Oct 20, 2005
Cha Tôi
Cha tôi là một người đàn ông bình thường. Một người dễ dàng bị nuốt chửng bởi khối đông đàn ông ngoài kia, không để lại ấn tượng nào hết.
Cha tôi là một người cha tốt, một người chồng rộng rãi giỏi lo. Hiếm khi tôi nghe cha mẹ tôi cãi nhau. Mẹ tôi nhường chồng, có lẽ vì ảnh hưởng giáo dục gia đình, và phong tục tập quán. Cha tôi chiều vợ, có lẽ vì là người rộng rãi tình cảm, và không câu nệ vai trò phái tính trong gia đình. Riêng về phương diện phân biệt nam nữ thì cha tôi có phần cấp tiến hơn phần lớn những người đàn ông đồng thời cùng gốc gác. Nhưng, ông chỉ có phần cấp tiến hơn, một phần nào đó mà thôi. Có lẽ đối với ông, phần ấy cũng đã là quá lớn.
Khi chúng tôi đến tuổi vị thành niên, cả cha lẫn mẹ tôi đều không ngăn cấm việc ăn mặc thời thượng nhưng tôi không theo dõi thời trang như phần lớn đám con gái cùng lớp. Điều này do ở nơi mẹ tôi là người không chú trọng đến bề ngoài nên không biết gì hết về thời trang ăn mặc. Bà chỉ có một áo vét sọc ca rô đen đỏ trắng, trộm kiểu Chanel, là chiếc áo đỏm dáng nhất bà thường mặc khi buộc phải đi ăn cưới đâu đó với cha tôi. Tất nhiên mẹ tôi không hề biết nó là trộm kiểu Chanel. Bà chỉ biết nó bán rẻ ở phố Tàu và tiện lúc đang cần một cái áo mặc ngoài, thế thôi. Và tất nhiên mẹ tôi cũng chẳng để ý đến chuyện màu sắc sặc sỡ của áo tương phản quá sức với cặp kính cận dầy trễ nơi sống mũi, và với tất cả những gì hiền lành yên lặng nơi bà. Tuy vậy, điều này không có nghĩa bà để con cái ăn mặc tồi tệ hay cổ hủ khác người.
Nơi lứa tuổi thiếu niên nhốn nháo thời trung học, tôi không hề có ý muốn nổi bật như một con mọt sách kỳ quái thông minh, và cũng không thích phổ thông bừa bãi với nhiều tai tiếng. Như cha tôi, cả hai anh em đồng lọt trũng trong khối đông trung bình. Khi tôi muốn có cái váy đầu tiên trong đời, năm mười hai tuổi, cha tôi chứ không phải mẹ tôi, đưa đi mua. Tất nhiên ông không biết gì hết về những tiệm quần áo thời trang. Tuy rằng tôi là người muốn mua nhưng khi bước vào khu buôn bán đầy dẫy đủ mọi thứ tiệm, tôi cũng không khá hơn cha tôi chút nào trên phương diện mua sắm. Thế nên, cái váy đầu tiên của tôi là một thất bại chán chường.
Tôi cho rằng gia đình tôi may mắn nên tuổi thơ của chúng tôi vui vẻ bình thường như mọi gia đình trung bình khác. Mỗi năm đến hè, chúng tôi đều được đi xa hoặc tham dự những trại hè hướng đạo. Đấy là chưa kể thường xuyên trong năm, tuỳ mùa tuỳ dịp lễ, khi thì lên núi trượt tuyết, lúc thì chèo chuyền cắm trại. Là một người làm việc gì cũng rất cần mẫn, cha tôi ngoài thì giờ làm việc, vẫn cố dành một ít thì giờ để chia sẻ nhiều hoạt động sau giờ học với chúng tôi. Tôi còn nhớ rất rõ có lần ông đã bỏ ra gần sáu tháng cùng học dương cầm với chúng tôi để khuyến khích.
Sau khi mẹ tôi mất được vài năm, cha tôi về hưu. Ông sống một mình cho đến lúc sức khoẻ suy giảm khá nhiều mới về ở với vợ chồng anh tôi. Thỉnh thoảng tôi đến thăm ông, những sáng chủ nhật hay những chiều thứ sáu, hoặc khi anh chị tôi đi chơi tối cần người giữ trẻ. Và trong một lần đến nhà anh giữ cháu trông cha, tình cờ tôi thấy được một khía cạnh khác nơi ông.
Cha tôi từ tốn để úp tấm ảnh nơi tay xuống bàn khi tôi mời ông ra ăn tối. Có lẽ ông quên cửa phòng mình đang mở và tôi ló đầu vào hơi đột ngột dù đã gõ nhẹ vài tiếng trước đó. Rất vô ý, tôi đùa.
"Ba nhớ mẹ quá lại đem hình ra xem đấy à?"
