Aug 17, 2006
Bài Học Làm Thầy
Tôi vào trường Cao đẳng sư phạm Long Xuyên , không biết vì cái lá số tử vi mà ông tôi cẩn thận ghi vào gia phả nằm trong tủ sắt có bốn lần khoá số,hay là theo điềm báo trước ngày mừng thôi nôi, bà tôi bày đầy một mâm bảo vật mà tôi chỉ nhặt lấy cây bút mực và mảnh gương soi.Các cụ bà đến mừng bảo nhau,” con nhà nầy lớn lên chắc lại ăn học và làm thầy thiên hạ.”
Sau ngày đất nước thống nhất, tôi vào trường chờ đợi, đoàn ngũ hoá, học tập chánh trị,cũng công tác ,cũng lao động,quét đường nhặt rác…Mòn mõi, lương thực cách mạng không đủ nuôi thành phần tiểu tư sản, tôi lại khăn gói về quê, cơm cha áo mẹ. Cán bộ xã ấp đến nhà gọi tham gia công tác, vì trình dộ văn hoá cấp đại học còn hiếm hoi,và nằm trong hạn tuổi thanh niên, tôi được phân công tác chiến đấu đánh mù chử, học trò của tôi là những cán bộ cao cấp,đã lập bao nhiêu là công trạng lẫn thành tích to, những năm miệt mài theo cách mạng cứu nước, học chủ nghĩa cộng sản thuộc nằm lòng, mở miệng ra có thể thao thao về đường lối chính trị, chủ trương của đảng ta, nhưng không thể thảo được một bản báo cáo hàng tháng,và chỉ có thể ký tên bằng chử thập mà thôi.Ngày chuẩn bị đổi tiền lần dầu,tôidược cách mạng giữ lại làm công tác,( ít ra thì tôi cũng quen đếm tiền bạc). Mẹ tôi cuống cuồng lo lắng .Sau dó lại hốt hoảng hối tôi trở về thành phố vì những tin đồn công tác thanh niên xung phong bị gởi đi thuỷ lợi ở Cà mau, Bảy ngàn…
Tôi trở về thăm trường trung hoc tỉnh lỵ, thành phố nhỏ hiền hoà, bạn bè dăm đứa hỏi thăm nhau. Gặp nhau chỉ thở vắn than dài, đứa thì lang thang chợ trời bán từ cây kim đến điếu thuốc lá, đổi từng viên thuốc cảm gởi cho cha đang cải tạo, đứa thì theo chân cách mạng thoát ly gia đình , mang dép râu đội nón tai bèo, bán bạn bè củ lập công với cách mạng. Chiến dịch văn hoá đóng góp thật hăng say ,dẩn công an cán bộ đến từng nhà bạn bè để kiểm tra và tịch thu hết sách vở cũ ra đốt bỏ, nhờ tên bạn bội phản nầy nên cả tủ tài liệu chắt chiu sưu tập của tôi cũng cháy lên theo ngọn lửa cách mạng.
Ngày nhập trường, tôi đứng ngẩn ngơ nhìn lại mấy dãy phòng học cũ, một thuở bạn bè chân chim sáo cười vui ,chỉ thấy nắng vàng và lá me bay. Vào văn phòng làm thủ tục nhập học, cô thư ký mặc áo bà ba trắng, em gái của người bạn cùng lớp khi xưa, chúng tôi nhìn nhau lặng lẻ, không biết nên chào nhau bằng câu _” đồng chí “ , hay tay bắt mặt mừng của người đi xa gặp tình thân quen cũ ? Tôi mang văn bằng, chứng minh thư của thành đội lúc đi học chánh trị ở thành phố vào nộp .Thủ tục kế tiếp là vào khám sức khoẻ, bên phía nữ sinh viên thì có bác sĩ Ngọc Bích ,phòng khám là một lớp cũ, che lại bằng tấm màng vải hoa. Tôi nhìn mấy cô vào khám xong bước ra , cô thì mặt đỏ cúi mặt , cô thì mắt nhìn ngơ ngác, hỏi chỉ mím môi bước đi. Đến phiên mình vào, bây giờ tôi mới hiểu tại sao, Cách mạng không tin tưởng bất cứ một ai, tất cả các nữ sinh viên chúng tôi vào trường được chiếu cố khám xét kỷ lưởng còn hơn mẹ chồng khám phòng cô dâu sau đêm tân hôn. Đạo đức cách mạng muốn ghi lại hồ sơ xem chúng tôi có còn ngây thơ trong trắng hay đã thông thạo trường đời?
