-Chuyến bay lại trễ nửa tiếng, thím Quyên nói, thế là khá đó, hãng Air Cal này tệ lắm, nhiều khi còn trễ hơn!
Anh Đằng, anh của Thảo, cũng lên tiếng chê:
-Thức ăn của Air Cal không ngon, snack thì chỉ có gói đậu phọng...chỉ có Alaska là ngon thôi!
Thảo nghe và chỉ mỉm cười, nàng không có ý kiến. Đã lâu Thảo không đưa đón ai, mà có đi đâu thì cũng có người đến đón ngay, không ai bắt Thảo đợi nên không mấy khi nàng bồn chồn, bực mình. Còn trên máy bay, nàng chỉ thích ngủ, dễ ngủ và tha hồ ngủ. Tuy Thảo không nghĩ đi máy bay để ngủ hay ăn, nhưng giữa ngủ và ăn, nàng chọn ngủ!
Anh Đằng đi tới đi lui nóng nảy, thím Quyên ngồi mệt mỏi, đầu ngoẹo một bên dựa vào ghế sa lông. Chú Hoàng ngồi bên vợ, vừa đọc báo vừa đợi. Thảo nhìn thím nghĩ, bệnh hoạn thế sao còn đòi đi, rồi nàng lơ đãng nhìn đám hành khách đông đảo chung quanh, từ từ bởi tính tò mò lôi cuốn... Ở hàng ghế đối diện chỉ thấy hai cha con với xách tay mà không thấy bóng dáng của một người đàn bà - người vợ, người mẹ. Đứa con đi thăm mẹ hay sắp trở về sau chuyến thăm cha? Loáng thoáng nghe tiếng người cha..." gọi cho daddy ngay nghe con. Con đói không?" Người cha vừa mặc áo jacket thắt sợi dây nơi cổ cho con vừa dặn dò. Không nghe chú bé nói gì, chỉ thâý cái đầu gật gật. Để trả lời hay tại sợi dây làm đầu chú gật? Bên tay trái là cặp tình nhân hay đôi vợ chồng mới cưới mà nắm tay âu yếm, hôn hít không thôi? Tiếp viên hàng không kêu gọi quý khách đi Reno - San Francisco vui lòng ra cổng số 5 để lên máy bay. Mọi người lục đục đứng lên, xách hành lý hối hả kéo nhau đi. Cha con chia tay, hôn nhau. Thằng bé năm sáu tuổi trông vẫn dửng dưng nhất định không khóc. Xem ra ông bố còn bịn rịn yếu đuối hơn, ông đứng dựa thành chắn đưa tay vẫy vẫy. Thằng bé nhìn bố lần cuối rồi đi thẳng. Đám jacket đỏ vẫn ồn ào nói đùa trong khi đi ra. Team đánh bài ở Reno hay đội Bowling nào? Cặp uyên ương giờ mới đứng dậy tà tà nối theo đuôi. Vẫn đi với nhau. Thì ra họ không có chia tay. Bây giờ khu đợi đã thưa khách, chỉ còn lại là những người đợi thân nhân đến từ Seattle, trong đó có một người đàn ông ở tuổi trung niên đang ngồi ôm một bó hoa hồng nhung, bồn chồn đợi người yêu? Đám nhân viên mặc áo màu xanh đứng ở quầy Air Cal giờ đã biến mất, chỉ còn lại có một bà mập.
Thím Quyên nói, mắt hướng về phía quầy:
-Em mà là hãng bay chắc sẽ không mướn bà đó đâu, người gì mập quá!
Chú Hoàng cười trêu vợ:
-Người ta sẽ kiện em kỳ thị, không mướn mập thì cũng không ai mướn ốm như em đâu!
Thím cũng cười:
-Dĩ nhiên, hãng bay phải mướn người đẹp chớ.
Bỗng đâu có một ông áo jacket đỏ lúp xúp chạy đến quầy. Ông đi trễ! Bà mập kêu không cần kiểm danh cứ lên, tay chỉ nhanh gate 5. Chút nữa thì chim lạc bầy! Vẫn còn cô tiếp viên đứng nơi cổng cầm máy mời khách lần chót cho chuyến bay Reno - San Francisco. Rồi cánh cửa cổng đóng lại.
