May 21, 2013

Biên Thành Lãng Tử - Hồi 1


BIÊN THÀNH LÃNG TỬ

Hồi 1 Con người không mang đao


Hắn không có mang đao.
Khi hắn bước vào là thấy ngay Phó Hồng Tuyết.
Nơi đây vốn đã có đông người, đủ các sắc các hạng người, nhưng hạng người như hắn đáng lý không nên đến.
Bởi vì hắn không xứng.
* * * * *
Nơi đây là một chỗ rất lạ lùng.
Bây giờ thì đã cuối mùa thu. Tàn thu.
Thế nhưng ở đây vẫn có hơi ấm áp của mùa xuân.
Bây giờ đêm đã về khuya, nhưng ở đây ánh sáng vẫn như ban ngày.
Nơi đây có rượu, nhưng không phải là tửu điếm. Nơi đây có cờ bạc nhưng không phải chỗ chứa bài.
Và, nơi đây có gái đẹp tiếp người, nhưng vẫn không phải là kỹ viện.
Nơi đây vốn không có địa danh, nhưng lại là chỗ tiếng tăm lừng lẫy hàng đôi ba trăm dặm.
Trong đại sanh bày ra mười tám cái bàn.
Bất luận chọn cái bàn nào, nơi đó cũng đầy đủ cả cho người hưởng thụ - nhớ rằng “đầy đủ” ở đây có nghĩa trong phạm vi bàn tiệc, nghĩa là đầy đủ rượu và thức ăn, nếu muốn cái gì khác hơn là phải xô một cánh cửa.
Vô luận khách đẩy cánh cửa nào, nhất định là khách không hối tiếc, khách không thất vọng.
Phía sau đại sảnh, có một vọng lầu, lên lầu do một cầu thang.
Không ai biết trên vọng lầu đó như thế nào, có những gì, bởi chẳng ai lên trên đó cả.
Người ta không lên, vì chẳng cần phải lên trên đó làm gì.
Bởi vô luận người ta muốn gì, bên dưới đều có cả. Đã có đủ cho người ta rồi, thì còn ai đi nơi khác mà tìm những cái sẵn có?
Nơi đầu cầu thang dưới, có một chiếc bàn vuông, tương đối nhỏ hơn loại bàn tại đại sảnh.
Một người tác trung niên ngồi bên chiếc bàn đó, y phục hoa lệ, tinh khiết, chỉnh tề.
Mường tượng y thích ngồi tại đó, ngồi từ nhiều năm tháng qua rồi, và sẽ còn ngồi trong nhiều năm tháng nữa, ngồi mãi mãi...
Y ngồi đó để mà xáo trộn những cỗ bài bằng xương, chiêm nghiệm xong lại xáo trộn, xáo trộn rồi lại tiếp tục chiêm nghiệm.
Rất ít người trông thấy y làm việc chi khác, mà cũng rất ít người trông thấy y đứng lên, rời nơi đó, dù chỉ là một phút, một giây.
Y ngồi trên một chiếc ghế rộng, rất thong thả, bên cạnh ghế, có hai chiếc quảy trượng, bằng gỗ đỏ.
Những tân khách đi đi lại lại, y chẳng hề nhìn đến một ai. Y không ngẩng đầu lên, chú ý đến một ai.
Vô luận người chung quanh làm gì, những việc đó đều không liên quan chi đến y.
Nhưng, y chính là chủ nhân của địa phương này.
Một địa phương kỳ quái, hẳn phải có một chủ nhân kỳ quái, hay ngược lại cũng thế, chủ nhân kỳ quái thì địa phương phải kỳ quái.
* * * * *
Nơi tay Phó Hồng Tuyết, có một thanh đao.
Một thanh đao có hình dáng cổ quái, vỏ đao đen, chuôi đao cũng đen luôn.
Chàng đang ăn cơm, ăn một miếng cơm, rồi ăn một miếng đồ ăn, ăn đều đều, ăn từ từ.
Chỉ vì chàng chỉ dùng một bàn tay mà ăn.
Tay ăn, là tay hữu, còn tay tả thì nắm chuôi đao, vô luận lúc nào, làm gì, tay gã vẫn nắm chuôi đao, không hề rời đao một phút giây. Tay tả chỉ dùng vào một việc duy nhất: nắm chuôi đao.
Đao màu đen, người mang đao vận y phục màu đen, đôi mắt của người mang đao cũng đen lạ lùng.
Nhưng, màu đen đó lại là thứ màu chớp sáng, sáng lạ lùng.
Sở dĩ có những đặc điểm đó, cho nên, nơi chàng ngồi cách cửa vào rất xa, chàng vẫn bị người vào sau cùng phát hiện ra ngay.
Người vào sau cùng, họ Diệp, tên Khai.
Diệp Khai trông thấy chàng ngay, thấy luôn cả thanh đao đen nơi tay chàng.
* * * * *
Từ lúc nào cũng thế, Diệp Khai không hề mang đao.
Suốt khoảng đường dài, chỉ có mỗi một nơi này là có ngọn đèn treo nơi cửa, những nhà khác đều tắt đèn, bởi đêm khuya lắm rồi, mà lại là tiết cuối thu, người ta không ai không ngán lạnh.
Chỉ có nơi này không ngán lạnh.
Vọng cửa hẹp, ánh sáng của ngọn đèn chiếu mờ mờ khoảng đất trước cửa, đất khô lợp cát vàng, gió từng cơn lộng về cuốn cát vàng bay thành bựng.
Một đóa hoa cúc tàn bị cuốn theo cát, đảo lộn, lên xuống, hoa chẳng rõ từ đâu bay tới, và nó sẽ theo gió đến tận nơi nào.
Người ta ví đời người chẳng khác đời hoa, thì hoa còn ai oán làm chi khi tàn tạ, gió cuốn, cát đùa?
Hoa rơi, hoa bay, thì người cũng không tránh khỏi luật đào thải, rồi người cũng lịm hơi tàn, cũng về lòng đất lạnh, hủy diệt theo hoa...
Cát vàng bốc theo gió cuốn, hoa bay trong cát, điểm xuyết thêm cảnh thê lương của khoảng đường dài giữa trời đêm có hơi thu lạnh, đầu này đường là đồng rộng mênh mang, đầu kia đường cũng mênh mang đồng rộng, hoang vắng, lạnh lùng.
Ngọn đèn kia tuy nhỏ, tuy mờ, song trong cảnh mênh mang hoang vắng này, nó có giá trị một hạt minh châu.
Nhìn tận mắt, là chân trời, là cát vàng, trời và cát như liền nhau.
Nhìn tận mắt, chẳng thấy ai, dù có ai thì người đó hẳn còn ở tận chân trời.
Và người từ chân trời rồi cũng đến đây, người đó là Diệp Khai, Diệp Khai mường tượng từ chân trời đi đến.
Diệp Khai đi theo con đường dài đó, từ từ mà đi trong hắc ám, đi đến chỗ có ngọn đèn.
Đến đây rồi, hắn ngồi giữa lộ, nhếch chân lên.
Chân hắn mang giày da, loại giày của bọn mục đồng dùng, giày bằng da cứng nhưng hiện tại thì lớp da mòn lắm, nơi mỏng bày ra một lỗ khuyết, da chân chỗ đó không còn da giày che chở, cũng mòn như giày, máu rớm đỏ.
Diệp Khai nhìn giày lủng, chân mòn, lắc đầu.
Hắc lắc đầu, rồi lại gật đầu, như cam với số phận điêu linh, phiêu bạt, cơ khổ, đơn côi.
Hắn đứng lên, đúng lúc đóa hoa cúc tàn bay tới tầm tay, hắn vươn tay nhặt, tay chạm làm những cánh hoa cúc còn lại rơi tơi tả...
Nắm cùi hoa trong tay, hắn suy tư một chút, đoạn cài cùi hoa vào một lỗ rách trên chiếc áo phong sương.
Rồi hắn cười, đầu ngẩng cao, ngực ưởng tới, chân bước mạnh, bước dài, tay vươn ra, đẩy cánh cửa, tiến vào.
Vào, hình ảnh đầu tiên là Phó Hồng Tuyết, đập ngay mắt hắn.
Hắn chú ý đến Phó Hồng Tuyết, chú ý luôn đến thanh đao đen nơi tay Phó Hồng Tuyết.
* * * * *
Bàn tay trắng xanh cầm thanh đao đen, màu đen của đao càng làm nổi bật màu trắng xanh của tay.
Diệp Khai nhìn thanh đao, rồi từ đao qua tay, từ tay lên mặt.
Đao đen, tay trắng xanh, mặt cũng trắng xanh, song mắt thì đen.
Trong ánh mắt của Diệp Khai, ẩn ước có vẻ cười. Chừng như hắn rất hài lòng với những gì đã nhận thấy.
Hắn đi tới đi đến chiếc bàn của Phó Hồng Tuyết, ngồi xuống.
Phó Hồng Tuyết không ngừng đũa, cứ một miếng cơm, một miếng thức ăn, tiếp nối đều đều, từ từ.
Chàng không hề nhìn thoáng qua Diệp Khai, ngồi đối diện với chàng.
Diệp Khai trái lại, nhìn chàng chăm chú, một lúc lâu, vụt cười khan, hỏi :
- Từ lúc nào ngươi cũng không uống rượu?
Phó Hồng Tuyết không ngẩng đầu, không dừng đũa.
Ăn xong miếng cuối cùng, chàng mới đặt đũa xuống, rồi nhìn sang Diệp Khai.
