Dec 15, 2007

Xuân Ðợi






Cả nhà đợi Thiện đã mấy ngày nay. Má tôi vì chẳng biết nó có đem nếp như mọi năm không, mua trước đâm ra dư phí đi. Ba tôi thì đợi để được thông tin về những bà con mà lâu nay công việc làm ăn quay mù chẳng còn thời gian thăm viếng. Các em tôi lại mong được dắt Thiện đi vòng vòng thành phố chơi, thú vị với vẻ hiền lành của anh và để có được niềm kiêu hãnh về một lối sống hiện đại. Tôi lại vì một lẽ khác, gặp Thiện thì như bắt gặp cái gì đó thật gần gũi, thật dịu dàng dễ chịu, bởi tôi là đứa chậm hội nhập với cuộc sống mới nhất trong nhà.



Hăm bảy rồi, đã thấy Tết trong những chậu cúc, mai, mãn đình hồng theo xe đò hoặc những ba-ga xe cub vụt qua lại trên đường. Bánh mứt, dưa hấu xếp như núi trong chợ, ngoài các ki-ốt dã chiến. Và cả trong các bước chân hốt hả. Tết đó nhưng hình như chưa đủ, bỗng thấy nhớ những Tết năm xưa dạo nhà còn ở dưới quê. Hầu như nhà nào cũng cùng một thứ công việc. Dọn cỏ quét vôi mồ mã để ông bà cùng về vui tết, về qua hái ít trái khế chua đánh bóng bộ lư đồng, sẵn lau dọn bàn thời, cắt ít vuông giấy đỏ dán lên cặp dưa, bứng vài ba chậu vạn thọ đặt theo những gốc vột dọc hành lang... Trong bếp thì khói um um, chảo mứt tỏa thơm lựng lẫn mùi ngọt hăng xông lên từ đám dưa cải, dưa kiệu trong mấy chiếc khạp nhỏ xếp hàng đằng góc bếp. Dịch ra ngoài chút xíu, nồi bánh đang sôi sùng sục, trẻ con chạy quanh đôi mắt hau háu, cái cười viên mãn. Tôi là con gái đầu nên đây là những ngày bận rộn nhất, suốt ngày lăng xăng trong bếp với má. Ba tôi bận làm ăn trên Sài Gòn, việc đàn ông giành hết cho Thiện. Ấy là thói quen rồi.



Nhà Thiện sát nhà tôi. Mẹ Thiện trước có sạp khô mắm ngoài chợ nên cuộc sống cũng đỡ khổ, nhưng sau ngày bà mất, mấy cha con chỉ quây quanh việc làm mướn kiếm sống. Ruộng rẫy làm theo thời vụ nên thu nhập cũng rất bấp bênh. Ba tôi thấy vậy bảo mấy ba con Thiện sang làm “công ruột”, nghĩa là bao hết việc đồng áng, nhận lương ổn định, có thể ăn cơm luôn. Chú Tám đồng ý. Vậy là từ đó chúng tôi cùng làm việc, ăn chung và chơi chung với nhau. Nhà đông vui hẳn lên. Họ thật thà nên ba tôi tin tưởng lắm, và vì hàm ơn mà tự nguyện giúp gia đình tôi đủ việc, những dịp lễ lộc, cúng tế một tay họ lo. Tết cũng vậy, chốc chốc chạy lên xem Thiện “làm mới” nhà trên, nghiêng bên này, ngó bên kia, đạo diễn cho anh, trong bụng không khỏi bảo “thẩm mỹ” lắm!



Sáng mồng một tất cả lên đồ xếp hàng đợi lì xì. Những phong bao đỏ cho cả chúng tôi lẫn anh em Thiện. Rồi túa ra với đủ thứ trò, cười nói, la hét, ăn đồ ngọt, xả rác trăm thứ tha hồ không sợ bị mắng. Má bảo Thiện chở tôi lên chùa lạy Phật. Thấy tôi mặt áo dài, Thiện cũng “vô thùng” hẳn hoi. Nhỏ em tôi cười híp mí, y như cô dâu chú rể về nhà má, mắc cở muốn trốn. Mà thật, ăn mặc như vầy thấy mình lớn và khác quá, xưng hô mày tao nói năng như hằng ngày thấy cũng kỳ kỳ. Bắt đầu từ mùng hai nhà lúc nào cũng chật khách. Bà con hàng xóm tới chúc tết cười nói râm ran, hầu như mọi phiền muộn đã trút hết từ chiều ba mươi. Ðông nhất vẫn là bạn bè của ba ở Sài Gòn, ai cũng sang trọng, cao lớn, vui vẻ ồn ào nhưng khó gần. Tôi lớn nhất nên cũng được chú ý. “Con gái khá lắm, mai mốt chú làm mai dân hải quan cho”. “Xời, đừng thèm, để chú giới thiệu cho, trí thức hẳn hoi, bác sĩ, đẹp trai đàng hoàng”. Tôi chỉ biết lí nhí: “Dà, cháu còn nhỏ”. Thiện đứng ngoài hành lan chắc cũng đã nghe. Quê quá!