Chuyến bay vẫn chưa đến. Đám đợi vẫn cứ đợi.
-Hay có bão tuyết ở đâu nên trễ, thím Quyên nói, hay lại chờ máy bay ở Seattle?
Thảo cầm lên tờ báo USA Today ai đó bỏ quên trên ghế.
-Đi máy bay cũng sợ rớt hả?
Thảo chưa nói gì, thím lại lo âu.
Chú Hoàng đã đi đâu, không ai trò chuyện nên thím lại ngồi gần bên Thảo. Lần đầu tiên Thảo giật mình bắt gặp một khuôn mặt xanh xao gầy nhom xa lạ, Thảo có biết mấy tháng nay thím đau, bệnh nan y, nhưng không ngờ thím sa sút đến như vậy. Tinh thần cũng thay đổi theo, có hôm thím vui nói năng cười đùa dòn tan đòi ăn món này món nọ, đi chỗ này chỗ kia, có hôm thím buồn nằm bẹp trên giường chỉ khóc và nói chuyện chết chóc.
-Vậy chớ an toàn hơn lái xe, theo thống kê thì người chết vì tai nạn xe cộ nhiều hơn, thím à.
Thảo vừa trấn an thím vừa liếc mắt nhìn đồng hồ coi giờ. Trong lúc đó bất ngờ nàng nghe thím nói:
-Mới đó mà đã mười năm! Không biết thím có còn nhận ra nó không?...
*
* *
-Thảo, ngó đi! Ai như chàng của mày đang chờ ngoài cổng kia kìa?
Nghe kêu, Thảo hết hồn quay sang bụm miệng Uyên lại ngay, nó mà nói to cả lớp nghe được rồi đều nhìn ra cửa sổ thì Thảo quê chết, bà Hiên lại giảng cho nghe...các chị nên lo chuyện học hành đã - Người ta sống đâu chỉ có...điểm cao và thi đậu!
Thảo liếc nhanh xuống chiếc đồng hồ, cũng còn 15 phút nữa mới tan trường, rồi thấp thỏm đợi chờ, dĩ nhiên đầu óc Thảo chẳng nhét thêm chút chữ nghĩa nào. Cô bạn Uyên nhìn cười cười ghé tai Thảo nói nhỏ," chàng về sướng hở, tha hồ dung dăng dung dẻ."
Chuông reng, Thảo tông ra khỏi lớp liền. Bà Hiên còn dặn dò đám nữ sinh:
-Các chị, cẩn thận xe cộ!
Thảo nghĩ thầm, cái bà Hiên lẩm cẩm, để người ta về cho rồi, dạy Triết còn chưa đủ còn dạy cả luật đi đường nữa hở!
Gặp chàng là Thảo trách yêu:
-Anh...suýt chút nữa, trúng giờ bà Hiên!
Chàng cười hì hì giả vờ:
-Anh có làm gì đâu?
Thảo đập nhẹ vai chàng:
-Anh thật không biết gì cả?
Chàng vẫn còn cười, giọng nói có chút lẫy hờn:
-Cái thú duy nhất của người ta mà cấm! Mới vừa về phép, không đến đón em thì đi đâu? Không về nữa là hết cằn nhằn...
Thảo vén áo dài lên xe vespa ngồi sau chàng. Biết chắc là có rất nhiều cặp mắt lũ bạn đang dòm theo thèm thuồng, Sơn đẹp trai cao lớn khỏe mạnh với hai hoa mai rừng sáng chói, dân mũ đỏ anh hùng thứ thiệt chứ chẳng phải lính kiểng thành phố, Thảo rất sung sướng hãnh diện về chàng. Ở Sơn, Thảo cũng mê mái tóc cắt ngắn và khuôn mặt rạm nắng rắn chắc của chàng. Vì vậy, tuy trách chàng vì sợ bà giáo Hiên bắt gặp, Thảo vẫn mong chàng cứ đến đón nàng ở cổng trường. Chàng hỏi giọng săn sóc:
-Em muốn đi đâu, anh đưa đi?
