Jul 22, 2008

Saigon Pull



Cách một mặt hồ hẹp từ chỗ nhà tôi ở ngay trung tâm Hà Nội là một khách sạn xấu xí tên Saigon Pull. Xây dựng cách đây bốn năm, khách sạn này là một sàn disco nổi, một con tàu đáy phẳng đèn chớp lòe loẹt phát ra những tiếng nhạc chói tai đến tận 3 giờ sáng mỗi ngày. Mặc dù tôi đã thử nhét những nút giấy báo vào tai, tiếng nện đều đặn thùm thùm thùm vẫn cứ lọt vào. Một lần tôi thậm chí đã thử quấn băng kín khắp đầu.

Nhưng khách sạn này không chỉ tòan sự bực mình, thật ra nó cũng là một món bở. Cô con gái duy nhất của tôi làm tiếp viên ở đó. Nó mang về nhà trung bình cũng đến 15 dollars mỗi đêm, bằng cả nửa tháng lương thầy giáo.

Với khoảng thu nhập này, tôi không phải bước ra khỏi nhà nữa. Lúc trước, khi Lài chưa đi làm, tôi nuôi gia đình bằng nghề bán quẹt Zippo cộng với một khoảng lương hưu còm cõi.

Tôi có một vài câu tủ để khắc lên mấy cái quẹt Zippo. Câu mà tôi ưa thích nhất là câu này: "When I die burry me upside down so the world can kiss my ass."

Câu đó có thể dịch ra như thế này: "Khi tôi chết, hãy chôn tôi chỏng ngược đầu để thế giới có thể hôn lỗ đít tôi."

Tôi thường ngồi trên lề đường đối diện khách sạn Metropole, với sáu cái quẹt Zippo bày lên một chiếc khăn tắm trải dưới đất. (Có thêm khoảng một tá khác ở trong cặp). Tốt hơn hết là không nên bày tất cả ra. Như vậy trông hàng hóa mới có vẻ khan hiếm. Tôi bán khoảng năm, có khi sáu dollars một chiếc.

Có lần một gã khách lạ với vẻ xúc động cực độ, nước mắt lưng tròng, đã đưa tôi đến hai mươi dollars mặc dù tôi ra giá chỉ có mười dollars.

Tôi biết chạm khắc lên đủ loại vật dụng, với một giá thỏa thuận, khi thì một bức tranh nhiệt đới, khi thì một họ tên, hoặc một hai câu đơn giản bằng tiếng Anh hay tiếng Pháp. Chẳng hạn trên cái bút nhựa rẻ tiền: cảnh một cây dừa trĩu quả, một mặt trời đang lặn xuống biển và ở phía bên trên là câu này: "Good night, My Love!"

Bây giờ thì tôi ở nhà cả ngày coi sóc Tuấn, thằng cháu ngoại ba tuổi. Chỉ có ba người trong gia đình: tôi, Lài, và Tuấn.

Tuấn là một thằng nhóc to xương và khôn trước tuổi. Nó đã có thể đọc làu làu bảng chữ cái, cả ngược và xuôi, rồi đếm đến một trăm. Tôi dạy Tuấn một vài từ độc đáo. Có lần lão Trương hàng xóm sang chỗ tôi uống bia, tôi bảo: "Tuấn, nói cho ông Trương nghe, cái gì ở trong cơ thể người?"

Tuấn nhìn tôi vẻ ngơ ngác. Tôi động viên: "Nói đi, cái gì rất nhỏ mà không ai thấy được đấy."

Nó vẫn chưa hiểu ý. Tôi gợi ý: "VVVVV!VVVVVVVVVV!"

"Vi trùng."

"Đấy, ông thấy không," tôi nhìn lão Trương, "nó đã biết từ "vi trùng" rồi đấy!"

Lão Trương cười ngặt nghẽo. Con mắt độc nhất còn lại của lão hí lại, kéo dài trên sóng mũi. Miệng lão gần như cắt đứt khuôn mặt lão ra: "Thằng bé này nói tiếng Việt xuất sắc."

Được thể, tôi chỉ vào bức ảnh trên tường: "Ai đấy?"

"Bác Hồ"

"Bác Hồ thế nào?"

"Bác Hồ yêu các cháu thiếu nhi!"

