1
Ở cuối chợ, chẳng hiểu từ lúc nào, bỗng xuất hiện một lão ăn mày ghẻ lác. Mà nói cho ngay, thiên hạ cũng chẳng biết lão có làm nghề ăn mày không nữa, vì lão chẳng ngửa tay xin tiền ai bao giờ. Mọi người chỉ thấy lão ngồi cuối chợ, bày xuống đất một miếng giấy nhật trình, nhầu nát, đen bẩn như bộ quần áo lão đang mặc. Trên tờ giấy có để một cái chén mẻ và vài đồng xu nằm lăn lóc. Bên cạnh, một tấm bảng viết tay ngoằn ngèo: "Thày Bói"
Thường thì chẳng bao giờ lão có khách đến coi. Nên lão sống bằng lòng hảo tâm của khách qua đường. Nghe đâu, lão coi bói như thần, cứ mười vụ, thì đều trúng cả mười. Toàn những chuyện xui xẻo, thập tử nhất sinh. Thiên hạ ai cũng sợ, ngờ rằng, lão chỉ toàn đem điềm họa tới, nên ít người dám coi. Chẳng đặng đừng lắm mới lết đến nhờ lão coi giúp.
Cách nay mấy tháng, chị Sáu cháo vịt, làm ăn lỗ lã quá, rón rén đến đặt một quẻ xem vận mình ra sao, lão chẳng cần coi gì sất trọi, chỉ nhìn chị mà lắc đầu nguây nguẩy:
- Vận chị xấu lắm, chẳng làm được nên trò trống gì nữa đâu. Chị nên về nhà tụng kinh, sám hối cho nhiều, may ra...
Người đàn bà nhìn lão thày bói ngập ngừng:
- Dà....từ nào tới giờ, tui chẳng biết sám hối, tụng kinh sao hết thày à...
Lão thày bói nhìn chị một lúc, rồi chép miệng:
- Âu thì chắc ta đã có ít nhiều cơ duyên với chị. Thôi thì để ta gánh giúp cho chị một phen.
Nói rồi, lão lôi trong cái túi cáu bẩn một viên thuốc đen nhánh bằng hòn bi con. Bóp miệng người đàn bà và bắn vào họng. Lão làm nhanh quá, chị Sáu cháo vịt chỉ ú ớ lên vài tiếng, viên thuốc đã bị lọt tỏm xuống bụng. Chị nghe trong bụng mình nóng ran, chân tay run lẩy bẩy, chị quày quả bỏ về một nước, quên cả trả tiền quẻ và lời cám ơn. Ngày hôm sau, chị bị sốt cao độ, ốm lê lết hơn tháng trời mới bò dậy nổi. Dân trong xóm xầm xì, cho rằng, chị lại là một "nạn nhân" mới của ông thày bói ghẻ lác.
Vì những sự xầm xì nhỏ to ấy. Vô hình chung, dân trong xóm đã khoác lên lão thày bói thành một nhân vật bí hiểm. Có người lại kháo nhau rằng, lão chính là một vị Bồ Tát hóa thân xuống nhân gian để gánh bớt những nghiệp quả của dân vùng này. Như chuyện chị Sáu cháo vịt chẳng hạn. Có thể chị còn bị nặng hơn thế nữa, nhẫn đến cái chết. Nhưng vì do lòng từ bi của lão, nên chị chỉ bị ốm một trận thập tử nhất sinh một tháng trời rồi thoát. Lại nữa, hình như lão có cặp mắt giống mắt của một vị Bồ Tát, có viền vàng ngoài cái tròng nâu đen.Đồn đại cho lắm, chứ chẳng ai dám đến gần để kiểm chứng cho rõ có đúng là mắt lão như thế không. Họ đều sợ và chẳng ai dám đụng tới lão. Ngược lại, lão cũng chẳng đụng tới ai. Nơi lão "làm ăn" trở thành một khu "cấm địa" chẳng ai dám lai vãng. Thỉnh thoảng có người thương tình, thấy lão cứ ngồi lưng thẳng như cái cột trong dáng thiền định thì bỏ vội vào cái chén mẻ vài đồng lẻ, vài trái chuối, hay một ít bánh rồi vội vã đi thẳng...
*
- Tép ơi, chạy ra chợ mua cho mẹ một bó rau muống và chai tương nhé. Nhớ không được la cà đi chơi đâu đấy, con phải về ngay nghe không?
Người mẹ ốm ho sù sụ, mệt mỏi, uể oải ngồi dậy lấy trong túi ra ít tiền lẻ, dặn dò đứa con gái mười một tuổi của mình, bà nói thêm:
- Rau muống thì khoảng một đồng một bó, chai tương ba đồng, còn lại hai đồng mẹ cho con bỏ ống. Nhớ không được đi lang thang nghe chưa?
