Ông giáo Minh soạn bài để giảng một bài thơ xuân. Trong bài thơ có một ông sư già và một cô gái trẻ. Đề tài hấp dẫn như thế, vậy mà đã ba ngày rồi ông chưa hạ bút được một câu.
Sáng nay, ông lại ngồi trước trang giấy trắng. Vợ vừa đi làm. Con còn ngủ. Nhà thanh vắng. Ông nhắp ly cà phê, chờ ý đến. Ý đầu tiên đến với ông là cái giấy phạt xe. Ông vừa ngừng xe, vào tiệm mua bao thuốc lá, trở về xe thì cái giấy phạt đã hiên ngang nằm trước tấm kính. Ông vội vàng xua đuổi ý đó đi, và nó đi ngay, nhưng ông lại chợt nhớ rằng trước khi đi làm, vợ ông có dặn trưa nay phải cho con cái ăn uống đàng hoàng, đừng bắt chúng ăn mãi trứng gà bảy món. Ông lại phải đuổi gà đi, và đuổi thêm năm bảy ý khác nữa, thì, may quá, thơ hiện ra. Nhưng không phải ông sư già và cô gái trẻ.
Từ đâu trong dĩ vãng xa xăm, từ tiếng con ve sầu hay tiếng một vỏ cây nẻ ra dưới nắng hạ, mấy câu thơ của Verlaine bay vào đầu ông :
Je fais souvent ce rêve étrange et pénétrant
D'une femme inconnue, et que j'aime, et qui m'aime
Et qui n'est, chaque fois, ni tout à fait la même
Ni tout à fait une autre, et m'aime et me comprend
Có chàng trai nào học văn chương Pháp ở thế hệ ông giáo Minh lại không từng ngẩn ngơ với mấy câu thơ trữ tình này !
Tôi thường mơ một giấc mơ lạ kỳ và sâu thẳm
Về một người đàn bà chưa hề biết, mà tôi yêu, và yêu tôi
Và, người đó, mỗi lúc chẳng phải hẳn cùng là một
Cũng không hẳn là người khác, và yêu tôi và hiểu tôi
Tôi hằng mơ mộng về một người đàn bà mà tôi chưa hề biết... Có sự thực nào hiển nhiên hơn sự thực này không trong trái tim của ông giáo Minh từ thuở mười tám ? Mơ mộng về một người trống không, không có hình ảnh, không có mặt mũi ! Mà lạ thật, cái khuôn mặt không có mặt ấy mới đích thực là khuôn mặt của người ông yêu. Người đó không có mà cứ có. Không biết mà cứ biết. Không thấy mà cứ thấy. Mơ hoài, bởi vì chắc chắn là có thực.
Ông giáo Minh mỉm cười nghĩ đến những cô gái mà ông tưởng ông yêu thuở mười tám, hai mươi. Sự thực là không phải ông yêu. Ông yêu tình yêu. Ông yêu chuyện yêu đương. Không phải ông yêu cô này cô khác. Bởi vì cứ mỗi lần bướm trong lòng ông vờn chân toan đậu trên một đóa hoa thì nó lại chớp cánh bay qua hoa khác, giữa vườn, cuối vườn, bên kia hàng dậu. Người đàn bà mà ông mơ mộng yêu đương không phải là người này cũng chẳng phải là người kia, không phải là một cũng chẳng phải là khác, không phải như thế cũng chẳng phải không như thế. Vừa là Oanh, vừa là Yến, mà cũng vừa chẳng phải là Yến, là Oanh.
