Khi anh bước vào cửa sau của khu ngoại chẩn, Karen, cô y tá vội vã kéo anh vào phòng giải lao:
- Tuấn. Anh ngủ quên phải không?
Bẽn lẽn, liếc nhìn đồng hồ. 1giờ 45. Trể mười lăm phút. Vì nhà ở gần phòng mạch, buổi trưa anh hay vù về nhà ăn trưa. Hôm nay, trời oi bức, ăn xong, kéo một giấc ngắn. Giấc ngủ trưa nặng nề. Đầu vẫn còn choáng váng. Anh là y sĩ, làm thuê cho bệnh viện Kaiser đã hơn hai năm. Một thứ hợp tác xã y tế. Đồng lương cố định. Ngoại trừ một số ngày trực gác ấn định, anh ngày 10 tiếng sáng cắp ô đi, chiều vác ô về trên chiếc xe cũ mèm. Cuộc sống khá thoải mái. Lũ bạn thường đùa, mày làm bác sĩ mà cứ phây phây như làm ngân hàng. Không sướng sao được, khi về đến nhà, anh có thể tắt máy gọi beeper, không ai kêu, chẳng ai gọi. Ngày còn là sinh viên y khoa anh hãnh diện được mang beeper, mặc áo mổ, vì chúng làm cho anh trở nên một nhân vật quan trọng. Bây giờ là y sĩ, chúng là gông cùm chứng tích cho một tên nô lệ của thời gian, một thứ tù giam lỏng. Năm ấy, có một người bạn kể chuyện về một Việt Kiều về thăm quê hương, mang theo hai cái beeper, anh bão: "Sao không nói cho tôi sớm, tôi gửi cái beeper của tôi cho anh ấy mang hộ về Việt Nam luôn tiện."
-Không sao. Có hai vợ chồng Asuka đến khám thai. Tôi bão ho là anh bận mổ ở bệnh viện.
Tinh ý, Karen tiếp lời. Anh thầm phục cô y tá khôn khéo. Coi cô ta như bạn, anh vẫn không màng khi cô ta xưng hô với anh bằng tên, ít khi gọi anh là bác sĩ, ngoại trừ trước mặt bệnh nhân.
Steve Asuka nhổm người khỏi ghế, có vẻ nóng ruột. Con bé Alison, lên ba, đang ngồi trong lòng bố, tuột vội xuống đất:
- Chào bác sĩ. Chắc bác sĩ gặp ca mổ khó?
- Xin lỗi Steve và Maggie. Tôi phiền hai người chờ. Anh nặn một nụ cười khoả lấp.
- Không sao. Chỉ có thằng bé nầy nóng ruột, cựa quậy lung tung.
Maggie, ngồi trên bàn khám, chân buông thõng, đong đưa, bàn tay trái xoa nhẹ lên bụng. Cái thai đã khá lớn, làm cô thêm vẻ nặng nề khó nhọc. Cô phải ngồi hơi ưỡn người về phía sau, tay phải chống thẳng trên bàn khám. Anh đỡ cho Maggie nằm xuống bàn khám. Đặt máy đo nhịp tim lên bụng của cô, anh nhìn ánh mắt sáng rỡ của cha đưa bé:
- Tim cháu mạnh quá. Giống bố.
- Giống tốt mà. Steve huênh hoang.
- Cái gì tốt là của anh thôi. Maggie trách yêu chồng.
Ra hiệu cho con bé Alison đến gần, anh áp cái mấy nghe tim vào tai nó. Qua máy phóng đại âm thanh, tiếng tim đập lụp đụp, đều đặn như một cái bơm nước nhỏ. Thỉnh thoảng cái thai cựa mình. Alison thích thú nhìn cái đầu gối bé tí chổi lên cuống rún căng mỏng của Maggie.:
- My baby brother, my baby brother!!!
-
Chọn nghề sản khoa, vui hơn, vì anh không chịu nổi cảnh chết chóc của những người bệnh nan y, chỉ thấy mình bó tay tuyệt vọng mà thôi.
Có tiếng gõ cửa. Karen thò đầu vào phòng qua cánh cửa mở hé:
- Bác sĩ. Có điện thoại của ông.
- Cô ghi giùm số điện thoại, tôi gọi lại.
- Không. Bệnh viện cần nói chuyện với ông khẩn cấp.
Anh vội vã theo Karen ra khỏi phòng. Cô y tá kéo anh vào góc hành lang, nói nhỏ:
- Không phải bệnh viện. Tôi nói thế cho bệnh nhân khỏi phiền.
- Ai? Anh hỏi hơi bực dọc.
- Bà ấy nằng nặc đòi gặp anh. Đường dây đang chớp đèn đó.
Karen hất nhẹ đầu, tay trỏ về phía phòng làm việc. Anh nhất điện thoại.
Steve lại nhấp nhổm, khi nhìn thấy nét mặt thất thần của người bác sĩ lúc trở lại phòng khám:
- Không liên hệ đến cháu bé đấy chứ.
Lắc đầu nhè nhẹ, anh thông cảm với nổi băn khoăn của kẻ sắp làm cha một lần nữa. Steve là người Nhật thế hệ thứ ba. Steve nói tiếng Mỹ, đặc thổ âm New York. Chuyện Steve lấy Maggie một cô gái da trắng đã làm bố mẹ của anh phiền lòng không ít.