Diệp Khai mỉm cười.
Phó Hồng Tuyết không cười.
Lâu lắm, chàng mới đáp :
- Ta không uống rượu.
Diệp Khai cười hỏi :
- Ngươi không uống, thì mời ta uống vài chén, có được không?
Phó Hồng Tuyết hỏi lại :
- Ngươi muốn ta mời ngươi uống rượu? Tại sao?
Chàng đáp chầm chậm, buông từng tiếng, như mỗi tiếng buông ra được đắn đo cân nhắc kỹ lưỡng.
Chỉ vì chàng muốn, mỗi lời chàng nói ra, là chàng phải chịu hoàn toàn trách nhiệm, do đó phải thận trọng trước khi nói.
Cho nên, từ lâu lắm rồi, chàng chảng hề nói một tiếng sai.
Diệp Khai đáp :
- Tại vì ta trông ngươi rất thuận nhãn!
Hắn thở dài, tiếp :
- Tại nơi đây, trừ ngươi ra, chẳng có một ai ta trông thuận nhãn cả.
Phó Hồng Tuyết hạ ánh mắt, nhìn bàn tay chàng.
Mỗi khi chàng không muốn mở miệng, là chàng nhìn xuống bàn tay.
Diệp Khai hỏi :
- Ngươi chịu mời, hay không chịu?
Phó Hồng Tuyết lại nhìn xuống bàn tay.
Diệp Khai tiếp :
- Cơ hội tốt nhất cho ngươi đó. Nếu ngươi bỏ qua, thì thật là đáng tiếc.
Phó Hồng Tuyết cuối cùng lắc đầu, từ từ thốt :
- Không đáng tiếc.
Diệp Khai mỉm cười :
- Con người của ngươi thú vị quá! Nói thực đấy, trừ ngươi ra, ai khác dù có quỳ xuống trước mặt ta, mời ta, van cầu ta, ta cũng chẳng uống một giọt rượu của kẻ đó.
Chừng như buông câu đó, hắn muốn cho tất cả mọi người đều nghe, hoặc giả hắn cho rằng tất cả đều điếc, nên cất giọng sang sảng.
Kẻ điếc, cũng nghe lọt, huống hồ người không điếc?
Và nghe hắn nói như vậy rồi, thật khó mà không giận hắn.
Câu nói của hắn vừa dứt âm thinh, có mấy người đứng lên liền. Người có động tác nhanh hơn hết, là một vị khách mặc áo màu tía, mang kiếm, vừa lứa thiếu niên.
Hông gã nhỏ, vai nở rộng, thanh kiếm có nạm ngọc chớp ngời, tua kiếm màu đỏ sậm.
Tay gã cầm chén rượu, rượu đầy chén, gã xoay mình bước nhanh, thoáng mắt đến trước mặt Diệp Khai.
Không một giọt rượu rơi xuống nền. Sự kiện này chứng tỏ gã có một công phu đáng sợ, dày tập luyện qua nhiều năm tháng.
Rất tiếc, Diệp Khai không hề nhìn gã, nên không thấy cái điểm đặc biệt đó.
Cả Phó Hồng Tuyết cũng không nhìn gã.
Không chú ý đến gã, nghĩa là cả hai chẳng xem gã ra cái quái gì.
Thiếu niên áo tía cố ý nở một nụ cười thật tròn, thật tươi, bởi gã biết là hiện tại trừ Phó Hồng Tuyết và Diệp Khai, tất cả mọi người đều đổ dồn ánh mắt về gã.
Gã đến cạnh Diệp Khai, nhẹ tay vỗ lên đầu vai Diệp Khai, hỏi :
- Ta mời ngươi một chén, có được không nào?
Diệp Khai vẫn không nhìn gã :
- Không được.
Thiếu niên áo tía tiếp :
- Vậy phải làm sao mới được cho? Quỳ xuống mà van cầu ngươi uống, được chăng?
Diệp Khai buông gọn :
- Được.
Thiếu niên cười lớn.
Mọi người đều cười lớn.
Diệp Khai cũng cười, song cười nhẹ, thốt :
- Quỳ xuống, van cầu ta uống, thì được lắm. Nhưng ta cũng không uống đâu!
Thiếu niên áo tía hỏi :
- Ngươi biết ta là ai chăng?
Diệp Khai đáp :
- Chắc là không biết rồi! Cả đến cái việc ngươi có phải là con người hay không, ta còn không biết rõ, thì biết làm sao được ngươi là ai?
Nụ cười của thiếu niên tắt ngay, và bàn tay của gã án lên chuôi kiếm ngay.
Một tiếng soang vang khẽ. Chuôi kiếm theo tay ló ra, chực tuốt khỏi vỏ.
Nhưng, bàn tay của gã nhích động rồi, bàn tay chỉ nắm cái chuôi kiếm, một chuôi kiếm không có thân kiếm.
Vì thân kiếm đã tách rời chuôi kiếm, nằm gọn trong vỏ, không theo chuôi kiếm mà ra.
Bàn tay của gã vừa nhích động, một ngón tay của Diệp Khai cũng nhích động, ngón tay chạm kiếm, chỗ chạm bị gãy ngay.
Kiếm gãy ở đoạn một tấc cách chuôi kiếm.
Do đó, chuôi kiếm theo tay thiếu niên mà ra, nhưng thân kiếm còn nằm yên trong vỏ.
Cầm chuôi kiếm cụt thân kiếm, thiếu niên xám xịt gương mặt.
Mọi người dù không xám xịt mặt, cũng tắt lịm nụ cười. Nụ cười tắt, cái đó đành rồi, tất cả cũng nín thở luôn.
Mọi âm thinh đều ngưng bặt, trừ một âm thinh, âm thinh của các cỗ bài không xương.
Người trung niên cứ xáo trộn các cỗ bài, mường tượng chẳng nghe gì, thấy gì đã xảy ra bên cạnh y.
Phó Hồng Tuyết cũng thản nhiên đến lạnh lùng.
Diệp Khai nhìn Phó Hồng Tuyết, cười nhẹ, thốt :
- Ngươi thấy đó, ta có lừa ngươi đâu! Kẻ khác mời rượu ta, là cả một sự khó khăn ghê gớm!
Phó Hồng Tuyết từ từ gật đầu :
- Ngươi không lừa ta!
Diệp Khai hỏi :
- Ngươi mời hay không mời?
Phó Hồng Tuyết từ từ lắc đầu :
- Không mời.
Chàng đứng lên, quay mình, mường tượng chẳng muốn tranh luận về bất cứ việc gì nữa.
Nhưng, chàng quay đầu lại, nhìn thiếu niên mặt tía, từ từ thốt :
- Ngươi nên dùng tiền mua sắm y phục, tìm mua một thanh kiếm tốt hơn, tuy nhiên từ nay trở đi, ngươi không nên mang kiếm bên mình nữa, bởi dùng kiếm để trang sức cho mình có một cái vẻ hách, thì thật là nguy hiểm không tưởng nổi.
Chàng thốt một cách thong thả, lại có phần khẩn thiết, đúng là những lời vàng ngọc, đáng ghi nhớ đời đời.
Trong tình huống đó, thiếu niên áo tía khi nào tiêu hóa nổi những lời, dù là vàng ngọc, song lại châm chích hơn độc tiễn?
Gã nhìn Phó Hồng Tuyết, mặt xám xịt lại một lần nữa.
Phó Hồng Tuyết ung dung bước đi, về phía cửa, đi rất chậm, dáng bước rất kỳ quái.
Chân tả bước tới rồi, chân hữu mới lê theo sau, lê chứ không bước.
Thì ra, chàng có chiếc chân thọt!
Diệp Khai lộ vẻ kinh dị, mà trong niềm kinh dị, phảng phất cái ý tiếc rẻ.
Ngoài ý niềm kinh dị, tiếc rẻ, hắn không có một cảm nghĩ nào khác cả, âm thầm hay lộ liễu.
Thiếu niên áo tía nắm chặt đôi tay, vừa phẫn nộ vừa thất vọng.
Gã thất vọng vì chẳng thấy Diệp Khai ngăn chận Phó Hồng Tuyết, bắt chàng trở lại bàn, buộc chàng trả giá câu nói châm chích vừa rồi hộ gã.
Đối với gã, Diệp Khai là con người đáng cho gã sợ, chứ cái tên chân thọt kia, có đáng sợ chút nào đâu?
Gã nháy mắt với một số người hiện diện.
Có hai người từ từ đứng lên, rõ ràng là định đuổi theo Phó Hồng Tuyết.
Vừa lúc đó, một âm thinh kỳ quái vang lên :
- Ngươi không muốn người khác mời ngươi uống rượu, thế ngươi có chịu mời người khác uống rượu hay không?
Thinh âm vang trầm trầm, nhu hòa, song dù ai đứng xa xa, cũng nghe được rõ ràng.
Người phát âm mường tượng đứng cạnh người nghe, nói bên tai người nghe, nhưng người nghe chẳng thấy bóng dáng người phát âm!
Tuy nhiên, đã có âm thinh, tất phải có người phát xuất, dù trong nhất thời không ai phát hiện, cuối cùng rồi cũng có người phát hiện.
Và người phát âm chính là vị trung niên vận y phục hoa lệ, chỉnh tề, hiện tại thì y bằng lòng ngẩng mặt lên, bằng lòng quay đầu lại, bằng lòng luôn điểm một nụ cười, nhìn Diệp Khai.
Diệp Khai cười trả, đáp :
- Người ta mời, là một việc, còn ta mời hay không mời kẻ khác, là một việc khác, hai việc không giống nhau.
