Người Đàn Bà Tội Lỗi
Dịch Giả: Lê Diệu Lý
Thời đó, người Mỹ chưa đặt chân lên mặt trăng... Bác sĩ Bernard chưa ghép quả tim đầu tiên... Chưa có đứa trẻ nào được sinh ra bằng phương pháp thụ tinh trong ống nghiệm... Chưa có ai chết vì căn bệnh AIDS...
Một ngày oi ả cuối tháng tám, có vẻ như mùa hè còn lưu luyến, dùng dằng, chưamuốn dời chân. Tôi ngồi dưới bóng cây óc chó, tay cầm ly sữa chua pha nước lạnh. Tiếng hát từ chiếc radio trong nhà thỉnh thoảng lại bị chìm đi bởi tiếng xe hơi chạy ngoài đường. Một chiếc xe cứu thương đang từ từ đỗ lại. Quanh đây không có ai bị ốm nên tôi đoán là họ muốn tìm mình.
Tuy còn trẻ, nhưng tôi đã là một người hiến máu thường trực vì có máu thuộc nhóm hiếm. Tôi tập thể thao thường xuyên, không hút thuốc, không uống rượu nên sức khoẻ có thể gọi là thép. Đối với các nhân viên thuộc trung tâm hiến máu thì tôi là một người tình nguyện lý tưởng nên mỗi khi cấp bách, họ thường tìm tới tôi.
Quả nhiên, tôi đã đoán đúng. Một nhóm người mặc blouse trắng tiến lại gần:
- Anh là...
- Vâng, tôi đây.
- Anh có đang bị bệnh gì không?
- Không.
- Anh thấy trong người khoẻ chứ?
- Vâng.
- Chúng tôi đang có một ca cấp cứu, anh có vui lòng hiến máu ngay bây giờ được không?
- Dĩ nhiên ! -Tôi nhận thấy vẻ căng thẳng ban đầu trên nét mặt họ chợt biến mất sau câu trả lời này.
Chúng tôi lên xe, chạy tới bệnh viện. Xe chạy nhanh đến nỗi mọi người đổ nghiêng ngả vào nhau. Như để thanh minh, một người nói với tôi:
- Mỗi giây bây giờ đều rất quan trọng... có một em bé sắp chết... mới năm tuổi... cháu chơi trong một ngôi nhà đang xây và ngã từ trên cao xuống, bị gãy xương, bầm dập cả bên ngoài và bên trong, mất rất nhiều máu. Cha của cháu cho máu ngay nhưng có sự nhầm lẫn nên bây giờ phải thay máu. Chúng tôi đã cho xe đi đón mâùy người có cùng nhóm máu, nhưng hôm nay là chủ nhật, chưa chắc đã gặp được họ... sẽ cần nhiều đấy... tới mấy lít máu...
Khi chúng tôi tới bệnh viện, đã có rất nhiều người đứng chờ. Nét mặt ai cũng lộ vẻ lo lắng. Một người nào đó chụp tay tôi kéo đi.
- Mời anh vào ngay !
Qua một dãy hành lang, tôi vào phòng xét nghiệm để thử mẫu máu. Muốn giúp mọi người tiết kiệm thời gian, tôi vội nói:
- Tôi có mang theo thẻ hiến máu đây, có ghi rõ nhóm máu.
- Ồ, không ! Không ! Chúng tôi không thể để nhầm lần thứ hai.
Một bác sĩ chạy vào:
- Xong chưa? Có cùng nhóm máu không?
- Thưa bác sĩ, cùng một nhóm máu.
- Mặc áo blouse cho anh ấy nhanh lên !
Họ giúp tôi mặc áo rồi cho nằm lên một chiếc xe đẩy. Tới khi tôi định thần lại thì kim đã cắm vào ven, máu bắt đầu chảy vào ống nhựa. Mãi lúc này tôi mới nhận ra mình đang ở trong phòng phẫu thuật. Cách tôi vài mét là chiếc bàn mổ phủ khăn trắng toát, bên trên có một chú bé đang nằm. Đúng ra, tôi chỉ thấy được cái đầu nhỏ bé của chú với mái tóc bạch kim, nghiêng về một bên, bất động. Một nỗi cảm thương dâng lên trong lòng tôi…
Khuôn mặt chú bé rất đẹp, nhưng nước da quá nhợt nhạt, trong suốt như thể chẳng còn giọt máu nào sót lại. Bác sĩ gây mê chăm chú theo dõi hơi thở của chú và thỉnh thoảng dùng khăn lau nhẹ mồ hôi toát ra trên vầng trán xinh xinh. Phần còn lại của chú bé bị khuất dưới lớp drap trắng và những bác sĩ đứng xung quanh đang căng thẳng, gấp gáp cố gắng dành giật lại sự sống cho chú. Lòng đầy hy vọng chú bé sẽ được cứu sống, tôi cố để ý nghe các câu trao đổi của các bác sĩ. Một người hỏi:”Nhịp tim thế nào?... Huyết áp? Mấy người hiến máu khác đâu?” Có tiếng ai đó trả lời là những người hiến máu đang tới. Tôi nghe rõ tiếng thở phào nhẹ nhõm.
