xa cho cất bước kia. Khi gần đến thành, vua quan cùng dân chúng ra đón cách một khoảng xa. Vào đến Tịnh Xá, Ðức Phật an tọa, mọi người làm lễ rửa chân cho Ngài và đi nhiểu ba vòng, rồi theo thứ cấp ngồi dưới chân quanh Phật. Ðức Thế Tôn phóng ra năm sắc hào quang rực rỡ chiếu khắp thế giới, đoạn Ngài diễn nói công đức bố thí, tu phước cho đại hội thính chúng nghe. Ai nấy đều được lòng dạ sáng tỏ vui vẻ vâng làm.

Từ ấy, mỗi ngày Ðức Phật và các đệ tử vào thành khất thực, đến trưa về Tịnh xá thọ trai xong và thăng tòa diễn pháp cho các đệ tử hai phái cùng nghe. Số người theo về quy y đông vô kể.

Chẳng những là một công trình xây dựng lịch sử, Tịnh Xá Kỳ Hoàn còn là một nhắc nhở lớn cho các hàng Phật tử tại gia về bổn phận hộ trì Tam Bảo.

Xây dựng một ngôi chùa,
Tức là đã phá huỷ một nhà lao.
Thêm một đoàn thể học Phật,
Tức nhiên bớt một số người tù tội.


Hết
492

Nov 23, 2006

Còn chờ



Cô giáo cho đề một bài tập làm văn :

- Em nghĩ gì khi làm giám đốc ?

Tất cả học sinh cắm cúi viết, riêng một cậu ngồi khoanh tay, vẻ mặt bình thản.

Cô giáo hỏi :

- Tại sao em không làm bài ?

Cậu học trò đó thưa :

- Thưa cô, em đang chờ thư ký riêng tới.

1102

Nov 22, 2006

Cái Áo Len Mẹ Đan



Hôm nọ vợ chồng tôi đang ngồi soạn lại những bộ quần aó cũ để cho người quen mang về Việt Nam cho những gia đình bà con lối xóm. Vợ tôi ngồi lựa từng cái áo cái quần trong tủ đồ của tôi thì thấy một cái áo len đã cũ. Vợ tôi cầm cái áo len lên nói: "Anh ơi, cái áo này em không thấy anh bận bao giờ, mà nó đã cũ rồi chắc anh bận không vừa nữa đâu. Thôi bỏ vào bịch cho Cô Thu luôn đi." Vừa thấy cái áo len màu nâu quen thuộc đó thì tôi đã vội vàng trả lời: "Không được đâu, cái áo này Má anh đan cho anh lúc trước. Không cho được đâu." Rồi thì tôi cầm cái áo đó bận vào. Cái áo giờ đã chật không còn rộng rãi như ngày đầu tiên tôi ướm thử.

Tôi không nhớ rõ rằng Mẹ tôi đã đan cho tôi bao nhiêu cái áo len rồi. Từ thuở tôi bắt đầu có trí nhớ thì tôi đã bận những cái áo len do Mẹ tôi đan. Tôi lớn dần lên thì Mẹ tôi lại đan những cái áo mới cho tôi. Cái áo len năm nọ màu xanh, vài năm sau tôi có cái áo len màu xám, những cái áo len mang những màu khác nhau ôm ấp hơi ấm người tôi trong những ngày mùa đông thơ ấu. Cái áo sau cùng là màu nâu, Mẹ tôi đan xong trước vài ngày tôi rời khỏi Việt Nam. Lời Mẹ tôi còn văng vẳng bên tai: "Con nhớ bận vào cho ấm, đừng để nhiểm lạnh rồi bịnh. Mẹ không có ở gần để săn sóc cho con được. Con lớn rồi nên ráng tự mình lo lấy tấm thân." Tôi biết tôi đã lớn khôn rồi nhưng đối với Mẹ tôi thì bao giờ tôi cũng vẫn còn trẻ dại. Và tôi cũng muốn mãi mãi là đứa con dại khờ suốt ngày theo vòi vĩnh Mẹ. Tôi nhớ rằng Mẹ tôi chưa bao giờ nói với tôi rằng Mẹ tôi thương tôi. Nhưng tình thương của Mẹ đầy ắp trong đôi mắt dịu hiền, trong những đêm không ngủ khi tôi ốm đau, là những mồ hôi nhọc nhằn cơ cực để nuôi tôi khôn lớn. Tôi thấy tình thương của Mẹ trải đầy trên đôi tay gầy guộc nhẹ nhàng thoăn thoắt những mũi đan. Mẹ đã đổi những đêm khuya khoắt không ngủ, dưới ánh đèn hiu hắt để kết tình thương thành chiếc áo ấm. Những chiếc áo len thật giản đơn, không cầu kỳ, không đượm nhiều màu sắc, không hoa mỹ như những chiếc áo bày bán trong tiệm nhưng đối với tôi đó là những chiếc áo vô giá là những cái áo đẹp nhất của đời tôi.

Tôi vẫn nhớ những lần Mẹ tôi kể những câu chuyện về quãng đời của Mẹ. Nào là những lần ruồng bố của bọn giặc Tây, của bọn lính Lê Dương, nào là những đêm Mẹ phải trầm mình xuống đầm sình suốt đêm để trốn giặc, nào là những trái mọt chê, những tràng đạn đã giết hại đồng bào vô tội. Rồi Mẹ lại kể những tên giặc Nhật dã man chém giết đồng bào. Những người dân không có miếng cơm manh áo. Có những ngày Ngoại, Mẹ và các Dì Cậu chỉ sống bằng rau cải thay cơm. Rồi cuộc đời của Mẹ tiếp nối bằng những cuộc khủng bố của Việt Minh. Mẹ kinh hoàng với những đêm ám sát, thủ tiêu, đấu tố. Mẹ đã từng nghe những tiếng xin van lơn, những tiếng khóc ấm ức nghẹn ngào oan ức và
những tiếng súng lẻ loi trong đêm vắng để rồi sáng mai sẽ có những đầu người bê bết máu treo lên giữa chợ, những đầu người với đôi mắt còn mở cắm trên những cọc tre, những xác người không
đầu trồi lềnh bềnh trên sông rạch.

Tôi đến trường học hỏi để biết rằng quê hương tôi gấm vóc, để biết rằng dân tộc Việt Nam là một dân tộc bất khuất anh hùng, để tôi tự hào là người mang dòng máu Việt. Nhưng Mẹ tôi là người dạy tôi về tình thương đồng bào, tình thương dân tộc. Những lần Mẹ tôi sai tôi mang những chén cơm đến cho những người rời vùng kinh tế mới trở về lang thang đói khổ đang ngồi ủ rủ trước nhà, những tấm chăn cũ cho những người vô hộ khẩu ngủ lây lất bên hè, những chai dầu xanh, những viên thuốc cảm cho những gương mặt xanh xao, những hình hài ốm yếu. Tôi học được gì từ những thoáng mừng vui trong những đôi mắt thâm quầng buồn bã đó? Tôi học được gì từ những lời cám ơn rối rít? Có phải chăng tôi học được tình đồng bào, tôi học được tình người, tôi học được tình yêu quê hương, ôi đất nước tôi đói khổ đã quá nhiều.

Đôi tay gầy guộc của Mẹ đã đan cho tôi những chiếc áo len ấm áp. Tôi muốn dùng đôi bàn tay và trí óc của mình để đan cho quê hương tôi những chiếc áo tuyệt vời nhất. Tôi muốn xóa lấp đi những hầm hố bom đạn, đan những nhà giam, những ngục tối thành những trường học khang trang, đan những hàng cây bóng mát, những vườn hoa thay cho rào kẽm hầm chông, đan lên quê hương mình những cánh đồng lúa vàng bát ngát, đan nụ cười lên đôi môi những em bé thay cho đôi mắt lõm sâu vì đói lã. Tôi muốn đan những ánh mắt vui tươi thay cho những giọt lệ, những nét mặt khổ đau. Tôi muốn đan những tiếng hát câu hò thay cho những tiếng khóc oán than, những phấn trắng bảng đen thay cho những bức tường loang lỗ máu, những đóa hoa thay cho cùm xích Tôi muốn đan những tập vở cho các em nhỏ đến trường, những bát cơm đầy cho mọi người, những con đường thẳng tắp, những cây cầu, những thuyền bè, những làn gió mát, những đêm ngủ yên lành, những ngôi nhà xinh xắn khang trang. Tôi muốn đan một chiếc áo tự do dân chủ cho quê hương tôi để thay thế sự độc tài, đàn áp của Cộng Sản, đan cái tình dân tộc thiêng liêng thay cho cái chũ nghĩa ngoại lai độc hại, đan những câu kinh lời nguyện thay cho những lời hứa hẹn vu vơ, những câu mê hoặc mỵ dân, những lời gian dối điêu ngoa.

Tôi nhớ tôi vẫn chưa khi nào tôi nói với Mẹ tôi rằng tôi rất thương Mẹ. Tôi vẫn chưa nói với Mẹ tôi rằng chiếc áo len Mẹ đan cũ kỹ màu nâu đó tôi vẫn còn cất giử. Tôi vẫn chưa nói với Mẹ tôi rằng tôi đã bận chiếc áo đó trong những ngày tuyết lạnh bên đây. Tôi vẫn chưa nói với Mẹ tôi rằng trường học đã dạy tôi thành tài nhưng tình thương của Mẹ đã dạy tôi thành người. Tôi vẫn chưa nói với Mẹ tôi rằng tôi rất xót dạ khi thấy tóc của Mẹ giờ đã bạc phơ. Tôi vẫn chưa nói với Mẹ tôi rồi sẽ có một ngày khi quê hương mình không còn thống trị bởi lủ sài lang thì tôi sẽ về, sẽ đưa Mẹ tôi viếng mộ Ngoại, sẽ kể cho Mẹ nghe cuộc đời con của Mẹ.

