Apr 17, 2004

Bé Bự





Ông Thanh nói:
Trong đời, tôi nghĩ rằng không có gì xấu xa cho bằng lợi dụng người khác. Chém giết là tàn bạo. Hãm hại là gian ác. Trong khi đó, lợi dụng người khác, dùng kẻ khác vì lợi cho mình, tuy không phải là một điều dễ thấy, dễ lên án, lại là cực kỳ xấu xa, tồi bại. Lợi dụng là phủ nhận người khác, coi người khác không là con người, chỉ là phương tiện. Đây không phải khía cạnh đạo đức của một nơi, một thời. Đây là một vấn đề nhân sinh muôn thuở.
Tôi là người đã làm cái điều xấu xa đó. Nói ra, không nhẹ tội đi. Sớm muộn gì tôi cũng phải nói ra.
Ông Thanh năm nay đã xém 90. Ở tuổi đó, ông có vẻ còn khỏe mạnh. “Có vẻ” thôi, vì ông cho biết bị chứng nan y, sắp chết. Một năm, tối đa.
Nhà ông Thanh ở ngoại ô thành phố New York. Căn duplex nối liền với nhà bên cạnh. Trước, bà Thanh có đi làm. Ông Thanh nói: “Thừa phương tiện đi nơi khác, ở nhà riêng. Nhưng đây lâu, quen rồi. Hàng xóm bên cạnh là một cặp vợ chồng đã về hưu, hiền hòa, yên tĩnh. Khu vực này, nói chung, khá an toàn. Cây cao bóng mát. Tội gì dọn đi!”
Ông bà Thanh gốc Bắc. Ở Mỹ mấy chục năm mà vẫn còn nói tiếng Mỹ với giọng Thái bình. Tôi quen ông đã mấy năm mà vẫn mù mờ về quá khứ của ông. Hình như trước ông có ở Pháp, vừa đi học vừa đi làm chi đó. Kín đáo, ông không bao giờ nhắc lại quãng đời ở Việt nam và ở Pháp. Tính tôi lại không tò mò về đời tư người khác. Cho đến ngày ông kể tôi nghe chuyện sau đây.
Hồi ấy, tôi mới hăm hai, hăm ba. Tuổi con trai như gà trống. Đạp mái là nhu cầu cấp bách, năng nổ, thường xuyên. Từ thời ấy, xã hội Pháp, nhất là trong giới có học, đã có phần dễ dãi. Chiều chiều, lòng vòng hai đại lộ chính ở Xóm La tinh, thế nào cũng bắt được “bò lạc”. Hoặc ngay hôm ấy, hoặc với vài “bố trí”, một hai hôm sau, thế nào cũng đạt được việc. Hoặc chỉ một lần, rồi ai đi đường nấy, hoặc kéo dài ra. Tùy. Không hứa hẹn, không nợ nần, không trách nhiệm. Nghĩa là tuyệt đối không rắc rối. Chỉ cần cẩn thận đừng để lại vết tích, đừng gieo giống. Chủ yếu là sòng phẳng.
Cộng đồng người Việt vắng hoe, nhưng không thiếu một vài “dị nhân”. Một trong những “dị nhân” đó là chị Tịnh. Chừng 30, 35, độc thân, cán sự xã hội. Một người đàn bà phóng khoáng, gan góc, quyền biến. Chị thường nấu cơm, nấu phở, rồi gọi mấy thằng nhóc thân quen đến cho ăn. Bọn con trai xa nhà, háu ăn, chị ới là đến, gọi chị là Chị Cả. Hôm ấy, sau khi lùa xong mấy bát phở, chúng tôi định rút về Xóm, Chị Cả hỏi: “Có ai đi Nhà Tiếp với chị không?” và chị giải thích: “Nhà Tiếp là nơi con gái lỡ có bầu, các Xơ Dòng đem về nuôi ăn ở cho đến ngày sinh nở, rồi sau đó đem đứa sơ sinh cho làm con nuôi nơi tử tế. Còn các bà mẹ mới thì cho về trú ở Nhà Tiếp một thời gian trước khi trở về với ... đời.”