Người trung niên cười nhẹ :
- Phải đấy! Hoàn toàn bất đồng!
Thiếu niên áo tía cắn răng, một phút sau, vụt quay mình, bước đi.
Diệp Khai từ từ thốt :
- Bất quá, khi ta mời người nào uống rượu, thì người đó không thể không uống, mà đã uống rồi là nhất định phải uống say, không say không được.
Lồng ngực của thiếu niên áo tía phập phồng thấy rõ, hơi thở dập dồn nghe rõ.
Bỗng, gã quay đầu lại, hỏi :
- Ngươi hẳn biết là muốn mời rượu người ta, ít nhất ngươi cũng phải có tiền chứ?
Diệp Khai mỉm cười :
- Tiền? Ngươi nhận rằng ta không có vẻ gì là có tiền trong mình phải chăng?
Thiếu niên áo tía cười lạnh :
- Bất cứ ai trông vào dáng dấp của ngươi, cũng đều có sự nhận xét như ta!
Diệp Khai thản nhiên :
- Cũng may, muốn mua rượu mà uống, không nhất thiết là phải chi tiền. Người ta vẫn có thể dùng hạt đậu mà mua rượu, được như thường! Như thường!
Thiếu niên áo tía sững sờ, trố mắt nhìn Diệp Khai, qua một phút, hỏi :
- Dùng hạt đậu? Đậu gì thế?
Diệp Khai đáp :
- Thứ đậu này đây.
Một chiếc túi hiện ra nơi lòng bàn tay hắn.
Hắc lắc tay, nhiều hạt đậu từ trong túi lăn ra. Thủ pháp của hắn xảo diệu như người biểu diễn ảo thuật làm trò.
Những hạt đậu óng ánh vàng! Những hạt đậu bằng vàng!
Thiếu niên áo tía nhìn những hạt đậu vàng lăn tròn trên nền, giật mình một lúc lâu, sau cùng ngẩng mặt lên, gượng cười, thốt :
- Còn một việc ta chưa hiểu!
Diệp Khai cười nhẹ :
- Việc gì ngươi không hiểu, ta hiểu!
Thiếu niên áo tía tiếp :
- Điều ta không hiểu, là điểm bất đồng giữa hai sự kiện: ngươi không muốn mời rượu ai, và không muốn ai mời rượu ngươi. Hai sự kiện đó khác nhau như thế nào?
Diệp Khai chớp mắt, bước tới trước mặt thiếu niên, trầm giọng hỏi :
- Nếu có một con chó mời ngươi ăn phân của nó, ngươi ăn hay không ăn?
Thiếu niên biến sắc mặt :
- Đương nhiên là không ăn!
Diệp Khai mỉm cười, tiếp :
- Ta không ăn, nhưng thời thường thì ta cho chó ăn phân!
* * * * *
Phó Hồng Tuyết ra đến bên ngoài cửa.
Ở bên ngoài, chẳng rõ từ lúc nào, có hai ngọn đèn lồng, do hai đại hán vận áo trắng cầm nơi tay.
Chúng đứng giữa lòng đường.
Phó Hồng Tuyết hoành tay, khép cánh cửa lại, rồi từ từ bước xuống các nấc thềm bằng đá, từ từ bước đi, lúc đến gần hai đại hán, mới phát hiện ra sau lưng chúng, còn có một người nữa.
Gió thổi qua, làm chao chao đèn lồng, bóng người chao chao song người bất động như ba pho tượng đá.
Ánh đèn soi rõ thân hình họ, từ đầu đến chân, cát vàng phủ kín, mường tượng bên ngoài lớp áo trắng, còn có một lượt áo vàng.
Đêm sâu, vào tiết cuối thu, có gió lạnh, ba bóng người xuất hiện cách đó, tạo cái cảnh vừa ngụy dị, bí ảo, vừa khủng khiếp.
Nhưng, Phó Hồng Tuyết không lưu ý đến cả ba, chừng như chàng không trông thấy cả ba.
Chàng chầm chậm bước trên đường, mắt nhìn về phương trời xa.
Có lẽ ở nơi phương trời xa xa đó, có cái gì mà chàng luôn luôn ghi khắc trong tâm khảm, tỉnh thì nhìn về phương xa đó, mơ cũng đưa hồn về phương xa đó.
Nơi đó, có cái gì chờ đợi chàng? Hay có người đang chờ đợi chàng?
Ánh mắt của chàng lạnh lùng đối với mọi sự vật. Dù nhìn sự vật, chàng có biểu hiện một tình cảm nào, thì tình cảm đó nhất định không ấm dịu, mà chỉ là thống khổ, cừu hận.
Chàng chầm chậm đi tới.
Người đứng sau hai ngọn đèn lồng, bỗng tiến lên, thốt :
- Xin các hạ dừng chân!
Phó Hồng Tuyết đứng lại.
Người ta muốn chàng đứng lại, chàng đứng ngay, không hỏi người ta là ai, không hỏi lý do.
Người áo trắng có thái độ cực kỳ hữu lễ, song lúc y nghiêng mình, đầu cúi, thì đôi mắt nhìn thoáng qua bàn tay cầm đao của Phó Hồng Tuyết.
Rồi chiếc áo trắng của y lay động đến phồng to lên, tuy lúc đó không có một cơn gió nào quét qua.
Hiển nhiên, y đang ngầm vận khí, giới bị nghiêm mật.
Nhưng, Phó Hồng Tuyết không hề nhích động, mình không động, tay không động thì thanh đao cũng nằm im.
Đến ánh mắt cũng không rời phương trời xa trong phút giây để nhìn qua đối tượng.
Phương trời xa là vùng hắc ám, y thấy gì nơi đó mà nhìn mãi?
Cảnh giác lên cao độ, làm căng thẳng thần kinh của người áo trắng, một lúc lâu, sau cùng chẳng có gì xảy ra, người áo trắng thở phào, lơi đi phần giới bị, rồi cười nhẹ, thốt :
- Xin thứ cho tại hạ cái tội mạo muội thỉnh giáo.
Đoạn, y tiếp :
- Chẳng hay, có phải là các hạ vừa đến đây, ngay trong ngày nay chăng?
Phó Hồng Tuyết đáp :
- Phải!
Chàng không dùng nhiều lời, chỉ nói vừa đủ, rất đủ, tuy nói ít song rất đúng. Cho nên, chàng không đáp vội, bất cứ lần nào cũng thế, trước khi trả lời, chàng đắn đo kỹ càng.
Người áo trắng hỏi tiếp :
- Các hạ từ nơi nào đến đây?
Phó Hồng Tuyết nhìn xuống thanh đao, lần này chàng nín lặng.
Đợi mãi, không nghe Phó Hồng Tuyết nói gì, người áo trắng gượng điểm một nụ cười, hỏi tiếp :
- Các hạ muốn đi ngay?
Phó Hồng Tuyết lạnh lùng :
- Có lẽ.
Người áo trắng lại tiếp :
- Có lẽ là không đi ngay?
Phó Hồng Tuyết vẫn lạnh lùng :
- Có lẽ.
Người áo trắng tiếp luôn :
- Giả như tạm thời, các hạ chưa vội đi, thì Tam lão bản muốn thỉnh các hạ đến đàm đạo, trong đêm nay.
Phó Hồng Tuyết hỏi lại :
- Tam lão bản?
Người áo trắng mỉm cười :
- Tại hạ nói đó, đương nhiên là Tam lão bản của Vạn Mã đường.
Lần này thì người áo trắng cười thật sự.
Bởi, đúng là một chuyện đáng cười, bởi cả đến Tam lão bản mà cũng có người không biết, quả thật là lạ.
Nhưng, trong mắt của Phó Hồng Tuyết, trên thế gian này chẳng có chuyện gì đáng cười cả.
Cười lên mấy tiếng, người áo trắng chợt thấy mình cười vô ý thức quá, liền ngưng cười, rồi dặng hắng, sau cùng tiếp :
- Tam lão bản phân phó tại hạ, phải làm sao thỉnh cho được tôn giá, nếu không...
Phó Hồng Tuyết hỏi :
- Thì sao?
Người áo trắng đáp :
- Tại hạ không thể trở về phục lệnh. Tại hạ phải đứng lại đây, không được đi đâu.
Phó Hồng Tuyết hỏi :
- Đứng tại đây?
Người áo trắng gật đầu :
- Tại chỗ này.
Phó Hồng Tuyết hỏi :
- Đứng đến chừng nào?
Người áo trắng đáp :
- Chừng nào các hạ đáp ứng lời mời.
Phó Hồng Tuyết buông lửng lơ :
- Tốt lắm!
Người áo trắng chờ chàng nói tiếp, ngờ đâu chàng quay mình, bước đi.
Chân tả nhích rồi tới chân hữu từ từ lê theo sau, hai chân ngang nhau rồi, chân tả lại nhích tới.
Chân hữu mường tượng hoàn toàn tê cứng, không còn co duỗi được nữa.
Người áo trắng biến sắc, chiếc áo phồng lên trở lại như lúc đầu, nhưng đến lúc Phó Hồng Tuyết khuất mình trong bóng đêm, y vẫn còn đứng tại chỗ, không hề nhúc nhích.
Một cơn gió mạnh quét ngang qua y, y không hề chớp mắt.
Một đại hán cầm đèn thấp giọng hỏi :
- Để hắn đi như vậy sao?
Người áo trắng cắn chặt răng, không nói gì.