Nâng nhẹ cái bào thai, phỏng định sức nặng. Cái thai cựa quậy như con cá đang vùng vẫy:
- Bảy pound là ít.
- Giống bố nó.
Maggie nhoẻn miệng cười hãnh diện. Vành môi cô tròn trịa duyên dáng. Nhìn vào đôi mắt nâu đen, lông mi cong vút của cô, anh thầm nghĩ đến cú điện thoại ban nãy.
Con bé Alison cũng nhìn anh cười chúm chím má đống tiền.
- I want to be a doctor like you.
Con lai. Xinh và kháu khỉnh thật.
Buổi làm việc bận rộn, dồn dập sau khi vợ chồng Asuka ra về. Trung bình anh khám khoảng mười lăm người bệnh mỗi buổi. Còn phải dành thì giờ để trả lời điện thoại cho bệnh nhân. Mệt mỏi, anh ngồi vào bàn. Người bệnh cuối trong ngày là một đôi vợ chồng hiếm muộn tới khám anh lần đầu tiên. Karen biết ý anh, xếp những người bệnh hiếm muộn, đòi hỏi nhiều thì giờ, vào cuối ngày làm việc, nhất là trong trường hợp người bệnh mới được thêm vào cùng ngày. Làm thuê cho tổ hợp y tế Kaiser, mình không có quyền từ chối bệnh nhân. Bất cứ lúc nào.
Xem qua hồ sơ bệnh lý, hồ sơ khám bệnh từ một bác sĩ khác gửi đến, anh bão Karen mời họ vào. Đó là một đôi vợ chồng tuổi trung niên. Người chồng vào khoảng 50. Tóc đã điểm bạc. Ông bắt tay anh, lịch sự kéo ghế cho vợ ngồi. Ông ngồi xoa cằm nhè nhẹ, đưa mắt nhìn anh, dò đoán tuổi tác, đo lường khả năng của người bác sĩ trẻ mà người ta đã giới thiệu với ông là một chuyên gia về bệnh hiếm muộn. Anh áy náy, nhưng vững tin hơn khi cả hai vợ chồng đảo mắt tham quan những văn bằng của anh treo đầy mảng tường bên trái. Người đàn bà ngồi đối diện tầm mắt của anh. Nét đài các, một người có học. Tóc bới cao, cánh mũi hẹp, với sóng mũi thẳng. Nét mỏi mệt tô đậm lên đôi mắt sâu, kéo dài thành những nếp nhăn về phía đuôi mắt. Người đàn bà có lối đánh phấn của thập niên 80, với lớp phấn hồng nổi trên đôi gò má cao. Chỉ thoa một lớp son mỏng, nhưng đôi môi tươi tắn, hơi mím, e ngại, nghiêm trang. Son phấn ấy quá mỏng không đủ che lấp dấu thời gian. Anh lướt sơ qua những dòng đầu của hồ sơ bệnh lý một lần nữa.
- Thưa bác sĩ...
- Tôi hiểu. Ông bà thử mấy năm rồi?
- Hai năm.
- Bà đã từng có thai chưa?
- Ba lần.... một lần phá thai... hai lần sẩy.... Nếu ngày xưa tôi biết...thì tôi đã không...
Giọng bà ngập ngừng, hối tiếc. Ánh mắt nàng chùng xuống, e ngại sự phán xét của người y sĩ về con đường tình ái của mình, để ở gần cuối đoạn đường ấy, quay đầu nhìn lại đầy xót xa, nuối tiếc. Thèm một lần thai nghén cho cơ thể hoàn tất sự trưởng thành sinh lý, thèm được nghe tiếng khóc trẻ thơ, xé tung màng nước ối bước vào vũ trụ trong sự đớn đau thoả mãn của thể xác, và thèm một chiếc môi son tí hon rục vào lòng tìm sửa mẹ. Một sự tương phản quá rõ rệt giữa một người bệnh cuối ngày, ngậm ngùi và một Maggie đầu ngày, tràn đầy nhựa sống. Giữa một loài cây đơm hoa nhưng không kết trái và một cây khác trĩu nặng trái chín trên cành.
Trên tường, trong vườn cam nặng trĩu trái vàng tươi, một đứa bé trai nắm đôi bàn tay một đứa bé gái, kề môi hôn nhẹ lên má con bé. Con bé nhìn anh cười thẹn thùng. Cố tránh ánh mắt ấy, anh phóng tầm mắt ra
ngoài khung cửa. Hàng cây ngoài kia hà tiện bóng mát., thu mình lại thành những cái bóng râm hẹp hòi, cụt ngủn trên mặt đường. Đã gần 5 giờ chiều nhưng nắng vẫn vàng rực, oi bức, hừng hực nung nấu sân đậu xe như muốn làm bốc hơi lớp nhựa đường. Ánh nắng chói loà, phản chiếu từ kiếng chắn gió của dãy xe đậu bên ngoài, rồi hắt qua khung cửa. Anh nhăn mặt, lắc đầu cố chống lại cơn buồn ngủ đè nặng lên mí mắt...
....