Đúng lúc đó, một bác sĩ từ bên ngoài chạy xộc vào, la lối:
- Tại sao lại có chuyện như vậy ?! Ai đã cấp bằng cho các anh?! Lẽ nào các anh không biết nguyên tắc tiếp máu là trước tiên phải thử máu người cho chứ không phải là nhìn vào giấy tờ hoặc chỉ nghe người ta nói sao? Nào là đang vội... Nào là đứa bé đang nguy kịch… Nào là chính cha của nó cho máu...Không thể biện bạch gì hết ! Các anh thử hình dung xem nếu như có ai đó cố tình lừa các anh, ai đó chỉ muốn nó chết cho khuất mắt...
Cửa phòng hé mở, một người đàn ông để ria mép khẽ lách vào.
… ông ta không phải là cha ruột đứa bé, các anh biết không ? Không phải người cha sinh học... – ông bác sĩ nói thêm mấy câu nữa, rồi chợt nhìn thấy người đàn ông lạ, ông ta nhướng mắt tỏ ý ngạc nhiên. Người đàn ông để ria mép tỏ vẻ hoang mang, ấp úng:
- Tôi... tôi là cha của cháu... nhưng… hình như không phải... - Chưa nói hết câu, ông mở cửa lao vội ra ngoài.
Vị bác sĩ không nghe rõ hay ông không lưu tâm tới những lời của người kia, quay sang nói tiếp:
- Thật là vô trách nhiệm ! Nếu đứa bé không qua khỏi, tôi sẽ truy tố các anh ra toà ! -Sau đó ông tiến lại gần tôi, giọng vẫn chưa hết xúc động:” Anh bạn trẻ, hãy cố lên nhé ! Hôm nay chúng tôi phải lấy hơi nhiều đấy. Cháu bé này phải được cứu sống. Rồi anh sẽ bình phục ngay thôi, chỉ hơi chóng mặt một lát.” Rồi ông bước ra ngoài.
Chỉ khoảng một phút sau thì túi đựng máu của tôi đã đầy, người ta rút kim tiêm và chuyển tôi sang phòng nghỉ. Thấy hoa mắt nên tôi phải nằm thêm hơn một tiếng nữa. Vì thế mà tôi biết là ông bác sĩ hồi nãy là bác sĩ trưởng của bệnh viện và chuyện xaỷ ra hôm nay thật khác thường…
Stefchô (tên chú bé) được cha đưa vào cấp cứu ngay sau khi bị tai nạn rất nặng. Và người cha xin được truyền máu cho con. Do tình trạng nguy kịch của cháu nên các bác sĩ đã lấy máu của ông truyền cho con mà không kiểm tra lại. Và sự cố đã xảy ra: bệnh nhân bị hôn mê sâu do không hợp với máu được tiếp. Phải tìm người có nhóm máu phù hợp để thay ngay…
Trước khi ra về, tôi muốn biết tình trạng của Stefchô, nhưng họ nói là mặc dù có hy vọng qua khỏi, cháu vẫn còn phải được theo dõi lâu.
Ba ngày sau, chính mẹ của Stefchô tới tìm tôi và tôi thấy lòng nhẹ hẳn khi biết cháu đang hồi phục. Người phụ nữ này còn khá trẻ, phải nói là đẹp, nhưng cặp mắt đượm buồn, ẩn chứa một nỗi đau khổ sâu sắc. Chị nói là xin được đia chỉ của tôi ở bệnh viện và đến để cám ơn tôi đã giúp cứu con trai chị. Chị muốn được hôn tay tôi, nhưng tôi cảm thấy lúng túng, vội xuay người qua hướng khác.Rõ ràng chị lớn hơn tôi, dù chệnh lệnh không bao nhiêu. Chị lại nói muốn biếu tôi một ít tiền, tôi cương quyết từ chối, cảm thấy rất khó xử khi phải rơi vào tình huống như thế này.