Nhưng rồi chẳng còn được vui một cái tết nhà quê nào nữa. Hôm kia ba tôi về phán: “Cả nhà sắp xếp lên trển ở, con Mỹ được gần trường, hai đứa kia có dịp học thêm ngoại ngữ, mẹ mày lớn tuổi rồi, buôn bán đỡ hơn làm rẫy. Vườn đất thì để cha con chú Tám mướn làm, tiền thu mỗi năm sẽ bàn sau... “Mọi sự sau đó đúng như ba xếp đặt. Từ đó, cứ tết đến, chú Tám lại sai Thiện đạp xe đem quà lên cho chúng tôi. Vậy là cứ đúng một năm tôi mới lại gặp Thiện. Háu hức mong đợi bao nhiêu rồi cũng nói với nhau những câu xã giao, xa lắm là chuyện xóm chuyện làng bởi Thiện sau này lạ lắm, trông buồn buồn và kém hòa đồng. Ðôi khi nhìn anh tôi nghĩ không biết đây có phải “cu Thiện” hay cười, hay nói, cứ chuyền thoăn thoắt qua cành măng “dọi” cho cô Mỹ của ngày xưa nữa không. Chỉ dám nghĩ trong bụng cái điều: Có phải Thiện mặc cảm, rồi bằng cách này cách khác cố biểu hiện cái điều: không nên đâu, Mỹ quí Thiện lắm.



Và có phải Thiện cũng chẳng muốn đến đây nữa? Ðã hăm bảy rồi! tôi vẫn nghe ba tôi dọa bán đất, nếu vậy thì có thể lắm chứ.



... Cuối cùng thì anh cũng đến. Vào buổi sáng. Cái giọng ồm ồm đe dọa khách của con lu buộc khách phải chửng lại. Tôi nhìn ra. Thiện dắt xe đạp, người hơi khòng, mặt hốc hác kinh khủng. Trên pa-ga cũng lỉnh kỉnh những dừa, nếp, đậu... và còn thêm một cô gái đôi mắt với tia nhìn “liên tục đổi mục tiêu”, miệng chưa chi đã cười toe quên phứt chiếc răng khuyết, tay chưa chi đã với bứt một nhánh lá tùng. Ồ, Chi xí xọn, đứa con gái hàng xóm mà hồi trước tôi với Thiện đều ghét cay ghét đắng. Nhưng đó là chuyện xưa, còn bây giờ thì đấy là hình ảnh kỷ niệm. Cảm xúc về bạn bè, tuổi thơ, quê hương chợt đầy ắp trong tôi. Tôi ào đến nắm lấy tay nó. Nó cũng mừng rỡ. Duy chỉ có Thiện vẫn giữ vẻ nghiêm lạnh. Thiện bảo phải về gấp nên cần gặp má tôi ngay.



Câu chuyện của hai người lọt qua những khe cửa ngăn nhà ngoài.



- Năm nay trời không lạnh, trái cây thất mùa, thím à. Còn lúa thì “ông tí” phá quá, cúng kiến hay giăng bẫy đều không ăn thua, đành chịu đứt vốn. Con nói để chú thím thương mà cho nợ lại một nửa tiền...



- Chà khổ hà! Thời tiết ngặt quá. Ông này ổng cũng tính kêu người bán đất. Ðất bây giờ là vàng đa.



Lại nghe tiếng thở dài không biết của ai. Tôi bỗng ái ngại vì câu nói thiếu cảm thông của má.