Không trả lời, cha tôi nhẹ nhàng mở ngăn tủ để hình vào rồi khoá lại. Sự im lặng bất chợt của ông bỗng dấy trong tôi một áy náy sượng sùng, sực nhận ra câu đùa không phải lúc. Và nỗi áy náy ấy biến tôi ra khó chịu, không phải với cha tôi, mà là với chính mình.
Cha tôi là người không có bí mật, không giữ điều gì bí mật. Ít ra, đó là ấn tượng tôi vẫn có về ông cho đến lúc đó, lúc ông im lặng từ tốn khoá trái ngăn tủ bàn viết. Từ lúc tôi có hiểu biết, nhận ra và nhớ được mọi chuyện quanh mình, chưa bao giờ tôi thấy ông khoá tủ bàn viết của mình. Bàn viết của cha tôi là một chỗ không cần lời dặn hay bảng cấm vẫn không ai bén mảng nói gì đến lục lọi tìm kiếm. Lâu ngày, dường như nó biến thành một nơi bất khả xâm phạm rất tự nhiên đối với chúng tôi. Chưa bao giờ tôi có ý muốn thúc đẩy tò mò nhìn qua giấy tờ hay mọi thứ nơi bàn làm việc riêng của ông. Nhưng, sau biến cố tình cờ thấy ông khoá tủ, nó hết còn tự nhiên và biến thành một thứ lập luận mà tôi chưa bao giờ đối diện để tranh cãi. Chưa nhìn thấy cha tôi khoá ngăn tủ bao giờ, không đủ để khẳng định rằng cha tôi chưa bao giờ khoá ngăn tủ ấy. Tất cả chỉ là lập luận một cách tự nhiên vì không ai thắc mắc một việc đã thành nếp theo thời gian trong gia đình.
Từ lúc đó trở đi, thể như tôi mới thật sự nhìn thấy cha tôi lần đầu trong đời. Hay đúng hơn, lần đầu sau bao nhiêu năm tôi đã xem sự có mặt của ông trong đời sống của mình là một điều bình thường đến độ không mấy quan tâm. Kể cả hình dáng bên ngoài, tôi cũng đã không mấy chú ý. Tựa như, mọi thứ đã có thứ tự chỗ đứng của nó và chúng tự lo lấy thân, tôi không phải bận tâm, không cả thắc mắc, không cả liếc nhìn.
Tóc cha tôi thưa sớm nơi chóp đầu ở tuổi bốn mươi, khi ấy tôi mới mười hai, nhưng điều lạ là chỗ tóc thưa ấy không hề lan rộng về phía trán. Tôi vẫn nhớ mỗi lần bà tôi đến thăm đều mang cho ông những gói thuốc cây cỏ khô quắn. Mẹ tôi sắc thuốc đặc quánh để nguội cho vào hũ đậy kín cho cha tôi xức lên da đầu mỗi ngày, nhưng cha tôi khi nhớ khi quên, và mẹ tôi rất đơn giản, chỉ làm theo lời mẹ chồng. Tôi không rõ có phải vì bà tôi không biết bày tỏ nỗi niềm thương mến đứa con trai duy nhất của mình bằng cách nào khác hơn, nhất là khi cha tôi đã có đủ thứ, kể cả hạnh phúc gia đình. Cha tôi không phải là một người đàn ông đỏm dáng nên chẳng mấy chú trọng đến hình dáng bên ngoài với chải chuốt quần áo. Rõ là thói quen cách sống giản dị của ông vô cùng thích hợp với mẹ tôi.
Vóc người gầy ốm xương xẩu, có một lúc cha tôi đẫy người đôi chút rồi trở lại gầy gò khô cằn. Thừa hưởng chiều cao của cha, lại giống mẹ ở chỗ tròn trĩnh nên hai anh em tôi to người lớn lứa. Cha tôi có chiều cao hơn trung bình, năm bộ mười. Ông không cho mình là cao so với những người đàn ông á châu khác. Có lẽ nhờ vậy mà khi đi đứng ông không khòm lưng như những người cao quá khổ thường mắc phải.
Cha tôi có dáng xấu khi ngồi ăn. Ôâng cúi khom người, hai cùi chỏ dựa trên mặt bàn, mỗi lần đưa thức ăn vào miệng, đầu ông gần như cúi gằm xuống dĩa chén thức ăn. Hình như đó là điều duy nhất mẹ tôi phê bình trước mặt con cái nhưng ông thản nhiên không bận tâm sửa đổi. Và càng chú ý đến thái độ cử chỉ khi ăn của cha tôi bây giờ, tôi càng nhớ rõ nhiều hơn lúc bà cố gắng sửa chồng. Đấy là một chuyện thật ra cũng không mấy quan trọng đối với bà. Nhưng, tôi có cảm tưởng đấy là cố gắng tột cùng của mẹ tôi, lấy một chuyện chẳng ra gì để phản đối thể như tự nhìn nhận vai trò chỗ đứng của mình hơn một bóng mờ rất nhiều. Tất nhiên là điều này thỉnh thoảng mới xảy ra vì mẹ tôi là một hình ảnh có nhiều khía cạnh trái ngược với quan niệm nữ quyền. Nhưng, tôi vẫn nghĩ, nếu mẹ tôi an lành hạnh phúc, đấy chẳng phải là trách nhiệm của tôi lôi kéo bà ra khỏi vai trò đã nhận lãnh. Nếu tôi không chấp nhận vai trò ấy, thì đấy chỉ là tôi trong đời sống của chính tôi.
