Oct 12, 2007

Những Dấu Chân Chim





Ðể nhớ lại những ngày tại trại tỵ nạn Songkhla.



Hồi mới nhập trại Songkhla, chị Năm được phân phối cho một khoảnh nhỏ ở cuối một dãy lô lều. Thấy chị độc thân, đi một mình, ông trưởng ban tiếp cư ghép thêm vào form của chị một con bé lên sáu. Chị Năm vui vẻ nhận ngay:

- Con bé này đi cùng ghe, tôi biết. Gia đình nó lúc lên ghe đâu ba bốn người. Bây giờ chỉ còn mỗi một mình nó, tội nghiệp!

Trên giấy tờ, mọi sự dàn xếp như thế là ổn thỏa. Ông trưởng ban Tiếp cư xoa tay hài lòng về phương cách giải quyết hữu hiệu của mình. Trong vòng hai tháng qua, có nhiều trường hợp tương tự như thế xảy ra. Chưa bao giờ có một sự khiếu nại nào về chuyện nơi ăn, chốn ở. Ðồng bào mới ở ghe lên, ít nhất cũng được ban Tiếp cư chiếu cố giải quyết một lần. Còn sau đó, có những vụ sang đi, bán lại chỗ ở trong lô lều là do ý thích riêng của từng người. Ðã tới bến bờ Tự do rồi mà ! Mà nói cho ngay, những vụ sang, bán lén lút này dù có muốn theo dõi để nắm vững nhân số trong từng lô lều, nhưng ban Tiếp cư dẫu có tài thánh cũng chẳng thể kiểm soát nổi. Sổ sách của Ban Ðiều Hành trại do đó chỉ có giá trị thực tế trong vòng một, hai tuần lễ, còn sau đó thì vô phương có thể chiếu theo sổ sách để điều hành nhân sự trong trại được.

Nhưng dù như vậy, thì chiếu theo sổ sách của Ban Tiếp Cư, con bé lên sáu tuổi, tên Nguyễn thị Bích Loan đang sống chung với bà Phan thị Năm, hai mươi tám tuổi tại sạp số 18, thuộc dẫy A, khu lô lều số 17. Lý lịch của nó được ghi là :

- Ði ghe Rạch Giá, mang số EQ 1246.

- Bố mẹ, anh chị em đều chết trên biển.

- Không còn ai thân nhân. Chị Nguyễn thị Năm nhận về coi sóc.

Cuộc sống ghép chung như thế kể là tạm ổn.

Cái điều mà mọi người lo lắng về nó nhất là sợ con bé nhớ bố, nhớ mẹ, nhớ chị sẽ khóc dai làm phiền lòng hàng xóm, vậy mà lại không xẩy ra. Hình như cái thời gian kêu gào thảm thiết, gọi tên người thân đã qua đi từ hồi còn lênh đênh trên thuyền và ở phòng tạm trú của trụ sở Cảnh sát Thái lan. Vào đến đây, con bé đổi tính, suốt ngày chỉ ngồi lì và câm như một con hến. Hôm dẫn nó về khu sạp của mình, chị Năm dặn dò, hơi lớn tiếng một chút cho mọi người nghe thấy:

- Theo tao, ngoan ngoãn, tao nhận làm con nuôi.

Nhiều bà con cùng lềâu, thấy hoàn cảnh của nó, đem lại cho bao nhiêu là thứ : quần áo, chăn mền, bánh kẹo và những gói mì ăn liền. Chị Năm xếp dọn riêng cho nó một góc ở đầu giường. Chị dặn dò:

-Ðây là chỗ để kem đánh răng, bàn chải. Ngủ dậy thì xếp gọn cái mền lại để ở góc này. Còn những gói mì thì tao để trong cái túi giấy chỗ ni, hễ đói thì đi xin nước sôi ngoài quán mà bỏ mì vô. Chả có nước sôi thì xé cái bao ra mà ăn khô cũng được. Ăn xong nhớ đem bát đũa ra giếng bơm mà xin nước rửa cho sạch sẽ. Còn đôi dép này, tối đi ngủ nhớ nhét lên đầu sạp kẻo có đứa nó thò tay ở ngoài vào lấy đi thì chỉ còn nước dẫm đất ....vân... vân...

