May 21, 2013

Biên Thành Lãng Tử - Hồi 2


BIÊN THÀNH LÃNG TỬ

Hồi 2 Vạn Mã đường

Trời mênh mang.
Đất thênh thang.
Chứa chang huyết lệ, đời đoạn can tràng.
Một vào Vạn Mã.
Đừng mong trở lại gia đàng!
..........
Lời ca thê thảm, giọng ca ai oán, não nùng, vang lên văng vẳng giữa đêm trương, hoang theo tiếng gió vi vu, ai nghe qua mà không se sắt lòng!!
Người áo trắng biến sắc mặt dần dần, sau cùng bỗng vươn tay, đẩy cửa hông xe, đồng thời buông gấp :
- Xin vô phép!
Tiếng cuối vừa dứt âm vang, người như mũi tên, lao ra bên ngoài, rồi một cái lắc mình tiếp nối người biến mất luôn.
Gã đánh xe vút ngọn roi trong không gian, tám con ngựa đang phi nước đại, chợt đứng lại, cỗ xe suýt văng bổng lên.
Ngoài ba trượng, người áo trắng đáp xuống mặt đường, một chân co, một chân nhón, chân chạm đất, mình tung bổng trở lên, như chiếc pháo thăng thiên.
Đêm giữa đồng hoang tịch mịch quá.
Con đường trải cát vàng hiện lờ mờ dưới ánh trăng yếu ớt, chạy tận vào cõi âm u...
Nhưng tiếng ca vẫn còn vang, lúc bổng lúc trầm, như thét gào, như rên rỉ, như nguyền rủa, như van lơn...
Rồi gió từng cơn cuốn về, như để tăng phần hoang lương cho tịch mịch.
Từ đâu đó, người áo trắng trầm giọng gọi :
- Bằng hữu đã có ý gây hấn, tại sao không ra mặt đối thoại?
Giọng của hắn trầm, song hơi hám sung mãn, âm thanh vang vọng rất xa, rõ ràng từng tiếng một!
Thốt xong, người áo trắng lao mình về một vùng cỏ nửa khô nửa vàng.
Gió đùa qua, cỏ lạng xuống, bật lên, như sóng to đùa lượn!
Không có người tại đó.
Dĩ nhiên không có tiếng đáp.
Người áo trắng cười lạnh tiếp :
- Tốt! Chỉ cần bằng hữu đến khu vực này thôi. Bằng hữu đã đến rồi, tại hạ chờ xem bằng hữu còn trốn tránh được bao lâu nữa.
Hắn ngẩng mặt nhìn trời, đoạn tung mình lên đáp xuống, độ bảy tám lượt, đã đến chỗ cỗ xe đỗ.
Diệp Khai với dáng từ từ tựa mình vào hông xe, tay nhịp ngón vào vách, miệng từ từ ca :
-... Vào Vạn Mã, đao gãy bảng, can trường đứt đoạn, đừng mong trở lại cố hương.
Y sửa lại một chút cho hợp với ý mình.
Mắt y nhắm hờ, miệng y cười hờ, mường tượng tán thưởng lời ca bao hàm một ý tứ thích thú.
Người áo trắng mở cửa xe, bước lên vào mui ngồi xuống chỗ cũ, miễn cưỡng điểm một nụ cười thốt :
- Không rõ gã điên nào ca loạn lên như thết! Các hạ nghe làm chi!
Diệp Khai cười nhạt đáp :
- Vô luận gã hát thật hay hát đùa, cái đó chẳng quan hệ mảy may với tại hạ! Tại hạ có nghe hay không nghe, cũng chẳng sao!
Người áo trắng chớp mắt :
- Ạ?
Diệp Khai đập tay khắp thân mình, tiếp :
- Các hạ xem đây! Tại hạ không mang đao nào, thì đao đâu mà gãy bảng! Còn can trường của tại hạ, chỉ sợ rượu đã làm nát bấy từ lâu! Huống chi tại hạ lấy bốn biển làm nhà, thì làm thì có cố hương mà mong trở lại? Nếu Tam lão bản thực tâm muốn quỉ tại tại hạ tại Vạn Mã đường, tại hạ cho rằng mình hưởng phúc lưu truyền tam đại đó!
Người áo trắng cười vang :
- Các hạ có tâm trường rất cởi mở! Tại hạ không làm sao sánh kịp!
Diệp Khai cười nhẹ :
- Yên Trung Phi Hạc Vân Tại Thiên có ba tuyệt kỹ khinh công, lại tự cho rằng mình chẳng bằng ai, thì quả thật là một điều lạ!
Người áo trắng thoáng giật mình, nhưng lấy ngay bình tĩnh, ngửaa mặt lên, bật cười dài, thốt :
- Vân này ẩn tích mai danh hơn mười năm dài, không ngờ vừa tái nhập giang hồ, các hạ thấy là nhận ra ngay! Quả thật các hạ có nhân lực phi thường?
Diệp Khai điềm nhiên :
- Dù cho nhãn lực của tại hạ có yếu kém, song nếu không nhận ra ba tuyệt kỹ khinh công: thôi Song thôi Nguyệt Phi Vân, Nhất Hạc Xung Thiên Quan Vân, Bát Bộ Sấn Thiên Trung Vân, thì còn bôn tẩu giang hồ làm chi nữa!
Vân Tại Thiên cười gượng :
- Đáng thẹn! Đáng thẹn!
Diệp Khai buông luôn :
- Có thuật khinh công như vậy, mà cho là đáng thẹn, tại hạ nghĩ lại mình, sao muốn tự tử quá chừng!
Vân Tại Thiên chớp mắt :
- Các hạ còn nhỏ tuổi, thế mà chẳng những có kiến thức hơn người, mà về võ công của các môn các phái trên giang hồ, các hạ am tường như lòng bàn tay! Còn tại hạ thì cho đến bây giờ, chưa biết mảy may về lai lịch của các hạ! Thế chẳng phải là điều đáng thẹn sao?
Diệp Khai mỉm cười :
- Tại hạ đã nói, lấy bốn biển làm nhà, nếu các hạ tìm được một lai lịch nào về tại hạ, thì quả thật là quái sự!
Vân Tại Thiên trầm ngâm một lúc, muốn nói gì đó, bỗng có tiếng gõ cốc cốc nơi ngoài cửa xe, mường tượng có người báo hiệu.
Hắn giật mình, hỏi :
- Ai?
