Nov 2, 2008

Bàn tay đã mất



Xưa, có một chàng trai lên đường thi hành nghĩa vụ quân sự. Giặc tan, chàng trở về và bỏ lại một bàn tay ở chiến trường.

Từ dạo đó, trong những đêm hôm khuya khoắt chàng mơ hồ cảm thấy mình đau nhứt dữ dội ở bàn tay đã mất. Cơn đau ngày càng gia tăng, bệnh tưởng đã thành bệnh thật, chàng tìm đến một y sĩ. Y sĩ hỏi:

- Anh đau ra sao?

- Thưa tôi bị nhức nhối ở bàn tay mặt nhất là khi về đêm.

Y sĩ mỉm cười:

- Anh đưa bàn tay đau cho tôi xem nào.

Bệnh nhân sửng sốt hồi lâu ấp úng:

- Thưa bác sĩ, bàn tay mặt của tôi không có ạ!

- Thế thì tôi đã chữa bệnh cho anh rồi.

Bệnh nhân liền ra về với một nụ cười. Hóa ra lâu nay chàng mắc loại bệnh tưởng.

Ít lâu sau thanh niên cùng đến thăm y sĩ với một thanh niên bạn, người bạn này cũng mắc một chứng bệnh tương tự để nhờ y sĩ chữa giùm. Lần lần bệnh nhân tự bảo:

- Thưa bác sĩ, dù rằng đã biết bàn tay mình không có nhưng trong giấc ngủ chập chờn tôi lại thấy đau nhức dữ dội ở bàn tay đã mất xin bác sĩ chữa bệnh cho tôi.

Y sĩ liền hí hoái biên toa, xong căn dặn:

- Toa thuốc này có hai loại, một để uống và một để thoa lên vết thương. Anh về điều trị tuần sau khám lại.

Bệnh nhân thứ hai y lời về mua thuốc, nhưng chàng không biết bôi thuốc vào đâu, vì bàn tay đã không còn thì làm gì có vết thương. Loay hoay tìm kiếm hồi lâu anh bật cười bảo:

- Lão bác sĩ này gạt mình thật!

Từ dạo đó anh lành bệnh. Hai anh bệnh nhân đã lành bệnh trên, về sau lại gặp một người bạn cũng mang chứng bệnh tương tự. Cả hai đều trổ hết kinh nghiệm và sở trường của mình điều trị song cơn đau vẫn không thuyên giảm. Bệnh nhân liền được đưa đến phòng mạch. Y sĩ hỏi:

- Những lúc nào anh bị đau nhức?

- Thưa, tôi bị đau nhức liên tu bất tận.

- Thế không có lúc nào ngừng đau à?

- Thưa có, những lúc nào tôi say mê đọc sách hay nghe nhạc thì cơn đau dường như không còn nữa.

- Thế thì… toa thuốc của anh đấy, khi nào thấy đau đớn hãy lấy sách báo đọc hoặc là nghe nhạc…

Bệnh nhân y lời, bệnh tình ngày một thuyên giảm.



Em thân mến!

Có phải chúng ta tất cả đều mang một chứng bệnh tưởng như ba anh chàng trên đây không?

Chúng ta cứ than van suốt ngày “Tôi buồn, tôi khổ, tôi mệt mỏi, tôi chán nản, tôi tuyệt vọng…” Và nếu có ai hỏi “cái tôi” ấy ở đâu thì chúng ta không khỏi giật mình. Thấu đáo cho rõ CÁI TÔI này thì căn bệnh mới chữa tận gốc. Tôi là thân hay tâm?

Thông thường, chúng ta cho cái suy nghĩ phân biệt, thương ghét, buồn giận đó là tôi. Và cái tôi này quả là loạn động, rối bời, xao xuyến. Chúng ta nghe cuộc gặp gỡ giữa hai người y sĩ Bồ Đề Đạt Ma và bệnh nhân Huệ Khả như sau:

Bệnh nhân thưa:

- Tâm con bất an, xin Ngài dạy con phương pháp an tâm.

Y sĩ mỉm cười bảo:

- Đưa tâm ra đây ta xem!

Bệnh nhân lúng túng:

- Con tìm tâm không ra

Y sĩ:

- Vậy thì ta đã chữa bệnh an tâm cho ông rồi.

Huệ Khả liền đại ngộ, tức là hết bất an, hết kêu than là khổ sở, đau đớn quá nữa.

Trường hợp của Tổ Huệ Khả tương tự như trường hợp anh thương binh thứ nhất, sau một lần đến phòng mạch là lành bệnh.

Trường hợp bệnh nhân thứ hai là những hành giả phải gia công quán chiếu tu trị những tâm thức vọng động của mình bằng các phương pháp trị tâm hay tu tâm. Cho đến bao giờ hành giả chợt thấy rằng “năm uẩn đều không” thì “vượt qua tất cả khổ ách” Đây là lúc anh chàng thương binh đang loay hoay tìm cách rịt thuốc lên vết thương thì bỗng khám phá ra bàn tay mình không có, vết thương cũng không luôn nên vứt gói thuốc đi và lành bệnh.

Trường hợp thứ ba, chỉ những lúc hì hục tu hành, say mê hạ thủ, tụng kinh lễ bái, niệm Phật trì chú… hành giả mới cảm thấy vơi sầu, bớt khổ não, tâm dần an định… giống như anh chàng thương binh thứ ba, khi nghe nhạc hoặc đọc sách thì không thấy đau đớn gì cả.

Ba chàng thương binh trên đây mang bệnh tưởng vì ngờ rằng bàn tay có thật, bàn tay có thật nên sự đau nhức cũng có thật, sự đau đớn có thật nên thưốc chữa cũng có thật:

“Có thì tự mảy may”

(Tác hữu trần sa hữu)

Bệnh của họ được chữa lành khi họ khám phá ra rằng bàn tay không có, bàn tay không có nên bệnh cũng không, bệnh không nên thuốc cũng không.

“Không thì cả thế gian này cũng không.”

(Vi không nhất thiết không)

Chúng ta cũng thế, bao nhiêu khổ đau rắc rối đều thành hình khi ta ngỡ rằng mình là một cái này, một cái nọ… Do có “ta” nên có cái “của tạ” Và hỷ, nộ, ái, ố… cũng bắt đầu từ đó. Hành giả chỉ hết khổ khi thấu hiểu được rằng “cái ta không có.” Chỗ này, Lục Tổ bảo rằng: “Bản lai vô nhất vật” vậy!

Thầy thuốc xem bệnh nhân bình đẳng như nhau, nhưng tùy theo tình chấp của mỗi người mà cách chữa trị có khác. Các pháp môn tu của Phật cũng thế, tùy theo tình chấp của chúng sanh mà có thiên sai vạn biệt. Chúng ta không thể nói rằng pháp môn này cao pháp môn kia thấp… mà chỉ có thể nói rằng: “Cố chấp của tôi nhiều, tình chấp của anh ít hơn mà thôi.”

Em có thấy như thế không?

178

No comments:

Post a Comment