Anh vẫn ngồi trên băng đá, giữa sân nắng. Cuốn sách mở làm đôi, một bên úp mặt xuống ghế đá, nửa kia đong đưa như muốn tách rời phần sách còn lại, để buông mình xuống sân cỏ mềm mại. Anh lơ đãng nhìn những đôi trai gái trong những chiếc quần jeans và áo thun nhiều màu, cặp kè, qua lại trên lối đi ngoằn ngoèo dưới những tàn cây xanh um to lớn. Một vài sinh viên đổi lớp vội vàng băng qua sân cỏ cho kịp giờ. Xa xa trên bực thềm thư viện, một đám con trai quây quần quanh một cô sinh viên, có lẽ xinh đẹp lắm. Trưa nay anh không có lớp. Buổi chiều anh phải vào Math Lab để làm việc. Công việc dạy kèm cho các sinh viên kém Toán, để kiếm thêm tiền qua chương trình work study. Bây giờ là mùa hè. Cái nóng ở Florida thật ẩm làm anh nhớ Sài Gòn, nhớ Đà Nẵng, nhớ Huế mùa hè. Nhớ “sân trường đại học", một lon cơm muối mè trong lon nhôm sữa Guigoz. Một tàng cây, hai đứa cùng chấm muối vừng. Nhớ “con đường Duy Tân”, nhớ “cây dài bóng mát", ly mía ép ngọt lịm vị tình yêu.
Vừa đến Mỹ hơn một năm, anh vẫn chưa quen với đời sống mới. Vẫn chưa hội nhập được với khuôn viên trường đại học mới.
Nhớ da diết.
- Tony. Anh làm gì ở đây.
Không nhớ rõ cái tên Tuấn đã biến thành Tony từ lúc nào từ khi anh xin vào học ở trường đại học cộng đồng này. Tuy nhiên giọng người con gái gọi tên từ sau lưng thì , đã quen lắm. Adele dáng khá cao, khuôn mặt hẹp của người da trắng, nghiêng đầu, hơi trẻ con. Tuy nhiên, dáng đi của cô thì không bao giờ trẻ con cả. Nhẹ nhàng, chững chạc, cho dù phải ôm những chồng sách vở nặng trong tay. Nhiều lần anh đã hãnh diện khi sóng bước bên cô trên những lối đi trải sỏi trong những cái nhìn ghen tức của lũ bạn.
- Adele. Em tới hồi nào. Em không có lớp hay sao ?
- Em đến đã lâu, mà anh vẫn không hay. Có phải anh nhớ đến Yumiko Katsumi phải không?
- Cô ấy về Nhật hôm qua rồi.
- Anh yêu cô ta?
-...
Che mắt ngước nhìn Adele. Cô cũng đưa tay che nắng, nghiêng nghiêng, mắt nheo nheo. Đôi gò má của cô ửng đỏ không biết vì nắng, hay lớp phần hồng trang điểm. Bỗng dưng, ước chi Adele có thể hiểu được ý nghĩa của bài hát Hạ Trắng, để hát cho cô nghe. Anh thoáng cưới nhè nhẹ. Adele ngồi xuống băng đá, cố tránh xa anh một khoảng trống. Còn giận hờn vụ Yumiko.
- Anh sẽ đưa em đi chơi biển và dư khiêu vũ cuối tuần này? Cô hỏi.
Nhăn nhó, khổ sở. Không bao giờ anh thích nhảy với múa, nhất là những điệu nhạc và kiểu nhảy loạn cuồng của đám sinh viên ngày nay. Vô duyên tệ. Đã nhiều lần như một người cha lớn tuổi, anh đưa cô đến những party, để mặc cho cô khiêu vũ với chúng bạn, ra ngoài châm thuốc hút một mình. Chưa muốn nói là anh sẽ đưa Adele đi lần nầy. Đợi đến chiều cũng chả sao. Quen, nước đến chân mới nhảy. Mà thật ra, nói sớm sợ người ta từ chối thì quê chết.
- Có hai người bạn trai khác đã mời em.
-...
- Yumiko nói với em là cô ta thích anh.
-...
- Anh nhớ Yumiko có phải không?
- Em ghen? Cố ấy là bạn. Thế thôi.
- ....
- Vena aqui, senta te y ecoucha me!
Lại đây, ngồi xuống với anh và hãy nghe anh nói. Vẫy tay ra hiệu. Adele tiến gần hơn, nhưng lại ngồi xuống bãi cỏ dưới chân anh. Mái tóc nâu hơi quăn, dợn sóng trên băng đá. Anh vẫn nói. Tiếng Tây Ban Nha. Như con vẹt:
- Mi corazon, yo quiero décir te una cosa.
Trái tim của anh ơi, anh muốn nói với em một điều.
- Qué cosa?
Điều gì?
- Tu éres muy linda...y tu save que te amo mucho
Em xinh đẹp lắm...và em có biết rằng anh yêu em rất nhiều không.
- Solamenté?
Chỉ một mình em thôi?
- Si..
Vâng
- Un vesito.
Cho em một nụ hôn đi.
- Nah nah.