Không ai đáp.
Nhưng bên ngoài cửa, ba tiếng cốc cốc cốc nữa tiếp nối vang lên.
Hắn cau mày, bỗng vươn tay đẩy cánh cửa.
Cánh cửa theo đà xe chạy, đong đưa mạnh, nếu có kẻ nào đeo nơi đó, dù có bị đóng đinh cứng, cũng phải bị xe vòng mà rớt xuống ngay.
Nhưng, phải có người chứ! Nếu không thì làm gì có tiếng gõ cửa?
Vân Tại Thiên trầm gương mặt, thốt :
Thấy việc quái mà không cho là quái, thì rồi đối với người thấy, việc quái đó trở thành trơ trẻn, hết quái ngay! Và kẻ nào còn muốn tiếp tục làm việc quái, kẻ đó thật ngu xuẩn hết sức!
Bỗng một bàn tay từ mui xe ló xuống, một bàn tay ốm màu vàng, nơi tay có chiếc chén mẻ đi một phần.
Rồi một giọng nói âm trầm nửa âm nửa dương vang lên :
- Có rượu không? Cho ta một chén đi, khát suýt chết đây!
Vân Tại Thiên mỉm cười :
- Cũng may trong xe có rượu, nhưng tại sao Lạc tiên sanh không xuống đây mà uống?
Hắn nhìn bàn tay, nhận ra người.
Rồi hai chân thòng xuống, với chân mang giày cỏ, còn nửa đế, trát đầy bụi đất bít cả lỗ đan.
Đôi chân đong đưa theo đà xe vồng.
Diệp Khai đâm lo, sợ người đó bất thình lình bật xuống đường, tan xương nát thịt chết oan mạng.
Nhưng chàng chỉ lo sợ hảo.
Bóng người chớp lên vị khách lạ đã đáp xuống ngồi đối diện với chàng ung dung, êm ái.
Khách lạ nhìn chàng.
Chàng nhìn khách lạ.
Khách lạ vận chiếc áo tú tài, vừa mới vừa sạch. Không thể tưởng người có đôi chân đó lại vận chiếc áo đó!
Diệp Khai sanh thích thú ngay.
Con người đối diện gây hào hứng cho chàng không ít.
Lạc tiên sanh vụt trừng mắt hỏi :
- Nhìn chi mà kỹ thế? Ngươi tưởng ta trộm chiếc áo này mặc vào người chắc!
Diệp Khai mỉm cười :
- Nếu quả thật là chiếc áo đánh cắp thì tại hạ van cầu tiên sanh chỉ cho biết đã đánh cắp tại đâu! Tại hạ cũng muốn đánh cắp một chiếc!
Lạc tiên sanh hứ một tiếng :
- Từ bao lâu rồi, ngươi chưa thay áo?
Diệp Khai thản nhiên :
- Không lâu lắm! Mới ba tháng nay thôi!
Lạc tiên sanh cau mày :
- Chẳng trách nơi đây có mùi cá chết sình! Khó ngửi ghê!
Diệp Khai chớp mắt :
- Còn tiên sanh? Bao nhiêu lâu thay áo một lần?
Lạc tiên sanh hừ lạnh :
- Bao nhiêu lâu thay áo một lần! Cho ngươi biết, mỗi ngày hai lượt đó!
Diệp Khai nheo mắt :
- Còn tắm?
Lạc tiên sinh nghiêm giọng :
- Tắm là cái việc làm hao tổn ngươn khí con người nhất, cho nên ai muốn mạnh khỏe thì đừng bao giờ tắm!
Diệp Khai cười hì hì :
- Tại hạ là bình cũ rượu mới, còn tiên sinh là bình mới, chất rượu cũ, cách tuy khác, song cái ý tứ thay đổi tương đối hà tất phải biếm nhau?
Lạc tiên sinh nhìn chàng một lúc, càng nhìn càng nhận ra đối tượng nói năng thú vị ghê.
Chợt, lão cất cao giọng :
- Tuyệt diệu! Cái tỷ dụ đó tuyệt lắm! Chỉ có bậc tài tử mới được một tỷ dụ như vậy! Nào nào!... Rượu đâu! Mang ra đây, gặp tài tử mà không uống mấy chén thì uổng cái hạnh ngộ thật!
Vân Tại Thiên cười nhẹ :
- Chắc hai vị chưa biết nhau là ai? Vị tiên sinh này là đại nhân vật phái Võ Đương, một danh sĩ đương thời tên Lạc Lạc Sơn! Còn...
Diệp Khai ứng tiếng :
- Tại hạ là Diệp Khai.
Lạc Lạc Sơn khoát tay :
- Khai hay bế, cái đó chẳng quan hệ tí ti, chỉ cần ngươi là tài tử là ta chịu làm le phải uống với ngươi ba chén mới được!
Diệp Khai gật gù :
- Sao lại ba chén! Ba trăm mới được chứ!
Lạc Lạc Sơn vỗ tay :
- Phải phải! Đúng ba trăm chén. Thiếu một chén là kém lão say điên Lý Bạch ngày xưa rồi!
Vân Tại Thiên lôi dưới lườn xe ra một vò rượu thốt :
- Tam lão bản đang chờ đấy nhé! Ngàn vạn lần xin tiên sinh đừng uống say!
Lạc Lạc Sơn trừng mắt :
- Cái gì Tam lão bản ta cũng bất chấp luôn! Ta kính trọng tài tử thôi, lão bản thì ra cái quái gì! Nào tài tử ơi! Cạn! Cạn!
* * * * *
Song phương mỗi người cạn ba chén.
Một tiếng kẻng vang lên, chén rơi xuống sàn xe lăn về một góc Lạc Lạc Sơn. Gã ngoẻo đầu tại chỗ, say vùi.
Diệp Khai cười nhẹ :
- Cái vị tiên sinh họ Lạc này say gắt quá!
Vân Tại Thiên cũng cười :
- Các hạ không biết ai? Lạc tiên sinh còn có một ngoại hiệu khác, là Tam Vô!
Giang hồ cũng gọi lão là Tâm Vô tiên sinh đó!
Diệp Khai cau mày :
- Tam Vô tiên sinh?
Vân Tại Thiên gật đầu :
- Một, hiếu sắc nhưng vô can đảm. Hai, hiếu hữu song vô lượng. Ba, hiếu đổ song vô thắng! Với ba cái “Vô” đó, tiên sinh bèn xưng là Tam Vô!
