Apr 7, 2008

Khi Mái Tóc Còn Xanh



Bài hát Giòng Sông Xanh do nữ ca sĩ Thái Thanh trình bày vừa chấm dứt. Dư âm sóng nước vẫn còn vỗ tấp, chập chùng trong bến bờ xanh lơ của mộng mơ. Nhưng dỉa hát không ngừng ở đó. Nhạc phẩm Come Back to Sorrento, Trở về Mái Nhà Xưa, của Ernesto Di Curtis, lại được tiếp nối. Nhạc mở đầu với tiếng dương cầm thánh thót như những hạt mưa đầu thu. Và tiếng hát của một ca sĩ nào đó lại cất lên

“Về đây khi mái tóc còn xanh xanh
Về đây với màu gió ngày lang thang
Về đây với xác hiu hắt lạnh lùng
Ôi lãng du quay về điêu tàn
. . . . . . . . . . . . . . . .. . . . . . . . .”
(lời Việt của Phạm Duy)

Lim dim đôi mắt, hồn tôi đi vào cõi mù sương của Mộng và Thực, rồi trôi dần vào vùng quá khứ . Ở một nơi rất xa xăm, hằng đêm có tiếng lòng trải rộng mênh mang trên phím đàn. Ở đó có những quạnh hiu dồn nén tâm tưởng. Và ở đó cũng có những lằn roi quất tới tấp. Vết thương ghi dấu mùa xuân lỡ thì, khi sướt mướt trên nốt nhạc, quằn quại thương đau, khi lả lướt như cánh diều bay trong gió . . .



2-


1976

. . . Lứa gà đầu tiên đẻ rất sai, mẹ con chúng tôi ăn không hết nên đã bán trứng cho bà con trong xóm. Dân chúng phải sắp hàng mua thực phẩm do phường khóm bán nhỏ giọt đã quá mệt mỏi . Vì vậy việc bán vài chục trứng gà hằng ngày của tôi càng ngày càng được nhiều người chiếu cố.

Tôi liền nghĩ đến việc huy động phong trào nuôi gà để mỗi gia đình trong phường có thể tự lực tự cường như tôi. Sáng kiến của tôi đưa ra trong một phiên họp của tổ dân phố nơi tôi cư ngụ được mọi người hoan hỉ và Ba Tưng, viên chủ tịch phường, cũng chấp thuận. Ngày hôm sau hắn tìm đến tôi, bỏ nhỏ với tôi rằng nếu tôi muốn làm ăn thì phải nộp cho hắn mỗi tuần một số tiền nhất định. Để được yên thân đương nhiên tôi phải nhanh nhẩu chấp nhận việc đóng tiền mãi lộ cho hắn.

Nhờ có vốn liếng và trí óc lanh lợi, tôi liên lạc với những nông trại để đặt mua gà con. Mỗi sáng sớm lúc mọi người trong thành phố còn an giấc, tôi lặng lẽ rời nhà, thuê xích lô máy đi Thủ Đức, một huyện cách Sàigon hai giờ đường. Trời mờ tối và chiếc xe phóng hết tốc độ trên xa lộ vắng người. Tôi níu chặt thành xe, đầu óc tính toán đến món hàng sẽ phân phối cho những người đặt hàng, đến số tiền lời sắp có mỗi ngày để quên đi cái lạnh cắt da xé thịt.
Tôi co ro miên man nhớ đến ngày đầu tiên đi thăm nuôi chồng tôi ở trại cải tạo Bình Lâm. Ngày đó tôi cũng rời thành phố thật sớm như thế này, tay xách nách mang những túi thức ăn, áo quần và thuốc men bới cho chồng. Đường xa vời vợi, phải đổi hai ba chuyến xe Lam mới đến nơi. Hằng chục ngàn người đàn bà vợ Ngụy, tên gọi những người có chồng đi cải tạo học tập, đến địa điểm tập trung từ hai ba hôm trước. Họ nằm bờ nằm bụi thật thảm thương. Mỗi ngày, họ sắp hàng ngồi lết dưới trời nắng chang chang hằng giờ để chờ gọi tên mình, mồ hôi nhớp nháp. Bà nào mặt mày cũng hốc hác xanh xao và lo âu. Nhưng ánh mắt họ ngời sáng khi nghĩ đến người thân yêu sắp được gặp.
Vâng, cuối cùng tôi cũng đã gặp được người chồng yêu dấu sau bao nhiêu tháng biền biệt. Hai vợ chồng huyên thuyên nói cười trong mừng vui, nước mắt ràn rụa. Mỗi lúc tôi suýt thút thít thì anh lại suỵt suỵt làm dấu bảo đừng.Trông anh gầy hơn trước nhưng tinh thần vẫn tốt. Lại đùa với tôi,
“Anh ở trong này như đi nghỉ mát, khỏe lắm. Ít tháng nữa cải tạo tốt sẽ được về thôi. Em ở nhà ráng lo cho sắp nhỏ. Rồi mình sẽ làm lại từ đầu, anh về sẽ lo cho em hết mọi chuyện …”.
Tôi nghẹn lời ngồi im. Chồng bỗng cầm tay nhìn sâu vào mắt vợ, tình tứ,
“Ở nhà có nhớ anh không ? “
Tôi gật đầu. Chàng lại hỏi,
“Nhớ nhiều không ? nhớ thì làm gì ?…”
Tôi bẽn lẽn,
“Thì ôm chăn chặt cứng “ .
Người ấy yêu thương cốc nhẹ vào đầu tôi, nhìn qua ngó lại coi có ai để ý không rồi cúi xuống úp mặt vào tay tôi hôn thật lâu. Đó là những giây phút hạnh phúc nhất, đủ xoá hết mọi muộn phiền của tôi trong những tháng ngày qua .


