Người con gái ngồi áp đầu vào ô cửa kính trắng xóa màn mưa. Ánh mắt cô
vô định trong quang cảnh nhập nhòa bên ngoài ô kính ấy. Trời xám màu
mây, những cái cây ngoài ô cửa rũ lá, nặng nề chống lại cơn mưa. Người
người dập dìu trong màn nước đang đổ xối xả, vội vã, cáu kỉnh. Cô gái
giữ ánh mắt ấy ngoài kia, xa khỏi khung cảnh quán cà phê ấm áp, khô ráo
này. Cô có mái tóc dài, màu nâu, xoăn nhẹ, và những lọn tóc rối buông
trên bờ vai cô, hờ hững. Cô ngồi co chân trên chiếc sofa màu nâu, mặc
một chiếc quần bò sáng màu, một chiếc áo pull trắng và khoác một chiếc
áo phông rộng màu xám. Một ly cà phê sữa trên bàn, và chỉ một mình cô.
Cô cứ ngồi đó, nhìn mưa, như thể đang chờ một điều gì đó, hay một ai đó
hiện ra từ dòng người trong màn mưa trắng xóa ấy.
Anh ngồi ở cái bàn cách cô gái ấy một khoảng, đủ gần để ngắm hình ảnh
ấy, và đủ xa để cô không nhận ra sự chú ý của anh. Bức tranh ấy làm anh
chiêm nghiệm ra sự cô đơn. Anh thích những hình ảnh một mình như vậy.
Một người, một ly cà phê, một quyển sách... tất cả không gợi cho anh sự
độc lập, mà là sự cô đơn. Như thể con người sinh ra không phải cùng với
niềm vui, mà là sự cô đơn.
Với anh, người con gái ấy không chờ bất cứ ai hay bất cứ điều gì, trong
ánh mắt xa xăm ấy, anh thấy cô tách biệt với không gian có cô trong đó.
Hoàn toàn không một ai chia sẻ cùng cô cái cô đang nhìn ngoài kia, hay
cái cô đang giữ trong lòng. Và, nếu như cô cảm thấy cần một ai đó hiểu
thấu lòng mình, thì có lẽ cô đang rất cô đơn.
Bởi vì anh cũng đang rất cô đơn.
Quán cà phê mang đậm phong cách phương Tây này là nơi anh hay đến ngồi
làm việc, và chỗ của anh là một góc tường nhỏ ấm cúng. Anh chui vào góc
này để có cảm giác an toàn, không gian bao bọc xung quanh càng ít thì
anh càng thấy bớt trống trải hơn. Ngay ngày đầu tiên, cô gái ấy đã xuất
hiện trong tầm mắt. Lúc nào cũng vậy, khi anh ngước mắt lên thì không
biết cô ấy đã ngồi đó tự bao giờ. Những ngày sau nữa khi vừa đến anh
cũng đưa mắt vào chiếc bàn ấy, nhưng cô ấy không bao giờ đến sớm hơn
anh, và lúc nào cô cũng ngồi đúng chiếc bàn kề ô cửa kính ấy, một chiếc
bàn ở giữa, như thể nó luôn được dành cho cô.
Anh luôn bị hình ảnh về cô thu hút, cách cô ngồi, cách cô làm việc cùng
máy tính, cách cô nâng tách cà phê, cách cô đọc sách và cả cái cách cô
nhìn ra bên ngoài. Không biết tự lúc nào, việc đến quán này, ngồi vào
chiếc bàn này và nhìn thấy cô khiến anh cần như cuộc sống hằng ngày, cảm
giác thiếu vắng mang đến sự bồn chồn như thể thiếu một điếu thuốc.
Vậy mà anh bỏ thuốc.
Cách đây ba năm anh cũng từng có một tình yêu tuyệt đẹp. Những ngày
tháng êm đềm ấy chấm dứt khi người con gái anh yêu ra đi. Anh bắt đầu
mua lại những bao thuốc lá màu xanh. Khi có cô ấy ở bên, anh không cần
thuốc, nhưng ít nhất anh cũng xứng đáng có được một, dù là cái vô cùng
tệ, trong hai thứ ấy chứ.
