Oct 12, 2004
Bên Con Suối Nhỏ Chảy Sau Hè
Tôi ngồi im lặng, nhìn ra cửa sổ và nghĩ lại những chuỗi ngày đã qua. Mắt tôi bổng dừng lại bên con suối nhỏ chảy sau nhà.
Gia đình tôi mua căn nhà này, căn nhà duy nhất của cả gia đình dành giụm, từ khi đến xứ Mỹ. Tôi nhớ lại lần đầu khi ba mẹ quyết định mua căn nhà cách đây mười năm.
“Anh à! Nhìn kìa. Con suối…con suối nhỏ….Anh có thấy không? Nó dễ thương quá… anh nhỉ? Mình mua nhà này nha anh?”
“Ừ, đẹp thiệt!”
Ba nhìn mẹ. Im lặng. Giống như mẹ, ba rất thích căn nhà này. Căn nhà có con suối nhỏ chảy sau hè. Nhưng để cho chắc, ba hỏi mẹ:
“Em có chắc rằng em thích căn nhà này không? Một khi mua rồi thì không đổi lại được đó nhé. Em quyết định chưa?”
“Vâng! Em thích lắm. Mình mua nha anh?”
“Còn mặt tiền thì sao?” Ba nhìn mẹ hỏi, “Em lúc nào cũng thích mặt tiền rộng đó mà.”
“Không sao. Mặt tiền này cũng đâu nhỏ lắm. Dù nó có nhỏ mình cũng đở tốn thời gian cắt cỏ.”
Lúc nào cũng vậy, hễ mỗi lần nhà tôi mua bấc cứ cái gì thì ba cũng để mẹ quyết định, dù rằng ba là người trả tiền. Nếu không, ba sẽ bị mẹ cằn nhằn cả ngày lẩn đêm.
Tôi nhớ lúc đó gia đình tôi tìm nhà để mua cả năm trời, mà ba mẹ vẫn chưa tìm được căn nhà nào thích hợp với ý ba và vừa ý mẹ.
Cái thì mẹ bảo; “mặt tiền hẹp, làm ăn không khá nổi.” Cái thì mẹ bảo, “nhà bếp gì đâu như cái lổ mủi”.
Rồi cứ thế, mẹ chê. Chê hết căn này đến căn khác. Mỗi căn nhà chúng tôi đi xem, mẹ đều bảo, “Em không thích căn này, mình đi tìm căn khác nha anh?”
Khi mẹ thích căn nhà này, căn nhà có con suối nhỏ, ba rất vui. Tuy ngoài mặt làm như không chú ý lắm, nhưng chúng tôi biết ba thích, rất thích. Ba rất thích căn nhà này. Ba nói, “căn nhà này đẹp thiệt, tuy hơi nhỏ, nhưng ở cách xa hàng xóm. Ít bị người ta dòm ngó.”
Khi gia đình tôi mua căn nhà này đó là dịp tôi được nghỉ hè. Sau hai tuần sửa sang lại căn nhà, sơn tường, thay ống nước, và cắt cỏ; gia đình chúng tôi và chú chó Beagle dọn vào ở. Việc trước tiên là chúng tôi thám hiểm con suối nhỏ. Mẹ tôi nhìn ba tôi, rồi nhìn con suối bảo, “Em sẽ biến con suối nhỏ này thành vườn địa đàn của chúng ta.”
Xung quanh con suối là những cây cỏ rậm rạp, những loại cỏ dại có nhiều gai, và một số cây lớn. Cây thông, cây sồi, câu phong, cây dogwood, mọc xen kẽ nhau như thể một khu rừng. Việc trước tiên ba tôi làm là dọn sạch các dây leo và cỏ dại. Sau vài ngày cuối tuần, cái nhìn của vườn sau thay đổi một cách rõ rệt.