Tối hôm đó, tôi cởi chiếc áo len và đưa cho vợ tôi để bỏ vào đám đồ gửi đi. Chiếc áo đối với tôi thật đáng quí nhưng nó thật sự quí hơn khi nó được dùng để giúp người trong cơn lạnh. Lòng tôi miên man nghĩ rồi thì sẽ có một người có chiếc áo ấm nhưng còn triệu triệu người khác thì sao?
227

Nov 21, 2006

Biết vẽ thế nào?



Để hiểu học trò hơn, cô giáo bảo học sinh vẽ vào một tờ giấy mơ ước mai sau của mình. Khi cô xem, có em vẽ hình máy bay tỏ ý muốn làm phi công, em thì vẽ ống nghe muốn làm bác sĩ... Riêng một em gái để tờ giấy trắng nguyên, cô hỏi:
- Chẳng lẽ lớn lên em không muốn làm gì cả sao? Em bé băn khoăn đáp:
- Lớn lên em sẽ lấy chồng, nhưng chẳng biết nó hình gì?

2285

Nov 20, 2006

Thằng Ròm




- "Thằng Ròm" à!
- ...?
- Ròm có thương con không Ròm?
- Có thương.
- Ròm thương con nhiều hay thương Bé nhiều hơn?
- Thương bằng nhau.
- Dì My nói Ròm thương Bé nhiều hơn thương con.
- Làm sao dì My biết được?
- Ai cũng biết Ròm thương con gái hơn con trai mà!
- Ai là ai?
- Là bạn của Ròm, bà con của Ròm, là tất cả những ai biết Ròm.
- Không đúng, cậu Tùng nói: "Không ai hiểu chị bằng em, chị thương "thằng Cu" của chị nhất."
- Cậu Tùng đúng không Ròm?
- Vừa đúng, vừa không đúng.
- Là sao, Ròm?
- Thương thì đúng mà nhất thì không đúng.
- Ròm không thương "thằng Cu" hơn hả Ròm?
- Ðã bảo là thương bằng nhau mà!
- Con muốn Ròm thương con nhiều hơn thương Bé.
- Tại sao phải thương nhiều hơn?
- Tại con muốn.
- ừ, thì thương nhiều hơn!
- Thật không Ròm?
- Thật!
- Làm sao con biết là Ròm nói thật?
- Con hơn Bé mấy tuổi?
- Sáu tuổi.
- Vậy thì con được thương nhiều hơn Bé những sáu năm.
- Ròm ăn gian quá, không phải như vậy. Ròm biết con "mean" cái gì mà.

*

- Tuấn à, Tuấn cứ gọi mẹ là Ròm hoài, ai không biết, tưởng Tuấn hỗn với mẹ.
- Ðâu cần ai biết, mình thương mẹ, mình gọi mẹ là Ròm, mình đâu có 'hỗn' với mẹ.
- Mai mốt Tuấn có bồ, bồ Tuấn sẽ cười, nếu nghe Tuấn gọi mẹ như vậy.
- Thì mình sẽ cười lại 'nó'.
- Sao lại cười người ta?
- Tại 'nó' cười mình, như vậy là nó "dốt", mình có quyền cười 'nó'.
- Ðừng nói người ta 'dốt', mình chưa biết người ta là ai mà!
- Mình sẽ không có "bồ" đâu mẹ.
- Sao vậy?
- Có bồ mệt lắm.
- Chưa có, sao biết mệt?
- Thì thấy mấy đứa bạn có bồ, bị bồ 'hành', tội quá chừng.
- Hành như thế nào?
- Phải chở bồ đi học, phải gọi điện thoại mấy lần một ngày nhưng khổ nhất là không được nhìn "gái " khác. Con gái kỳ cục!
- Tuấn à, chữ Việt Nam, "gái" có nghĩa không tốt.
- Girl đó mà mẹ!
- I know, nhưng mình nhìn thì làm sao bồ biết?
- 'Nó' biết chứ mẹ, con gái khôn lắm mẹ ơi!
- Bố nhìn "gái" khác, mẹ đâu có biết?
- Tại mẹ 'khờ' thôi, đâu có ai 'khờ' như mẹ.
- Tuấn hư quá, dám bảo mẹ 'khờ'.
- Mình giỡn mà mẹ, tại mẹ hiền quá nên bố 'làm tới' một chút, nhưng nhiều lúc, mình tưởng như mẹ không care, phải mẹ không care không mẹ?
- Không phải là không care, mà vì không muốn khổ thôi.
- Là sao mẹ, con không hiểu.
- Bố có tự do của bố, mình làm sao cấm được. Năn nỉ Tuấn đừng đi chơi khuya, còn chưa được, làm sao cấm bố nhìn người khác!
- Mẹ nói vậy, chứ bồ của bạn con mà cấm là bạn con phải nghe theo.
- Sao bạn con ngoan quá vậy?
- Cũng không ngoan lắm đâu!
- Sao vậy?
- Lâu lâu cũng nhìn lén một chút!
- Vậy thì cấm làm gì?
- Thì con đã bảo là con gái nó kỳ cục mà!

*

- Mẹ à!
- Dạ,
- Mẹ còn nhớ hồi con còn nhỏ, lúc nhà mình thay sàn nhà, cái chú thợ người Việt Nam la mẹ om sòm khi con gọi mẹ mà mẹ "dạ" với con không?
- Nhớ chứ, nhưng đâu phải chỉ một mình chú đó đâu! Ai lúc mới nghe mẹ "dạ" với Tuấn, cũng tưởng mẹ điên cả.
- Con nhớ là chú ấy đang làm, nghe mẹ "dạ" khi con kêu mẹ, chú ngưng lại, nhìn mẹ, trợn mắt hỏi: "Nó là con của chị hay nó là ông nội của chị, mà nó kêu thì chị dạ?" Sao chú đó dữ dằn quá ha mẹ?
- Chắc tại chú không quen thôi!
- Mà sao giờ này mẹ vẫn còn "dạ" vậy?
- Có lẽ tại quen mất rồi! Nghĩ lại cũng thấy buồn cười. Lúc nhỏ, Tuấn chỉ làm gì mà bố mẹ làm thôi. Thành ra muốn Tuấn "dạ", khi mẹ kêu, thì mẹ phải "dạ" trước cho chắc. Chỉ có điều mà mẹ không sửa được Tuấn, là ai Tuấn cũng gọi bằng "Thằng" cả.
- Chắc vì con dịch từ chữ "guy" đó mẹ à.
- Mẹ cũng nghĩ vậy nên chi nghe riết rồi quen, thấy vui tai, chỉ ngại là ai không hiểu chuyện, thì sẽ cho là Tuấn "láo" thôi.
- Con đâu có nói láo đâu mẹ!
- Không, "láo" là "hỗn", là "bad manners" đấy mà, không phải liar đâu!
- Tiếng Việt của mẹ khó quá!

*

- Mẹ à! Có phải hồi đó mẹ nói là khi con với Bé lớn, nếu cả hai đứa cùng đi tu thì mẹ sẽ happy lắm, phải không?
- Có, mẹ có nói vậy?
- Thế bây giờ con đi tu mẹ có còn happy không?
- Còn, nhưng Tuấn chỉ còn một năm nữa là xong đại học, chờ một năm nữa đi tu cũng chưa muộn.
- Nói giỡn với mẹ thôi, chứ con chưa đi tu được đâu!
- Sao vậy?
- Vì mình còn thích "gái" lắm mẹ à. Mà phải là "gái đẹp" mình mới thích.
- Tuấn ưa nói tào lao quá à!
- Mình nói thật, mẹ không thích hả?
- Nói thật thì giỏi, nhưng thật quá như vậy thì... hơi kỳ!
- Xin lỗi mẹ, thôi không nói chuyện "tào lao" nữa nhé! Ðể con hỏi mẹ vài chuyện khác đây, chuyện đàng hoàng đó.
- Rồi, mẹ nghe đây, nói đàng hoàng đi!
- Mẹ à! Con định học xong sẽ xin làm việc với Peace Corp. Mẹ nghĩ sao?
- ....
- Mẹ! mẹ không bằng lòng hả?
- Mẹ có nói gì đâu mà Tuấn bảo là mẹ không bằng lòng?
- Tại con thấy mẹ im lặng nên con tưởng là mẹ không bằng lòng.
- Ðừng bao giờ tưởng cái gì cả Tuấn ạ. Mình nghe đàng hoàng, còn không biết là mình hiểu có đúng ý người nói không, thì làm sao "tưởng" được cái gì người khác chưa nói.
- Thế thì mẹ bằng lòng hả?
- Mẹ chưa trả lời được. Mà con có biết là con đi Peace Corp thì con sẽ làm gì và sống ra sao không?
- Biết chứ mẹ! Vào đó mình sẽ sống cực khổ, sẽ đến các xứ nghèo giúp đỡ những người nghèo khổ, bệnh tật. Con muốn sống vậy đó.
- Nếu vậy thì mẹ không những bằng lòng mà còn rất là hãnh diện nữa.
- Cám ơn mẹ! Nhưng mẹ có buồn không?
- Tại sao mẹ lại buồn?
- Tại vì con thấy các anh chị con các bác, cô, chú... bạn của bố mẹ, ai ra trường cũng kiếm việc nhiều lương, lo cưới vợ, mua nhà, mua xe. Mấy bác rất là proud, cứ khoe hoài. Còn con thì không làm giống như vậy?
- Chắc chắn là mẹ không buồn rồi. Mẹ còn rất là mừng nữa, Tuấn có biết không?
- Thật hả mẹ!
- Thật chứ! Nhưng tại sao Tuấn lại thích đi các nước nghèo?
- Con thấy có những em bé thiếu ăn, ốm nhom, bịnh hoạn, có những người bịnh không có đủ thuốc uống, có những người già không có nơi nương tựa..., những hình ảnh đó cứ ám ảnh con hoài.
- Tại sao Tuấn bị ám ảnh bởi những hình ảnh đó?
- Con cũng không biết tại sao nữa mẹ à, chỉ biết là những lúc con "feel" được là con may mắn thì là lúc con nghĩ tới những người kém may mắn hơn con.
- Lúc nào là lúc con cảm thấy con may mắn?
- Ðược làm con bố mẹ, được bố mẹ cho ăn học, được biết mình sinh ra với tấm thân đầy đủ.... nhưng có lẽ may mắn nhất là được mẹ support trong mọi vấn đề.
- Thôi "thằng anh hai" à, anh hai có biết là đang cho mẹ đi tàu bay giấy không?
- Ðâu phải con cho mẹ đi tàu bay giấy đâu, con nói thật mà mẹ!
- Cám ơn con! Nhưng mẹ vẫn còn thắc mắc về v%E
11057

