Jan 20, 2008

ÂM ĐẠO



Chuyện kể Pôl Pốt Đại Ma Đầu tu luyện đã lâu, đến ngày kia khởi phát tâm nguyện thiên hạ đại trị; trước lúc hạ san, có ghé Hồ Đồ Tiên Sinh ở Hồ Đồ Cốc để vấn đạo. Hồ Đồ trông mặt đã biết tám chín phần tâm địa, nói:

Ngươi sắp lên ngôi báu đấy. Xin có lời mừng.

Thiên hạ bao nhiêu là cao nhân; bản thân chỉ nguyện giúp đời, nào dám nghĩ đến tranh giành ngôi thứ?

Nói là nói vậy, chứ phàm người có quý tướng, không sớm thì muộn, cũng phải gặp hồi vinh hiển.

Tiên sinh khéo đùa, chứ mặt heo, tai chó, tay khỉ, lưng trâu thế này, sao có thể gọi quý tướng?

Ngươi chưa hiểu. Quý tướng chỉ có nghĩa là dị tướng đó. Ở đời hễ hiếm, hễ lạ, thì quý. Nọ đời Tần bên Tầu có kẻ chỉ nhờ dương vật to lớn phi thường mà phút chốc lên ngôi giả phụ của Vua. Có gì dưới gầm trời này gọi được là bất khả?

Được như lời, thì quý hóa xiết bao. Nay giả có lên ngôi báu, thời phải trị dân lẽ nào? Mong tiên sinh vì đời, chỉ dậy đôi lời minh triết; sẽ xin ghi chép vào lòng, làm cẩm nang tối thượng.

Chẳng dám. Những điều ta nói chỉ là lập lại cổ nhân, chẳng dám tự nhận là minh triết.

Vậy cổ nhân dậy thế nào?

Cổ nhân dậy dân nào cũng là dân, thời nào cũng đi chân đất mà cầy cấy, đi xe ngựa mà bán buôn. Có khác là khác Vua, khác cách trị. Có một cách nọ: Thế thiên hành đạo. Vô vi nhi trị. Bất khả tư nghị. Người người đều thư thái. Theo cách ấy trị dân gọi là Đế Đạo, chỉ bậc thánh hiền mới làm được.

Nghe mù mờ quá, chẳng khác Hư Không, làm sao phân biệt? Xin cho nghe cách khác.

Lại một cách nọ: Lấy danh lợi, tiền của, mà khiến người. Ai nghe thì được danh, được lợi, chẳng nghe thì miễn bàn. Cách ấy trị dân gọi là Vương Đạo, chỉ kẻ lắm tài, lắm tiền, mới làm được.

Xưa nay Độc Nhất Thư Chi Nhân, Tư Nhất Riel Chi Thủ, tài chẳng bao nhiêu, tiền chẳng bao nhiêu, cách ấy chẳng theo được. Xin cho nghe cách khác.

Còn một cách nữa: Lấy miệng lưỡi mà mê hoặc người. Lấy vũ lực mà khiển người. Lấy cái chết mà dọa người. Chẳng ai dám phản. Nơi nơi đều yên. Theo cách ấy trị dân gọi là Bá Đạo, phải người bản lãnh mới làm được.

Ma Đầu cướp lời:

Ôi, cao kiến. Xin theo cách ấy. Hôm nay sáng được nghe lời phải, tối dẫu nhắm mắt cũng không ân hận vậy.

Nói xong, lậy tạ, rồi khấp khởi xuống núi ...


*


Lại nói Hồ Đồ, ngày đó cũng bỏ Cốc, ngao du sơn thủy. Tưởng đã chẳng bao giờ còn thấy Ma Đầu, nào ngờ buổi kia, nhân hái thuốc chốn thâm sơn giáp ranh Xiêm Quốc, xảy gặp một toán quân đang tuần lánh nạn, cầm đầu lại hóa ra là cố nhân. Có điều, giờ trông y sao lạ: Xiêm áo xác xơ, mặt mày hớt hải. Tùy tùng lại càng thảm: Tay cụt chân què, sứt tai mẻ mũi, bước đi bước khóc, rất đỗi... dễ thương. Động lòng, hỏi:

Sao lại đến nỗi này?

Ma Đầu sấp đất, tru lên:

Tiên sinh ơi là tiên sinh! Sao không báo trước cái hậu vận này? Trời ơi là Trời! Hồ Đồ ơi là Hồ Đồ!

Ngày nọ ngươi bỏ đi ngay, ta nào kịp thêm một lời? Giờ xin kể cho nghe, ngươi đã làm gì nên nỗi?

Làm gì ư? Từ buổi ấy về ngay cố hương, gặp thời cơ lớn, cứ y cẩm nang tối thượng mà làm; những tưởng một đời an hưởng ngôi báu, ngờ đâu ngồi chưa nóng chỗ, đã bị đánh đuổi tan tác, phải bỏ của chạy lấy người, lánh vào tận chốn này. Chao, cẩm nang ơi là cẩm nang!

Cẩm nang tối thượng là cái quái chi? Cụ thể ngươi đã làm những gì?

Còn hỏi đã làm gì nữa ư? Lấy đao búa mà kề cổ người. Lấy Bạch Thư, Miêu Tuyển mà răn người. Lại mỗi ngày chỉ cho ăn một hột cốc, uống một giọt máu; trăm họ rơi đầu, máu chẩy thành sông, xương chồng thành núi, xã tắc hóa tha ma, cực kỳ khoản khoát. Thế còn chửa được gọi là Bá Đạo ru? Sao ngày ấy lại dậy: chẳng ai dám phản, nơi nơi đều yên?

Ôi chao, ngươi đã nhầm lớn rồi. Cẩm nang của ngươi dẫu bá đạo đến như Kiệt, Trụ, cũng chẳng dám theo nữa là!

Cứ những lời vừa nói đó, thời đây đã chẳng theo đúng Bá Đạo ư?

Phải. Đạo ngươi tuyệt chẳng thể gọi Đế, Vương, hay Bá, gì hết; trần đời này chẳng ai, ngoại trừ một thằng khùng nọ bên nước Phổ, là lớn mật dám làm, song kết cục đã phải thẳng đường Âm Phủ lánh nạn rồi. Nói vậy, có thể tạm gọi đạo của ngươi bằng một cái tên đó.

Là gì, hử Trời?

Là ... Âm Đạo!

Sao mà nghe âm hiểm quá vậy?

Nói rồi, lại tru lên. Tùy tùng cũng rống thêm vào, lại càng thảm thiết.
124

No comments:

Post a Comment