Máu từ từ rỉ theo khóe miệng, chậm chậm chảy xuống, gió cuốn về, cái lạnh làm cho máu khô ngay.
* * * * *
Phó Hồng Tuyết không hề quay đầu lại.
Chỉ cần chàng bắt đầu bước, là cứ bước tới, không một cái gì làm cho chàng quay đầu lại.
Gió từng cơn mạnh cuốn về, khua động một vài cánh cửa không cài then kỹ của những ngôi nhà ven theo đường, Phó Hồng Tuyết đi qua khoảng đường đó, đến trước ngôi nhà cuối, dừng chân lại.
Chàng vừa dừng chân, cửa nhà vụt mở ra.
Trong nhà không có người lên tiếng, cũng chẳng có ánh đèn, bóng tối bên trong dày đặc hơn màn đêm bên ngoài.
Phó Hồng Tuyết không nói tiếng gì, chậm chậm bước vào, qua cửa rồi, quay mình lại, đóng cửa, cài then.
Chàng quá quen với bóng tối.
Trong bóng tối, hai cánh tay vươn ra, hai bàn tay nắm bàn tay hữu của chàng.
Hai bàn tay đó ấm áp quá, mềm dịu quá, ngón nhỏ quá.
Phó Hồng Tuyết đứng yên, để cho hai bàn tay đó nắm tay chàng.
Rồi tiếng người vang khẽ lên, êm dịu, ngọt ngào, trong trẻo :
- Ta chờ đợi lâu lắm rồi!
Âm thanh của một thiếu nữ.
Phó Hồng Tuyết gật đầu, cử chỉ của chàng luôn luôn hưởn đải, mường tượng bình sanh chàng không hề hành động vội vàng, hấp tấp.
Một phút sau, chàng mới thốt, từ từ :
- Đích xác, ngươi đợi rất lâu.
Thiếu nữ hỏi :
- Ngươi đến từ lúc nào?
Phó Hồng Tuyết đáp :
- Hôm nay vào lúc hoàng hôn.
Thiếu nữ hỏi :
- Ngươi không hề đi thẳng đến đây?
Phó Hồng Tuyết đáp :
- Không hề.
Thiếu nữ hỏi :
- Tại sao ngươi không đến thẳng nơi này?
Phó Hồng Tuyết hỏi lại thay vì đáp :
- Thế bây giờ ta không đến thẳng tại đây sao?
Thiếu nữ dịu giọng :
- Phải! Hiện tại, ngươi đã đến thẳng tại đây rồi. Chỉ cần ngươi đến thì thôi, dù mất bao nhiêu thời gian, cũng đáng cho ta đợi.
Thực sự, nàng đã đợi bao nhiêu lâu rồi?
Nàng là ai? Tại sao có mặt tại đây, để mà đợi Phó Hồng Tuyết?
Nào ai biết nàng là ai, tại sao nàng có mặt trong ngôi nhà này, và vì nguyên nhân nào chờ đợi Phó Hồng Tuyết?
Chỉ có họ biết mà thôi.
Phó Hồng Tuyết hỏi :
- Ngươi chuẩn bị đầy đủ chưa?
Thiếu nữ đáp :
- Đâu vào đó cả rồi. Vô luận ngươi muốn gì, chỉ cần ngươi nói ra, là có ngay cho ngươi.
Phó Hồng Tuyết không nói thêm tiếng nào.
Thiếu nữ tiếp :
- Ta biết, ngươi muốn cái gì, ta đã biết...
Quờ quạng tay trong bóng tối, nàng tìm khuy áo của Phó Hồng Tuyết. Bàn tay của nàng vừa ấm dịu, vừa nhẹ nhàng, chỉ một thoáng là Phó Hồng Tuyết trần truồng như nhộng.
Trong gian nhà, không có gió lạnh, nhưng Phó Hồng Tuyết từng cơn rợn da gà, nhưng lại là một thứ rợn khoan khoái.
Thiếu nữ nhẹ giọng thốt :
- Ngươi vẫn còn là trai tơ mà! Ta sẽ giúp ngươi trở nên già dặn. Có những sự việc ngươi cần già dặn mới làm nổi.
Nàng hôn vào ngực chàng.
Rồi, nàng dìu chàng đến chiếc giường trong một góc, sau đó hai thân hình ngã xuống, nhưng bàn tay tả của Phó Hồng Tuyết vẫn còn nắm chặt chuôi đao.
Thanh đao đã biến thành một bộ phận dính liền với thân thể chàng. Thanh đao có giá trị ngang sanh mạng của chàng, chẳng bao giờ chàng rời nó.
Có ai tách một bộ phận của cơ thể rời khỏi cơ thể đó chăng?
* * * * *
Ánh nắng đã lên cao. Ánh nắng le lói chiếu qua khe cửa sổ, vào nhà, soi rõ người nằm trên giường, người còn ngủ say, tay vẫn cầm thanh đao.
Gian nhà có hai phòng, phòng phía trước là nơi Phó Hồng Tuyết đang ngủ, phòng phía sau giành cho việc nấu nướng.
Có mùi cơm bốc từ phòng bếp lên phòng trước.
Trong phòng bếp, duy nhất một bà lão đang cẩn thận nấu nướng mấy thức ăn sáng.
Bà có vẻ ủ rủ như không chịu đựng nổi số tuổi chồng chất trên mái đầu lợp tóc trắng, chẳng còn một sợi đen. Da mặt, da tay khô khan, nhăn nhúm như một trái cây héo.
Có lẽ bà lúc nhỏ không đẹp gì đó, khi trở về già, trải qua nhiều lao khổ, nên trông xấu xí lạ lùng.
Phòng bếp sạch sẽ, phòng phía trước đương nhiên phải tươm tất tinh khiết hơn nhiều.
Giường, màn, chăn, tất cả đều thơm mùi sạch sẽ.
Trên giường, Phó Hồng Tuyết còn say ngủ, trong khi lão bà rón rén bày biện các món ăn.
Lần cuối, lão bà mang lên món cuối, thì Phó Hồng Tuyết thức dậy. Người thường, lúc vừa thức dậy thì cái vẻ ngáy ngủ vẫn còn vương đọng ít nhiều, nhưng Phó Hồng Tuyết tỉnh bơ, mường tượng chẳng bao giờ ngủ.
Thiếu nữ trong đêm vắng bóng, chẳng rõ nàng bỏ đi đâu, đi từ lúc nào, và đi rồi sẽ trở lại đây hay không, chừng nào mới trở lại nếu sẽ trở lại.
Phó Hồng Tuyết không nói gì với lão bà, không hỏi gì cả.
Mường tượng trong đêm, những gì đã đến với chàng, trong ngôi nhà này, đều là mộng, tất cả đều là mộng, trừ một việc, việc đó là chàng hiện đang ở trong ngôi nhà.
Chỉ có ngôi nhà là thực, còn bao nhiêu đều là mộng.
Chàng không nói, thì bà lão nói.
Bà cười vuốt, cất tiếng.
- Ăn sáng, năm tiền, phòng mỗi hôm bốn tiền bảy phân, tất cả chi phí trong một tháng là mười lạng bạc. Ở tại địa phương này, tìm được một chỗ trọ với cái giá hàng tháng đó, cũng may mắn lắm.
Mặt bà vốn nhăn, bà cười, mặt càng nhăn hơn, và lúc bà cười, khó mà nhận ra nét cười, bởi gương mặt nhăn không còn nhăn hơn được nữa.
Phó Hồng Tuyết lấy một đĩnh bạc, đặt lên bàn, thốt :
- Tôi ở đây trong ba tháng. Đĩnh bạc này trị giá năm mươi lượng.
Lão bà đáp :
- Thế thì còn thừa hai mươi lượng. Để làm gì?
Phó Hồng Tuyết tiếp :
- Tôi chết đi, bà mua hộ một cỗ quan tài.
Lão bà cười nhẹ, hỏi :
- Nếu khách trọ không chết?
Phó Hồng Tuyết thản nhiên :
- Thì bà giữ lấy, để sau này mua cho bà một cỗ quan tài.
* * * * *
Ra khỏi hẻm, là đến đường cái.
Gió đã ngừng thổi. Thái dương nhả sáng xuống mặt đường, cát vàng chớp ngời ngời, như mảnh vụn kim cương.
Trên đường, khách bộ hành đã bắt đầu qua lại.
Người thứ nhất đập vào mắt Phó Hồng Tuyết, là người vận áo trắng, trong đêm vừa qua.
Y vẫn đứng nguyên tại chỗ, thậm chí tư thế đứng cũng không đổi thay. Chiếc áo trắng của y, đã phủ dày cát vàng, áo biến màu vàng, đầu tóc cũng ngã màu vàng, chỉ có gương mặt trắng xanh, thì gương mặt đó hiện tại mất hẳn màu.
Y chịu đựng suốt đêm dài, giữa gió lạnh, sương lạnh.
Khách đi đường nhìn y, y không buồn nhìn lại, thản nhiên như đứng giữa sa mạc, hoang vắng.
Chịu đựng được như thế, phải có gan lỳ, trên đời này chỉ có y là có gan lỳ cỡ đó.
Phó Hồng Tuyết đi ngang qua y, đôi mắt của chàng nhìn về phương trời xa, và nơi đó, đột nhiên, cát vàng nổi lên từng bựng, từng bựng.
Tiếng vó ngựa vang lên, như trống đổ liên hồi.
Trong thoáng mắt, bảy kỵ sĩ đến nơi, vó ngựa nhanh hơn tên bắn.