Sự chu đáo của chị làm mọi người mừng thầm cho con bé. Như thế chả hơn một lũ lau nhau tối ngày chạy đầu lều, cuối bãi, cũng toàn là những đứa thất lạc gia đình, bơ vơ, lạc lõng cả, mà đâu có ai đoái hoài tới.

Câu chuyện đau thương của chiếc tàu nhập trại trong đó có "một con bé lên sáu bị chết hết cả gia đình" gây xôn xao trong dư luận bà con được vài hôm thì lại có những chuyến ghe khác nhập trại. Ðau thương lại dồn dập, chồng chất, nhiều đến nỗi vùi lấp luôn cả hình ảnh của một con bé, loắt choắt như một con chuột, suốt ngày ngồi ở dưới chân chõng nhà chị Năm, hỏi năm bẩy câu mà cũng không hề hé răng. Riết rồi chẳng còn mấy ai bận tâm đến nó, trừ những con ruồì cứ lăn xả vào, bám riết lấy mái tóc rối két lại của nó, khuôn mặt nhếch nháp có hơi hướm cái vị mặn mặn của mồ hôi hay mì gói, và nhất là ở những vết trầy trụa trên cánh tay, bàn chân có chỗ vẫn còn mưng mủ chưa lành.

Buổi tối đến chị Năm ôm một tấm chăn, nằm khoanh tròn quay ra mé cửa lô lều vừa nghe nhạc, vừa ngủ lơ mơ. Con bé cũng rúc đâu đó ở dưới chân chị, nhiều hôm ngủ mê, nó đạp chân ra khỏi cái mùng tùm hụp, bị muỗi nó đốt đỏ cả cẳng chân như bị lên sởi.

Rồi có một hôm trời trở lạnh, buổi tối sắp đến giờ trại tắt đèn, con bé đang ngủ thì bị chị Năm lay dậy, ghé vào tai nó thì thào:

- Xí! Cái con bé này! Mầy mắc cái giống gì mà ham ngủ quá vậy? Ðây tao cho hai đồng chạy ra ngoài quán mua cái kẹo mà ngậm chơi, chừng nào tao "hú" thì hãy về.

Nói rồi, chị Năm kéo hai tay con bé, dựng nó dậy và dúi cho nó một đồng Bạt (tiền Thái) lẻ. Con bé mắt nhắm, mắt mở cứ như một cái máy, loạng choạng chui ra khỏi cửa lều. Làn cát ẩm dưới chân làm nó tỉnh hẳn ngủ và nhớ ra rằng mình còn chưa kịp xỏ chân vào đôi dép nhật xinh xinh màu đỏ mà trước khi lên chõng, nó vẫn có thói quen nhét ở đầu giường. Nó cũng nhớ mang máng rằng đồng bạc mà dì Năm vừa dúi cho nó cũng đã bị văng đâu đó ngay ngoài cửa lều. Nhưng làm sao kiếm vì trời tối thui. Dưới ánh sáng đục lờ lờ của bầu không khí bao phủ một làn sương mỏng phản chiếu ánh trăng suông xuyên yếu ớt qua những lớp mây mù chỉ thấy hiện ra mờ mờ những sô nước, những dây phơi quần áo, những cột hàng rào chăng kẽm gai và những mái lô lều nhấp nhô cao thấp.