Thảo nũng nịu:
-Em muốn đi ăn kem Mai Hương. Đã lâu không ăn!
Sơn vòng tay ra sau tìm kiếm bàn tay mềm mại của Thảo, cười:
-Em nói sao nghe lạ quá em! Đâu phải như xứ rừng của anh?
-Dĩ nhiên Sàigòn thì thứ gì lại chẳng có. Tại không có anh, em không muốn đi thôi.
Rợp bóng mát nhờ hai hàng cây, con đường Nguyễn Bỉnh Khiêm tràn ngập những tà áo trắng thướt tha dịu dàng. Chàng nói đó là con đường thơ mộng tình tứ nhất. Thảo cười " ủa, em tưởng con đường Tú Xương mới là con đường thơ mộng tình tứ nhất chớ, mấy ông văn sĩ nói như vậy" . Chàng từ từ giải thích..." con đường Tú Xương đẹp nhưng là con đường chết vì thiếu bóng dáng các cô Trưng Vương áo trắng lụa là đi học về" . Thảo chịu thua. Rồi chàng hỏi đố:
-Em có biết...ngày xưa anh học Pétrus Ký?
Tóc Thảo bay theo gió. Buổi chiều nắng nhẹ đẹp trời. Có chàng bên cạnh, lòng Thảo ấm áp, Thảo biết là nàng đang yêu đời, nàng âu yếm trả lời:
-Dĩ nhiên em phải biết chớ!
-Anh tưởng dân Trưng Vương chỉ chơi với dân Chu văn An?
Thảo cũng nghe vậy. Cũng như Pétrus Ký thì chơi với Gia Long, H
ồ ngọc Cẩn thì chơi với Lê văn Duyệt...nhưng Thảo dại gì " tưởng" như chàng. Thảo chê:
-Thì ai bảo anh luôn luôn tưởng đúng đâu? Đây nè ông bạn, nếu bố mẹ mà đã kỳ thị thì làm gì có em?
Bố Bắc, mẹ Nam nên Thảo ăn uống lung tung, dễ chịu, nhất là nói chuyện thức ăn mà kỳ thị thì khờ dại quá, đã một lần Thảo nói với chàng như vậy.
Chú của Thảo lấy cô của Sơn, rồi có dịp cháu ông quen cháu bà! Ba má của Sơn ở Mỹ Tho, Sơn không học trường Nguyễn Đình Chiểu mà lên Sàigòn học ở Pétrus Ký, Trương Vĩnh Ký. Đi lính mỗi lần về Sàigon, chàng đến nhà của cô dượng rồi gặp Thảo cũng hay ghé chú thím chơi. Rồi hai người yêu nhau. Sơn nói từ ngày yêu Thảo anh hay mong đợi ngày phép, và những lần về thành phố giờ có ý nghĩa hơn. Sơn về lần nào, Thảo cũng nhõng nhẽo đòi anh đưa đi ăn kem - Như là...không có anh, kem thành không ngon - rồi đi movies, bát phố. Từ nhà Thảo xuống phố Lê Lợi thường đi qua đường Trần Quý Cáp với hàng me cao bóng mát, có mấy chú nhỏ trèo lên hái trái đem xuống dụ khị chàng, " chú mua cho cô đi chú, me dốt đó...ăn ngon lắm" , chàng nghe bùi tai mua hết cả rổ, nhìn mớ me dốt ngọt ngọt chua chua, cô nào lại chẳng chảy nước miếng thèm thuồng, nhưng dạo đó mới quen, chàng có ngờ đâu ...nhỏ Thảo là dân hảo ngọt, ghét ăn chua không mê ô mai, xí muội, chỉ thích ăn kem ăn chè, mà chè phải thật ngọt thì Thảo mới ăn, không ưa các lối nấu bỏ ít đường, vì sợ hao đường hay sợ mập. Thấy chàng dại dột mà Thảo tức cười - thấy cảm động thương chàng hơn! Chàng lúng túng với rổ me trên tay, cười..." Không giúp người ta còn đứng ở đó mà cười. Mua cho em, em không ăn, rồi làm sao đây...?" " Em đem cho tụi bạn ở trường được không anh?" Thảo hỏi. Chàng trả lời..." em biết là em không phải xin phép anh mà" . Thảo nói..." em sẽ kể công nói là anh mua cho tụi nó đó. Để anh lấy điểm với đám bạn của em, nghe anh" . Chàng nháy mắt trêu - khuôn mặt chàng đen hồng rạm nắng quyến rũ dễ yêu ghê nơi, Thảo nghĩ thầm - " có quá trễ không, anh tưởng là em đã " chịu" anh rồi, cần gì phải lấy điểm với mấy cô bạn nữa chớ ?" Thảo cười cười kêu ớ ờ, đừng tưởng bở!