Nov 19, 2006

Xa Rồi Kỷ Niệm




Thế là tôi xa thành phố ấy, xa một cách thật bất ngờ vội vã, không kịp một lời chào, không kịp một chia tay khi sự hỗn loạn về chính trị, về đất nước trong cơn mù mịt. Tất cả như quay cuồng, như bão táp... Người người rủ nhau ra biển, người người rủ nhau tìm đường vượt biên giới, băng qua rừng sâu, băng biển dữ để tìm một lối thoát mà tôi là một trong những người bị cuốn hút trong giòng sông lịch sử đó.

Khi tất cả mọi chuyện tạm ổn định. Khi còn đang tranh tối, tranh sáng với những đường lối chính trị vừa thay tên đổi chủ, tôi trở về thăm lại thành phố cũ, thành phố của một thời kỷ niệm ngọt ngào để tìm, để kiếm những gì còn vương vãi hay rơi xót ở một góc xó nào, nhưng tìm hoài vẫn không gặp, vẫn không thấy... Đi ngang ngôi nhà cũ của mình nay cũng đổi chủ cho dù không bán, không sang nhượng. Hai cây dừa cảnh trồng 2 bên cổng không còn nữa, cây leo 1 bên tường với những chiếc lá to như chiếc dù con chỉ còn lác đác vài lá trên cao, cái xích đu nằm 1 góc sân thường ngồi một mình trong tối nhìn trăng sáng trên đầu những ngọn thông nay cũng không còn... Tất cả như bị đảo lộn, như trống trơn, nhìn lên căn gác lửng của những tối học bài, của những đêm không ngủ cắn bút tập làm thơ, của những đêm hốt hoảng nhìn hỏa châu chiếu sáng một góc trời... kỷ niệm nhiều quá, kỷ niệm chênh vênh trên những cành ổi của những trưa hè im lặng, vừa học bài vừa cắn dòn những trái ổi xanh chưa kịp chín... Tuổi thơ tôi, hạnh phúc tôi đã bỏ lại đằng sau, bỏ lại một cách vội vàng không dự đoán như những tình cảm nào đó cứ lẽo đẽo theo sau nhưng tôi cứ ngu ngơ không quay lại, tại tôi kênh kiệu hay tại tôi chưa đủ lớn, chưa đủ trưởng thành trong tôi để đưa tay bắt lấy.

Những bước chân như không định hướng cứ thả dài trên cát, bãi biển ít người qua lại... ngoài xa thật xa, cù lao xanh mù mịt tít ngoài khơi với ngọn hải đăng cô độc, sừng sững chứng kiến những đổi thay như chứng kiến một ngọn sóng thần vừa đổ ập lên bờ, cuốn tất cả nụ cười hạnh phúc ra khơi. Ghềnh Ráng vẫn vậy, những tảng đá to như rêu mốc nằm kềnh lên nhau như thách đố thời cuộc. Những con sóng vẫn ồ ạt đập mạnh vào những tảng đá dưới chân núi, dưới ghềnh làm bắn tung toé nước như vô tình không biết đến cái đau ngút ngàn của người đang đi tìm kỷ niệm, đang bị kỷ niệm đùa cợt như nắm cát đang từ từ rơi qua kẽ những ngón tay cho dù cố nắm thật chặt, nhưng không nắm nổi, không giữ được cho mình. Suối tiên không còn nước ồ ạt như xưa, chỉ còn róc rách tuôn trên những tảng đá không đều nhau tạo thành những âm thanh buồn bã. Leo từng bước, lách luồn qua những bụi gai, len lỏi mãi rồi cũng lên được đến mộ Hàn Mặc Tử. Con đường cheo leo vẫn khó đi như ngày nào. Đứng bên mộ nhìn ra biển, nhìn ra khơi, vài chiếc thuyền con lênh đênh trên sóng, nhìn lên đỉnh núi, một thế giới riêng biệt cách ngăn với thế giới bên ngoài, nhìn quanh nhìn quẩn, những chùm chà là chín quả nằm giữa những bụi gai vẫn ở chỗ cũ như không thay đổi, nhưng cũng không còn làm cuống quýt, hăng hái lần mò len vào bụi gai để hái cho bằng được những chùm chà là đen bóng đang nằm xoải theo sườn núi, mặc kệ người khác cứ phải cuống quýt lo âu đưa tay chụp đỡ, hay lại nhõng nhẽo vòi vĩnh những trái cây rừng muốn ôm đầy tay.

Tất cả như những chiếc lá rừng bị gió cuốn đi, như bọt biển tan vỡ rồi lại từ từ cuốn ra xa. Tất cả như xa ngoài tầm với, như một thất vọng, hụt hẫng, cứ đeo theo bên mình để rồi kết tụ lại thành những nỗi buồn cứ bị giằng co, xâu xé, héo mòn dần như những con mọt đang gậm nhấm những cuốn sách hay, đã bị bỏ quên trong hộc tủ.

Một ngày của 30 tháng 4 đi qua như một cuồng phong quét sạch mọi sự bình an, mọi hạnh phúc. Tất cả như chơi vơi, bồng bềnh trên biển cả mênh mông, không phương hướng. Sài Gòn ngơ ngác buồn đau, Sài Gòn thê lương ảm đạm, Sài Gòn chít khăn tang để tang cuộc tình, để khóc người ra đi, khóc người ở lại. Khóc như khóc cho cái tên Sài Gòn đang bị niêm phong, đang bị truất phế... Sài Gòn ngày ấy tội nghiệp, Sài Gòn thoi thóp, chỉ còn nghe những tiếng thở dài, những tiếng thầm thì to nhỏ nơi những quán cóc, nơi những góc đường. Sài Gòn mất dần niềm tin, Sài Gòn không còn hy vọng...

Nhưng!... Sài Gòn như một đốm lửa trong đống tro tưởng đã tàn lụn, đã tất ngấm... Sài Gòn lại bùng lên. Cái tên Sài Gòn lại chễm trệ trên môi người ra đi, trên môi người ở lại... nhưng Sài Gòn bây giờ sao xa lạ quá, SG không còn là SG của ngày xưa. SG không còn êm ả, trữ tình ngày nào, SG bây giờ vội vã hơn, tất tả hơn, xô bồ hơn, bụi bặm hơn và hình như mưa, nắng cũng thất thường hơn.


Sài Gòn từ từ biến mất phía dưới, nắng chiếu qua khung cửa sổ của máy bay, tôi nhếch người ngồi dựa vào thành ghế, sửa lại thế ngồi để tránh cái nắng đang chiếu vào mặt.

- Xin lỗi, cô vừa về thăm nhà?

Giật mình nhìn sang bên cạnh:
- Thưa vâng

Người bên cạnh bắt chuyện:

- Cô về thăm nhà thường xuyên lắm phải không?
- Dạ không, đây là lần đầu, thế còn ông? chắc ông cũng đã về nhiều lần:
- Không, tôi cũng như cô, đây là lần tiên tôi về thăm nhà sau 20 năm.

Tôi mỉm cười im lặng, người đàn ông ngồi bên cạnh lên tiếng tiếp:

-Từ khi lên máy bay đến giờ, tôi thấy cô cứ đăm chiêu nhìn ra cửa sổ đã lâu, chắc là cô đang nhớ Sài Gòn phải không?

Tôi lắc đầu:
- Nếu nói nhớ SG thì chẳng có gì để nhớ nữa, chỉ thấy tiếc nuối thôi. SG bây giờ khác lạ quá, không giống ngày xưa nữa. Tôi có cảm tưởng như mình không có chỗ đứng khi trở về. Thấy mình lạc lõng...

Chợt thấy mình nói hơi nhiều, bộc lộ cảm nghĩ của mình hơi nhiều với người khách đồng hành bên cạnh nên mỉm cười chữa thẹn:

- Xin lỗi ông nhé, đó chỉ là cảm nghĩ riêng của tôi thôi.
- Không không, cô nhận xét đúng, SG bây giờ thay đổi nhiều, nhanh quá đến nỗi tôi không thể tưởng tượng được, nhưng đó chỉ là bề mặt, SG đàng sau cũng vẫn lam lũ, nghèo khổ không đủ ăn, đủ mặc... à, Cô về kỳ này định bao giờ trở lại?

