Long chưa bao giờ thấy ai bán vé số mà đẹp vậy. Cả cái xóm Cải Già này xôn xao hẳn lên từ khi cổ đến, nhứt là mấy ông sồn sồn rỗi việc và mấy cậu choai choai tuổi mới dậy thì. |
Mấy quán càphê trong xóm ế ẩm thường xuyên tự dưng đông khách lạ thường, người ta đến ngồi chật cả quán để uống càphê và mua vé số. Thật ra là để ngắm cô bán vé số và trêu ghẹo vài câu. Quán có mười bàn thì hầu như cả mười bàn đều có người mua số. Ông Tư Búa lựa một hồi lâu mà chỉ mua một tấm, miệng cười hề hề méo xẹo: - Mỗi bữa mua một tấm được rồi, bi nhiêu đó mà vô độc đắc chắc là đủ cưới em rồi hén! Một tấm vé số này biết đâu bằng tiền tui mài dao hai chục năm. Mà cô em tên gì? Hổm rày quên hỏi. Cô gái liếc nhẹ ông một cái: - Trúng năm tấm tui mới ưng, mua thêm vài tấm nữa đi rồi tui nói tên cho biết. Ông Tư thấy cột sống mình như có một luồng điện chạy rần rần trước cái liếc mắt sắc như dao cạo, rất đơn giản bởi đã hơn năm mươi tuổi rồi mà ông chưa có lấy một lần làm chú rể. Ông móc hết các túi của cái quần soọc gom được mười một ngàn, chừa một ngàn để trả ly càphê đen còn bi nhiêu mua hết, ông phùng mang: - Chơi xả láng, sáng có giang máy cày dìa luôn. Cô tên gì nói tui nghe đi! Cô lẹ làng đưa ông thêm bốn tấm vé số nữa: - Thuyền! Điêu Thuyền đó nghen! Tui đang chờ Lữ Ôn Hầu mà chưa thấy ổng đâu. Cả quán cà phê cười rần rần trước câu đùa có duyên (hay vô duyên) của cô. Hình như người đẹp nói câu nào cũng có duyên. Long ngồi một mình lặng lẽ quan sát cô gái. Đẹp như vậy chắc thiếu gì dân nhà giàu đeo, hay ít nhất cũng có thể xin được những chỗ làm tốt thì tại sao đi bán vé số chớ. Hổng lẽ cổ không biết chữ như mình? Hổng biết chữ nhưng đẹp vậy thì cũng thiếu gì chỗ nhận? Long nhìn kỹ và nhận thấy cô gái này có một điều gì đó rất bí ẩn, đằng sau ánh mắt lẳng lơ giả tạo kia như cất giấu một nỗi buồn. Người trải qua bao nhiêu nỗi đau trong cuộc sống như Long thì nỗi buồn của người khác anh cảm thấy rất rõ dù người ta cố tình che giấu nó đi. Cô nhìn quanh quất rồi đi về phía bàn Long, chìa xấp vé số ra, giọng ngọt như mía lùi: - Anh Hai mua giùm em vài tấm, chiều nay trúng số lấy rổ đựng tiền, chạy liền ra chợ, bợ cái tivi, dìa coi cho đã. Cô nói một hơi có vần có điệu nhưng không hiểu sao Long chẳng có một chút cảm giác nào. Anh chỉ thấy tội nghiệp thật lòng cô gái trẻ kia, sao mà phải sống trong một cái vỏ bọc như vậy chớ. Anh lắc đầu nhè nhẹ: - Tui không bao giờ kiếm tiền bằng cách rủi may. Một chút bối rối hiện lên khuôn mặt, cô gái lặng lẽ bước ra khỏi quán, dáng đi sao mà trông khổ đến lạ. Khi không Long lại xao lòng với tấm lưng thon thả. Anh tự cười mình: Điên thiệt! Không tới mầy đâu mà trông, người ta đẹp như vậy thiếu gì người đeo. Quên đi! Cái thằng bốc vác mà mong gì! Anh cố quên nhưng không biết sao chẳng thể nào quên được, bóng dáng ấy cứ bám lấy anh, dai dẳng đến đáng ghét. Anh vác gạo hùng hục cho quên, mệt quá thì quên mà hễ nghỉ uống nước một chút thì nhớ, tối về nhà nằm trằn trọc không ngủ được lại càng nhớ hơn. Từ hôm anh từ chối mua số, cô không bao giờ mời anh nữa. Cô càng nói chuyện bạo hơn làm cho mấy ông hảo ngọt chết