Lúc lão Trương về, tôi ngẫm thấy vui vì lão Trương có vẻ thích thằng cháu Tuấn của tôi lắm, lão lại chẳng bao giờ có nhận xét dở hơi về màu da của Tuấn trước mặt tôi.

Chỉ có một lần, thấy Tuấn đá một quả bóng nhựa trên sàn, lão đưa tay lên trời hét: "Pele!"

Sự thật thì lão Trương thích nói những câu so sánh xa vời. Lão nói rằng Hà Nội ngày càng trở nên giống New York. (Lão chưa bao giờ gần New York, đúng ra thì lão chưa bao giờ rời khỏi Việt Nam). Lão gọi Lài là "diễn viên nổi tiếng" và tôi là "ông tướng." Lão bảo: "Ông trông cứ như Võ Nguyên Giáp." Thật là một so sánh ngớ ngẩn. Như có thể thấy trong tất cả các bức hình, và thậm chí tôi đã từng gặp vị tướng vĩ đại một lần, có hình trong bóp tôi làm chứng hẳn hòi, tướng Giáp có một khuôn mặt tròn, kiểu mặt cóc, trong khi mặt tôi gầy quắt, chẳng có tí thịt nào và mắt hơi lồi ra. Tôi có râu mép rậm trong khi tướng Giáp không râu. Mặc dù mũi tướng Giáp trông như bị đập giập và phẳng lì, dù sao nó cũng vẫn là một thứ phụ tùng trên mặt, trong khi tôi, rất đáng tiếc, đã bị bay mất mũi. Thêm nữa, ai cũng biết tướng Giáp chỉ cao có 1 mét 4, một trong những người lùn nhất hoàn vũ, trong khi tôi, nói có trời đất, là một gã rất cao. Có lẽ lão Trương có ý bảo tôi giống tướng Giáp vì cái khổ người bé tẻo còn lại hiện tại của tôi.

Tôi đã quyết định không gởi Tuấn đến trường. Tại sao bắt nó trở thành đối tượng cho sự tàn nhẫn của những đứa trẻ khác. Tôi bàn với Lài về chuyện này. Đến khi Lài thôi làm nghề tiếp viên thì cũng đã 25 tuổi và có thể mở một tiệm làm tóc. Chúng tôi sẽ đặt tên tiệm là "Paris By Night." Nhổ lông mày, nhuộm sấy, làm móng tay. Tuấn có thể giúp việc vặt trong tiệm khi nó khá lớn, rồi thì là một chuyên viên thẩm mỹ.

Mỗi đêm trước khi đi ngủ, tôi xoa lòng trứng lên tóc Tuấn để kéo tóc nó thẳng ra. Tôi chả rõ làm như vậy có hiệu nghiệm không, nhưng cứ thử vậy. Tôi cũng thường bảo nó xoa bóp mũi để kéo mũi cao lên.

"Làm hai mươi lần như thế."

"Nhưng để làm gì vậy ông?"

"Tốt cho mũi cháu!"

Mỗi lần tập mũi xong như vậy, tôi cho Tuấn một nắm kẹo M & M. Hàng nhập, cực đắt.

Bà Bưởi bán hàng rong ở phố bảo tôi ca sĩ Mỹ, Michael Jackson, tắm mỗi ngày trong bồn tắm sữa tươi để làm trắng da. Sữa hộp đặc không công hiệu, bà nói thêm.

Một mụ nhà quê dốt nát, bà Bưởi thường nài nỉ khách mua bánh rồi ban phát những lời khuyên bảo tân kỳ nhất về khoa học thẩm mỹ. Nhưng một bình sữa tươi đắt đến hơn một dollar. Tôi không thể tiêu tất cả số tiền Lài kiếm được vào việc mua sữa tươi. Tôi đã nghĩ đến việc chỉ mua một bình sữa nhỏ rồi xoa lên da Tuấn những chỗ quan trọng, có lẽ chỉ hai bàn tay và phía trước mặt nó, bằng một cái khăn lau mặt. Nhưng nếu áp dụng không đồng đều như vậy, nó có thể sẽ lớn lên loang lổ như một con nhái hay một nạn nhân bom Napalm. Không đáng liều như thế.