Tôi đăm chiêu nhìn ra cửa sổ:

- Có lẽ còn lâu lắm, tôi có cảm tưởng SG không có chỗ cho tôi nữa, ông biết không? đi giữa thành phố SG mà mình có cảm tưởng như đi giữa một nơi thật xa lạ, không quen thuộc, không liên hệ, đi giữa phố đông người nhưng mình lại cảm thấy cô đơn, cái cô đơn không giống cái cô đơn của mình ở ngoại quốc, cái cô đơn ngay tại quê hương mình thấy xót xa, thấy thương mình, tội nghiệp mình lắm. Có lẽ tại tôi đa cảm nên cái nhìn có vẻ lệch lạc, buồn cười lắm phải không? Thế còn ông, ông về lần đầu thấy thế nào? vui chứ?

Như một thói quen, người đàn ông đưa tay vào túi móc gói thuốc ra, rút một điếu, ngập ngừng vài giây rồi lại bỏ điếu thuốc vào chỗ cũ, giọng chậm rãi:

- Đêm qua ngồi một mình ở quán cafe, không hiểu sao tôi lại cứ dằn vặt mình bằng những câu hỏi nếu ngày ấy tôi đừng đi thì tôi sẽ ra sao? hay nếu lần này tôi đừng trở về... phải chi tôi đừng trở về thì hơn.... nhưng, dù sao thì cũng đã trở về, dù sao trở về lần này cũng tốt, để mình có thể nhìn kỹ mọi sự việc hơn, để hiểu rõ người, hiểu rõ mình hơn... có lẽ cô và tôi cùng giống nhau trong cái nhìn của người trở về...

Nghe tiếng nói đều đều của người ngồi bên cạnh như tâm sự, như kể lể, phân bua làm lòng tôi chùng xuống. Tôi im lặng, người ngồi bên cũng im lặng. Cái im lặng như hai con đường song song, cứ đi hoài trên lộ trình như quen, như xa lạ... Tất cả chìm vào im lặng. Máy bay đi vào vùng tối, hình như là đêm của một không phận nào đó nên bên ngoài trời đen thẫm. Mọi người trong tàu mệt mỏi ngủ vùi trên tuyến đường dài. Người đàn ông đứng lên với lấy cái gối, cái chăn ở hộc tủ phía trên trao cho tôi, ân cần:

- Cô mệt không? lạnh không? Nhắm mắt một tý cho khoẻ. Chuyến bay còn dài lắm.

Tôi mỉm cười, đưa tay đỡ lấy cái gối, cái chăn đắp trên tay người đồng hành bên cạnh. Nhìn người đàn ông cúi xuống lấy quyển sách trong túi xách dưới chân, tự dưng thấy mệt mỏi, thấy ngậm ngùi, tự dưng thấy thèm một bờ vai để dựa, để kê đầu....

Xoay người nhìn ra của sổ, kéo tấm chăn đắp kín phía trước, kéo che cả hai vai mình... bên ngoài trời vẫn tối, những vì sao lấp lánh trong bầu trời đêm, dựa đầu vào khung cửa... một vì sao băng vừa đổi chỗ, quá nhanh không kịp đọc một lời nguyện ước...

Nguyenthitehat
1629

Nov 18, 2006

Con nít rắc rối



Trong giờ giải lao ở rạp chiếu bóng, một người đàn ông vào toilet và nhìn thấy một thằng bé đứng khóc.

- Sao cháu khóc, ông ta hỏi.

- Cháu muốn đi tè, nhưng cái kia cao quá...

Ông nọ liền bế thằng bé lên độ cao cần thiết.

- Mẹ cháu vẫn tụt quần hộ cháu cơ - thằng bé nói giữa hai tiếng nức nở và ông nọ đành phải giúp thằng bé.

- Nhưng mẹ cháu còn hát một bài cho cháu cơ.

Ông nọ bèn khe khẽ hát: “Trăng tròn trăng sáng... Bé múa ngoan ngoan...”

Nghe vậy thằng bé thét lên: “Không phải bài ấy, bài ấy là để đi ị”.1904

Nov 17, 2006

Bệnh lạ



Một bệnh nhân than thở:

- Không hiểu sao hễ tôi sờ ngón tay vào đâu lại thấy đau đấy, sờ vào đầu đau, sờ vào ngực, ái chà chà, sờ vào bụng và chân cũng đau nhói. Như vậy là tôi mắc bệnh gì?

- Đơn giản thôi, ngón tay ông bị gãy.1933

Lời trẻ



- Con đếm xem nhà ta có đủ gà không?

- Có tám con thôi mẹ ạ.

- Chín con cơ mà?

- Nhưng có một con cứ chạy lung tung không đếm được.


***


- Bố hay mẹ đẻ ra con?

- Cả bố và mẹ.

- Thế mỗi người đẻ ra một nửa à?


***


Một người đến nhà hàng xóm, thấy đứa bé độ 3-4 tuổi đang mải chơi, người đó làm bộ sừng sộ hỏi:

- Mày không chào tao à?

Em bé cuống quýt, khoanh hai tay, lễ phép nói:

- Mày chào tao ạ!1882

Bẩm Toàn Gạo, Muối



Một quan huyện ăn tiền rất bẫm, xử với dân lại rất tàn nhẫn. Có giấy đổi quan đi nơi khác. Đợi mãi, chẳng thấy ai thèm đến đưa tiễn cả, bà huyện gọi nha lại vào trách :

- Dân tình ở đây sao mà bạc thế. Quan phụ mẫu sắp đổi đi nơi khác mà chẳng thấy đứa nào tiễn chân cả !

Nha lại thưa :

- Bẩm bà lớn, cả hàng huyện đồ lễ tế tiễn quan rồi đó ạ !

Bà huyện mừng rỡ hỏi :

- Ôi, họ lễ gì thế các thầy !

Nha lại ân cần thưa :

- Bẩm... toàn gạo, muối !
624

Nov 16, 2006

Chiêm bao gì mà cười



Có anh sợ vợ, một hôm ngủ trưa, chiêm bao, bỗng cười khúc khích. Vợ thấy thế đập dậy, hỏi:

- Chiêm bao gì mà cười?

- À! Mơ lấy được vợ lẽ.

Vợ nổi cơn ghen, túm lấy áo chồng làm ầm ĩ. Anh chồng hoảng quá, vội phân trần:

- Chuyện chiêm bao chứ có phải chuyện thực đâu mà làm thế.

- Muốn chiêm bao gì thì chiêm bao, chứ chiêm bao như thế thì không được.

- Thế thì từ nay không dám chiêm bao như thế nữa.

Vợ lại bảo:

- Ngộ sau cớ chiêm bao như thế mà không cười thì ai biết đâu.

Chồng làm ra vẻ hối hận:

- Vậy từ rày tôi không ngủ ngày nữa vậy.
2695

Nov 15, 2006

Hiếu Thảo



Thầy giáo sau khi dạy cho học trò một bài học về lòng hiếu thảo liền hỏi trò Bi:

Nếu em có hai cái nhà, ba em không có cái nào, em sẽ làm gì?

Em sẽ cho ba một cái nhà.

Giỏi lắm. Nếu em có hai cái xe, ba em không có cái xe nào, em sẽ làm gì?

Em sẽ cho ba một chiếc.

Giỏi lắm. Em hiểu rất rõ bài thầy giảng. Một câu hỏi chót: Nếu em để dành được 20.000 đồng, ba em lại không có đồng nào. Vậy em sẽ làm gì?

Em sẽ không cho ba đồng nào.

Ủa sao kỳ vậy. Em cho ba cái nhà, cho ba chiếc xe, sao em lại không cho ba đồng nào?

Thưa thầy, tại vì thật sự em có để dành 20.000 đ.

? !

2873

Thiên Thu Hận






Luân từ New York sang Florida để tiếp tục học hai năm cuối cùng của ngành y khoa.

Dáng dấp thư sinh nho nhã, thêm giọng nói trầm ấm của Luân đã thu hút Sương ngay lúc ban đầu khi nàng lớ ngớ nơi hành lang thư viện của đại học UF này để hỏi thăm chàng vài thủ tục của nàng mới bước vào năm đầu của ngành dược. Đôi mắt to, đen lay láy của Sương cũng khiến Luân như bị hớp hồn sau đó...

Chỉ trải qua 2 tháng mà đôi bạn đã khắng khít như đã yêu thương nhau từ muôn kiếp trước. Cuối năm ấy, cả hai đồng ý mướn chung... một phòng của khu chung cư này vì nhiều lý do: giảm bớt tiền nhà và quan trọng nhất là bớt mất thì giờ gọi phôn cho nhau, lúc nào cũng “Anh nhớ em quá! Anh yêu em quá!” hoặc “Em chờ từ tối tới giờ. Sao giờ mới gọi em?” v.v... và v.v...


Thấm thoát thế là hai năm trôi qua. Luân sắp làm lễ ra trường. Lần đầu tiên Sương đem Luân về gặp bố mẹ. Thấy tương lai, tư cách và diện mạo của Luân, bố mẹ Sương rất vui mừng cho con gái. Dù cho mẹ đã bỏ cả buổi chiều để nấu ăn nhưng Sương vẫn hết sức nài nỉ mẹ cho nàng dẫn Luân đi ăn bên ngoài để Luân biết luôn thành phố Orlando của nàng...

Tiệm China Town là tiệm ăn mà Sương nghe bạn bè khen từ lâu, lần đầu tiên nàng dẫn Luân vào đây. Nàng theo bạn bè cho biết món nào cũng ngon nên Luân để nàng gọi thức ăn. Nàng gọi một nửa con vịt quay Bắc Kinh da giòn, một dĩa cơm chiên Dương Châu, một dĩa tôm hùm xào gừng... Đặc biệt nàng gọi thêm cho Luân một chai Heineken. Luân cười:

- Sao em biết anh thích tôm hùm?