Nhưng rồi bằng cách nào đó, con bé cũng mò được tới bên hông nhà thờ, một ngôi nhà gỗ được xây cất thô sơ như cái nhà lồng chợ nơi thôn dã. Ấy vậy mà ở đây cũng lổng chổng đủ thứ bàn ghế thấp tè đặt ở mé ngoài, ngay sát vách gỗ. Nó thuộc quyền sở hữu của một hai quán cà phê, sau khi tan lễ nhà thờ thì chủ nhà bầy biện bánh trái, nước ngọt, cà phê ra bán. Ban ngày khách ra vô cũng khá tấp nập, đến khuya tới giờ Trại bắt tắt đèn đi ngủ thì những cái bàn được xếp ngay ngắn lại và vẫn có nhiều người lui tới, vừa dựa lưng vào vách gỗ của ngôi giáo đường, vừa ngó đăm đăm ra bãi biển có tiếng sóng vỗ rì rào ngay phía trước mặt. Trong khi ấy, ở bên trong nhà thờ, những chiếc ghế gỗ dài đã trở thành chỗ ngả lưng của những kẻ lang thang, có người mới nhập trại chưa được ban Tiếp cư xếp chỗ cho vào lô lều, cũng có nhiều đứa trẻ không thân nhân, chẳng được ghép vào form nào thì thỉnh thoảng cũng tụ tập trò chuyện rỉ rả với nhau.

Con bé Bích Loan cũng biết mò tới nơi đó mỗi lần bị chị Năm dựng dậy một cách bất tử. Tình trạng nó bị gọi dậy đang khi ngủ, trước thì chỉ họa hoằn đôi ba bữa, sau trở nên thường xuyên hơn. Mà mỗi lần chị Năm cần sự tự do thoải mái trên chiếc sạp buông cái màn tùm hụp của mình, chị cũng chẳng thấy cần thiết phải dúi cho con nhỏ đồng bạc ăn kẹo nữa. Chị chỉ ghé vào tai nó, nói một câu gọn lỏn:

- Tối nay ra ngoài chơi như bữa hổm, nghe mầy!

Thế là con bé nhỏm dậy. Bây giờ thì nó không quên xỏ chân vào đôi dép Nhật màu đỏ và ôm theo cái mền chưa một lần được giặt kể từ ngày nhập trại. Những hôm như thế nó hay ngồi ở bên hông nhà thờ, mặt quay về phía bãi biển mênh mông mà vào ban đêm nom như một cái miệng hang khổng lồ, tối thăm thẳm và có chiều sâu hun hút.

Biển. Cái danh từ nghe khủng khiếp thật, nhưng ít ra là nó cũng còn gợi nhớ được ở đấy những hơi hướm của người thân với những hình ảnh không bao giờ có thể phai mờ: người này chới với trên mặt sóng trước khi bị nhận chìm, kẻ kia bị chém, máu loang lổ làm át cả màu xanh của nước lóng lánh như ngọc bích. Và trong tiếng sóng ầm ì từ xa vẳng lại, nó như còn nghe rõ tiếng mẹ và chị của mình la thất thanh giữa đám đông lố nhố.

Con bé thường hay ngủ gục ở bên vách gỗ nhà thờ giữa những hình ảnh và âm thanh lộn xộn đó. Vào một đêm mưa rả rích, nó choàng dậy trong những tiếng ồn ào ở bên kia vách gỗ. Nó leo lên mặt bàn để nhìn qua những chấn song gỗ của ngôi giáo đường. Nó trông thấy trên bục giảng, dưới ánh sáng lờ mờ của ngọn đèn yếu ớt hắt xuống từ cây thập tự giá ghép lại bằng hai mảnh gỗ thùng đã được bào cho nhẵn bóng, một lũ trẻ nằm ngồi lố nhố.

A! Thì ra ở bên lề cái xã hội khốn cùng này, không chỉ có một mình nó! Trời mưa làm lũ nhỏ như những con chuột rời bỏ hang ổ, kéo nhau về đây tụ tập. Có đứa ở trần. Có đứa khoác những chiếc áo tây rộng thùng thình. Có đứa cuộn tròn trong những tấm mền, có đứa chỉ đeo đúng một mảnh quần lót.

