Oct 26, 2005

Chờ đợi những mùa tôm



Chờ đợi những mùa tôm


     Cứ mỗi lần gặp, bác lại nhắc ba, hỏi thăm ông bạn già ra đi từ mùa chuyển dịch. Ba bỏ phố về đồng, đào vuông, nuôi tôm. Con thưa, Ba con khỏe, nhưng ốm nhom, đen thui thùi lùi, cằn cỗi người đi. Như cây dừa Xiêm đầu liếp, khi nước bắt đầu thấm vào thớ đất mặn mòi, con người cũng khác.

Khi nào rảnh, con mời bác về thăm ba con chơi.

Chỗ ba con ở không xa nhà mấy, qua cây cầu có con đường nhỏ dẫn xuống mé sông, qua chuyến đò ngang, men theo cái bờ đã lở như cá chốt rỉa sẽ đến đập Bộ Phát. Lần theo mé kinh nhỏ, bác sẽ gặp ba con. Không biết bây giờ ba con đang làm gì. Nắng này, chắc ba con đi trồng cỏ nước mặn cho cỏ bò che phủ mặt nước, để nước đừng nóng lên. Chắc ba đang đóng lại cái cống tháo nước bằng gỗ. Chắc ba đang hì hụp xúc sình bồi lên cái bờ vuông vừa lở chiều qua… Mà có thể, bây giờ ba con đang ngồi uống trà, má con nấu bữa cơm chiều, con cá phi kho khô tỏa mùi mặn nồng trên bếp, má kể sáng này thấy được con tôm rồi, nó bằng ngón tay cái vầy nè. Hai ông bà cười, mơ về những giấc mơ xa xôi lắm.

Con tin rằng, bác sẽ giật mình khi nhìn thấy ba má con như chính con giật mình khi nửa tháng, mười bữa mới gặp. Ông bà già đi nhanh, cái già tranh thủ từng ngày, từng giờ, mót máy từng khoảnh khắc của cuộc đời. Chỉ mới một mùa tôm thôi, bác à, nhưng đó là mùa tôm người nông dân vùng chuyển dịch vắt kiệt mình ra trước bao nỗi cực nhọc, buồn vui.

Con vẫn tin rằng, làm vuông nuôi tôm làm cho người ta sống cùng, sống tận với cảm xúc của mình nhất. Vui thôi là vui cái hồi bắt đầu cất căn chòi nhỏ. Mỗi chuyến đi về, ba má con xách theo nào nồi niêu xoong chảo, nào là mùng mền chiếu gối. Ba con nói vui "cảnh nầy y chang tui với bà vừa mới cưới, được ra riêng". Một mái ấm dựng lên trên góc đất, nằm cặp mé kinh. Một chiếc xuồng nho nhỏ buộc đằng trước nhà. Dưới ruộng, đất đang cắt, đang đào, bờ bao ngạn lờ mờ hiện ra trong làn nước. Dọc theo xóm, nhà nào, người nào cũng hồ hởi. Nửa đêm, gió thổi hiu hút, trở mình nhớ nhà, nhớ đám con cháu ở nhà, tụi nó lúc nào cũng cười giỡn, cãi vả eo xèo, cãi cũng vui thiệt là vui. Rồi ba hỏi má, mình bỏ nhà, lặn lội vô đây để làm cái gì bà ha ? Má không nói vì cái gì, má chỉ an ủi, cùng lắm hai mùa tôm, có chút vốn kha khá rồi mình sẽ về. Cái hồi đó sao mà hy vọng tràn đầy, hy vọng lênh láng. Phải chăng vì niềm hy vọng khao khát vươn lên nên khổ cực tới đâu ba má con cũng chịu. Một đêm vài ba lần, ba má con thức dậy, đi rảo một vòng vuông, canh con nước ... Mức nước ngoài sông không cao, kinh cạn, đón con nước nửa đêm, hai ông bà ì ạch khiêng máy ra tát vô đầm nuôi. Chập chờn một chút, má choàng thức, rủ ba hì hụi đem máy vô chòi. Bác cũng biết, chuyện tiếp nước cho tôm từ cơ sở hạ tầng trồng lúa cũ đang là một trong nhiều khó khăn của chương trình chuyển dịch ở tỉnh mình. Nên chuyện nước ra nước vào ở chỗ ba con như một tiểu tiết, một chấm nhỏ mờ mịt trong 200ha chuyển từ đất trồng lúa sang nuôi tôm trong tỉnh. Không ai bảo ai, bà con ở xóm kinh tự lo, tự xoay xở riêng mình như hồi nào giờ vậy, nhà nước lo được bao thì hay bấy nhiêu. Có tủi thân, tủi phận thì lủi thủi than thở với nhau chơi, vậy thôi. Nhà nước còn phải lo tỉ tỉ chuyện lớn, chuyện mất còn khác.