Tôi nhìn ra sân, màu cờ đỏ bay phất phới, lòng không biết buồn hay vui. Hệ thống loa phóng thanh mắc trên hai hàng phượng vỹ gọi các sinh viên ra sân trường. Bên cạnh những đoàn viên Đoàn thanh niên cộng sản, còn có một vài anh hãy còn mặc áo xanh quân đội nhân dân , thành phần bộ đội phục viên. Tôi nhìn xuống tay chân mình mà ngao ngán, cái ngữ tiểu tư sản áo lụa quần lảnh đen, guốc gỗ, tôi học đến bao giờ mới thấm nhuần tư tưởng, thoát ly gia đình, học đạo đức cách mạng, hăng say phục vụ, vất guốc, mang dép râu đội nón tai bèo?
Hoc tập, văn nghệ, sinh hoạt đoàn đội, kiểm thảo hàng tuần, công tác với quần chúng, tất cả như dòng cuồng lưu, cuốn tôi vào cơn lốc.Tôi vào lớp Văn Sử địa, học chung với một số bộ đội phục viên,và những đoàn viên kết nạp vào Đoàn thanh niên cộng sản theo cách mạng vào chiến khu bỏ học nay trở về .Trên phương diện Hồng ( đánh giá qua học tập chánh trị ) thi được sự lảnh đạo của đồng chí Hải, đảng viên ( anh là bộ đội phục viên ) ,đồng chí Bi doàn viên Đoàn thanh niên cộng sản, về phương diện chuyên thì tôi có trình độ đại học và có kinh nghiệm giảng dạy trước đây. Nhờ quá trình hoạt động thanh niên cũ, mỗi lần có công tác văn nghệ trong tỉnh hay mỗi kỳ lễ lộc,lớp chúng tôi luôn đi tiên phong, gặt hái và mang vinh dự về cho trường .
Trong chiến dịch thi đua công tác lao động , lớp Văn sử được chọn làm gương mẫu cho trường nên tất cả phải tranh thủ làm cho tốt mọi công tác được phân công .Lần nầy thì phải thực hiện một đường thuỷ lợi dẩn nước từ ruộng ra sông (?).Chúng tôi khăn gói lương thực dẩn nhau lên đến tận nơi,bố trí chổ tạm trú,vì ưu tiên nên được gởi vào một căn nhà ngói xưa, bên mái hiên nhà lót hai bộ ván gõ nối dài làm chỗ nghĩ trưa khi xưa ,thế là đã giải quyết được khâu ăn ở , đi công tác mà có nơi chốn như vậy nhất rồi.Sau đó đến thăm hỏi các cô bác chung quanh. Một số cụ già bảo chúng tôi “ các cháu chỉ là học trò thôi, tuân lệnh thì làm, chứ bác đã ở đây gần hết đời người , những gì cần thiết đã làm xong từ lâu rồi ”
Rạng ngày, ăn uống xong là bắt tay vào việc, cọc đã đóng bốn góc dây đã giăng, các anh thì dùng len xắn đất ,các cô một số khiêng đất đổ đi, một số thì xách nước từ sông vào đổ xuống cho đất mềm ,cả buổi sáng chỉ đào được chừng một thước,đất sét quá cứng và đang là mùa khô nên càng khó khăn hơn ,dự trù công tác là hai tuần mà với vận tốc nầy thì ít nhất hai tháng nữa chẳng biết có kết quả hay chưa.