Tôi giật mình tỉnh mộng khi người phu xe ngừng lại cho biết đã đến nơi. Từ chỗ xe thả tôi xuống đến nông trại gà phải đi bộ khoảng năm cây số. Vào mùa mưa đường đất lầy lội trơn trợt, con đường mòn như dài vô tận. Nhất là khi mua được món hàng xong phải quay trở lại với hai ba thùng gà con trong tay, người đàn bà lại càng thiểu não hơn nữa. Ì à ì ạch mới ra tới đường cái để đáp xe về thành phố.

Công việc thu mua gà dù mệt nhọc cách mấy hôm nào cũng xong xuôi trơn tru để tôi quay trở về nhà vui mừng nghe tiếng đồng hồ điểm mười một giờ sáng. Tôi quày quả thay đổi y phục, trong nháy mắt không còn là một người áo quần xốc xếch , mặt mủi lem luốc tay chân lấm đầy bùn đất, mà là một người đàn bà liễu yếu xinh đẹp trí thức. Ôi hai chữ trí thức sao làm phiền đời tôi đến thế ? Vì hai chữ trí thức tôi không dám cho ai nhìn thấy cảnh mình trốn mọi người đi buôn trong sáng sớm. Đôi lúc tôi cười ngạo về sự kịch cỡm của mình . Nhảm! đi buôn có gì xấu hổ mà phải chùng chùng lén lén thế kia. Cuộc đổi đời ai mà chả thế!
Nói vậy nhưng bề gì sự lột xác cũng cần có thời gian ..


Lúc khởi xướng, việc nuôi gà đẻ trứng có mục đích đem lại niềm vui cho các con và để có thêm thức ăn bồi dưởng mỗi ngày. Tiếp đến nó lại đem thêm chút lợi tức nho nhỏ và dần dà không còn là một công việc tầm thường nữa. Nó biến dạng một cách nhanh chóng để trở thành một công ăn việc làm nghiêm túc và sầm uất cho gia đình tôi. Với danh nghĩa lao động sản xuất để tự lực tự cường, công an phường khóm không có lý do làm khó dễ ai. Nhờ sự đút lót khôn khéo, tôi và các con có một đời sống yên ổn khả dĩ sung túc hơn nhiều người khác đang cùng hoàn cảnh.
Những ngày thức dậy thật sớm lủi thủi lội mưa mua gà đã qua đi. Nhiều cơ sở ở nông thôn bằng lòng cung cấp gà con cho tôi tận nơi. Tôi hợp tác với những người sản xuất lồng nuôi gia súc ở Chợ Lớn, và từ đó đẩy mạnh phong trào chăn nuôi gà khắp nơi trong thành phố Hồ Chí Minh, tên mới của đất Saigon một thời được gọi là hòn ngọc Viễn Đông hoa lệ .
Ủy Ban Nhân Dân thành phố bắt dân chúng tập trung và đăng ký mọi công ăn việc làm với chính quyền địa phương dưới hình thức những tổ hợp. Mỗi tổ hợp gồm một số người hợp tác với nhau và kiểm soát lẫn nhau. Các tổ hợp “chăn nuôi gà lấy trứng” mọc lên khắp nơi, nhờ đó công việc làm ăn của tôi bành trướng mạnh mẽ. Tôi hoạt động dưới danh nghĩa “tổ hợp phân phối gà con và thuốc gia súc” qui tụ một số người trong xóm. Nhưng thực ra những người này chỉ đứng tên làm vì, họ không phải làm gì nhưng hằng tháng vẫn nhận được một số lương tượng trưng về việc cho thuê tên trong tổ hợp của tôi. Ngoài ra Ba Tưng và đồng bọn cũng che chở tôi hết mực vì số tiền khổng lồ tôi đã đóng cho hắn hằng tháng.

Thực ra chuyện nuôi gà tại gia không phải là một điều mới lạ với người dân Saigon. Cách đó chục năm trước phong trào nuôi chim cút nỗi lên rầm rộ rồi thất bại. Mọi người sau đó chuyển qua nuôi gà Mỹ để kiếm lời. Gà Mỹ chóng lớn, có khả năng sản xuất trứng rất đều đặn và lâu dài hơn những giống gà khác. Phong trào này cũng chóng tàn. . .Nay thời cuộc biến đổi, người dân vì quá âu lo cho một tương lai đầy rẫy hăm dọa nguy biến, đã quên mất phải làm gì để sống. Họ như đang đi trong đêm tối mờ mịt, ngày ngày chỉ biết sắp hàng cầm sổ hộ khẩu mua nhu yếu phẩm. Thịt thà do phường xóm phân phối theo tiêu chuẩn gia đình, rất hạn hẹp. Việc nuôi gà để có thịt ăn do đó trở nên hợp lý hợp tình nhất ..



3-

Chín giờ sáng ngày chủ nhật tháng bảy.
Cơ quan công an khu phố vắng vẻ đìu hiu trong ngày nghỉ. Hãng bào chế dược phẩm cạnh nhà tôi đóng cửa, và người hàng xóm của tôi cũng đi chơi vào những ngày cuối tuần như mọi khi.
Đêm qua các em tôi đột xuất ghé qua cho hay nhà có giỗ và xin dẫn các con tôi về nhà Ngoại trước. Vì vậy khuôn viên nhà tôi vốn đã buồn trong ngày chủ nhật nay càng hoang vắng hơn vì thiếu tiếng cười của con trẻ. Tôi quanh quẩn trước sân lượm rác, định bụng sẽ về nhà cha mẹ sau khi giao hàng cho một người khách, theo lời họ nói, đến từ Bình Dương.

