Gục đầu bên giường bệnh, hai tay nắm chặt bàn tay lạnh giá của chị, tôi lảm nhảm nho nhỏ :
- " Chị ơi! Em khẩn cầu thần linh ban cho em sức mạnh để em truyền sang chị hơi ấm của em. Hai chị em mình cùng dòng máu luân lưu, chị sẽ có thêm sức sống để chống chỏi với cơn bệnh..!!"
Trong giây phút đau đớn tột cùng tôi buột miệng lâm râm cầu nguyện thành tiếng, tôi thảm thiết kêu gọi tất cả tên những đấng linh thiêng nào tôi biết xin về cứu giúp cho chị tôi thoát qua tình trạng hiểm nghèo. Chị tôi bỗng vụt mở choàng đôi mắt vô hồn với dòng lệ trào ra ngoài khóe, trên khuôn mặt sưng phù nét đau buồn vẫn hiện rõ. Với tay lấy mảnh khăn giấy người y tá đưa cho, tôi lau dòng lệ cho chị. Đầu tôi váng vất, mắt tôi hoa lên khi cố kìm tiếng nấc trong cổ họng, tôi tiếp tục thầm thì bên tai chị những lời an ủi, cổ võ cho chị cố gắng tin tưởng rằng chị sẽ lành bệnh, cho dù thâm tâm tôi đang tuyệt vọng khôn cùng.
oOo
Kỷ niệm đầu tiên lưu giữ giữa hai chị em tôi giống như tia chớp lóe sáng ngắn ngủi trong đầu, vậy mà tôi vẫn nhớ rất rõ mặc dù đã gần năm mươi năm trôi qua.
...... Tôi kém chị tôi hai tuổi, khi Ba Má tôi nhờ người cháu họ dẫn chị tôi theo anh ta đi học mỗi trưa thì tôi nằng nặc đòi theo mặc dù tôi còn lâu mới đến tuổi vào trường. Lớp học ở quê tôi hồi ấy nằm trong khuôn viên của Cô Nhi Viện do các bà xơ đảm trách ở phía bên kia con lộ. Đến lớp, tôi ngồi bên cạnh chị, chỉ yên chỗ được hôm đầu tiên, sang ngày thứ hai tôi đã thấy chán. Căn nhà lá có độc nhất một cái bàn nhỏ đặt phía trước mặt hai cái giường tre một khoảng ngắn. Sau lưng bàn là tấm bảng đen, gắn chặt vào vách lá dừa nước, trên đó ghi mấy dòng chữ bằng phấn trắng. Đám trẻ con ngồi chật hai cái chõng cứ ngoác miệng ê a hết ngày này sang ngày khác cũng vẫn mấy chữ này. Đi học chẳng có gì vui, lòng tôi thầm nghĩ, dựa lưng vào chị tôi ngủ khò. Qua ngày thứ ba, trong lúc tôi đang ngủ gục thì nghe đánh bộp một cái bên cạnh. Vụt mở choàng mắt, tôi hãi hùng nhìn cây roi mây dài như cây sào tre đang vụt xuống mấy đứa khác đang chí chóe gây gổ ở giường bên kia. Tôi kinh hoảng và đợi đến giờ ra chơi, một mình tôi vạch lỗ chó chui bên rào, băng qua con lộ chạy thẳng về nhà. Từ đó tôi mới hết đòi theo chị tôi đi học mỗi trưa.