Diệp Khai tán thưởng :
- Là danh sĩ, lại phong lưu, thì có mấy “Vô” cũng chẳng sao! Có cũng như không, không cũng như có, có cũng chẳng được còn mãi mà không cũng chẳng phải là một điều đáng hận!
Vân Tại Thiên mỉm cười :
- Không ngờ các hạ là một tri âm của Lạc tiên sinh!
Diệp Khai mở cửa hông xe, thở một hơi dài, bỗng hỏi :
- Lúc nào chúng ta mới đến Vạn Mã đường?
Vân Tại Thiên đáp gọn :
- Đến lâu rồi.
Diệp Khai giật mình :
- Thế là xe vượt qua khỏi rồi?
Vân Tại Thiên lắc đầu :
- Xe chỉ vượt qua địa giới Vạn Mã đường thôi!
Diệp Khai hỏi :
- Vạn Mã đường có diện tích bao lớn?
Vân Tại Thiên điềm nhiên :
- Không ai đo, nên không biết con số đích xác. Đại khái, dùng tuấn mã mà đi, từ cực đông đến cực tây, hay từ cực nam đến cực bắc, khởi hành từ bình minh, đi mãi đến khi hoàng hôn xuống, mới giáp hai đầu.
Diệp Khai thở dài :
- Thế là Tam lão bản mời khách đến dùng điểm tâm sáng!
Vân Tại Thiên mỉm cười :
- Các hạ khỏi lo. Địa điểm tiếp tân ở phía trước kia không còn xa lắm!
Có tiếng ngựa hí văng vẳng theo gió vọng lại, từ mọi hướng Đông Tây Nam Bắc vọng lại.
Diệp Khai thò đầu ra khung cửa hông xe.
Trước mặt, xa xa, có ánh đèn.
* * * * *
Đèn sáng huy hoàng, như ban ngày.
Cỗ xe dừng trước một tòa sàn đài bằng gỗ, đài cao ba trượng, chẳng rõ bên trong co bao nhiêu trăm ngàn gian.
Một cột cờ trước vọng cửa cái, cao chót vót, mặt ngửa lên, cổ bẻ thành góc vuông mới trông thấy lá cờ.
Nhưng, lúc đó, cờ đã hạ xuống, chỉ còn chiếc cột sừng sựng.
Diệp Khai xuống xe, thở luôn mấy hơi dài, đoạn đảo mắt nhìn quanh, chàng phải thán phục bộ óc kiến tạo của chủ nhân dựng lên một khung trời nhiệt náo tại đây, hẳn là phải lắm công trình!
Bởi, nơi đây hoang vắng, chung quanh là mênh mang, chẳng khác giữa vùng sa mạc, đưa vật liệu từ vạn dặm xa đến nào phải sức một trăm người làm nổi trong một thời gian ngắn?
Không tưởng tượng được!
Vân Tại Thiên xuống xe theo chàng, cười nhẹ, hỏi :
- Các hạ thấy sao?
Diệp Khai thở ra :
- Tam lão bản đắc ý đến mức độ này, kể ra không uổng sanh trên trần thế!
Vân Tại Thiên cũng thở dài :
- Phải nhận rằng con người đó là một phi thường nhân. Được như ngày nay, tưởng chẳng phải dễ!
Diệp Khai gật đầu, rồi hỏi :
- Lạc tiên sinh?
Vân Tại Thiên đáp :
- Còn đi đứng gì nổi nữa!
Diệp Khai chớp mắt mỉm cười :
- Cũng may, khách không chỉ là hai người bọn tại hạ!
Vân Tại Thiên cau mày :
- Ạ!
Diệp Khai chợt bước tới cạnh xa phu, vỗ tay vào vai y, cười nhẹ, thốt :
- Các hạ vất vả quá!
Xa phu giật mình, cười bâng quơ :
- Bổn phận mà, khách nhân! Ăn cơm chủ, phải làm việc chủ, sợ vất vả thì đừng làm, không làm thì phải không ăn luôn!
Diệp Khai tiếp :
- Thực ra, các hạ có thể ung dung ngồi trong xe như ai, tội gì mà phải hành xác nhọc nhằn!
Xa phu giật mình, sững sờ một phút, bỗng hất chiếc nón xuống, cười vang :
- Nhãn lực khá lắm, khá lắm! Đáng phục!
Diệp Khai tiếp luôn :
- Nhân lúc xe đỗ lại bên đường, các hạ xuất hiện, điểm huyệt gã phu xe, quăng xác vào đám cỏ, cởi lấy y phục của gã, mặc vào người ngồi vào chỗ đánh xe, bao nhiêu động tác đó chỉ làm trong một thoáng là xong! Thử hỏi trên đời này còn ai hơn? Phải nhận rằng, Tế nhực Du ty, khoái như thiểm diện mới đúng! Tế nhị, nhẹ nhàng như tơ bay, nhanh như ánh điện chớp!
Xa phu kinh ngạc :
- Làm sao các hạ nhận ra người?
Diệp Khai mỉm cười :
- Trên giang hồ, ngoài Phi Thiên Tri Thù ra, còn ai có thân pháp thủ pháp đó?
Phi Thiên Tri Thù cười lớn, cởi chiếc áo trắng bên ngoài ra.
Bên trong là một bộ y phục chẹt, màu đen.
Y bước tới trước mặt Vân Tại Thiên, vòng tay xá, đoạn thốt :
- Tại hạ nhân hứng, đùa một chút, ngàn vạn lần xin Vân trường chủ thứ lỗi!
Vân Tại Thiên cười nhẹ :
- Các hạ đến, bổn đường thêm vinh hạnh, nào có lỗi gì! Xin mời!
Lúc đó, đã có người dìu Lạc Lạc Sơn xuống xe.
Vân Tại Thiên đi trước, xuyên qua một tòa nhà rộng lớn.
Hướng đạo và khách đến một vọng cửa gỗ, cánh đóng lại, người chưa gọi, cửa mở ra.
Ánh sáng bên trong tuôn ra, như nước tràn bờ, đập vào mắt kẻ bên ngoài.
Một người xuất hiện tại cửa.
Cửa vốn cao, vốn lớn, người đó đứng tợ hồ che khuất cả ngang lẫn cao.
Diệp Khai không phải thấp vóc, song muốn nhìn mặt người đó, chàng phải ngẩng đầu lên.