Khách mua hàng đã đặt tiền cọc khá lớn. Đây là lần đặt hàng sộp nhất từ trước đến nay, trị giá gần hai trăm ngàn đồng tiền mới (mỗi gia đình lúc bấy giờ chỉ được quyền đổi hai trăm tiền mới mà thôi), một mối lợi béo bở không ai có thể bỏ qua. Hàng là 2500 gà con, giống New Hampshire có khả năng sản xuất bền bỉ loại trứng màu nâu rất được yêu chuộng trên thị trường. Ngoài ra họ còn mua thêm 500 chuồng gà và một số thuốc dinh dưởng bồi bổ gà trong thời kỳ đẻ trứng.

Vì công việc làm ăn có phần tiến triển thuận lợi nên hai hôm sau khi chộp được mối bở, sẵn có người tìm đến xin việc, tôi mướn ngay. Đó là một cô gái xinh đẹp, khỏe mạnh, tháo vát và vui vẻ nên tôi rất vừa lòng. Cô ta tên Thúy, ăn ở luôn trong nhà .



Xẫm già lân la lại gần đưa mắt hỏi :
“ Sao bà chủ dậy sớm vậy? hỗng ngủ thêm cho khỏe ?”
“ Con Thúy xin nghỉ việc bất thình lình hôm kia, mà hôm nay mình lại phải giao hàng cho người ta như đã hẹn.”
Xẫm già ngồi xuống cười hiền lành,
“Thôi bà chủ đừng có lo. Ngộ nói bà chủ đừng có lo mà! Ngộ mần việc gì cũng được hết! Ngộ sẽ giúp bà chủ khiêng mấy con gà con vịt cho người ta “

Tôi cúi xuống mở những nắp thùng xem xét lại đám gà con. Chúng đang nép sát mình nằm yên bên nhau tìm hơi ấm, bỗng cùng đứng vùng dậy kêu chiêm chiếp như bị động ổ. Lông gà con màu vàng nhạt mịn như tơ, và những cái mỏ đỏ hồng thật xinh xắn. Chúng đua nhau mổ vào ngón tay của tôi tìm ăn.
Xẫm già lui cui khiêng cái này vác cái nọ dọn dẹp. Bỗng bà ấy trượt chân mất thăng bằng ngã xuống đất. Tôi lo sợ quì xuống đỡ xẫm. Gương mặt người đàn bà tái ngắt và xẫm ú ớ không nói được. Tim xẫm đập nhanh hơn bình thường.

Điện thoại reng vang. Bên kia đầu giây có tiếng người đàn ông cho biết trong vòng nửa tiếng đồng hồ họ sẽ có mặt để nhận hàng. Ông ta yêu cầu tôi mở cửa rào sẵn sàng để xe họ vào. Hỏi có bao nhiêu người phụ giúp tôi giao hàng. Tôi ậm ừ bảo chỉ có mình tôi và xẫm già. Hỏi hôm nay ngoài họ ra, có khách nào đến mua hàng nữa không. Tôi bảo không. Lại hỏi hàng xóm đi vắng bao giờ về. Câu hỏi gì thật quái gở ! Lấy cớ bận việc, tôi gác máy.


Có tiếng chó sủa ran.
Một chiếc xe hàng khổng lồ tiến vào sân và từ từ đậu sát cửa ra vào. Trên xe nhảy xuống một người đàn ông quen mặt đã đến đặt hàng trước kia. Thêm một người đàn ông khác có mang súng và cuối cùng là Thúy, đứa ở giúp việc tuần trước đã lấy cớ nghỉ việc bất thình lình. Tướng đi xông xáo rất tự tin của Thúy và cây súng trong tay người đàn ông kia làm tôi biến sắc. Tôi cảm được một bất lành sắp xãy đến.
Thay vì vào nhà, Thúy đi vòng ra cổng sắt và cài chốt lại.
Như thế có nghĩa gì ?
Con chó Lu tiếp tục sủa nhưng Thúy đã cúi xuống vuốt ve con vật. Chắc Thúy đã làm nhiều lần như thế trong quá khứ nên chó quen hơi, thôi sủa. Tôi run như cầy sấy, vội vàng khóa các cửa lại.


Tiếng đập cửa rầm rầm. Họ lớn tiếng :
“Mở cửa, mở cửa, chúng tôi đến nhận hàng đây “
Cửa lại bị dộng mạnh như muốn vỡ ra. Tôi quính quáng chạy xuống phía sau bếp, cố trèo lên bức vách gần đó nhưng tường cao quá, không cách gì leo nỗi. Trèo lên tụt xuống. Có tiếng quát vang của con Thúy. Như vậy bọn chúng đã vào được trong nhà rồi ư ? Sao hay vậy nhỉ ? ...
Trong lúc nguy biến tôi lăn mình nằm núp dưới cái phản đặt ở góc phòng. Văng vẳng tiếng chúng bảo nhau hãy mau khuân tất cả đồ đạc trong nhà lên xe. Tiếng con Thúy the thé đòi xé xác xẫm già nếu xẫm không chỉ chỗ chủ nhà đang trốn. Tiếng khóc đứt đoạn của xẫm già vang lên từng hồi. Tiếng khuân đồ đạc rầm rập. Thỉnh thoảng có tiếng loảng xoảng của một vật gì bị rớt vỡ.

