Dec 26, 2006

Trọc Phú




Tại sao tôi lại dùng câu cảm thán của Tiên Điền Tiên Sinh, để mở đầu một đoản văn viết về hiện tại? Chỉ vì tôi đã phải kêu lên kinh ngạc khi tôi thấy người đàn bà ấy: "Trời sao cụ Nguyễn Du tả người tài tình như vậy nhỉ?" Lòng tôi chợt bùi ngùi rơm rớm nước mắt, khi nghĩ về một con người tài hoa tuyệt đích, tri thông tam giáo, làu thuộc cửu lưu, để lại cho đời những tác phẩm bất hủ như "Văn Tế Thập Loại Chúng Sinh," "Kim Vân Kiều"... Vâng, hơn ba trăm năm sau chắc chắn còn người khóc Tố Như!

Trở lại người đàn bà ấy, mụ có một khách sạn mini 5 tầng, mỗi tầng 4 phòng ngủ ở trên đường Bùi Viện Quận Nhất. Khách sạn HN nằm kề ngay bên nhà bà con tôi, cho nên mỗi lần đến chơi, tôi đều có dịp chiêm ngưỡng dung nhan, và nghe những "lời hay tiếng đẹp" của mụ đối với "kẻ ăn người ở" (nguyên văn chữ của mụ) trong nhà.

Mụ có dáng người, được miêu tả trọn vẹn trong Kiều:

"Thoắt trông nhờn nhợt màu da
Ăn gì to lớn đẫy đà làm sao?"

Tôi ngồi chơi bên chú tôi một lát, nghe tiếng mụ oang oang bên khách sạn:
- Cái lũ chúng mày, là một lũ ăn cắp ăn trộm! Chúng mày là "kẻ ăn kẻ ở" trong nhà mà chúng mày cứ hở ra là chôm chỉa. Này, này tao bảo cho mà biết nhá, không trả ngay cái kiếng mát gọng vàng của tao ra đây, tao kêu công an gô cổ chúng mày vào!

Tôi không hiểu có chuyện gì xảy ra, nên nhìn chú tôi dò hỏi. Thằng em họ nhanh nhẩu:
- Úi trời có gì là lạ đâu? Ngày nào chẳng bốn năm phen như vậy?
Tôi giật mình:
- Thế á? Thế sao biết là mấy "người ăn kẻ ở" hay ăn trộm sao không có biện pháp ngăn ngừa?
- Biện pháp gì mà ngăn ngừa được? Mấy anh chị nhân viên bên ấy ai dám lấy của mụ? Mụ để đâu rồi quên, mụ đổ cho người ta. Mà mấy người nhân viên bên ấy có hợp đồng đàng hoàng, có ai là "người ăn kẻ ở" của mụ đâu! Thằng em họ tôi giải thích với giọng bất bình.
Bên khách sạn HN êm ru, không ai lên tiếng cãi lại. Bất chợt có tiềng con gái la lên:
- Mẹ à, cái kiếng của mẹ đây nè, mẹ bỏ quên trên nóc tủ lạnh, mà mẹ la toáng lên ai lấy của mẹ!
Tiếng người đàn bà chua ngoa:
- Thì chúng nó lấy của tao. Tao không la toáng lên thì chẳng bao giờ chúng nó bỏ ra đâu.
Tôi lại hồ nghi. Ai đúng ai sai đây? Chú tôi cười bảo:
- Thôi cháu ạ, đừng để ý đến chuyện của người ta nữa. Bà chủ bên ấy, hay như vậy lắm. Nhân viên cứ làm được vài tháng lại bỏ đi. Nhưng có những người khó khăn, mới lên thành phố hoặc mới vào Nam cũng ráng ngậm bồ hòn làm ngọt, làm việc cho bà ấy. Chú phải nói rằng, làm việc ở đây, một chén cơm đổi bằng một chén nước mắt.
Tôi muốn tìm hiểu câu chuyện cho được rõ ràng. Tại sao lại có những con người ăn nói quàng xiên như vậy? Nhưng tôi chưa kịp mở miệng nhờ chú kể cho nghe chuyện, thì bà thím tôi đã bưng tô chè thạch ướp đá trong bếp đi ra. Bà vừa múc vào ly trao cho mọi người vừa chậm rãi kể cho tôi nghe:
- Bà ta cũng mới dọn về khu "Tây Ba Lô" này được 3 năm nay thôi. Nghe nói trước kia bà ta ở Đông Đức rồi trốn qua Tây Đức khi thành Bá Linh sụp đổ, sống cũng mười mấy năm. Buôn bán gì đó, có chút vốn mang về Việt Nam mua lại căn nhà này xây lên trị giá 9-10 tỉ bạc. Bà ta cho khách du lịch thuê phòng, kiếm tiền cũng khá lắm. Nhưng khổ cái, bà ta suốt chửi mắng nhân viên như những người ở, hay nô lệ không bằng. Rất nhiều lần thím thấy bà ta cầm tờ báo đập vào mặt con bé Ti. Tội nghiệp con bé mới 18 tuổi, nhà nghèo ở Hà Bắc vào đây. Nó ngoan và chăm chỉ lắm. Thế nhưng, bà ấy chẳng hài lòng, hết chửi nó ăn cắp, lại chửi nó quyến rũ làm tiền khách Tây của bà. Con bé có biết tiếng Anh, tiếng Pháp chi đâu mà nói chuyện... quyến rũ Tây? Con bé cứ len lén khóc hoài. Hôm trước chú thím gọi nó qua đây, nó vào một tí, rồi lại chạy về ngay. Dù chỉ một tí đó, nó đã nước mắt ngắn, nước mắt dài kêu tủi nhục, oan ức, nhớ nhà.
Tôi nghe thím kể đến đấy bực bội ngắt ngang:
- Sao mụ ta có quyền ăn nói, hành hạ nhân viên như vậy chứ? Sao cô bé không nghỉ đi?
Thím tôi cười hiền:
- Cháu ạ, mụ ta ỷ có tiền, nên ăn đối xử với người khác như tôi mọi vậy đó! Còn con bé Ti nó cố làm việc vì gia đình nhà nó ở Hà Bắc cần tiền. Ở Sài Gòn không bằng cấp, không có tiếng tây tiếng u, không rành đường đi nước bước, muốn sống, làm việc lương thiện cũng khó lắm cháu ạ!

Buổi chiều hôm ấy tôi ra về với cõi lòng trĩu nặng. Rồi nhiều lần còn thấy tận mắt những các cư xử không thể chấp nhận được từ mụ. Tại sao ngày hôm nay, trong xã hội của nhân loại tân tiến, vẫn có những cảnh "phu phen đồn điền" theo thói trịch thượng đáng nguyền rủa của kẻ mới giàu thế nhỉ? Có phải mụ chủ kia đang trả lại cho đời chuỗi ngày mụ bị đời hành khốn khổ trong những cuộc bán buôn thuốc lá lậu trên đường phố Berlin?

Phải chăng cuộc đời là một vòng luẩn quẩn, kẻ vừa là nạn nhân, nhưng nhanh chóng biến thành tác nhân, khi họ có cơ hội? Để trả thù đời? Hay để thoả mãn cái mặc cảm sẵn có nơi tâm thức của họ, rồi họ thấy họ oai phong, quan trọng???

* "Không biết ba trăm năm lẻ sau này, còn ai thương khóc đến Tố Như (Nguyễn Du) này không?"

2411

No comments:

Post a Comment