Ngửa mặt . Nắng hắt. Mắt nhắm. Miệng tròn. Vành môi dưới có múi, hé mở đợi chờ. Mắt anh nhìn quanh như sợ có người rình rập. Anh ngập ngừng. Anh chưa bao giờ hôn một người con gái. Anh chậm hiểu. Anh ngu ngơ về đàn bà con gái. Chuyện Adele thích mình, vẫn không để ý cho mải tới cách đây một tháng. Hôm đó xuống thư viện, vẫn thích học một mình, hích mùi sách cũ mới trong thư viện. Sự yên tĩnh là của riêng anh. Một thói quen từ những năm tháng ở trường cũ, bên nhà. Hôm ấy sự yên tĩnh đó đã vở tung khi lũ bạn gái ập đến bàn anh. Marina, một cô khá xinh, lớn tiếng nhất trong bọn, giọng diễu cợt:
- Tony. Anh có biết là Adele muốn có một em bé người Việt Nam hay không?
- Tại sao? Anh ngơ ngác.
- Dân Việt Nam các anh thông minh.
Không nghĩ và tự cho là thông minh. Đối với một sinh viên đại học Toán ở Việt Nam, những bài toán tích phân đối với anh không phải là khó. Nhưng dưới con mắt những sinh viên Mỹ, chuyện anh giải toán tích phân mà không phải viết ra giấy là cả một sự diệu kỳ.
- Cám ơn. Tôi sẽ chỉ cô ấy làm đơn bảo trợ các em bé mồ côi Việt Nam qua các hội thiện nguyện..
- Như thế thì chúng tôi tin là anh kém thông minh thật Anh đần độn lắm Tony ạ..
Cả bọn phá lên cười, bỏ mặc anh thờ thẫn trong thư viện suốt ngày về một khám phá mới: Adele yêu anh. Ngọt ngào như những viên kẹo chocolate, nồng ấm như những ly cà phê nóng hổi, và tươi mát như những đoá hồng của ai đó để dành trên bàn học của anh mỗi sáng.
- Em đã phát các thơ mời cho buổi họp ngày mai về việc thành lập hội sinh viên dự bị y khoa.
- Cám ơn em. An nghỉ đó là chuyện đáng làm
- Tụi em sẽ bầu anh làm chủ tịch hội kỳ nầy.
- Gracias. Pero no necesito. Nada
Cám ơn em. Nhưng anh không cần. Không có gì hết
- Un vesito!Un porquito. Por favor.
Hôn em đi! Làm ơn. Một chút đi.
- No. Adios muchacha.
Không. Tạm biệt em, con gái nhỏ.
Dứt khoát. Đứng dậy, siết mạnh đôi bàn tay của Adele.
- Te veo o rita chico.
Gặp lại anh sau, thằng con trai.
Cô quay người nhún nhảy lướt đi trên cỏ, nhịp nhàng trong nắng về khu lớp học. Thẩn thờ, nhìn theo, không màng đáp chào những người quen qua lại. Được mươi bước, cô quay lại chu môi hôn gió. Anh cười một mình, thu dọn sách vở, đi làm.
Daytona beach.
Buổi tối đầu Xuân. Đây là thời gian mà các sinh viên từ khắp nước Mỹ đổ về để nghỉ đầu Xuân. Từng nhóm tụ tập trên bãi biển, mở nhạc ầm ĩ, uống bia, bơi lội, khiêu vũ, rồi lại uống bia, nghe nhạc mạnh. Bây giờ đã quá nửa đêm. Anh rảo bước trên bãi biển. Cát ở đây đen và dơ dáy chứ không như biển Mỹ Khê, Đà Nẵng. Chỉ khác là mặt cát không lún. Lũ sinh viên có thể đua xe trên cát dễ dàng. Thỉnh thoảng một vài ngọn đèn pha trờ tới, chói đèn loà mắt. Anh dừng lại, nhìn ra khơi tối đen. Sóng biển ầm ì. Anh châm lửa, mồi thuốc. Gió lồng lộng. Ngọn lửa tắt ngủm.
- Hư lắm, ông con trai ạ. Bày đặt hút thuốc nữa.
Người con gái ôm lấy cánh tay của anh, giật nhẹ. Cánh tay chạm vào vùng da thịt mềm mại, căng tròn dưới dưới chiếc áo T-shirt bó sát. Tuy trách nhưng cô lại đứng sát vào người anh hơn, xoay lưng che gió cho anh mồi thuốc.
- Có phải khi anh hút thuốc là anh có chuyện buồn?
- Sao em biết?
Người con gái cười giòn dã:
- Tại hôm qua em khiêu vũ với John, anh bỏ ra ngoài hút thuốc.
-...
- Anh ghen?
- Ừ. Anh ghen.
- Thôi mình đi vào trong kia đi anh. Em lạnh lắm rồi.
Người con gái vẫn ôm cánh tay anh, rời bãi biển. Họ đi băng qua những quán ăn ven đường. Anh thây đói bụng nhưng không đề nghị ghé vào. Cuối cùng, cũng tìm được một quán rượu gần sát bờ biển. Quán xây ra trên mực nước thuỷ triều, ngồi trong quán người ta có thể nhìn thấy sóng vỗ dưới sàn. Loại quán làm anh nhớ những quán cà phê dã chiến ở Pulau Bidong. Ánh đèn néon tím lập loè. Người ca sĩ gào thét, tranh đua với người "lead guitar" và dàn trống.Với mái tóc dài và hàm râu rối rắm, hắn trông như một con dã nhân trúng đạn, điên cuồng. Có điều không thấy máu, chỉ có mồ hôi tươm ra ướt đẫm cái áo thun đỏ. Người đánh trống giận dữ tay nện xuống chập chả, chân không ngừng đá thốc vào thùng trống. Họ đang chơi nhạc nhạc reggae, "red neck". Sàn nhảy nhỏ. Đèn kéo quân quay tròn. Những chiếc mũ cao bồi với những chiếc quần jeans Jodache bó sát quay cuồng theo tiếng nhạc. Ngồi xuống bên chiếc bàn con, gần cửa sổ quay ra phía biển, anh mồi thêm một điếu thuốc nữa. Cô phục vụ, chiếc mũ cao bồi ten-gallon trắng, tóc vàng lăng quăng trên cặp vú nhỏ, tròn trịa, căng cứng dưới chiếc áo sơ mi cụt, bó sát, chào đón khách:
- Các bạn muốn uống gì?