- Anh kể em nghe lâu rồi!

- Cả chai bia cũng kể?

- Không, em chỉ đoán thôi! Có đúng ý anh không?

- Nếu trật thì anh đâu có ngạc nhiên!

Người hầu bàn vừa khuất, Luân cầm bàn tay thon nhỏ của Sương siết nhẹ:

- Em thật đúng người vợ mà anh mơ ước!

- Sương để yên bàn tay trong tay chàng, lòng bồi hồi xúc động, nàng nghe hạnh phúc ghê gớm...

Một đêm trôi qua, Sương và Luân trở lại đại học UF để chờ cho Sương thi xong môn cuối cùng. Luân để cho Sương học ôn bài vở; chàng thu dọn gọn ghẽ để chờ cuối tuần Sương thi xong là... dzọt! Chàng đã thông báo với Bố Mẹ là sẽ dẫn Sương về giới thiệu cùng gia đình từ lâu và đây là dịp vui mà Luân và cả gia đình chàng đều chờ đợi.

Sáng hôm nay, trước ngày thi một hôm, Sương dậy thật sớm ôm cái cặp đầy sách để vào trường. Nhìn Luân đang thở đều trên giường, Sương không muốn chàng mất giấc ngủ hôn nhẹ lên má Luân; Sương hí hoáy vài chữ “Em vô thư viện học thi, anh đừng chờ. Hôn anh!”.

Đến thư viện chưa đầy 10 phút, Sương sực nhớ nồi súp nàng nấu lửa riu riu đặt trên lò chưa tắt điện, nàng vội vàng lên xe quày quả trở về vì không muốn đánh thức Luân. Mở cửa vào, nàng nghe tiếng cười rúc rích trong phòng ngủ. Sương ngạc nhiên nhìn vào giường, chiếc mền trùm kín, chỉ thấy chiếc mền nhúc nhích. Như linh tính, Sương tới giật chiếc mền ra: Luân và Sa –cô bạn gái cùng ngành của Luân ở phòng lầu trên. Cả hai đang trần truồng như nhộng! Ba cặp mắt mở lớn... cứ người nọ nhìn người kia. Sa vội vàng kéo chiếc mền lên che đậy. Sương, chừng hai phút sau mới hoàn hồn, bỏ vội xâu chì khóa xuống giường, dùng hai tay kéo mạnh cái mền vứt xuống đất... Sa sợ hãi, hai tay ôm lấy ngực; còn Luân mặt cắt không còn giọt máu. Sương chụp vội chìa khóa chạy bay ra khỏi nhà... Luân thẹn thùng không một lời bào chữa. Chàng bỏ Gainsville đi ngay hôm ấy để về New York. Sương bị rớt lần thi đó: hạnh phúc, sự nghiệp tiêu tan.

Bao nhiêu bức thư của Luân gửi cho Sương không cần đọc, chỉ xé vụn ra rồi thảy vào thùng rác. Điện thoại của Luân nàng cũng không bắt. Sương mất hẳn ý chí, gần như điên loạn, nàng đành bỏ ngang việc học trở về nhà với cha mẹ. Nàng khóc vật vã rồi trầm tư không buồn nói năng với ai một lời kể từ ngày đó, mặc cho cha mẹ khuyên lơn cách nào. Mẹ nàng có lần tức giận:

- Con có số phôn nó ở New York không, đưa cho mẹ để mẹ cho nó một trận!

Cặp mắt vô hồn của nàng nhìn mẹ, nước mắt lặng lẽ rơi. Mệ ôm chầm lấy Sương khóc theo.

- Thôi kệ nó con ơi! Con còn trẻ, còn đẹp, còn tương lai quá. Đừng cần nữa con!

Sương cười trong nước mắt:

- Con cần hay không cần, người ta cũng không cần con! Mẹ ơi! Mẹ tại sao vậy hả mẹ? Tại sao? Trời ơi! Tại sao???

Sương ôm lấy mẹ khóc ngất. Mẹ nàng vỗ về con mà cũng nghe được tiếng tim con đập, bà tưởng tượng quả tim con mình như một viên gạch đang được nung nóng và nứt ra lách tách.

Bà đẩy Sương ra bảo:

- Con phải bình tĩnh lại, đưa số phôn thằng đó cho mẹ nói chuyện với nó.

Sương chỉ tay lên bàn:

- Quyển sổ đen đó, mẹ cầm lên có số phôn thứ ba trang đầu tiên đó. Mẹ gọi đi, gọi muốn nói gì thì nói cho đã đi. Con không bao giờ quên được hình ảnh gớm ghiếc đó mẹ ơi!!!

Rồi Sương lại gục đầu xuống bàn khóc.

Mẹ nàng cầm quyển sổ đen và bốc điện thoại lên, vào phòng. Bà nói chuyện chừng mười lăm phút ra bà bảo:

- Mẹ gặp nó rồi!

Im lặng.

- Nó nói nó không còn mặt mũi nào gặp con, nó xin con tha tội.

Lại im lặng, chỉ có tiếng thở đứt quãng của mẹ và Sương. Sương vùng ôm mẹ vừa khóc vừa bảo:

- Mẹ ơi! Con phải làm sao đây hở mẹ?

- Con liệu có tha thứ được không thì mẹ mới liệu nói chuyện với nó!

- Không! Trăm vạn lần con không thể tha thứ. Con sẽ bị ám ảnh suốt đời đó mẹ ơi!

Rồi Sương hấp tấp chạy ra khỏi nhà, nhớ có lần Luân âu yếm căn dặn nàng:

- Lúc nào em có vấn đề gì bực tức, cứ đến ngồi dưới gốc cây, hơi mát từ cây tỏa ra giúp cho em thanh thản lại ngay.

Sương ngồi cả ba mươi phút mà chẳng thấy gì ngoài hình bóng chập chờn của Sa và Luân. Nàng lại khóc. Không biết hôm nay là lần thứ mấy nàng rơi nước mắt. Một bàn tay ai đặt lên vai nàng, quay lại mẹ nhìn Sương buồn bã:

- Con về đi con! Con cứ như vậy hoài thật mẹ chẳng yên tâm chút nào cả con ạ!

Sương gượng cười với mẹ, đứng dậy theo mẹ ra về, mẹ hỏi:

- Bộ con không tính học nữa hay sao? Còn vài năm nữa con hãy cố gắng lên con!

Không biết phải trả lời sao cho mẹ đừng buồn, nàng tránh né:

- Mẹ! Hôm nay con phải lên trường còn gởi máy hút bụi và ít đồ đạc con còn gởi ở văn phòng nhà trường nghe mẹ!

Rồi nàng vào phòng tắm, vốc nước rửa mặt, dùng lược cào cào vài cái, nhìn gương mặt hốc hác của mình trong gương, nước mắt lại đoanh tròng. Vứt mạnh cái lược vào “sink” nàng lẩm bẩm:

- Còn gì nữa đâu? Làm đẹp với ai nữa không biết!

*

Lái xe hơn ba tiếng mới đến trường mà Luân với nàng đã học hai năm qua. Ra khỏi xe nhìn quanh: Đâu cũng là kỷ niệm. Đây là dãy song sắt đ1889

Khó hiểu



Khách tới chơi, cả nhà đi vắng, chỉ có cậu bé 5 tuổi ở nhà. Ông khách kiếm câu chuyện làm quà:


- Người mà bố cháu gọi là mẹ thì cháu gọi bằng gì?


- Dạ, bà ạ.


- Thế còn người mà bố cháu gọi bằng bà thì cháu gọi bằng gì?


- Là mẹ ạ.


***


Ông khách đến nhà, hỏi một cháu trai 10 tuổi:


- Cháu cầm tinh con gì?


- Con khỉ, con lợn và con bò ạ.


- Sao lại như vậy được?


- Lúc cháu nghịch thì bố bảo là đồ con khỉ, khi cháu tắm thì mẹ bảo là bẩn như lợn và khi xem sổ liên lạc thì ông bảo cháu là con bò ạ.

452

Nov 14, 2006

Thế giới với Ngày Tình yêu



Thế giới với Ngày Tình yêu


Ngành công nghiệp phục vụ Ngày Tình yêu (Valentine’s Day, 14-2) ở khắp nơi trên thế giới đã tung ra thị trường vô số hoa hồng, thiệp và bánh kẹo trong những ngày qua. Tại Trung Quốc, giá một cành hoa hồng đã tăng gấp 2 lần, trong khi ở Mỹ giá một bó 12 hoa hồng cũng đã tăng thêm 25 USD.


Tuy nhiên, mặt hàng bán chạy nhất vào thời điểm này không phải là hoa hồng mà là chocolate. Xu hướng tiêu dùng hiện nay là các sản phẩm chocolate có hình người và những tấm thiệp mừng bằng chocolate đựng trong hộp. Thị hiếu đối với chocolate cũng không giống nhau ở các nước. Người Pháp thích các sản phẩm chocolate đơn giản với hương vị thuần khiết, ít đường và không cần phụ gia, trong khi người Ý thích các sản phẩm cầu kỳ. Người Nhật thích sản phẩm chocolate sữa, trong khi người Thái ưa chocolate trắng. Người Hồng Kông và Singapore chuộng chocolate sậm màu.