Vừa đến nơi, cả bảy kỵ sĩ không hẹn mà đồng cùng một loạt đứng lên ngay trên yên, trong khi ngựa vút đi như gió cuốn.
Cùng loạt, cả bảy kỵ sĩ tung lá cờ nhỏ cầm nghiêng, tay hoành đao ngang ngực.
Các kỵ sĩ chào người áo trắng, một cách chào hết sức cung kính.
Cái chào của họ nói lên thân phận của người áo trắng, thân phận của y nhất định là không thấp hèn.
Với thân phận đó, y không cần phải chịu đựng như thế, nhưng y lại cam chịu đựng, điều này chứng tỏ y có một mục đích rõ rệt, chính cái mục đích quan trọng đó đòi hỏi y phải ủy khúc trung thành.
Mục đích gì? Không là cho y, cái đó chắc rồi.
Không cho y, thì ngoài Tam lão bản tại Vạn Mã đường ra, còn cho ai nữa?
Kỵ sĩ hoành đao, dưới ánh dương quang, đao chớp ngời, nhưng mắt của người áo trắng không chớp, thân hình không nhích động.
Bảy kỵ sĩ chưa ngồi xuống yên, ngựa đã biến thành những chấm đen đen ở cuối khoảng đường rồi.
Bỗng, kỵ sĩ sau cùng hú vọng một tiếng dài, vừa ngồi xuống lại đứng lên như cũ, tay giật cương, ngựa quay đầu, thoáng mắt ngựa trở lại trước mặt người áo trắng.
Trong tay kỵ sĩ, có một ngọn thương bằng sắt, màu đen, quanh thân thương có một lá cờ quấn kín.
Đến nơi, kỵ sĩ vung tay, ngọn thương bay tới, cắm phập xuống mặt đường, lá cờ tháo ra, phất phơ theo gió phô rõ hình thức tam giác, cờ màu trắng, trên cờ có năm chữ :
- Quan Đông Vạn Mã đường.
Rồi kỵ sĩ lại kéo cương một lượt nữa, ngựa quay đầu, phóng vó theo đoàn.
Người đi, cờ còn đó, cờ tắm ánh dương quang, cờ màu trắng, chữ màu đỏ, hai màu phản chiếu, kiêu hùng dưới ánh dương quang.
Người đi đường trố mắt nhìn cảnh tượng hiện ra, thán phục tài cỡi ngựa của kỵ sĩ, tài phóng thương, họ thán phục đến quên cả reo hò tán thưởng.
Chợt, có ai đó bật chuổi cười dài, tràng cười dứt, một câu nói tiếp theo :
- Quan Đông Vạn Mã đường! Khá lắm! Đáng chú ý đến lắm!
* * * * *
Ngọn đèn lồng trước khung cửa hẹp đã tắt.
Một người đứng bên dưới ngọn đèn, chính người này ngẩng mặt mà cười, âm thanh rung chuyển không gian, cát vàng bám nơi lồng đèn lay động, rơi xuống đầu hắn, mặt hắn.
Khi nào hắn để tâm đến cái vặt vạnh đó?
Hắn, là Diệp Khai, hắn không hề dừng chân ở những cái vặt vạnh như vậy. Hắn vẫn mặc chiếc áo đêm qua, vừa rách, vừa hôi hám, một mùi hôi đặc biệt, không tên, hỗn hợp bởi mùi người, mùi bụi cát, mùi gió sương, mùi cây cỏ mục.
Hắn đứng đó, không buồn ái ngại cho những người quanh hắn phải ngửi cái mùi đặc biệt của hắn. Mà chừng như hắn muốn cho người ta ngửi cái mùi của hắn, thấy ai bịt mũi, là hắn thích vô cùng.
Nơi một lỗ thủng trên áo, đóa hoa cúc tàn đêm qua không còn nữa, thay vào đó là một đóa châu hoa.
Châu hoa là vật trang sức mái đầu nữ nhân, bình sanh hắn không hề hái hoa tươi, bình sanh hắn chỉ hái hoa châu thôi.
Đóa châu hoa này, do chính hắn hái rồi cài vào áo rách, hay do nữ nhân tặng?
Cái đó, chỉ có hắn và nữ nhân chủ đóa châu hoa biết mà thôi.
Phó Hồng Tuyết lúc đó, thu hồi ánh mắt đang nhìn về chốn xa xăm, đưa ánh mắt sang Diệp Khai.
Và cũng lúc đó, Diệp Khai rời chỗ đứng, bước ra giữa đường, đến trước mặt người áo trắng.
Chân hắn chập choạng, người hắn lảo đảo, tựa hồ hắn đang say túy lúy, say đến mức độ của Lý Thái Bạch nhảy xuống nước ôm trăng mà chết đắm.
Toàn thân hắn say, song đôi mắt không say, đôi mắt sáng quắc không kém mắt Thành Cát Tư Hãn lúc nhắm chim điêu mà buông tên thần.
Hắn nhìn chăm chú người áo trắng, rồi hỏi :
- Từ đêm qua đến bây giờ, các hạ vẫn đứng đây?
Người áo trắng đáp :
- Phải!
Diệp Khai lại hỏi :
- Rồi suốt ngày nay, cũng đứng đây?
Người áo trắng đáp :
- Phải!
Diệp Khai hỏi :
- Chờ đợi cái gì đó?
Người áo trắng đáp :
- Chờ người.
Diệp Khai hỏi :
- Ai?
Người áo trắng đáp :
- Các hạ.
Diệp Khai mỉm cười :
- Chờ tại hạ? Tại hạ không là tuyệt sắc giai nhân, thì các hạ chờ để làm gì?
Người áo trắng đáp :
- Trong con mắt của Tam lão bản, những giai nhân trên cõi đời này gom lại không sánh được một các hạ với phong độ anh hùng.
Diệp Khai cười lớn :
- Cho đến bây giờ, tại hạ mới biết mình là một đấng anh hùng! Nhưng, Tam lão bản thuộc hạng người như thế nào?
Người áo trắng đáp :
- Là người biết anh hùng, trọng anh hùng.
Diệp Khai tiếp :
- Tốt! Tại hạ rất hoan hỉ những con người như vậy. Tam lão bản ở đâu? Tại hạ sẽ cho lão ta có dịp mời tại hạ uống rượu.
Cho người ta có dịp mời rượu hắn, hắn có cảm tưởng là làm cho người ta rỡ mặt rỡ mày vì việc đó lắm.
Hắn có cảm tưởng là ban vinh hạnh cho người ta!
Người áo trắng thốt :
- Chính tại hạ đang tuân hành mạng lịnh của Tam lão bản, đi thỉnh khách đêm nay đến đó uống rượu. Một tiệc rượu mọn.
Diệp Khai lắc đầu :
- Nếu là tiệc mọn thì thôi, tại hạ không đến dự đâu! Phải là tiệc lớn mới được, một tiệc có rất nhiều rượu, uống đến ngày tận thế cũng không hết phần tích trữ.
Người áo trắng đáp :
- Tại Vạn Mã đường, bất cứ lúc nào, cũng có sẵn trên ba ngàn vò rượu loại thượng hảo hạng. Thiết tưởng số tích trữ đó đủ làm hài lòng các hạ.
Diệp Khai cười ròn :
- Nếu vậy, thì dù các hạ không gọi, tại hạ cũng bắt buộc các hạ gọi tại hạ!
Người áo trắng điềm nhiên :
- Đa tạ.
Diệp Khai hỏi :
- Tại hạ đã đáp ứng rồi, các hạ còn chờ gì nữa mà chưa chịu ly khai nơi này?
Người áo trắng giải thích :
- Tại hạ vâng lịnh mời sáu người, hiện tại mới mời được năm vị thôi.
Diệp Khai chớp mắt :
- Cho nên, các hạ chưa đi được?
Người áo trắng gật đầu :
- Đúng vậy.
Diệp Khai hỏi :
- Người thứ sáu là ai?
Không đợi người áo trắng hồi đáp, hắn bật cười lớn, rồi tiếp :
- Tại hạ biết người đó là ai rồi. Xem ra, hắn không thích mời ai uống rượu mà cũng không thích ai mời hắn uống.
Người áo trắng nhếch nụ cười khổ.
Diệp Khai tiếp luôn :
- Dù các hạ có đứng đây đủ ba ngày đêm, tại hạ bảo chứng là không làm sao cho hắn dao động. Trên thế gian này, chẳng có sự gì làm cho tâm hắn dao động nổi.
Người áo trắng thở dài.
Diệp Khai đưa ý kiến :
- Tuy nhiên, có một biện pháp làm cho hắn dao động được.
Người áo trắng ngưng trọng thần sắc :
- Xin thỉnh giáo.
Diệp Khai giải thích :
- Muốn cho hắn đi đến nơi nào, các hạ đừng mong thỉnh mà được, dù cung cách thỉnh cực kỳ tôn kính. Mà kích thích hắn cũng chẳng ích lợi gì. Chỉ có cách là làm cho hắn chú ý đến một cái gì đó, và cái đó sẽ khai diễn tại nơi các hạ thỉnh hắn đến. Thế là hắn đến ngay, cấm hắn hắn cũng đến.
Người áo trắng nhếch miệng cười khổ, thốt :
- Rất tiếc, tại hạ không biết phải làm cho con tim của hắn dao động.
Diệp Khai bảo :
- Các hạ nhìn đây.
Hắn quay mình, bước đi về Phó Hồng Tuyết.
Mường tượng Phó Hồng Tuyết có ý chờ.
