May 10, 2005

Án Mạng Dưới Chân Tháp Eiffel







Viên thanh tra cảnh sát Maurice Bakoula vừa tóm tắt xong sự kiện. Phản ứng đầu tiên của tôi, một nhà báo, là tìm một tít lớn cho trang một. « Một phụ nữ Việt Nam bị ám sát giữa Paris »: quá thường. « Sự cố rùng rợn nhất từ xưa đến nay trong cộng đồng người Việt » : hơi dài, làm mất chỗ quảng cáo. « Máu Việt Nam đã đổ giữa kinh đô ánh sáng » : nghe như tựa tiểu thuyết rẻ tiền bán ở ga Lyon. « Lực lượng nào có lợi trong cái chết của bà Trần Thị Trầm Thảo ? » : tít mở với đầy ẩn ý chính trị, nhưng sợ chỉ hấp dẫn vài chục lãnh đạo đảng phái, không thu hút đông đảo bà con đi chợ Tàu ở quận 13...

Cách đây mấy ngày, lúc 4 giờ sáng, dưới gầm cầu Iéna nằm giữa Tháp Eiffel và quảng trường Trocadéro, người ta khám phá một bọc rác lớn chứa xác chết một người đàn bà Việt Nam. Nạn nhân bị giết trước đó khoảng 2 tiếng đồng hồ. 7 viên đạn đồng tập trung vào đầu, thân thể bị lột trần và cắt ra từng mảnh. Người chết còn đầy đủ tiền bạc nữ trang, và giấy tờ để nhận diện. Cảnh sát đã xuất hiện nhanh chóng, tại chỗ không ai được quyền làm nhân chứng, báo chí truyền hình tuyệt nhiên không nói gì về vụ này. Nạn nhân không phải là một bà hoàng nước giàu. Trung tâm Paris không phải là bãi chiến trường cho các băng cướp thủ tiêu nhau. Không thể để các đoàn du khách Nhật Bản, Đại Hàn tụ tập nơi một xác chết cùng màu da, quên đứng chụp hình trước cái tháp sắt, biểu tượng của thành phố đẹp nhất thế giới.

Cảnh sát quận 7 chỉ cử 1 nhân viên lo hồ sơ này, là Maurice Bakoula. Hồ sơ không quan trọng. Vả lại, từ hồi các sở cảnh áp dụng Luật Lao động mới, làm việc 35 giờ một tuần, mỗi công chức là một của quý, không thể phí phạm. Người đàn bà bị giết gốc gác ở một nước chậm tiến, Maurice Bakoula gốc Phi châu, thế là được rồi. Viên thanh tra trẻ tuổi thuộc thế hệ sĩ quan an ninh của thế kỷ mới, hiểu biết không hạn chế mấy. Hắn có linh tính cuộc điều tra sẽ không ra ngoài cái cộng đồng người Việt tại Pháp. Bakoula tìm ra liền phương pháp tiến hành điều tra. Hắn không biết gì về giới Việt, vậy thì cần sự cộng tác của một nhà báo nằm trong lòng cộng đồng này. Là người Việt để đồng thời làm thông dịch viên cho hắn.

Tôi được chọn cũng dễ hiểu. Báo chí Việt ở đây ngày một ít đi, cạnh tranh sao được với các video cải lương hài kịch và CD nhạc Việt không dấu. Tờ báo Cộng Đồng Mới, một mình tôi làm, có mặt ở hầu hết các tiệm phở bánh cuốn của cả 3 phố Tàu trong Paris. Tờ báo phát không, nội dung là các trang quảng cáo, mỗi số chỉ cần một hai bài tố cáo tội ác Cộng sản và những bê bối của đảng này phe nọ trong đối lập. Dĩ nhiên không ai dám từ chối cộng tác với cớm. Nhưng phải nói thêm, tôi đâu đã mất hết lý tưởng. Tìm cho ra thủ phạm giết hại người đồng hương là, một mặt hành động cho Công Lý, một mặt trả lời một sự nhục mạ cộng đồng.