Người đó có bộ ria quá rậm, mọc lan tràn khắp mặt, vận áo trắng, quanh hông có sợi giây da, bảng rộng độ tấc, nơi giây có một thanh loan đao cổ quái, vỏ bạc, chuôi đen.
Tay y cầm một chén rượu.
Chiếc chén không to lắm, nhưng nếu là người khác, thì phải dùng cả hai tay mới cầm nổi.
Vân Tại Thiên bước tới, cười vuốt :
- Tam lão bản?
Người đó đáp :
- Đang chờ.
Rồi hỏi lại :
- Khách đã đến đủ?
Giọng nói của y rền vang, như sấm nổ ngang đầu đối tượng, ai nghe rồi, tai vẫn còn kêu oang oang.
Vân Tại Thiên đáp :
- Ba vị thôi!
Đại hán ria rậm nhướng đôi mày, cao giọng :
- Còn ba vị nữa.
Vân Tại Thiên tiếp :
- Chỉ sợ đến gấp bây giờ!
Đại hán gật đầu :
- Tại hạ là Công Tôn Đoạn, một vũ phu thô lỗ. Xin mời ba vị vào!
Bên trong cửa, là bức bình phong gỗ to lớn, ước độ hai trượng cao, chẳng có hình vẽ, chẳng có chữ, nhưng sạch bóng.
Diệp Khai vừa bước qua cửa, thì vừa nghe vó ngựa rập ràng từ xa xa vọng đến.
Lắng tai, chàng nhận được chín con.
Chín ngựa thoáng mắt, đến trước sàn đài gỗ.
Người trên ngựa nghiêng một chân, thân hình chênh, chân kia rời bàn đạp.
Cả chín kỵ sĩ cùng xuống ngựa một lượt, động tác rập như một.
Cả chín người cùng đội mảo vàng vận áo lụa tía, hông mang trường kiếm, vỏ kiếm nạm đá quý chớp chớp dưới ánh đèn.
Trong chín người có mang một sợi giây băng vàng sậm quanh hông, tua kiếm lủng lẳng một hạt minh châu to bằng mắt rồng.
Cả chín người cùng thuộc lứa thanh niên, dung mạo anh tuấn.
Thanh niên có đai vàng và hạt minh châu, chừng như thủ lãnh của bọn, đi giữa, tám người theo vây quanh, cùng đi thẳng vào.
Y cất tiếng, song chẳng rõ hướng về ai, cùng các người khách khác hay với Vân Tại Thiên, Công Tôn Đoạn :
- Tại hạ đến chậm, thật lỗi quá!
Không ai đáp một tiếng nào.
Y nói là lỗi quá, song mặt đầy ngạo khí, thần thái dương dương, tự nhiên người ta hiểu là y không nhận lỗi chút nào. Y đến chậm hay đến sớm tùy thích, chẳng ai trách y được.
Bỗng, Công Tôn Đoạn cao giọng hỏi :
- Ai là Mộ Dung Minh Châu?
Vị công tử đai vàng đảo mắt xéo qua đại hán lạnh lùng đáp :
- Tại hạ!
Công Tôn Đoạn tiếp :
- Tam lão bản chỉ thỉnh mỗi một mình các hạ thôi, xin để đám tùy tùng ở lại bên ngoài!
Mộ Dung Minh Châu biến sắc, hỏi :
Họ không vào được?
Công Tôn Đoạn lắc đầu :
- Không được!
Một thanh niên trong số tám người, nắm chặt đốc kiếm, tợ hồ muốn xuất thủ.
Nhưng, động tác của hắn chưa thành hình, một ánh sáng chớp lên, thanh loan đao của Công Tôn Đoạn chặt đứt cả kiếm lẫn vỏ của hắn.
Đút đao vào vỏ xong, Công Tôn Đoạn cất tiếng oang oang :
- Ai dám bạt kiếm tại Vạn Mã đường, cứ trông vào cái gương đó!
Mộ Dung Minh Châu xanh mặt.
Bỗng y quay mình vung tay tát vào mặt gã thanh niên bên cạnh, giận thốt :
- Ai bảo ngươi bạt kiếm? Chưa chịu cút ra ngoài cho ta nhờ, còn đứng đó làm chi hả?
Thanh niên không dám nói gì, quay mình bước trở lại.
Diệp Khai buồn cười hết sức!
Chàng nhận ra gã là kẻ bức chàng uống rượu hôm qua. Gã có cái tánh động việc gì cũng muốn tuốt kiếm, kiếm chưa tuốt, đã gãy rồi!
* * * * *
Sau bức bình phong, là tòa đại sảnh.
Vô luận là ai, chỉ thấy qua tòa đại sảnh là phải kinh hãi ngay!
Chiều rộng của đại sảnh, độ mười trượng thôi, song chiều dài thì thăm thẳm, tưởng chừng vô tận.
Một người đi từ đầu ngoài vào tận đầu trong, ít nhất cũng bước trên hai ngàn bước.
Trên tường bên tả có vẽ vô số ngựa chạy bay, có con ngẩng đầu như hí, có con phóng vó trong không gian, con nào cũng có vẻ đặc biệt, chẳng giống con nào.
Ngựa vẽ trông như ngựa thật, con nào cũng đẹp, cũng hùng tráng.
Bên kia tường, là ba chữ Vạn Mã đường, chữ to bằng vóc người, nét bút cực đẹp.
Giữa sảnh, có kê một chiếc bàn rất dài, bằng gỗ trắng, dài quá độ trông như một con lộ dài, chạy theo hang núi thẳm.
Hai bên bàn, có hai hàng ghế, phỏng độ ba trăm chiếc.
Ai không đến Vạn Mã đường, thì không bao giờ tưởng được trên đời có loại bàn dài cỡ đó! Mà cũng chẳng ai tưởng có lại khách sảnh dài cỡ đó!
* * * * *
Khách sảnh được trang trí rất đơn giản, chẳng có phần nhỏ mỹ lệ nào.
Nhưng, nó trang nghiêm vô cùng, nó cao quý ở cái chỗ mộc mạc mà thanh khiết.
Vô luận ai hiếu động đến đâu, vào đây rồi là trở thành trầm tịnh ngay.
Cuối đầu bàn trong, có chiếc giao ỷ rất rộng lớn, một người vận áo trắng ngồi trên giao ỷ đó.
Không ai thấy rõ con người đó có dáng vẻ như thế nào, chỉ thấy là y ngồi rất nghiêm trang, chừng như cái tánh của y là luôn luôn ngồi nghiêm trang, dù ngồi một mình.