Diệp Khai cứ bước tới, tới gần, càng gần càng lộ vẻ thần bí, rồi hắn thấp giọng hỏi :
- Ngươi biết hay không biết ta là ai? Ta có liên quan với ngươi thế nào?
Phó Hồng Tuyết hỏi lại :
- Ngươi là ai? Có liên quan với ta thế nào?
Gương mặt chàng vẫn lạnh lùng, không một cảm nghĩ nào hiện lộ, song đôi bàn tay nắm chuôi đao chừng như gồng lên, gân xanh nổi vồng thấy rõ.
Diệp Khai điểm một nụ cười :
- Nếu ngươi muốn biết, thì đêm nay, cứ đến Vạn Mã đường gặp ta, ta sẽ cho biết.
Hắn không để cho Phó Hồng Tuyết nói tiếng gì với hắn, thốt xong hắn liền quay mình đi, mường tượng hắn sợ Phó Hồng Tuyết đuổi theo hay gọi giật lại.
Nhưng, Phó Hồng Tuyết bất ngôn, bất động, mắt nhìn xuống, dán vào bàn tay cầm đao.
Diệp Khai trở lại cạnh người áo trắng, vỗ nhẹ tay lên vai y, cười thốt :
- Hiện tại, các hạ có thể trở về phục lịnh được rồi. Đêm nay, hắn sẽ đến Vạn Mã đường. Tại hạ bảo chứng điều đó.
Người áo trắng trì nghi mấy phút :
- Chắc chắn hắn sẽ đến?
Diệp Khai bĩu môi :
- Hắn đến hay không, là phần việc của tại hạ, nhiệm vụ của các hạ xong rồi, thì cứ ly khai, không còn mảy may trách nhiệm.
Người áo trắng thốt :
- Đa tạ!
Diệp Khai lắc đầu :
- Đừng đa tạ tại hạ. Các hạ nên đa tạ chính mình.
Người áo trắng trố mắt :
- Đa tạ chính mình?
Diệp Khai mỉm cười :
- Hai mươi năm trước đây, là tay kiếm khét tiếng sông hồ với ngoại hiệu Nhất Kiếm Phi Hoa kèm theo cái tên lớn Hoa Mãn Thiên, giờ đây vì một người nào đó mà cam tâm tình nguyện đứng nguyên tại chỗ giữa trời suốt một đêm sang nửa ngày, thì tại sao tại hạ không làm một cái gì cho các hạ chứ?
Người áo trắng nhìn Diệp Khai, ánh mắt cực kỳ quái dị, lâu lắm, mới lạnh lùng thốt :
- Các hạ biết nhiều chuyện quá!
Diệp Khai cười nhẹ :
- Cũng may là tại hạ chưa biết hết tất cả mọi chuyện.
Người áo trắng bật cười khan mấy tiếng, nghiêng mình, vái dài :
- Đêm nay, sẽ gặp lại.
Diệp Khai gật đầu :
- Nhất định như vậy rồi.
Người áo trắng vái lượt nữa, từ từ quay mình nhổ ngọn thương cắm nơi mặt đường, cuộn lá cờ tam giác quanh thân thương, đoạn dộng đầu thương xuống đất, một tiếng cộp vang lên, thân hình của y cũng tung bổng lên.
Vừa lúc đó, có tiếng ngựa hí, tiếng hí chưa dứt, ngựa từ một góc đường cất vó chạy bay tới.
Không sớm, không muộn, ngựa vừa chạy ngang qua, người áo trắng đáp xuống đúng trên lưng nó.
Ngựa hí tiếp một tiếng, tiếng hí vừa dứt thì người và ngựa đã xa ngoài mười trượng.
Đưa mắt nhìn theo, đến lúc người ngựa khuất dạng trên đường dài, Diệp Khai buông tiếng thở dài, lẩm nhẩm :
- Xem ra, Vạn Mã đường đúng là nơi rồng nằm cọp nấp, cao thủ quy tụ như mây đùn...
Hắn vươn rộng hai cánh tay, miệng hoát ra, ngáp một hơi dài, quay đầu nhìn qua Phó Hồng Tuyết.
Phó Hồng Tuyết đã ly khai nơi đó, chẳng rõ từ lúc nào.
* * * * *
Trên cao, là trời xanh.
Trước mắt, là cát vàng.
Nhìn tận mắt, nơi tít mù xa thẳm, trời và cát như liền nhau, trong khung cảnh bao la đó, ẩn ước có bóng lá cờ trắng phất phơ theo gió.
Tận mắt, là phương trời xa thẳm, tận mắt, là lá cờ màu trắng, nổi bật giữa trời xanh cát vàng.
Lá cờ trắng là biểu hiện của Vạn Mã đường. Vạn Mã đường như ở tận chân trời xa.
Bốn phía là đồng hoang, giữa đồng có một con đường, dài vô tận, dấu ngựa phô bày, mới cũ lẫn lộn, chứng tỏ kỵ sĩ không ngừng qua lại quảng đường này.
Cuối đường là nơi có cờ trắng, là Vạn Mã đường.
Phó Hồng Tuyết đến cánh đồng hoang đó, đứng cạnh con đường, mắt hướng về lá cờ trắng.
Chẳng rõ chàng nhìn cờ được bao lâu rồi, hiện tại mắt chàng vẫn còn đăm đăm...
Một lúc lâu, chàng quay mình lại.
Phía sau, một bóng đỏ xuất hiện trên đường dài, trong khoảng cách xa xa, bóng đỏ như lưu tinh, lao vút tới.
Bóng đỏ, là một yên chi mã, kỵ sĩ cũng vận y phục hồng, đồng màu với ngựa.
Kỵ sĩ từ phía sau tới, Phó Hồng Tuyết hướng mắt về phía trước, chàng quay mình là để tránh nhìn bóng đỏ, chàng biết phía sau lưng có kỵ sĩ tiến về phía chàng.
Rồi chàng đi tới, đi được mấy bước, kỵ sĩ đã đến gần chàng rồi.
Yên chi mã vút qua, kỵ sĩ quay đầu nhìn lại chàng, đôi mắt sáng của kỵ sĩ dán vào bàn tay cầm đao của chàng.
Kỵ sĩ giật cương, ngựa lập tức dừng vó, dừng bất thình lình nhưng rất ổn.
Ngựa rất đẹp, kỵ sĩ cũng đẹp, song Phó Hồng Tuyết mường tượng không trông thấy hai cái đẹp đó.
Người trên ngựa lại nhìn chàng, sau cùng hỏi :
- Chính ngươi đây à? Cả Trường chủ cũng không mời nổi ngươi nữa à?
Kỵ sĩ, là một thiếu nữ, một giai nhân đúng hơn.
Âm thanh của nàng rất ấm dịu, chỉ có người đẹp mới có âm thanh đó.
Phó Hồng Tuyết như không thấy người, thì tự nhiên như cũng không nghe người nói.
Thiếu nữ dửng cao đôi mày, cất cao giọng tiếp luôn :
- Ngươi nghe đây, đêm nay, nếu ngươi dám không đến, thì quả thật ngươi là một kẻ hèn, rất hèn, rất đốn mạt, hạ tiện, ta sẽ giết ngươi, lấy thịt ngươi nuôi chó.
Đoạn, nàng vung roi ngựa, quất sang mặt Phó Hồng Tuyết.
Phó Hồng Tuyết như không thấyluôn ngọn roi đó.
Nhưng, chẳng biết tại sao, ngọn roi xuất phát mạnh, nửa chừng lại giảm mãnh lực, rồi một tiếng rẹt rất khẽ vang lên, roi phớt qua mặt Phó Hồng Tuyết, lưu lại một vệt đỏ.
Phó Hồng Tuyết như chẳng cảm giác gì, song bàn tay nắm chuôi đao thì kéo gân xanh vồng lên thấy rõ.
Thiếu nữ bật cười sằng sặc, thốt :
- Thì ra, ngươi là một con người gỗ.
Nàng cười tiếp, ròn rã, giật cương, ngựa phóng vó, thoáng mắt khuất dạng trên con đường lợp cát vàng.
Bây giờ, Phó Hồng Tuyết mới đưa tay sờ mặt.
Bây giờ, chàng mới run, run người lên, run mãi, lâu lắm vẫn chưa ngừng. Bàn tay nắm cứng chuôi đao, suýt bóp nát chuôi đao.
* * * * *
Diệp Khai còn đứng nguyên tại chỗ, ngáp dài dài.
Nếu có ai chú ý, tất phải thấy là hắn ít nhất cũng ngáp hơn bốn mươi lần trong ngày nay rồi! Vậy mà hắn không chịu đi ngủ ngay cho!
Hắn nhìn ngang, nhìn dọc, mường tượng mỗi sự vật gì quanh mình hắn, gần cũng như xa, đều gây cho hắn một thích thú cao độ.
Hiện tại, hắn từ trong một cửa hiệu buôn tạp hóa bước ra, chuẩn bị đến quán mì đối diện.
Hắn la cà khắp nơi, xem mọi vật, ăn mọi thứ, hắn có vẻ một người rừng bất chợt lạc đến đô thị, trông cái gì cũng lạ mắt, cái gì cũng hấp dẫn hắn mãnh liệt.
Cùng đi chậm như nhau, song hắn và Phó Hồng Tuyết mỗi người có một dáng đi riêng biệt.
Phó Hồng Tuyết thọt một cẳng, phải đi chậm, nhưng lúc đi, thân hình đứng thẳng, mường tượng chiếc sào xê dịch.
Diệp Khai đi, uể oải, như con người không xương, nếu có ai cắc cớ khều nhẹ hắn với một ngón tay thôi, hắn cũng có thể ngã như thường.
