Oct 13, 2008

Password






Chúng tôi đã tranh luận rất nhiều. Tuân bảo em làm ở công ty này là được rồi, anh không muốn em làm thư ký. Em làm giáo viên thì được vì em nói có duyên. Nhưng làm thư ký thì không được. Trong khi nói những lời khuyên can như vậy, Tuân chẳng nhìn mặt tôi, cúi người gãi gãi mấy nốt muỗi đốt ở chân. Chúng tôi thường ngồi ở phòng khách nhà tôi, cửa sổ mở ra vườn cây tối om. Muỗi nhiều nhưng chỉ cắn Tuân. Vì vậy, Tuân cứ hay cọ cọ bàn chân khi chúng tôi ngồi cạnh nhau. Chúng tôi ngồi cạnh nhau, mỗi đứa một tờ báo. Tuân quàng tay qua vai tôi, thỉnh thoảng rút tay lại để giở báo. Chúng tôi ít khi ra khỏi nhà vì chẳng biết đi đâu. Hầu như ngày nào Tuân cũng đến. Khi đó đã muộn, tầm tám giờ hơn. Chúng tôi ngồi đọc báo bên nhau. Khoảng chín giờ hơn thì Tuân đứng lên ngó đầu vào phòng bên cạnh chào bố mẹ tôi đang xem tivi. Tôi mở cổng cho Tuân và chúng tôi hôn nhau một lúc bên cạnh chậu cây đinh lăng.
Tôi vẫn bỏ công ty cũ để vào làm tại liên doanh. Khi bỏ công ty cũ, tôi nghĩ không biết sếp tôi sau này còn tin ai được nữa không. Tôi đi làm ở nơi mới và mẹ tôi đành phải đến nhà sếp cũ xin lỗi rằng cháu nó muốn được làm công việc đúng với chuyên môn.
Thực ra đó chính là lý do tôi chuyển đến chỗ làm mới. Tôi học ngoại ngữ nhưng ra trường lại về làm tại một công ty thương mại của Nhà nước. Sếp cũ của tôi moi từ trong tủ ra đủ loại hợp đồng từ ngày xửa ngày xưa cho đến những hợp đồng không bao giờ được ký kết để cho tôi dịch. Tôi mất hai tháng đầu để miệt mài dịch các tập hợp đồng ấy ra tiếng Việt. Tháng thứ ba tôi tỉ mẩn chép các điều khoản của hợp đồng ra giấy. Tuân cười một cách độ lượng nói rằng em chỉ cần mua một quyển hợp đồng kinh tế là có đầy đủ các điều khoản, chép làm gì cho mất công nhưng tôi cần làm cái gì đó để cho tôi bận rộn hơn. Và tôi chép những điều khoản ấy ra những trang giấy thếp, xếp theo hạng mục, gấp một túi giấy và bỏ một tháng ghi chép của tôi vào đó.
Bây giờ khi lĩnh lương quy đổi từ đô la Mỹ, tôi vẫn ngạc nhiên vì sao những ngày tháng ghi chép đó tôi lĩnh lương tháng chỉ bằng một phần mười của lương bây giờ mà vẫn nộp cho mẹ một nửa, một nửa để tiêu vặt và mua một mảnh vải màu ghi đá để Tuân may một cái quần. Mảnh vải đó tôi đưa cho Tuân, giục mãi sao anh chưa đi may. Cho đến một hôm ngồi cạnh nhau, chợt nhìn vào hai chân Tuân đang rung rung xua muỗi mới nhận ra màu ghi đá của cái quần mới và cảm thấy xấu hổ quá. Mảnh vải sao may lên quần xấu thế.
Những chuyện bất ngờ của ngày đầu tiên đi làm ở liên doanh tôi đem kể cho Tuân làm Tuân rất bực bõ. Tôi kể giám đốc thật đẹp trai và trẻ. Ông ấy tuổi rồng, ông ấy nói với em thế. Ông ấy nói với em là ông ấy có vợ rồi. Hay nhỉ, sao ông ấy lại nói chuyện ấy với em. Không hiểu sao em cũng nói với ông ấy là chúng mình yêu nhau đã năm năm rồi. Ông ấy nói: Thật tuyệt.