Để mở đầu hợp tác giữa Nhà Nước Pháp và media Việt kiều, Maurice Bakoula biết chơi đẹp: cao lâu Quảng Đông sang trọng nhất khu Belleville, món lẩu dê với đầy đủ ngọc dương, bia shintao hết lon này đến lon khác, vân vân... sẽ chấm dứt bằng sake có gái cởi truồng hiện ra ở đáy tách. Tôi không ảo tưởng. Sau này với hắn chỉ còn những bữa Mac Do hay ngậm bánh mì jambon-beurre.

Xin nói rõ, tôi không kỳ thị chủng tộc. Nhưng thằng Bakoula này đen bóng quá, hình như còn có mùi. Nó ăn mặc như trong phim trinh thám Mỹ trên ti-vi, nhưng chắc bố nó trước đây làm công nhân hãng xe Renault.

Tôi hỏi Nhà Nước Pháp:

- Thưa ông thanh tra, không biết ông có tấm hình nào của nạn nhân ?

Sau vài giây do dự, Bakoula lấy ra một xấp hình, nụ cười đểu cáng trên môi. Khủng khiếp !!! Những gì tôi nhìn thấy thật là kinh hoàng ! Một đống thịt bầy nhầy máu đỏ. Máu khắp nơi, máu loang lổ trên những phần thịt rời rạc được chụp từ mọi góc độ. Tôi suýt trả lại hết, nào lẩu dê nào bia lon nào ớt hiểm. Còn cái khuôn mặt nạn nhân nữa ! Thôi thôi, nhất định tôi không tả tiếp ! Mắt tôi hoa lên trước những mảng óc nhơ nhớp, lây láng trên những gì còn lại của một khuôn mặt đã vỡ nát... Thôi !!!

Tiếng cười của Bakoula kéo dài suốt cơn ghê tởm của tôi. Chỉ có giống người nửa khỉ như nó mới có lối đùa thanh nhã như vậy. Rồi nó lấy giọng trìu mến:

- Này chú chệt bé nhỏ của tao, tao giỡn một chút thôi mà. Bây giờ cho mày coi tấm hình của nàng trong thẻ căn cước.

Thằng này mày tao dễ dàng như mọi công an Tây. Tôi lại giựt mình lần nữa. Người đàn bà đẹp tuyệt trần. Tôi không rời được hai con mắt sâu thăm thẳm và đôi môi ướt dày, đậm nét gần một sóng mũi thoáng chút kiêu căng. Phải một lúc sau tôi mới đọc thẻ căn cước. Trần Thị Trầm Thảo, 39 tuổi, sinh tại Sàigòn, quốc tịch Pháp, cao 1m67, cư ngụ ở khu Bastille. Bakoula cho biết thêm: sang Pháp năm 1980, có chồng gốc Việt về Việt Nam từ 4 tháng nay, không con cái. Nghề nghiệp không rõ ràng, khi làm thư ký, khi lo một loại việc giao tiếp trong xí nghiệp. Bố mẹ và cậu em trai cũng sống ở vùng Paris.

Cuối buổi, Maurice Bakoula muốn tạo sự thân mật. Hắn tâm sự thỉnh thoảng nằm mơ thấy một thiếu nữ Tàu da ngà ngọc, mặc áo dài lụa Việt Nam, vừa tẩm quất cho hắn theo kiểu Thái vừa mời hắn từng ngụm trà Nhật. Tôi đề nghị ngay sáng hôm sau đi gặp bố mẹ cô Thảo.


*


* *

1.

Đến trước cửa căn hộ của ông bà Phùng, bố mẹ cô Thảo, hai đứa chúng tôi nghe thấy một loại nhạc kỳ lạ từ trong vọng ra. Chắc chắn không phải nhạc Tây phương. Âm điệu ngân nga nhưng không phải raï1 hay fado 2. Cũng khác các loại nhạc truyền thống Việt Nam: chèo, tuồng, ca trù, tài tử... Gần giống thứ nhạc kinh ở một số chùa hiện đại trong nước, nhưng dùng nhạc cụ điện tử nhiều hơn.