Anh cũng từng có một nơi xinh đẹp. Một căn nhà nhỏ với hàng rào trắng
xung quanh và trồng đầy cúc dại. Nhưng nữ chủ nhân của nơi ấy chưa dọn
vào thì đã ra đi, không hề biết đến sự chờ đợi của nó. Thiết nghĩ căn
nhà cũng sẽ nhớ miên man một người nó thuộc về nhưng chưa từng gặp. Thế
là anh trao cho nó cuộc sống mới với chủ nhân mới. Bây giờ cúc dại vẫn
nở dưới bàn tay chăm sóc của một người khác. Chỉ có anh là chưa quên
được câu chuyện chưa bao giờ diễn ra, một mái ấm và nụ cười của một
người.
Sau ba năm, anh bỏ hút thuốc. Không vì lý do gì cả, cứ thế anh không thích hút thuốc nữa thôi.
***
Bầu trời dần đi vào đêm, phố bắt đầu lên đèn. Đến giờ về rồi. Cô tự nhủ
và đóng máy tính, cất sách vào chiếc túi xách bên mình. Trên mặt bàn
còn đọng lại vệt nước hình tròn, dấu vết của một cái ly có đá đã từng
đặt ở đó.
Vài người lục đục vào quán, đã đến giờ người ta tụ tập cùng nhau sau
giờ làm việc. Sửa lại chiếc áo phông cho thẳng, cô mỉm cười chào người
phục vụ rồi bước ra cửa. Đi ngang người đàn ông số 64 có vẻ là một kiến
trúc sư đang bám níu thời gian. Người đàn ông đó đã ngồi ở đó nhiều
ngày, đúng cái bàn màu nhạt nhất trong quán. Số 64 lửng lơ vòng quanh
anh ta như hai vòng khói thuốc nhợt nhạt. Con số 64 quen thuộc đến kỳ
lạ.
Cô đi vòng qua con đường bao quanh bờ hồ, cái hồ nước nhân tạo duy nhất
trong trung tâm thành phố này. Thực chất nó chỉ là một vòng quay giao
thông có đài phun nước. Với nhiều cây xanh bao quanh nên dù ở ngay trung
tâm thành phố sôi động ồn ào của cả nước, nó cũng trở thành nơi hẹn hò
thơ mộng của nhiều đôi thanh niên trẻ trung, có nhiều hàng quán xung
quanh, về đêm còn có những gánh hàng rong biến khu vực này thành một khu
hoạt động ẩm thực đặc sắc rất riêng của thành phố. Bình thường cô sẽ đi
bộ đúng một vòng quanh hồ, nhưng hôm nay cô rẽ bước sang một con đường
lớn dẫn ra một nhà thờ lớn nằm cạnh công viên của thành phố. Đi một vòng
quanh nhà thờ phong cách kiến trúc Roman pha trộn Gothic xây bằng gạch
trần không tô trát, cô dừng lại ngắm người ta cầu nguyện trước tượng Đức
Mẹ một lúc rồi quay trở về. Nhiều người tìm thấy niềm tin và hy vọng ở
những nơi như thế, thật là hay biết bao.
Cô đi ngang qua cửa chính của quán cà phê ban nãy mình vừa rời khỏi,
nhiều nhóm người ăn mặc đẹp đẽ cười nói râm ran bên trong lớp kính. Cô
nhìn thấy một đôi trai gái đang ngồi chiếc bàn quen thuộc của mình, cô
gái mang số 1011 có một nụ cười khá ngọt ngào và rõ ràng chàng trai 312
đang chết chìm trong nụ cười đó. Hai con số đó chắc hẳn là ngày sinh của
nhau, cô đoán chắc vì cô thấy con số của cả hai đều màu hồng. Điều này
thật hay, cô tự nhủ, rồi mỉm cười mở cánh cửa nhỏ cạnh bên quán và bước
lên chiếc cầu thang tối. Thời gian của cô bắt đầu rồi.
Đêm.