mê chết mệt và vé số cô bán càng chạy hơn, có ngày cô bán hơn ba trăm vé. Trong xóm xảy ra không biết bao nhiêu vụ vợ chồng lục đục chửi bới, thậm chí đánh nhau tơi tả mà nguyên nhân cốt lõi theo mấy bà vợ là đều do mấy tấm vé số của cô. Một bữa, bà Hai thu mua phế liệu bị chồng đánh chạy cồng cồng ra giữa chợ chửi rùm lên: - Trời đất ơi! Bà con ơi! Nó mê con đĩ đó, tui nói mà nó đánh tui. Bi nhiêu tiền đem mua vé số hết! Sao hông mua luôn "cái đó" đi! Ông Hai chạy theo lôi bà về nhà. Bà cố vùng vẫy, cào cấu nhưng cuối cùng cũng phải chịu phần vì ông mạnh quá, phần vì bà con cả chợ bu lại, như coi hát Sơn Đông. Mắc cỡ. Nhiều ánh mắt nhìn bà thông cảm, cả cái chợ này hình như rất nhiều người bị chồng hạ cẳng tay, thượng cẳng chân vì cô bán vé số. Họ xúm lại bàn bạc, rì rầm chửi rủa cô thậm tệ, coi cô chính là thủ phạm làm cho gia đình họ xào xáo không yên. Lẽ thường tình hễ tức nước là vỡ bờ. Một buổi chiều đi vác gạo ngoài bến về, Long thấy rất đông người bu đen bu đỏ. Nghe mấy bà đàn bà chửi toàn những lời tục tĩu, trong đầu Long lờ mờ đoán ra điều gì đó bất ổn đến với cô. Anh vẹt đám đông bước vào và một cảnh hãi hùng đập vào mắt anh. Bốn năm người đàn bà đang túm lấy Thuyền, miệng chửi tay đánh. Bà Hai là người hung hăng nhất: - Đánh cho mầy đi khỏi xứ này luôn! Mầy là con quỷ chớ con người gì! Bữa nay, tụi tao cho mầy biết tay! Nói xong bà cầm cây kéo chụp đầu cô cắt lia lịa, từng lọn tóc bay lả tả xuống đất. Mái tóc dài tha thướt của cô nhanh chóng xơ xác đến tội nghiệp. Mấy bà khác cũng xúm lại xé áo xé quần cô nghe rẹt rẹt. Thuyền ngồi dưới đất cam chịu, không cự nự, đôi mắt ráo hoảnh không có một giọt nước mắt nào. Gương mặt vô hồn. Nhói lòng, Long vội bước tới lôi mấy bà kia ra, ẵm Thuyền chạy ra khỏi đám đông hỗn loạn. Anh nghe họ chửi với theo: - Mầy giỏi thì cưới nó đi cho tụi tao yên! Cái thứ đó cưới nó, mầy cũng khổ thôi chớ chẳng sướng ích gì đâu. Ra khỏi chợ, anh bỏ cô xuống, cởi áo mình choàng vô cho cô mặc. Lúc nầy, Long mới thấy hai giọt nước mắt trong veo lặng lẽ chảy dài trên má Thuyền. Anh nói nhỏ, giọng run run vì xúc động: - Sao cô ra nông nỗi nầy chớ, tui cũng không hiểu tại sao cô phải sống theo cách như vậy nữa. Có chuyện gì cô nói thử coi tui có giúp được gì không. Cô ở đâu tới đây vậy? Anh hỏi một hơi mà cô vẫn không trả lời câu nào. Hai người ngồi im lặng trên bờ đê nhìn con nước ròng hồi lâu. Cuối cùng cô đứng dậy: - Tui dìa đây! Cảm ơn anh! Cô lê từng bước chậm chạp trên con đê nhỏ, anh nhìn theo cái bóng nhỏ vàng vọt, xiêu vẹo in trên đê dưới những tia nắng chiều cuối cùng yếu ớt. Tự dưng anh thấy mắt mình cay cay. Ngay ngày hôm sau, xóm Cải Già lại nhanh chóng loan đi một tin khủng khiếp: Thuyền không còn đi bán vé số nữa mà đã đi bán bia ôm ở quán Điểm Hẹn của bà Năm Đau Khổ. Cái quán này Long chưa bao giờ ghé nhưng nghe thiên hạ nói thôi thì cũng đủ biết, ai vô đó bước ra bao giờ cũng rất "đau khổ" vì may mắn lắm là còn lại bộ đồ. Cuối cùng anh cũng gặp Thuyền ngoài chợ khi cô cố tình cho cả chợ này biết hình ảnh mới c2715
Subscribe to:
Post Comments (Atom)
|
No comments:
Post a Comment