Tôi không đọc báo cùng Tuân nữa. Ngồi cạnh anh tôi đọc những quyển sách dày cộp mà thật nhẹ lấy từ giá sách của công ty. Em có hiểu gì không? Tuân hỏi. Không, tôi trả lời. Không hiểu thì đọc làm gì? Em đọc vì em không hiểu.
Một hôm Tuân bảo đi chơi. Mình lâu lắm rồi không ra khỏi nhà. Chúng tôi đi chầm chậm trên những con đường xe cộ ngược xuôi hối hả. Tôi áp nghiêng mặt vào lưng Tuân. Anh bỏ một tay nắm lấy tay tôi. Tôi bỗng muốn hỏi anh về đám cưới. Chưa ai nói về đám cưới của chúng tôi. Tuân thì chưa bao giờ. Thỉnh thoảng, trong những lúc chúng tôi đang âu yếm nhau, tôi cứ nghĩ anh ấy sắp nói cưới mình đây. Nhưng anh không nói. Bố mẹ tôi cũng không nhắc nhở gì. Hồi chị tôi chưa lấy chồng, bố mẹ tôi cứ nói bóng nói gió suốt. Bằng tuổi tôi bây giờ chị tôi đã có con hai tuổi rồi.
Sếp của em rất yêu vợ. Tôi kể với Tuân. Hôm sếp đi công tác đột xuất, vì chưa in báo cáo nên sếp nhờ em làm giúp. Ông ấy nói cho em biết password của chương trình. Đó là tên vợ ông ấy. Tôi định nói tiếp là anh có bao giờ dùng tên em làm password không thì Tuân cắt ngang: Em có chuyện gì khác để nói ngoài chuyện cơ quan không? Tôi tủi thân quá, nhìn chăm chăm vào trang sách mà không biết mình đang đọc cái gì. Tuân thở dài. Ngày mai anh bận, anh không đến đâu.
Cô có chuyện gì vậy, tôi có thể giúp gì cho cô không? Sếp tôi hỏi, mắt chăm chú nhìn tôi. Cơn tủi thân trong tôi dâng lên. Tôi khóc lã chã trước mặt sếp và hỏi: Trông tôi có xinh không? Chẳng ai cưới tôi làm vợ cả. Đặt một cốc nước trước mặt tôi và bảo "Bình tĩnh lại", sếp khép cửa ra khỏi phòng, để tôi ở lại một mình.
Sáng hôm sau trên mặt bàn của tôi có đính một tờ giấy nhắn. Chữ của sếp tôi. Sếp viết: Cô đẹp lắm. Nếu tôi chưa lập gia đình, tôi sẽ mong được cưới cô.
Sếp đi công tác. Nếu ông ấy có nhà, tôi sẽ xin lỗi ông ấy về sự yếu đuối của tôi hôm qua. Thật ngạc nhiên là tôi không hề cảm thấy xấu hổ vì đã khóc và nói những lời ngớ ngẩn trước mặt một người đàn ông chỉ hơn mình có vài tuổi và người đó lại là sếp của mình. Tôi thậm chí thấy nhẹ nhõm hơn trước. Tờ giấy nhắn này thật hay. Bây giờ tôi mới biết “Cục đá” - biệt hiệu của mọi người trong công ty đặt cho sếp - cũng biết cách an ủi. Buồn cười thật. Lần đầu tiên có người nói tôi đẹp. Từ trước đến nay, người ta chỉ khen tôi thông minh.
Tuân lại đến nhà tôi. Anh mới cắt tóc. Trông anh thật trẻ. Anh nói từ ngày mai anh sẽ chở em đi làm. Tôi phản đối. Nhưng em hay phải làm muộn. Không sao, anh quyết định rồi. Tuân nói một cách uy quyền. Tôi cảm thấy thích thích trước vẻ quyết đoán như vậy của anh. Giống như tôi đã lệ thuộc vào anh rồi.
Bạn trai của cô không làm việc à? Sếp bỗng nhiên hỏi tôi khi đưa cho tôi tập hồ sơ nhân sự, bảo tôi lọc lại để chọn một vài người đến phỏng vấn. Tôi ngạc nhiên nói không. Sếp tôi nói: Tại vì tôi thấy anh ấy hay đợi cô ở cổng công ty, nên tôi nghĩ anh ấy đang chưa có việc làm. Và sếp nói thêm: Anh ấy thật đẹp trai.