Cảnh tượng hoang tàn quen thuộc lại được dựng lên. Và cô đứng đó, giữa
khung cảnh tan hoang, chiếc ô tô bốc cháy, không gian đặc quánh mùi
xăng, cây cỏ ngã rạp xung quanh và những mảnh trắng tang tóc bay lơ lửng
trong không trung, vị chết chóc đắng nghét trên đầu lưỡi. Mình trở lại
đây rồi, cô thầm nghĩ. Chỉ một chốc nữa thôi mình sẽ tỉnh dậy, và lớp
đất màu nâu đỏ dưới chân kia sẽ thôi bám lấy đế giày của mình. Chỉ một
chốc nữa thôi … Mặt đất dưới chân cô bỗng xuất hiện vài đốm đỏ, loang ra
thành màu nâu sẫm, gì thế nhỉ, mình chưa thấy cảnh này bao giờ, bất
chợt cô nhận ra mình đang bị chảy máu, từng giọt từng giọt nhỏ xuống từ
bên má trái của cô, ướt thẫm chiếc áo thun trắng rách nát cô đang mặc
trên người. Vậy mà cô không thấy đau gì cả. Rồi cả hai bàn tay cô cũng
loang đỏ máu.
Tỉnh giấc.
Đồng hồ chỉ 4 giờ 25 phút sáng. Hôm nay sớm hơn hôm qua. Sao cũng được,
cô nằm đó thêm ba phút, ngồi đặt thòng chân xuống giường ba phút, rồi
đi vòng quanh phòng trong ba phút. Như thói quen cô mở cửa sổ. Hồ Con
Rùa đang sáng dần lên ở bên ngoài dù bình minh chưa bắt đầu ló dạng.
Năm cô 16 tuổi, ba mẹ cô qua đời trong một tai nạn giao thông ngay trên
đường đèo cách ngôi biệt thự không xa. Cảnh sát bảo hai người bị văng
ra khỏi ô tô rồi rơi xuống vực. Hiện trường còn chiếc xe dừng sát hàng
rào an toàn, cửa mở. Một người đàn bà mặc váy đỏ đi ngang, phát hiện
trong xe không có ai rồi gọi cho cảnh sát.
Đó không phải là sự thật. Không thể là sự thật. Người cậu duy nhất của
cô lên tiếng mỗi khi đọc đâu đó tin tức về vụ tai nạn này. Ông bỏ hoang
căn nhà mà cô lớn lên cùng ba mẹ, dắt cô về đất Sài Gòn và bắt cô đến
trường. Thế nhưng những cơn ác mộng lặp lại trong cô hàng đêm vẫn không
thể nào chấm dứt. Dì Hương – người phụ nữ số ba mươi bảy – ngày sinh của
cậu cô - bảo rằng vì cô như thế mà ông bỏ đi. Vì cô mà dì phải héo hon
chờ đợi. Cô bảo dì đừng chờ, số ba mươi bảy của dì không phải là cậu cô.
Cô biết thế. Dì Hương tát cô thật mạnh rồi gom đồ bỏ đi khỏi căn phòng
của cậu, khỏi căn nhà cô đang sinh sống.
Cậu cô bỏ đi không nói với dì Hương một lời nào, nhưng để lại cho cô
một bức thư bên cạnh giường. Khi cậu hôn vào trán đứa cháu gái hai mươi
hai tuổi và nói tạm biệt, cô hẵng còn thức, nhưng cô biết cậu phải đi.
Trong thư cậu kể về câu chuyện người đàn ông lái xe chở người phụ nữ mà
ông ngoại tình trên đường. Người vợ bỗng đâu xuất hiện trên đường đèo
vắng đó, đứng chờ để nhìn thấy sự bội bạc của người đàn ông mà bà đã vắt
cạn những thương yêu để sống cùng nhau gần hai mươi năm trời. Rồi bà
nhảy khỏi con đèo đó, nhằm để lại vết thương cả đời cho người đàn ông
phản bội kia. Nhưng rồi ông nhảy theo. Người phụ nữ áo đỏ, môi son, giày
cao gót ở lại, phát điên sau khi kể câu chuyện không có thật cho cảnh
sát. Cậu cô không biết trả thù ở đâu, đành dắt cô đi về một nơi cách xa
nơi đó. Rốt cuộc nỗi đau cả đời, dành lại cho cô, không phải người nào
khác.
