Nov 16, 2008

Xuất hồn



Sau một ngày làm việc bình thường, nhà vật lý Sophie B. trở về nhà và gặp tai nạn giao thông. Cô bị thương nặng, phải chuyển vào phòng hồi sức cấp cứu. Sau này cô nhớ lại: "Đột nhiên, tôi nhìn thấy mình nằm dài trên giường cạnh bác sĩ và y tá. Lúc ấy, tôi đang ở trên cao, tựa lưng vào trần nhà. Tôi nhìn thấy cả bụi phía trên đèn chiếu".

Theo lời kể của Sohpie B., cô cảm thấy như bị rơi vào đường hầm tối đen và đầu bên kia chìm ngập trong luồng ánh sáng kỳ lạ sáng hơn ánh nắng nhưng không gây chói mắt. Thế rồi cô hồi tưởng cuộc sống đã qua, nhớ từng sự kiện nhỏ hoặc tưởng đã quên, nói chuyện với nhiều người rất thân quen... Sau đó, cô nghĩ đến con cái và mẹ đang bị bệnh nên quyết định nhập vào xác trở lại. Lúc ấy, cô cảm thấy đau khủng khiếp khắp toàn thân. Nhiều năm sau, Sophie B. chỉ dám kể lại lần xuất hồn ấy sau khi đã đọc được nhiều bài viết nói về hiện tượng này.

Các nhà tâm lý học và các bác sĩ gọi trạng thái xuất hồn của Sophie B. là kinh nghiệm cận kề cái chết. Theo một cuộc thăm dò của Viện Gallup, 15% dân Mỹ đã từng sống qua trạng thái này. Số người xuất hồn rồi quyết định quay trở lại thế giới loài người kể lại cảm giác có khác nhau nhưng vẫn còn nhiều điểm chung nhất.

Các nhà khoa học nghiên cứu về kinh nghiệm cận kề cái chết đã lập ra những diễn tiến tiêu biểu của hiện tượng này như sau: cảm thấy thoát ra khỏi cơ thể, đi qua một đường hầm hoặc nơi tăm tối, có cảm xúc mãnh liệt, nhận ra luồng ánh sáng huyền ảo hay giọng nói kiểu như "giờ của bạn chưa tới", gặp người quen hay tiên thánh, cảm thấy rất sáng suốt, hồi tưởng dòng đời diễn tiến nhanh, đạt đến mức giới hạn nào đó, quyết định quay trở lại cơ thể và cuối cùng nhập vào cơ thể.

Tùy theo người, chuyện kể về hiện tượng này có khác nhau về chi tiết. Trẻ con không gặp thần thánh gì ở cuối đường hầm mà thường gặp bạn bè, thầy cô, cha mẹ... Trong phần lớn trường hợp, người đã từng xuất hồn thường tỉnh dậy trong trạng thái khỏe khoắn, nhưng cũng có lúc hoảng sợ không rõ do nhìn thấy "hỏa ngục" hay cái chết. Muốn biết xem kinh nghiệm cận kề cái chết có xảy đến cho bất kỳ ai hay không, cần phải so sánh nhóm người suýt chết nhưng chưa trải qua hiện tượng này và nhóm người đã trải qua trong những điều kiện giống nhau giữa hai nhóm. Thế nhưng cho đến nay, vấn đề vẫn chưa được giải quyết vì ít ai để tâm nghiên cứu.

Thông thường, người đã từng xuất hồn là bệnh nhân nằm trong phòng hồi sức cấp cứu hoặc phòng mổ nên các nhà khoa học nghĩ rằng có thể có một số loại dược phẩm tác động đến não gây nên hiện tượng này. Cho đến thập niên 1980, các bác sĩ thường sử dụng loại thuốc gây mê mạnh Kétamine để gây mê trẻ em, người bị bỏng khi cần cấp cứu. Kétamine sẽ khiến cho bệnh nhân cảm thấy tách rời khỏi cơ thể nên không cảm thấy đau khi chịu phẫu thuật. Khi nghiên cứu thêm về Kétamine, nhà tâm thần học Karl Jansen người Anh phát hiện Kétamine bám vào cơ quan thần kinh thụ cảm N-méthyl-Daspartate để ức chế và gây nên trạng thái như xuất hồn. Ngoài Kétamine, các nhà khoa học còn nghi ngờ các phân tử endorphine là nguyên nhân tạo cảm giác khoan khoái, khả năng hồi tưởng cùng lúc nhiều kỷ niệm đi kèm theo trạng thái xuất hồn. Nhà tâm thần học Meduna đã từng thí nghiệm cho nhiều người hít hỗn hợp khí oxy và carbonique. Trạng thái thiếu oxy hoặc hấp thu quá nhiều khí carbonique sẽ khiến cho một số người thấy đường hầm, ánh sáng, nhớ về kỷ niệm và cảm thấy thoát ly khỏi cơ thể. Hiện tượng này thường xảy ra nơi nạn nhân bị mất quá nhiều máu, người bị chết đuối ở phút lâm chung và người mắc chứng động kinh.

Ngay từ thập niên 1950, bác sĩ phẫu thuật thần kinh Wider Penfield đã từng thí nghiệm dùng điện cực kích thích thùy thái dương của một số bệnh nhân còn thức và họ đã cảm thấy như xuất hồn khỏi cơ thể. Ở Pháp, bác sĩ Patrick Chauvel ở Bệnh viện thần kinh Rennes đã định vị được một cụm neurone thần kinh giữ nhiệm vụ tạo ra trạng thái mơ nơi người mắc chứng động kinh, chỉ có điều người bị động kinh thường hoảng sợ, buồn rầu, cô độc trong khi người xuất hồn lại mang cảm giác an bình hơn.

Bác sĩ thần kinh Michael Persinger người Canada còn quan sát thấy người nào có thùy thái dương hoạt động không ổn định (có nghĩa là có khuynh hướng mắc chứng động kinh) lại dễ sống trong trạng thái xuất hồn hơn người khác và chấn thương não ít quan trọng đôi lúc cũng gây nên trạng thái xuất hồn. Để giải thích cảm giác bước vào đường hầm, nhìn thấy ánh sáng chói lòa nơi người đã xuất hồn, nhà tâm lý học Suzanne Blackmore người Anh cho đó là do hệ thống thị giác bị rối loạn, phát sinh từ tình trạng thiếu oxy hoặc rối loạn các chất hóa học trong hệ thần kinh. Lúc ấy, các giác quan (mắt, tai, mũi, da...) không còn thông tin được với vỏ não nên vỏ não tự phát ra nhận thức. Chính vì vậy, người xuất hồn nhận thấy luồng sáng mạnh và huyền bí khác với ánh sáng thông thường.

Như thế cho đến nay, phần lớn các đặc điểm của kinh nghiệm cận kề cái chết đã được giải thích rõ bằng luận chứng sinh lý học hợp lý. Dù vậy, những người đã từng xuất hồn khó chấp nhận các luận chứng này mà cứ tin rằng có thế giới bên kia, có thiên đàng, tiên Phật... Niềm tin của họ mãnh liệt đến nỗi sau khi từ cõi chết trở về, đột nhiên họ sống khác trước, sùng tín hơn, biết hy sinh hơn, nhân ái hơn và hầu như không còn sợ cái chết nữa.


user posted image

595

No comments:

Post a Comment