Con Tép, người lép kẹp như con tép khô. Mặc trên người một bộ đồ bà ba vá chằng chịt, khuôn mặt rang rỡ:
- Vâng, con sẽ về liền...
Tép tung tăng, xách làn mây ra ngõ. Nhà nó nằm cuối một con ngõ cụt, sâu hun hút, loằng ngoằng, rẽ ngang, rẽ dọc như cái bàn cờ trước khi ra đến mặt lộ. Nếu không phải là người trong xóm, vào con ngõ này phần đông đều bị lạc. Nhưng đối với Tép nó chỉ cần chạy một mạch, quẹo vài cái quẹo như người vũ công trổ tài là đã đến đường lộ rồi... Nó làm đúng theo lời mẹ dặn, mua đủ hai thứ bỏ vào làn mây. Nhưng trước khi về, bỗng nó nghe thấy tiếng lanh canh của các đồng xu chạm nhau. Nhìn lại, hóa ra là lão thày bói đang lấy quẻ. Mấy lần đi chợ với mẹ, nó đều muốn dừng lại nói chuyện với lão. Nhưng lần nào mẹ nó cũng kéo nó đi thật nhanh qua "gian hàng" của lão, nên không bao giờ nó có thể trò truyện được. Hôm nay, thật hên, mẹ nó đang bị ốm ở nhà, đây là dịp rất thuận tiện đến hỏi thăm lão.
- Ông đang làm gì đấy?
- Đang gieo quẻ...
- Gieo quẻ để làm gì?
- Để xem có tai ương nào giáng xuống vùng này hay không.
Con Tép chẳng hiểu ông lão nói gì. "Quẻ" là gì nó chẳng biết. "Tai ương" là gì nó cũng chẳng hiểu. Nhưng cứ hễ nhìn thấy ông bẩn thỉu, ghẻ lác, chẳng có ai chăm lo, nó bỗng thấy thương hại. Nếu mẹ nó đừng vì lời đồn của thiên hạ để sợ hãi ông tới thế, chắc nó cũng đề nghị mẹ nó mời ông lão về nhà ở cho có chỗ trú thân. Nó nghĩ bụng. Trong túi mình có hai đồng, cứ đem cho ông lão trước rồi sau này có tiền bỏ ống sau. Vì tuy hai đồng đối với nó rất lớn. Nhưng chẳng hiểu sao cứ nhìn thấy ông lão ghẻ lác, ai cũng tránh né, nó bỗng thấy thương, chỉ ước sao mình có nhiều tiền hơn để cho lão. Âu, đó là cái cơ duyên của nó với ông vậy. Nó đổi giọng:
- Ông ơi, sáng giờ ông đã ăn gì chưa? Cháu vừa có hai đồng đây, cháu biếu ông tất!!
Nói rồi, nó khẽ khàng, mở cái kim băng cài ở túi áo lấy ra hai đồng đặt xuống cái chén mẻ:
- Cháu nghĩ, hai đồng này có thể giúp ông được một bữa tối. Nếu ăn dè thì có thêm được bữa sáng ngày mai đấy ông...
Ông lão nhìn con bé:
- Cháu tốt bụng lắm. Cháu tên gì thế?
- Ở nhà mẹ cháu gọi cháu là Tép.
- Ông chẳng lấy không của ai bao giờ. Thế cháu muốn gì, ông cho...
Con Tép nhìn ông lão. Nghiêng đầu ngẫm nghĩ một lúc rồi xoè răng ra cười, nó nói đùa:
- Cháu muốn ông "làm phép" cho mẹ cháu khỏi bệnh.
Ông lão nhìn con bé trầm ngâm một lúc rồi bảo:
- Tất cả các nghiệp - dù là thiện nghiệp hay bất thiện nghiệp - khi đã trổ quả thì không thể thay đổi được nữa. Rất tiếc, ông không thể nào giúp cháu được điều đó. Nhưng "Vô công, vô dụng hạnh", ông chẳng lấy không của ai bao giờ. Để ông cho cháu cái này nhé.Nói rồi. Ông lão lại thò tay vào cái túi đen bẩn. Kỳ này, lấy ra một vật lóng lánh. Ông xoè bàn tay, con Tép nhìn vào lòng bàn tay ông thấy một tượng Phật nhỏ bằng ngón tay cái. Tượng đúc bằng vàng nên óng lên như có hào quang.
Con Tép chẳng hiểu "nghiệp quả", "vô công, vô dụng hạnh" là những gì. Nhưng mắt nó sáng lên khi nhìn thấy cái tượng. Cái tượng đẹp không ngờ. Nó chẳng biết tượng đó là tượng gì, nhưng nó rất thích. Nó đỡ lấy cái tượng bằng cả hai tay:
- Cám ơn ông!