Vậy là cậu một mình cố tìm cách chữa vết thương cho cô cháu gái của
mình trong sáu năm, rồi không thành, ông cắt thêm một nhát vào vết
thương đó, bỏ đi biền biệt cũng đã được sáu năm trời. Không một liên lạc
nào trong suốt khoảng thời gian qua.
Lãm nói, anh có khả năng nghe và biết người ta nói dối hay nói thật.
Tuy không thể biết sự thật là gì cũng như không phải đối tượng nào anh
ta cũng phát hiện được sự giả dối. Nhưng khả năng đó vẫn là một món quà
thật sự đắt giá. Và có lẽ nó phải phục vụ cho những thứ lớn lao hơn.
Anh biết đó là sự thật vì anh đã thử Lãm vài lần. Trong đó có một lần
anh hỏi Lãm đã có người yêu chưa. Anh cười xòa và bảo chưa anh Lãm ạ.
Lãm nói, cậu nói dối, rồi nhìn anh, ánh mắt như quan tòa đang phán tội,
anh hơi sợ nhưng nghĩ cũng bình thường thôi, vì Lãm đang là Luật sư
trong một văn phòng Luật khá lớn ở Sài Gòn. Rồi anh cũng kể cho Lãm nghe
về cô gái trong tim mình, Thu, nàng cao hơn anh hai cm, mái tóc dài đến
thắt lưng luôn thắt bím gọn gàng, một người rất lý trí nhưng cũng khá
ngọt ngào. Anh yêu cô ấy bằng tất cả những năm tháng thời đại học và
mong muốn kiếm được thật nhiều tiền cho đám cưới một ngày không xa, để
trở thành người mà nàng có thể dựa vào, một người xây cho nàng ngôi nhà
có hàng rào trắng trồng hoa cúc dại ở trong sân. Lãm cười hiền hậu mỗi
khi nghe anh kể về tình yêu của mình, về những buổi chiều đạp xe chở
nàng đi ăn kem, về những lúc ở bên nhau trong các chuyến tình nguyện,
mùa hè xanh, và kể mơ ước về tương lai của hai đứa. Có lần Lãm nói, để
anh bảo cháu gái mình đến gặp hai đứa một lần xem ước mơ của em có thành
sự thật không nhé. Anh không hiểu Lãm nói vậy có nghĩa là gì. Lãm lờ đi
khi anh hỏi rằng cháu gái của anh ấy có tài coi bói à?
Anh quen Lãm từ ngày quán cà phê này còn là một quán nước thuộc về một
chủ sở hữu khác, bàn ghế còn mang màu xanh lá nhạt nhợt – hình như mục
đích là giúp khách đến quán có cảm giác hòa nhập với thiên nhiên, nhưng
theo anh cách làm vô cùng thảm hại. Anh hay đến vì nó nằm gần trường,
giá hơi chát so với thằng sinh viên sắp nhưng không biết có ra trường
được hay không như anh. Một lần cả hai cùng bước vào một chiếc bàn, rồi
cùng nhường nhau, Lãm bảo cứ ngồi cùng anh nếu không ngại. Rồi anh trở
thành người thiết kế cải tạo lại chính quán cà phê đó cho người chủ mới
là Lãm. Quán thay toàn bộ áo mới với màu gỗ tối và một chiếc bàn kiểu
quầy bar ngay trung tâm, phong cách quán cà phê Châu Âu mà anh với Lãm
cùng thích. Gặp Lãm, anh có được số tiền để làm đề tài tốt nghiệp và còn
có thêm một người anh, một mối duyên nợ khó lý giải giữa chốn đất lắm
người lạ thiếu người thân này.
Đó là một trong những lần hiếm hoi mà anh thiết kế như thể vắt tất cả
đam mê, hào hứng mà mình có được, và có lẽ đó là tác phẩm mà anh yêu
thích nhất, tự hào nhất. Mấy năm trong nghề đã trôi qua, anh đã lăn lộn
với nhiều công trình lớn hơn, nhiệt huyết cũng có lúc dâng cao khi biết
số tiền sẽ nằm trong tài khoản của mình, cũng có lúc vật vờ cùng cơn
đói, anh vẽ ra những ngôi nhà không thể gọi là thiết kế, chiều theo ý
khách hàng, để kiếm cơm. Chưa có lần nào anh làm việc với nhiều cảm hứng
như lúc đó, có thể là nhờ Lãm. Khoảng thời gian cả hai người bọn anh
làm việc cùng nhau, cũng là lúc anh phát hiện ra cuộc sống của Lãm có
nhiều điều rất kỳ lạ, mà cũng phải thôi vì anh ta có khả năng kỳ lạ mà
người khác không có cơ mà.