Con bé cảm thấy gần gũi ngay với bầu không khí ồn ào vô trật tự diễn ra ở ngay cái chỗ mà ban ngày thì được dùng làm nơi chốn trang nghiêm, thờ phụng này. Có lẽ vì đa số đều lau nhau ở cùng cỡ tuổi nhóc tì, thằng lớn nhất chỉ khoảng mười ba, mười bốn, đứa nhỏ nhất bé bé, xinh xinh còn hơn cái Loan nữa kìa. Chúng nó chỉ chung nhau ở có mỗi một điểm. Ðó là tất cả những người thân đều đã mất tích hay trôi giạt đâu đó ngoài biển khơi. Hình ảnh mấy đứa bé nằm ngủ khoèo, đầu đứa này gối lên cẳng chân của đứùa khác, làm cho cái Loan cảm thấy mình bớt bơ vơ. Nó tụt xuống khỏi cái bàn thấp và lẻn vào đứng dựa lưng, cạnh một chiếc cột tre.

Con nhỏ cũng khôn ra gì, nó ướm sẵn, nếu lũ trẻ trên bục gỗ biểu lộ một cung cách gì dữ dằn, độc ác thì nó dư sức để ù té chạy. Nó biết một chỗ thứ hai có thể ẩn núp một cách an toàn, đó là cái vỏ thuyền của dân tỵ nạn nằm phơi những mảnh ván mục đầy rêu phong ở ngoài bãi cát phía cuối trại. Nhưng lũ nhỏ không thấy có dấu hiệu gì gọi là sẵn sàng gây hấn với nó cả. Nó mon men tiến lên một hàng cột nữa, và lần này thì có đứa lên tiếng:

- Cho nó lên đây nằm, ở ngoài mưa tạt ướt.

Một đứa con gái dễ lớn hơn Loan đến bốn năm tuổi, xòe bàn tay ra. Thế là con bé chạy ù lên nhập cuộc.

Trời rả rích mưa buồn. Gió từ bãi biển lùa qua khuôn cửa tuềnh toàng tứ phía làm mấy đứa rên lên kêu rét. Một cuộc "góp chăn" đắp chung được bầy ra và con bé cũng gỡ cái chăn vẫn đang đeo dính trên vai của nó đem trao cho thằng lớn nhất. Bây giờ cả đám chúng nó trở thành những đống lùng bùng, co quéo dưới lớp chăn mỏng.

Ðấy là một buổi tối vui nhất của con bé kể từ ngày nhập trại. Nhiều hôm sau đó, chúng nó trở nên thân thiết với nhau hơn. Nếu trong trại, người lớn thường tổ chức làm chung, góp chung để mời nhau tham dự những buổi ăn cháo, ăn chè thì lũ nhỏ cũng có hôm sì sụp, nhai nhá chung với nhau những tấm bánh, gói kẹo. Rồi chúng nó kể với nhau um sùm đủ thứ chuyện: chuyện công an, bộ đội, chuyện Tổ trưởng dân phố, Tổ phó an ninh, có cả chuyện kinh nghiệm nằm tù vì vượt biên bị đổ bể (trong số này ít nhất cũng có năm, sáu đứa đã theo gia đình nếm mùi nhà tù trong trại giam ở quê nhà), rồi chuyện hành trình trên biển, chuyện sinh hoạt ở các quán cà phê, các sạp bán đồ ở khu chợ của người Thái Lan phía ngoài cổng trại.

Con bé Loan thì chẳng có chuyện gì để kể, nhưng nó lãnh phần ôm một con nhỏ lên bốn vào lòng để cho thằng anh của nó vừa kể chuyện, vừa múa may chọc cười cho cả lũ. Trong cả bọn, thằng nhỏ này láu lỉnh và có máu giễu nhiều nhất. Nó tên Lâm, vượt biển với bố mẹ và đứa em gái. Lúc ra bến bãi, động ổ thế nào mà công an bắn loạn xạ. Thế là cả đám chạy tứ tán và chiếc ghe chưa kịp lên hết người đã rồ máy bỏ chạy. Thằng Lâm cùng con em gái lạc tuốt bố mẹ, qua được tới đây. Hôm nhập trại, nó đứng chung form với ông chủ ghe để được điều vào ở trong lô lều. Trong cái áo lót nó mặc, bố nó còn ghi được địa chỉ của bà cô họ của nó ở bên Huê kỳ.