Dọn nhà lên Saigon, chị tôi phải chịu thiệt thòi trễ mất hai năm học để chờ đợi tôi đến tuổi vào lớp năm. Đi học, mỗi lượt đi về chúng tôi phải băng ngang qua nhà ga xe lửa Saigon hồi ấy nằm trên đường Phạm Ngũ Lão. Dọc theo vách tường nhà ga thường hay có nhiều người Hời miền ngoài theo đường xe lửa vào tận Saigon bán những thứ thuốc làm bằng sản vật rừng núi. Người nào mặt mày cũng đen thui, quấn xà rông màu sặc sỡ. Huyền thoại của họ lan truyền trong đám học trò trường tôi khiến đứa nào cũng sợ hãi. " Nào là đi ngang đừng bao giờ ghé lại khi họ mời mọc. Khi nghe họ kêu mà quay lại nhìn thì về nhà sẽ bị hộc máu ra mà chết. Nào là đừng bao giờ đến gần sẽ bị họ bắt hồn nhốt vào cái bồ làm bằng tre vuông vức, với cái nắp đậy thuôn thuôn hai đầu vì họ là thứ mẹ mìn chính hiệu chuyên bắt trẻ con bằng tà thuật !" Mỗi lần đi ngang họ hai chị em tôi nắm tay chạy trối chết, sau lâu dần không thấy hề hấn chi nên mới bớt sợ. Trong lớp chị tôi là người học giỏi, hát hay nổi tiếng nên được cô giáo rất thương. Giờ tan học tôi hay đến đứng bên cửa lớp chờ chị cùng về vì chị đang bận rộn dẹp bàn, lau bảng, mang cất sổ sách cho cô. Cả lớp hết sức nể nang chị tôi, hồi ấy mỗi khi cô giáo vắng mặt trong lớp, cô thường hay đề cử một học trò mà cô thương yêu lên bảng ghi tên những ai nói chuyện và chị tôi là người luôn luôn được cô nhờ việc này. Nhưng bản tính chị tôi vốn hiền hậu nên được bạn bè chung lớp thương mến. Thấy tôi họ hay chỉ trỏ bảo nhau :
- Đây là em gái của Kim A.
Phải nói là ông Trời rất công bằng khi chỉ cho một mình chị tôi đậu vào Đệ Thất năm đó. Tôi phải học lại lớp Tiếp liên trong khi chị tôi xúng xính trong chiếc áo dài trắng làm học trò trung học.. Vì chỉ học lại bài vở củ nên tôi tha hồ rỗi rảnh, đi chợ ngang cửa hiệu cho thuê sách tôi lén thuê thử vài quyển của những nhà văn đương thời mà tôi thường đọc truyện của họ đăng trong báo như Nhà văn Ngọc Linh, Tùng Long.... Một tối, chị em tôi đang ngồi bên bàn học, má thấy tôi đọc sách bà đi đến khám xét. Má tôi cho rằng con gái đọc tiểu thuyết sẽ " hư hỏng" ??? Thấy vẽ bối rối sợ hãi của tôi, chị " cứu bồ" tôi bằng cách nói rằng sách là của chị mượn từ thư viện của trường về đọc để làm bài " Trần thuyết" . Đồng thời chị đưa cho Má tôi xem mấy quyển sách của chị có đóng dấu thư viện của trường. Má tôi yên lòng quay đi vì bất cứ những gì có phát xuất từ trường chị tôi học Ba Má tôi đều tuyệt đối tin tưởng bởi đó là một trường Nữ Trung Học nổi tiếng nhất miền Nam từ lâu.
Khi tôi thi đậu vào trường thì chị là người dẫn dắt tôi bước những bước đầu tiên bỡ ngỡ ở ngưỡng cửa Trung Học. Ngày tựu trường chị cẩn thận dẫn tôi đến lớp học, giờ ra chơi chạy đến lớp thăm tôi. Thế là hai chị em tôi lại cùng cạnh bên nhau mỗi ngày trên đường đi học. Trôi theo dòng đời, chúng tôi lớn lên trong giáo dục hết sức hà khắc của gia đình. Ba Má tôi theo xưa nên tinh thần Nho giáo của Khổng Mạnh. " Tại gia tòng phụ, xuất giá tòng phu" được áp dụng triệt để. Nhất là đối với chị tôi, bởi vì chị là con chim đầu đàn sẽ hướng dẫn, nêu gương cho cả bầy em. Tính của chị vốn hiền lành, ngoan ngoãn. Với Ba Má tôi chị là đứa con hiếu đễ hết mực. Từ thuở nhỏ chị đã biết cần kiệm, dè sẻn tiền quà bánh để tự mua sắm sách vở học hành. Hai chị em tôi là hai thái cực tương phản rõ rệt. Trong khi tôi lúc nào cũng chúi đầu vào mấy quyển sách báo, thả hồn theo các nhân vật trong tiểu thuyết đầy mơ mộng lãng mạn thì chị tôi lại là một người sống bằng thực tế. Giờ tan học, lớp tôi học ít giờ hơn nên thường được tan sớm. Tôi hay lang thang trên những con đường quanh trường, hái đầy hoa tigon về ép vào tập hoặc vào chùa Xá Lợi nhặt hoa cát đằng tím ngát rụng khắp sân chùa trong lúc chờ đợi chị tôi chở về. Khi ấy chị phải chúi đầu đánh vật với quyển Vạn Vật dầy cộm, những phương trình Toán, Lý Hóa nhức đầu. Ở nhà chị là người trợ thủ đắc lực của Ba Má tôi quán xuyến việc nhà, nấu nướng và chăm sóc đàn em. Đầu óc chị luôn luôn nghĩ đến những công việc phải làm, mơ ước sao cho gia đình phát đạt.