Anh thường đến nhà Lãm, lúc này cũng chính là quán cà phê anh nhận
trách nhiệm thiết kế để làm việc, nhưng chỉ là ban đêm vì ban ngày Lãm
bận đi làm. Lãm hầu như ngủ rất ít và thường đeo tai nghe để làm việc
trên máy tính, cứ khoảng vài phút lại ngừng một lần để ghi chú điều gì
đó. Một lần vì quá tò mò, anh thử nhìn vào màn hình máy tính của Lãm,
chỉ có một file để anh ta đánh dấu Yes hoặc No vào sau từng dãy số có vẻ
là thứ tự của đoạn video mà mình phải xem. Gần sáng, Lãm luôn giật mình
khi nghe tiếng mở cửa sổ từ tầng trên, tiếng mở rất khẽ, nhưng thật lạ
là Lãm luôn nghe thấy dù thức hay ngủ. Anh ta lặng lẽ lên tầng trên
khoảng chừng mười phút rồi trở lại ngay, ngày nào cũng như ngày ấy,
không sót một ngày nào. Có lẽ đó là những lúc mà cô cháu gái của Lãm
thức giấc, anh đoán vậy vì cô bé ở ngay căn phòng phía trên.
Lãm có một cô nhân tình, một người mà anh ta yêu, anh không rõ có phải
là tình yêu không khi sau này Lãm bỏ cả cô ta và cháu gái mình và biến
mất. Cô nhân tình của Lãm rất đẹp và có khuôn mặt lẫn tính cách nhân
hậu. Cô là đồng sở hữu quán cà phê này. Sau này, cô vẫn quản lý quán và
chia đều lợi nhuận cho Di, cháu gái Lãm.
Trong suốt khoảng thời gian kết bạn cùng Lãm, làm việc cho anh ấy cũng
như thời gian trước khi Lãm bỏ đi, anh chỉ gặp Di có một lần. Khi Lãm
giới thiệu anh cho Di, cô bé ngước lên nhìn anh, khẽ gật đầu chào. Từ cô
bé tỏa ra một thứ năng lượng gì đó rất kỳ lạ. Thứ năng lượng khiến
người ta ngay lập tức muốn đến bên cạnh để bảo vệ, mặc dù gương mặt và
ánh mắt ấy không hề tỏ chút gì là yếu đuối, mong manh hay cần được che
chở. Khuôn mặt cô bé hơi dài, cằm nhọn, các đường nét trên mặt đều bình
thường nhưng lại rất hài hòa với nhau. Riêng đôi mắt luôn ẩn chứa một
điều kỳ lạ khi ngước nhìn người đối diện. Anh đã thấy ruột gan mình cồn
cào khó hiểu khi nhìn vào ánh mắt đó. Dù rất tò mò nhưng anh không có
dịp gặp Di lần nào nữa. Lãm nói cô rất bận do chuẩn bị vào đại học và cô
chỉ thích ở một mình.
Rõ ràng, lần đó cô không hề nhớ được anh. Vì hiện anh đang ngồi đây,
trong quán cà phê của cô, đối mặt với cô vài lần khi cô ra khỏi quán,
nhưng cô không hề nhận ra anh.
Trước khi Lãm bỏ đi khoảng vài ngày, khi quán cà phê đã hoạt động ổn
định và khi anh đã tốt nghiệp và lao vào đời, Lãm kể rằng gia đình mình
từng sửa giấy khai sinh cho Di khi cô bé vào lớp một. Ngày sinh của cô
là ngày 06/04 chứ không phải 12/04 như ghi trong giấy. Anh không bận tâm
lắm khi Lãm kể câu chuyện này, dù có chút lấy làm lạ. Anh không bận tâm
nhiều chuyện vào lúc đó, anh chỉ mong kiếm được việc làm thật tốt và có
khả năng lo lắng cho cô gái mình yêu thương.