Người phụ nữ nhìn tôi bằng đôi mắt u buồn, lát sau chị nói, giọng trầm xuống:
- Tôi sẽ không bao giờ quên lòng tốt của cậu... Có những người khác đã giúp con tôi, nhưng cậu là người đầu tiên... Stefchô sẽ phải chịu ơn cậu suốt đời...Cám ơn... - Chợt chị bật khóc nức nở.
Tôi dìu chị ngồi xuống chiếc ghế băng dưới gốc cây óc chó. Chị kể qua hàng nước mắt:
- Tôi lấy chồng cách đây 7 năm. Chồng tôi là một người rất tốt. Chúng tôi rất hiểu và yêu nhau. Những năm tháng hạnh phúc trôi qua, nhưng mãi mà vẫn không có con… Cả hai đều rất mong, nhưng...Tôi đi khám, họ làm các xét nghiệm và nói là tôi hoàn toàn khoẻ mạnh, có đủ khả năng sinh nở. Như vậy là chồng tôi phải đi khám. Khi tôi nói chuyện này thì anh ấy nổi giận, nói là nguyên nhân do phía tôi, là trước tôi, anh ấy đã có những người khác, thậm chí một trong số họ...Nói tóm lại, có đủ bằng chứng là anh ấy hoàn toàn bình thường.
Mẹ của Stefchô ngừng kể, lau nước mắt, ngẹn ngào, như thể đang phải cố nuốt nỗi đau bị xúc phạm ngày nào.
- Một thời gian sau - chị kể tiếp- tôi lại nói với anh ấy là có thể xin con nuôi...”Tôi không muốn ! Tôi đã có con của tôi !” Anh ấy gầm lên. Rồi từ đó anh ấy trở nên lặng lẽ, về nhà rất khuya và thường xuyên uống rượu.
Người phụ nữ sụt sịt một lát rồi kể tiếp:
- Hôn nhân của chúng tôi bắt đầu xuống dốc. Vẫn chẳng thấy có chút hy vọng là đứa bé sẽ xuất hiện. Tôi những muốn làm tất cả để cứu vãn quan hệ vợ chồng. Anh ấy là mối tình đầu của tôi, không có anh, cuộc sống của tôi sẽ chẳng còn ý nghĩa gì nữa, mà với anh ấy, con cái là tất cả. Thế rồi tôi đi đến một quyết định. Tôi chọn một ngày thích hợp, không ai để ý, tôi lên xe đến Pleven , tại sao tôi chọn nơi này, tôi cũng chẳng cần biết nữa. Moị chuyện xảy ra lúc đó như trong một giấc mơ, một giấc mơ mà tôi không bao giờ muốn nhớ lại. Tới nơi, tôi như người mộng du, cố tìm một người đàn ông nào đi một mình. Tôi kể hết mọi chuyện với người đầu tiên tôi gặp. Nghe tôi kể xong, ông ta phân vân một lát rồi nói:”Thôi được, tôi sẽ giúp chị…” Rồi chúng tôi về nhà ông ấy. Thậm chí chẳng ai hỏi tên ai. Bây giờ tôi cũng chẳng nhớ nổi diện mạo người đó nữa. Sau đó tôi quay ra bến xe, về nhà. Không ai để ý gì cả. Vài tuần sau thì tôi biết chắc là mình đã co ùmang. Tôi nói với chồng tôi, anh ấy lập tức thay đổi hẳn. Anh cảm thấy mình là người sung sướng nhất vì sắp được làm cha. Với tôi cũng vậy, anh ấy chính là cha của đứa bé, không một ai khác ngoài anh ấy. Nhưng tôi đã sai lầm... tôi đã làm một việc sai trái nên bây giờ tôi phải chịu trừng phạt. Stefchô ra đời, trong mấy năm được sống giữa tình yêu thương của bố và mẹ… Cho đến hôm trước, khi tôi vừa từ bệnh viện trở về, anh ấy nói là đã biết hết mọi chuyện, rằng anh ấy không phải là cha đẻ của đứa bé, và tuyên bố quan hệ giữa chúng tôi đã hoàn toàn chấm dứt. Không để tôi thanh minh dù chỉ một lời, anh ấy bỏ đi.
Tôi quan sát người phụ nữ với đôi vai so lại, lưng gập xuống, tự hỏi đó là do tai nạn xảy ra với đứa con hay do cuộc chia tay với người chồng mà chị hằng yêu. Chị nhắc tới cả hai bằng một giọng thiết tha, có thể thấy rõ, với chị đó là những gì yêu quí nhất trên đời.
Tôi muốn nói với chị là chồng chị đã hiểu sai lời của bác sĩ hôm đó, nhưng trong thâm tâm tôi biết là ông ta đã hiểu đúng nên tự nhủ mình không nên tham gia vào những sắp đặt của số phận mà làm gì.