Cha tôi ăn nhanh, có vẻ thích thú trong lúc ăn, chú ý đến món đang ăn, thận trọng vén khéo từng hạt cơm. Trong lúc ăn, ông ít nói chuyện. Tôi ăn chậm theo dõi ông nhưng cha tôi ít khi nào nhìn lên, đầy gằm xuống gần như gục hẳn vào chén đang cầm nơi tay. Ăn xong, ông cẩn thận sắp xếp chén đũa dễ dàng cho việc dọn dẹp rồi rời bàn ăn, cầm theo cây tăm ra vườn sau mang theo tách trà nóng. Sau đó có một lúc lâu tôi vừa dọn dẹp nhà bếp vừa theo dõi cha tôi ngồi trong im lặng nơi vườn sau. Ông ngồi rất im, không rõ mắt nhìn nơi nào nhưng đầu hơi cúi, thỉnh thoảng chúm miệng thổi nhẹ rồi hớp một ngụm trà. Có lúc ông thở khì sau khi nuốt ngụm trà, hai vai hơi nhô lên rồi hạ thấp xuống như vừa trút được một điều gì nặng nề. Tôi tưởng như mình có thể nghe được tiếng thở dài ấy từ nơi đứng, sau cửa sổ nhà bếp.
Tôi mở truyền hình cho cháu xem rồi ra ngồi cạnh cha tôi. Mọi khi tôi là người nói nhiều, không hiểu sao lúc ấy miệng lại khô cứng và đầu lại trống rỗng đến độ lo ngại. Dường như cái cử chỉ từ tốn cất hình và nét mặt im lìm không trả lời câu đùa, là những hình ảnh ồn ào đến độ ngỡ ngàng từ một người cha tôi vẫn biết. Hay tưởng rằng vẫn biết. Cha tôi vẫn giữ im lặng một cách bất thường khi tôi ngồi xuống bên cạnh. Có lúc đầu ông hơi ngước lên xoay nhẹ về phía tôi rồi lại cúi xuống lặng lẽ. Tiếng ông húp soạt chút nước trà sót nơi tách là tiếng động duy nhất tôi nghe ra và nhớ mãi khi đã về đến nhà, khuya hôm đó.
Nhưng rồi, tôi lại là người quên bẵng đi việc bắt gặp ông cất hình vào ngăn tủ vài tuần sau đó. Không dễ gì đánh tan ấn tượng bằng phẳng không lồi lõm của một người cha quen thuộc đến độ trong suốt nơi trí tưởng. Trong suốt đến nỗi những khi hồi tưởng, tôi thật sự không làm sao hình dung được cá tính nào nổi bật nhất của ông. Những lần tôi đến nhà sau đó, cha tôi vui vẻ bình thường. Tôi ít thấy ông ngồi một mình nơi bàn trong phòng riêng mà hay ra sau vườn. Có lẽ vì đã vào hè, khi oi bức ông nằm võng sân sau đọc sách nhưng sẵn sàng nhường cho cháu khi lũ con nít bắt đầu chán những trò chơi khác muốn chồng chất hai ba đứa lên võng lộn mèo lăn nhào trên cỏ. Tôi không muốn cha tôi nằm chiếc võng căng cứng dễ lập úp vì sợ ông té. Để trấn an tôi, ông thường nằm với một chân thòng chấm đất.
Có lẽ, sự lặp đi lặp lại của đời sống qui cũ khiến tôi dễ dàng nhanh chóng quên chuyện cất ảnh một cách không ngờ.
Tôi hoàn toàn quên hẳn chuyện tấm hình cho đến một dịp khác. Cuộc ăn uống vui vẻ nơi sân sau, ngày lễ cuối cùng đánh dấu mùa hè chấm dứt trước khi lũ con nít nhập học niên khoá mới. Lấy ra hai chai bia vùi sâu trong thùng nước đá, anh tôi đưa một cho Ben rồi hỏi.
“Chọn nghề cứu hoả hả? Hừm, sao lại là cứu hoả?”
“Sao không?”
“Nguy hiểm!”
“Đó cũng là một lý do”
“Lý do đó có vẻ dữ dằn”
Anh tôi cười sau câu nói.
“Tôi thích thử thách khó khăn”
Tôi cụng chai bia nơi tay Ben, đùa.
“Thử thách khó khăn? Cứ lái xe trên xa lộ giờ cao điểm là có ngay thử thách. Bảo đảm tăng áp huyết”.
Ben cười. Tôi đùa tiếp.
“Có lẽ Ben thích làm người hùng”.