Sau một tuần lễ lao động vật vã với đất sét vàng rồi đất sét xanh, chúng tôi dẩn đầu với sáu thước chiều dài, hai thước chiều ngang và một thước chiều sâu, nhưng ngày mai phải đương đầu với đất bùn.Toán Văn Sử của chúng tôi phần lớn các cô lớn lên trong thành phố, có vài anh may mắn sinh sống ở nông thôn , tuy nhiên chưa có anh nào có kinh nghiệm về đào mương xẻ rảnh, cũng chưa biết phải làm thế nào để đào đất bùn, các cụ già thấy chúng tôi loay quay cả ngày trong bùn mà chẳng đi đến đâu, cụ thương hại bảo rằng “ các cháu cần len thùng mới có thể đào đất bùn” Đó là một loại len hình ống, dài chừng ba tấc, cán bằng gỗ tròn dài gần thước, có công dụng xắn và giử đất bùn lại trong thành ống để có thể quăng lên cao và ra xa .Nhờ cụ giải thích, thế là chúng tôi phải gởi một số về quê mượn len thùng ,mất thêm một ngày nữa. Ròng rã nắng mưa , hai
tuần công tác lao động tốt, vừa làm quen với bùn đất,vừa đủ cho đôi bàn tay chai ,chúng tôi khăn gói trở về trường cho kịp niên học, kết quả của công tác thuỷ lợi là hoàn thành được một hố không nước nằm chơ vơ giữa mãnh vườn … Trong báo cáo công tác chúng tôi được cán bộ đánh giá : đạt thành tích , hoàn tất công tác giao phó, nâng cao tinh thần lao động trong quần chúng, có trách nhiệm và biết khắc phục khó khăn...Toàn thể sinh viên hồ hởi phấn khởi tổ chức liên hoan.Thế là chúng tôi được các phân khoa bạn chúc mừng bằng những buổi tối liên hoan văn nghệ chè nước tưng bừng , được bồi dưỡng bằng nữa ký đường của hợp tác xã về nấu một nồi chè đậu xanh hã hê…
Trong thời gian chiến tranh, chương trình trung học của hai miền theo hai hệ thống khác nhau,miền Bắc vì nhu cầu nhân lực nên dùng hệ mười năm, miền Nam vẩn theo chương trình mười hai năm. Vì sự khác biệt nầy sinh viên trong khoa toán và khoa sinh học của miền Bắc không theo kịp miền Nam . Ngược lại phương diện chuyên môn , phương diện chính trị thì sinh viên trong Nam không theo theo kịp sinh viên miền Bắc đã học tập từ khi còn tấm bé .Để san bằng sự khác biệt cuả hai miền, nhà nước dùng chiến dịch kết nghĩa, mang cán bộ miền Bắc vào để học tập trao đổi kinh nghiệm, nhưng thật ra là để huấn luyện đường lối chủ trương của Đảng cho miền Nam. Nói cách khác là để Hồng hoá hay nhồi nhét tư tưởng vô sản vào thành phần tiểu tư sản của chúng tôi. Trường Cao Đẳng Sư Phạm lúc bấy giờ chỉ có hai khoa , khoa Toán lý và Văn sử. Giáo viên được đề cử từ miền Bắc vào hướng dẩn và giảng dạy. Bên khoa văn sử , năm thứ nhì chương trình học có thầy Bạch vào từ Hà tỉnh. Thầy có hơn ba mươi tuổi Đảng, con cái đã thành tài ,con trai được nhà nước cho đi du học bên Liên Sô. Thầy phụ trách môn Sử và Chính trị kiêm nhiệm Bí thư chi bộ Đảng của trường.Tôi là thành phần tiểu tư sản, Bố là công chức kiêm thương gia , Ông là thành phần hương chức hội tề kiêm địa chủ, Chú là binh quyền cũ kiêm giặc lái , dù đả khai lý