Tôi quá lo sợ ép mình nằm sát vào phía trong. Chó Lu chạy qua chạy lại gần chỗ tôi nằm. Tôi xịt xịt đuổi nó đi, nó lại khịt khịt trả lời. Run quá, run quá. Không chừng chính nó làm tôi lộ tẩy cũng nên . Tôi nghiến răng nói nhỏ,
“ đi, đi chỗ khác, mau !”
Như hiểu được ý tôi, chó Lu ra ngoài sân nằm mẹp xuống đất ngoe nguẩy đuôi.
Giọng Thúy bỗng rõ mồn một. Hình như cô ả đang tiến về phía nhà bếp.
“Con mẹ chủ nhà này biến đi đâu hay thiệt ! Tao mà bắt được mày là tao bằm nát xương mày ra !”
Tiếng một thằng đàn ông vọng xuống,:
“Thôi kệ cha nó. Lo tranh thủ làm việc đi ! Kiếm thấy chỗ nó giấu tiền ở đâu chưa ? “
“Chỉ tìm được một ít tiền mà chưa thấy vàng đâu cả”
“Cả tuần mầy ở trong nhà này làm chó gì mà không biết được chỗ giấu của nó?”
“Thì cứ tưởng nó cất trong phòng ngủ chứ ai có dè !”
“Mày làm ăn như cứt! “, tiếng thằng đàn ông lại chưỡi thề
Một giọng đàn ông khác lên tiếng,
“Cạy miệng con mụ Chệt kia mà hỏi chưa ?’
“Khện cho mụ ta nát thây rồi mà mụ không nói. Này, còn cái đờn bia-nô tính sao ?”
“ Nặng thấy bà nội, khỏi lấy “

Thúy đã xuống nhà bếp. Bước chân khệnh khạng đi tới đi lui. Cô ả ra sân sau nhìn lên mái ngói một hồi rồi quay trở lại. Thị ngồi xuống phản, hai chân đong đưa qua lại. Tôi nằm nín thở, có cảm tưởng như muốn đứng tim.

Hình như Thúy đang xỏa tóc ra để cột lại . Nhưng ô kìa, thị ta lọng cọng như thế nào mà cái kẹp lại rơi xuống đất . Thúy cúi xuống nhặt kẹp và há mồm khi trông thấy tôi dưới phản. Cô ả liền đứng phắt dậy cười ha hả. Cô vừa mắng nhiếc vừa dùng sức đẩy chiếc phản ra. Tôi ôm chặt cứng một chân phản trì lại . Không chịu thua, Thúy chạy lại đầu kia nhấc bổng một góc phản lên rồi dộng xuống thật mạnh liên tiếp vài lần. Tiếng dộng chát chúa và sức ép làm tôi choáng váng buông tay. Thừa cơ hội ấy, hắn lật ngược chiếc phản. Nhanh như chớp tôi phóng mình vào phòng vệ sinh gần đó và khóa chốt. Thúy điên tiết lấy chân đạp thình thịch vào cửa.
Có tiếng của một thằng đàn ông đồng bọn chạy xuống tiếp tay. Bên trong, tôi không còn biết làm gì hơn là ngồi rúc trong xó cầu tiêu run rẩy.
Bọn chúng dùng búa đập phá và cuối cùng ổ khóa bung ra. Thúy, như mụ quỷ dạ xoa, nhảy vào tru tréo nắm tóc ghì đầu tôi xuống. Hắn dộng mặt tôi vào vách hai ba lần, răng nghiến trèo trẹo :
“À giỏi nhỉ, hết chỗ trốn sao chui vào cầu tiêu ? Muốn ăn cứt hã ? Chốc nữa tao sẽ ỉa cho mày ăn thả dàn “
Thằng đàn ông, mặt mày bặm trợn và đầy sẹo, dí con dao găm vào cổ tôi, gầm gừ,
“Vàng bạc hột xoàn mày giấu đâu, nói mau ! “
Đôi mắt hắn như toé lửa. Tôi cúi gằm mặt xuống, không trả lời.
“ À lì hã ? lì thì tao cho mày chầu Diêm Vương ngay”
Vừa nói câu đó xong, hắn thả tay dao xuống, thúc mạnh cùi chỏ vào mạng sườn tôi. Tôi quị ngã. Thúy túm tóc tôi lôi dậy, dộng thật mạnh mặt tôi vào tường một lần nữa. Trán tôi tứa máu và đầu tôi đau như búa bổ. Thằng đàn ông bồi thêm một cú đá vào phía sau đầu gối làm tôi sụm xuống. Túm lưng áo lôi tôi lên, hắn dí tôi vào sát vách, nói dằn từng tiếng :
“Vàng bạc của cải mày giấu đâu khôn hồn khai mau. Tao đếm xong ba tiếng mà mày không khai là mày tới số rồi, nghe con”
Tôi thều thào :
“Dưới . . . dưới . . . “
“Dưới đâu ? nói mau! “

Đúng vào lúc ấy có tiếng còi hụ vang lên ngòai ngõ. Thằng đàn ông đồng bọn với con Thúy ở nhà trên la lên hốt hoảng,
“Chạy mau tụi bây ! Động ổ rồi, động ổ rồi.. . Công an đang vây ngoài kia “.
Thúy vẫn còn ghì đầu tôi, dùng dằng chưa biết phải làm gì trong khi thằng mặt sẹo chạy lên nhà trên xem xét tình hình. Một tiếng súng chát chúa vọng xuống.
Nhiều tiếng quát dồn dập vang lên đâu đó,
“ Đưa tay lên, đầu hàng ! đầu hàng ngay !”
Thúy buông con mồi. Trước khi tẩu thóat, y thị đá tôi thật mạnh. Tôi ngã chúi xuống đất, đầu đập vào góc cửa cầu tiêu, bất tỉnh . . .