Trong gia đình chị tôi là người nhu mì, ngoan ngoãn, với bạn bè là một cô gái hiền hậu, dễ thương. Chị có dáng dấp cao ráo, khuôn mặt tròn đầy phúc hậu, nét nhìn vui vẻ, tính tình cởi mở, mái tóc đen nhánh thả dài tận thắt lưng thon thả. Những ai tiếp xúc với chị cũng đều thương mến chị bởi Chị hay cả nể, không bao giờ to tiếng với bất cứ ai. Tôi là em, nhưng tính tình lanh chanh, lại thêm hay " lý sự" nên thường lấn lướt chị và chị rất khâm phục tôi về những lý lẽ tôi " thao thao" nói cho chị nghe về những gì tôi đọc lóm trong sách vở. Tôi là một thứ " quân sư quạt mo" mà chị tin tưởng khi chị có bối rối rung động bởi một tha nhân, cho nên lúc nào chị cũng mang kể vanh vách cho tôi nghe từng chi tiết. Lần đó chị đem cho tôi xem tập thơ " Ta đợi em từ ba mươi năm" của Vũ Hoàng Chương do một anh bạn đang học năm thứ ba ĐHSP gởi với mấy câu thơ đề tăng mà tôi thuộc làu :
" .. Mái tóc ngày xưa giờ đã buông dài
Yểu điệu dáng hoa, rạng ngời đức hạnh
Ai lại không thương, không nhớ đêm ngày
Nhớ từng giây phút, nhớ luôn trong mộng
Hương vẫn còn đây, tình mãi tràn đầy...."
Tôi chiêm nghiệm tình tiết, cân nhắc lợi hại rồi phán một hơi dài :
- " Không được, chị lấy hắn sẽ bị đau khổ sau này, vì hắn ta và chị bằng tuổi nhau. Con gái lấy chồng đồng tuổi, sau vài lứa đẻ sẽ già giống chị của đức ông chồng. Hắn sau này là giáo sư Việt Văn, trẻ tuổi, đẹp trai sẽ có khối cô nữ sinh mê mẩn về tài ăn nói !! Lấy hắn sau này chị sẽ khổ vì ghen !! Thầy bói nói tuổi chị cao số, lận đận về tình duyên, vậy thì ráng tránh trước là hơn."
Tôi không rõ chị có nói gì với Anh ấy không ? Nhưng sau đó một năm tôi nghe chị kể là Anh này sau khi ra trường đã xin được một học bổng sang Pháp du học. Nhiều năm sau biến cố 75 chị có nhắc đến Anh qua tin một người bạn khác. Khi Anh trở về thăm quê hương, biết chị tôi đã lập gia đình Anh nhắn lại rằng dù không duyên nợ nhưng vẫn mong chị tôi xem Anh như một người bạn.
Thói thường, người có tính tình hiền lành hay đi kèm với khờ khạo hoặc đần độn khi giao tiếp với xã hội. Nhưng ở chị tôi thì lại khác, chị có một cá tính chân thật, hiền lương, đến độ cho dù người có " nanh nọc" mấy cũng không nở hiếp đáp chị lâu được. Tính mềm mỏng của chị khiến người tiếp xúc thương mến và đó là một biệt tài về ngoại giao, mà ngay như đứa được tiếng là lanh lợi, khôn " lỏi" như tôi vẫn không thể nào bắt chước được.
Số phận chị giống như một cái đầu tàu kéo theo những toa goòng chất đầy hàng hóa nặng nề!. Trong khi chị cần cù chăm chỉ làm việc giúp đỡ Ba Má tôi nuôi nấng các em thì tôi lấy chồng và đi xa để vui hưởng hạnh phúc riêng cho bản thân mình.