- Em uống gì, Adele?
- Một virgin pina colada.
- Cho tôi một gin and tonic. Anh quay qua cô hàng rượu.
- Anh cho tôi xem giấy tờ căn cước được không? Anh hiểu là không bán rượu cho người dưới 21tuổi.
Anh đỏ mặt. Chưa uống đã say. Mẹ kiếp.
- Anh phải coi đó là lời khen mới phải. Cho cô ấy coi anh đẹp trai cỡ nào đi Tony.
Anh không có bằng lái xe. Chưa dành đủ tiền để mua xe. Anh vẫn đi xe buýt, hoặc lội bộ, đã quen. Cô hàng liếc qua thẻ sinh viên của anh. Trong ánh sáng chập chờn của quán rượu, anh không rõ cô ta có đọc nổi ngày sanh tháng đẻ, hay xem anh đẹp trai cỡ nào không, hay chỉ xem cho có lệ. Khỉ đột, hình căn cước, mug shot, mặt thằng nào không lơ láo như phường trộm cướp. Cô trao trả giấy tờ:
- Tôi đồng ý với chị là anh ấy bảnh trai. Like a baby. Good catch. You drop, I’ll pick him up anytime.
Nheo mắt, cười duyên. Đôi mông tròn lẳng, đong đưa dưới chiếc quần jeans Sasson cắt cụt, khoe cặp giò dài, đôi giày cao bồi trắng cao đến nửa bắp chân, biến mất vào đám đông, rồi trở lại với hai ly rượu sau hơn năm phút.
Chuyện trường học. Thêm rượu. Một rusty nail. Lại chuyện Yumiko về nước. Japan. Việt Nam. Chuyện gia đình. Ba má anh? Còn ở Việt Nam. Chỉ dành dụm đủ tiền cho anh đi. Ba má em? Bố em là mục sư một làng quê nhỏ ở Michigan. Bố đi truyền đạo ở Nam Mỹ gặp mẹ. Em vẫn thích nói tiếng Tây Ban Nha với mẹ. Em yêu tiếng mẹ đẻ, vì thế em thích nói và dạy cho anh thứ ngôn ngữ nầy. Anh đã yêu ai chưa? Tại sao? Em muốn biết. Anh không muốn biết là em đã yêu ai chưa? Chưa? Anh không cần em? Cần chứ! Uống thêm rượu nhé. Straight, whisky on the rock. Không anh uống quá nhiều rồi. Hay là một Long Island iced tea cho tỉnh rượu nhé. Thôi mình về. Em đưa anh về.
Cô phục vụ đi ngang, quẳng cho anh một cái nhìn thật lẳng:
- Về sớm thế?
- Tôi phải về trước khi cái quán rượu nầy sập, và sóng kéo trôi ra biển vì thiên hạ ùa vào chiêm ngưỡng cái sắc đẹp của cô đấy.
-Trời đãt, bây giờ lại chọc gái nữa hả ông tướng!
Cảm giác cái nhéo vào hông mình thật đau, nhưng vẫn còn gân cổ vói theo:
- Cô coi đó là một lời khen. Adele, em nghĩ là anh chọc cô ta hay sao?
Họ đứng dậy rời bàn. Cô phục vụ cúi nhặt tiền típ. Trong mắt cô, có một thằng da vàng, cà tàng say rượu lảo đảo bên cạnh một con da trắng chắc cũng khùng không kém mới dám la cà với thằng điên ấy.
Xa lộ 95, hơn một giờ sáng vẫn còn đông đảo xe của sinh viên tứ xứ kéo về. Thỉnh thoảng một vài chiếc cảnh sát chớp đèn chận bắt người say rượu. Adele im lặng lái xe, ôm ghì tay lái. Cô có chiếc xe không mui Ford Mustang cũ kỹ. Cũ đến độ sườn xe rung rên bần bật như muốn vỡ tan ra ngàn mảnh trên xa lộ mỗi khi cô sang lane. Hơi gió mặn lồng vào trong xe, mùi hoa bưởi hoa cam và mùi biển mặn. Bãt giác, anh nghỉ đến hình ảnh Adele trên lưng một con lừa già, hì hục vỗ vào mông nó, thúc đẩy nhau trên con đường làng đất đỏ qua những vườn cam quýt trĩu trái vàng tươi. Anh cười một mình, soài người trên nệm ghế, lắng nghe tiếng mạch máu co giật trên thái dương, bên mang tai. Tiếng trống, tiếng đàn, tiếng người ca sĩ gào thét. Xe đảo một vòng tròn. Adele đạp thắng. Con lừa già húng hắng ho sù sụ trước khi ngừng hẳn. Anh mở mắt. Không phải khu chung cư quen thuộc của nhà anh.
