Mar 3, 2004

Tha Hương






Sơn dừng xe lại nơi một trạm xe bus. Người khách già đứng bên lề đường chậm chạp ngước mắt nhìn lên tấm bảng ghi số và tên lộ trình chạy bằng điện tử ngay phía trên cửa ra vào đang chớp tắt, thay đổi liên tục bằng đôi mắt hoang mang, ngơ ngác. Một lát, người khách già cúi xuống, lần từng bước thận trọng bước vào xe. Sơn lặng lẽ ngồi chờ. Bàn tay người khách run run, sờ soạng, lần mò trên thanh sắt tròn dọc theo lối vào. lên hết ba bực cấp, đứng hẳn trong xe rồi, người khách bắt đầu cho tay vào túi áo lục tìm vật gì đó.
Sơn cất tiếng chào:
"Chào cụ."
"Hả?"
Người khách già sửng sốt, bàn tay dừng lại nơi mép túi, ngước mắt nhìn Sơn dò xét. Sơn cười, lập lại:
"Chào cụ."
Người khách ngập ngừng:
"Ông là người Việt Nam?"
"Vâng, thưa cụ. Cháu là người Việt Nam."
Khuôn mặt người khách lộ vẻ vui mừng, ông cất giọng vừa xúc động vừa ngạc nhiên:
"Thật may quá, quý quá. Ở đây cũng có người Việt lái xe hở ông?"
Sơn đáp:
"Dạ có, thưa cụ."
Người khách già vẫn chưa hết ngạc nhiên và xúc động. Ông không biết làm gì, đứng xớ rớ, miệng cứ lẩm bẩm lập đi lập lại mấy tiếng: may quá, may quá. Sơn hỏi:
"Cụ xuống phố phải không ạ?"
Như sực nhớ ra, ông cụ vội vàng cho tay vào túi áo vừa lục tìm vừa nói với Sơn:
"Thật may quá. Tôi cứ ngại sẽ đi lạc. Tôi già rồi mà tiếng Tây tiếng u không biết. Con gái tôi có viết cho mấy chữ để đưa cho tài xế, không biết tôi bỏ vào túi nào, lại còn cái vé xe..."
Sơn cười:
"Thôi, cụ không cần phải tìm nữa. Mời cụ ngồi xuống đây."
Sơn chỉ tay vào băng ghế cạnh tài xế, tiếp:
"Cụ ngồi gần đây nói chuyện cho vui."
Người khách già nhìn quanh trong xe rồi ngồi xuống băng ghế Sơn chỉ:
"Sao vắng khách thế này? Tôi ngồi đây được hả ông? Con gái tôi dặn chỗ này dành riêng cho người tàn tật và người già."
Sơn đáp dịu dàng:
"Dạ được, cụ cứ ngồi. Cụ cũng là người già, không phải vậy sao?"
Cụ già mỉm cười, nụ cười hom hem, ngượng ngập:
"Tôi đi xe buýt đây là lần đầu nên ngại quá. Cái gì cũng ngại."
Đợi người khách ngồi xuống xong Sơn cho xe tách ra khỏi lề, nhập vào giòng xe cộ nhộn nhịp rồi trả lời tiếp câu hỏi của ông cụ:
"Hôm nay cụ là người khách đầu tiên của cháu. Chốc nữa sẽ có thêm nhưng không nhiều lắm đâu. Buổi sáng còn có khách, chứ trưa có hôm cháu chỉ chạy xe không."
Người khách già ngạc nhiên:
"Vậy à? Rồi làm sao đủ sống?"
Sơn cười, giải thích:
"Đây là hãng xe bus công cộng, cháu chỉ lái xe ăn lương giờ. Dân chúng đi làm đóng thuế cho chính phủ thì chính phủ phải lo. Dù có người đi hay không cũng phải có xe chạy, nếu không, dân chúng thưa gởi, khiếu nại lung tung, phiền phức lắm."
"Ông chạy cả ngày à?"
"Thưa cụ, không. Cháu chỉ lái vài chuyến buổi sáng, rồi về nghỉ, giao cho người khác thế; chiều lại chạy vài chuyến nữa."