Chúng tôi lại càng ngạc nhiên khi thấy bà Phùng. Bà mặc một loại cà sa bằng giấy bạc màu mè chói lọi, quấn chỗ này chỗ kia những sợi giây thừng cũng đủ màu sắc. Đầu đội một mũ cạc-tông hết sức cầu kỳ. Bước vào phòng khách là lạc vào một không gian dày đặc khói hương, một mê hồn trận làm Bakoula thả ra một trận ho không ngừng. Lúc đó mới thấy nhạc inh ỏi phát ra từ một dàn máy âm thanh nổi. Dàn máy điều khiển luôn một hệ thống đèn màu chớp chớp theo điệu nhạc.

Bà Phùng đang lên đồng một mình, gọi hồn cô con gái vừa mất. Bây giờ tôi mới biết, ở Pháp, lên đồng đã trở thành một sinh hoạt cá nhân, không còn cần đông người. Như vậy đỡ tốn kém, tiền tiết kiệm được có thể đầu tư vào các phương tiện tân kỳ.

Bà mẹ cô Thảo đã nhập hồn từ trước, chỉ rời hồn một lúc để ra mở cửa. Sau đó, đọc một loạt thần chú, cầm bó hương vái 4 hướng, thế là đủ để bà trở lại giọng the thé và thân uốn éo theo điệu nhạc. Bà Phùng, tức là cô Thảo, tiếp tục kể luyên thuyên về mùa đại hạ giá năm nay ở các cửa tiệm Paris.

Bakoula thật chuyên nghiệp, hắn không bỏ lỡ thời cơ. Hắn ngồi xệp xuống đất trước mặt cô Thảo và bà Phùng, bắt đầu ngay cuộc thẩm vấn.

BAKOULA: Thưa bà Trần Thị Trầm Thảo, ai đã giết bà ?

HỒN : ...

BAKOULA: Tôi xin hỏi cách khác. Theo chủ quan của bà, ai có thể là người kết liễu đời bà?

HỒN : ...

BAKOULA : Bỏ mẹ! Hồn không nói tiếng Tây.

HỒN : Si si ! Quand même...3

BAKOULA: Xin lỗi bà. Tôi chắc hồn vía bà chưa trở về hoàn toàn, sự kiện quá khiếp đản. Bà cứ lấy thì giờ để trả lời.

HỒN : ...

BAKOULA: Thử đặt một giả thuyết. Nếu, tôi nói nếu, nếu có người muốn xin bà một tí mật gan, thì bà nghĩ tới ai?

HỒN : Quân tử ố kỳ văn chi trứ.

BAKOULA : Hả?! ...Bà nói tiếng la-tinh?

HỒN : Thánh nhân bất đắc dĩ dụng quyền...

Thế là hết. Hồn chỉ còn nói ngoại ngữ. Có vấn đề trình độ văn hoá, mà tôi thì hồi đó chưa học hết trung học.

2.

Trước khi chia tay chúng tôi, bà Phùng thở dài:

- Khổ, con Thảo sống ra sao nào tôi có biết. Nó và tôi không thể trao đổi với nhau điều gì. Nó tâm sự mọi thứ với con Jeanne Tuyết. Con nhỏ mới khoảng 25 tuổi, Thảo nó coi như em gái. Nó thiếu em gái mà lị. Con Tuyết này văn minh lắm. Nhưng hơi kỳ kỳ, mấy ông phải cẩn thận.

Chúng tôi được bà cho số điện thoại di động của cô em, bắt được nàng ở chỗ tập thể dục, hẹn đến nhà nàng ngay sau đó.