Chiếc giao ỷ có lưng, cho y tựa mình, song y vẫn ngồi thẳng mình, ngại rằng dựa là mất nghiêm trang.
Y ngồi cách xa các người khác, xem đơn độc quá chừng! Y xa người mà cũng xa đời, xa vật!
Diệp Khai nhận thấy điều ấy ngay từ lúc vào đại sảnh.
Con người đó mường tượng không hề hoan lạc, không hề hưởng thọ, không hề có bằng hữu.
Chẳng lẽ muốn được tiếng anh hùng, người ta phải trả với cái giá đó?
Hiện tại thì y đang trầm tư, song chẳng rõ y hồi ức đến việc gì!
Những cuộc chiến gian nguy đưa y đến danh vị ngày nay?
Hay y động niềm cảm khái về kiếp nhân sanh ứ đầy sầu khổ?
Khách lũ lượt vào càng lúc càng đông, y mường tượng chẳng nghe, chẳng thấy.
Người đó là ai?
Là chủ nhân Vạn Mã đường, tại đất Quan Đông!
Người đã thắng qua trăm ngàn cuộc chiến, song người chưa thắng nổi sự mâu thuẫn trong nội tâm!
Người đã thành công trên mọi lãnh vực, song sự thành công đó chưa đảm bảo cho người sự an ninh toàn vẹn!
Người không bình tịnh được sau bao nhiêu thành quả thu lượm trên giang hồ.
* * * * *
Vân Tại Thiên bước dài đến nơi, bước tuy đài nhưng chân dẫm nhẹ.
Hắn đến cạnh chủ nhân, mọp mình thấp giọng thốt mấy câu.
Chủ nhân như tỉnh mộng, lập tức đứng lên, thẳng người, vòng tay, thốt :
- Xin mời các vị! Các vị ngồi!
Mộ Dung Minh Châu lướt lên, tay không tấc sắt.
Công Tôn Đoạn xông ra, ngăn chận.
Mộ Dung Minh Châu biến sắc, trầm giọng hỏi :
- Các hạ có điều chi chỉ giáo?
Công Tôn Đoạn không đáp, mắt đăm đăm nhìn thanh kiếm bên hông Mộ Dung Minh Châu.
Thì ra, y không nắm chuôi kiếm, song thanh kiếm vẫn còn ở bên mình.
Mộ Dung Minh Châu biến sắc lượt nữa.
- Hay là các hạ muốn cho tại hạ mở kiếm ra, để lại tại bàn?
Công Tôn Đoạn từ từ gật đầu, gằn từng tiếng :
- Không một ai được mang kiếm vào Vạn Mã đường.
Mộ Dung Minh Châu biến sắc lượt thứ ba, mồ hôi lạnh đượm thành hạt quanh xóng mũi.
Vô hình trung, tay y đặt lên đốc kiếm, bàn tay đó nắm chặt đốc kiếm, gân xanh nổi vồng.
Công Tôn Đoạn còn đứng nguyên tại chỗ, lạnh lùng nhìn y.
Mộ Dung Minh Châu run tay, chừng như khó dằn bàn tay rút soạt kiếm khỏi vỏ.
Chợt, một bàn tay đặt nhẹ lên tay sờ đốc kiếm của y.
Mộ Dung Minh Châu quay nhanh mình lại.
Diệp Khai cười nhẹ, nhìn y, thốt :
- Không lẽ các hạ cần có một tấc sắt nơi tay mới có can đảm vào Vạn Mã đường?
Một tiếng cộp vang lên. Thanh trường kiếm của Mộ Dung Minh Châu nằm gọn trên bàn.
* * * * *
Một ngọn đèn trời, như loại hải đăng, theo giây rút từ từ lên cao, lên tận đỉnh cột cờ.
Đèn lồng bằng lụa trắng, có năm chữ đỏ: Quan Đông Vạn Mã đường.
Bọn thanh niên áo tía, tựa mình nơi lan can sàn đài, nhìn ngọn đèn lồng từ từ lên cao.
Có kẻ cười lạnh, tự thốt :
- Quan Đông Vạn Mã đường! Hừ! Cái khí phái khoác lác quá!
Rồi một người nhạt giọng tiếp :
- Không hẳn là vậy đâu! Bất quá, chỉ là một thực hiệu lịnh biểu thị một ý tứ gì đó thôi!
Tại chân cột cờ, vốn không có người.
Hiện tại, một người đang đứng đó, vận chiếc áo trắng, chính y buông câu sau, đáp lại lời tự thốt của thanh niên áo tía.
Y buông từng tiếng, rõ ràng ung dung, thần sắc rất an tường. Y không mang kiếm hoặc đao chi cả!
Chẳng rõ y xuất hiện tại đó, từ lúc nào.
Y là Nhất Kiếm Phi Hoa Hoa Mãn Thiên.
Thanh niên áo tía dĩ nhiên không nhận ra lai lịch của Hoa Mãn Thiên.
Một trong bọn hỏi :
- Ý tứ như thế nào?
Hoa Mãn Thiên vẫn với giọng từ từ, giải thích :
- Cáo tố với cách anh hùng trên giang hồ, rằng tại Vạn Mã đường, trong giây phút này, một sự thương lượng, đang bắt đầu diễn tiến, trừ những vị được mời đến dự, vô luận là ai khác, vô luận có việc chi cần thiết, cũng chẳng được xâm nhập và phải chờ đến sáng hôm sau, muốn gì thì muốn.
Bỗng có một người hỏi :
- Nếu có kẻ nhất định vào, trong đêm nay?
Hoa Mãn Thiên bình tĩnh nhìn gã đó.
Bỗng, y vươn tay. Gã đó đứng khá xá, ngoài tầm tay của y, nhưng thanh kiếm nơi hông của gã chẳng rõ y dùng thủ pháp nào lại nằm gọn trong tay y. Đoạn, y chộp tay lại, thanh kiếm bằng thép cứng, một vật bảo vệ sinh mạng gã qua bao nhiêu ngày tháng, hiện tại bở như đất thó, gãy vụn thành năm bảy đoạn.
Thanh niên trố mắt, cứng miệng, không nói được một lời.