lịch thoát ly ,không liên hệ gia đình, giấu đi hết những liên hệ với gia đình thân tộc ,nhưng vẩn không giấu được phong cách cùng tư tưởng. Không hiểu vì nguyên nhân nào, tôi thường được sự chú ý của thầy. Năm thứ hai của chương trình học, thành tích sinh hoạt, học tập của tôi đã được báo cáo đầy đủ, chưa kể những bản lý lịch tự khai. Trong các buổi họp học tập chánh trị, tôi thường được theo dõi sinh hoạt thật cặn kẻ, được Thầy đề cử đi thanh niên xung phong, làm đối tượng Đoàn… Cùng lúc với chiến dịch dạy cho Kampuchia bài học, triệu tập hội nghị toàn quốc của Đảng ta , cả trường tổ chức học tập , liên hoan chào mừng , đồng tâm nhất trí công tác hưởng ứng lòi kêu gọi đóng góp tích cực của Đảng và kế hoạch năm năm xây dựng đất nước…,( bên cạnh những giáo điều tôi học thêm những dối gian , phục vụ cho đường lối chỉ thị của Đảng đưa ra , bằng cách : tất cả phải viết đơn tình nguyện đi Thanh niên xung phong,cho đúng với khẩu hiệu –Đâu cần thanh niên có.đâu khó có thanh niên…) Đó là điều lo sợ hãi hùng của Mẹ tôi, sợ tôi bị đưa đi công tác thuỷ lợi, đưa đi nông trường tập thể nên Mẹ xin ông Nội và Ba cho tôi trở lại đại học .Cuối cùng thì tôi cũng phải đi lao động, theo chân cách mạng , học lý thuyết Cộng sản, học thơ ca tụng Bác, làm thơ theo đường lối khuôn mẫu đại thi hào Tố Hữu, đọc “Thép đã tôi thế đấy”, hát như két trong các buổi văn nghệ họp hành , nào là ” Đảng đã cho tôi mùa xuân…”, “Như có Bác Hồ trong ngày vui…”
Năm cuối cùng của chương trình học, Thầy Bạch có sáng kiến tổ chức cho chúng tôi đi tham quan bờ biển Việt Nam và cố đô Huế trước khi về nhận nhiệm sở. Tình hình kinh tế trong nước đang vào thời kỳ khó khăn, những gì bán được đã bán từ lâu, gạo thóc của miền Nam đã được nhà nước thu mua cẩn thận , số còn lại không vận chuyển đi các nơi được, nhà nước quản lý chặt chẻ mọi cơ sở giao thông. Miền Trung là nơi vốn dĩ đã khó khăn ,thực phẩm khan hiếm, gạo lúc bấy giờ là xa xí phẩm, khoai sắn là thức ăn hàng ngày. Chúng tôi có lệnh đi công tác tham quan, có sự lảnh đạo của chi bộ Đảng nên được phép mang theo lương thảo, khẩu phần theo chế độ bồi dưỡng cho hai tuần là mười lăm ký gạo, cà phê, sữa đặc, đường , bột ngọt… Lúc chuẩn bị lương thảo, chúng tôi được mật khẩu mang thêm gạo, Huế hiện đang khan hiếm ,càng gần Tết giá gạo càng tăng , như vậy thì số gạo dư sẽ thu hoạch thắng lợi chi thu cho cả cuộc hành trình .Trước lúc khởi hành,Thầy Bạch có đến điều đình với tôi, nhờ tôi giới thiệu dùm phương tiện di chuyển cho hành trình ,thì ra cái liên hệ gia đình tư sản của tôi cũng còn dùng được lắm.Cô tôi trước đây là hảng xe đò chạy đường Long Xuyên - Sài Gòn, nhờ Quốc doanh ,Cô còn quản lý được chiếc xe đò chở hành khách do nhà nước trưng dụng , xe hãy còn tương đối tốt, trọng tải nặng, tài xế giỏi mới có thể băng đường dài vượt Hải Vân làm một chuyến đi buôn gạo thành công .
