Dec 1, 2004
Cảm Ơn Nỗi Đau
1.Thật là tệ hại, trong khi cô cứ muốn quên đi cái lần gặp gỡ đầu tiên ấy thì anh lại chẳng bỏ qua dịp nào có thể nhắc lại với một vẻ tôn thờ không giấu giếm, ví như vào sinh nhật của cô chẳng hạn, hay vào những bữa tiệc kỷ niệm ngày cưới.
Anh luôn luôn nói với hai đứa con gái rằng, nếu hôm ấy bố mà không được gặp mẹ thì chắc cuộc đời bố không bao giờ được như ngày hôm nay. Cho dù, anh thừa thông minh để hiểu rằng hai đứa bé con, một tám tuổi, một ba tuổi sẽ chẳng bao giờ hiểu được những điều anh nói. Những lúc ấy, tự trong sâu thẳm lòng mình, cô thầm biết ơn anh, biết ơn tình yêu của anh. Nhưng chẳng hiểu sao, cứ vào cái lúc mà anh nói những lời thiêng liêng ấy thì cô lại cảm thấy nghẹt thở, cứ như tim mình bị ai đó bóp nghẹt. Nhầy nhụa và đau đớn. Máu và nước mắt. Cô đã cố gắng tự mình xua đi tất cả nhưng sau ngần ấy năm tất cả vẫn cứ bám riết lấy cô, như một cái bóng đen đúa của định mệnh.
Hồi mới gặp anh, cô xanh xao như một tàu lá. Cô cao một mét sáu nhưng khi ấy chỉ nặng có ba mươi chín cân. Đôi bàn tay gầy guộc, đầy gân xanh y như người vừa mới đẻ xong. Chỉ có mái tóc là vẫn dài và đen bóng, đổ xuống đôi bờ vai mỏng manh. Tự cô, cô cũng không lý giải được khi ấy cô có cái gì hấp dẫn để anh mê mệt cô ngay từ lần gặp đầu tiên. Anh còn nhớ cả chuyện cô thở dài trước khi gấp cuốn sách để trả lại cái cô thủ thư mặt nhăn như quả táo Tàu và lúc nào cũng gắt gỏng, sẵn sàng buông những lời chì chiết ở cái phòng đọc toàn những trí thức ấy. Anh bảo anh yêu đôi mắt cô, đôi mắt sáng, đầy quả quyết. Và anh yêu gương mặt của cô, gương mặt xanh mét nhưng mộc mạc, không hề son phấn. Anh bảo, anh vốn chúa ghét những thứ màu mè. Những nàng chân dài, môi trề đỏ chót và móng tay sơn đỏ như móng gà, lại vẽ rồng vẽ phượng, cứ trông thấy là anh đã sợ, không dám nhìn.
Sau này khi đã quen nhau sơ sơ, anh tự tìm đến nhà cô với một người bạn. Nhà cô nằm cheo veo trên tầng 3 khu tập thể cũ nát nhất Hà Nội. Người hàng xóm mở dịch vụ trông xe ở dưới sân khu tập thể là một bà già hay chuyện và thích thể hiện "quyền lực". Ngồi trông xe thu tiền mà bà ấy đeo băng đỏ thêu chữ vàng rõ to: "Bảo vệ". Anh vừa đẩy chiếc Chaly cũ lên bậc thềm, chìa tay định lấy vé xe thì bà ta sẵng giọng: "Lên nhà ai?". Anh hoảng, liền vội vã nói tên cô. Bà ta chùng giọng xuống, ngọt ngào: "Cái cô ấy là tiến sĩ văn chương, cha là giáo sư, con nhà nền nếp lắm, lại xinh đẹp, chỉ tội muộn chồng. Mà cũng phải, miệng lúc nào cũng câm như hến, đi về cấm có chào hỏi ai".
Rồi bảo, cậu cứ đi lên cầu thang tầng 3, đi qua 3 cái toalet chình ình bậc lên xuống tự xây không trát vôi ve gì là đến nhà cô ấy đấy. Anh cùng cậu bạn quay gót, bước vội như chạy, chỉ sợ bà ta lại giữ lại, "chỉ dẫn" thêm một điều gì đó. Mà y như rằng. Anh vừa đi được vài bước thì bị bà ta gọi giật lại: "Này, cẩn thận trên cầu thang có nhiều kim tiêm của bọn chích choác lắm đấy, giẫm vào là HIV có ngày".