Đi với chị Tịnh hôm ấy, tôi gặp Marie-Louise, Pháp gốc Áo, một bà mẹ mới, trùng tên với hoàng hậu của Napoléon Đệ nhất. Mới sanh xong, M-L còn tái xanh. Hai mắt có quầng đen, nhưng sáng long lanh. Điều làm tôi chú ý nhất ở M-L là mái tóc cực kỳ lớn, rậm, dài, đen nhánh, và ... bề ngang của nàng. M-L mập béo quá cỡ. Tôi không ngạc nhiên nếu đứng lên cân, thiếu phụ trẻ này nặng gấp đôi tôi, nghĩa là vào khoảng 130, 140 ký!!! Cái ghế bành, to, rộng thế mà nàng ngồi vào có bề cấn cái. Áo M-L che mất hai cánh tay, nhưng không giấu được bộ ngực đồ sộ và cặp đùi căng phồng như có độn gối! Chị Tịnh thăm hỏi ân cần, đưa tay vuốt lại mấy sợi tóc lòa xòa bên má M-L, nói: “Mọi sự như vậy là suông sẻ. Nghỉ ngơi nhiều vào nhé. Rồi tôi lại vào thăm...” M-L cười buồn: “Tuần sau nhé! Ở đây, chỉ chờ người đến thăm...” Rồi quay sang tôi, nói thêm: “Và anh nữa! Tuần sau nhé! Tôi đợi đấy. Anh hứa đi... Tuần sau!” Con người hào hiệp trong tôi lồm cồm thức dậy. Tôi đành phải hứa, mặc dù không hăng hái cho lắm. Một đứa con gái bơ vơ, vừa trải qua một trận long đong như thế, cần có người an ủi, khích lệ! Tôi hứa mà trong bụng nghĩ rằng nếu M-L xinh xắn, thon gọn hơn, có lẽ lòng thương người của tôi vùng lên mạnh mẽ hơn, tươi tắn hơn...
Tuần sau đó, tôi cùng Chị Cả đi thăm M-L. Và tuần sau nữa. Và tuần sau nữa, khi quá bận , chị Tịnh đi không được. Đến ngày M-L rời Nhà Tiếp thì hai đứa đã quen nhau quá rồi, đã tutoyer thân thiết ngọt ngào rồi. Ra ngoài, M-L mướn được chung cư nhỏ và tìm được việc làm với sự giúp đỡ của các Xơ Dòng. Tôi cùng chị Tịnh đến thăm M-L ở nhà mới. Và tiếp tục đến gặp M-L ở chung cư khi thời hạn viếng thăm chính thức của chị Tịnh chấm dứt. Lý do vì hai đứa đã thành tình nhân.
Với một thân hình quá cỡ như vậy, dù có loại trừ sự to béo phục phịch ra, M-L cũng không thể được coi là “đẹp” nhưng khuôn mặt nàng có nhiều nét “dễ thương”. Đầy đặn, phúc hậu. Cánh mũi thanh. Đôi môi đầy. Nét đáng quí nhất ở thiếu phụ hăm lăm tuổi này là đôi mắt. Mi dài và cong vút, đôi mắt lớn trong veo, xanh lá cây pha nâu, màu rong rêu, long lanh một thoáng buồn bã. Ưu tư, đúng hơn. Long lanh một thoáng ưu tư. Hăm hai tuổi, tôi không lưu tâm tìm hiểu nỗi ưu tư nào đó. Tôi chỉ biết là M-L cần có tôi. Và tôi tận hưởng. Bằng cách đến thăm M-L thường xuyên ở chung cư nàng, và ăn nằm với nàng.
Thật ra, liên hệ hai đứa có điều bất thường. Tôi không bao giờ đi ra ngoài với M-L. Tiệm ăn, rạp hát, thư viện, nơi công cọng không bao giờ có mặt chúng tôi cùng nhau. Tôi tránh né, không để ai thấy tôi cặp kè với nàng. Giản dị: Tôi xấu hổ về bề ngang của M-L. Cả thân hình tôi e cũng chỉ cùng cỡ với một bắp đùi của nàng.
Tôi hoang tưởng rằng có một đồng minh ở nhà thơ lớn Charles Baudelaire. Anh trước có học văn chương Pháp, chắc là biết bài La Géante chứ gì. Ông Thanh tợp một hớp rượu mạnh, rồi cất cao giọng, đọc không vấp váp:

Du temps que la Nature en sa verve puissante
Concevait chaque jour des enfants monstrueux,
J’eusse aimé vivre auprès d’une jeune géante,
Comme aux pieds d’une reine un chat voluptueux.
vân vân...

