Cái Cười Của Thánh Nhân
Tác giả: Nguyễn Duy Cần
Tác giả: Nguyễn Duy Cần
Cầu Nước Trường Sinh
Đêm ấy, bốn thầy trò Tam Tạng đang yên giấc thì bỗng vào khoảng canh hai, có tiếng chiêng mõ vọng lại inh ỏi.
Tôn Hành Giả lén ngồi dậy, mặc áo, nhảy lên mây trông xuống, thấy bên mé Nam đèn đuốc sáng lòa, có một đạo sĩ đang đứng lễ bái trên điện Tam Thanh.
Ba vị tiên ông đang mặc áo bát quái đứng độc thần chú. Hai bên bảy tám tên đồ đệ đánh trống và dâng hương.
Tôn Hành Giả tức cười muốn hiện xuống tìm cách phá chơi cho bõ ghét. Nhưng một mình e làm không nên việc, liền vội trở về rủ Bát Giới, Sa Tăng.
Tôn Hành Giả lén vỗ Sa Tăng dậy nói nhỏ:
- Ngộ Tịnh! Mau thức dậy, ta có chuyện này hay lắm!
- Sư huynh không ngủ sao!
Tôn Hành Giả nói:
- Mau ngồi dậy lén cùng ta đi dự tiệc.
Sa Tăng hỏi:
- Tiệc gì lúc canh ba này?
Tôn Hành Giả nói:
- Tại miếu Tam Thanh, đạo sĩ đang lập đàn làm chay cúng tế. Trên bàn thờ có hơn bảy chục cân bánh in, còn bánh bao thì nhiều lắm. Đó là chưa kể đến các thứ trái cây bày la liệt! Sư đệ hãy cùng ta đến đó hưởng cho mau, kẻo chúng cúng xong, dọn hết.
Bát Giới nghe bàn, vụt ngồi dậy nói:
- Sao không kêu tôi đi với?
Tôn Hành Giả nói nhỏ:
- Đừng có om sòm mà thầy thức dậy. Muốn ăn thì lén đi theo ta.
Ba người bò ra khỏi phương trượng, đằng vân đến miếu Tam Thanh.
Bát Giới thấy bánh trái để trên bàn cúng nhiều quá muốn xáp vào làm hỗn. Tôn Hành Giả nắm lại, bảo rằng:
- Đừng có ham ăn làm liều hỏng cuộc! Cứ để cho nó tan lễ rồi sẽ tính.
Dứt lời bắt ấn, niệm chú, hớp một hơi gió bên hướng Tốn thổi ngay vào. Tức thì gió ầm ầm nổi lên làm tắt đèn, bay tượng hết.
Các đạo sĩ thất kinh hồn vía. Hổ Lực đại tiên nói:
- Trận cuồng phong to quá, làm đổ cả cỗ bàn. Thôi chúng ta đi nghỉ, ngày mai sẽ tụng kinh bổ khuyết.
Các để tử tuân lệnh, để cả đồ đạc y nguyên kéo nhau đi ngủ.
Tôn Hành Giả cười khúc khích, nắm tay Sa Tăng và Bát Giới kéo lại nói nhỏ:
- Bây giờ thì cứ tha hồ mà xơi!
Ba người nhảy phóc lên bàn, mò trúng món gì thỉnh món ấy.
Bát Giới lăng xăng chạy bên này, nhảy bên kia, Tôn Hành Giả nói:
- Đừng có bốc hốt như con nít, hãy ngồi ăn cho tề chỉnh.
Bát Giới nói:
- Đã ra thân ăn vụng mà còn nói gì đến lễ nghi. Ăn ngốn ngấu cho xong, chúng nó hay được, mất ăn cả lũ.
Tôn Hành Giả hỏi:
- Ba cái cốt Tam Thanh ở đâu?
Bát Giới đưa tay đỡ mấy pho tượng lên, nhìn mặt, rồi nói:
- Đây là cốt ông Nguyên Thủy, chúng ta đặt ngồi giữa, đây là cốt ông Thái Thượng Lão Quân chúng ta đặt ngồi bên hữu, còn đây là cốt ông Linh Bửu Thiên Tôn, chúng ta đặt ngồi bên tả.
Tôn Hành Giả nói:
- Chúng ta phải giấu ba cốt tượng này, rồi hiện hình ba vị Tam Thanh thì ngồi ăn mới yên ổn.