- Anh say rồi.
- Em cho anh về nhà anh.
- Em không thể để anh say một mình ở nhà, ai lo cho anh?
- Anh đã quen.
- Đi vào đây em pha cho một ly đá chanh.
Căn phòng khách nhỏ, trống vắng, tiêu biểu cho một sinh viên đại học. Không một bộ đồ gỗ nào đáng giá ngoại trừ chiếc đàn dương cầm ở một góc phòng. Cạnh đó, một dàn nhạc nhỏ, loại rẻ tiền, kê trên chiếc thùng giấy đã chứa nó. Những dĩa nhạc vương vãi trên sàn.
- Anh ngồi đây đi. Em đi lấy nước.
Adele biến mất vào phòng ngủ. Anh ngồi xuống cạnh chiếc bàn học nhỏ kê sát cửa sổ. Loại bàn dùng cho sinh viên hội hoạ được biến thành bàn học. Trên sàn, vài bức tranh hoạ bằng than chì, chưa kịp đóng khung dựa sát bức tường bên trái. Hình hoạ những người đàn bà khoả thân, một vài khuôn mặt đàn ông da trắng, bảnh trai. Anh rời ghế, tiến lại chiếc đàn dương cầm. Bản nhạc Sonata đang chơi dở. Bâng quơ, anh ngồi xuống, mổ cò trên phím đàn.
- Anh cũng thích chơi nhạc?
- Không.
Anh lắc đầu thành thực. Anh chỉ biết đàn tàm tạm. Hồi còn nhỏ anh học chơi đàn guitar, nhạc cổ điển, chỉ gò có một vài bài. Bài số 14 trong cuốn dạy nhạc hoà tấu guitar Carrulli, và bài Romance. Ngày giải phóng vào, anh phăng bài Hạ Trắng của Trịnh Công Sơn có người đã soạn ra nhạc hoà tấu. Nhưng, dưới chế độ mới chơi nhạc classic là tiểu tư sản. Anh xoay qua đánh nhạc fox trot. Anh Vẫn Hành Quân ở trường học, Cờ Bay Cờ Bay ở nhà. Nhịp một hai, dễ dàng hơn.
Anh quay lại, ngạc nhiên không vì chiếc ly chanh đường trong tay Adele, mà cái áo ngủ mỏng, loại sa-tanh hồng kiểu Victoria. Đôi vú tròn, dầu núm vú hồng cong vểnh lên. Áo ngũ lụa hồng ôm nhẹ lấy thân thon. Những mạch máu trong anh bắt đầu rạn nứt. Máu ào ạt từ tim, tràn lan vào cơ thịt bắp. Sự chuyển mình thành một người khổng lồ, gào thét. Năm lên mười, một ngày mưa lớn, anh chạy ra đương tắm mưa với cô bé hàng xóm. Hứng chí, hai đứa cởi phăng cả quần áo, chạy rông quanh nhà. Trên thân thể của con bé, anh đã biết có sự khác lạ. Lạ quá, cho tao rờ được không. Được, nhè nhẹ thôi. Nhột lắm. Sự biến đổi lạ kỳ không đến với anh mãi tới năm 15. Người khổng lồ đến với anh một buổi trưa qua nhà bạn, cửa trước khép hờ. Anh đứng lặng câm nhìn từng gáo nước lạnh tưới xuống vùng đồi núi hồng, góp lại lành sông, thành suối, trên những vùng đất trắng nõn lạ kỳ, những cánh đồng Xuân của người con gái 17. Từng gáo nước đã dội vào trong anh, làm nở tung những mạch máu tiềm ẩn tự bao năm. Anh đứng yên, nghe thân thể dao động. Cựa mình. Như đêm nay.
- Em vẫn thường chơi đàn organ cho nhà thờ của bố.
Adele tiến lại gần anh. Đôi mông tròn lẳng, chắc nịch. Trao cho anh ly đá chanh, cô ngồi xuống. Chiếc ghế nhỏ chỉ đủ cho một người nhạc sĩ. Làn da mát lạnh của đôi cánh tay trần chạm nhau. Mùi tóc. Mùi nước hoa quen thuộc. Mùi da thịt. Gần lắm, anh có thể nhìn thấy những sợi lông măng vàng tơ trên gò má.
- Anh có biết là em đang vẽ chân dung của anh không?
- Thật à?
Cô đứng dậy, tiến về góc phòng, cúi xuống lục lọi đống tranh vẽ. Lưng eo nhỏ. Hai lúm đồng tiền chỗ xương sống nối liền với xương chậu, toả ra đôi mông tròn. Anh nhìn bức tranh. Khuôn mặt phác hoạ bằng chì, không mắt, không mũi, chỉ có vành môi, vành môi của anh. Một khuôn mặt trống trải, không linh hồn như chính người trong tranh.
- Vẻ bằng trí nhớ khó quá. Bửa nào anh phải ngồi mẩu cho em vẻ.
- Ừ bủa nào.
- Đã hơn hai giờ sáng rồi...em đã mệt.
- Để anh ngủ ngoài này.
- Cũng được.