Đặc biệt nhất là hai đoạn cuối này:

Parcourir à loisir ses magnifiques formes;
Ramper sur le versant de ses genoux énormes,
Et parfois en été, quand les soleils malsains,
Lasse, la font s’étendre à travers la campagne,
Dormir nonchalamment à l’ombre de ses seins,
Comme un hameau paisible au pied d’une montagne.

Đó, anh thấy không, tôi còn thuộc lòng bài thơ ấy. Sự thật, M-L không phải là một người đàn bà khổng lồ, như trong trí tưởng tượng của Baudelaire. Bề cao, M-L chỉ suýt soát bằng tôi thôi, nhưng bề ngang thì... M-L mập quá. Nếu nàng sống vào thời La Mã, mặc áo toga lụng thụng, có lẽ trông còn được. Chứ ở Pháp, thời trang phụ nữ thuở đó là váy chật, bó mông nhưng dài đến quá gối. Tôi dám chắc những anh con trai tuổi hai mươi vào thời ấy đều còn nhớ đến những thân hình thon gọn và bước chân gót cao lách cách trên hè phố. Đẫy đà như Sophia Loren, Simone Signoret là đã hết mức rồi. M-L mập béo đến độ bất thường. Gối chăn với M-L, tôi có cảm tưởng đắm mình trong một biển thịt, biển mỡ. Những vú, bụng, mông, đùi, trong chốn kín đáo, đem lại những ôm ấp, những vuốt ve của một thời thằng người còn nằm trong bụng mẹ. Ngoài đời, M-L là một người đàn bà quá nặng cân. Trên giường, nàng là một “Mẹ Đất”, một Mother Earth. Người con trai không làm tình với nàng. Hắn chui rúc nơi nàng. Ăn nằm với M-L, tôi không ân ái với một phụ nữ. Tôi lăn lộn, vẫy vùng trong một thế giới ăm ắp, mềm mại, ấm áp, thơm tho. Một thế giới tuyệt đối gợi tình và yên ổn. Say mê lăn lóc với M-L như thế, tôi vẫn không quên một điều: Tránh đi ra ngoài với nàng. Lòng kiêu hãnh và tự ái của thằng con trai hăm hai tuổi! Tôi nghĩ rằng M-L cũng biết vậy, và nàng nhẫn nhục chịu đựng. Chịu đựng và tiếp tục làm cho tôi thỏa mãn những đòi hỏi thầm kín, tối tăm nhất.
Tuy nhiên, M-L to béo quá, chúng tôi không thể gần gũi một cách “bình thường” được. Nằm trên nàng, vào trong nàng rồi, tôi vẫn có cảm giác chưa đến nơi nào cả. Tôi loay hoay trên thân thể M-L như một con bọ gậy quờ quạng trên bụng một con ếch to tổ chảng! Đành phải tìm một cách khác.
Một hôm, vì tiện đường, tôi đến chung cư của M-L sớm hơn giờ đã hẹn. Không có nàng ở nhà, tôi dùng chìa khóa riêng, M-L đã làm thêm cho tôi, mở cửa vào. Lần đầu tiên, tôi ở trong chung cư mà M-L không có mặt. Sự vắng vẻ, những đồ vật sở hữu, mùi hương phụ nữ quen thuộc, kích thích tôi một cách lạ thường. Tôi nhìn quanh. Giường nằm. Tủ áo. Bàn phấn: M-L là một người đàn bà rất ngăn nắp. Mấy tấm ảnh treo trên tường làm tôi ngạc nhiên. Không tấm nào có hình của M-L trong thời hiện tại cả. Một tấm, đã cũ, rửa theo lối xưa, là hình một em bé gái, chừng 5, 6 tuổi đứng nép vào lòng một bà cụ. Bà cụ, tôi không biết là ai, chứ em bé, đích thị là M-L hồi còn nhỏ. Trông đã mập mạp, phúng phính quá cỡ! Bà cụ, có lẽ là một bà cố, nội hay ngoại. Một bà cố vì đã vào khoảng bảy tám chục khi con cháu, M-L, còn nhỏ xíu. Bà cụ chít khăn đen, mặc áo dress đen dài quá gối, chân mang vớ len màu sẫm. Một bà cụ có nét Do thái Đông Âu. Tấm ảnh làm tôi cảm động, miên man tưởng tượng đời sống trong những ghettos ở Ba lan, ở Áo, ở Hung...