Sau 75 từ việc Công Tư Hợp Doanh, đi đến Quốc Doanh, Ba Má tôi trắng tay. Những nhà cửa, đất đai có được kèm với thu nhập khiến đơì sống được thong dong trong lúc tuổi già của Ba Má tôi hiện tại đều do một tay chị tôi gầy dựng lại. Trước và sau biến cố 75 chị tôi vẫn là một người thành công ngoài xã hội. Tất cả cho chúng tôi thấy rõ chị tôi quả là một người chị hết sức giỏi giang, hơn người.
Cùng lúc đất trời chông chênh sụp đổ bởi đại nạn của cơn hồng thủy. Tôi lúc ấy một tay ôm đứa con đỏ hỏn, tay kìa quờ quạng vào khoảng không, níu kéo tìm kiếm bóng hình chồng giờ bặt tin như tăm cá bóng chim. Tôi quỵ Xuống tưởng như mình bị nhận chìm chết ngộp dưới dòng thác tuyệt vọng thì chị giống như một bà tiên xuất hiện, nâng dậy đưa tôi về lại gia đình. Từ đó mẹ con tôi nương tựa vào chị Tất cả tinh thần lẫn vật chất mặc dù mọi thứ thời ấy rất khó khăn. Chị lo cho con tôi từng hộp sữa, lo cho tôi từng tờ giấy phép đi đường để mua vé xe đi thăm chồng trong trại tù xa xôi, heo hút. Ngay cả tìm công ăn việc làm, tất cả các em trong nhà cũng đều phải nhờ vào tay chị.
Riêng phần chị cũng không kém lao đao sau ngày mất nước. Chị chưa bao giờ có giờ phút rạng rỡ trên chiếc xe hoa của một cô dâu. Chị chưa từng là vợ để được hưởng hào quang của uy quyền, vậy mà chị vẫn lẽo đẽo theo chân người tình từ trại tù này sang trại tù khác thăm nuôi. Bản tính hiền hậu, chân thật của chị giờ đây cộng thêm hai chữ thủy chung. Trong khi có biết bao người khi không còn thấy danh vọng, tiền tài, uy quyền của người chồng đã vội quay lưng vứt đi quá khứ mặn nồng.
Có phải khi con người được sinh ra, trời đất đã quàng ngay vào mỗi người một số phận. Và khi đã được đặt để thì không sao cãi được mệnh trời ? " Đức năng thắng số" hay " Nhân định thắng thiên" tôi thường hay nghe nói đến, nhưng với chị tôi thì quả nhiên đã không cãi được số phận. Cho dù người thân có lo sợ cách mấy chị tôi vẫn không thoát khỏi lận đận về chồng con.. Quả là số phận chị tôi thật hẩm hiu, cô độc. Sự vô tâm trong đơì sống của họ khiến chị là đàn bà lại phải gánh vác luôn cả trọng trách của một người đàn ông trong gia đình riêng của chị Ngần ấy thứ quay cuồng, chất chồng trong tâm trí nơi xứ lạ quê người đã đánh gục chị tôi, chị ngã xuống và đã không sao gượng dậy nổi !! Những người quen biết, bạn bè chung quanh hay tin chị tôi bị nạn tất cả đều bàng hoàng thương xót, trách trời không công bình với kẻ hiền lương có tâm tính rộng rãi như chị tôi, trách những kẻ ác lại không gặp chuyện dữ, ai cũng cầu trời cho chị tôi vượt qua giây phút hiểm nghèo ngàn cân treo sợi tóc !
Trong đời sống, chị tôi đã làm tròn bổn phận của một người con hiếu thảo với cha mẹ, người chị bao dung, hiền hậu của đàn em. Người vợ tận tụy thủy chung, người mẹ hiền hòa và là người bạn tốt ngoài xã hội đối với mọi người. Tất cả việc chị làm chị đều không mong mỏi được hồi đáp. Sao chị tôi lại có một kết quả khắc nghiệt và tàn nhẫn đến độ này ?!!