Ben vội lắc đầu.
“Không. Không. Đây là một nghề nguy hiểm. Và nó đòi hỏi sự chú ý thận trọng cũng như lương tâm nghề nghiệp rất cao”.
Tôi cười vỗ nhẹ vai Ben.
“Em chỉ đùa”.
“Anh biết”.
Miệng Ben nói thế nhưng nhìn mắt Ben, tôi hiểu mình đã lỡ lời nên lặp lại lần nữa.
“Xin lỗi. Lỡ lời”.
Ben lắc đầu.
“Chẳng làm sao cả. Quên đi”.
Anh tôi không rõ chuyện gì bỗng dưng cả hai cùng nhỏ giọng thì thầm. Anh nhìn tôi cười mỉm rồi nói tiếp với Ben.
“Điều kiện sức khoẻ thì sao?”.
“Tương đối khá cao...”.
Tôi đưa chai bia lên mồm hớp một ngụm. Bia lạnh đến độ đầu tôi choáng rộn nhưng vẫn tiếp tục hớp thêm ngụm nữa. Giữa hai ngụm bia, bất chợt mắt tôi nhìn qua cửa sổ phòng cha tôi.
Ông ngồi lưng thẳng, như một que củi khô cứng ngắc, một tay đưa xa, hình như cùi chỏ tựa cạnh bàn. Cuối cánh tay ấy, giữa những ngón khô đét, tuy không thấy rõ, tôi bỗng đoan chắc là một tấm hình. Cha tôi ngồi bất động, rất lâu. Không rõ ông có chớp mắt. Không rõ ông có thở. Tôi lạc mất câu chuyện giữa anh tôi với Ben, và ngụm bia được nuốt xuống một cách bực dọc miễn cưỡng.
Lúc chúng tôi còn bé, cha tôi bày tỏ tình cảm bằng những cái hôn, bẹo má, xoa trán, vuốt tóc. Tôi biết cha tôi không phải là một người khô khan không biết tỏ bày tình cảm với con cái hay không biết hưởng thụ hạnh phúc gia đình. Tôi nghĩ rằng ông có hạnh phúc, vẫn hạnh phúc với gia đình, và có nhận thức chắc chắn. Tôi nghĩ cha tôi là một người cha chu đáo thương con yêu vợ như một số bình thường ngoài kia. Tôi đã không lầm về hình ảnh một người cha một người chồng hoàn hảo nơi cha tôi, nhưng hình như tôi đã lầm về hình ảnh một người đàn ông bình thường nơi ông. Đã lầm. Về một con người khác ẩn tàng. Nhưng nếu đã hoàn toàn hạnh phúc thì cha tôi không hề thiếu thốn để phải đi tìm, để phải giấu diếm một điều gì. Nghĩ rằng cha tôi còn có một người đàn bà nào khác để yêu thương là một điều không tưởng tượng nổi.
Mẹ tôi không phải là một người đàn bà hoàn toàn tuyệt diệu nhưng ít ra bà tuyệt diệu trong mắt tôi, trong gia đình tôi. Tuy nhiên, nếu cho rằng vì mẹ tôi kém cỏi ở một phương diện nào đó khiến cha tôi tìm kiếm sự bù đắp nơi người khác, là không công bằng. Cho cả hai. Cũng có thể, cho cả ba, kể cả người mà cha tôi tìm kiếm sự bù đắp. Bởi vì không ai cho cha tôi cái quyền đó cả. Đó chỉ là ngụy biện. Nhưng tôi cũng hiểu rằng con người có nhiều khả năng, kể cả khả năng yêu thương, đôi khi, dăm ba người, cùng lúc. Đó là bi kịch của con người. Tình cảm không mực độ lẫn dụng cụ đo lường. Tình cảm đối nghịch với lý trí. Nhưng, với cha tôi, tôi không khỏi bất công thiên kiến, khi cho rằng ông sáng suốt trong tình cảm. Hay nói một cách khác, tôi đã tưởng rằng, lý trí chi phối tình cảm nơi ông một cách sòng phẳng bình dị. Nên, không thể có chuyện cha tôi hành động vì tình cảm. Tất nhiên.
Ý tưởng của một đứa con gái về cha mình, rất thiên vị. Tôi đã tự động cho rằng cha tôi không có tình cảm riêng tư cuả một người đàn ông, mà chỉ có tình cảm tất nhiên của một người chồng, một người cha, một đứa con trong gia đình. Tôi đã, rất bất công, cho rằng cha tôi không thể có, không có khả năng có, bất cứ tình cảm nào khác ngoại trừ thứ tình cảm tất nhiên vừa kể trên. Vô tình, tôi đã bất công khi nghĩ về cha mình. Tôi đã không cho phép ông được là một người bình thường, nói gì đến, là một người đàn ông bình thường. Tôi cũng thừa biết, cố ý nhiều hơn vô tình, tôi đã không nghĩ đến khía cạnh tình dục. Nhất là khía cạnh tình dục của cha mẹ mình, là một điều tương đối khó và không thể nói đến trong một gia đình Á châu.