Tôi đang mải ngắm mấy tấm ảnh thì có tiếng lách cách ở cửa ra vào: M-L đã về. Tôi đỡ lấy mấy bao thực phẩm từ tay M-L, đem vào bếp nhỏ. Nàng hôn nhẹ tôi, thở mạnh: “ Ối, cái thang máy sáng nay không chạy. Leo bốn tầng lầu, mệt quá, nóng quá. Anh ngồi chơi, em đi tắm cái đã. Có chai rượu ngon, anh mở, uống tí chơi trước nhé!” Vừa nói, M-L vừa cởi phăng áo ngoài. Rồi chỉ mặc đồ lót, nàng ngồi xuống mép giường, dang chân, tính tuột vớ ra.

Nhìn mái tóc lớn, rậm rì, đen nhánh, một cánh rừng đen, xõa xuống bờ vai to tướng, che che hở hở bộ ngực đồ sộ; nhìn vòng eo phốp pháp và cặp hông mỡ màng vĩ đại phớt hồng, tôi xúc động, thèm muốn. Tiến lại gần M-L, tôi sẵn sàng. Nàng đưa hai tay ôm, kéo tôi lại gần hơn, sát vào ngực nàng. M-L vói tay, gỡ móc nịt vú. Hai cái bầu bung ra, đầy ắp, trắng ngần với hai núm căng phồng như hai quả trứng. Cương cứng tối đa, tôi cứ đứng vậy, để nằm ngay giữa hai bầu vú lớn. M-L đưa hai tay ép hai vú lại với nhau, tạo thành một cái vòm ôm lấy tôi sít sao, mềm và mướt. Tôi lên xuống, lên xuống như thể đó là chỗ kín của nàng. M-L cúi đầu, nhìn tôi hăm hở, miệng hé mở. Tôi tiếp tục lên xuống, dăm lần như thế nữa, là tôi xuất. Chưa bao giờ tôi cực khoái mãnh liệt như vậy. Tôi ôm chầm lấy M-L vì suýt khuỵu xuống. Có cảm giác tất cả sinh lực tôi phóng lên ngùn ngụt, như phún thạch trào ra từ lòng đất. Tinh khí phọt lên, bắn vào mồm M-L, và nàng nuốt lấy nuốt để. Mặt , môi, ngực người thiếu phụ trẻ tràn trụa sinh lực thằng con trai hăm hai tuổi...

Từ lần ấy trở đi, đó là cách duy nhất tôi yêu chuộng khi gần gũi M-L. Nàng biết rằng tôi đặc biệt thích thú như vậy, và âm thầm thu xếp tạo cơ hội cho tôi được thỏa mãn. Khổ nỗi, đó cũng là cách duy nhất tôi tìm thấy cực khoái với M-L. Tôi tiếp tục gần nàng như vậy, nhưng trong thâm tâm tôi biết rằng mình lợi dụng nàng, biến nàng thành một phương tiện. M-L chỉ là con người thật nếu tôi xuất vào trong nàng, nếu tôi cùng nàng đi ra ngoài, nơi công cọng, để mọi người thấy được hai người là đôi lứa. Tôi giấu kín nàng trong chính chung cư của nàng, và dùng nàng để thỏa mãn chính mình. Lý do khiến tôi không muốn cho ai thấy tôi có một người tình như M-L cũng là lý do khiến cho tôi, khi chăn gối với M-L trong chung cư, say mê nàng. Nói đúng hơn, không phải say mê chính nàng, mà say mê những cảm giác nàng đem lại. Tôi ý thức mơ hồ sự bất thường của liên hệ giữa M-L và tôi, và tích cách bệnh hoạn của nó, nhưng tôi bỏ qua, mặc kệ. Tôi biết rằng M-L cần có tôi, mà tôi cũng biết là tôi cần nàng. Trong chốn riêng tư kín đáo, chỉ có hai đứa thôi, tôi cần nàng đem lại cho tôi những giây phút cực kỳ nóng bỏng mà tôi chưa từng được hưởng.