Ông cụ chép miệng:
"Tốn kém nhỉ. Xe to lớn, đẹp đẽ thế này mua phải bộn tiền, rồi xăng nhớt, sửa chửa, bảo trì mà chỉ để chở năm ba người khách. Xe này mà ở Việt Nam thì phải biết."
Sơn tò mò:
"Cụ mới từ Việt Nam sang?"
"Vợ chồng đứa con gái bảo lãnh tôi sang đây được sáu tháng. Ở nhà buồn quá ông ơi. Hai vợ chồng tụi nó đi làm, mấy đứa cháu đi học. Nhà vắng tanh vắng ngắt. Tôi cứ đi ra rồi đi vào, không biết làm gì cho hết ngày. Coi ti vi không được, nghe nhạc không được, đọc sách một lát là mõi mắt. Hàng xóm lại toàn Mỹ. Mong cho lũ con lũ cháu về để nói chuyện cho vui mà lũ nhỏ về đến nhà là nói toàn tiếng Mỹ. Tôi bảo chúng nói tiếng Việt thì chúng cũng rán cho tôi vui lòng nhưng thực ra tôi nghe cái món tiếng Việt của tụi nó cũng chẳng khác gì tiếng ngoại quốc, chỉ hiểu đại khái. Còn bố mẹ chúng về đến nhà là mệt phờ, ăn uống qua loa, hỏi han năm ba câu lấy lệ rồi lăn ra ngủ để mai còn đi làm tiếp. Buồn thì có buồn nhưng đâu có thể bắt chúng ngồi nghe mình nói mãi được. Ối dà, mà có chuyện gì quan trọng đâu ông. Tôi già rồi, nói toàn những chuyện lẫm cẫm, chúng nghe chắc chán lắm."
Sơn an ủi ông cụ:
"Cháu hiểu tình cảnh của các cụ bên này. Bố mẹ cháu cũng vậy. Hai cụ buồn quá cứ đòi về Việt nam hoài. Cháu thật khó nghĩ. Đời sống bên này nó vậy cụ ạ."
"Nghĩ cũng tội cho con cái. Vợ chồng nó thấy tôi buồn mới ghi tên tôi vào hội bô lão gì đó, chỉ tôi đường đi xe buýt để ngày ngày tôi xuống gặp các cụ đồng hương nói chuyện cho vui. Nó bảo dưới đó người ta còn dạy tiếng Mỹ nữa. Nó nói bố rán học ít tiếng Mỹ. Chà, tôi già chừng tuổi này, học tiếng Mỹ để làm cái gì? Mà giá như có học được thì biết nói với họ cái gì? Họ khác, mình khác, cái gì cũng khác, phải không ông?"
"Dạ, cụ nói đúng. Phong tục, tập quán của họ khác xa mình."
"Tôi mới qua chắc không biết nhiều như các ông. Nhưng tôi thấy cái gì cũng kỳ cục. Tên họ thì đổi xuôi đổi ngược. Xóm làng gì mà nhà nào nhà nấy đóng cửa im ỉm suốt ngày. Hàng xóm láng giềng với nhau mà cả tháng không thấy mặt nhau, không nói với nhau lời nào. Ai đời con cái lại đi kiện cha mẹ vì cái tủ lạnh. Học trò thưa thầy giáo ra tòa vì nghịch bị thầy đét vào đít. Hừm, người mình nói: nhứt quỷ, nhì ma, thứ ba học trò. Con nít thì ở đâu cũng phá như giặc, không đét vào đít thì làm sao chúng nên người được, phải không ông?"
Sơn gật gù khen ông cụ:
"Cụ mới qua mà đã biết nhiều rồi. Thực ra họ có cái sai mà cũng có cái đúng. Tỷ như chuyện đánh con nít. Cụ dạy rất phải, con nít thì phải bị đòn chút ít mới nên người được, nhưng ở đây có nhiều người đánh con nít như đánh kẻ thù. Thiếu gì trường hợp cha mẹ bỏ bê con cái, đánh đập, hành hạ con cái cho đến chết. Thành ra luật là để ngăn ngừa những chuyện đó."