Ben đứng sát vai tôi, nhìn theo hướng tôi nhìn, hỏi.
“Nhìn gì vậy?”.
Tôi hơi giật mình.
“Không. Không có gì”.
“Thấy nhìn chăm chú...”.
Tôi day sang Ben.
“Không có gì”.
Sực nhận ra giọng mình hơi xẵng, tôi dịu xuống rồi nói thật. Gần như thật.
“Không biết ông già làm gì trong phòng một mình?”.
Anh tôi thoáng nhìn về phía cửa sổ, trả lời.
“Hồi nãy ba than nắng nhức đầu”.
Tôi à một tiếng rồi nhìn đi nơi khác. Anh tôi thản nhiên tiếp.
“Mấy hôm nay ông già than mệt, chắc phải đi khám tổng quát xem sao”.
Khi tôi nhìn lên cửa sổ phòng cha tôi lần nữa, ông vẫn ngồi yên nơi vị trí cũ, và lần này thì tôi chắc chắn, một cách giận dữ buộc tội, ông đang nhìn một tấm ảnh mà tôi chưa bao giờ nhìn thấy.
Lúc tôi còn nhỏ, thỉnh thoảng khi có việc cần phải vào sở cuối tuần, cha tôi có lúc cho đi theo. Thường thì ông bật máy vi tính tìm trò chơi trên mạng cho tôi rồi đi làm việc của mình. Và nếu tôi nhớ không lầm, tấm ảnh hai anh em tôi đứng ở một bãi biển nào đó là tấm ảnh duy nhất đặt nơi bàn làm việc của ông. Về sau cha tôi để nó trên bàn ngủ cạnh giường. Tuy ông chụp chúng tôi nhiều hình nhưng có lẽ đấy là tấm ảnh cha tôi thích nhất. Tôi bỗng nhớ lại lúc giúp ông dọn đồ từ một thùng nhỏ chứa những món lặt vặt cá nhân ở văn phòng làm việc khi về hưu ông mang về nhà. Đến lúc tôi lôi mớ giấy gần đáy thùng ra định lật giở từng tờ thì cha tôi nhẹ nhàng bảo để đó cho ông. Chỉ có thế. Ông rất nhẹ nhàng từ tốn nhưng bây giờ nhớ lại, tôi đâm ra ngờ vực, biết đâu, trong đó còn lẫn nhiều thứ mà cha tôi khoá kín nơi ngăn kéo, bây giờ.
Những ngày sau mỗi khi có chuyện đến nhà anh, tôi im lìm quan sát cha tôi, gần như tò mò soi mói. Ông càng lúc càng ít ra khỏi phòng. Nhưng, cửa phòng ông chỉ khép hờ, và nếu như ông có ngồi nơi bàn viết, tôi không hề thấy ông xem hình. Tựa như lần vô tình tôi bắt gặp và lần nhìn thấy qua cửa sổ, đã là quá mức. Tất nhiên là tôi bức rứt khó chịu. Việc gì ông phải khoá kín ngăn tủ? Và việc gì ông phải xem hình một cách vụng trộm lén lút?
Đến một hôm khác, sau bữa ăn trưa, cha tôi đột ngột bất tỉnh. Sau nhiều giờ chầu chực chờ đợi ở bệnh viện lo lắng, tôi về nhà, nhưng chưa được lâu thì anh tôi gọi.
“Ông già không sao, nằm lại tối nay để làm thêm mấy thử nghiệm khác về tim. Mày chịu khó ghé ngang nhà lấy mấy món đồ Jenny sắp sẵn mang vào đây”.
Chị dâu tôi không thể bỏ mấy cháu bé ở nhà để xách vài thứ cần thiết vào bệnh viện cho cha tôi. Vừa mở cửa cho tôi Jenny vừa nói.
“Cô xem lại có khi chị lấy nhầm”.
Tôi soát tới soát lui bao đồ nhỏ. Jenny sực nhớ.
“Cô lên lấy vài tấm ảnh mang vào bày quanh cho ông già đỡ buồn”.
Tôi chần chừ.
“Chỉ có một đêm, mai đã về rồi...”.
Nghĩ đến điều tôi không hề, không muốn, nghĩ đến, Jenny lắc đầu.
“Đâu biết được. Có khi vài ngày lại kéo thành vài tuần đấy”.
Nhưng tôi không cãi Jenny vì cha chị vừa mới qua đời không lâu, kinh nghiệm nuôi bệnh người già vẫn còn mới nguyên trong chị với những thay đổi bất ngờ không kịp trở tay. Không muốn Jenny nói thêm, tôi bỏ lên lầu vào phòng ông già.