Tuy không nói ra nhưng Thảo công nhận là chàng đã nói đúng, nàng đã thật sự chịu anh rồi! Chàng lúc nào cũng chiều chuộng ngọt ngào với Thảo, có lần chàng nói tại Thảo bé nhỏ quá, thấy thương, nhất là khi thu mình trong chiếc ghế mây không thấy cô bé đâu, trời nóng nực nghĩ Thảo ngồi học thi mà tội nghiệp. Còn Thảo, ở đâu lúc nào, Thảo cũng nghĩ đến anh và lo cho anh. Đang lâm trận hay đang băng rừng vượt suối, đang dừng chân đóng quân bên ven sông hay ở góc đồi núi nào...?
Ở tiệm kem ra, Thảo đòi chàng đưa đến nhà thờ Đức Bà. Gió thổi, lá me li ti rụng bay xoắn ở góc đường Tự Do. Một tay giữ tà áo, một tay vòng phía trước ôm bụng Sơn , đầu Thảo ngả lên vai chàng. Trong phút giây gần gũi đó, Thảo bỗng thấy mình yếu đuối, lo sợ. Tình hình dạo này rất lộn xộn, tin tức chiến sự đầy rẫy sự chết chóc ngày nào cũng tràn ngập trên những trang báo. Người miền Trung tản cư vào Saigòn đã nhiều, dân Cao nguyên cũng đổ xuống khắp nơi, thành phần có tiền lục lạo đi mua nhà. Một hôm mẹ Thảo đang đứng trước cửa thì bỗng nhiên có người đến ngỏ ý mua nhà và hỏi giá bao nhiêu, mà nhà Thảo có để bảng bán nhà đâu. Ngạc nhiên mẹ hỏi chuyện rồi mời bà khách lạ vào nhà uống chén trà nghỉ chân và cũng để mẹ tò mò hỏi thăm. Thảo mò lên ngồi ở cái ghế trong góc phòng lắng tai nghe. Từ ngày yêu Sơn, đời sống của nàng gắn liền với thời cuộc, trong khi các cô bạn gái của Thảo vẫn vô tư ăn học ở lứa tuổi mười tám, thì nàng hốt hoảng vì bất cứ một tin tức từ xa nào, ban ngày cũng cố cười đùa cùng chúng bạn, nhưng đêm đến trong bóng tối nàng lo âu mất ngủ và hay giựt mình khi nghe tiếng đại bác vọng về.
Thảo sợ mất Sơn. Thấy Thảo ôm xiết lấy mình một cách khác thường, Sơn đưa tay nắm chặt lấy bàn tay nhỏ bé của Thảo:
-Chuyện gì vậy em?
Thảo thuật lại câu chuyện bà khách và nói:
-Em lo quá anh. Lỡ anh bị gì!
Giọng Thảo bỗng run run. Khuôn mặt đang hồng hào đầy sức sống chỉ vài phút trước đó đã trở nên xanh xao. Mọi lần Sơn hay đùa nói đừng lo, số anh thọ lắm, nhưng hôm nay lúc ngừng xe thấy sắc diện của Thảo, chàng cảm động vô cùng, biết rằng những câu trêu đùa sẽ trở thành vô duyên, để Thảo an tâm, chàng vỗ về:
-Anh sẽ cẩn thận.