Ảnh: Khánh Châu Trần Nguyễn
Cậu Lãm viết thư nói là sẽ trở về. Thời đại của công nghệ, cậu Lãm viết
cho cô một lá thư tay, chữ viết khác trước nhiều và đề ngày 26/11. Thư
gửi đến quán vào ngày 07/12/2012, chậm đến kỳ lạ.
“Di thương yêu,
Cậu sẽ về vào dịp Noel, hy vọng lúc đó trời Sài Gòn không quá nóng. Con
nên trang trí một cây thông thật lớn cho quán, đặt nó kế bên kệ sách
ấy, hãy sơn lại chiếc kệ bằng màu xanh cây thông.
Nếu Khải có đến quán của chúng ta, hãy mời cậu ấy đến nhà chơi vào đêm
Giáng sinh. Có thể con không nhận ra, nhưng đừng lo, cậu ấy sẽ đến chào
con. Đó là chàng trai 64, nếu con còn nhớ.
Cậu nhớ con nhiều, cô gái 216 của cậu.”
Năm hai bốn tuổi, một lần nhìn vào tấm gương trong phòng cậu, cô thấy
ba chữ số 2 - 1 - 6 màu bạc lấp lánh nhảy múa rất đẹp phía trên đầu
mình. Đó là ngày mà chàng trai không mang số bỏ cô đi. Quỳ trên sàn
trong căn phòng của cậu, cô hét thật to rằng con sẽ chết đi, cậu ạ, con
không thiết sống nữa. Lúc cô không còn tìm thấy sợi dây nào liên kết
mình với cuộc đời thì những con số của cô lại hiện lên. Nhưng cô chỉ
thấy được duy nhất một lần đó, chỉ một lần nhưng nó giúp cô hiểu lý do
vì sao người ta bỏ cô đi. Cô đã gửi email cho cậu mình kể về câu chuyện
này, mặc dù không biết cậu có nhận được hay không.
Di có khả năng nhìn thấy những con số kỳ lạ khi từ người khác, lúc còn
bé, khả năng không giống ai này đã gây cho cô khá nhiều rắc rối. Tuy
nhiên, không phải bất cứ ai cô cũng nhìn thấy được con số của họ. Thường
là cô không nhìn thấy. Chẳng hạn, cô không thể nhìn thấy con số của ba
mẹ, cậu Lãm và người đàn ông cô từng yêu suốt 3 năm trời. Cô cũng không
nhìn thấy con số của chính cô, trừ cái ngày mà cô mất hết niềm hi vọng
sống đó. Từng ngày lớn lên, cô cho rằng con số mà mỗi người đeo mang
trên mình chính là ngày sinh của một nửa của họ, tình yêu đích thực của
đời họ hoặc giả là người mà họ sẽ chung sống cả đời. Chuyện này có chút
phức tạp. Cô vẫn nhớ ông chú lái xe cũ của cậu và vợ mình không mang số
ngày sinh của nhau, nhưng họ đã ở bên nhau ba mươi năm với hai đứa con
ngoan ngoãn. Cũng có thể, ngày sinh trên giấy tờ của họ không chính xác.
Sáng nay Di thức dậy vào lúc năm giờ ba mươi sáng, giấc mơ đêm qua
nhanh và nhẹ nhàng hơn cô tưởng. Cô bật Lana Del Ray, kiểm tra email, ăn
sáng rồi thay chiếc áo phông trắng, khoác chiếc áo sơ mi đã chật mà cậu
bỏ lại rồi bước xuống quán vào lúc mười giờ, chiếc bàn quen thuộc của
cô lúc nào cũng trống vào tầm giờ này. Đặt quyển Hoàng hôn rơi xuống
trên bàn, cô nhìn thấy người đàn ông số 64 đã ngồi sẵn trong góc tối, từ
chỗ này cô thấy con số của anh ta sáng hơn, và hình như nó cũng mang
màu bạc chứ không phải nhờn nhợt như vòng khói thuốc. Hôm nay anh ta mặc
chiếc áo thun màu xám, khác với sơ mi như thường lệ và không bật máy
tính ở trên bàn.
“Chào Di, anh là Khải.”