Không hiểu sao tôi lại nhón lấy tấm hình hai anh em đứng ngoài biển, rồi tần ngần do dự trước những tấm còn lại. Tôi sực nhận ra phòng ngủ cha tôi có lắm hình. Hình chụp chung nhiều người, đủ kiểu, nhiều dịp. Những tấm ảnh này phần lớn chắc phải do Jenny vào khung để trên bàn chứ tôi biết cha tôi chỉ giữ mỗi tấm hình hai anh em đứng ngoài biển và một tấm khác, mẹ tôi ngồi bên ông, cả hai ông bà cứng ngắc bên nhau, một tiệc cưới nào đó.
Đang nhìn loanh quanh lựa chọn, mắt tôi bỗng dừng nơi chiếc khoá chơ vơ ở kệ trên. Mọi ý nghĩ trong tôi khựng lại và hành động chợt bùng lên như thể đó là hành động duy nhất đáng làm và phải làm, ngay lập tức. Tôi cầm chìa lập cập mở ngăn tủ bên dưới, kéo ra. Nằm úp trên mấy cây bút chì, viết máy, kẹp giấy là một tấm hình khổ bốn sáu. Tôi lật ngửa hình mà không cầm lên như sợ để lại dấu vết không ra gì, phần tôi.
Khi tôi trở lại bệnh viện, cha tôi đã được dời ra phòng riêng. Ông có vẻ mệt mỏi im lìm không nói khi tôi bày mấy tấm ảnh lên bàn, chìa cho thấy đôi giép da ông vẫn mang trong nhà, rồi để xuống sàn cạnh giường. Hình như tôi tránh không nhìn thẳng mắt ông, vì mỗi lần nhìn là mỗi lần tôi nhớ đến tấm ảnh trong ngăn kéo. Cha tôi muốn nhìn, vẫn nhìn, người nào trong tấm ảnh ấy?
Về sau những lúc đưa đón cha tôi ra vào bệnh viện, phòng mạch bác sĩ chuyên môn, thường xuyên hơn trước, thay phiên với anh tôi, nụ cười của những người trong ảnh ám ảnh tôi, cũng thường xuyên chẳng kém. Tự tấm hình ấy không có gì khác thường để cha tôi phải giấu diếm.
Ảnh chụp một dịp Giáng sinh vì sau lưng người trong ảnh là cây thông với đèn đóm dây hoa. Cha tôi đứng tận bên trái. Ông có vẻ lớ ngớ ngượng nghịu. Người đàn ông duy nhất chụp chung với bốn người đàn bà kề sát nhau cười rất tươi. Bốn người đàn bà mặc quần áo dạ tiệc. Hai người Á châu, một da trắng và một người có nét Nam Mỹ. Cả bốn có chiều cao tương đối không chênh lệch gì nhiều, và tất nhiên là thấp hơn cha tôi. Người đàn bà nét Nam Mỹ mặc áo cổ hở hơi sâu phơi cặp vú lớn và cũng là người có nụ cười tươi nhất với hàm răng to khoẻ. Người đàn bà Á châu đứng kế mặc áo đen dài có quai vai nhỏ, tóc cúp ngang tai, cũng có nụ cười đẹp nhưng vì cười nên mắt híp lại. Người kế nữa cũng Á châu, tóc thật ngắn, mặc vét đen, cổ áo trong bẻ lật ra ngoài, không biết váy ngắn dài vì ảnh chụp ngang đùi trở lên, nụ cười thoải mái. Người đứng sau cùng tóc màu hung đỏ cũng cắt thật ngắn, mang kính. Cả bốn người đều đẹp. Ở nụ cười tươi và nét mặt rạng rỡ. Nhưng cha tôi thì không đẹp chút nào. Nụ cười của ông sượng cứng như đã lỡ đứng không nhằm chỗ. Thế đứng cứng ngắc và cách xa người bên cạnh một khoảng nhỏ làm như, lẽ ra chỉ có bốn người đàn bà chụp chung với nhau, và cha tôi đứng vào đấy như bị lôi kéo bất thần vào phút cuối trước khi người chụp bấm máy. Hơn nữa, bốn nụ cười thật đẹp của bốn phụ nữ, tôi nghĩ, trẻ hơn cha tôi, quá sức tương phản với nụ cười sượng cứng của ông. Chỗ đứng của cha tôi không tuỳ thuộc trong tấm ảnh đó. Nhìn mặt ông, tôi có thể đoán được ảnh chụp vào khoảng thời gian nào, nhưng điều này không cần thiết, hàng số màu vàng cuối chân ảnh cho biết ngày tháng cuối năm, tất nhiên là đã lâu.
Đôi khi tôi giả sử, với Ben.
“Ông già yêu một trong bốn người đó”.
Ben chưa bao giờ được nhìn ảnh, chỉ nghe tôi tả nhưng đủ để đùa cợt.
“Nói vậy thì ai cũng nói được".
Tôi quả quyết.
“Một trong hai người đàn bà Á châu”.
Ben nheo mắt cười cười.
“Vấn đề chủng tộc?”.
Tôi ngượng.
“Linh cảm!”.