Nhưng tôi là cái quái gì để có thể gọi bà Bưởi là một mụ nhà quê dốt nát? Rõ đạo đức giả. Tôi nên gãi những cái sẹo trên mặt tôi cho đến khi rướm máu để tạ lỗi vì đã gọi bà Bưởi như vậy. Hãy chỉ cho tôi một người Việt Nam, thậm chí những kẻ au courant nhất, kể cả c’est moi, có ai mà không cách đây một thế hệ, cùng lắm là hai, cũng chỉ là dân quê mùa dốt nát?

Đấy, chính các vị cũng có thể chỉ là những tên nhà quê dốt nát như thế. Có lẽ sáng nay còn đứng chỏng đít lên trời cấy lúa, bùn ngập đầu gối. Chẳng có gì phải xấu hổ cả. Có chết thằng quái nào nếu các vị chưa bao giờ ăn kẹo M & M hay chưa bao giờ mua một cuộn giấy đi cầu.

Hãy tự hào vì bạn là một con người tự nhiên, au naturel, thứ lỗi cho tiếng Pháp của tôi. Như một con diệc hay một con trâu nước. Bạn nên hãnh diện vì bạn là một gia tài của những bài ca dao không ai còn nhớ. Bạn nên hãnh diện vì bạn là một kho tàng của những kiến thức kỳ bí mà một tên thị thành như tôi chẳng có chút ý niệm gì cả. (Nói như lão Trương, Hà Nội ngày càng trở nên giống như New York và ngày càng trở nên ít giống phần còn lại của Việt Nam). Nếu tôi coi bạn không ra gì, bạn có thể thư tôi với một cái bụng đầy ốc sên hay đặt cả một con vịt sống vào đó. Bởi vì bạn giang nắng cả ngày, chổng đít lên trời cấy lúa, bạn tráng kiện, hơi khùng khùng một chút, và da rám đen. Bạn cũng biết màu da không phải là một cái gì tuyệt đối, không thay đổi được. Màu da là cái quái gì nếu không chỉ là những con vi khuẩn có thể tẩy sạch bằng hóa chất thích hợp?

Khi tôi đề ra ý kiến mở tiệm uốn tóc, Lài có vẻ bối rối, thậm chí có phần hoảng sợ. Khi bực mình điều gì, môi Lài hơi trề ra như thể nó đang sắp phải hôn một người mà nó không muốn hôn. Đầu nó hơi ngửa ra, mắt chớp nhanh. Một con jolie laid, con Lài của tôi. Tôi trấn an Lài: "Đừng lo, đừng lo, bố hứa là bố sẽ chẳng bao giờ chường mặt ra tiệm đâu."

"Bố nói gì thế?" Nó phản đối, đầu ngửa ra, mắt chớp nhanh.

"Ấy, thì đó là một chỗ đẹp đẽ. Ai lại muốn trông thấy một con quái vật xấu xí ở đấy?"

Sự thật là thế hệ trẻ có rất ít khoan dung đối với sự xấu xí, đối với tất cả những gì tồi tàn, thương tật hay không ăn ảnh. Tất cả những nhắc nhở về cuộc chiến tranh làm chúng bối rối. Cuộc chiến tranh chính nó là một sự xấu hổ. Một sai lầm khổng lồ. (Và chúng nó đúng, dĩ nhiên, nhưng chúng oán trách những người như tôi vì đã tham dự vào cuộc chiến đó như thể chúng tôi đã có thể chọn lựa). Bây giờ chúng thấy những người Mỹ thân thiện rủng rỉnh tiền bạc trên đường phố mà không thể hình dung ra rằng chúng tôi đã từng chiến đấu chống Mỹ.

Mỗi đêm mất ngủ nằm trong mùng cạnh thằng cháu, tôi thường nhớ lại quãng đời bình thường nhưng chông gai. Cho đến lúc này, ở tuổi 53, tôi mới biết thế nào là sự buồn chán, một thứ yên bình, nếu không muốn nói là hạnh phúc. Tôi thường nghĩ về vợ tôi, về bốn đêm ăn nằm của chúng tôi. Có những người đàn ông được số phận sinh ra để tận hưởng vô số đêm yêu đương. Số phận của tôi là bốn đêm yêu đương. Thịt đâm vào thịt nhớ nhau suốt đời, người ta nói như vậy. Mỗi đêm mỗi khác nhau. Trong những cách nào đó, có thể là một sự may mắn vì Thế Uyển, người vợ mà tôi chẳng biết bao nhiêu, đã qua đời được hai năm ngày tôi trở về từ cuộc chiến tranh. Tôi đã trở thành một của nợ, vô dụng, tàn phế.