Adele vào phòng rồi trở ra với hai cái gối và hai cái mền mỏng. Cô lặng lẽ trải tấm chăn xuống sàn, nằm xuống.
- Anh không buồn ngủ sao?
Anh lúng túng. Cơn say hình như đã tan biến tự hồi nào.
-Chúc anh ngủ ngon.
Anh nằm xuống, khoanh tay, thẳng người, mắt lơ láo nhìn những vùng tối sáng trên trần cố đoán ra những hình thù quái dị. Tiếng thở đều đều của Adele bên cạnh như hoà nhịp với tiếng máy điều hoà không khí tắt mở nhịp nhàng. Anh đã đếm không nhẩm không biết mấy chu kỳ rồi. Trằn trọc. Quên đi. Quên đi những giấc mộng mị, liêu trai, những người con gái vô hình trong mộng. Quên đi, những lần thức giấc nửa đêm, ngỡ ngàng nhìn chăn gối ướt đẫm. Quên đi, mùi thơm của chăn nệm. Mùi da thịt của người khác phái. Cơn say hình như đã tan biến, bốc hơi qua những mạch máu nở tung của anh ban nãy. Phải chi có thêm rượu, chắc anh sẽ ngủ ngon hơn. Xoay mặt vào tường, cố ru giấc ngủ, anh co mình lên, chuyển thành một dấu hỏi to tướng trên sàn. Tự hỏi mình đang làm gì? Nằm ngủ bên cạnh một người con gái. Điều mà trước đây một năm, hay mới hôm qua anh không thể tưởng tượng là sẽ xảy ra. Câu hỏi, về người bạn gái hàng xóm, một lần anh đã hỏi người anh lớn. Nếu, thì phải làm sao? - Cần, thì vác áo mưa xuống phố, sòng phẳng. Con gái người ta đàng hoàng, mày không được lộn xộn, và, tuyệt đối không có chuyện lỡ! Lời dặn dò ấy như câu kinh Lạy Cha, A Di Đà Phật, anh đã thuộc nằm lòng. Ngày giải phóng vào, anh có xuống phố, nhưng để quét dọn súng đạn của lính Cộng Hoà. Trong sự hỗn độn của đất nước, anh quên mất chuyện cái áo mưa. Cho đến một buổi tối đi xem phim kế hoạch hoá gia đình với người bạn gái, do chi đoàn thanh niên tổ chức, lúc ra về trời mưa lớn, hai đứa đục mưa trong một miếu hoang ven đường. Anh nhắc chuyện cái áo mưa. Phải chi có cái áo mưa. Vừa run vì lạnh, hai đứng cười khan... Xoay người, anh lặng lẽ ngắm cánh mũi nhỏ, phập phồng theo từng hơi thở. Khoảng cách chỉ một tầm tay là anh sẽ rơi vào vực thẳm. Anh đang ở bên bờ vực thẳm. Không, Adele yêu anh mà. Ngược lại anh tưởng tượng đời mình chắc buồn tẻ, trống vắng nếu không có nàng. Lời dặn năm nào của ông anh. Câu kinh A Di Đà Phật. Lạy chúa, xin cha tha cho con là kẻ có tôi. Nhưng, Chúa Phật ơi, yêu đương đâu phải là tội? Anh nhắm mắt, giang hai tay như một cây thánh giá, bước tới. Đi thẳng. Vào vực thẳm. Như một đứa bé tìm hơi mẹ, anh nhớm vai. Cây thánh giá bẻ gập làm đôi. Anh rúc đầu vào ngực bạn, lắng nghe tiếng tim bạn tăng dần tốc độ. Tiếng thở đứt quãng. Hơi thở tiếp nối hơi thở. Hơi thở của cả hai đang gom gió thổi đưa nhau ào ạt ra biển khơi. Bát ngát. Bồng bềnh. Từ vực thẳm lộng gió mùi hoa bưởi, con lừa già lột xác thành một con ngựa trời chấp cánh vụt bay lên mang theo Adele, như một thần vệ nữ, oai vệ trên lưng. Lên. Bay bổng lên cao. Con ngựa trời ngã quỵ dưới chân đức Chúa cha. Nơi ấy, cũng có Phật, ngồi cười trên chín bệ...
Anh cựa mình trở giấc.