Hoa Mãn Thiên lấy một đoạn gãy, trao trả vào chiếc vỏ kiếm cho gã, rồi nhạt giọng, hỏi :
- Bên ngoài có gió lạnh, bên trong có rượu ấm, sao các vị không vào tìm ấm, lại ở đây hứng cái lạnh của gió lộng từ ngàn phương?
Y thốt xong, chẳng màng nghe ai đáp, quay mình bước vào đại sảnh.
Bọn thanh niên áo tía đưa mắt nhìn nhau, mặt trơ như ngốc.
Kẻ nào còn kiếm, kẻ đó đặt tay lên đốc kiếm, song chẳng một thanh kiếm nào được rút ra khỏi vỏ.
Vừa lúc đó, một người từ phía sau lưng họ thốt vọng tới :
- Kiếm, chẳng phải là vật trang sức, mang nó mà không biết dùng thì tốt hơn đừng mang cho đỡ vướng bận.
Âm thinh lanh lảnh, tuy nhỏ mà vút cao, ẩn ước có gì thành khẩn dù rằng khẩu khí có chạm tự ái người nghe.
Người phát thoại, rõ ràng là không khiêu khích, bất quá chỉ đưa ra một câu, khuyến cáo vậy thôi!
Bọn thanh niên áo tía biến sắc, quay mình!
Từ trong bóng tối, người phát thoại bước ra, chầm chậm, chần này đặt vững lắm rồi mới nhấc chân kia lên, đưa tới, chúng như kéo lết, chứ không nhấc.
Bất quá, lối đi của người đó ung dung hơn nhịp bước của các lễ sinh trong một cuộc tế điện.
Dáng đi tự nhiên, do tập quán từ thuở nhỏ, hay chân có tật?
Bây giờ, có nhiều người bắt đầu chú ý đến sự tình quanh bọn thanh niên áo tía, nhất là họ nhìn gã bị Hoa Mãn Thiên làm bẽ mặt vừa rồi.
Kẻ nào đó, hỏi :
- Người thứ nhất các hạ gặp trong đêm qua, có phải là tên chân thọt đó chăng?
Thì ra, người phát thoại từ trong bóng tối, vừa bước tới đó, có tật chân thọt.
Và, y là Phó Hồng Tuyết.
Thanh niên chủ nhân chiếc kiếm gãy biến sắc mặt xanh dờn, cắn răng, vồng gân mặt, hỏi :
- Thanh đao của các hạ, có phải là vật trang sức chăng?
Phó Hồng Tuyết lắc đầu :
- Không!
Thanh niên cười lạnh :
- Vậy là các hạ biết dùng đao?
Phó Hồng Tuyết chưa đáp, nhìn xuống thanh đao. Chuôi đao trong tay y, chừng như chuôi đao và tay dính liền nhau muôn đời.
Thanh niên với giọng lạnh, tiếp :
- Các hạ biết dùng đao, sao không vung lên cho bọn này xem thử?
Phó Hồng Tuyết thản nhiên đáp :
- Đao không phải là vật nên xem! Mang đao, không phải để cho người xem.
Thanh niên bĩu môi :
- Thế để làm gì? Giết người? Các hạ có tài ba chi mà mang đao để giết người?
Chợt, gã cười vang, tiếp luôn :
- Các hạ có gan cứ giết bọn này xem! Như vậy mới đáng mặt tài ba!
Cả bọn áo tía cùng phụ họa, rộ lên cười.
Một người thốt :
- Nếu không có cái gan làm việc đó, các hạ không nên do cửa mà vào! Hãy chui qua cái lỗ hỗng lan can kia, cũng vào được!
Họ đưa tay, ngăn cửa.
Phó Hồng Tuyết còn cúi đầu, nhìn thanh đao, chuôi đao vẫn nằm trong tay.
Một lúc lâu, y khom mình, từ từ chui qua một lỗ hỗng lan can, cạnh cửa.
Bọn thanh niên áo tía cùng phá lên cười. Gã có thanh kiếm gãy quên mất cái nhục gãy kiếm vừa rồi.
Họ cười ầm lên, song Phó Hồng Tuyết mường tượng chẳng nghe gì, mặt lạnh lùng, mình khom chui, từ từ chui, rồi chân từ từ lết, tiến tới.
Chẳng rõ từ lúc nào, y bắt đầu đổ mồ hôi, hiện tại y phục đã đẩm ướt.
Đang cười một loạt, bọn áo tía bỗng ngưng cười, cũng một loạt.
Không rõ người nào trong bọn trông thấy trước, những dấu chân trên mặt đất.
Phát hiện ra sự kiện đó, họ còn cười sao nổi! Đường lát đá, dấu chân lõm vào đá, khá sâu, như có ai lấy đao mà khoét, lại khoét rất khéo!
Dấu chân, chứng tỏ người lưu lại, dồn khí uất xuống, khí uất không phát tiết được ở phần trên, phải phát tiết phần dưới, chân dẫm nặng, lấy sức ấn để giữ cho lòng trầm tịnh.
Nếu lực khí đó được mang dùng với kẻ khiêu khích, liệu kẻ khiêu khích kháng cự nổi không?
Tự lượng không kháng cự nổi, kẻ cười ngưng cười ngay!
Tức uất đến độ đó, Phó Hồng Tuyết lại giữ được ánh mắt hiền hòa. Một chứng minh cho đức tính kiên nhẫn mà y rèn luyện qua bao nhiêu ngày tháng!
Mà cũng là một kinh nghiệm, do bậc trưởng thượng truyền lại, trước mặt mọi người, đừng bao giờ biểu hiện tâm trạng qua ánh mắt.
Phải luôn luôn giấu cái sắc bén, như con hổ giấu móng vuốt dưới lớp lông nhung, con hổ bước êm, mới vồ được mồi!
Càng biểu lộ trí tuệ, càng chuốc lụy phiền, càng thêm hoạn họa, bởi người ta chỉ đề phòng kẻ khôn, chứ có ai lưu ý đến kẻ ngu?
Diệp Khai mục kích trọn vẹn cảnh tượng.
Chàng điểm nhẹ một nụ cười.
Bên trong, Đường chủ Vạn Mã đường chợt cười một tiếng, hỏi :
- Các hạ không bao giờ mang đao, kiếm?
Diệp Khai vẫn giữ nụ cười, gật đầu.
Đường chủ lại hỏi :
- Tại sao?
Diệp Khai đáp :
- Tại vì không cần đến!
Đường chủ thong thả gật đầu :
- Đúng vậy! Dũng sĩ chân chánh, không cần có đao kiếm mà thành danh. Đao kiếm không là phương tiện của dũng khí.
