Jul 11, 2005

Làn Môi Đồng Trinh





Mưa rồi! Mẹ nói. Và Hằng chống gậy lần ra sân. Nàng ngửa mặt lên trời, để cho những giọt mưa lây phây nhẹ bỗng đậu xuống má.
Một vài giọt lớn vô tình đáp xuống làn môi hé mở, Hằng lại rùng mình bởi một cảm giác xao xuyến mơ hồ. Làn môi của nàng chưa một lần có được cảm giác ấy. Hằng thoáng nghĩ đến một thiên thần trong suốt vừa lướt qua và đặt lên môi nàng một chiếc hôn vô hình.
Mưa này sát vào Tết là đúng tiết lắm đây!
Mẹ lại nói vọng ra từ trong bếp. Hằng cứ ngước khuôn mặt nhỏ thoáng chút e lệ lên trời, mong những giọt mưa lại đậu xuống môi, để một lần nữa tìm lại cảm giác cái hôn của người trời. Nhưng những giọt mưa đã nặng, quất vào mặt Hằng những tia nước lạnh buốt. Hằng loạng choạng quờ gậy lùi vào hàng hiên.
- Con hứng mưa đấy ư? Vào nhà đi khỏi ướt. Hồi nhỏ mẹ cũng chơi trò hứng mưa. Bà bảo rằng nếu ngửa bàn tay ra trong một trận mưa mà hứng ngay được đúng mười giọt, không phải chín hoặc mười một đâu nhé, thì sẽ lấy được chồng sang, sẽ suốt đời được yêu chiều, sung sướng. Mẹ đã xòe tay hứng mưa dễ đến trăm bận, mà chẳng lần nào được đúng mười giọt…
Hằng nghe tiếng thở dài từ trong bếp. Phải rồi, nếu mẹ xoè tay hứng ngay được mười giọt mưa, thì mẹ đã không phải có một đứa con như Hằng. Một đứa con hai mươi chín tuổi mà mỗi khi ra đường, mẹ vẫn phải dắt. Ăn cơm, cô gái hai mươi chín tuổi ấy còn có lúc đưa nhầm thức ăn vào mũi. Và, đã hai mươi chín tuổi rồi mà chưa hề biết đến một nụ hôn!
Nói thế không có nghĩa là Hằng chưa hề biết đến đàn ông. Một lần, cả nhà đi vắng. Buổi trưa nắng, Hằng đang ngồi hóng mát ngoài hiên nhà, bỗng nàng vươn thẳng người lên, cảnh giác vì một mùi lạ khen khét bỗng từ đâu xộc vào mũi khiến nàng rùng mình sợ hãi. Liền đó, nàng nghe tiếng thở hồng hộc bên cạnh. Và rồi một bàn tay thộp vào ngực nàng, bóp mạnh. Hằng hét lên, ngã lăn ra thềm, ngất đi. Hàng xóm chạy sang chỉ còn kịp nghe thấy tiếng chân chạy thình thịch xa khuất sau hàng rào găng. Hằng tỉnh lại, nghe mọi người lao xao: “Thằng đàn ông nào lên cơn động rồ chắc! Khổ thân con bé!”.
Hằng nằm quay mặt vào tường khóc. Nhưng người mù khóc không ra nước mắt. Thế là lần đầu tiên trong đời, Hằng biết đến đàn ông. Biết rằng trên đời này không chỉ có những người như Hằng, mà còn có cả đàn ông. Bị mù từ lúc lên hai tuổi vì thiếu vitamin A ác tính, Hằng chưa bao giờ trông thấy mặt mình, cũng chưa bao giờ biết rằng trên đời này còn có một giống người khác nàng. Và giờ đây, nàng hình dung rằng đàn ông là một cái gì đó bậm bịch, khen khét và thô bỉ.
Sau này, bình tĩnh lại, Hằng hỏi mẹ:
- Mẹ ơi! Sao cái tay đàn ông đó lại định giết con? Con mù loà thế này, có làm gì ai bao giờ mà hắn thù con?
Mẹ lặng đi một lúc, rồi mới trả lời:
- Không đâu con! Không phải hắn định giết, mà hắn chỉ định làm nhục con thôi.
- Tại sao hắn lại làm nhục con? Làm nhục là như thế nào, hả mẹ?
Mẹ không trả lời. Hằng cứ hỏi mãi, cuối cùng, mẹ mới đáp, miễn cưỡng:
- Vì hắn là đàn ông, hắn coi chúng ta là trò chơi, là miếng mồi con ạ. Chẳng may cho con, con lại là đàn bà. Đã là đàn bà, lại không có cả đến một đôi mắt để biết chạy trốn. Thôi, đừng hỏi nữa. Cực lắm con ơi!
Chủ nhà vồn vã mời hai mẹ con uống nước. Rồi cùng xem phim. Hằng xấu hổ vì không trông thấy gì. Cô nép vào một xó.