Một yếu tố đáng chú ý khác trong mùa Valentine năm nay là các công ty viễn thông cũng có cơ hội “phát tài” với sự “hào phóng” của những trái tim đang yêu. Các đôi tình nhân thời “kỹ thuật số” có thể mượn Internet và điện thoại di động để “thay lời muốn nói”. Tại Trung Quốc, nơi ngày Valentine chỉ mới phổ biến trong những năm cuối thập kỷ trước, các công ty viễn thông đang hy vọng các đôi tình nhân trong dịp này sẽ lập lại kỷ lục gửi 7 triệu tin nhắn như trong 7 ngày Tết Quý Mùi vừa qua. Tại Mỹ, các hãng AT&T, Match Mobile và Match.com khai trương dịch vụ hẹn hò và tìm “ý trung nhân” chỉ bằng những nút bấm của điện thoại di động.

522

Nov 13, 2006

Thông thái rởm



Hai ông nọ ngồi nói chuyện thiên văn. Ông bảo trời cách ta mấy chục vạn dặm, ông bảo trời xa một vạn dặm là cùng, không biết ai đúng ai sai. Một ông khác nghe nói, xen vào:


- Hai ông nói sai cả, làm gì mà xa đến như vậy? Từ đây lên đến đấy chỉ chừng ba bốn trăm dặm thôi, đi mau thì ba ngày, đi chậm thì bốn ngày là đến nơi. Vừa đi vừa về độ bảy ngày.


Hai ông kia hỏi vặn lại:


- Bằng vào đâu mà ông dám nói chắc như vậy?


Ông này ung dung đáp:


- Cứ theo lệ thường thì ngày 23 tháng chạp đưa ông Táo về trời, 30 Tết lại mời ông Táo xuống. Hai ông tính xem, có phải như thế không nào?

1291

Thật đáng giận



Tên cướp lăm lăm khẩu súng chỉa vào chủ tiệm: "Nghe cho rõ: Vét hết tiền trong két ra đây."

Ông chủ sụt sùi: "Thật xui xẻo, hôm qua bọn trộm đã khoắng sạch cả rồi!"

Tên cướp nổi giận: "Đồ ngốc, tại sao không đóng cửa cho cẩn thận?"

895

Kẻ Bỏn Xẻn Bị Phạt



Ngày xưa ở gần thành vua nước Xá Vệ, có ông Lô Chí, nhờ thừa hưởng của phụ ấm và thêm hà tiện có tiếng "Rán sành ra mở được trở nên triệu phú ít ai bì".

Một hôm trong thành có tổ chức cuộc lễ công cộng linh đình, tiếng pháo vang rền, trống kèn inh ỏi đưa lọt vào tai, thêm trước mắt hình ảnh nam thanh nữ tú dập dìu ngựa xe đông đúc kéo nhau rộn rịp vào thành dự hội, làm cho Lô Chí thấy trong người cũng hân hoan. Ông vội vàng vào nhà mở tủ lấy ít đồng tiền lẻ, định ăn xài một bữa cho ngỏa nguê. Xuống nhà bếp hốt một nắm muối, lấy một cái chai, gói cột lại một đùm, Lô Chí mang đi xem lễ, không ngượng ngùng gì cả.

Vào thành, sau một hồi bách bộ ngóng xem cảnh đẹp phố phường, trưởng giả nhà ta mỏi mệt bụng bắt đói, miệng thèm ăn. Ông ghé vào quán mua thêm ít cái bánh và rượu, rồi đi ngay ra ngoại ô tìm chỗ vắng người định dùng bữa. Ðến một gốc cây to, ông vừa ngồi xuống mở nút trút ve, thì bỗng nghe tiếng kêu "quạ quạ!" trên không. Sợ lũ chim ô tinh ranh xớt bánh, ông lật đật đứng dậy chạy một hơi tuốt ra đồng không mông quạnh, một mình ăn uống. Rượu vài tuần, ông trưởng giả hứng chí đứng lên múa hát nghêu ngao, lúc cao hứng ông lại lớn tiếng tự hào:

"Bực vua Trời (Ðế Thích) hôm nay cũng không sướng bằng ta, huống nữa là các vị Tứ Thiên Vương!". Rủi cho ông lúc đó ông Ðế Thích với các vị hiền thánh đi ngang qua đồng đến tịnh xá Kỳ Hoàn nghe Phật thuyết pháp. Vừa nghe được lời ngạo nghễ của Lô Chí, vua Trời nghĩ ra một kế phương tiện để hóa độ người ngu si hết tật bỏn sẻn. Ngài liền hiện thần thông biến ngay một ông Lô Chí giả giống hệt Lô Chí thiệt, chạy thẳng về nhà ông trưởng giả. Lô Chí giả hối tất cả người nhà tựu họp lại nói chuyện. Ông thưa với mẹ rằng: Bấy lâu nay con bị con ma bỏn sẻn ám ảnh mất hết trí khôn. Nó không cho con chủ trương một việc gì có đạo nghĩa cả. Bao nhiêu tiền kho nó cũng cấm con đem cung phụng mẹ già, cấp dưỡng con cái, dâu rễ. May mắn thay! Ngày hôm nay, nhân dịp tiết hội, con đi chơi trong thành, gặp ông đạo sĩ cao tay ấn đuổi con ma tham lam ấy ra khỏi mình con. Từ đây cả nhà chúng ta đều được hạnh phúc. Ông lại dặn thêm rằng: "Con ma bỏn sẻn ấy giống con không sai chút nào. Nếu nó có đến, thì nội nhà ai ai cũng phải giúp con đánh đuổi nó ra khỏi cửa".

Dăn dò xong, ông vào kho tuôn tiền bạc ra cho người đi chợ thuê nhạc, mua pháo và sắm đủ món ngon, vật lạ làm tiệc linh đình, thiết đãi tất cả lục thân quyến thuộc, tôi trai tớ gái trong nhà và lối xóm láng giềng không sót một ai cả. Ông bảo đóng cửa rào lại không cho con ma bỏn xẻn vào, để ông đem các đồ quí báu ra phân phát cho mọi người xong, rồi sau sẽ cho nó vô. Ông dâng cho mẹ quần áo quí giá, phát cho vợ, con, dâu, rễ vàng ngọc bạc tiền. Tay phải ông dắt mẹ, tay trái ông dắt vợ đi viếng thăm kho tiền trong lúc tiếng hát hoà với giọng đàn, giữa mùi thuốc pháo pha lẫn hương trầm. Thật là cuộc vui hi hữu trong nhà ông trưởng giả lần thứ nhất vậy.

Lô Chí thiệt tỉnh rượu trở về nhà. Thấy thiên hạ rất đông đảo bao vây quanh nhà mình, trong nghe có tiếng đàn hát trống kèn inh ỏi, ông lấy làm ngạc nhiên và sợ hãi. Ông cố sức chen lấn người vào đến cửa rào kêu gào lạc giọng người nhà, nhưng không ai lên tiếng. Lô Chí giả biết Lô Chí thiệt đã về, dạy người ra mở cửa rào. Ông trưởng giả chạy thẳng vào nhà. Khi ấy mọi người đều la lên rằng:

"Ma bỏn xẻn đến kia rồi! Hãy đề phòng sẵn sàng đánh đuổi nó".

Lô Chí trưởng giả thấy một người giống in mình ăn mặc sang trọng, có vẻ trang nghiêm, ngồi ăn uống với mẹ, vợ, con, gái, dâu, rể một cách tự nhiên. Ông lại gần hỏi: Ngươi là ai? Sao được vào nhà ta hoành hành phung phí như thế?

Vua Trời tươi cười hỏi lại: Ngươi là ai?

- Tôi là Lô Chí, chủ nhà này chớ ai. Bà này là mẹ tôi, cô kia là vợ tôi, đám nọ là con cái, dâu, rễ tôi.

Tất cả người trong nhà đều phản đối. Bà mẹ nói "Con ma bỏn xẻn, mày giống con tao thiệt, nhưng tao nhìn nhận đứa con hiếu thảo, mà từ bỏ đứa con bội nghịch". Bà lại kêu nàng dâu nói: "Con ma bỏn xẻn xưng là chồng mầy, sao không lại gần nó đi".

Nàng dâu đỏ mặt, nạt dội trưởng giả: "Ðồ quỷ nói xàm! Hãy đi cho khỏi nhà này, thứ bỏn xẻn ai mà có yêu".

Vua Trời nói: Các ngươi đều công nhận tôi là Lô Chí, chủ nhà này thì sao còn để ma bỏn xẻn ở đây làm gì? Tức thời kẻ thộp gậy, người quơ roi đuổi xua trưởng giả chạy dài một nước. Ra đường ông ta tay bức tóc, chân dậm đất, miệng kêu trời, khóc kể rối rít như người mất trí. Một ông lão thấy vậy thương tình, cho mượn tiền sắm lễ vật đến vua cầu xin minh oan. Ðến bệ rồng, trưởng giả Lô Chí vừa cúi đầu dâng hai tấm lụa lên bỗng bị Ðế Thích dùng phép thần thông biến hai tấm lụa thành hai bó cỏ khô. Lô Chí chết điếng sợ tội khi vua, mặt mày tái mét, run rẩy lập cập nói ra không được lời nào.

Vua lấy thế làm thương, hỏi các người theo Lô Chí biết việc làm sao tâu giùm rành rẽ.

Bạn của Lô Chí tâu rằng "Muôn tâu bệ hạ, hôm qua ông Lô Chí vừa đi dự lễ trong thành, thì có một người giống hệt như ông, tự xưng là Lô Chí, đi ngay vào nhà ông, tự do hoành hành, tiêu xài hết của cải. Ông Lô Chí về, người nhà gọi rằng ma bỏn xẻn không nhìn, đánh đuổi. Ông Lô Chí uất ức quá nên đến xin Thánh hoàng minh xét".

Vua nghe tâu rồi cho người bắt kẻ giống như Lô Chí đến hầu.