Giữa Maurice Bakoula và Jeanne Tuyết xảy ra tiếng sét ái tình. Mới trông thấy chàng thám tử nhà nước, đôi mắt mở to của cô Tuyết đã chạy hết chỗ này qua chỗ kia trên thân thể người đàn ông. Còn Bakoula, hắn như kẻ bất chợt mất thăng bằng, cố gắng khom nửa người phía trên xuống thấp, đẩy phía dưới về đằng sau, như bị chao đảo vì một hiện tượng trong quần. Quả thật cô gái đẹp quá lố ! Người cô như muốn nổ tung ra khỏi lớp vải mỏng mềm. Tấm áo, không khuy nào chịu cài, cho đoán hai vú ở trần, mời mọc mọi tưởng tượng. Chiếc váy cực ngắn, cao đến gần rốn, trải ra một bộ đùi dài vô tận. Môi cô rung rung hướng về môi Bakoula, hé mở từ từ cho đầu lưỡi ló dạng. " Hí anh ! " Câu chào hỏi dành trọn cho viên thanh tra, tôi không hiện hữu trên đời này. Bakoula chỉ còn gầm gừ như một con thú, mép mồm đẫm ướt. Cô Tuyết mở nhẹ hai vạt áo vét, cạ ngực mình vào người đàn ông. Mắt cô đã nhắm lại từ lời đón chào. Hơi thở cô bắt đầu trở thành một tiếng rên khe khẽ.

Từ đó tôi biết cuộc gặp gỡ này không cần thông dịch. Tôi đành nói với phần còn lại của Bakoula:

- Đại ca cố gắng đào thật sâu vấn đề. Đàn em ra ngoài hút thuốc.

Lúc họ chia tay nhau dưới đường, Jeanne Tuyết trách yêu anh cảnh sát bơ phờ:

- Làm gì vội thế ! Anh chẳng kịp hỏi cung em. Thôi đêm nay mình hẹn nhau trên internet vậy. Ở chat room4 của website5 www.Vietvidai.Com. Trong phòng đó em sẽ tiết lộ hết cho anh, về đời chị Thảo.

Nhưng không bao giờ có cuộc tái ngộ của đôi uyên ương trong không gian giả tưởng. Gần tới giờ hẹn, ở một cybercafé nổi tiếng cạnh vườn Luxembourg, một thiếu nữ Việt gục chết trên bàn phím máy vi tính, trước một màn ảnh còn tấm hình tổng hợp 3D, giữa một không khí ồn ào nhạc techno. Chỉ về sau mới biết, có chất xia-nuya trong ly coca cô uống ở tiệm.




3.

Rồi hung tín đến từ xa. Ngày hôm sau, Bakoula chìa cho tôi coi bản sao một bức điện tín. Của Lãnh sự quán Pháp ở Sàigòn gửi thẳng Trung ương cảnh sát tư pháp Paris:

" Ngay khi nhận được điện tín của quý vị, chúng tôi đã tìm mọi cách liên lạc với ông Hoang Ba Phi, công dân Pháp hiện ở Sàigòn, để báo tin về cái chết bi thảm của vợ ông, và đề nghị ông về gấp Paris gặp quý vị. Chưa có kết quả thì hôm nay phía chính quyền Việt Nam cho biết ông vừa tử thương trong một tai nạn giao thông. Chúng tôi biết tai nạn giao thông ngày càng nhiều ở thành phố này..."

Bakoula giằng lại tờ giấy:

- Tai nạn giao thông cái con khỉ khô ! Tao đã điện thoại về Sàigòn hỏi cho ra hết sự thật. Sự thật là thằng cha này bị một chiếc mô-tô cố tình lao vào người, rồi chà đạp lên hắn nhiều lần trước khi bỏ chạy!

Cảnh sát Pháp có đầy đủ chi tiết. Từ mấy năm nay, ông Phi bỏ bê bà vợ, về Việt Nam đều đều, lấy cớ là để chuẩn bị kinh doanh. Thật ra ông ta có một cô nhân tình xấp xỉ 20 tuổi. Ông Phi đã ngoài 50, có hồi xuân cũng không là sớm. Hôm đó, ông và cô nhân tình đứng ở bến xe đò, chờ xe đi tắm biển Vũng Tàu. Nghe nói khi chết, ông còn bám chặt vào một cái ruột bánh xe to tướng và đen xì mang ra biển làm phao nổi. Chiếc mô-tô thuộc loại Dream Turbo S một ngàn năm trăm phân khối. Cô nhân tình chỉ bị sướt móng tay. Một tên lừa vợ, lợi dụng gái tơ, gây oán thù ở người khác, hắn được hai chính quyền đồng ý cho chết vì tai nạn giao thông là may lắm rồi. Cái chết vì xe cán, trong trường hợp này, đúng là sạch sẽ. Nhưng Bakoula tức giận là phải, chúng tôi một lần nữa mất đi một nguồn hiểu biết về cô Thảo.