Cụ già chép miệng:
"Càng nhiều luật càng phiền. Mà luật nào đặt ra cho đủ hết mọi chuyện ở đời. Ông nghĩ coi..."
Sơn ép xe vào lề đường dừng lại. Hai cô cậu học sinh đang đứng ôm nhau vội vàng buông ra rồi lục tục kéo lên xe. Cả hai vừa đi vừa nhún nhảy, dắt nhau đến ngồi ở dãy ghế cuối cùng. Chiếc xe lại tiếp tục lăn bánh. Cụ già trở lại câu chuyện bị gián đoạn:
"Đó, ông thấy chưa? Có luật nào cấm con nít mười ba, mười bốn tuổi ôm nhau ngoài đường, trên xe" ông cụ liếc chừng về phía sau như sợ hai cô cậu nhỏ hiểu được điều mình vừa nói "Mà chuyện đó cũng nên đặt luật để cấm đấy."
Sơn cười lớn làm hai cô cậu đang ôm nhau nơi cuối xe vội vàng buông ra.
"Cụ ơi, cụ mà xúi người ta đặt luật cấm bọn trẻ ôm nhau là sẽ có loạn lớn đó."
"Thì tôi nói vậy thôi chứ sức nào mà cấm."
Sơn lại dừng xe đón mấy người khách. Hai người đàn bà da đen to cồng kềnh, ì ạch nhấc từng bước trên các bực cấp. Chiếc xe bus rung lên, lắc lư theo từng bước chân của họ. Cụ già co hai chân lại, cố thu mình nhường lối như sợ mấy khối thịt khổng lồ đó sẽ bất thần đè phủ lấy mình. Cụ ngước mắt tò mò, ngạc nhiên nhìn theo hai người đàn bà đang ì ạch đi dần về giữa xe rồi chật vật gieo mình xuống chiếc ghế nhỏ hẹp. Cụ lắc đầu nói với Sơn:
"Người đâu mà béo tốt quá!"
Sơn vừa cho xe chạy trở lại vừa nói với ông cụ:
"Béo chứ không tốt đâu cụ ạ. Chỉ tốn tiền đai ét."
Ông cụ nhíu mày:
"Đai ét là cái gì ông?"
"Dạ, đai ét là ăn kiêng. Họ phải nhịn ăn hoặc chỉ ăn những thức ăn dành riêng cho người mập để tiêu bớt mỡ, xuống bớt cân. Mập quá cũng không tốt đâu cụ."
Ông cụ tự nhiên im lặng. Ông ngồi thẳng lưng, hai tay đặt ngay ngắn trên đùi, những ngón tay gầy thỉnh thoảng gõ nhịp thong thả như đang đếm từng ý nghĩ trong đầu. Ông nhìn ra ngoài cửa xe. Nhà cửa cây cối chạy lùi về phía sau làm ông cụ cảm thấy chóng mặt. Ông lại quay vào trong. Người đàn bà da đen lúc này đang ngủ gà ngủ gật; khuôn mặt mập tròn đè xuống cái cổ ngắn làm vồng lên những ngấn thịt nung núc. Không nghe ông cụ nói gì, Sơn tưởng ông cụ đã chán chuyện. Nhưng xe chạy được một quãng, ông cụ lại lên tiếng:
"Nghĩ cũng thật bất công. Bên Việt nam không có mà ăn, bên này lại phải kiêng ăn."
Sơn gợi chuyện:
"Nghe nói bên nhà bây giờ dễ thở hơn hồi trước nhiều, phải không cụ?"
Ông cụ lắc đầu, chậm chạp:
"Có dễ thở gì đâu ông ơi. Ai cũng sắp tắt thở tới nơi nên nhà nước sợ, nới chút xíu cho khỏi sanh loạn. Rồi ở ngoài người ta la ầm lên là có sửa đổi, có cải cách, như vậy là dễ thở rồi. Chà, cộng sản mà để cho dân dễ thở thì đâu phải là cộng sản nữa."