Mộ Dung Minh Châu cười lạnh, chận lời :
- Một con người khong mang đao kiếm, đâu có thể chứng minh dũng khí!
Đường chủ cười nhạt :
- Dũng khí là một cái gì rất kỳ quái, không ai trông thấy, không ai cảm giác, cho nên không có phương pháp chứng minh. Bởi thế...
Y nhìn đăm đăm Diệp Khai, thong thả tiếp :
- Một người chân chính có dũng khí, có lúc trông như một kẻ vô dụng, yếu hèn.
Diệp Khai vỗ tay tán thưởng :
- Có đạo lý! Có đạo lý ghê! Tại hạ biết được hạng người đó!
Đường chủ hỏi :
- Chẳng hạn như ai?
Diệp Khai không đáp, chỉ cười, mắt thì nhìn một người đang từ phía hậu bình phong bước ra.
Nụ cười của chàng thần bí quá, kỳ quái quá.
Đường chủ nhìn theo mắt của chàng, đúng lúc Phó Hồng Tuyết xuất hiện.
* * * * *
Dưới ánh đèn, gương mặt của Phó Hồng Tuyết trắng xanh, cơ hồ trong suốt.
Nhưng đôi mắt của y rất đen, sâu, mường tượng đêm dài vô tận.
Bên trong đáy mắt, có ẩn chứa những gì!
Vỏ đao của y màu đen, một chiếc vỏ thô sơ, không chạm trổ, không nạm, không mạ. Chiếc vỏ cần có để giắt đao, chứ không cần trang sức cho ra cái dáng một khách giang hồ.
Y luôn luôn đặt tay nơi chuôi đao, như sẵn sàng tuốt đao khỏi vỏ, song không bao giờ y tuốt đao khỏi vỏ.
Y từ từ vòng qua bức bình phong, mồ hôi đượm hạt quanh hai bên mũi.
Y đụng đầu Công Tôn Đoạn, chận trước mặt, lạnh lùng, mắt dán vào bàn tay đặt nơi chuôi đao.
Phó Hồng Tuyết cũng nhìn thanh đao của y, như muôn đời y chỉ nhìn thanh đao, không nhìn người hay vật gì khác.
Công Tôn Đoạn trầm giọng thốt :
- Vào Vạn Mã đường, không ai được mang đao, kiếm.
Phó Hồng Tuyết trầm ngâm.
Một lúc lâu, y hỏi lại :
- Không ai cả?
Công Tôn Đoạn buông gọn :
- Không.
Phó Hồng Tuyết chầm chậm gật đầu, đưa ánh mắt từ thanh đao của y, chuyển sang thanh loan đao của đối tượng, điềm nhiên hỏi :
- Các hạ đó? Các hạ không là người à? Bởi, người vào Vạn Mã đường, không được mang đao? Nói một cách khác, không là người mới được mang đao!
Công Tôn Đoạn biến sắc.
Mộ Dung Minh Châu vụt cười lớn, ngẩng mặt lên không mà cười, vừa cười vừa thốt :
- Hỏi rất hay, hỏi rất hay!
Công Tôn Đoạn đang cầm chén rượu, tay run run, rượu rơi từng giọt, từng giọt, đọng trên bàn tay đen, cứng như thép của gã.
Bỗng, chiếc chén bay đi.
Rồi ngân quang chớp lên.
Chiếc chén chưa kịp vút đi, đao ngân quang xẹt trúng, chiếc chén bằng vàng đứt thành ba mảnh.
Ba mảnh chén rơi xuống nền, cạnh chân Công Tôn Đoạn.
Tràng cười vang của Mộ Dung Minh Châu ngưng bặt, mường tượng bị nhát loan đao chém đứt, như chiếc chén bị chém vỡ.
Tòa khách sảnh rộng dài, chứa một biển người đang ồn ào, bỗng im vắng như bãi tha ma.
Công Tôn Đoạn xoay tay cho mũi đao xoáy vòng tròn, giương mắt hổ nhìn Phó Hồng Tuyết, gằn từng tiếng :
- Nếu các hạ có đao loại này, thì có thể mang nó vào đây!
Phó Hồng Tuyết lắc đầu :
- Làm gì tại hạ có loại đao đó?
Công Tôn Đoạn cười lạnh :
- Thế thanh đao của các hạ là đao gì?
Phó Hồng Tuyết lại lắc đầu :
- Tại hạ cũng không hiểu nữa! Có điều tại hạ biết rõ, nó không thuộc loại đao dùng chém chén uống rượu.
Bây giờ thì y mới chịu ngẩng mặt lên.
Ngẩng mặt lên rồi y mới nhìn đối tượng.
Y chỉ nhìn nửa mắt thôi, đoạn quay mình, bước đi, với lối đi lết chân.
Cái nhìn của y biểu hiện sự khinh miệt hết sức lộ liễu, sự khinh miệt đó tăng lên mấy phần với cái quay mình.
Công Tôn Đoạn bỗng quát :
- Các hạ muốn đi?
Phó Hồng Tuyết không quay đầu, điềm nhiên đáp :
- Tại hạ đến đây không phải để xem người ta chém chén!
Công Tôn Đoạn cao giọng :
- Các hạ đã đến đây thì hãy để đao lại đây! Các hạ muốn đi thì cũng để đao lại luôn! Để lại rồi! Có muốn đi đâu, cứ đi.
Phó Hồng Tuyết dừng chân.
Chiếc áo ướt phập phồng, dù không gió.
Lâu lắm, y từ từ hỏi :
- Câu đó, ai nói?
Công Tôn Đoạn trầm giọng :
- Thanh đao này nói!
Hắn xoay xoay bàn tay, thanh loan đao chớp chớp.
Phó Hồng Tuyết thốt :
- Thanh đao này, lại không nói như vậy!
Y nắm chặt chuôi đao của y.
Đến lượt chiếc áo của Công Tôn Đoạn phập phồng.
Hắn cao giọng hỏi :
- Nói nói như thế nào?
Phó Hồng Tuyết nhấn từng tiếng :
- Nó nói như thế này: có đao, phải có người. Có người, phải có đao. Người đâu đao đó, đao không rời người.
Công Tôn Đoạn hừ một tiếng :
- Nếu tại hạ muốn thanh đao phải được lưu tại đây, các hạ nghĩ sao?