4-

Tất cả những gì bọn cướp vơ vét lên xe đều bị phường khóm tịch thu, ngoại trừ hai ngàn năm trăm gà con. Sở dĩ họ nhả món hàng bở này lại vì trong lúc vội vàng, công an phường không biết phải làm gì với chúng. Rước gà về thì phải nuôi ăn dọn phân rất phức tạp, nên không ai muốn thêm công thêm việc.
Đây là một số lượng gà rất lớn không thể tiêu thụ nhanh được. Tôi bán dần đi được một ít, còn bao nhiêu phải nuôi chúng trong khi chờ đợi khách mua. Gà con rất khó chăm sóc trong vài tuần đầu vì chúng phải được ủ đèn thường xuyên để được ấm. Tôi xếp chuồng chồng lên nhau làm năm tầng, mỗi chuồng chứa khoãng trăm con. Tất cả cũng được ba dãy dựa lưng nhau. Xung quanh chuồng phải bịt bao ni-lông loại trong suốt có thể nhìn xuyên được và để giữ nhiệt độ cho gà con được đủ ấm vào đêm.



Hôm nay, như thường lệ, tôi thức dậy từ năm giờ sáng. Chương trình của mỗi ngày gần như không có gì gì thay đổi . Công việc đầu tiên là xuống bếp bắt nồi cháo trắng để các con dậy có ăn. Nấu nước sôi pha bình thủy . Kiểm điểm giỏ xách thăm nuôi xẫm già . Ra vườn cho gà ăn. Và sau đó ... và sau đó ...

Vâng, thì ra vườn cho gà ăn . Nhưng quái lạ chưa ! Khi tấm ni-lông vừa được vén lên, một cảnh tượng khiếp đảm hiện ra. Không thể tưởng tượng được. Không thể nào tưởng tượng nổi !
Tôi há hốc mồm, tay chân bủn rủn gần như muốn quị ngã . Nói như thế nào ?
Tôi chưa bao giờ nhìn thấy cảnh súng bắn đạn rơi thây ngã ở chiến trường. Nhưng đây này, trước mặt tôi là một bải chiến trường tàn khốc nhất.
Hằng trăm, hằng trăm xác gà nằm la liệt, con nào con nấy đều mất đầu, máu đỏ nhuộm ướt những máng ăn . Mùi tanh của máu bốc lên lợm giọng. Ba dãy chuồng đều như thế cả. Chết gì mà lạ lùng thế kia. Ai ? Ai? Ai? Ai đã thảm sát chúng như thế này? Tôi bật ra tiếng khóc khan .
Bỗng dưng từ đâu , trong lòng tôi nổi lên lòng căm hận lạ lùng. Mọi ngày, tôi coi gà như những súc vật nhỏ bé tầm thường. Sự sống hay cái chết của chúng không quan trọng, vì chúng được sinh ra để cung cấp thịt và trứng làm thức ăn cho loài người. Nhưng trong giờ phút này.. .Giờ phút này chúng chết cả đám chồng chất lên nhau, thân xác đó mà đầu đi đâu? Đầu ở đâu? Thật quá đổi bất ngờ. Thật quá đổi thương tâm . Một nổi thảm sầu khôn xiết. Trời ơi tội nghiệp, tội nghiệp quá !.
Gà con trên những chuồng cao chót vót vẫn còn nguyên vẹn. Hình như chúng đã trãi qua những giây phút hãi hùng, nên tất cả đều nằm rạp yên không nhúc nhích cho đến khi tôi lấy tay xua chúng dậy.



Số gà mất mát không làm tôi bận lòng nhưng cách chết của chúng làm đầu óc tôi bấn loạn suốt cả tuần lễ. Từ gà, tôi liên miên nghĩ đến số phận của lớp người đang đi học tập cải tạo. Trời ơi ! họ cũng sẽ như đám gà con vô tội kia chăng ?
Đời sao mà thảm sầu thế !

Hằng đêm, tôi mặc áo ấm ngồi co ro yên lặng núp ở góc vườn rình rập. Đêm thứ ba, một con mèo rằn xuất hiện. Đó là một mèo hoang lạ kỳ, to lớn như cọp con, cụt đuôi, và rất hung dữ. Một bên hông của nó mất một mảng lông lớn lòi lớp da xám xịt. Lối xóm từng kể cho tôi nghe những thành tích ác độc của nó. Họ đã bắt được nó một lần trước kia, bỏ vào bao bố cột chặt và chở đi thật xa cả hằng trăm cây số để vứt. Một thời gian ngắn sau, không biết bằng cách nào nó tìm đường về chốn cũ hoành hành dữ tợn hơn.

Mèo rằn chậm rải đi qua đi lại trước chuồng gà rồi ngồi xuống dán mắt quan sát. Tôi nhón gót vào nhà bếp lấy một con dao và nhẹ nhàng bước đến chỗ mèo ngồi. Nghe tiếng động, mèo phóng mình biến đi nhưng vài phút sau quay trở lại. Hắn ngồi chồm hổm trước chuồng, hễ một chú gà con nào vừa ló đầu ra mổ cám là nhanh như chớp, mèo rằn vồ đầu chụp lấy nuốt tươi. Đám gà con, hết con này tới con kia ngây thơ nộp mạng. Không thể chờ lâu hơn, tôi chồm dậy phóng một dao vào mình con mèo. Dao bay chém hắn sướt vai. Hắn quay lại, đôi mắt xanh lè toát ra những tia lân tinh như muốn đốt cháy đối thủ. Tôi cầm dùi cui đập vào mình hắn túi bụi. Hắn tránh né nhanh nhẹn, nhe nanh chìa vuốt thở phì phì nhảy chồm vào người tôi. Móng hắn nhọn hoắc và cứng như sắt. Xoạc một cái, mảnh áo trước ngực tôi rách toang. Xoạc một cái cánh tay tôi bị bao vết cào đau thấu xương.Tôi chập choạng muốn ngã nhưng trổi dậy tức thì. Hắn toan phóng mình cào mặt tôi, nhưng không để hắn kịp tấn công tiếp, tôi vung dùi cui lên bổ vào đầu hắn. Con mèo trúng đòn kêu lên một tiếng meo thảm thiết rồi tung mình chạy biến trong đêm tối. Đám gà con sợ hãi đạp nhau kêu chíp chíp, chạy tán loạn trong chuồng. ..

