Cánh đồng cát nắng cháy rộng mênh mông và dường như kéo dài đến vô tận. Những con người đang lếch thếch nhấc từng bước, kéo lê chân mệt mỏi thành những vệt dài đâm xiên chéo vào nhau như những đường chỉ rối. |
Những người lính đi lẫn lộn trong đám dân chúng, bị chìm ngập bởi những cánh tay đen, gầy như một rừng cành cây khô héo, một khi họ phân phát những giọt nước cuối cùng trong những cái bình tong nhựa, hay những gói gạo sấy, những hộp thức ăn ít ỏi còn sót lại dưới đáy ba lô. Chỉ mới một vài khoảnh khắc trước, một đại đội lính xông lên được an toàn trên cái đồi cát mênh mang này, sau khi đã chạy qua một cái vũng sình lầy, mà cứ mỗi thước vuông có không biết là bao nhiêu trái đạn pháo dội xuống. Bỗng nhiên từ mọi phía trên dãi cát, đám dân chúng ẩn nấp trong lùm cây bị cỏ từ trước ùa ra reo hò nắm lấy những người lính :”Lính mình, lính mình, lính cộng hòa...”. Đồng bào đông quá. Không biết họ đã lên đến cánh đồng cát này từ bao lâu, họ từ đâu tới và họ muốn đi về đâu. Đồng bào mừng quính, khi nhiều đại đội lính khác xông qua được cái trũng tử thần phía dưới. Họ ôm chầm lấy lính khóc òa :”Anh lính cộng hòa ơi...”. Lính cũng khóc. Đối với người dân hiền lành mộc mạc ở những nơi đồng khô cỏ cháy và trong nỗi chết chóc kinh hoàng đến tận cùng này, thì những chiếc áo kaki của lính đồng nghĩa với hy vọng và sự sống. Nhưng con đường vẫn còn dài thăm thẳm. Đi về hướng mặt trời mọc ra hướng biển rồi quặt xuống phía Nam, mức đến cuối cùng sẽ là một con sông được gọi tên là Mỹ Chánh, mà ở đó dân chúng nghe nói có “lính mình” nhiều lắm. Đói, khát, kiệt sức, những người yếu đuối nhất, ông gia,ụ bà lão, đàn bà và trẻ con, lác đác dừng chân ngồi phệt xuống giữa con đường cát bỏng đưa những đôi mắt lờ đờ khô quánh nhìn theo đám dân chúng còn đứng vững trên hai chân lê lết bước qua . Những khuôn mặt hốc hác sạm đen ngước lên chăm chăm, đôi mắt mờ đục, tuyệt vọng ánh lên sự cầu xin cứu giúp. Một bà lão tóc bạc lơ thơ, bụi cát đã nhuộm thành màu xám xịt, chiềc áo vải cũ vá chằng vá đụp, mặt mũi bà nhăn nheo, sâu đậm như những vết nứt trên đồng khô đang ôm trong lòng một ông già ốm yếu nằm hấp hối bên đường. Cái miệng móm mém đã hết răng của bà phát ra những âm thanh áo não không thành tiếng. Bà lão đang khóc, nhưng itếng khóc của bà chỉ là một chuỗi tiếng kêu rên tắt nghẹn. Có lẽ rồi cũng đến lượt bà hấp hối như ông lão thôi. Chợt trông thấy hai người lính đi gần sát bên, bà lão đưa cánh tay gầy đen đủi chỉ còn xương bọc da níu lấy chân một người. Rồi bà nhoài người ra dùng cánh tay còn lại ôm luôn cái ống chân của anh lính khóc lóc : - Cậu ơi cậu, tui lạy cậu, cậu cứu giùm ông già... - Ông ngoại làm sao vậy bà ngoại ? - Tui lạy...làm ơn cứu... ổng bịnh, ổng ...đói, khát... tui lạy mấy cậu... - Bà ngoại ơi... - Ê, Tư , mày còn nước rót cho bà ngoại một miếng. - Còn đâu mà còn ! - Tui không dám... - Con cháu đâu hết rồi mà để cho ông ngoại bà ngoại lang thang như thế này ? - Chết hết rồi, chỉ còn một đứa, nó đi đâu mất. Mấy cậu người ở đâu nói tiếng nghe lạ rứa? - Miền Tây là ở mô, có phải trong nước Việt mình ? - Miền Tây ở tận trong xa lắm bà ngoại ơi. - Thôi mình đi Hậu, biết làm sao... - Tư, mày chịu khó vác thêm cái ba lô của tao ! - Mày muốn cõng ông già hả ?
Subscribe to:
Post Comments (Atom)
|
No comments:
Post a Comment