oOo
Tôi đã gục đầu rất lâu bên giường bệnh của chị. Tôi đã khẩn cầu biết bao nhiêu thần linh. Tôi đã tưởng tượng ước mong biết bao phép lạ. Trái tim tôi nặng nề như đeo đá, như muốn ngừng theo nhịp tim, như hụt theo từng hơi thở của chị bởi tôi thương mến chị biết là dường nào. Chị với tôi từ xưa đến giờ như hình với bóng !! Tôi lang thang qua từng góc phố, từng con đường, nơi chốn chị em tôi đã từng in hình bóng. Người ta vẫn đông đúc, vẫn thản nhiên đi lại. Thế giới này bao la rộng lớn quá sao không có một chỗ nhỏ nhoi cho chị tôi sinh tồn. Khi tôi gục ngã, bất cứ lúc nào tôi cũng đều có chị chạy đến bên tôi nâng dậy. Với chị, bây giờ tôi bó tay không làm gì được để chia sớt san sẻ đau đớn, không giúp ích gì cho chị được. " Huynh đệ như thủ túc - Anh em như thể chân tay" , Máu chảy ruột mềm" tôi chỉ biết đứng bên cạnh nắm tay chị lắng nghe nỗi đau quặn thắt trong tim.
Nhiều cuộc họp của các Bác Sĩ bắt tôi phải quyết định hành động rút ngắn mạng sống chị tôi với lý do giảm thiểu đau đớn cho chị tôi. Mỗi lần tôi vào gặp chị, chị mở mắt nhìn tôi với dòng lệ trào ra từ đôi mắt. Tôi đọc trong đôi mắt chị nỗi đau khổ, buồn rầu thê thiết. Đôi mắt chị có lúc như van lơn, thể hiện đầy nét thương đau. Chị tôi vẫn còn đầy đủ trí óc minh mẫn nghe tôi nói, còn thân xác ấm áp nồng nàn, trái tim còn hòa nhịp đập với đơì sống. Nếu chỉ vì chị tôi bây giờ trở thành một phế nhân, sống không giúp ích cho xã hôi mà ruồng bỏ mạng sống của chị thì có phải là con người đã đánh mất nhân tính ? Đó là tên đao phủ, là kẻ sát nhân. Tôi đã trả lời với những người chữa chạy cho chị tôi khi họ mong tôi suy nghĩ lại ! Tôi không cần suy nghĩ gì nữa, cho dù một ngày, một tháng, một năm hay trăm năm. Tôi vẫn giữ nguyên ý định là không bao giờ mặc dù tôi biết chị tôi đau đớn. Chị tôi đau thể xác một, nhưng tinh thần tôi đau gấp mười. Cho dù chị tôi là một phế nhân nằm đó với đơì sống thực vật nhưng tôi vẫn còn hình dáng chị tôi trong cuộc sống. Hành động cắt ngang mạch sống là tôi sẽ mất chị tôi vĩnh viễn không bao giờ tôi tìm lại được. Thượng đế sinh ra con người và chỉ có Thượng đế mới có quyền hủy diệt. Không ai có thể nhân danh vì lý do này hay lý do khác để thay quyền. Nếu số phận chị tôi đến đây chấm dứt do Thượng đế đặt để, tôi không dám than oán. Tôi chỉ cầu xin Thượng Đế đừng để loài người đừng vì nhân danh " nhân đạo trong nền y học" cướp đi mạng sống chị tôi.
Ngoài kia bầu trời vẫn trong xanh, phía dưới là rừng cây xanh. Thành phố nằm trên mảnh đất mà người ta gọi tên là " Cao nguyên tình xanh" . Trong tác phẩm " The Last Leaf" , người thiếu nữ đếm từng chiếc lá đợi chờ cái chết. Và người thiếu nữ hồi phục, sống sót chỉ vì một chiếc lá còn sót lại sau cơn giông bão.
Chị tôi còn có cả một rừng cây xanh trên mảnh đất người ta đã đặt tên "Evergreen" , lẽ nào chị tôi không còn mảy may hy vọng !! Tôi biết đằng sau những hy vọng nhỏ nhoi là cả một khối tuyệt vọng trong trường hợp của chị tôi. Nhưng tôi tin vào biến hóa của trời đất vì đôi khi trong tử lộ lại tìm ra sinh lộ. Cùng tắc biến, biến tắc thông. Tôi đành chỉ biết chắp tay cầu trời ban phép lạ giúp cho chị tôi bình phục.
Jul 15, 2006
Chị Tôi
Labels:
Cỏ Biển,
TruyenNgan
Subscribe to:
Post Comments (Atom)
No comments:
Post a Comment