Lô Chí giả, chính là Ðế Thích, đến trước bệ rồng. Vua xem tiên cáo, hai người in như khuôn đúc, không biết thế nào mà phân biệt giả thiệt. Vua suy nghĩ một chập rồi nói với bị cáo rằng: Lô Chí xưa nay vốn rít róng không dám xài tiền. Còn nhà ngươi tâm tánh rộng rãi, biết thi ân bố đức cho mọi người. Trẫm xét tính tình khác nhau như thế thì đủ biết thật giả lắm rồi, nhà ngươi cứ việc khai ngay.

Ðế Thích đáp: "Bệ hạ phán lời ấy có lý, song gần đây tôi mới hấp thọ giáo pháp của Ðức Phật Thích Ca, bỏ tà theo chánh, nên tôi phát tâm bố thí, dứt sạch thói bỏn xẻn đê hèn ngày xưa".

Vua hỏi quần thần có ý kiến gì hay giúp ngài minh oan.

Ông Túc Cầu tâu "Xin bệ hạ hỏi các việc bí mật ở trong nhà và trong thân thể thì biết được sự chơn giả". Vua đưa cho hai người vào phòng riêng bắt làm khai của cải và những việc cẩn mật. Thì hai tờ sớ khai trình sản nghiệp và sự bí mật đều giống nhau cả. Vua lấy làm lạ. Ngài hạ lệnh đòi mẹ Lô Chí vào hầu.

Vua hỏi: "Trong hai người này: ai là thiệt con bà?

Ðế Thích nói nhỏ trong tai bà ấy: "Xin mẹ chớ để con bị con ma bỏn xẻn ám ảnh nữa".

Bà cụ chỉ Ðế Thích: "Người này có lòng hiếu thảo với tôi. Còn người kia bạc bẽo lắm, quyết không phải là con tôi. Tôi căn cứ vào tánh nết tốt xấu mà thừa nhận, chứ hình vóc, tiếng tăm không phân biệt được.

Vua lại hỏi: Con bà có dấu vết gì? Ở trong chỗ ẩn mật hay không?

Bà cụ tâu: Ở dưới nách bên tả con tôi có một nút ruồi đen bằng hột đậu nành.

Ðế Thích nghe lập tức biến nốt ruồi ngay ở nách để đợi khám nghiệm.

Vua truyền hai người cởi áo, đưa tay trái lên coi, thì thấy người nào cũng có nốt ruồi đen như nhau. Vua và quần thần hết sức ngạc nhiên đồng cười rộ. Vua thú nhận rằng Ngài không phương giải quyết. Ngài nhất định thân hành đem nội vụ đến tịnh xá Kỳ Hoàn cầu Phật phân đoán.

Ðến trước Phật đài, vua lễ Ðức Như Lai và bạch rằng: "Lạy Ðức Thế Tôn, chúng con đem hết tài năng suy cứu cũng không làm sao phân biệt được hai người này ai là Lô Chí thiệt ai là Lô Chí giả. Mong cần Ðức Như Lai dùng Phật nhãn phân giải giùm kẻo tội nghiệp ông Lô Chí trưởng giả".

Bạch rồi, vua phán dẫn hai ông Lô Chí đến trước Phật đài. Ðại chúng ngồi yên lặng đợi nghe Ðức Thế Tôn minh đoán.

Bị cáo Lô Chí giả, thân thể khác thường mặt mày vui vẻ, ngồi yên lặng chỉnh tề. Tiên cáo, Lô Chí thiệt thân hình tiều tụy, quần áo rách rưới, bẩn thỉu, mặt mày lem luốc, ra dáng đau khổ. Ông khóc mướt, bạch rằng: Lạy Ðức Thế Tôn, xin đấng cha lành làm cho con khỏi sự oan ức.

Bị cáo, ông Ðế Thích thấy Lô Chí khổ não quá thì mỉm cười.

Ðức Như Lai cất cánh tay vàng thần quang rực rỡ chói lòa, phá tan mọi vật mờ ám tối tăm, không còn vật nào ẩn hình vào đâu được nữa. Ðức Phật hỏi Ðế Thích rằng "Ngươi làm gì thế?".

Lô Chí giả lập tức biến mất, hiện nguyên hình là Ðế Thích, khắp mình hào quang chói rạng, tướng mạo trang nghiêm, chắp tay hướng trước Phật đài đọc bài kệ rằng:

Cái người bỏn sẻn ngu si

Không hay bố thí giúp gì cho ai,

Năm đồng bánh rượu một chai

Ðem ra nơi vắng ngồi nhai một mình

Say rồi múa hát linh đình

Lớn lời tự thị dám khinh cả trời

Muốn cho tánh nó đổi đời

Quyền phi phương tiện nên tôi trá hình.

Phật bảo Ðế Thích: "Tất cả chúng sanh đều có tội, nên hoan hỷ cho nó".

Trưởng giả Lô Chí than với Ðế Thích rằng: "Tôi chịu khổ sở nhiều năm mới trích trữ được tiền của cho đầy kho. Nay bị Ngài huy hoặc phá tan hết trơn, tội nghiệp tôi quá!".

Ðế Thích đáp rằng: "Ta không hề tiêu phá của ngươi đồng nào".

Trưởng giả Lô Chí còn hoài nghi.

Phật dạy rằng: Ngươi hãy an lòng tin chắc, cứ về kiểm điểm lại đi, không mất một tý gì đâu cả. Lô Chí tin lời Ðức Phật, bao nhiêu phiền não đều tiêu tan. Ông kính cẩn lễ Phật rồi vội vã trở về nhà.


Hết





506

Nov 12, 2006

Dễ Quá



Một người điên tâm sự với một người cùi hằng nửa giờ, thình lình nó hỏi:

Chú mày có muốn mấy ngón tay chú mày hết cùi và thẳng ra hay không?

Người cùi mừng quá, lắp bắp nói:

Làm sao được vậy anh?

Người điên nói:

Dễ quá mà, tao làm giúp chú mày cũng được. Chú mày tìm cái búa đưa tay tao đập từng ngón thì thẳng ra ngay.

2828

Kỹ tính



Một chàng trai hưởng buổi tối vui vẻ ở nhà người yêu. Ðúng lúc anh định về thì trời đổ mưa. Cô gái nói: "Không thể để anh về giữa lúc thời tiết khủng khiếp này được. Tại sao anh không ngủ lại đây qua đêm nay?".

Chàng trai bằng lòng ở lại và cô gái lên gác để xếp phòng nghỉ cho khách. Hai mươi phút sau, cửa nhà mở, chàng trai bước vào quần áo ướt sũng.

- Anh vừa đi đâu đấy?

- Em bảo ở lại qua đêm - Anh giải thích - Cho nên anh chạy về nhà lấy quần Pi-gia-ma.2629

Nov 11, 2006

Buồn



Chỗ ngồi như bỗng rộng thênh
Anh chàng trưởng lớp ngồi bên, vắng rồi
Lặng thầm giờ học nặng trôi
Nghĩ thương ai bệnh - hồn tôi ngợp buồn.
782

Nov 10, 2006

Hối không kịp



Một anh chồng mệt mỏi vì phải làm việc quần quật trong khi cô vợ được ở nhà sung sướng. Anh cũng muốn sướng như thế, liền xin với Chúa.

"Chúa ơi, con khổ quá! Con phải làm việc cật lực 8 tiếng mỗi ngày trong khi vợ con thảnh thơi cả ngày. Con xin Người hãy đổi vị trí của chúng con để cô ta thấy con phải vất vả thế nào".

Chúa thương tình, cho anh chồng đau khổ biến thành phụ nữ.

Sáng hôm sau, anh chàng tỉnh dậy, nấu bữa sáng, đánh thức con cái, chuẩn bị quần áo cho chúng đi học, cho chúng ăn cơm, gói đồ ăn trưa, đưa chúng tới trường, trở về nhà ... lấy quần áo bẩn tới cửa hàng giặt là và đi tới ngân hàng để rút tiền trả hóa đơn điện và điện thoại.

Anh tới công ty điện và điện thoại nộp tiền, tới cửa hàng mua hoa quả, trở về nhà và bỏ đống hoa quả trong tủ lạnh. Anh dọn dẹp chỗ vệ sinh cho mèo, tắm cho chó. Lúc này đã là 1h chiều, vì thế anh vội vàng dọn giường, giặt quần áo, hút bụi và lau sàn nhà bếp.

Anh vội vã tới trường đón lũ trẻ và mắng chúng trong khi vẫn phải tỏ ra nhẹ nhàng. Anh đưa bánh và sữa rồi bảo chúng học bài, sau đó, chuẩn bị bàn là và xem vô tuyến một chút trong khi đang là quần áo. Chẳng mấy mà tới 4h30 chiều, anh vội đi gọt khoai tây, và rửa rau chuẩn bị cho kịp bữa tối.

Sau bữa tối, anh lau nhà bếp, chạy máy rửa bát. Lúc 9h tối, anh mệt mỏi và leo lên giường. Tuy nhiên, "chồng" lại đòi hỏi, vì thế anh làm qua quýt, không lời than vãn, trong lòng chỉ mong tới sáng.

Sáng hôm sau, anh quỳ cạnh giường và nói: "Chúa ơi, con khổ quá! Con biết lỗi rồi, xin Chúa cho con trở lại làm đàn ông".