Những đêm mưa, sợ nước dâng ngập bờ, dầm mình đi tháo nước, những ngày nắng, lặn lội xúc từng gàu sình từ đáy đầm lên… Ba má con an ủi nhau, hồi trước giờ có khi nào nhà mình hỏng cực. Nào là trồng cải, trồng ngò đội đi chợ, nào là mua so đũa về làm nấm rơm, nào là đi mua lúa hàng xáo, rồi làm hai ba vụ lúa… Có làm gì mà không cực khổ, dậy sớm thức khuya.

Nhưng không làm nghề gì khắc nghiệt như nuôi tôm, y như trên chiến trường, "thắng làm vua, thua làm giặc", mà là giặc nghèo, giặc đói mới chết. Ba tháng nhọc nhằn, ba tháng rót vào lòng đầy hy vọng, tôm chết. Lúc đầu còn chết từng vuông, từng chòm, sau chết cả vạt đồng, cả xóm, cả vùng. Tôm chết như người ta trở một bàn tay. Lẹ ghê, ngủ một đêm sáng dậy thấy tôm lụi vô bờ, nằm dại khờ trên gờ đất, ngọn cỏ, ngọn rong. Vớt từng con tôm nhỏ bằng ngón tay út lên lòng rưng rức, đứt ruột. Tở phở hỏi nhau làm sao mà tôm nó chết vậy kìa ? Có ai làm gì nó đâu mà nó chết, mình quý nó còn hơn mạng mình nữa mà? Tôm chết rồi làm sao cứu đây ? Cho nó uống thuốc gì, chích thuốc gì ? Ý trời, Anh là cán bộ ngoài tỉnh vô làm vuông, bộ không biết sao ? Làm sao biết được. Bụng xót như xát muối, te tái chạy đầu trên đầu dưới hỏi nhau những câu ngớ ngẩn mắc cười.

Tôm chết rồi, cũng hệt như bà con ở xứ mình, ba má con mới biết mình hỏng nặng về kỷ thuật. Lăn lộn cuộc đời nông dân ngót năm mươi năm không có chút kinh nghiệm nào có thể đem vào chuyện này, má con nằm gác tay trên trán, thở dài, rút ra kết luận. Má tá hỏa khi biết hầu hết tôm giống trên thị trường không hề được kiểm dịch, đúng quy trình phải quăng cả trăm ký vôi bột mà mình xài có hai ba chục ký… Báo chí than bà con mình thiếu thông tin, thiếu hiểu biết rầm trời, các chú "ở trên" nhằn, bà con mình nóng vội quá. Nhưng bà con họ chờ bao lâu rồi hở bác, lâu quá là lâu rồi, từ đời cày cấy này qua đời trồng tỉa khác, họ kỳ vọng cái ngày vươn lên. Tôm chết, giống như một luồng nước lạnh tạt vào ngọn lửa trong lòng của mỗi người. Nhưng ngọn lửa ấy không tàn lụi, nó vẫn rạo rực cao ngọn từ tro ướt. Đã tắt hy vọng đổi đời từ cây lúa, người ta chờ đợi những mùa tôm.

Ba má con chắc là bị "sốc", bác cũng biết, gì thì má con làm ruộng cũng giỏi có tiếng tăm mà. Bà cảm thấy buồn lắm. Hai ông bà gầy rộc, sọp người đi. Ba con thôi làm thơ. Con không biết tại sao. Con vẫn thầm mong ba làm thơ lại. Trời đất ơi, bây giờ ba mà làm thơ được chắc là hay lắm. Những bài thơ không chỉ có tình yêu nam nữ, không chỉ có bức bách đời thường, mà nó còn mang nặng những niềm vui nỗi buồn lớn lao, đông đúc của người nông dân. Ba con kể chuyện vui. Ba nói có chú nào ở đầu kinh dưới hồi thả tôm tới giờ không thấy nó nổi lên chơi ch52

No comments:

Post a Comment