Chắc chắn là mèo rằn không thể bỏ gà được và chắc chắn tôi cũng không dung tha cho nó. Suốt ngày tôi nặn óc nghĩ cách diệt con mèo tinh. Không thể nào chấp nhận bạo quyền. Nhất định như thế.
Qua đêm sau tất cả số gà còn lại được đưa lên các tầng trên cao nhất. Dưới đất tôi đặt một cái bẩy lớn, phía trong bẩy gài một miếng mỡ heo. Liên tiếp trong một tuần, mèo không xuất hiện. Tôi vẫn kiên trì rình rập. Đến ngày thứ tám, a ha, nó lò dò đến. Đi rất chậm rãi, ngó quanh ngó quất. Đi đủng đỉnh, mủi đánh hơi, thỉnh thoảng quơ một chân lên đuổi mòng. ..Con mèo rằn quần lui quần tới quanh bẩy, liếm mép nhưng nó cũng khôn ngoan biết đó là bẩy rập nên không đụng tới miếng mỡ. Nó lại cố trèo lên các tầng chuồng gà trên nhưng xung quanh các bao nilông tôi đã bôi dầu nên nó không tài nào bám vào được. Cuối cùng nó bỏ đi. Đêm sau nữa miếng mỡ cũ được thay thế bằng một miếng thịt nướng rất thơm có tẩm thuốc giết chuột. Quả thật con mèo không cưỡng được sức mời gọi thơm phức, và đã lọt rọ. Đầu nó bị đè chặt trong gọng siết của cái bẩy, miệng còn gặm miếng thịt.. Nó vùng vẫy điên cuồng nhưng không tài nào thoát ra được. Mặc dù cái bẩy của tôi khá lớn, nhưng con mèo rằn có thân xác quá khổ. Một khúc đằng sau của nó ló ra khỏi bẩy bị nắp bẩy nghiến cứng. Đau đớn và trong cơn hấp hối, nó rống những tiếng meo meo kéo dài thật thê lương quái đản. Những tiếng của yêu ma quỉ hờn rên siết trong đêm khuya khoắc rồi mòn dần mòn dần. Tôi rùng mình, hơi khiếp sợ chuyện hồn ma mèo báo oán. Nhưng tôi xua đuổi ý nghĩ ấy ngay.

Sau vụ thảm sát bi thương của đám gà con mất đầu hàng loạt và cái chết của con mèo hoang, tôi giã từ nghề buôn bán gà để trấn tĩnh lại linh hồn mình. Những xung đột phải đối phó với nhiều thứ trong cuộc đời làm tôi già hẵn ra. Nhưng con đường trước mặt vẫn phải đi. Phải đi thôi !




5-

Mẹ tôi xếp thức ăn vào giỏ , dặn dò :
“Con đi đường nhớ cẩn thận . Gặp mặt chồng đừng cho chồng biết chuyện gì ở nhà”
“Thưa vâng “

Hôm nay lại đến ngày thăm nuôi. Anh ấy không còn ở chỗ trước nữa mà đã được chuyển trại đi nơi khác. Chuyến xe đò tôi đi đầy nhúc những người đàn bà như tôiø. Xe đông nhưng không ai nói với ai lời nào, vì lòng ai cũng trĩu nặng những sầu bi.

Xe đò chạy vùn vụt, thỉnh thoảng lại ngừng nơi này nơi kia dăm phút vớt khách thêm. Hai bên đường phố xá xa dần để rồi ruộng vườn, và những mái tranh nghèo hiện ra. Những vườn chuối xanh um, những hàng cau nặng trái, những cây dừa đơm bông, những cây cầu khỉ hay cảnh gái quê tát nước đối với tôi không còn hấp dẫn thi vị nữa. Ôi quê hương với con trâu cày ! con trâu cày trong thơ văn sao thật tuyệt vời nhưng giờ đây tôi chính là con trâu cày mà lòng tôi đau khổ biết bao !
Tôi nhắm nghiền mắt lại ngủ thiếp đi một lúc.

Tôi trình giấy thăm nuôi cho cán bộ. Người này làm mọi thủ tục xong, bảo tôi ngồi xuống cái băng ghế chờ đợi. Tôi vuốt lại mái tóc cho ngay ngắn, ngó quanh quất . Nhìn mọi thứ nhưng không thấy thứ gì rõ ràng. Có lẽ nhìn để nhìn mà không phải nhìn để thấy.Trong cuộc đời hiện tại, tất cả đều như rất phù phiếm, và tôi có cảm tưởng như trí óc tôi từ chối tiếp nhận những hình ảnh của sự thật đau lòng. Có lẽ như vậy là thái độ hay nhất để có can đảm tiếp tục cuộc sống.