Bakoula còn nghi ngờ:

- Biết đâu việc thủ tiêu thằng già dê này không dính líu mật thiết với vụ giết vợ nó?

- Mô Mô, chắc mày đang nghĩ tới một tổ chức sát nhân có mạng lưới quốc tế.

Tính lãng mạn của Bakoula lại trở về:

- Kể ra đi An Nam một chuyến cũng thích. Có vịnh Along, có Cap Saint-Jacques, có trường Chasseloup-Laubat, có thịt chó...




4.

Chúng tôi đến gặp ông Phùng, bố cô Thảo, ở Hội Cờ Tướng đường Choisy. Ông ra nơi này giải sầu, ngồi với mấy ông bạn đã về hưu, phần đông là người Hoa trước ở Chợ Lớn. Thời gian ở đây nhảy lùi một phần tư thế kỷ, để từ đó đi về quá khứ. Bakoula bị thấm không khí dư giả thì giờ, kiên nhẫn ngồi chờ ông Phùng nói hết những gì có từ đáy lòng.

Ông bắt đầu nói về cái chết như một khái niệm mới, vượt ra ngoài những nhân sinh quan cổ điển của Á Đông, ông đã nghiên cứu rất kỹ văn minh Tây phương nên tìm ra một triết lý kết hợp Đông và Tây từ cổ xưa đến ngày nay có tính chất vĩnh cửu lấy cái Hồn Việt làm lõi, chết và sống từ đó liên hệ hữu cơ với một vũ trụ muôn vàn kích thước trong đó động và tĩnh chỉ có thể hiểu từ góc độ Hồn Việt, Hồn Việt là một chân lý thật dễ giải thích nếu nhìn thấy rõ rằng bản chất của văn minh dựa trên sự hình thành của một bên là cái mà mọi người thường gọi là Ý một bên là một khám phá của cá nhân ông tạm gọi là Thức nhưng cái hiểu lầm lớn nhất cho tới nay của loài người là tưởng rằng Ý và Thức có thể gặp nhau khiến cho khái niệm thời gian trở thành mâu thuẫn với khái niệm không gian hậu quả ghê gớm là cái chết trở thành một đứt đoạn của đời sống giải pháp duy nhất là xây dựng lại từ đầu cái tư tưởng đẻ ra mọi tư tưởng tức là cái lõi Hồn Việt...

Một tiếng đồng hồ đi qua, Bakoula và tôi say khướt, ngồi gật gù một cách tự động. Mọi suy nghĩ của Bakoula đã bị tràn ngập bởi Hồn Việt. Tôi thì không còn biết xoay xở làm sao với đống khái niệm ngổn ngang trong ý thức. Cái nào đáng lý ra cũng dễ hiểu, cái nào cũng quan trọng dễ sợ, bỏ sót một cái là tiêu đời. Hai chúng tôi cầm tay nhau chệnh chạng ra xe. Đầu óc căng thẳng cực độ, vì Chân Lý lảng vảng đâu đó rất gần. Quên hẳn những câu hỏi về cô con gái ông Phùng.

Mấy ngày sau, giữa chiều, hai tên thanh niên đột nhập vào Hội Cờ Tướng. Mỗi đứa mang một đầu Thằng Bờm phủ kín mặt và một chiếc kiếm dài. Ông Phùng đang thắng thế trong ván cờ trước mặt. Một tên vung kiếm chém ngang cổ ông. Chiếc đầu ông đứt lìa hẳn khỏi thân, tung lên cao mấy phân, đổ xuống bàn cờ tướng, quân cờ tung toé. Ông còn lắc đầu quầy quậy một lúc mới ổn định. Máu chỉ tuôn ra sau đó, nhuộm đỏ dần con mã đen trong tay ông già sắp chiếu tướng. Hai Thằng Bờm không ngừng cười toe toét.