Phó Hồng Tuyết đáp :
- Người đâu đao đó, người đi đao đi! Đao ở lại, khi nào người ở lại!
Công Tôn Đoạn hét :
- Tốt! Rất tốt!
Đồng thời với tiếng hét, ánh đao chớp lên, một cái cuống bạc xẹt ra, từ tay Công Tôn Đoạn, uốn cầu vồng, trút xuống tay Phó Hồng Tuyết.
Thấy rõ, làn đao đó phải chặt đứt bàn tay của Phó Hồng Tuyết, bởi y không hề phản động.
Bỗng, một người quát :
- Thu tay lại!
Đao quang tắt. Thanh loan đao còn cách bàn tay của Phó Hồng Tuyết độ năm tấc.
Phó Hồng Tuyết không đổi sắc mặt, không run tay, không chớp mắt.
Chính Công Tôn Đoạn mới là người bị chấn động, dù hắn đóng vai chủ động!
Mồ hôi điểm to hạt trên vần trán hắn.
Hắn chấn động, vì bị bắt buộc phải dừng tay đột ngột.
Trên thế gian, chỉ có mỗi một mình hắn dừng tay tùy ý như vậy được! Bởi, thanh đao xuất phát như nước vỡ đê, trên đời có ai rút nước đỗ trở vào đê?
* * * * *
Như vậy, là nhát đáo không đi tròn đà.
Như vậy, là chẳng có việc gì xảy ra.
Nhưng, có ai biết được hậu quả như thế nào, nếu nhát đao đó đi trọn đà?
Phó Hồng Tuyết và Công Tôn Đoạn, ai là người thọ hại?
Diệp Khai thở phào, điểm nhẹ một nụ cười. Đồng thời, chàng nhìn Đường chủ.
Vạn Mã đường chủ cũng cười nhẹ, lẩm nhẩm :
- Tốt! Tốt quá! Quả nhiên là một dũng sĩ. Có đảm lượng phi phàm!
Diệp Khai cười thốt :
- Tại hạ không mở hai mắt vẫn còn xem người được chứ!
Vạn Mã đường chủ hỏi :
- Có phải là Phó công tử của Hoa trường chủ tha thiết mời ba lượt vẫn không chấp nhận chăng?
Diệp Khai đáp :
- Chính y!
Vạn Mã đường chủ tiếp :
- Phó công tử đã đến thì cứ tự nhiên cho. Xin mời ngồi!
Công Tôn Đoạn xoay mình, vù như con trốt lốc, mắt trừng lên, giọng gằn mạnh :
- Còn thanh đao của y?
Đường chủ thoáng mơ màng, cười nhạt đáp :
- Hiện tại, ta chỉ thấy người của y, chứ không thấy đao!
Ánh mắt của y sáng quá, che mờ ánh đao của y chăng, mà Đường chủ không thấy đao?
Hay Đường chủ muốn nói: cái nguy chân chính là người mang đao, chớ không phải thanh đao mang nơi người?
Công Tôn Đoạn cắn răng. Từng thớ thịt khắp thân thể y giật mạnh.
Rồi hắn dậm mạnh chân, kêu một tiếng thịch. Tiếp theo, một tiếng soảng vang lên.
Thanh loan đao chui vào vỏ.
Mấy phút trôi qua, Phó Hồng Tuyết mới quay mình bước trở vào.
Y chọn một chỗ, xa xa, ngồi xuống.
Bàn tay y vẫn giữ chuôi đao.
Vỏ đao của y sát cạnh với vỏ thanh trường kiếm của Mộ Dung Minh Châu, vỏ đao đen, thô, vỏ kiếm sang quý, hai vật cận nhau, vỏ đao làm mờ hẳn vỏ kiếm.
Mộ Dung Minh Châu cũng mờ sắc mặt luôn.
Bỗng, y đứng lên.
Vân Tại Thiên không ngừng lưu ý đến Mộ Dung Minh Châu, lúc đó mỉm cười, thốt :
- Các hạ...
Mộ Dung Minh Châu chận lời :
- Có người mang được đao vào Vạn Mã đường, tại sao tại hạ không mang được kiếm vào đây?
Vân Tại Thiên đáp :
- Được lắm chứ! Chỉ bất quá...
Mộ Dung Minh Châu hỏi :
- Bất quá thế nào?
Vân Tại Thiên cười nhạt :
- Bất quá, chẳng biết các hạ có cái dũng khí kiếm còn người còn, kiếm mất người mất chăng?
Mộ Dung Minh Châu sững người.
Một phút sau, y nhìn sang Công Tôn Đoạn, nhìn bàn tay vồng gân xanh của hắn với ánh mắt lạnh lùng.
Rồi chính y cảm thấy thân mình cứng lại.
Cứng vì cương quyết cách nào đó, hay cứng vì lạnh, của cái lạnh do khiếp hãi phát sinh?
Lạc Lạc Sơn từ lúc đưa vào đại sảnh, ngoẻo đầu xuống mép bàn bất tỉnh, giờ đây bỗng đập tay xuống mặt bàn, cười lớn, thốt :
- Hay! Hỏi nghe hay!
Mộ Dung Minh Châu vụt chớp thân hình, lao vút ra ngoài như mũi tên, rồi vươn tay chụp thanh kiếm do chính y đặt lên mặt bàn khi vào sảnh.
Y phải lao người đi vì từ chỗ đứng đối thoại với Đường chủ, đến chỗ đặt kiếm, là hai đầu bàn, như đã biết, chiếc bàn dài không tưởng nỗi.
Bàn tay y chưa chạm kiếm, bảy thanh kiếm khác, đồng dạng, đồng trang sức, nơi cạnh thanh kiếm của y, bật kêu coong coong!
Bàn tay y cung lại, cánh tay cứng luôn, cánh tay không vươn nổi nữa, bàn tay không nắm lại nổi nữa!
Chẳng rõ Hoa Mãn Thiên đã bám sát Mộ Dung Minh Châu từ lúc nào, bây giờ cất tiếng.
- Nếu các hạ muốn mang kiếm, thì nên lấy luôn bảy thanh đó mà mang!
Lạc Lạc Sơn lại cười lớn :
- Quả nhiên Quan Đông Vạn Mã đường là nơi chứa rồng nuôi cọp! Xem ra đêm nay ai đến đây rồi, đừng hòng ly khai được!

Xem tiếp hồi 3 Chẳng chừa một món


No comments:

Post a Comment