Chỉ là câu nói chứ chuyện súng đạn làm sao nói được. Hai mắt Thảo đỏ hoe. Những giọt lệ nóng đang chảy dài xuống má. Sơn lau nước mắt cho nàng. Trong giáo đường Thảo cầu nguyện cho anh bình an.
Vài tháng sau đó vào một ngày thành phố Saigòn gần rơi vào tay Cộng Sản, Thảo hấp tấp ra đi với gia đình. Và lần đi chơi đó cũng là lần cuối cùng Thảo nhìn thấy Sơn...
Qua Mỹ, Thảo tiếp tục đi học, rồi ra trường, rồi đi làm. Mấy năm đầu nàng mong mỏi chờ đợi chàng, bạn bè cùng trang lứa ở trường cũng nhiều nhưng nàng không để ý đến ai, có ai tán tỉnh thẳng thì nàng chỉ mỉm cười, ngầm nói là nàng đã có người. Đời sống mới với học, giốp giếc quần quật bận rộn cũng có giúp Thảo quên đi chuyện cũ, nhưng những ngày nghỉ, những ngày cuối tuần, thời giờ rảnh rang, Thảo khổ sở vô cùng vì phải chống chọi với niềm nhớ thương Sơn quay quắt, nỗi cô đơn tê lịm ngất ngây. Qua tin tức bên thím thì lúc đó Sơn đi " học tập" . Cũng mấy năm...Rồi tin Sơn có vợ, rồi có con. Thảo buồn giận, Thảo đau khổ, nhưng đời sống vẫn phải tiếp tục. Lúc này Thảo tuy không đợi chờ nữa - đợi chờ ai đây - vẫn chưa lấy ai, vẫn đi làm và vẫn sống với gia đình. Mỗi ngày ít nhất là Thảo nghĩ tới chàng một lần. Mái tóc ngắn và khuôn mặt rạm nắng. Dáng oai hùng che chở và giọng nói săn sóc. Cổng trường Trưng Vương. Con đường Nguyễn Bỉnh Khiêm. Đại lộ Thống Nhất. Quán kem Mai Hương. Đám lá me li ti xoắn tròn ở góc đường Tự Do gần nhà thờ Đức Bà. Quá khứ cũ như là một người bạn đồng hành. Khi học hành khuya, khi bon bon một mình trên freeway lái xe đi làm về, Thảo nhớ chàng, nhớ để thấy ấm cúng, hạnh phúc. Thảo kể chuyện sở cho chàng nghe, Thảo than thở về thời tiết lạnh lẽo, mưa gió, Thảo thố lộ những ước mơ, nhưng Thảo không còn nghĩ đến một tương lai của mình mà cũng có chàng trong đó. Thời gian cứ thế trôi qua, không ngờ!
Rồi bất ngờ một hôm Thảo được tin gia đình Sơn đã vượt biên được và đang ở bên đảo Mã Lai. Tay thím Quyên run run khi đọc thư của cháu, thím mừng quá, nó là đứa cháu duy nhất đi được của thím, họ hàng nhà chồng đông đảo, mỗi lần lễ lộc tụ tập lại làm thím tủi thân vì thấy sự cô độc lẻ loi của mình - tự thím nghĩ vậy chứ ai cũng đối xử tử tế biết điều với thím cả. Lá thư có đoạn..." Xin cô dượng lo cho chúng cháu được qua Mỹ sớm, nhà cháu yếu lắm, thằng Cu bị bệnh hoạn luôn, nó èo uột khó nuôi, khi sinh cháu không đủ tháng..." Thím lại có cháu gọi bằng bà nữa hỏi sao thím không vui mừng cho được? Thím đứng ngồi không yên trong những ngày sau đó.