Lúc ra về, chị nói khoảng một tháng nữa, khi Stefchô được ra viện, sẽ đưa cháu đến chào tôi-ân nhân cứu mạng-chị gọi tôi thế. Tôi đáp lại là rất nóng lòng và sung sướng được làm quen với cậu bé. Nhưng rồi cuộc gặp gỡ này đã không thành hiện thực vì hai tuần sau đó, tôi có giấy gọi nhập ngũ. Mấy năm sau, gia đình tôi chuyển tới sống tại một thành phố phía nam.
Mười bảy năm sau, tôi đưa vợ và con trai lên chín tuổi về thăm quê. Chúng tôi đang đi dạo ở một phố trung tâm thì bất chợt, một phụ nữ lao tới, ôm chầm lấy tôi, hôn lên cổ, lên mặt tôi, cười cười, khóc khóc khiến tôi thấy hoảng hốt.
Vợ tôi ngạc nhiên đứng nhìn cảnh tượng đang xảy ra, còn con tôi giật giật tay mẹ nó, hỏi:
- Mẹ ơi, bà này là ai ? Bà ấy muốn gì ở bố thế?
- Mẹ không biết ! Sao con không hỏi bố ấy ! VơÏ tôi sẵng giọng.
Tôi nhìn vào mắt người phụ nữ này, thấy không có dấu hiệu gì là của một người điên cả. Thậm chí, hình như tôi đã từng gặp ở đâu đó. Dần dần, xuyên qua lớp sương mù của ký ức, tôi nhận ra chị. Như để củng cố cho nhận định của tôi, chị lên tiếng:
- Oâi trời ơi, cám ơn cậu ! Chúa ơi, đúng là cậu đây rồi ! Sau ngần ấy năm...Stefchô, lại đây con, đây là người đã cứu con ! Hai người làm quen với nhau đi ! Còn đây là chồng tôi. Oâi, cuối cùng thì cũng gặp được cậu. Trời ơi, may sao là may !
Hai người đàn ông tiến lại gần tôi. Một già, một trẻ. Anh thanh niên trông thật cường tráng, khuôn mặt sáng sủa, dễ thương, không thể nhận ra đây từng là một chú bé tóc bạch kim nằm thoi thóp trên bàn mổ ngày nào. Anh ta có vẻ xúc động, ngập ngừng nói:
- Cháu là Srefchô... - rồi nắm chặt tay tôi, như thể nếu bỏ ra thì tôi sẽ biến mất vậy.
- Còn tôi là bố của Stefchô- tới lượt người đàn ông có tuổi giới thiệu và cũng nắm lấy tay kia của tôi.
Tôi đưa mắt chậm rãi quan sát ông. Bộ tóc đã hoa râm, hàng ria mép và nụ cười ấm áp, thân thiện. Hàng ria mép khiến tôi nhận ra đây chính là người đàn ông đã bước vào phòng mổ. Đúng, đây đúng là người CHA.
Như bắt được ánh mắt dò hỏi của tôi, ông nói:
- Lỗi là do tôi. Vợ tôi là một người rất tốt. Sau đó chúng tôi đã cùng đi đón Stefchô từ bệnh viện về.
- Bố, bố nói chuyện gì vậy? Chàng thanh niên vô tư hỏi.
- Bố nói với ân nhân của con mẹ là một người rất tốt.
- Vâng, mẹ của con tốt nhất trên đời, mẹ nhỉ ? - cậu ta vừa nói vừa ôm vai mẹ.
Con trai tôi giật giật tay tôi:
- Bố, sao bố không cho con biết là bố từng cứu hộ trên biển?
Vậy đó. Con trai lúc nào cũng muốn hỏi bố. Còn các ông bố, họ luôn phải có trách nhiệm trả lời các câu hỏi đó, cho dù chúng có khó đến đâu...
--------------------------------------------------------------------------------
Tóm tắt về tác giả:
Svetoslav Peychev sinh ngày 24-10-1952 tại thành phố Ruse, Bulgaria, sau đó chuyển về sinh sống tại thành phố biển Neseber. Oâng là kỹ sư cơ khí làm việc lâu năm trên tàu viễn dương, đã đi qua hơn 100 quốc gia. Oâng bắt đầu viết văn từ năm 1980.
Truyện ngắn này của ông được chọn vào top 100 đăng trên LiterNet-2002
Đã đăng trong bán nguyệt san ”Tuổi trẻ chủ nhật” Số ra ngày 3-8-2003.
No comments:
Post a Comment