Chồng tôi đã xuất hiện ở ngưởng cửa. Tôi đứng dậy lặng yên. Hai chúng tôi nhìn nhau một lúc, nghẹn ngào. Tôi theo chồng bước qua một chỗ khác rộng hơn nhưng được ngăn ra từng ô nhỏ cho mỗi cặp vợ chồng được ngồi riêng tâm sự.
Anh lên tiếng trước,
“ Trông em lúc này xác xơ và đen. Ở nhà có gì lạ không ? Các con như thế nào ?”
Tự bảo nhiều lần khi gặp sẽ cười vui, cười dòn tan, nhưng bây giờ hai chữ “xác xơ” của anh làm nước mắt tôi cứ trào ra trào ra. Tôi cảm thấy mình yếu đuối lạ lùng. Tôi cầu mong được đứng mãi bên chồng, vì sự có mặt của người đàn ông thật rất quan trọng cho đời người đàn bà. Vâng, dù chồng tôi nay đang cảnh cá chậu chim lồng, và bất lực không thể làm gì cho tôi, nhưng nụ cười kia tiếng nói kia đủ sức giúp tôi vượt qua những vũ bão.
Người ấy nâng cằm tôi lên, hôn vào má và hôn vào nước mắt,
“ Nhà có chuyện gì kể anh nghe. Kể thiệt đi “
Tôi lúc lắc đầu,
“Không có chuyện gì cả ”
“Vậy sao khóc ? “
“Tại được gặp anh nên cảm động quá”
“Tội chưa ! thì anh cũng nhớ em lắm. Hôm qua biết hôm nay sẽ gặp nên tối cứ nằm mơ đủ thứ “
Tôi bật cười,
“ Mơ gì ?”
“Thì mơ yêu em đó !”
“I' chết ! Có thích không ? “
“Chắc chắn. Lúc nào anh về sẽ cho em biết tay. Sẽ yêu em mỗi ngày Chịu không ?…”
Tôi gật đầu rồi hỏi,
“ Em cũng thấy anh gầy đi và xanh hơn lần trước nhiều. Lao động có cực khổ lắm không ? Họ đối xữ có tệ lắm không ?“
“Thì ai sao mình vậy. Em đừng lo cho anh. Anh cứ nghĩ em phải gánh gồng bốn đứa nhỏ một mình làm anh lo sốt vó lên. Em làm gì cũng phải cẩn thận nhé. Phải luôn nghĩ rằng mình là đầu tàu cho các con. Em có chuyện gì là cả đám chết hết “
“Em biết. Anh khi nào cũng thích giảng mô-ran cho em thôi à “ Tôi vùng vằng dỗi hờn.
“Không, anh chỉ nhắc chừng vậy thôi. Vì trách nhiệm của một người lo cho nhiều ngưòi là nặng lắm”
Tôi im lặng. Chồng tôi chồm tới ôm tôi, thủ thỉ :
“Rồi tất cả xui xẻo sẽ qua thôi. Anh thề sẽ yêu em và chung thủy với em trọn đời. Khi nào anh về, anh sẽ làm hết mọi chuyện để đền bù cho em”

Chúng tôi hàn huyên đủ mọi thứ chuyện, nhưng tuyệt nhiên tôi không hề đá động đến những khó khăn mà mọi người đang gặp phải ở ngoài đời. Chồng tôi cũng vậy. Anh kể những nhớ thương nhiều hơn là than thở về những ngày tháng ở trong trại cải tạo. Bỗng nhiên tôi bực mình khan, vì sự giã dối của cả hai. Tại sao vậy ? Tôi òa khóc. Chồng tôi bụm miệng tôi lại, thì thầm,
“Đừng! đừng em! bọn cán bộ thấy em khóc là anh sẽ ở đây luôn đó. Em không muốn anh về với em và các con sao ? “
Tôi xin lỗi chồng, nhận thấy mình trẻ con quá.



6-

Xẫm già được bệnh viện cho về nhà nhưng sức khoẻ vẫn còn rất yếu. Mặc dù phải cưu mang thêm một miệng ăn, nhưng tôi không đành tâm để xẫm về quê quán khi gia đình xẫm vẫn còn gặp nhiều khó khăn trên vùng kinh tế mới. Với tôi, xẫm đã như người thân thích. Gia đình tôi sa sút hơn trước vì bao nhiêu tiền làm ăn đã mất sạch trong vụ cướp tháng bảy. Mẹ con chúng tôi sống rất đạm bạc để tránh sự dòm ngó của chính quyền địa phương.

Thư từ của chồng tôi vẫn đều đều gửi về hằng tháng. Chưa mở thư tôi cũng đoán biết nội dung của thư có những gì. Lúc nào trong thư anh ấy cũng hết lời ca ngợi sự sáng suốt lãnh đạo của “Bác Hồ và đảng ta”. Lui tới vẫn là những lao động tốt học tập tốt cải tạo tốt, không có gì mới lạ hơn. Đọc miết thấy nhàm. Đọc miết thấy bực.

Chỉ còn ba hôm nữa là Tết Nguyên Đán. Nắng êm và trời mát. Cành mai ngoài cổng trổ bông sớm hơn mọi năm. Chỗ trồng những cây phong cây tùng trước kia đã được đào lên thay vào những loại cây có thể cho trái ăn được, đúng tiêu chuẩn sản xuất mà chính quyền cách mạng luôn hô hào. Mới trồng mấy tháng, bụi chuối bên hè đã nặng trĩu một buồng vừa chín tới. Những trái chuối mật mốc tròn lẵng khêu gợi làm tôi thèm thuồng. Tôi nhón gót đếm đủ chín nải và gật gù thích chí cười vang. Cười vang trong không khí tươi lành của buổi sớm mai vì lòng tôi đang thắp một niềm hy vọng. Chả là mấy hôm nay có tin đồn không ngớt rằng chính phủ sẽ khoan hồng cho mọi người đi cải tạo trở về sum họp với gia đình. Có hy vọng trong lòng thì gương mặt mọi người như rực sáng ra, và thành phố cũng như rực sáng ra.