Mường tượng là vậy.
Hắn vừa bước ra đến giữa lòng đường, đột nhiên, một kỵ sĩ rong ngựa từ xa tới, ngựa lao đi như tên bắn.
Ngựa, là yên chi mã, kỵ sĩ là thiếu nữ vận áo hồng. Yên chi mã là loại ngựa đẹp, thiếu nữ ngồi ngựa là một giai nhân, trông như đóa hoa đào, song lại là thứ hoa đào có gai!
Ngựa chưa đến nơi, thiếu nữ vung ngọn roi, hỏi :
- Gã kia! Không tiếc mạng sống à? Có tránh qua một bên ngay đi không?
Diệp Khai uể oải ngẩng đầu lên, liếc xéo qua nàng, nhưng vẫn đứng y tại chỗ.
Nàng giật cương, cho ngựa tràn qua một bên, đồng thời vút tay quất ngọn roi vào mặt Diệp Khai.
Lần này, nàng không nương tay như đối với Phó Hồng Tuyết, nàng quất thật tình, dĩ nhiên phải mạnh, nếu trúng, thì mặt của Diệp Khai hẳn mang sẹo suốt đời.
Diệp Khai uể oải đưa tay lên, ngọn roi nằm gọn trong tay hắn, cứng chắc.
Thiếu nữ đỏ mặt, đỏ như chiếc áo đang mặc.
Diệp Khai chỉ dùng ba ngón tay kẹp ngọn roi, song dù nàng vận dụng tận công lực, ngọn roi vẫn không sút khỏi ba ngón tay của Diệp Khai.
Nàng sợ, lại khẩn cấp, hết :
- Ngươi... ngươi làm gì thế?
Diệp Khai bây giờ mới nhìn nàng thật sự, rồi giở giọng uể oải, đáp :
- Tại hạ chỉ muốn cáo tố với cô nương một việc!
Thiếu nữ cắn môi, rồi bĩu môi, thốt :
- Ta không muốn nghe!
Diệp Khai điềm nhiên :
- Không nghe không được. Bất quá, là một đại cô nương mà để rơi từ lưng ngựa xuống đất, thì xem chẳng đẹp mắt chút nào.
Thiếu nữ cảm thấy một đạo kình lực từ ngọn roi chuyển qua bàn tay, từ tay chuyển khắp thân thể, nếu kình lực gia tăng cường độ một chút, là nàng có thể rơi xuống liền.
Bất giác, nàng kêu to lên :
- Nói gì cứ nói, đánh đấm cứ đánh, gấp đi!
Diệp Khai mỉm cười :
- Cô nương không nên hung hăn như vậy nhé! Không hung hăng, thì đúng là một đại cô nương mỹ miều đấy, hung hăng lên rồi, thì lại biến ngay thành một thứ cọp cái.
Thiếu nữ nổi giận, quát :
- Còn gì nữa không?
Diệp Khai tiếp :
- Còn. Vô luận yên chi mã đẹp, cọp cái đẹp, hễ đạp chết người là phải đền mạng.
Thiếu nữ giận đến nhợt nhạt mặt, hừ hừ luôn mấy tiếng :
- Bây giờ ngươi có thể buông tay ra chưa?
Diệp Khai mỉm cười :
- Còn một điều nữa.
Thiếu nữ hét :
- Điều gì?
Diệp Khai tiếp :
- Nam nhân như tại hạ, gặp nữ nhân như cô nương, nếu không hỏi tên hỏi họ, bỏ qua cho cô nương đi dễ dàng, thì chẳng hóa ra mình không xứng đáng với mình sao?
Mà cũng không xứng đáng với cô nương nữa đó.
Thiếu nữ cười lạnh :
- Tại sao ta phải cung khai tên họ cho ngươi nghe chứ?
Diệp Khai điềm nhiên :
- Tại vì cô nương không thích rơi từ lưng ngựa xuống đất.
Thiếu nữ đỏ mặt, mắt chớp chớp rồi đảo lộn mấy vòng, bỗng thốt :
- Được rồi, ta cho ngươi biết, ta họ Lý, tên Cô Cô. Ta nói rồi đó, ngươi chịu buông tay chưa?
Diệp Khai cười hì hì, buông tay, lẩm nhẩm :
- Lý Cô Cô! Cái tên nghe hay hay đấy chứ!
Chợt hắn thức ngộ, nhưng lúc đó yên chi mã đã chở người đi xa rồi.
Từ xa, thiếu nữ quay đầu lại, cười lớn, thốt :
- Ngươi hiểu rồi chứ? Thằng nhỏ biết tay mụ nội chưa?
Nàng sợ Diệp Khai đuổi theo, thúc hông ngựa, ngựa phi nhanh, ngang qua một ngôi nhà, tung mình lên, vọt vào khung cửa hẹp, khuất mình.
Nàng cho rằng, một khi nàng vào bên trong cửa, thiên lôi cũng chẳng dám đuổi theo nàng.
Hà huống gã áo rách bên vệ đường?
* * * * *
Bên trong khung cửa, mười tám chiếc bàn đều trống không. Chỉ có người trung niên thần bí ngồi nơi chiếc bàn vuông nhỏ, cạnh cầu thang dưới, và người trung niên đó vẫn đang xáo trộn các cỗ bài xương, như bất cứ lúc nào.
Hiện tại, là ban ngày, nơi đây không có lệ tiếp khách ban ngày.
Nghề nghiệp của chủ nhân không cao khiết chi đó, song ít nhất cũng có quy củ, và vô luận như thế nào, quy củ cũng phải được tôn trọng.
Mái tóc cạnh mang tai đã bắt đầu điểm trẰng, những đường nhăn bắt đầu hiện lộ nơi gương mặt, trong mớ tóc biến màu và làn da giùn thành gợn li ti đó, chẳng biết có ẩn chứa bao nhiêu niềm hoan lạc, thống khổ, bí mật.
Nhưng đôi tay của y thì trái lại còn mịn màng, mát dịu như tay thiếu nữ.
Y vận y phục hoa lệ, song không xa xỉ.
Trên bàn, có chén bằng vàng, trong chén có rượu màu hổ phách, trông qua là biết ngay thứ rượu quý.
Hiện tại, y đang sắp những quân bài thành một bức đồ bát quái.
Thiếu nữ tiến vào, thoạt đầu ồ ạt, gần đến người trung niên thì rón rén bước chân.
Chưa đến nơi, nàng gọi :
- Đại thúc mạnh giỏi!
Vào đến đây, nàng bỏ cái lốt cọp cái, trở thành một thiếu nữ nhu mì.
Chủ nhân không quay đầu, chỉ cười nhẹ, rồi gật gật, bảo gọn :
- Ngồi!
Thiếu nữ bước tới, ngồi xuống chiếc ghế đối diện. Nàng muốn nói gì đó, chủ nhân khoát tay, bảo luôn :
- Chờ một chút.
Y quan sát bức đồ bát quái bằng những quân bài một lúc, rồi thở dài, vẻ người rủ rủ ngay.
Thiếu nữ lấy làm lạ hỏi :
- Nhìn các quân bài, đại thúc thấy được việc này việc nọ à?
Chủ nhân buông gọn :
- Ừ!
Thiếu nữ hỏi :
- Hôm nay đại thúc thấy gì?
Chủ nhân cầm chén rượu, nhấp một ngụm, rồi cất giọng trầm buồn :
- Có những việc không nên biết là hơn!
Thiếu nữ cau mày :
- Nếu biết?
Chủ nhân từ từ thốt :
- Mây trời khó lường, biết mây trời, là tai họa phát sanh ngay.
Thiếu nữ lắc đầu :
- Tai họa phát sanh, thì mình tìm cách lánh tai, tỵ họa!
Chủ nhân thở dài :
- Có những thứ tai họa mà mình không tránh được, tuyệt đối không tránh được.
Thiếu nữ nhìn các quân bài, sững sờ một lúc rồi lẩm nhẩm :
- Tại sao tôi chẳng thấy chi hết?
Chủ nhân lộ vẻ ảm đạm :
- Bởi ngươi không thấy được, nên khoái lạc hơn đại thúc nhiều.
Thiếu nữ trầm ngâm một lúc, đoạn bật cười hỏi :
- Bỏ qua những chuyện hoang đường đó đi, bây giờ, tôi muốn biết đêm nay đại thúc có đến nhà chúng tôi không?
Chủ nhân cau mày :
- Đêm nay?
Thiếu nữ tiếp :
- Gia gia nói, đêm nay người có mời mấy vị khách đặc biệt, cho nên muốn đại thúc có mặt trong buổi họp. Trong chốc lát đây, sẽ có xe đến đón đại thúc.
Chủ nhân suy tư một chút :
- Ta không đi là phải hơn!
Thiếu nữ tiếp :
- Thực ra, gia gia cũng biết là đại thúc sẽ không đến, dù vậy người cũng sai tôi đến đây, báo hại tôi bị tiểu quỷ làm nhục, suýt chết tức vì tiểu quỷ đó.
Một người cười vang, tiếp nối câu nói của nàng :
- Tiểu quỷ không hề làm nhục mụ nội, chính mụ nội toan đạp chết tiểu quỷ.
Thiếu nữ giật mình.
Không rõ từ lúc nào, Diệp Khai đã vào cửa, đi luôn đến đó. Hắn nhìn nàng, cười cười.
Nàng biến sắc mặt, gắt :
- Ngươi bằng vào đâu mà dám vào tận chốn này?