Ông chủ ghe xúi nó viết thư cho bà cô để bà chuyển tiền về trại trả nợ cho chuyến vượt biển mà anh em nó còn thiếu. Thằng Lâm không chịu. Thế là cãi nhau tán loạn cả lên và nó ôm phứt con em ra khỏi lô lều.

Càng sướng! Càng rộng cẳng, muốn làm chi thì làm. Nó mới mười hai mà khôn tổ. Nó lén lên gặp anh Dư ở ban Tiếp Cư để đòi phát gạo cho riêng nó một "phom". Rồi nó lại ngoại giao được với cụ lô trưởng để mỗi khi có đồ ăn phân phối thường là cá, những con cá to bằng vài đốt ngón tay với vài củ su su thì cũng đừng quên phần của anh em nó. Có gạo, có đồ ăn, nó gửi bà bán quán cho anh em nó được góp phần gạo nấu ăn ké. Bù lại, nó cũng lăng xăng rửa được cho bà chồng bát, bó đũa. Lâu lâu nó không quên "chọt " của bà chủ quán một gói kẹo, một bọc xôi hay lon chè đem về cho con em gái. Lũ trẻ thèm ăn chè lắm. Nói cho ngay, ai mới ở ghe lên cũng đều thèm của ngọt hết. Kẻ có tiền, nấu chè ăn rả rích cả tháng mới đã thèm. Còn những đứa nhỏ không thân nhân, lâu lâu mới có dịp chia nhau sì sụp một, hai túi chè, vị ngọt ngọt của đường, vị béo ngậy ngậy của đậu xanh, đậu đỏ hay bột lọc có pha thêm mùi vanille, bao giờ cũng là những điều mà chúng nó mơ ước.

Ngoài món chè ra, nhiều đứa còn thèm đủ thứ đồ ăn bầy la liệt ở quán hàng hay sạp chợ. Ngôi chợ nhỏ xíu bằng cái vạt của một khu gò thấp nằm ở phía bên ngoài hàng rào kẽm gai được dựng lên hàng chục khung lều nhỏ. Vào mỗi buổi sáng, dân địa phương thường đem đến bầy bán đủ loại mặt hàng. Chợ họp mỗi ngày có hai tiếng đồng hồ, nhưng người ra vô đông nghìn nghịt vì tiếng là dân tỵ nạn nhưng khối người rủng rẻng vì có thân nhân ở ngoại quốc gửi cho qua hình thức International Money Order và trong trại có hẳn một dịch vụ đổi qua tiền Thái.

Mấy thằng nhỏ trong đám trẻ lang thang, tuy chẳng có tiền cũng chen chân vô đó để nhìn, ngắm, tò mò coi cái này, cái kia, và cũng có hôm cơn thèm lên bất tử, có đứa chơi càn chọt cái áo thung, đôi dép Nhật hay nải chuối, miếng thịt. Một lần thằng Cư xui xẻo, vừa thò tay vô sọt trứng đã bị chủ hàng rình sẵn túm lấy nó, la rầm rĩ lên. Mọi người xúm xít lại, có anh tỵ nạn nóng nẩy táng cho thằng nhỏ ba bốn cái bợp tai về cái tội "làm mất thể diện quốc gia". Nhưng có người lại nói:

- Chuyện đâu còn có đó, ai có quyền gì mà đánh nó. Cứ giao nó cho cảnh sát Thái Lan là xong hết.

Thế là chỉ nhấp nháy, một viên cảnh sát xuất hiện. Ông ta mập như một con heo, trên tay lúc nào cũng lăm le cái roi tre sẵn sàng quất lên đầu lên lưng dân tỵ nạn, tác phong không khác gì một anh cập-rằng ngày xưa cai trị dân thuộc địa bằng roi vọt. Thằng nhỏ bị xách lên như một con mèo ốm, rồi vừa dẫn nó đi, viên cảnh sát vừa quất vào đít thằng bé những lằn roi đến nơi đến chốn khiến nó cảm giác như có những dòng nước sôi nóng bỏng đang chảy trên mông của mình.