Tôi và các bạn trong Khoa Văn Sử được giao cho phần ẩm thực của đoàn tham quan, tội nghiệp mấy cô sinh viên trẻ trong đoàn, sau một năm dạy dỗ của cách mạng ít nhất thì cơm cũng không còn nữa sống nữa khê, tôi vì học ngoại trú nên không tham dự vào các sinh hoạt tập thể của trường, đã nhiều lần Thầy Bạch khuyến khích tôi nên vào nội trú để học hỏi, sinh hoạt với các đồng chí, tôi khéo léo từ chối,viện lẽ còn bà Cô già phải chăm sóc ( chưa ý thức thoát ly ) Nhưng thật ra sinh hoạt tập thể trong trường dưới sự lảnh đạo của Thầy ,và cặp mắt cú vọ, ghen ghét của các đồng chí Đoàn viên đã đủ cho con người tiểu tư sản hủ hoá của tôi sợ hãi …
Tôi không biết nên buồn hay vui, con đường làm thầy ,giấc mộng thiếu thời cũa tôi chỉ gặp toàn khó khăn ray rức, những bài học lịch sử theo đường lối Mát Xít, những cái nhìn , nhận định theo chỉ đạo của Đảng làm tôi bâng khuâng, đả phá chế độ quân chủ phong kiến thời xưa, chế độ cộng hoà thối nát sau nầy… ít ra trong chế độ cộng hoà, dù trong hoàn cảnh chiến tranh,tôi cũng thở được chút không khí tự do, vẩn có một cuộc sống bình lặng và ước mơ thông thường. Đãng dạy cho tôi cuộc sống hai mặt,nói và làm không có nghĩa cùng nhau, và nhất là sữa sai ,sai sữa…Tôi được sự dạy dỗ, giáo điều từ một đảng viên thuần thành có ba chục tuổi Đảng, tuổi suýt soát Bố tôi, ngôn ngử mờ ám hơn một chàng thanh niên cùng tuổi. Cặp mắt liếc trong lớp học, cái nhìn hàm ý trong giờ sinh hoạt tập thể làm tôi rờn rợn, những tối Thầy bảo tôi đến trường họp hành tôi viện đầy lý lẻ từ chối, những ngày Thầy đến thăm tôi phải hối lộ cho người nhà bảo Cô gọi ra phố có công việc, những lần liên hoan tôi tránh những cử chỉ thân mật, cái xiết tay không cần thiết, tôi trốn như con thú mắc bẩy chờ đợi. Không dám vào trường một mình, đi dâu cũng có mấy đứa em quanh quẩn, lúc nào chị cũng bận bịu, sau giờ học còn phải phụ giúp Cô tôi trông coi công việc hàng ngày, bận công tác văn nghệ ,bận tập ca múa cho các em ….Bạn bè trong khoa thường thắc mắc chị có nhiệt tình, nhiều thành tích tại sao không vào Đoàn thanh niên Cộng sản ? Nhất là có Thầy giới thiệu thì chắc chắn được kết nạp rồi. Tôi chỉ cười lặng lẽ.
Ba mươi năm làm Đảng viên Cộng sản Thầy còn giữ lại mấy chiếc vòng ngọc thạch, mấy món nữ trang …thế ra tuần lễ vàng kháng chiến và vô sản hóa chưa thay đổi được căn bản con người. Ba mươi năm Cộng sản Thầy dùng đòn phép để tiến thân , lợi dụng tuổi trẻ sinh lợi cá nhân , không từ chối một hành động nào, tôi chỉ là con cờ trên bàn, viên gạch lót đường cho những mưu mô bất chánh, sẳn sàng hành động vì ham muốn riêng tư , bất chấp nhiệt thành phục vụ và xây dựng đất nước…
Tôi là thế hệ “ Trăm năm trồng người “ Tôi đi học để chuẩn bị dạy lại cho thế hệ tương lai, tôi dạy gì đây? Dạy con em tôi trò lọc lừa bội phản , khôn sống móng chết, tô điễm thần thánh hoá những con người đầy mặt trái , giáo diều vô nhân…cái căn bản tình thương gia đình không có thì lấy đâu nền tảng cho mai sau? Bài học làm thầy cay đắng quá, tôi là con thú mang vết thương chạy đến đường cùng …169
Subscribe to:
Post Comments (Atom)
No comments:
Post a Comment