Khi anh tới, cô đang ngồi trước cây đàn piano đặt ngay gần cửa. Những âm thanh ngây ngất, một giai điệu quen thuộc của Mozart loé trên những phím đàn đen trắng. Cô mải đàn không biết là anh đang đứng cửa. Căn phòng chỉ có ba mươi mét vuông, đó là tính cả phần cơi nới chứ nguyên bản chỉ độc có hai mươi mét chẵn. Mà cây đàn piano thì cần một không gian rộng hơn thế. Cho nên, cô bảo ngày bé, hễ cứ khi nào cô tập đàn là bố mẹ cô phải ngưng tất cả mọi việc vì tiếng đàn vang kinh khủng, vang đến nỗi có cảm giác như cả nền nhà cũng rung lên bần bật. Ngày bé, mỗi khi bị mẹ phạt là cô ngồi vào đàn. Giống như là có phép màu, mọi uất ức dường như tan biến cả dưới những ngón đàn. Cả nỗi tức giận của bà mẹ cũng được xua đi bởi những âm thanh thánh thót, trầm bổng. Cô giáo dạy đàn của cô, một bà giáo già sang trọng cứ khuyên cô nên theo nghiệp đàn chuyên nghiệp vì bà đã nhìn thấy tài năng trong cái bàn tay gầy guộc kia. Nhưng cô không muốn. Cô chỉ coi nó như một người bạn. Lớn lên, cô rời xa cây đàn dần dần, nhất là khi cô có người yêu. Những cuộc tình nối tiếp nhau, lúc dài, lúc ngắn, lúc hạnh phúc khi đau khổ khiến cô quên đi tất cả... Cây đàn chỉ còn là người bạn mỗi khi cô mất bạn tình.
2. Hôm anh gặp cô ở thư viện lần đầu tiên là hôm cô vừa mới trở về từ bệnh viện được một ngày. Người nữ bác sĩ cầm đôi bàn tay xanh xao của cô thì thầm đầy thương cảm: "Về nhà gắng mà nghỉ lấy vài ngày. Một con sa bằng ba con đẻ". Hôm ấy là một ngày mưa. Cô ra khỏi nhà từ sáng sớm, bụng bảo dạ phải ăn một cái gì đó để lấy sức nhưng không nuốt nổi bất cứ một thứ gì. Cô lững thững đi ra ga, lên tàu. Khoảng hơn một tiếng sau thì tới nơi. Anh chàng xe ôm bảo cứ đưa 10 nghìn là chở vào tận cổng bệnh viện thị xã. Thị xã buồn tẻ chìm trong màn mưa xám ngắt. Cô loanh quanh một hồi rồi cũng tìm được tới khoa sản. Đó là hai căn phòng ẩm mốc, tường vôi lở loét - bên này là phòng khám còn bên kia là phòng thủ thuật. Cô trút bỏ bộ áo mưa rồi tiện tay kéo sụp chiếc chiếc mũ lưỡi trai xuống sát tận mặt. Tóc cô bê bết nước mưa và mắt thì ầng ậc nước mắt. Người y tá bảo cô nằm lên bàn và sẵng giọng bắt cô bỏ cả mũ lẫn quần. "Gớm chưa, đã vào đến đây mà còn làm bộ xấu hổ".
Mặt bàn inox sáng trắng và lạnh toát. Toàn thân cô run lên cầm cập. Hai cánh tay gầy guộc bíu chặt lấy hai bên thành bàn, cũng lạnh toát và trắng sáng như thế. Những panh, những kéo, những mỏ vịt dài, ngắn, cong, thẳng - tất cả đều sáng trắng và lạnh toát. Nỗi sợ hãi khiến cô không biết đau, chỉ thấy có cái gì thúc lên tận ngực, buốt nhói. Nhưng kinh nhất là máu. Máu chảy ấm cả hai bên đùi, loang lổ đầy trên tấm drap lót ở phía dưới. Xong việc thì cô mới biết mình quên không mang theo một miếng Kotex. Người y tá ban nãy cau mày, rít lên qua kẽ răng: "Gớm, lại chẳng đi bao nhiêu lần rồi mà còn không nhớ mang theo, giờ bắt người ta mua hầu". Cô nén đau, lập cập mở ví, dúi vào tay người y tá tờ 50 nghìn, lập cập: "Chị đi mua giùm em". Có tiền, bộ mặt cau có đột nhiên dãn ra, đầy ái ngại nhìn cô thông cảm: "Khổ, người thân đâu mà chỉ đi có một mình".