May cho nó, trụ sở cảnh sát chỉ ở phía bên kia lề đường. Tuy chưa hưởng thụ được trái trứng nào, nhưng tội danh của nó được ghép là "ăn trộm trứng ngoài chợ". Ở trạm cảnh sát, người ta giao nó về cho Văn Phòng Cao Ủy Liên Hiệp Quốc. Từ văn phòng Cao Ủy Liên Hiệp Quốc, nó được chuyển xuống Ban Ðại Diện trại. Từ Ban Ðại Diện trại nó lại bị giải xuống Tiểu ban An Ninh để lập lý lịch, hồ sơ. Thì cũng lại : Ði ghe mang số...nhập trại ngày...Bố chết. Mẹ chết...chứ còn cái gì khác hơn ?

Mãi đến chiều tối, lệnh phạt về tội "ăn cắp trứng" của nó mới được ban hành trên loa phóng thanh treo ở khắp mọi nơi trong trại. Trong lệnh cũng "chiếu điều này", "chiếu điều kia", sau khi kể rõ tội trạng, "đương sự" phải nhận lãnh một số ngày phạt phải đi làm vệ sinh trong trại.

Chiếu trên giấy tờ thì nó phải lãnh đủ tới mười lăm ngày cọ cầu tiêu công cộng lận. Làm mất thể diện quốc gia, đâu phải chuyện rỡn. Nhưng nhìn cái vẻ loắt choắt của nó, một ông trong Ban Ðại Diện kéo anh trưởng ban An ninh, Trật tự lại rỉ tai:

- Hù nó đôi ba ngày cho nó tởn vậy thôi, cái ngữ đó, làm sao nó xách nổi xô nước mà cọ cầu tiêu.

Anh Trưởng ban An ninh Trật tự lúc thi hành chỉ thị, đã hù thằng nhỏ rất tận tình:

- Mầy không thấy dân ở đây nó dữ lắm sao? Lần này nó thương tình giải mày qua "Liên Hiệp Quốc", chứ lần sau ý à, cứ lẳng lặng đem mày ra mà cắt cu!

Thằng nhỏ chẳng những không sợ lại còn toe ra cười. Nó xăng xái đi trước một anh an ninh áp tải để xuống khu nhà cầu. Hôm nay án phạt có một anh can tội băng hàng rào đi mua mai- coỏng tức là rượu đế lậu, hai anh khác đã can tội đánh bạc lại còn xoay ra đấm đá nhau, ngoài ra còn một chị nữa thì bị bắt quả tang đem gạo dư, ăn không hết bán lại cho dân địa phương, vi phạm nội quy của Cao Ủy.Trong cả bọn bị phạt làm vệ sinh, chỉ có nhà chị này là nom ăn diện bảnh bao nhất. Chị ta nhìn thằng Cư đang nhanh nhẩu kỳ cọ cái bồn cầu ra dáng một thằng bị phạt chuyên nghiệp, bèn cà kê với nó:

- Ê nhỏ ! Nghe nói mày bị ốm đòn mà chưa rớ được tới trái trứng nào, phải vậy không?

Thằng Cư chỉ đáp lại bằng cách ném cho chị ta một cái nhìn hậm hực. Nhưng chị ta vẫn ỉ ôi tiếp :

-Mày chọc vô bọn nó làm chi. Ðói khát gì một trái trứng !

Anh đánh bài đứng gần đó nghe lóm được, ngứa mồm nói chen vô:

- Thôi đi bà ơi! Bà có tiền, ních đủ thứ nên mới nói được câu "đói khát gì". Nó tứ cố vô thân, có họ hàng thân thích gì cho được đồng bạc cắc nào đâu.

Chị đàn bà kêu lên:

- Không có đồng cắc nào thì làm việc đi! Bộ cứ nghèo rồi đi ăn cắp, ăn trộm hả? Này nhỏ! Mầy muốn có tiền ăn trứng, hãy cọ phần cầu tiêu của tao đi. Tao trả cho hai chục!