5.

Cảnh sát dĩ nhiên nghiên cứu sổ hẹn của Trần Thị Trầm Thảo. Cuộc hẹn cuối cùng trước án mạng diễn ra chiều hôm trước đó. Ghi rõ: " Gặp Đoàn ở Café La Coupole - Nhớ mang giấy chứng nhận " . Sổ địa chỉ của cô Thảo có tên Nguyễn Văn Đoàn. Tối hôm đó chúng tôi điện thoại, cô con gái ông Đoàn cho biết bố mẹ đi ăn cơm khách. Cô cho luôn tên và địa chỉ chủ nhà.

Ông bà Tiến có một biệt thự lớn ở Sceaux, phía ngoại ô Nam của Paris. Trước cổng nhà chúng tôi nghe rõ tiếng nhạc và tiếng cười nói ồn ào. Bà chủ nhà mới mở cửa đã bị 2 cái sợ: 1) màu đen của Bakoula, ít nhất là phần nhìn thấy trong đêm; 2) thẻ cảnh sát của hắn dí vào mũi bà. Bà nấc lên 3 tiếng rồi chạy vội vào kiếm chồng.

Bác sĩ Tiến đi ra trong bộ đồ khăn đống áo dài. Giọng ông run lẩy bẩy:

- Xin mời quý vị... vào dự... cuộc vui... Mấy ông ạ, tôi thề trên đầu tổ tiên tôi, tôi là người lương thiện... Đúng là có thời kỳ tôi hoạt động chính trị, nhưng đó là cả chục năm nay rồi... Bây giờ vợ chồng tôi chỉ chơi...

Tôi phải giải thích rõ ràng mọi chuyện. Khi hiểu chúng tôi chỉ muốn gặp kỹ sư Đoàn, ông Tiến lấy lại bình tĩnh:

- Anh Đoàn đang chuẩn bị phần hát của mình. Quý vị, nếu có thì giờ, xin chờ cho xong phần đó, như vậy chương trình văn nghệ không bị xáo trộn. Mời quý vị tham gia dạ vũ. Ở đây chỉ toàn là bạn bè bác sĩ, dược sĩ, nha sĩ, thạc sĩ...

Bakoula và tôi bước vào với nụ cười gắn chắc trên môi. Phòng khách rất lớn, cả một đám đông chen chúc nhau nhảy và ăn uống, nhạc đang là một bài tango trữ tình, với giọng khàn khàn của cô ca sĩ đứng giữa một ban nhạc sống. Ông Tiến nói thật, mọi người ở đây đều thuộc giới thượng lưu của cộng đồng người Việt: kim cương hột xoàn, y phục thời trang đắt tiền, những khuôn mặt tràn trề hạnh phúc, đồ ăn đồ uống khác hẳn những bữa cơm bình dân góc chợ.

Bản tango được tiếp nối bằng một màn ca vũ dân tộc, có tốp nữ và tốp nam. Thật là đẹp ! Các chị mặc áo tứ thân đeo yếm, đầu quấn khăn vải, tay cầm nón ba tầm. Các anh hoặc khăn đống áo dài như ông chủ nhà, hoặc bà ba đen đích thực là nông dân. Những câu hò lời hát đối đáp nhau nhuần nhuyễn. Giữa tốp ca nam và tốp ca nữ, những cái nhìn lẳng lơ và những cái lườm ác liệt làm không khí đậm tình quê hương. Vậy mà đứng gần tôi vẫn có kẻ xấu mồm:

- Gớm cái con mẹ Quế ! Đã bà ngoại rồi mà còn ỏn ẻn như gái còn trinh !

- Nhìn cái thằng Hưng kìa ! Tôi đã bảo bà là nó ngoại tình với con Thu mà. Đấy bà thấy, hai đứa nhìn nhau đắm đuối. Thằng luật sư Hưng này chuyên về các vụ ly dị, nó biết tốn kém ra sao, chẳng đời nào nó bỏ vợ đâu.