Cô về đến Hà Nội thì trời bắt đầu tối. Vẫn mưa. Cô không thuê xe ôm, cũng chẳng gọi taxi mà một mình đội mưa lững thững về nhà. Cầu thang tối om, không một chút ánh sáng. Cái bóng đèn tròn vàng vọt thắp ở cầu thang hôm qua đã bị một thằng cha nghiện vô lại đập vỡ. Cô dò dẫm từng bước lên cầu thang như một người mù. Máu vẫn chảy, ấm và ướt ở bên kẽ đùi. Cha cô ngồi đọc sách ở phòng trong. Ông đang cùng các học trò của mình chuẩn bị cho một hội thảo về việc giữ gìn nền nếp gia phong trong thời đại Internet. Mẹ cô đi tập văn nghệ chuẩn bị cho hội diễn của những người cao tuổi. Cơm đã dọn sẵn trên bàn. Bên cạnh mâm cơm là một bình hoa hồng trắng muốt. Lại màu trắng. Mắt cô hoa lên. Sao cái gì cũng trắng sáng một cách khủng khiếp đến vậy. Cô lao vào nhà vệ sinh nôn thốc nôn tháo.
Nửa đêm, điện thoại của cô rung lên bần bật. Đêm nào cứ vào giờ này là thằng cha khốn kiếp đó lại gọi cho cô. Đứa bạn gái thân nhất của cô vẫn thường đùa: "Bọn mày yêu nhau cứ như tình báo gián điệp, toàn hoạt động về đêm". Cô cự lại: "Thì mỗi người một hoàn cảnh". Đứa bạn cô được dịp xối xả: "Có mà thảm cảnh thì có. Ai đời xinh đẹp nhường ấy mà lại đi yêu người có vợ. Cứ phải đợi vợ con hắn ngủ say mới dám thì thào em yêu mà không biết nhục". Màn hình điện thoại sáng loé, nhấp nháy dòng chữ do chính cô cài: "Anh yêu". Cô định bụng sẽ bấm nút Cancel nhưng không được. Cô tự biết cô đã yêu hắn biết nhường nào. Giọng người đàn ông vẫn trầm ấm, ân cần một cách đầy ma mị: "Sáng nay anh không đưa em đi được, đừng giận anh".
Ngày hôm sau, dù bác sĩ đã dặn phải nghỉ ngơi nhưng cô vẫn mò lên thư viện phần vì bản luận án tiến sĩ của cô đã sắp đến ngày bảo vệ, phần vì cô muốn vơi đi nỗi buồn. Và cô gặp anh. Mãi sau này cô mới biết, trước cô, anh chưa từng yêu ai bao giờ. Anh chân thành và vụng dại. Đắm say và khờ khạo. Thẳng thắn và vô tình. Hôm cô sinh con bé đầu lòng. Cô dặn anh hãy mang vào tặng cô một bó hoa mà phải là hoa cúc vàng. Và anh đã cẩn trọng làm theo lời dặn của cô; chỉ có điều, đó một bó cúc vạn thọ to như bó rạ, loại hoa thường chỉ thấy trong những gói hoa mà mẹ cô thường mua về nhà để cúng trong những ngày tuần rằm, lễ tết. Anh khác hoàn toàn với những người đàn ông mà cô đã từng yêu và cô tin chắc rằng nếu trước kia cô chưa từng có hàng tá mối tình thì chả chắc cô đã yêu anh. Cô giống như một người đã quá dư thừa những món nem công chả phượng giờ thấy quý một bát canh suông. Cô đã kể cho anh nghe tất cả, kể cả chuyện ở cái bệnh viện thị xã hẻo lánh ấy và xin anh đừng yêu cô. Nhưng anh nói, dù thế nào đi nữa thì anh cũng không thể ngừng yêu cô được. Rằng, cô không bao giờ hiểu được anh yêu cô biết nhường nào...