Rồi chị chóp chép cái miệng;

-Ái chà, hai chục Bạt tiền Thái chớ chẳng phải chơi đâu nhá. Làm đi, "lao động là vinh quang" mà !

Thằng Cư đang hôi hám sẵn, lại thấy được trả tới hai chục Bạt, liền ngẩng đầu lên cất tiếng Ô Kê liền. Thế là nó lụi đụi kỳ cọ một hơi mười cái bồn cầu, chung quanh vương vãi những tờ giấy báo chùi trên in toàn một thứ chữ gì mà nom y như những con cung quăng và khắp mọi chỗ, ở xó xỉnh nào cũng văng vãi tung tóe vì cả trại ai cũng thích ăn chè!

Tuy nhiên thằng Cư vẫn cứ vừa huýt sáo vừa làm việc vì trong lòng nó cũng đang vui vẻ khi nghĩ tới hai chục Bạt tiền Thái được lãnh lúc đã lao động xong. Trong khi ấy thì chị đàn bà ngồi vắt vẻo trên chiếc trụ hàng rào kẽm gai, hai mắt lim dim, cặp môi son đỏ chót ngậm phì phèo điếu thuốc lá Samit, loại thuốc thơm có đầu lọc. Ðến lúc xong việc, thằng Cư được chị dúi cho hai chục đồng đúng theo hợp đồng đã quy định. Cu cậu sướng mê tơi, để nguyên cả bộ quần áo lẫn bàn chân, bàn tay hôi hám, chạy biến ra khu hàng quà. Ở đấy, nó ních một hơi hai cái bánh rán, một tô chè và một ly nước ngọt. Vậy mà tiền vẫn còn dư để mua thêm một chục trứng gà.

Ðến tối, lúc cả trại đã tắt đèn, Cư khuân lên bục giảng nhà thờ một bọc trứng đã luộc sẵn.Thằng Lâm trông thấy thế kêu lên:

-Ê! Mày ăn cắp trứng bị nhừ đòn mà vẫn không chừa sao?

Cư nhìn nó vênh mặt lên:

-Tao ăn cắp được quả trứng của đứa nào, mày nói nghe coi? Cái này là công sức của tao làm ra, thằng nào chê, cứ việc ngồi đó.

Trong cả bọn, chả có đứa nào chịu ngồi đó cả. Chúng nó xúm lại chia nhau bóc trứng ăn ngồm ngoàm. Ðứa bé nhất cũng được ăn riêng một quả trứng. Ăn xong, cả lũ nằm ngổn ngang kể chuyện gẫu hay hát hỏng um sùm.

Thật ra, trong bụng áo của thằng Cư còn nguyên một túi ny-lông đựng chè đậu xanh còn nóng hổi. Nó định tâm, chốc nữa cả lũ ngủ hết, sẽ đánh thức con bé Bích Loan dậy để cho nó ăn riêng một gói chè. Con bé vẫn bị dì Năm đánh thức dậy lúc đang giở giấc, đã quen rồi nên chắc là không cằn nhằn gì đâu. Hơn nữa. nó mà nghe nói đến chè là tỉnh như sáo ngay.

Cư vui vui khi nghĩ đến cái lúc dúi vào tay con bé gói chè nấu bột lọc và hình dung đến cái miệng chúm chím của nó lúc ăn những muỗng chè. Nhưng cu cậu nằm nghĩ ngợi lơ mơ thế nào ngủ khò, quên bẵng ngay cái chuyện khều chân con bé tỉnh dậy.

Sáng sớm hôm sau, lúc cả bọn nháo nhào bảo nhau thức dậy rút ra bãi ngoài để trả lại khu tôn nghiêm cho ngôi giáo đường thì thằng Cư phát giác ra đêm qua, nó đã ngủ quên đè lên, làm túi chè bục rách cả ra khiến ngực áo của nó trở thành một mảng bầy nhầy, nhão nhoẹt...

1001

No comments:

Post a Comment