Tôi quay vào dọn dẹp nhà cửa, khấp khởi nghĩ rằng chồng sẽ về nay mai. Lòng nghe ấm lại, ngọt ngào. Đời nghe sống dậy, hò reo. Kể từ giờ phút đó, tôi mong mỗi tiếng chuông rung ngoài cửa. Khi có tiếng chuông vang rền lên, mà sao nó có vẽ rền hơn những lần khác trong những năm tháng đã qua thế nhỉ, thì mọi người trong nhà đều nhốn nháo. Và tôi, trái tim hồi hộp bâng khuâng đợi mong.
Đôi lúc cải lương một chút, nghe bài hát ai như của Phạm Duy lồng lộng trong lòng “Ngày trở về, anh bước lê trên quảng đường đê đến bên lũy tre . . .”
Tôi rơm rớm nước mắt cười vẩn vơ “Không, anh không về chống nạng đâu, phải không anh?”

Các con tôi vẫn sống hồn nhiên, đòi mẹ may áo quần mới, vòi vĩnh mẹ mua cái này sắm cái nọ. Tôi ậm ừ cho các con vui, và mẹ con chúi mũi bàn luận sẽ làm những gì để đón ba. Sung sướng nói với nhau, rằng ba có hứa khi ba về ba sẽ làm tất cả mọi thứ cho mấy mẹ con được nghỉ ngơi.

Hai con gái tôi xếp những bánh mứt lên bàn, tranh nhau nói sẽ bắt ba đèo Honda chở đi học mỗi sáng. Sẽ hát cho ba nghe những bài đồng ca, và sẽ trổ tài nấu cho ba ăn vì tụi con bây giờ đã biết làm bếp rồi.
Tôi hỏi,
“ Nói dốc! các con biết nấu gì nói me nghe coi ? “
Bé Bao-La nhanh nhẩu,
“ Chị Y-Đa biết nấu mì gói rồi me. Và con thì biết nấu nước sôi và luộc trứng gà “
Rồi nó lại chu mỏ ra nói nũng,
“ Con sẽ méc với Ba là ngày nào me cũng bắt con ăn trứng gà luộc làm con sún răng”
Tôi dí tay vào trán con bé, kêu lên “Xạo vừa thôi nghe cô ” vừa cù léc nó làm mấy mẹ con cười nắc nẻ. Quay qua hai thằng con trai, tôi âu yếm hỏi :
“ Còn hai nhóc kia thì làm gì ? “
Thằng anh mắc cỡ cười tủm cười tỉm :
“ Con biết đánh bi. Con sẽ bày cho ba đánh bi với con . . .“
Chú bé nhất vội vàng ngắt lời:
“Không, bi của con, bi của con, con không cho anh Tô chơi bi của con đâu “
Tôi vò đầu nó “ Thế còn con biết làm gì ?”
Bé nhỏng nhẻo “ Con muốn ba đút cháo cho con ăn” .

Thấy mấy mẹ con ngồi dệt mộng vui quá, xẫm già cũng xen vào :
“ A ! như vậy là xẫm tui không có chiện làm vì mấy người dành hết việc của xẫm rồi
hén ! “
Tôi la lên “Xẫm già ! xẫm già ! hồi nãy giờ xẫm ở đâu ? Tôi có mua tặng xẫm xấp áo
đây nè “

Người lão bộc nheo mắt nhìn tôi . Kéo tôi vào buồng ngủ, xẫm chỉ cái giường :
“ Hồi nãy giờ ngộ ở đâu ? Thì ngộ bận sửa soạn chăn giường cho cô dâu í mà“
Tôi đỏ mặt lặng người. Tiếng xẫm già đưa tôi vào mộng :
“ Ngộ tính rồi. Khi nào ông chủ về, ngộ sẽ dẫn các em về nhà Ngoại ở ít bữa .. .”…
Rồi xẫm nghiêm trang hỏi tôi “Bà chủ có tin là họ sẽ thả ông chủ về Tết nay không ?”
Tôi trầm ngâm “ Cũng không biết nữa. Thư vừa rồi nhà tôi không nói gì về vụ ấy cả . Nhưng nếu về thiệt thì chắc là vui lắm, vui lắm, vui lắm lắm “



7-

Lâu rồi. . .Mấy mẹ con ai cũng nhớ . . .
Mà em thì rất nhớ, anh biết đó, thèm vai anh tựa đầu. ..Không, sao lại nói văn hoa thế ? Mình thèm nhau hơn thế nữa kia. Phải không, phải không anh ?

Tôi bước lại cây đàn dương cầm, lướt nhẹ bản “ Trở Về Mái Nhà Xưa”
Rồi mơ màng hát theo điệu nhạc, vừa đủ cho mình nghe :

“ Về đi khi mái tóc còn xanh xanh
Về đi khi cuộc sống dường mong manh
Về đi nhé khi đời em bồng bềnh
Bao gió mưa đang bủa vây đời mình . . .” hkkm






Tết nhanh chóng qua đi, và bao nhiêu Tết khác cũng qua đi. Nhưng người đàn ông vẫn chưa về. Tự đáy hồn tôi vang vọng lời xưa,

“Ngòi đầu cầu nước trong như lọc
Đường bên cầu cỏ mọc còn non . . . ” (Đoàn Thị Điểm)

Vâng, thì nước đầu cầu nước vẫn cứ chảy, còn lòng ai muôn năm cứ dặc dặc sầu

04/30/01 @ 2:00 am
Kỷ niệm ngày 30 tháng tư năm nào
HKKM



Nguồn: Hồng Khắc Kim Mai
Người gửi: Hồng Khắc Kim Mai
Người đăng: Pham Anh Dũng
Người sửa: Sài Gòn; TVMT; Pham Anh Dũng;

1656

No comments:

Post a Comment