Cô chỉ vừa đặt túi xuống thì anh đã đến trước mặt cô. Bắt nhẹ tay anh,
cô mời anh ngồi phía đối diện. Người đàn ông này có giọng nói trầm, rõ
ràng và bàn tay cực kỳ ấm. Cô chưa từng cảm nhận sự ấm áp nào như thế từ
bàn tay của người khác.
“Bàn tay của em đẹp thật!” Anh nói với vẻ như thể không kiềm lại được. Cô bật cười và nhìn thấy anh run lên.
“Anh dùng gì, hôm nay em sẽ mời anh.”
“Cảm ơn cô chủ quán, vậy anh không khách sáo nha. Này em – anh gọi cô
bé phục vụ – cho anh một ly Classic Caramel Latte thật to nhé.”
Cô lại cười, và lần này anh bớt run hơn.
“Cậu Lãm nói sẽ về, khoảng một tuần nữa.” Cô nói như thể thông báo với một người thân.
“Anh biết.”
“Cậu mời anh đến nhà chơi vào đêm Giáng sinh.”
“Anh nhận lời.”
***
Trong bức thư được gửi đến công ty cho Khải vào khoảng ba tháng trước,
Lãm bảo anh hãy đến và bảo vệ cho cháu gái mình vào ban ngày. Nếu có bất
cứ người đàn ông ngoại quốc nào mặc comple màu đen đến tiếp cận Di thì
làm ơn dẫn cô ấy bỏ chạy, đến đâu cũng được, và anh ta kèm một số tiền
lớn vào tài khoản của Khải. Anh không thể hỏi vì sao Lãm biết số tài
khoản ngân hàng của mình, mặc dù anh thường viết email cho Lãm để thông
báo về cuộc sống hiện tại của mình vài tháng một lần, nhưng chưa hề được
hồi âm. Riêng lần này, anh không gửi email để thông báo bất cứ tin gì
sau khi nhận thư của Lãm, anh biết không nên làm vậy. Vậy là Khải xin
nghỉ ở công ty, tìm các mối thiết kế để làm freelance, rồi anh đến tìm
Di để làm công việc mà anh biết chỉ có mình mới có thể làm.
“Em làm công việc gì?” Khải hỏi cô khi đang ngồi cùng bàn, chiếc bàn ở
giữa quán, có hai ghế sofa khá êm ái và thoải mái. Anh chưa bao giờ nghĩ
rằng ngồi ở đây lại bớt đi cảm giác cô đơn đến thế, mặc dù không hề có
các bức vách ở xung quanh, có thể vì anh ít khi chui ra khỏi góc tường
của chính mình. Cô có vẻ giật mình khi nghe anh hỏi, rời ánh mắt khỏi
dòng người ngoài phố, cô nói:
“Em nhìn người ta yêu nhau …
… và viết lại những câu chuyện đó. Có khi em nhìn cách người ta ăn mặc,
rồi viết lại xu hướng đó. Có lúc em vẽ nên những thứ mà người ta chưa
sản xuất ra.”
“Có nghĩa là em viết báo, sáng tác, và thiết kế?”
“Chỉ tương tự thôi,” cô ngừng rồi nói tiếp “công việc thiết kế ấy, nó
không giống như anh đang làm, và công việc viết lách cũng không giống
nhà báo cho lắm.”
Thật lạ là anh và Di, hai người tưởng chừng như không có cơ hội để gặp
nhau lần nữa, lại cùng ngồi đây, chờ Lãm trở về. Lãm đã trở thành mối
liên kết, khiến anh thấy người con gái ngồi kế mình giống như một người
thân. Càng gần Di, anh càng cảm thấy được nguồn năng lượng kỳ lạ mà cô
tỏa ra, cái thứ khiến anh thấy mình muốn chở che cho cô, bảo bọc lấy cô,
mặc dù bên ngoài Di tỏ ra là một cô gái vô cùng mạnh mẽ. Giống như lần
đầu anh nhìn thấy cô. Tính cách anh và Di không hề giống nhau, quan điểm
cuộc sống cũng khác. Người ta thường dễ chấp nhận và yêu thương người
giống mình, nhưng ngược lại thì rất khó. Vậy mà anh lại thấy một tình
cảm rất kỳ lạ dành cho cô gái anh chỉ mới trò chuyện cùng có mấy ngày.