Tôi còn nhớ khi đó tôi mười ba tuổi, và đứa em tôi mười tuổi. Chúng tôi không biết phụ gì cho công việc làm vườn, ngoại trừ đem cho ba vài lon nước, hay đem ra cho ba vài cái bánh cookies, hay vịn dùm khúc cây để ba cưa…
Khi ba tôi dọn vườn sau của căn nhà, tôi và đứa em thám hiểm khu vườn. Bổng tôi kêu lên:
“Ba, mẹ, lại….xem….nè. Con thấy một con sóc thật lớn, nhưng nó không chịu chạy khi con chọc nó.”
Ba tôi chạy lại phía chúng tôi. Mẹ chạy theo sau. Ba rất ngạc nhiên khi thấy con vật to như vậy. Con vật to bằng con thỏ, lông mầu nâu, bụng trắng hếu, đeo tòn-ten trên cây dogwood. Tôi dùng một cành cây và thọt vào con vật, nhưng nó không nhúc nhích hay bỏ chạy.
Mẹ nhìn con vật lạ, rồi mẹ như suy nghĩ xem đã thấy con vật ở đâu. Mẹ bổng:
“Ồ…Em biết rồi. Nó không phải là con sóc, nó là con opossum.” Mẹ nói tiếp, “Nó chỉ giả chết để cho mình khỏi chú ý. Để một lát nữa là nó sẽ dậy và chạy đi cho coi.”
“Mẹ, con nuôi nó được không? Con thích con vật lạ giống như thằng nhỏ trong phim Smith Family Robinson đó.” Em tôi hỏi mẹ.
“Không được. Nó không phải là con vật để nuôi. Nó có răng bén lắm. Nó cắn là chết tươi đó. Con có con chó rồi.”
Để yên con vật và anh em chúng tôi ở đấy, ba mẹ trở về làm tiếp tục công việc.
Sau một thời gian dọn dẹp, con suối nhỏ từ từ ló dạng với một vẻ đẹp khác lạ. Con suối rộng khoảng năm mét, nước suối chảy róc rách và uống lượng theo từng khúc quanh. Nước mát, và sạch. Ba mẹ tôi làm một cây cầu bắt ngang qua con suối, rồi mua đồ về làm hòn giả sơn và trồng hoa dọc theo lối mòn ra suối. Ba tôi nhìn mẹ tôi, rồi nói:
“Anh sẽ bắt một cây cầu Tràng Tiền thứ hai trên thế giới ngang qua con suối này.”
***
Từ trên cầu nhìn xuống, chúng tôi có thể thấy được những hòn cuội và vài con cá con bơi lội như thể vườn địa đàng mà mẹ tôi nói.
Mỗi mùa thu đến, chúng tôi không cần đi đâu xa để xem lá thu. Chỉ cần nhìn ra cửa sổ, sau vườn là có cả mùa thu với đủ mầu sắc của những cây sồi, cây phong, cây dogwood. Những cây dogwood với những chùm trái đỏ chín dụ chim và sóc đến rất nhiều.
Có một lần, trời mưa lất phất. Tôi ngồi trong phòng xem những quyển hoạt hình mới mua, ba vào và thấy tôi đang đọc, ba đã la tôi:
“Ba không cần biết con tốn bao nhiêu tiền để mua những quyển sách đó. Ba không muốn thấy con thức khuya để đọc những quyển sách không ích lợi. Sách đó không tốt cho con. Nó không giúp con lấy A trong lớp. Con hiểu không? Ba muốn con đem nó quăn vào xọt rác, hay quăn xuống suối.”
Tôi lầu bầu đem bỏ những quyển sách hoạt hình đó, nhưng tôi vẫn còn giử lại một vài cuốn mà tôi yêu thích và không cho ba biết. Lúc đó tôi rất là ghét ba tôi vì những quyển sách đó tôi bỏ không biết bao nhiêu tiền để mua. Những lần ba mẹ cho tiền để đến trường ăn trưa, tôi lại nhịn để mua nó. Những quyển Superman, Spiderman, Power Ranger, và nhiều loại sách hoạt họa khác mà tôi dành dụm mua được. Mỗi quyển như vậy từ một đồng hoặc hai đồng năm mươi lăm xu, mà tôi mua đến hơn hai mươi quyển.