“Bắt nguồn từ kỳ thị chủng tộc?”.
“Không. Nhưng có lẽ ông già chuộng Á châu hơn”.
“Lại đoán già đoán non!”.
“Người đàn bà da trắng này chắc chắn không hợp gu ông già”.
“Gu ông già?”.
Tôi ấm ức vì nhận ra đối với Ben, chuyện tấm ảnh chỉ là một chuyện đùa.
“Ông già không sinh trưởng xứ này và mang nặng đầu óc Á châu, ưa thích những cái gì Á châu nói chung. Ông thích đàn bà dịu dàng chịu đựng. Dáng đứng, nụ cười và mái tóc thật ngắn của người đàn bà da trắng này hoàn toàn ngược lại những gì ông già ưa chuộng nơi một người đàn bà!”.
“Thế thì người đàn bà Á châu kia, tóc cũng ngắn chẳng kém, thì sao?”.
Tôi ngắc ngứ chưa trả lời thì Ben đã tiếp.
“Như vậy đưa đến kết luận ông già yêu người đàn bà Á châu còn lại. Rồi xong. Đấy. Dễ ợt”.
“Không thể kết luận dễ dàng thế được”.
“Ủa, chính em vừa giới hạn chỉ một trong hai người đàn bà Á châu rồi giờ lại nói không thể kết luận? Mình giải quyết vấn đề bằng cách loại bỏ từ từ. Ông già không thích đàn bà tóc ngắn, loại ngay hai người. Cô Nam Mỹ tóc ngắn dài? À, em tả mặc áo hở ngực. Ông già không thích đàn bà ăn mặc hở hang. Loại cô ấy ra. Thì cũng còn một người duy nhất”.
Tôi khổ sở.
“Cô ấy quá trẻ”.
“À. Lại thêm vấn đề tuổi tác. Ông già không thích đàn bà quá trẻ?”.
“Ben. Thôi đừng đùa nữa!”.
Ben cố nén cười.
“Được rồi, được rồi, chịu thua. Không ai nói xấu ông già cả. Rồi, loại bỏ người đàn bà da trắng với cô Nam Mỹ, còn hai người Á châu. Một xấp một ngửa, thảy đồng tiền xem thử cô nào là người tình của ông già”.
Cứ thế. Mỗi lần tôi đem chuyện tấm ảnh ra nói với Ben, cứ thế, đều biến thành một chuyện hài hước cười đùa và tôi giận dỗi bỏ đi nơi khác. Tôi thừa hiểu ý Ben. Ben không hề cười đùa cha tôi. Ben chỉ đùa để tôi bỏ ý tưởng thắc mắc đời tư người khác, cho dù đó là cha tôi, là người tôi rất mực gần gủi yêu mến nên vô tình, tự cho mình có quyền soi mói đến một mực độ nào đó. Tôi đã không nghĩ ra là tôi đang soi mói đời tư của một người, bỏ qua mọi hình thức quan hệ. Theo Ben, tôi không có quyền thắc mắc những người đàn bà ấy là ai, nhất là khi cha tôi đã cố tình cất kỹ tấm ảnh. Giả sử mẹ tôi còn sống, chỉ có bà mới có quyền hỏi cha tôi câu đó. Mà cũng chưa chắc, Ben lập luận, nếu tôi đừng lẽo mép với bà. Tất nhiên tôi không đồng ý với Ben nên tiếp tục thêu dệt.
Giả như có một chuyện tình nào đó xảy ra giữa cha tôi và một trong bốn người đàn bà cười tươi trong hình, đó tất phải là mối tình một chiều. Có khi tôi cảm thấy khổ sở tựa như đã vô lễ đánh giá cha tôi hơi thấp, nhưng tôi không thấy ông xứng đôi với bất cứ người nào trong hình. Và thái độ âm thầm giữ kín tấm ảnh, rõ là thái độ của người ôm giữ một mối tình tuyệt vọng. Nhưng Ben bác ngay ý nghĩ của tôi.
“Rõ là đầu óc văn sĩ nửa mùa nên vẽ vời trăm chuyện. Biết đâu ông già có kỷ niệm đẹp gì đó về một bữa tiệc cuối năm trong ba mươi năm làm việc gương mẫu của mình nên thích nhìn đến ảnh, phải không? Những người này em chưa bao giờ thấy mặt, mà bạn bè của ông bà già tất nhiên em đã biết đã gặp, thì đây chỉ có thể là người làm chung sở với ông già mà thôi. Tính tình của ông già đứng đắn đạo mạo thì không có chuyện lăng nhăng trong sở. Huống gì ông già cũng không thuộc loại đẹp trai hào hoa...”.
Tôi đồng ý rằng có khi tôi vẽ vời quá đáng nhưng làm sao tôi có thể quên được nét ân cần lúc cầm tấm ảnh trong tay của cha tôi. Một kỷ niệm bình thường không hề khiến một người đàn ông ngây người một lúc lâu. Đây phải là một thứ gì không bình thường nơi một người bình thường giản dị như cha tôi. Một người không có bóng tối. Đời tư của ông là đời chung gia đình với chúng tôi.