Rồi không lâu sau, viên cảnh sát và tên nhà báo chúng tôi trở thành cái đinh của dạ vũ. Đối tượng của mọi cặp mắt và lời xì xào khắp nơi. Tin đồn đại đã loan chuyền nhanh chóng.

- Tao nghi cảnh sát đến chộp một đứa nào đó. Thích quá, mình sẽ được chứng kiến tận mắt một cảnh bắt bớ. Đố biết, trong bọn mình, ai sắp vào tù?

- Đừng đùa ! Chuyện trầm trọng lắm. Chứ như chốn thuế thì tụi nó đâu đến còng tay giữa đêm khuya. Moa không sợ, nhưng không muốn bị bất ngờ.

- Mấy ông nói bậy bạ. Theo tôi, hai thằng này đến bảo vệ một nhân vật chính trị quan trọng. Trong đám chỗ này, tôi không ngạc nhiên nếu có một vị lãnh đạo phong trào đấu tranh cho dân chủ ở nước mình. Nước Pháp là đồng minh của chúng ta, đừng quên điều này.

- Ôi chuyện có gì đâu ! Tây nó thấy tụi mình họp đông như vậy, mà ai cũng giàu có thành công, nên tụi nó đề phòng kẻ ghen tuông tới phá, chỉ thế thôi. Tụi nó cẩn thận cũng có lý.

Bakoula đang điên loạn trong điệu twist khi ông Tiến hớt hơ hớt hải chạy tới hắn. Mặt ông đã thành trắng đen, mặc dù bao nhiêu ánh đèn xanh đỏ bao trùm sàn nhảy. Ông xô viên cảnh sát về phía cầu thang, đẩy hắn lên lầu, mọi người chen lấn nhau phía sau.

Cảnh hãi hùng trong một phòng ngủ: xác chết nằm ngửa, máu tươi tiếp tục lan tràn ra từ ngực, nơi cắm sâu một chiếc dao găm gần lút cán. Kỹ sư Đoàn mắt mở toác. Ông mặc một bộ đồ dân tộc cao nguyên, đầu quấn khăn gắn lông, tay cầm những lời nhạc của bản " Bóng cây Kơ-Nia " . Gần đó có ít nhất là 2 người ngất xỉu và 3 bãi nôn mửa. Những tiếng hét rít lên từ phía cầu thang đã ứ đọng người.



6.

Mặt trời mới mọc khi chúng tôi phóng xe tới chỗ ở của cậu Chiến, em cô Thảo. Lần này Bakoula mang theo khí giới nặng: một khẩu súng lục Magnum 722, trắng bóc, hoả lực tương đương với một chiếc xe tăng thời đệ nhị thế chiến, vũ khí cá nhân tối tân nhất hiện nay.

Ngân hàng dữ liệu của cảnh sát không biết nhiều về cậu Chiến: 31 tuổi, độc thân, nghệ sĩ trong một lãnh vực chưa có định nghĩa chính xác, sống ngoài cộng đồng người Việt. Nhà cậu ta là một chiếc tàu nhỏ đậu trên sông Seine, ở khúc sông có cầu Issy, không xa nội thành Paris.

Chiến đẹp trai, thân hình nhỏ thon trong bộ quần áo bó sát người. Sống với một gã người Đức to lớn, nét mặt thuỳ mị, tên Hans Schroumpf. Nhìn họ, cái đầu óc lỗi thời bảo thủ của tôi bám víu vào một hy vọng cuối cùng: quy chế PACS6 không áp dụng cho những cặp chung sống trên sông, không phải trong đất liền.

Nếu nghe theo cậu em thì Trần Thị Trầm Thảo là một con quỷ, không phải người. Ích kỷ tuyệt đối, ác hiểm, tàn nhẫn, hung dữ, dối trá, tham lam, hèn hạ, vân vân... tất cả những gì có thể có trong một nữ tính. " Tâm xà khẩu cẩu " : cô Thảo được tả như vậy. Trọn tuổi thơ ấu của Chiến đã bị bà chị biến thành một địa ngục, trong đó mọi tự do bị tước đoạt thô bạo, nhân phẩm của cậu ta bị nghiền nát đến cùng. Càng nói cậu Chiến càng giận dữ, nước bọt tung toé. Tôi không còn nghi ngờ gì nữa, thủ phạm đây rồi ! Nhưng Bakoula rõ ràng là dày kinh nghiệm, nét mặt hắn lộ vẻ thất vọng chán nản.