Cô gái không hiểu mấy về nội dung phim. Nàng nghe tiếng cười trong trẻo rồi có tiếng xe chạy, mèo kêu, có cả tiếng khóc. Bỗng tai nàng như dựng ngược vì nghe một đoạn đối thoại có nhắc đến hai tiếng “đàn ông”. Người Hằng tự nhiên co rúm lại phòng thủ.
Hằng nghe thấy giọng nói trong veo như của cô:
- Đừng anh! Anh là đàn ông. Và em là đàn bà. Chúng ta quen nhau chưa lâu. Không nên!
Và một giọng trầm ngọt ngào sâu thẳm:
- Phải! Anh là đàn ông, và anh yêu em! Anh muốn che chở cho em, cô gái bé nhỏ. Anh sẽ bọc em trong chiếc chăn màu hồng và đưa em đi khắp thế gian trong đôi cánh tay này.
Giọng nói trong trẻo lại tiếp tục:
- Buông em ra đi, anh. Em chỉ là một cô gái tàn tật. Anh mang em đi bằng đôi cánh tay khoẻ mạnh, nhưng cuộc đời này thì dài rộng quá. Rồi anh sẽ mệt mỏi, em sẽ phải ngồi lại bên vệ đường với chiếc chăn màu hồng cũ rách.
- Không phải thế. Em nhầm. Chúa đã sinh ra anh và em, là đã sinh ra hai nửa ngọt ngào. Trò chơi của Chúa là tung hai nửa đó ra cuộc đời rộng lớn để chúng đi tìm nhau. Anh là một trong hai nửa ấy. Anh lang thang đã nhiều rồi, và cũng không ngờ cuối cùng lại tìm thấy nửa kia của mình ở cô gái bé nhỏ và cần sự che chở đến thế này. Dù em có xua đuổi, anh cũng chẳng bao giờ chịu buông nửa ngọt ngào kia của cuộc đời anh đâu. Đó là vì cả anh nữa đấy, không phải vì em đâu.
Hằng nghe tiếng khóc nghẹn ngào vui sướng của người con gái. Và tiếng nói:
- Em cảm ơn trò chơi của Chúa. Hôn em đi anh. Hãy hôn vào môi em!
Nhưng bị thôi miên, Hằng đặt ngón tay lên môi mình từ lúc nào. Lồng ngực nàng rung động trong tiếng khóc.
Cả nhà quay lại nhìn Hằng. Mọi người cùng bối rối không biết nói sao trong những trường hợp này. Mẹ lặng lẽ bước tới, vuốt tóc dỗ dành: “Thôi để mẹ đưa con về. Tội nghiệp con gái tôi!”. Mẹ cảm ơn cả nhà, rồi lặng lẽ dìu Hằng ra cổng.
Người chị nhìn theo hai mẹ con mà rơi nước mắt. Còn cậu em ngây người vì một cảm giác lạ đang xâm chiếm tâm hồn. Từ trước tới nay, cậu đã sống trong một thế giới hoàn toàn khác. Thế giới của cậu thừa thãi ánh sáng và thừa thãi tiếng cười. Thế mà cậu không hề biết đến một thế giới khác chỉ toàn một màu đen ở ngay bên cạnh. Cậu bỗng có cảm giác ân hận, có thể vì cậu và những người bạn của cậu, những người khác nữa trên cuộc đời này đã quá tham lam, đã nhìn thấy quá nhiều, đã lạm dụng ánh sáng để làm những điều xằng bậy, nên đã dồn đêm tối cho một người bất hạnh như cô hàng xóm mù xinh đẹp kia chăng. Cậu đã yêu nhiều, mặc dù mới ở tuổi hai mươi ba.
Và hương vị của những cái hôn cũng đượm màu bừa bãi, không còn thiêng liêng như những cái hôn của đôi trai gái trong cuộn phim kia, những chiếc hôn của chúa ban cho loài người. Cậu lẩm bẩm và thấy nao lòng khi nhớ lại vẻ mặt của Hằng, nhớ ngón tay đặt lên đôi môi nhạt màu và lồng ngực nàng rung chuyển trong tiếng khóc dồn nén. Ôi! cuộn phim kia được làm từ năm 1956, thời kỳ huy hoàng của Hollywood. Bây giờ còn ai nữa không, dám cúi xuống bên một người tàn tật, và mang đi trên đôi cánh tay hữu hạn của mình tình yêu cũng như nỗi đau của một kiếp người khác? Có lẽ chẳng còn. Đối với thế hệ cậu, điều này là chuyện cổ tích đọc vào tối thứ bảy! C1132

No comments:

Post a Comment