Chúng tôi tiếp tục gặp gỡ như vậy trong hơn nửa năm trời. Rồi tôi cảm thấy có sự nhàm chán. Bây giờ nghĩ lại, chẳng có gì lạ: Tôi chỉ ham thích cái khoái lạc M-L đem lại mà không ham thích con người của nàng. Sự khoái lạc thể xác của chính tôi tách rời khỏi thực tại toàn diện của chính nàng. Mệt mỏi là phải. Nhàm chán là điều không tránh được.

Tội nghiệp M-L! Thấy tôi không còn năng nổ như cũ, nàng càng tìm cách thỏa mãn tôi. Rồi một hôm, tôi bắt gặp một thoáng buồn bã, một thoáng ưu tư trong mắt M-L. Như hệt lần đầu tôi gặp nàng ở Nhà Tiếp. Tôi biết là M-L biết là chúng tôi đã sắp bước đến đoạn cuối đường. Rồi tình cờ tôi gặp được một người tôi cho là “hợp” với mình hơn. Tôi ít đến thăm M-L hơn trước. Những gặp gỡ ngắn lại dần, thưa thớt dần. Thưa thớt dần, rồi ngưng hẳn. Người ta thường nói: Youth is cruel. Đúng quá. “Tuổi trẻ ác nghiệt”! Ác nghiệt khơi khơi. Vì không ý thức nỗi khổ đau mình gây ra.
Ở tuổi hai mươi, gặp gỡ và ăn nằm với những người nữ xa lạ là điều thường tình trong đám con trai mới lớn, năng nổ, phóng túng, tự do. Nhưng M-L là người đầu tiên, sự liên hệ giữa đôi bên kéo dài đến nửa năm trời. Tôi tự nhủ rằng tôi không hứa hẹn, không cam kết gì với nàng cả. Mặc dù thế, sự kiện chung đụng với M-L bấy lâu vô hình trung gắn liền sự có mặt của tôi với cuộc đời của nàng...
Ông Thanh ngưng nói, thắp lại tẩu thuốc, phì phà một hồi lâu, mặt có nét buồn bã, già thêm hẳn:
Tôi thật tàn tệ đối với M-L. Gần nàng, tôi chỉ biết đến khoái cảm của mình, xem nàng như một phương tiện. Rồi tôi đã bỏ rơi nàng một cách tàn nhẫn. Mấy chục năm qua, tôi vẫn không quên M-L. Tự hỏi, người con gái ấy, rồi cuộc đời như thế nào. Bây giơ,ø lão già, M-L lớn hơn tôi ba tuổi, nặng cân như thế, xoay trở ra làm sao... Tôi không quên M-L...

Năm ấy, ông bà Thanh có dịp qua Paris. Một hôm trời đã chiều, trên chuyến métro đông nghẹt người, ông Thanh thoáng thấy, đằng xa, cuối toa xe, một dáng người quen quen. Ông nói nhỏ vào tai bà Thanh: “Cứ ngồi đây, chờ anh chút”. Rồi ông mon men, luồn lách đến gần cuối toa xe. Bỗng ông dừng chân. Người quen quen đó, khi đến gần hơn, nhìn nghiêng nghiêng, ông nhận ra, và khựng lại. Bà già mập ú, đầu đội cái mũ len, tay chống chiếc gậy sắt, mấy lọn tóc bạc xơ xác sau cổ áo. Là phụ nữ, lại già cả và nặng nề mà bà già cứ phải đứng; không ai trong toa xe nhường chỗ ngồi cho bà. Ông Thanh nhận ra người xưa. Ông quay mặt ngay qua phía khác, nghĩ thầm: “Thôi, quá khứ ấy, chỉ nên đem chôn đi!” Rồi ông vội vã trở về chỗ ngồi cũ với bà Thanh đang chờ. Tàu vừa dừng lại ở trạm sau, ông đã lật đật nắm tay bà, kéo ra khỏi toa xe. Bà Thanh cự nự: “Sao lại xuống đây? Em tưởng mình đổi xe ở trạm cuối kia chứ?” Ông Thanh ậm ừ.