Tôi bỗng nhiên cảm thấy không còn tự tin khi leo lên ngồi sau xe anh mỗi chiều. Tôi nói em không biết sếp em nghỉ ngơi vào lúc nào. Sáng sớm đã thấy ông ấy đưa cho em những tài liệu ông ấy làm từ đêm trước. Chẳng lẽ ông ấy không cần ngủ. Tuân chẳng nói gì. Tôi hỏi anh có đồng ý cho em ở lại cùng mọi người mỗi ngày một tiếng đồng hồ để học lớp quản lý do sếp em dạy không? Tuân nói: Thằng cha ấy điên à?
Sếp tôi không hỏi tôi sao không ở lại học. Rất nhiều người ở công ty ở lại học. Học có hay không cô - tôi hỏi cô Thêu ở phòng hành chính. Cô chả biết. Cô Thêu lúng liếng trả lời. Tôi thấy khổ thân sếp tôi, cứ say sưa giảng giải những điều tự thấy là tâm huyết nhưng không biết rằng mọi người đang sốt ruột muốn về để còn cơm nước nghỉ ngơi. Vậy tại
sao mọi người còn ở lại? Sau này lớp học tan rã, sếp hỏi tôi. Vì mọi người sợ ông. Vì khóa học do ông giảng nên họ ở lại. Cô thì không sợ tôi? Sếp tôi hỏi mà mặt thì buồn thiu. Tôi rất muốn ở lại học nhưng không phải vì sợ ông. Cảm ơn cô. Khẽ bóp nhẹ tay tôi, sếp nói. Cảm ơn cô.
Khi tôi ít kể chuyện ở công ty thì Tuân lại tò mò. Dạo này không thấy em kể chuyện công ty. Mấy thằng Tây ở chỗ em thế nào rồi? Tôi nhăn nhó. Họ cũng là người châu Á mà. Tuân cười khẩy. Không là Việt Nam thì là thằng Tây chứ thằng nào!
Ở công ty có một đôi làm đám cưới. Chị Thương ở phòng kế toán lấy sếp của chị ấy. Vì tiền ấy mà - mọi người nói thế. Chị yêu anh ấy. Chị Thương nói thế. Anh ấy thật giỏi giang. Chị chẳng bao giờ cãi được anh ấy. Chị Thương mắt long lanh kể cho chúng tôi, một lũ con gái tò mò ngắm những bức ảnh hai người chụp tại ảnh viện. Họ thật là đẹp đôi. Tôi thốt lên như thế khi nhìn thấy hai người bước ra đón khách tại tiệc cưới. Chị Thương cười rộng hết cỡ, chú rể cũng cười rộng hết cỡ. Chú rể trêu tôi: Cô tài thế, bẫy được anh chàng đẹp trai ghê. Tuân cũng cười, nháy mắt với chú rể. Trên đường về, Tuân nói con hai người sẽ nói tiếng Anh à? Hai người nói với nhau bằng tiếng Anh mà. Không, tôi ngáp ngủ sau lưng Tuân - tôi đã quá phấn khích trong đám cưới, ăn nhiều, cười nhiều - chị Thương nói họ sẽ cho con học tại trường quốc tế, vậy là nó sẽ nói tiếng Pháp. Tuân thở dài, quờ tay ra sau nắm lấy tay tôi.
Trong đám cưới, sếp tôi mang ly rượu đến chỗ chúng tôi, chạm cốc cùng Tuân: Chúc hai bạn hạnh phúc. Khi sếp đã rời đi rồi, Tuân nói hình như ông ấy mê em. Tôi cười phá lên. Không, có lẽ là em mê ông ấy thì đúng hơn. Tuân nhìn tôi cười, ánh mắt ngạc nhiên và giễu cợt. Ngạc nhiên thật. Tôi cứ nghĩ mình lệ thuộc hoàn toàn vào Tuân rồi, thế mà đầu óc tôi bỗng nhiên lại lang thang để ý đến sếp tôi, một người đặt tên vợ mình làm password của chương trình. Vì tiền thôi, mọi người sẽ nghĩ thế. Vì cái gì - tôi không biết.
Ngày hôm nay tôi viết đơn xin thôi việc. Bởi vì suốt một tuần qua khi sếp nghỉ phép về nước, tôi đã không lúc nào không mong ông ấy trở lại.

1856

No comments:

Post a Comment