Có lúc tôi nhớ về những ngày ngắn ngủi ở Huế, thành phố duy nhất ngoài Hà Nội mà tôi biết; hay về vụ tôi lừa quả thối một nhà báo Quân Đội Nhân Dân, bịa chuyện tôi đã ép một xe tăng của quân Cộng Hòa đâm vào chính lô cốt của chúng như thế nào - "Ôi, giá mà cô nghe được tiếng chúng nó kêu thét lên"; hay nhớ về vụ chúng tôi phát hiện một xe nhà binh Mỹ lật bên vệ đường với tên tài xế đã chết, và nỗi vui sướng của chúng tôi khi tìm thấy cả một thùng xe đầy thịt hộp và trái cây; hay nhớ về lần tôi dẫm lên một tên lính Mỹ nhưng đã không bắn hắn, và chuyện đó đã làm tôi mất ăn mất ngủ như thế nào cả mấy tuần liền; hay chuyện một két whisky mà tiểu đoàn tôi tìm được trong một căn cứ bị chiếm của quân Cộng Hòa.

Lúc mới ra trận, có lần tôi đã tưởng một dải thòng lòng vắt vẻo trên ngọn cây là ruột người. Màu xám hồng và ri rỉ máu. Tôi hoảng sợ đến nôn thốc nôn tháo. Khi tôi kể chuyện này với những người lính khác, tất cả bọn họ đều cười: "Đấy là một con rắn, thằng đần!"

Thường thì Lài không về nhà cho đến tám giờ sáng hôm sau. Những người nước ngoài và Việt kiều thích đi ngủ trễ, nó bảo. Và thường thì họ thích trò chuyện chút đỉnh khi thức dậy, dù có phải trả thêm chút tiền, nó nói thêm.

Thực ra tôi chẳng bao giờ vặn hỏi Lài về công việc của nó, nhưng đôi khi có những chuyện mà nó kể cho tôi. Chúng tôi đã thỏa thuận là Lài không bao giờ tiếp khách ở nhà. (Có mặt Tuấn, đó sẽ là một điều vô đạo đức).

Tuy vậy có lần một gã Việt kiều đến nhà vào một đêm Lài nghỉ làm và van nài khẩn khoản xin được vào. Mặc dù rất say, gã trai trẻ không hề tỏ vẻ vô lễ. Sau một lúc bàn bạc, chúng tôi quyết định, thôi thì nhằm quái gì, cứ để thằng con hoang khốn khổ vào nhà.

"Cám ơn bác, cám ơn bác lắm," gã Việt kiều nói bằng giọng Quảng Ngãi đặc sệt, cúi rạp xuống như một con rối, hai bàn tay múp míp chắp lại trước ngực.

"Chưa phải Tết, miễn lạy!"

"Cám ơn bác!"

"Cứ coi chúng tôi như người nhà!"

Thế, bốn mạng người chúng tôi ngủ trên hai cái giường trong căn nhà một phòng. Gã Việt kiều, quần áo nguyên trên người, nằm ôm lấy Lài như thể Lài là cái phao cuối cùng còn nổi bập bềnh trên biển Hải Nam, lũ cá mập trắng đang bơi lội dưới gầm giường. Hắn lầm rầm kể lể chuyện đời hắn, một chuyên gia đổ rác ở Miami, rồi bỏ đi trước lúc mặt trời mọc.

Sau khi gã Việt kiều ra về, thằng ranh con Tuấn hỏi: "Ông ấy là bố con phải không ạ?"


Mặc dù Saigon Pull cách nhà chúng tôi đúng một sải ném đá, thường thì Lài phải mất mười lăm phút để lái quanh hồ trên chiếc Dream của nó. Tôi luôn nhận ra mỗi khi nó về bằng vào tiếng sủa cuống cuồng của con chó cái Pekinese nhà lão Trương. Lài thường mang một vài món gì đó mua từ chợ, khi thì xôi lạp xưởng, bánh mì paté, khi thì bún thịt nướng. Thỉnh thoảng nó mang về mấy tờ báo hay tạp chí ngoại quốc.