Chúa nói: "Con của ta, ta tin rằng con đã học được nhiều điều và ta rất vui khi đặt mọi thứ trở lại như cũ sau 9 tháng nữa, bởi vì con vừa mới dính bầu tối qua".2600

Cái Gương: Khảo dị:



Truyện này có người kể :
Khi ông phú hộ ngó vô cái gương thì cười hỏi :
- Đời con cho chí đời cha
Tui nay mới thấy đàn bà có râu .
Còn có người kể :
Khi bà phú hộ ngó vô cái gương thì dỗ con gái :
- Nín đi con, cái con trời đánh đó già khú, hơi đâu .
Phú hộ chạy đem cái gương trình lên quan. Ông quan bụng phệ nghe chuyện, đặt cái gương ngang bụng mình, thình lình đập bàn quát :
- Sao để đến cái bụng chình ình ra thế này mới thưa kiện, hả ?
1220

Nov 9, 2006

Bước Em Trên Sân Yêu



Em rón rén bước vào đời anh
Như một chú chim non nhỏ bé
Ngơ ngác đứng giữa sân yêu vắng vẻ
Khe khẽ cất tiếng hát gọi mời Xuân

Em gọi nắng xuống giữa đời anh
Buông những đốm hoa vàng óng ả
Xuân đi qua .... đã bước vào mùa Hạ
Sao sân yêu vẫn thiếu những tiếng cười

Em run rẩy đứng giữa đời anh
Trong cơn mưa giông dài, buốt giá
Đã chớm Thụ... tắt rồi tia nắng Hạ
Trên sân yêu lác đác xác lá vàng....

Em lặng lẽ bước khỏi đời anh
Trong một ngày Đông mây giăng xám
Gót hồng đau trên sân yêu ảm đạm
Tuyết rơi rơi ... khuất lối đến tim ngườị..
1488

Nov 8, 2006

Ông bố râu quặp



Cô giáo hỏi học sinh:

- Đề bài là "cuộc trò chuyện của bố mẹ em", tại sao em chỉ viết toàn lời của mẹ?

- Thưa cô, vì bố em chỉ gật đầu thôi ạ.
1370

Nov 5, 2006

Bưu cục "thó" mất rồi!



Ở bưu cục nọ, có một lá thư đề người nhận là Thượng đế
- Thiên đường. Dĩ nhiên là không thể gửi nó đi, họ bèn mở ra xem, thư viết: "Gửi Thượng đế! Tôi là một bà lão tội nghiệp 80 tuổi. Suốt cả đời, tôi chẳng đòi hỏi gì. Nhưng hiện nay tôi đang rất cần 100 đôla. Xin Người hãy rủ lòng thương mà ban số tiền đó cho kẻ già này". Cả bưu cục mủi lòng, mỗi người quyên góp một ít tiền, được 90 đôla gửi cho bà cụ. Hôm sau, bà lão gửi thư khác, cũng cho Thượng đế. Lần này ông giám đốc gọi tất cả nhân viên tới để nghe đọc lời cảm ơn: "Thưa Thượng đế, tôi xin cảm ơn Ngài với tấm lòng sâu sắc. Nhưng tôi chỉ nhận được có 90 đôla, còn 10 đôla đã bị bọn bưu cục "thó" mất rồi!".
2260

Nov 4, 2006

Đúng là bố vợ



Sáng mùng Một Tết, anh nhân viên hãng rượu nọ mang biếu "bố vợ tương lai" một chai ông già chống gậy nắp đen. Anh ta cung kính nói:

- Thưa bác, nhân dịp năm mới, con xin biếu bác một chai rượu để dùng trong những ngày xuân.

"Bố vợ tương lai" thong thả hỏi lại:

- Thế sau những ngày xuân, thì tôi không được dùng rượu nữa à?915

Mưu Trí Ăn Trộm



Hương cả nọ nổi tiếng keo kiệt, đang cùng vợ và con gái ngồi gói bánh tét. Vua ăn trộm đi ngang qua ngõ cứ đứng dòm hoài . Hương cả nạt :
- Đi chỗ khác kiếm ăn !
Vua ăn trộm đáp :
- Dạ. Nhưng tối mai tui sẽ đến "xin" chục đòn bánh tét ăn Tết nhen !
Hương cả giận lắm, sắm sẵn sợi dây dừa to, quyết thức để bắt cho được vua ăn trộm.
Tối hôm sau, vua ăn trộm mò đến, đem theo một cục đất để trên miệng giếng nước. Hắn đào vách nhà ầm ầm, cố ý làm cho hương cả hay . Nghe tiếng động, hương cả hối vợ và con gái :
- Chạy ra bắt nó !
Vua ăn trộm phóng lẹ ra bờ giếng, lăn cục đất xuống rồi la lên bằng giọng hoảng hốt :
- Chết tui rồi !
Xong, hắn trốn lẹ vô bụi bông. Hương cả phấn khởi hô vang :
- Hắn lọt xuống giếng, hắn lọt xuống giếng !
Bèn vội vàng bảo vợ con cột dây vào ngang lưng mình và giữ dây cho lão xuống giếng nắm đầu thằng ăn trộm lên.
Vua ăn trộm lúc đó, mới lẹ làng vô nhà ẵm đủ mười đòn bánh tét, đi ra gặp bà hương nói :
- Cám ơn gia đình cho bánh. Tui xin kiếu !
Nói xong, hắn dong thẳng.
645

Nov 3, 2006

Tiền nào của nấy!



Một anh nông dân đưa vợ lên thành phố chữa bệnh. Trong khi vợ nằm nghỉ, anh đi dạo phố. Một cô gái trẻ đẹp tiến lại:
- Anh yêu, có đi với em không?
- Bao nhiêu?
- Một trăm!
- Đắt quá!
- Thích rẻ thì đi mà tìm loại khác. Đến khuya, gặp lại anh nông dân đang dìu vợ mình, cô gái bĩu môi:
- Thấy chưa, đã bảo mà! Tiền nào của nấy!
2390

Nov 2, 2006

Chơi xỏ



Một sinh viên kiến trúc đi thi vấn đáp. Thầy giáo hỏi tất cả các câu hỏi dễ nhất rồi mà anh ta vẫn không trả lời được.


Thôi thì dù sao cũng là trò mình, thầy hỏi nốt câu cuối:

- Thế theo cậu thì trong phòng này có bao nhiêu cái bóng đèn?

Trò ngẩng đầu lên đếm, không thiếu cái nào:

- Thưa thầy, có 4 cái!

Thầy lắc đầu rút từ trong cặp ra một cái bóng đèn và nói:

- Cậu đếm thiếu, thôi hẹn gặp lại ngày thi lại nhé!

Ðến kỳ thi lại, cũng chẳng khá hơn lần trước, sinh viên kiến trúc nọ vẫn tịt ngòi trước tất cả các câu hỏi. Thầy đành chiếu cố câu hỏi như cũ:

- Thế theo cậu thì trong phòng này có bao nhiêu cái bóng đèn?

Lần này, quả thật anh chàng rất tự tin trả lời ngay:

- Thưa thầy, có 5 cái bóng đèn!

Vị giáo sư lắc đầu:

- Cậu lại đếm sai, hôm nay tôi không mang cái nào cả nên chỉ có 4 cái thôi!

Sinh viên nọ đáp ngay:

- Nhưng mà em mang! (vừa nói vừa rút ra trong túi quần 1 cái bóng đèn).

1549

Gặp Nhau Lần Cuối





Khi tôi ngồi xuống ở bên em,
Giở tập thư xưa đọc trước đèn.
Vẫn ngọn đèn mờ, trang giấy lạnh,
Tiếng mùa thu động, tiếng mưa đêm.

Gần nhau, còn lạ nét môi cười,
Em đến như người bạn cũ thôi.
Trận gió năm nào chưa ngớt thổi,
Mà nghe hồn gió lạc xa khơi.

Em hãy ngồi im - khuya đã lâu,
Phút giây tâm niệm tưởng như sầu.
Ngón tay não nuột tàn nhung bướm,
Gỡ cánh hoa phai lả mái đầu.

Đèn nhỏ, sương pha lạnh mặt người,
Lạnh vương từ sợi tóc buông lơi.
Lìa vai, kỷ niệm bay mùi phấn,
Nép mặt hờn nghiêng lá hổ ngươi.

Mắt lặng nhìn nhau từ dĩ vãng,
Chợt xanh màu áo nhớ thương xưa.
Bóng em khoảnh khắc thành hư ảo,
Buồn lướt hàng mi thấp thoáng mưa.

Từng nhớ, từng thương, từng chụm đầu,
Từng chung dòng lệ thấm vai nhau.
Mà trong mắt liếc ngờ non ải,
Nhịp thở ân tình cũng biến đâu.

Sương xuống nhiều thêm, thôi biệt ly !
Nhìn em lần cuối, tiễn em về.
Mưa buồn nỡ để đường thu lạnh ?
- Đây áo quàng vai, em hãy che.

977

Nov 1, 2006

Rất đặc biệt



Một trọc phú bước vào salon ôtô, vênh váo nói:

- Hãy chọn cho tôi một chiếc BMW thật đặc biệt, không phải màu xanh, đỏ, tím, vàng, nâu, đen hoặc trắng...

- Đồng ý, chúng tôi sẽ đặt cho ông chiếc xe đó, ông quay lại sau nhé!

- Nói chính xác là hôm nào đi!

- Hôm nào cũng được, trừ các ngày thường, ngày lễ và chủ nhật.1959

Điệu ru kỳ lạ



Cô giáo hỏi Tí:


- Cô đã dạy các em nhiều điệu ru ở nhiều đia phuương khác nhau, tại sao trong bài kiểm tra hôm qua em Tí viết gì mà kì cục vậy?

- Thưa cô, tối hôm qua ở nhà ngoài em nghe mẹ em ru em gái rằng: "Ru con con ngủ cho ngoan... Từ... từ... cho con nó ngủ đã..."

- !!!
1606