***
Khải giúp cô sơn xanh lại chiếc kệ sách trong quán. Cây thông cũng đã
được thắp đèn, xung quanh là những dây kim tuyến và những quả cầu nho
nhỏ. Chưa bao giờ cô thấy chúng đẹp như thế này, những thứ đồ trang
hoàng thần thánh. Lúc cầm quyển sách “Sinh vào ngày xanh” và chuẩn bị
đặt vào kệ, cô bất chợt hỏi Khải:
“Sinh nhật của anh là ngày nào?”
“Ngày 21/06 đó em, ngày báo chí Việt Nam, nhưng anh không có khiếu làm nhà báo.”
Số 64 phía bên trên anh bỗng trở nên rõ ràng hơn, ánh bạc lấp lánh như
quả cầu lớn trên ngọn thông. Cô bỗng nhớ về số 216 của mình, nhưng anh
đâu phải số 124.
“Cậu Lãm của em có kể với anh về việc sửa giấy khai sinh của em…” Khải
bất chợt kể câu chuyện đó. Anh hơi chột dạ, vì Lãm bảo việc sửa giấy
khai sinh là để bảo vệ cho cô, nhưng giờ đã có anh ở đây bảo vệ cho cô
rồi còn gì? Anh sẽ không rời đi, ngay cả khi Di hay Lãm bảo anh phải đi.
Cô đứng đó, nhìn anh, ngạc nhiên đến không nói được lời nào. Anh tưởng
cô thấy sốc vì việc mình bị sửa ngày sinh mà không hề hay biết trong
suốt hai mươi năm trời. Những món quà sinh nhật cô đều được nhận vào
12/04, dòng chữ trên các bánh kem cũng luôn là 12/04, cô chưa hề mải mai
nghi ngờ ngày sinh của chính mình.
Thật lạ là chuyện đó lại không làm mình buồn, cô tự nhủ rồi đặt quyển sách cuối cùng lên giá sách.
***
Sau khi đi một vòng quanh hồ rồi trở về quán, Khải đứng tần ngần trước
cửa nhìn cô bước vào. Vừa nãy cô ngước mắt nhìn anh và hỏi: “Chỉ còn một
ngày nữa thôi, có khi nào cậu Lãm chỉ nói thế, mà không về …” Ánh mắt
ngân ngấn nước đó làm tim cô ngừng mất một nhịp. Lạ thật, anh đã ba mươi
rồi, không còn là cậu nhóc xuyến xao trước cô bạn học cùng lớp nữa, sao
cảm xúc cứ như trẻ con thế này. Cô nhìn Di qua lớp cửa kính, cô đang
đứng cạnh cây thông lớn như thể đang hỏi cái cây rằng liệu người bảo tao
trang trí mày có về nhìn mày một lần không? Trông cô như một đứa trẻ
đang hờn giận chính mình vậy.
“Này, cậu Khải, cậu đừng nói với cô là cậu yêu con bé đó nhé. Tôi không cho phép đâu.”
Lãm bước ngay đến sau lưng anh. Khuôn mặt đó ốm đi và già dặn hơn,
nhưng vẫn là nụ cười hiền hậu mà anh dành cho Khải vào 6 năm trước, mặc
dù bây giờ nó ẩn khá sâu sau lớp râu rậm rạp. Bộ đồ Lãm mặc trên người
bạc nhiều chỗ, làm anh có vẻ bụi bặm hơn xưa. Lãm xách chiếc túi du lịch
nhỏ gọn, như thể vừa trở về từ một chuyến đi ngắn ngày. Khải chống chế
như thể mình là cậu nam sinh bị thầy bắt gặp nhìn trộm một cô bạn:
“ Không phải vậy đâu anh ơi…”
“Cậu đừng có mà nói dối tôi!” – Lãm giả bộ quát, rồi bước vào quán, trông anh có vẻ rất hồi hộp.
Ngày mai là Giáng sinh rồi, đêm của đoàn tụ và an lành. Khải thầm nghĩ rồi bước theo chân anh.
Bình Yên
No comments:
Post a Comment