Diệp Khai điềm nhiên thốt :
- Người không nên vào chốn này chính là cô nương đó, chứ không phải tại hạ đâu.
Nàng dậm chân, quay mình, hậm hực :
- Đại thúc, đuổi hắn ra ngoài đi, đại thúc nghe được những lời nói của hắn sao?
Chủ nhân thản nhiên điểm nụ cười :
- Trời sắp tối rồi đó, ngươi hãy về gấp đi, cho gia gia ngươi không sốt ruột.
Thiếu nữ giật mình, dậm chân thình thịch, rồi quày quả bước đi, lách ngang qua Diệp Khai, ra luôn cửa.
Diệp Khai cười, thốt :
- Mụ nội đi cho khéo đấy, nếu vấp ngã mà chết, thì chẳng có ai đền mạng cho đâu nhé.
Bởi, thiếu nữ căm hận cực độ, tự mình không làm gì được Diệp Khai, mà vị đại thúc cũng chẳng bênh vực tí ti. Do đó, nàng bước hối hả, vấp chân, suýt đâm bổ mình vào khung cửa.
Ra ngoài rồi, thiếu nữ hoành tay, xô mạnh cánh cửa, đóng lại kêu một tiếng ầm.
Có vậy, nàng mới hả tức.
Nàng còn mỉa một câu :
- Cám ơn thằng nhỏ lo sợ cho mụ nội ngã chết.
Diệp Khai cười khổ, lẩm nhẩm :
- Yên chi mã đẹp, mẩu lão hổ cùng đẹp!
Chủ nhân cười nhẹ :
- Các hạ nói sai nửa phần.
Diệp Khai cau mày :
- Nửa phần?
Chủ nhân giải thích :
- Ở đây, người ta gọi người là yên chi hổ, còn vật là yên chi nô.
Diệp Khai cười.
Chủ nhân tiếp :
- Nàng là ái nữ của chủ nhân buổi tiệc đêm nay đó.
Diệp Khai kêu lên :
- Nàng là con gái của Tam lão bản tại Vạn Mã đường?
Chủ nhân gật đầu :
- Cho nên đêm nay, các hạ hãy dè dặt cho lắm, đừng để cho yên chi hổ ngoạm mất giò đấy.
Diệp Khai lại cười, chợt nhận ra con người thần bí đối diện không hẳn là thần bí, cô độc. Hắn thấy y cởi mở đáng thân lắm.
Hắn hỏi :
- Tam lão bản tên họ là chi?
Người trung niên đáp :
- Họ Mã, Mã Phương Linh.
Diệp Khai cười nhẹ :
- Mã Phương Linh! Tại sao lại chọn tên nữ nhân?
Chủ nhân đáp :
- Phụ thân tên Mã Không Quần, nữ nhi tên Mã Phương Linh.
Y cười hì hì, tiếp luôn :
- Các hạ muốn biết, đích thực là muốn biết tên con gái, chứ không phải tên phụ thân nàng, cho nên tại hạ nêu ngay tên nàng ra, cho được việc hơn.
Diệp Khai cười vang :
- Nếu chủ nhân buổi tiệc đêm nay cởi mở như các hạ, thì cái chuyến đi này của tại hạ không uổng công vậy. Diệp Khai sẽ rất hài lòng.
Chủ nhân chớp mắt :
- Diệp Khai?
Diệp Khai gật đầu :
- Tại hạ là Diệp Khai.
Hắn hỏi lại :
- Còn chủ nhân?
Chủ nhân trầm ngâm một phút :
- Tiêu Biệt Ly!
Một cái tên kỳ kỳ!
Vừa lúc đó, có tiếng xe ngừng trước cửa, rồi ngựa hí vang vang.
* * * * *
Một cỗ xe to, do tám ngựa kéo. Xe màu đen, thiếu lộng lẫy, thừa uy nghi.
Một người vận y phục trắng, đứng trên xe, chờ khách.
Trước đầu xe, có lá cờ trắng, hình tam giác, cờ có năm chữ “Quan Đông Vạn Mã đường”.
Người đứng đó, tác nhỏ hơn Hoa Mãn Thiên, tuổi độ trên dưới bốn mươi, mặt tròn, cằm lấm tấm râu, lúc không cười cũng có vẻ khả ái.
Diệp Khai hỏi :
- Các hạ nhận ra tại hạ?
Người đó lắc đầu :
- Chưa được hân hạnh.
- Không nhận ra, sao các hạ biết tại hạ là khách?
Người đó mỉm cười :
- Tuy các hạ mới đến đây một đêm thôi, song cái danh hào hoa của các hạ truyền khắp Biên Thành, hà huống, nếu không phải là bậc anh hùng, thì làm gì các hạ được đệ nhất mỹ nhân trong thiên hạ tặng châu hoa?
Diệp Khai trố mắt :
- Các hạ nhận được đóa châu hoa này?
Người đó đáp :
- Chính tại hạ tặng đệ nhất mỹ nhân!
Không đợi Diệp Khai nói chi, gã thở dài, cười khổ, tiếp :
- Rất tiếc, tại hạ thuộc giống đa tình, song chưa hề được mỹ nhân tặng một nụ cười duyên.
Diệp Khai mỉm cười, đập tay nhẹ vào vai gã, thốt :
- Bình sanh, tại hạ từng được người trân trọng, nhưng trân trọng đến mức độ tặng châu hoa như thế này, thì quả thật đây là lần thứ nhất! Mà cũng là lần thứ nhất tại hạ được nghe lời tán thưởng như các hạ vừa thốt.
* * * * *
Diệp Khai nhìn nhận, người áo trắng này cũng là một tay khá, chẳng kém Hoa Mãn Thiên, và điều nhận xét này một lần nữa xác định là tại Vạn Mã đường có quá nhiều rồng nằm hổ nấp.
Hắn nóng biết chủ nhân Vạn Mã đường là con người như thế nào.
Sở dĩ, ngồi một lúc, chẳng thấy khách nào đến, hắn hỏi :
- Còn ai nữa chăng?
Người đó đáp :
- Nghe nói, còn có một người nữa, và người này thì do các hạ mời thay.
Diệp Khai thốt :
- Nếu thế, thì các hạ không phải lo lắng, bởi thế nào hắn cũng đến, và đến bằng phương tiện riêng tư của hắn. Tại hạ muốn hỏi đến bốn người kia.
Người đó trầm ngâm một lúc :
- Hiện tại, đáng lẽ họ phải đến đây rồi...
Diệp Khai lạnh lùng :
- Nhưng hiện tại, họ vẫn chưa có mặt!
Người đó vụt cười, tiếp :
- Cho nên, chúng ta không cần đợi nữa. Đi, trước sau gì cũng đi, đi ngay là hơn!
* * * * *
Đêm xuống dần dần. Đồng hoang về đêm thê lương làm sao!
Lá cờ Vạn Mã đường khuất dần trong bóng đêm.
Người áo trắng ngồi đối diện với Diệp Khai, luôn luôn nở một nụ cười, mường tượng chẳng bao giờ mệt cười.
Xe cứ lăn bánh, ngựa cứ cất vó, tiến đều trong tịch mịch.
Bỗng, Diệp Khai thốt :
- Nếu đêm nay, duy nhất một mình tại hạ là khách, thì chắc là tại hạ không về được rồi!
Chừng như người áo trắng bị nhói mạnh ở màn tai, gượng điểm một nụ cười, hỏi :
- Câu nói đó có ý tứ như thế nào?
Diệp Khai đáp :
- Nghe nói tại Vạn Mã đường, có đến ba ngàn vò rượu, một mình tại hạ uống hết ngần ấy rượu, thì còn về làm sao nổi? Cái chắc là phải chết vì say vậy.
Người áo trắng cười phào :
- Điều đó thì các hạ không đáng quan tâm. Tại Vạn Mã đường không thiếu người cao tửu lượng. Như tại hạ đây, cũng có thể hầu các hạ uống mấy chén!
Diệp Khai lại buông :
- Tại Vạn Mã đường, cao thủ đông như mây đùn, chỉ sợ tại hạ phải chết!
Người áo trắng lại gượng cười :
- Tửu quỷ thì có, chứ làm gì có cao thủ?
Diệp Khai điềm nhiên :
- Tại hạ muốn nói đến cao thủ về phương diện tửu lượng! Nếu có nhiều người cao tửu lượng, luân lưu mời tại hạ, thì làm sao tại hạ khỏi chết say?
Người áo trắng lại cười phào :
- Tam lão bản lần này, thỉnh khách, là vì mến mộ cái phong nhã của các hạ, nếu có người kính rượu, thì cũng kính trong vòng lễ nghĩa, chứ khi nào lại cưỡng ép các hạ phải uống say?
Diệp Khai tiếp luôn :
- Tuy nhiên, tại hạ còn sợ một điều.
Người áo trắng chớp mắt :
- Điều chi?
Diệp Khai cười, đáp :
- Sợ các vị không ép tại hạ uống say!
Người áo trắng mỉm cười.
Vừa lúc đó, từ nơi khoảng đồng hoang gần đó, vẳng lên lời ca kỳ dị.
Lời ca thê lương, áo não, như khóc, như than, lại mường tượng lời nguyền rủa.
Lời ca nghe rất rõ ràng :
- Thiên hoàng hoàng, địa hoàng hoàng
Nhãn lưu huyết, nguyện vô quang.
Nhất nhập Vạn Mã đường.
Đao đoạn nhân, nhân đoạn trường!

Xem tiếp hồi 2 Vạn Mã đường


No comments:

Post a Comment