Ông lão dặn dò:
- Cháu về nhà tìm một sợi dây đeo vật này lên cổ, khi nào gặp khó khăn, hoạn nạn gì thì tới đây tìm ông...
- Vâng.
Con Tép sung sương bỏ cái tượng nhỏ vào trong túi áo cánh rồi cẩn thận lấy kim băng cài lại.
Lão thày bói giục giã:
- Thôi, cháu về, kẻo mẹ mong.
Tiếng lão nhưng một gióng chuông làm con Tép chợt nhớ, nó vội vã đứng dậy, xách làn mây, vừa chạy giựt ngược, vừa nói:
- Cháu về ông nhé!!
Từ ngày được lão thày bói cho bức tượng. Con Tép tìm một sợi dây tròng vào, đeo tòng teng ở cổ. Nó không dám khoe mẹ, sợ mẹ nó la, cho rằng lại đem điềm quở về nhà. Suy cho cùng, con Tép chẳng thấy ông lão có vẻ gì đáng sợ mà ai ai trong xóm cũng sợ ông. Ông chẳng làm phiền ai, ấy vậy, mọi sự xui xẻo, quở quang, thiên hạ đều đổ vào đầu ông tất. Tuy ấm ức dùm cho ông lão, nhưng con Tép chẳng dám hé răng, sợ rằng, bà con chòm xóm lại chửi nó.
Bệnh tình mẹ con Tép ngày càng nặng. Ban đầu, tưởng chỉ ốm đau qua loa, vài ngày bò dậy như mọi bữa. Nhưng không, mẹ nó ngày càng xanh mướt, ăn uống gì cũng bị nôn thốc ra với máu bầm. Trong khoảng thời gian này, con Tép chẳng biết làm gì. Ngày ngày, nó cứ lấy một ít tiền để dành của mẹ dấu trong lon gui-gô để trên trạn chén đi chợ mua đồ về nấu cháo cho mẹ, tiện thể, nó ghé thăm lão thày bói. Khi thì nó kể lể cho lão nghe về bệnh của mẹ nó, khi thì nó nói những chuyện trên trời, dưới đất. Nó vô tư, không biết gì cho đến khi khám phá ra số tiền để dành trong cái lon gui-gô ngày càng ít dần mà vẫn chưa thấy mẹ khỏi bệnh. Càng ngày, nó thấy bụng mẹ nó cứ trương phình lên, hai cẳng chân phồng lớn như hai cái chân voi. Cho đến ngày thứ mười thì mẹ nó lả đi, bà con chòm xóm mới hè nhau đưa mẹ con Tép vào nhà thương thí. Khám nghiệm, mới biết mẹ nó bị bệnh gan, tới thời kỳ chót không thể chữa được nữa...
Cả xóm đều cảm thấy ái ngại cho gia cảnh của con Tép. Ba nó đã bỏ đi đâu mất gần hai năm nay. Mẹ nó bệnh nặng sắp chết rồi. Nó còn quá nhỏ để đương đầu một mình với đời. Một vài người độc miệng lại rù rì đến chuyện vì nó "kết giao" với lão thầy bói nên mới ra nông nỗi ấy...
Còn con Tép ư? Nó ngồi miết trong nhà thương, bên cạnh mẹ nó đã hôn mê. Thỉnh thoảng nó lại tuột cái tượng đeo trên cổ ra rà rà lên người mẹ nó, lên cái bụng trương phình và đôi chân sưng húp, hy vọng mong manh mẹ sẽ khỏi bệnh sớm, nhưng mẹ nó cứ bằn bặt, chẳng thấy khá hơn... Sợ hãi, nó tru lên khóc nức nở. Ban đầu, mấy cô y tá thương tình, dỗ dành và cho nó mấy củ khoai luộc. Nhưng, rồi ai cũng phải lo toan cho mình, không còn thì giờ đâu nghĩ đến hoàn cảnh côi cút của con Tép. Nó dần dần bị bỏ rơi....
Một buổi chiều, họ báo là mẹ nó đã tắt thở đêm hôm qua, đang chuẩn bị đem xuống nhà xác. Con Tép đứng tần ngần, chẳng biết đi đâu. Khổ quá, nó lại òa lên khóc nức nở...
*
Mấy ngày sau khi mẹ con Tép chết, dân trong xóm nhận ra một điều lạ là chẳng thấy nó trở về. Lão thày bói cũng biến mất, không còn bày hàng ở cuối chợ nữa. Họ đâm ra lo sợ. Một số người yếu bóng vía, cho rằng, lão thày bói đã bắt mất linh hồn con Tép bán cho quỷ sứ mất rồi...
No comments:
Post a Comment