Còn Thảo, nàng vui hay buồn? Những kỷ niệm cũ còn đó, hình ảnh về Sơn vẫn còn hiển hiện trong tâm tưởng của nàng...Vui vì Sơn và gia đình đã thoát được. Còn buồn, vì Sơn bây giờ đã có một gia đình nhỏ của riêng chàng. Thật ra, Sơn đã không còn là Sơn của Thảo từ năm năm trước khi Thảo được tin chàng lấy vợ. Và chuyện mười năm qua đã như là một truyện phim mà Thảo vừa xem trên màn ảnh lớn, có khóc lóc nhỏ lệ và rồi cũng chỉ là chuyện phim. Xã hội Mỹ, đời sống Mỹ...những lo âu Thảo đương đầu hằng ngày mà Thảo đã không thể chia sẻ cùng chàng và không hẳn chàng sẽ hiểu. Bây giờ Thảo đã thật... trưởng thành - cũng đã cao thêm - với tư tưởng một phần Việt, một phần Mỹ hóa. Nhiều việc Thảo bám lấy kiểu Việt Nam, nhiều việc Thảo thích kiểu Mỹ, nàng yêu nếp sống gia đình, sống với lý tưởng thủy chung và cùng lúc cũng quay cuồng theo công danh sự nghiệp, những quan niệm sống cho cái tôi của mình, để rồi bối rối hụt hẫng... nhiều lúc!
...Thấm thoát mới đó mà đã mười năm trôi qua.
-Dữ không, tưởng đợi suốt đêm!
Thím Quyên kêu òa mừng rỡ khi chuyến bay từ Seattle đã đến.
-Vừa thôi chứ, máy bay Mỹ mà. Chú Hoàng mắng yêu vợ.
-Cuối cùng rồi cũng tới. Thím lại nói.
Gia đình chàng lọt tọt ra sau cùng - thụng thịnh trong những cái áo lạnh rộng khổ. Chàng chưa nhìn thấy Thảo, nhưng Thảo đã thấy chàng. Khuôn mặt ốm xương xương, đôi mắt lõm thâm quầng, trông chàng già nhiều. Nếu không biết chàng đến từ chuyến bay đó, chưa chắc Thảo đã nhận ra chàng ngay. Chàng mệt mỏi cười giải thích, khi thím Quyên nói " chỉ thấy hành khách Mỹ, tưởng gia đình cháu không đi chuyến này."
-Lần đổi máy bay sau cùng, tụi nó nhét sau đuôi.
Bên cạnh chàng là một người đàn bà dáng nhỏ, mặt trắng xanh xao yếu đuối, ẵm một bé trai đang rụt rè che mặt vào vai mẹ. Thảo đến gần chào. Sơn cũng vừa nhìn thấy Thảo, quay sang giới thiệu với vợ, " Thảo, cháu của dượng Hoàng" . Cười nhẹ, Thảo nghĩ, chỉ có thế thôi sao, vợ chàng gật đầu chào Thảo, có lúc nào chàng kể về Thảo cho vợ chàng nghe? Và ô hay, Thảo có nghĩ tới...rồi sẽ là...một cơn đau nhói tê tái nơi tim nhưng không, trái tim nàng vẫn đập nhịp bình thường! Lạ chưa?
Về nhà chú thím, Thảo phụ dọn cháo gà ăn đỡ lòng. Chú thím huyên thuyên hỏi chuyện. Trăm ngàn thứ chuyện. Thảo đút cháo cho chú bé, thỉnh thoảng liếc nhìn Sơn và vợ chàng, theo thói tò mò có lẽ, đứa bé đã dạn dĩ nói cám ơn cô... nó có làn da trắng như mẹ và cái miệng hơi cong cong giống cha.
Nói là nàng không còn gì luyến tiếc một cuộc tình đã như mây khói quả là không sai. Hình ảnh cũ bao năm qua vẫn sống trong tâm tưởng nàng giờ bị làn sóng vỗ cuốn trôi đi tan nhòa trong bọt biển. Chàng không còn là chàng của ngày xưa, cũng như người ngồi đây với người hay về phép đón Thảo ở cổng trường là hai người khác nhau. Tù tội, cuộc sống mới, một lần ra đi...đời chàng đổi thay...và đời Thảo cũng đã đổi thay!
Cuộc hội ngộ không khó như nàng đã tưởng
Mar 6, 2004
Đợi Một Chuyến Bay
Labels:
Linh Vang,
TruyenNgan
Subscribe to:
Post Comments (Atom)
No comments:
Post a Comment