Bát Giới nghe nói đắc ý nhảy lên lấy mỏ ủi ngã cốt ông Thái Thượng xuống và mỉa mai nói:
- Thôi! Ông ngồi đã mãn tiệc rồi, xin tránh chỗ cho tôi làm ba miếng.
Sa Tăng cũng bắt chước Bát Giới xô ngã tượng Linh Bửu, rồi hiện hình ngồi trên đài.
Tôn Hành Giả nói:
- Không xong! Đừng làm biếng. Hãy giấu mấy cốt tượng kia đã, kẻo chúng thấy thì bể chuyện.
Bát Giới nói:
- Ba cái cốt to thế kia biết chỗ nào mà giấu?
Tôn Hành Giả nói:
- Ta thấy mạn bên trái gần đây có cái ao, đưa cả xuống tiện lắm.
Bát Giới nhảy xuống, hai tay rinh ba cốt tượng đem thả ùm xuống ao, rồi bôn ba trở về ngồi vào chỗ mình.
Tôn Hành Giả chỉ ăn toàn trái cây. Sa Tăng, Bát Giới thì món nào cũng hảo cả. Ba người làm một hơi, cỗ bàn sạch bách.
Giữa lúc đó, bất ngờ có tên tiểu đạo sĩ, vì bỏ quên cái đẩu trên bàn nên ra đó mà kiếm.
Vừa bước lên đàn, chợt nghe có hơi thở như hơi người và có tiếng chép miệng, tên tiểu kinh hoàng quay lưng lại, thì vừa giậm phải vỏ chuối trợt té chổng giò.
Bát Giới không nhịn được cười, phá lên cười ha hả.
Tên tiểu đạo sĩ hoảng vía, vừa chạy vừa la.
Ba vị đạo sĩ còn thức, nghe la, bước ra hỏi:
- Việc gì thế?
Tiểu đạo sĩ thưa:
- Thầy ôi! Không xong. Đệ tử bỏ quên cái đẩu trên đàn nên ra kiếm, nghe có tiếng người thở và tiếng cười sằng sặc ở trên bàn.
Ba đạo sĩ nổi giận, hét:
- Hãy thắp đèn lên, tà ma ở đâu dám lộng hành như vậy!
Trông thấy ánh đèn lấp loáng, Tôn Hành Giả đưa tay nắm lấy Sa Tăng, Bát Giới giữ lại.
Hai người hiểu ý, ngồi im không dám hành động.
Các đạo sĩ gọi đèn khắp nơi, tìm không thấy gì cả. Lộc Lực Đại Tiên nói:
- Không thấy người nào đến đây, cớ sao cỗ bàn đếu mất hết.
Hổ Lực Đại Tiên tức giận, rọi đèn khắp nơi, thấy vỏ trái cây lột bỏ ê hề, còn bánh bao chỉ còn mấy cái, lẩm bẩm:
- Lạ lắm! Ít ra thì cũng có kẻ nào lẻn vào đây ăn mới có dấu vết này chứ!
Dương Lực Đại Tiên nói:
- Sư huynh đừng nghi ngại. Có lẽ vì chúng ta lòng thành nên Tam Thanh tổ sư gián hạ nhậm lễ, sẵn dịp ngài còn đây, chúng ta lạy xin tiên đơn dâng cho trào đình, kẻo lâu nay ao ước.
Hổ Lực Đại Tiên khen phải, liền khiến các đệ tử gióng trống lên để cầu đảo.
Hổ Lực Đại Tiên quỳ trước bàn thờ van vái:
- Vua Xa Trì lâu nay ao ước được kim đơn, xin tổ sư ban ơn huệ.
Bát Giới bấm tay Tôn Hành Giả nói nhỏ:
- Biết như vầy lúc nãy đừng ăn ráng, cứ ra về cho sớm có hơn không. Ăn thêm một chút ít không thắm vào đâu mà mang họa!
Tôn Hành Giả bấm tay Bát Giới bảo im lặng, rồi lên giọng:
- Các tiểu tiên đừng lạy nữa. Chúng tôi vừa dự yến ở nơi bàn đào về đây không có đem theo linh đơn được. Dịp khác sẽ cho.
Các đạo sĩ nghe tượng Tam Thanh trỗi giọng sợ run lập cập. Nhưng khi nghe hết câu, mừng rỡ quỳ lại và nói:
- Thiên Tôn ít khi giáng lâm khó có dịp đệ tử được hầu, xin Thiên Tôn thương tình đệ tử.