Nhỏ Chi tha thẩn chỗ mấy bồn kiểng. Tôi bất giác ngắm nó. Chiếc áo hồng với những đường viền đăng ten chạy quanh cổ tay cho thấy một cố gắng làm mới. Chiếc nơ trắng to tướng đặt trên guộn tóc dày. Cũng làm nó xinh đó chứ! Giá nó đừng khuyết một cái răng cửa. Tôi bất giác liếc nhìn mình trong chiếc gương lớn trên tủ, cười một nụ đủ cho thấy những chiếc răng hạt bắp rồi quay sang nó. Hình như nhìn thấy trong đó vẻ thiện cảm, nó cũng mỉm cười, môi trên chum chúm để giấu chỗ răng khuyết, tay ngoắc ngoắc tôi:



- Chị Mỹ, mai mốt chỉ tôi một chỗ may áo dài đẹp đẹp nha. Tôi sắp lấy chồng.



- Sẵn sàng thôi. Mà ai vậy?



- Anh Thiện chớ ai. Anh nghèo, tôi cũng nghèo, rồi thương. Thấy tôi không được đi đó đi đây, bữa nay ảnh cho theo đặng cho tôi biết Sài Gòn đó.



Nó nói rồi cứ đứng trân, hai tay thỏng xuống, cái miệng cười hoài không khép, nhìn lâu càng có vẻ rộng ra thêm. Tôi nghĩ nó không được bình thường vì bộ dạng đó cộng với câu nói kia nữa. Thiện thương nó là sao? Thiện chúa ghét tính thài lai của nó mà! Tôi nhìn lại nó một lượt nữa nhưng không dám nhìn lâu rồi bước gấp vô nhà. Thiện đứng chỗ cửa ngan. Anh cũng cười cái cười méo mó để lộ những chiếc răng ám khói. Hồi trước, tôi nói ghét khói thuốc, anh gật, bảo sẽ không bao giờ hút thuốc mà. Cũng với cái dáng khòng khòng, khuôn mặt sạm nắng, nó là chi tiết đắt giá góp phần hoàn chỉnh bức chân dung về một nông dân mà những thất bại mùa màng làm cho khắc khổ, cằn cỗi đi. Rồi anh sẽ lấy vợ, sinh con và nuôi con, vất vả ruộng sớm đồng trưa nhưng chẳng bao giờ tìm thấy hạnh phúc bởi vợ anh là người phụ nữ mà chưa bao giờ anh yêu. Không hiểu sao cái cười của anh lại khiến tôi tin cái điều nhỏ Chi nói. Ngẫm nghĩ tôi thương cho Thiện quá, nhưng lại cũng oán anh. Những muốn không thèm đếm xỉa nhưng cuối cùng tôi cũng đứng chặn anh lại:



- Thiện tệ lắm, không dè chẳng ra gì!



- Tôi xin lỗi... – Anh cất giọng rầu rầu.



Ôi, tôi chỉ muốn khóc thật to lên cho thoả. Trí tưởng tượng của tôi bỗng hóa Thiện thành cha anh, già nua xương xẩu, cố giơ cao cái cuốc cắm phập một nhát tóe bụi vào đất. Nhưng đó không phải mảnh đất của nhà mình. Ông làm thuê cả đời mà. Kinh khủng quá.



- Cái gì kinh khủng? Ðộng đất hay bị gả ép?



Lâu lắm tôi mới thấy chị ngủ trưa vậy.



Tôi thức dậy vì câu nói ấy của nhỏ em. Ngơ ngác và rồi rất mừng vì mọi sự là chiêm bao, một giấc chiêm bao buồn và quái gở. Không biết tôi có gọi tên ai ra không? Tôi sợ nhỏ em tôi là đứa nguy hiểm, chuyên đi guốc trong bụng người khác. Nhưng nó đi rồi.



Tôi choàng dậy, bóc một tờ lịch, nhìn xuống đường. Buổi sáng hăm tám vẫn như mọi buổi sáng khác. Vẫn ồn ào, người người, xe xe nhắc rằng: đây mới là thực. Sự thay đổi của Thiện, điều nhỏ Chi nói, cả quyết định bán vườn của má tôi đều là chiêm bao hết. Nhưng còn chuyện thất mùa. Lâu rồi không về quê nhưng tôi cũng đã trông thấy ở đây hàng đống xác rầy nâu bu theo đèn mà chết. Lại thêm đông vừa rồi không lạnh, người thành phố chỉ mất đi cơ hội diện những chiếc áo ấm mốt nhất, nhưng với người nông dân thì, có thể sẽ mất đứt một vụ trái cây. Có thể không?



Nhưng, nay mới chỉ hăm tám, vẫn còn một ngày để chờ Thiện mà!

836

No comments:

Post a Comment