***
Một lần khác vào ngày lễ Tạ Ơn, gia đình chúng tôi nướng thịt ngoài trời, cạnh con suối. Khi ngồi ăn, ba tôi kể lại cho chúng tôi nghe về chuyến vượt biển của ba. Ba tôi kể:
“Đêm đó là đêm ba mươi, ba ở Vạn Giã để chuẩn bị cho chuyến vượt biên. Đã hai ngày qua, ba nằm ở nhà nghe tin tức và thời tiết để báo cho mọi người chuẩn bị. Sau đó ông Tâm, chủ ghe, mới bảo với mọi người là sẽ khởi hành vào ngày mai. Chuyến đi cũng êm suôi, không bị công an bắt. Nhưng sau ba ngày trên biển thì ghe hết lương thực và nước uống. Đã vậy còn có bảo. Cây nào cây nấy phủ xuống ghe, nước bắt đầu vô ào ạt. Ba nghĩ chỉ cần mưa thêm chừng một tiếng nữa là ba không còn ngồi đây nói chuyện. Hên là lúc đó, mưa tạnh và biển êm.
Vài ngày sau đó, ghe ba được tàu Đức vớt và kéo vào đảo Phi. Còn chuyện sau đó thì con cũng đã biết rồi.”
***
Bốn năm trôi qua, tôi ra tốt nghiệp trung học và chuẩn bị cho đại học. Tôi học xa nhà và thỉnh thoảng chỉ về thăm nhà vào những dịp lễ lớn. Có một lần tôi về thăm nhà cũng vào dịp l
ễ Tạ Ơn. Và lần đó, chúng tôi cũng làm buổi tiệc ngoài trời. Tôi nhìn con suối nhỏ, và nói chuyện với ba tôi:
“Ba, ba có biết không… Nếu ba đừng la con và đừng biểu con quăn hết những cuốn sách hoạt họa, có lẽ giờ này con là một họa sĩ chứ không phải làm bên phòng thí nghiệm. Lúc đó, con để dành tiền mua sách hoạt họa đâu phải con thích đọc, mà là con thích vẽ. Con vẽ nhiều lắm. Và khi ba biểu con đem quăn những cuốn sách đó, con đâu có quăn hết đâu. Hiện giờ con cũng còn dữ lại một số quyển con thích, và những bức tranh mà hồi đó con vẽ. Con nghĩ, ba mẹ Việt thường khắc khe với con cái hơn những người bản xứ, phải không ba?”
Ba tôi nhìn tôi rồi cười. Tôi nghĩ, trong đầu ba cũng suy nghĩ giống tôi. Rồi, ba nói:
“Bây giờ, nếu con muốn làm họa sĩ thì con có thể rồi đó. Ở Mỹ mà, đâu có gì là muộn đâu…”
“Ba à, con không nghĩ vậy. Ý thích và cảm hứng của con người chỉ đến ở một lứa tuổi trong đời. Và khi lnó đã qua, con nghĩ nó sẽ không còn tồn tại. Ba biết không, tụi con còn dấu nhiều chuyện mà ba mẹ không biết. Ví dụ như thằng Tommy nó có rất nhiều bạn gái và con không có người nào, ba mẹ làm gì biết, phải không?”
Ba tôi nhìn tôi, ngạc nhiên. Rồi ba nhìn xuống con suối và nói:
“Tại sao con không có bạn gái giống như em con?”
“Con không biết ba à. Con nghĩ mỗi người con một số mạng riêng. Giống như ba, con, gia đình mình, và con suối này.”
Ba tôi nhìn tôi, rồi cười. Ba nói:
“Con trưởng thành rồi.”
***
Mặt trời xuống sau rặng núi, chúng tôi rời khỏi con suối và đi vào nhà, bỏ lại mảnh vườn, bỏ lại con suối nhỏ phía sau. Nhưng trong lòng tôi, vẫn còn nghe tiếng nước chảy róc rách của con suối sau nhà.197
Labels:
TruyenNgan,
Võ Phú
Subscribe to:
Post Comments (Atom)
No comments:
Post a Comment