Hổ Lực Đại Tiên quỳ lại, nói tiếp:
- Đệ tử hằng mong ước được vài giọt nước kim đơn uống để cho sống lâu, Thiên Tôn đã giáng lâm, lẽ nào không thương tưởng!
Sa Tăng bấm Tôn Hành Giả nói nhỏ:
- Bọn này có lẽ thích nước tiên đơn lắm, nên cầu xin mãi. Chúng ta tiếc gì mà không cho.
Tôn Hành Giả hiểu ý, cất giọng nói:
- Chư đệ tử đã thành tâm, lập đài
cầu nguyện. Thôi ta cũng vui lòng đ%E 1?? lại đây một ít cho chư đệ tử dùng.
Các đạo sĩ đồng quỳ lạy tạ ơn, và nói:
- Thiên Tôn rủ lòng thương như vậy, từ nay triều đình tất trọng đạo ta!
Tôn Hành Giả nói:
- Các ngươi hãy đem đồ đựng lạy đây!
Ba vị Tiên ông liền đứng dậy khiêng một cái ché lớn để trước bàn tượng, còn bọn đệ tử đứa thì bưng chậu, đứa thì rút bông lấy chân lạc bình để phụ vào.
Tôn Hành Giả nói:
- Các ngươi di tản hết, để ta dùng phép trao nước linh đơn. Nếu kẻ nào rình xem sẽ bị đui mắt.
Các đạo sĩ vâng lời lánh mặt nơi khác.
Tôn Hành Giả đứng dậy, với lấy chân lạc bình vén quần đái vào đấy đầy nhóc.
Bát Giới nói:
- Tôi cũng thốn bụng, cho tôi đái với, được chăng?
Tôn Hành Giả chỉ cái ché cho Bát Giới. Bát Giới xổ một hơi hơn nữa ché. Sa Tăng cũng phụ vào.
Xong, Tôn Hành Giả gọi các đạo sĩ đến lãnh "nước linh đơn".
Các đạo sĩ lật đật chạy đến cuối đầu lạy tạ, rồi bưng chậu, ché, và chân lục bình xuống dưới đàn.
Hổ Lực bảo đệ tử đem chén chung lại, rót uống một hớp.
Vừa nuốt khỏi cổ, Hổ Lực vừa chùi miệng và nhăn mặt.
Lộc Lực lấy làm lạ, hỏi:
- Kim đơn là thuốc tiên, uống ngon lắm, cớ sao lại cau mày?
Hổ Lực đáp:
- Không ngon! Hơi khai!
Lộc Lực không tin, lấy chén múc vào chậu uống một hớp, rồi cũng nhăn mặt, nói:
- Có hơi nước đái heo!
Tôn Hành Giả nghe nói biết đã bại lộ, liền hiện nguyên hình, nạt lớn rằng:
- Chúng bây là những đứa ngu muội. Đó là nước đái của ta, đâu phải kim đơn mà uống?
Ba vị tiên ông thất kinh, hét:
- Mày là ai lại đến đây vô lễ đến thế?
Tôn Hành Giả cười ha hả, nói:
- Ta là Tề Thiên, theo thầy ta đến Tây Phương thỉnh kinh, nhân qua đây thấy các ngươi thết tiệc, ghé vào ăn uống cho vui. Bởi vì các người khẩn khoản cầu xin kim đơn, nên ta mới cho một ít nước tiểu làm kỷ niệm.
Các đạo sĩ nổi giận, kẻ xách chổi đập, người vác gạch ngói liệng. Ba anh em Tôn Hành Giả vội vã đằng vân bay về.
Lời bàn:
Câu chuyện "Cầu thuốc trường" trên đây trong Tây Du Ký quả là một câu chuyện có tính cách u mặc thượng thừa có công dụng lập tức.
Tây Du Ký "cười" tất cả, không đề cao bất cứ thứ gì, Phật tổ cũng không tha, Đạo gia cũng bất kể. Trong nền văn học u mặc của Trung Hoa, riêng tôi cho nó là một kỳ quan hiếm có. Phải tinh thông Tam Giáo, uyên bác Tam Huyền mới có thể hiểu được những nghĩa sâu kín chứa đựng trong bộ truyện phi thường này.
Nhiều nhà phê bình của ta luận về tác phẩm này đã nhìn bằng cặp mắt thật thà của các nhà luân lý, như chê rằng Phật tổ mà còn nói láo v.v... họ làm gì hiểu nổi phần u mặc thượng thừa của Tây Du Ký. Thật đáng tiếc.564
No comments:
Post a Comment