Ông cụ dừng lại, ngó mông về phía trước. Sơn cũng không tiện nói gì, chỉ im lặng lái xe. Một lát ông cụ quay sang Sơn, giọng tâm sự:
"Tôi đã sống qua bao nhiêu thời rồi, từ thời Bảo Đại, thời Pháp, đến Quốc gia rồi Cộng sản, tôi chưa thấy thời nào mà dân mình khổ sở, khốn nạn như cái thời cộng sản này. Đàn bà con gái bán thân chỉ vì một lon gạo. Giành giựt, chém giết, lừa đảo nhau chỉ vì một lon gạo. Đạo đức, lễ nghĩa suy đồi, xuống dốc thê thảm. Cô giáo vừa dạy học vừa bày quà bán cho học trò ngay trong lớp. Thầy giáo bỏ dạy đi chạy chợ trời, đi đạp xích lô. Ông nghĩ coi, có thời nào mà thầy cô phải bấm bụng đi làm những chuyện như vậy? Là bởi vì đói quá mà. Còn con nít thì bỏ học đi bới rác nhặt bao ni lông. Người người, từ già tới bé đều phải xoay đủ cách mà cái ăn vẫn không có. Ông có học, có đọc sách, đọc sử chắc biết thời bọn Tàu đô hộ nước mình, bắt dân mình lên núi tìm ngà voi, xuống biển mò ngọc trai đem dâng cho chúng. Tôi nghĩ tổ tiên mình hồi đó có khổ chắc cũng chỉ khổ như dân mình bây giờ chứ không hơn. Ngày nay người dân cũng phải lên non xuống biển tìm vàng, chứ không phải ngà voi, để nạp cho nhà nước."
Sơn quay sang nhìn ông cụ, kêu lên:
"Có vậy hả cụ?"
Ông cụ thở dài, chép miệng:
"Chà, thực ra thì nhà nước không bắt dân đi tìm vàng như bọn Tàu đô hộ nước ta ngày xưa. Nhà nước cộng sản là nhà nước của nhân dân mà, đâu có làm những chuyện bóc lột như vậy! Nhưng nhà nước để dân đói quá thì dân phải tính, mà ở thành phố, ở đồng bằng còn gì nữa để tính? Từng đống rác cũng bị bới nát ra rồi, nên phải lên núi đào xới may ra tìm được chút gì chăng. Rồi nó thành cái dịch đi tìm vàng, đi đãi vàng là vậy."
Sơn tò mò:
"Có đào được vàng không cụ?"
Ông cụ lắc đầu:
"Thú thực tôi cũng không rõ. Nhưng từ khi có phong trào đi tìm vàng thì nhà nước nhảy vô. Nhà nước chia lô từng khu rừng ra bán lại cho dân khai thác. Dân chúng đào xới, đãi lọc không biết có ra được tí vàng nào không mà người thì chết vì đói khát, vì sốt rét, bệnh tật; người thì chết vì sụp hầm sụp hố, vì tranh giành, cướp bóc; còn nhà nước thì tự nhiên ngồi không có được khối tiền. Nhà nước cộng sản sáng suốt, anh minh hơn bọn Tàu phong kiến là vậy."
Giọng ông cụ đều đều, trầm trầm mà buồn quá, chua xót quá. Bất chợt Sơn quay sang. Ông cụ đang cúi xuống nhìn vào những ngón tay đặt trên đùi, thế ngồi từ lúc lên xe đến giờ vẫn không thay đổi. Vài sợi tóc lưa thưa, bạc trắng, phủ xuống một vầng trán rộng, đầy những nếp nhăn.
"Tôi ở với họ mười mấy năm, thấy bao nhiêu cảnh khốn khổ, đau lòng, kể không biết đến bao giờ mới hết. Các ông may mắn đi trước, không tưởng tượng ra được hết đâu..."
"Sao cụ không qua sớm hơn?"
Ông cụ chép miệng:
"Tôi già rồi, sống nay chết mai, không muốn sang xứ lạ sống những ngày lơ láo cuối đời. Vả lại, tôi cũng không có nhu cầu gì nhiều. Hàng năm con cái tôi ở bên này gởi về chút ít tiền, đủ để hai vợ chồng tôi sống qua ngày, không phải làm lụng vất vả như người khác. Nhưng từ hồi bà nhà tôi mất đi, lũ nhỏ bên này thúc hối, nài nỉ quá, tôi đành phải sang cho chúng vui lòng. Vậy là tôi sống thêm một thời nữa, thời tư bản đó ông."