Mặc dù tôi thưởng thức tất cả những bức hình trong các tạp chí, thậm chí cả những bức quái dị: như cảnh bài trí một căn phòng tắm trong một bức ảnh quảng cáo xà phòng, hay cảnh một cái đầu hươu lông lá treo bên trên lò sưởi, những bức hình hấp dẫn tôi nhất là những bức hình chụp tai nạn và thiên tai: hình một chiếc xe đua bốc cháy, một cuộc nổi loạn, một người bị còng tay... Đấy là chỉ để biết chắc rằng những người ngoại quốc cũng đau khổ, ở ngay trên đất nước họ, vì những người ngoại quốc ddến đây, năm 1995, không biết đau khổ là gì.

Trên hình bìa của tờ Bưu Điện Băngkok tuần trước là tấm ảnh chụp một người đàn ông đội beret đỏ, quần khaki, áo thun trắng, đang chỉa khẩu SA-93 của Bulgary vào một người đàn ông khác nằm trên mặt đất, trần truồng, ngoại trừ một đôi tất xanh ở chân. Tôi đã thấy chiến tranh, nhưng tôi chưa bao giờ thấy chiến tranh một cách trắng trợn như vậy. Tôi chẳng rõ đấy là ở nước nào. Nhưng cả hai người đàn ông đều da đen nên có lẽ là ở Phi châu. Người đàn ông trần truồng che hạ bộ bằng một tay trong khi cố gắng ngăn cái chết không tránh được bằng tay còn lại. Một chiếc tất tuột lủng lẳng nơi chân. Cạnh đó, năm thiếu niên núp sau một bức tường đang chứng kiến màn trình diễn công cộng này với những đôi mắt dè chừng.

Tôi chỉ thấy người da đen một lần duy nhất ở khoảng cách gần. Đó là trong một cánh rừng gần Pleiku. Chúng tôi vừa phục kích một toán tuần tra Mỹ và đang ra sức thu lượm vũ khí từ những xác chết trước khi trực thăng đến. Tôi dẫm lên một khúc cây đổ lên cái gì đó mềm mềm. Một cái gì đó rên rỉ dưới chân tôi. Đó là một người lính da đen bị thương khá nặng, máu chảy đầm đìa nhưng hãy còn tỉnh táo, cánh tay phải của anh ta đã văng mất. Cho đến bây giờ tôi hãy còn nhớ khuôn mặt của người lính: anh ta có những mụn nhỏ kỳ quặc phía dưới má và một chỏm râu dê lưa thưa. Tôi nhìn thẳng vào đôi mắt cũng đang nhìn trừng trừng vào tôi. Không có ai ở gần kề. Tôi tiếp tục bước đi.

Khi Tuấn sinh ra, tôi lập tức nghĩ đến người lính da đen tôi đã không giết. Một trò đùa của thuyết luân hồi: tôi đã thích người da đen trước kia quá, thì đây, bây giờ tôi có thêm một đứa da đen nữa. Tôi cười như điên đến nỗi trong bệnh viện, người ta tưởng tôi điên.

Chuyện đó đã làm phiền tôi suốt mấy tuần, sự kiện tôi đã không thể bắn người lính đó. Tôi là một người lính như thế nào nếu tôi đã không kết liễu kẻ thù?

Nhưng khuôn mặt đó cứ trở đi trở lại, một khuôn mặt không biểu lộ sợ hãi hay thách thức, với những mụn nhỏ dưới má và một chỏm râu dê lởm chởm. Nếu có một biểu hiệu nào, thì đó là sự bối rối. Như thể anh ta chỉ vừa thức giấc và ngạc nhiên nhìn thấy tôi đứng bên cạnh. Một phản ứng khá nữ tính, tôi kết luận, để cảm thấy bối rối sau khi đã bị xâm phạm. Đấy là bởi vì anh ta đã bị bắt gặp trong một tình thế thỏa hiệp, một cách rõ ràng nhất, cũng như tôi vậy. Cứ như thể tôi đã bước vào nhà vệ sinh mà không gõ cửa và bắt gặp anh ta đang ngồi chồm hổm trên cái lỗ xi măng. "Xin thứ lỗi, thưa ngài." Nhưng tại sao hai chúng tôi đã phải ở trong cánh rừng tan hoang đầy muỗi đó trong một buổi chiều mùa hè nóng không thể tin được? Anh ta với một cánh tay đã biến mất và người vùi trong bùn? Còn tôi với hai chân sắp sửa bị thổi bay đi mãi mãi?

2181

No comments:

Post a Comment