***
Không đầy năm sau khi kể chuyện này cho tôi nghe, ông Thanh qua đời. Để lại không biết bao nhiêu thương tiếc. Ai cũng nhớ đến ông là một người suốt đời ăn hiền ở lành.

Võ Đình
31-XII-03


Xóm: Xóm La-tinh, gọi tắt. Quartier Latin, gồm đa phần hai quận, 5 và 6, ở Paris, nơi có nhiều cơ sở giáo dục và khoa học danh tiếng (các trường trung học Henri IV, Louis le Grand... đại học Y, Luật, Sorbonne, Bách khoa, Cao đẳng Mỹ thuật, các Viện Pasteur, Pháp quốc...)
tutoyer: khi thân, người nói tiếng Pháp “tutoyer” nhau, nghĩa đen là “mày tao”, nhưng trong trường hợp này, “anh em”
duplex: nhà đôi. Để tiết kiệm, người ta xây “nhà đôi”. Cùng một mái, một tường ở giữa, nhưng là hai nhà, với hai chủ. Người có phương tiện, thường ở nhà riêng, một mái, một nhà, tách rời những nhà khác.
métro: Réseau métropolitain, gọi tắt là métro, tàu chạy điện dưới lòng đất



Dịch nghĩa những đoạn thơ của Baudelaire ( Bài La Géante có tất cả bốn đoạn. Ông Thanh chỉ đọc lên đoạn 1, 3, và 4)

Thuở xa xưa, trong cơn bừng bừng hứng khởi,
Thiên nhiên sanh ra những đứa trẻ dị thường
Tôi ước sống cạnh một người nữ khổng lồ
Như con mèo trườn mình, vuốt ve chân hoàng hậu
Tôi lui tới thăm thú khắp thân hình tuyệt vời
Tôi bò lên, tụt xuống hai bắp đùi to tướng
Rồi, có lúc, vào hè, nắng nóng khiến nàng
Mệt, nhoài người trên cả cánh đồng quê
Tôi chui vào ngủ say trong bóng mát của đôi vú
Như ngôi nhà nhỏ nằm yên lành dưới chân núi.


nhà văn họa sĩ Võ Đình sinh năm Qúi Dậu, 1933, tại Huế. Chánh qúan huyện Hương Trà, tỉnh Thừa Thiên. Những năm 50 du học ở Lyon và Paris. Năm 1961, triễn lãm hoạ phấm đầu đời ở New York City.; Từ đó hơn 40 triễn lãm cá nhân và vô số triễn lãm tập thể ở Âu Châu, Á châu, Gia Nã Đại, và Hoa Kỳ.
Năm 1970, hai văn phẩm đầu tiên được xuất bản: The Jade Song (Chelsea House, New York) và The Toad Is the Emperor Uncle's (Doubleday&Co,. New York). Tất cả, hơn 40 tác phẩm: sáng tác, dịch thuật, minh họa. Công trình văn học nghệ thuật của Võ Đình được ghi nhận trong Nhân Vật Việt Nam (Sài gòn, 1974. Hai Mươi Năm Văn Học Việt Nam Hải Ngoại, 1975 -1995 (Đại Nam, California, 1995), và những ấn bản hàng năm của Who's Who In American Art, Contemporary Authors, Prinworld, The New York Art Review... Năm 1975: Christopher Award, New York. Năm 1984: Literature Program Fellowship tu National Endowmentfor the Arts, Wahington, D.C.; Năm 1992: Bằng hữu bốn phương bày tranh và sách Võ Đình ở Montreal, Canada. Năm 2000: triễn lãm ở Pháp, kỷ niệm 50 năm về trước đặt chân -dến Paris . Năm 2002:tác phẩm mới nhất, Huyệt Tuyết (Văn Nghệ, California, 2002)
Hoạ sĩ nhà văn Võ Đình hiện cư ngụ tại một miền biển có nhiều tùng bách, và các loại dừa, kè, thốt nốt, .... Đông Nam Hoa Kỳ.

2175

No comments:

Post a Comment