“Đừng cho ông già điểm quá cao rồi giật mình".
Ben nghĩ vậy. Ben cho rằng vì tôi đặt cha mình lên một bục cao nên tôi muốn trấn an mình rằng cái pho tượng trên bục cao ấy vẫn là người cha hy sinh tất cả mọi thứ cho gia đình, rằng người cha ấy không hề yêu thương ai hết ngoại trừ mẹ tôi ra. Nhưng, nếu gọi là để trấn an thì tôi phải suy ra sự thật. Suy, chứ tôi không mặt mũi nào hỏi thẳng cha tôi. Sự kiện tôi mở ngăn tủ riêng của ông đủ để tôi xấu hổ nói gì đến chuyện hỏi một vấn đề riêng tư tế nhị.
Đến lúc cha tôi về nhà đợi chết, ý định táo bạo mới chớm trong tôi. Hôm ấy vắng người, không hiểu anh chị tôi đi đâu, các cháu đi học, cô y tá chưa đến phiên, tôi ngồi với ông. Có khi ông mở mắt he hé nhưng lại ngủ, có khi ông nhắm mắt nhưng mở thật nhanh khi có tiếng động khẽ. Thỉnh thoảng mắt ông theo dõi tôi đi lại trong phòng rồi khép lại như ngủ. Tôi nhìn bàn tay xương xẩu da mỏng tanh vàng úa úp nơi chăn nhớ bốn nụ cười thật tươi trong hình. Tôi nhìn mấy sợi tóc bạc lơ thơ nhớ bốn người đàn bà đẹp đứng sát nhau như đẩy cha tôi ra ngoài lạc loài. Tôi nhìn cặp môi khô héo của cha tôi mỗi khi gắng gượng nhắp nước lại nhớ đến bốn cặp môi tô son thật tươi vẽ ra bốn nụ cười tuyệt đẹp của người trong hình. Tôi nhìn ánh mắt có lúc như dại không thấy gì hết của cha tôi nhớ lại lúc ông ngây người một tay giữ ảnh. Bốn nụ cười rất ồn ào nơi trí nhớ của tôi mỗi khi nhìn đến cha tôi im lìm lặng lẽ. Có lúc tôi bỗng bực dọc. Tựa như sự vô tình phơi bày rất rõ ở cách đứng, ở kiểu cười của những người trong ảnh. Có người nào biết được, nghĩ đến cha tôi, giờ phút này? Có người nào, vẫn giữ liên lạc với cha tôi, giờ phút này? Có người nào, sẵn sàng đến, nếu biết cha tôi đang bệnh nặng, giờ phút này? Hay là không, không có ai hết. Tấm ảnh không kể hết câu chuyện. Cha tôi tất không kể đoạn đầu. Tôi không biết đoạn cuối, trong khi tấm ảnh là khoảng giữa lửng lơ.
Biết đâu, đã có lúc cha tôi muốn được nhìn lại tấm ảnh cất trong ngăn kéo. Biết đâu, một ý muốn ông không thể nói ra. Biết đâu. Biết đâu. Biết đâu đấy.
Tôi loay hoay suy nghĩ chập lâu rồi lại bàn tìm chiếc khoá ở kệ trên. Tôi hồi hộp thỉnh thoảng liếc về phía cha tôi. Tiếng khoá mở nhẹ, tôi kéo ngăn kéo từ tốn. Tấm ảnh vẫn nằm ngửa y nguyên vị trí cũ lần đầu tôi mở trộm ngăn kéo. Điều này chứng tỏ từ lúc bệnh trở nặng, cha tôi không có dịp mở tủ. Tôi cầm ảnh lên nhìn thật gần một lần nữa. Nụ cười tươi của bốn người đàn bà vẫn đẹp. Tôi đắng cay khi nhận ra tôi vẫn nghĩ cha tôi không xứng với bất cứ người nào trong hình. Tôi thừa thãi thì giờ để ngắm nghía lâu hơn. Cả bốn người đều trẻ hơn cha tôi quá nhiều và có vẻ biết ăn mặc thời trang. Đàng nào, họ cũng hơn hẳn mẹ tôi, ở khoảng thời gian ấy, nơi bề ngoài.
Tôi lay nhẹ vai cha tôi rồi mang kính cho ông, tay kia tôi giữ tấm ảnh trước mặt. Mắt ông thoáng lướt ngang. Tôi để ý chờ đợi phản ứng. Nét mặt cha tôi im lìm. Không phản ứng. Không cả chớp mắt. Không cả thở mạnh. Cha tôi không nhìn ảnh. Ông nhìn tôi. Cha tôi nhìn tôi. Không nhìn ảnh. Rồi ông từ từ gỡ kính đưa tôi, khép mắt lại .149
Subscribe to:
Post Comments (Atom)
No comments:
Post a Comment