Giấc ngủ ngắn ngủi, nhưng anh đã mê đi trong một giấc mơ khá dài. Có lẽ thế. Vì giờ đây anh rất tỉnh táo, sảng khoái với niềm hạnh phúc có hình hài, gom lại và toả ra như những đợt sóng nhỏ lăn tăn chạy dài trên xác thịt . Tiếng máy lạnh vẫn đều hoà tắt mở, nhưng căn phòng đã khác. Qua màn cửa sổ hé mở lung lay nhè nhẹ, một vệt sáng mờ từ ngọn đèn đường ngoài kia hắt vào bên trong, soi lấp lánh những giọt sương mai đọng trên khung cửa kiếng. Tia sáng hẹp, dài đổ lên chiếc bàn ngủ, cắt lẻm một phần mặt của chú gấu nhồi bông, ngồi dưới cây đèn ngũ hình như đang cười anh loã lồ trong bóng tối. Bên cạnh chiếc đồng hồ báo thức điểm 5 giờ sáng. Ngày mai liên hệ của anh và Adele sẽ chuyển qua một lối rẽ mới. Anh vẫn nằm yên đó, trong bóng tối, mơ mộng lẩn thẩn. Quay nhìn Adele. Suối tóc nâu chảy tràn lan trên nệm gối. Những sợi tơ trời đã vin anh xuống. Yo quiero decir te una cosa. Đôi ngực tròn phập phồng theo nhịp thở dưới tấm chăn mỏng. Anh đã vùi đầu vào như đứa con tìm hơi mẹ. Que cosa? Vòng tay đang ôm gối kia dẫn dắt anh qua những những núi đồi hoang dã. No entiendo por qué? Tu savé solamente que te quiero, mi novio...Entiendé?.... Một hồi lâu, anh nhẹ nhàng ngồi dậy. Sợ thức giấc bạn, anh không buồn tìm quần áo chôn vùi đâu đó trong chăn nệm, nhón gót bước ra ngoài phòng khách. Anh ngồi xuống, bên chiếc đàn dương cầm, lơ đãng lật trang nhạc Sonata qua một bên. Bên dưới là bài Hạ Trắng của nhạc sĩ Trịnh Công Sơn mà anh đã sư tập để tặng nàng. Trong bóng tối anh cố nhìn vào bài nhạc. Băn khoăn. Âm nhạc có phải là ngôn ngữ chung của loài người để ca tụng tình yêu, ngôn ngữ của những người đang yêu?
Trên những dòng kẻ khung, những nốt nhạc dường như đang nhảy múa...
- Bác sĩ...
- Xin lỗi nhé, hôm nay là ngày làm việc dài của tôi.
Nói láo. Anh nói láo. Bào chữa. Anh giảng cho đôi vợ chồng những điều cần làm. Trước hết phải thử xem người vợ có khả năng rụng trứng đều hoà hay không. Nếu cần phải dùng thuốc kích thích sự rụng trứng. Còn phải thử xem người chồng có đủ số tinh trùng tối thiểu hay không nữa.
- Nếu quá thấp thì sao? Người chồng nóng ruột.
- Có thể bơm thẳng tinh trùng của ông vào trong trứng, cho thụ thai ngoài đĩa rồi chuyển thai vào tử cung của bà. Tuy nhiên, hữu hiệu và ít tốn kém nhất nhất vẫn là xin tinh trùng của người khác, hoặc từ ngân hàng tinh trùng. Với sự đồng ý của đôi bên và một vài văn kiện luật pháp cần thiết, tinh trùng của người cho sẽ được bơm thẳng vào tử cung của bà vào khoảng thời gian rụng trứng.
Anh lại nhớ đến Robert, người bạn y khoa cùng lớp đã rủ anh đến ngân hàng tinh trùng để cho tinh. Người ta vẫn thích sinh viên y khoa cho tinh vì một phần được coi là thành phần ưu tú, phần khác vì đám sinh viên thường hiểu những gì phải làm, khỏi giải thích lôi thôi. Vì tò mò anh đi thử một lần cho biết. Thật là phiền toái khi anh phải kê khai mọi chi tiết về tình trạng sức khoẻ và lý lịch của mình. Mặc dù tất cả những chi tiết được bảo mật, trong trường hợp đặc biệt, liên hệ đến bệnh di truyền chẳng hạn, đứa bé có quyền liên lạc với "cha ruột " của nó. Với anh một lần tởn tới già. Tuy nhiên với Robert đó là cái thú giúp người của hắn. Có một lần Robert kể chuyện:
- Mày biết Mary học y khoa năm thứ tư không?
- Cô ta là bạn thân của mày?
- Đúng. Bạn thân chứ không phải là bạn gái đâu nhé.
- Mà sao?
- Nó muốn nhờ tao cho nó một đứa con. Không có sự ràng buộc.
- Trời đất! Mày trả lời làm sao?
- Chỉ cần một đêm lạnh lẽo và một ly rượu. Sáng hôm sau, chúng tao vẫn là bạn. Như thường.
Robert cười nhẹ. Rất đẹp trai. Không như con heo nọc hí hửng, nhấp nhô trên chiếc xe lam của người hàng xóm năm nào ở vùng Tân Định, mỗi lần được đi làm công tác...
Anh tiếp tục giải đáp những thắc mắc cho đôi vợ chồng. Xong, anh tiễn họ ra gặp Karen để sắp xếp các thử nghiệm. Rời phòng mạch, anh hối hả về nhà. Cầm tay lái, anh nhớ đến Robert, nhớ đến cú điện thoại lúc trưa. Anh đã nhất ống nói:
- Tony?
- Xin lỗi ai đó?
- Como se sien te?
- Adele! Que tal?
Adele đã lập gia đình hơn hai năm nhưng không có con. Một bác sĩ bão chồng nàng có số tinh trùng thấp.
- Tụi em có thể gặp anh tại phòng mạch của anh chiều nay được không? Bác sĩ bão tụi em phải xin tinh trùng của người khác. Em nghĩ đến anh.... Em nghĩ anh có thể giúp em. Em vẫn muốn có một đứa con, của anh...vì em vẫn còn mãi mãi yêu anh. Nếu ngày xưa em biết, thì em đã không...
May 9, 2007
Hạ Trắng
Labels:
TruyenNgan,
Vũ Thư Nguyên
Subscribe to:
Post Comments (Atom)
No comments:
Post a Comment