Hắn hỏi cho xong:

- Theo anh, ai có lý do để hận thù chị anh đến độ muốn giết chị ?

- Bất cứ người đàn ông nào trên đời này !

Một câu trả lời rỗng thông tin.

Bakoula và tôi rời tàu đi lên chỗ đậu xe. Linh tính bạn tôi một lần nữa thật nhạy bén. Hắn bất chợt quay phắt người, vụt chạy ngược trở lại. Quả nhiên có 2 gã đàn ông đang tiến về phía chiếc tàu, đội đầu Thằng Bờm, cầm súng tiểu liên. Bakoula vừa lao tới phía chúng, vừa rút Magnum. Tôi lấy hết sức chạy theo. Đến chỗ cách hai tên hung thủ khoảng 20 thước, viên thanh tra ngừng lại cú rụp, lấy thế đứng chắc, hai chân dang rộng, hai tay duỗi thẳng với khẩu súng nắm chắc trong hai bàn tay, đầu súng đi lại đều giữa hai bia người.

Một tiểu liên nả đạn trước tiên, tiếng nổ liên tục, đạn ào ạt bắn về phía Bakoula. Hắn bay xuống đất, lăn mấy vòng, đạn rạch những đường dài sát người hắn. Rồi Magnum bất đầu vào cuộc. Mỗi phát súng nổ như bom, đi đôi với một chớp ánh sáng chói loà. Thằng chủ nhân chiếc tiểu liên khai chiến bị xé xác ra thành nghìn mảnh vụn, như ruốc bông vung vãi tứ phía trong một bán kính gần 10 thước. Tôi nhào về phía thằng còn lại. Quên là mình tay không.

Người tôi đột nhiên đau nhói, khắp thân, thịt ở nhiều chỗ cùng lúc bốc cháy, làm như có hàng loạt cơn đau xuyên thủng người. Tôi hiểu ngay. Không nhớ có chào vĩnh biệt Mô Mô chưa, người bạn tôi đã bắt đầu mến. Người ta thường nói, ở những phút cuối, có cả một chuỗi hình ảnh đi qua đầu, có khi đủ để tóm tắt cả một đời người. Nhưng trong trường hợp tôi, chỉ có một hình ảnh duy nhất. Lạ thay đó là một tờ giấy chứng nhận, không kịp đọc là chứng nhận gì.


*


* *

Tôi ngồi bật dậy. Tim đập như muốn vỡ, hàm răng đụng vào nhau liên hồi, mồ hôi đầm đìa. Mắt từ từ nhận ra mình đang trong giường. Một vài vết nắng trên chăn cho thấy đêm đã qua. Tôi cố gắng thở lại đều, xoa nắn các mạch máu. Nhắc đi nhắc lại cho mình: tất cả chỉ là ác mộng, xong rồi, không có gì là thật...

Mấy ngày hôm nay tôi điên đầu vì vụ ly dị. Thảo tiếp tục đòi hỏi thêm. Tôi vẫn thiếu giấy tờ. Mỗi ngày tôi phải sống với cái sai lầm ngu dốt của mình. Thời vợ chồng hoà thuận, tôi để Thảo lo liệu hoàn toàn mọi giấy tờ: sổ sách về tiền bạc, tài liệu chưởng khế, giấy chứng nhận, biên lai, cuống séc... Bây giờ hồ sơ phía Thảo không thiếu một thứ gì, quan toà khen không ngớt. Hồ sơ tôi thì cứ xẹp lép, luật sư chỉ biết thở dài. Cô ta đòi hết món tiền này đến món tiền khác. Của cải tôi cứ thế mà thành mây khói. Mỗi lần đến văn phòng của luật sư, gần Tháp Eiffel, là một lần ra cửa với đầy ý đồ đen tối

1459

No comments:

Post a Comment