3. Cô điện thoại cho đứa bạn thân, người ngày xưa đã từng chứng kiến tất thảy những mối tình của cô. Nghe cô vừa cười vừa kể lại chuyện đã xử lý những tin nhắn trong máy điện thoại của anh như thế nào, nó hộc tốc phóng xe đến tận cơ quan cô, lôi xềnh xệch cô ra quán càphê, phẫn nộ: "Chuyện đến thế mà mày còn cười được". Cô vẫn cười, nháy mắt tinh nghịch: "Thì mày bảo phải làm gì?". "Xử lý dứt điểm luôn, chứ còn sao nữa. Mày nhu nhược đến thế là cùng. Đúng là một sự phản bội trắng trợn!". Rồi cứ thế nó xa xả mắng cô, mặn lời như với một đứa trẻ con ngu dại. Cô không phản ứng gì, cũng không giận bạn vì cô biết một người mà cuộc sống cũng như tình yêu luôn bằng phẳng và tròn trịa như nó làm sao có thể tha thứ cho anh một chuyện tày đình như thế. Anh ngủ quên không tắt điện thoại. Nửa đêm, cô đang cho đứa con thứ hai bú thì điện thoại rung lên, đèn màn hình sáng nhấp nháy. Cô với tay, định tắt cho con tròn giấc thì loay hoay thế nào mà màn hình lại sáng lên một cách bất thường: "Em vừa đi diễn về. Nhớ anh nhiều". Cô ôm con bé vào lòng, lẹ làng chui ra khỏi màn, ngó vào phòng trong. Bên đưa con gái lớn, anh vẫn ngủ ngon lành. Gương mặt hiền và bình thản, vô tư đến lạ lùng. Cô bỗng nghĩ đến người đàn bà kia. Tội nghiệp. Cô ta đang nhớ đến anh trong khi anh thì vô tư ngủ, quên hết mọi sự đời. Cô gượng đặt con bé vào nôi, cắm điện rồi xoay nút rung nhè nhẹ. Hai tay được thả lỏng, cô bắt đầu hý hoáy bấm: "Em nhớ giữ gìn sức khoẻ Anh cũng nhớ em nhiều". Chỉ hai phút sau, màn hình điện thoại lại sáng: "Em yêu anh". Cô lại bấm, lặp lại lời anh đã tỏ tình với cô ngày xưa: " Em chắc không hiểu nổi anh yêu em đến nhường nào". Cứ thế, khoảng hơn một chục cái tin nhắn từ chiếc máy điện thoại của anh đã được trao đi đổi lại trong vòng chừng nửa giờ đồng hồ. Nếu con bé con không đột ngột tỉnh giấc khóc ré lên đòi ti thì cô còn có thể nhắn khoảng chừng hai chục cái tin nữa với những lời lẽ yêu đương còn nồng nàn hơn thế.
Sớm hôm sau anh tỉnh dậy, cố giữ vẻ mặt bình tĩnh khi thấy chiếc điện thoại bỏ quên không tắt nhưng tay chân thì cứ lúng ta lúng túng như là chân tay giả. Cô biết là anh vốn thật thà và vụng về nên thật khó mà có thể nói dối được bất cứ điều gì. Cô vẫn vui vẻ và chu đáo như mọi ngày, tuồng như không biết chuyện cái điện thoại của anh. Ba hôm sau, cô nhắn tin vào máy di động của anh, chỉ một dòng ngắn ngủi: "Em thích số 091322... anh cố lùng mua cho em dùng". Ngay sau khi cô send, lập tức anh reply: "Chiều nay anh đón con, em không phải về sớm". Tối ấy cô về nhà, thấy anh trong bộ dạng lấm lét, cô cố nén cười. Suốt đêm, cô thấy anh ngồi bên bàn trà ở phòng ngoài, gõ răng cồm cộp.
Hôm sau rồi hôm sau nữa, anh vẫn thức như thế, vẫn lúng túng và lấm lét như thế. Và cô đã lặng lẽ đến bên anh, choàng tay qua cổ, cọ cọ môi vào những sợi râu tua tủa mới mọc sau vài đêm thức trắng, thì thầm: "Em dư thừa đau khổ để biết mình là một người đàn bà hạnh phúc". Sớm hôm sau anh đưa con đến trường rồi đèo cô lên cơ quan. Cô vụt thấy mình trẻ lại như ngày xưa. Cảm ơn nỗi đau xưa cũ. Nhờ có nó cô trở thành một người đàn bà hạnh phúc và rộng lượng...138
Labels:
Đặng Huyền,
TruyenNgan
Subscribe to:
Post Comments (Atom)
No comments:
Post a Comment