Sơn hỏi đùa:
"Cụ thấy tư bản thế nào?"
Ông cụ ngồi trầm ngâm không trả lời ngay. Những ngón tay gõ nhịp trên đùi, mắt nhìn thẳng về phía trước như đang suy nghĩ lung lắm. Mãi một lúc sau ông cụ mới cất tiếng chậm rãi:
"Tôi thấy đói quá thì sanh loạn mà no quá thì sanh tật. Đói khổ quá thì đạo lý không giữ được mà no đủ quá thì lại quên hết đạo lý. Chà, tôi nói không được rõ ràng, mạch lạc. Tôi nhớ có ông nhà văn nào đó nói một câu đại khái thế này: Cộng sản đem vật chất ra khống chế linh hồn; còn tư bản đem vật chất ra mua rẽ linh hồn. Lời đó tôi thấy thật chí lý. Thành ra tôi nghĩ như thế này: Ở bên nhà đói quá, khổ quá, quá cái mức chịu đựng thì đạo lý không giữ được là chuyện có thể thông cảm; nhưng bên này no đủ quá, sung sướng quá mà để người ta đem vật chất ra mua rẽ linh hồn thì thật là điều đáng trách..."
Chiếc xe chạy quanh co trong khu vực dân cư đón thêm một số khách rồi trực chỉ ra xa lộ. Xe bắt đầu chạy nhanh, gió lùa vào những khe hở kêu rít lên hòa với tiếng người nói chuyện trong xe ồn ào nên từ đó ông cụ ngồi im không nói gì thêm nữa. Ông cụ ngại phải nói lớn tiếng và cũng không muốn làm Sơn phân tâm lúc đang lái xe trên hệ thống xa lộ đan nhau chằng chịt, nhiều tầng nhiều lớp.
Mười lăm phút sau, Sơn bỏ xa lộ rẽ vào con đường dẫn xuống phố. Hành khách bắt đầu xuống ở các trạm ngừng. Đến một ngã tư và cũng là trạm cuối cùng, người khách duy nhất còn lại là ông cụ. Sơn dừng xe quay sang nói:
"Cụ đi theo con đường này đến cái đèn đỏ kế tiếp rồi quẹo phải. Căn nhà thứ ba, bên phải là văn phòng hội bô lão đó cụ."
Ông cụ chậm chạp đứng dậy nhìn theo hướng Sơn chỉ:
"Tới rồi hả ông? Nhanh quá nhỉ. Hôm nay được nói chuyện với ông một bữa bằng tiếng Việt thật thú quá. Lâu lâu mới có dịp nói thành ra nói hơi nhiều, không phiền gì ông chứ?"
Sơn vội vàng trả lời:
"Dạ không, cụ đừng ngại. Được hầu chuyện cụ, cháu học thêm nhiều điều bổ ích, cháu thích lắm."
Ông cụ đứng nấn ná chừng như không muốn rời xe, chừng như việc chia tay với người đồng hương gặp gỡ bất ngờ trên xe bus làm ông cụ cảm động. Ông nói thêm vài lời cảm ơn rồi chậm rãi bước xuống xe. Đứng bên lề đường, ông quay lại nhìn Sơn lần nữa, cánh tay gầy đưa lên nửa chừng và gật đầu nhè nhẹ:
"Thôi, chào ông."
"Dạ, chào cụ."
Ông cụ quay lưng bước đi. Sơn ngồi yên nơi tay lái nhìn theo dáng người nhỏ nhắn, gầy yếu của ông cụ lạc lõng giữa đám người bản xứ to lớn kềnh càng. Bước đi của ông cụ hơi xiêu; thỉnh thoảng ông dừng lại ngước mắt dò tìm với một vẻ rụt rè, ngơ ngác. Bất chợt Sơn thấy lòng chùng xuống, tràn ngập một nỗi buồn mênh mông

1083

No comments:

Post a Comment