Cái chẳng là... chẳng là... đó làm ông lận đận dài dài trong đời sống tình cảm. Bởi vì ông hiểu sai câu thơ! Chẳng là một, chẳng là khác, điều đó không có nghĩa là ông phải lang thang bay bướm suốt đời trong vườn hoa biết nói. Điều đó có nghĩa khác mà ông chỉ chợt hiểu khi tuổi đã hết xuân, nhân một chuyện buồn bỗng trở thành chuyện vui. Ông có một người chị họ mà ông rất thương, rất quý. Chị yêu một người mà ông cũng rất quý, rất thương. Cả hai đều đẹp, tình yêu họ đẹp, tương lai trong sáng. Hai gia đình hứa hôn, và... chiến tranh, và anh chết, chết như bỗng dưng, như giả vờ, "nằm chết như mơ" (1). Chị sống như một quả phụ trong hơn mười lăm năm, rồi chị lấy chồng. Trước ngày đám cưới, chị lên chùa, mang tất cả thư từ, kỷ niệm của anh ấy, nhờ sư cụ đốt. Chị thắp hương, nói nhỏ : " Nhờ thầy đọc cho con bài kinh Bát Nhã ". Sư cụ đọc kinh, rồi viết lên trên bao hương một bài thơ, bảo chị đọc, rồi tự tay đốt trước bàn thờ :
Pháp bản như vô pháp
Phi hữu diệc phi không
Nhược nhân tri thử pháp
Chúng sinh dữ Phật đồng
Sau này, ông giáo Minh biết bài thơ đó là của Huệ Sinh đời Lý. Ông tự dịch :
Pháp cũng như vô pháp
Không có cũng không không
Nếu hiểu được lẽ ấy
Chúng sinh với Phật đồng
Tình cờ của cuộc đời đã đem có-không vào chẳng là... chẳng là... của bài thơ lãng mạn thời niên thiếu. Người chị họ kia chẳng hề nói với ông một lời gì trước khi lên chùa cũng như sau đó. Nhưng sự thán phục và kính mến của ông đối với người đàn bà rất gương mẫu đó đã khiến ông phải tìm hiểu hành động của chị. Không phải chị xin hương hồn của anh ấy hãy xem chuyện có kia cũng như không. Trong mười mấy năm trời, chắc chị đã học được chữ " không" từ trong cốt tủy, và chắc chị cũng nghĩ rằng hương hồn của anh ấy đã học được chữ " không " như chị. Chắc chị hiểu chữ
"không" trong cái nghĩa không còn mình, không còn người, không còn ranh giới, phân biệt, không còn của tôi, của anh, không còn ghét, giận, hờn, ghen, đắm say, vướng mắc, và khi đã hiểu như vậy rồi thì chỉ còn tình thương bao la, thương không phân biệt, anh thương chị, chị thương anh, chị thương chồng, chồng chị thương chị. Như vậy, chẳng là... chẳng là... đâu có phải tiêu cực, phủ định, nó đưa đến một cái gì rất tích cực, khẳng định, như tình thương bao la vượt trên có-không: cái đó, ông giáo Minh không thấy lúc niên thiếu, nhưng ông biết chắc rằng ông không thể chết trước khi thấy cái không thấy đó.
Ông san sẻ với học trò chuyện tỉnh chuyện say trong cái thấy đó của ông. Ngày Tết, học trò đến thăm nhà, vui miệng ông đọc thơ :
Hôm nọ em biếng học
Khiến cho anh bất bình
Khẽ đánh em cái thước
Vào bàn tay xinh xinh
Đây là bài thơ rất quen biết của thời bắt đầu thơ mới (2). Anh đánh em cây thước, em giận, em lẫy, em bỏ học, em làm thinh, em không chơi với anh nữa; anh buồn, anh khổ, anh hối hận, anh quay quắt; ấy thế bỗng sáng nay em đến xin lỗi, anh mừng quá, mừng hết lớn, nhưng anh vênh mặt làm cao: sao không giận mãi đi?
Bàn tay thì xinh, cái thước, dù đánh khẽ, vẫn nghiêm khắc quá. Không ai đánh người đàn bà, dù bằng đóa hoa. Đánh như thế, đau chính tay mình. Học trò nghe ông giáo Minh lẩn thẩn hỏi: cái thước đánh vào đâu nhỉ? Chắc chắn không phải vào lòng bàn tay mà trên lưng bàn tay, vì khi học, khi viết, bàn tay phô lưng ra chứ không phô lòng. Nhưng cô bé đâu có đau gì nơi lưng bàn tay, cô đau nơi chỗ mà người ta gọi là tự ái. Chỗ đau đó không thấy, nhưng đó là chỗ đau thực, vết thương nơi bàn tay, dù có, cũng chẳng hiện hữu gì. Thế nhưng, đối với ông giáo trẻ, ông chỉ thấy hiện ra hoài trước mắt cái đau nơi lưng bàn tay. Bao nhiêu lần ông muốn gởi hối hận của ông vào lưng bàn tay kia, nhưng nào cô bé có cho ông thấy! cô giấu để phạt ông! cô biết ông nhìn lòng bàn tay mà cứ thấy hoài cái không thấy là cái lưng.
Tác giả bài thơ đừng giận ông giáo Minh đã đưa thơ của ông đi quá xa. Thơ mà không dẫn người đọc đi xa, kể cả đi lạc đường, thì không phải là thơ. Người đọc thơ, cũng như người xem tranh, đều là những kẻ lạc đường. Đọc thơ để mà lạc đường, bởi vì chỉ những con đường lạc mới dẫn đến chỗ hẹn hò - đến chỗ hẹn hò với thơ. Có ai đọc thơ để thấy chữ đâu! Để thấy cái không thấy đàng sau chữ nghĩa. Cái không thấy đó, có thể mỗi người thấy mỗi cách, nhưng ai cũng thấy cái đó, cũng biết chỉ cái thấy đó là thực, là không mà có, chữ nghĩa là có mà không. Lại vui miệng, ông giáo Minh giảng Kiều cho học trò. Ông đọc:
Trước lầu Ngưng Bích khóa xuân
Vẻ non xa tấm trăng gần ở chung
Cái núi là thực chăng? Cái mặt trăng là thực chăng? Tất cả chỉ là tấm màn hư ảo; cái gì ở đàng sau tấm màn đó mới là thực, và cái đó là nỗi cô đơn của nàng Kiều. Không đi lạc đường vào nỗi cô đơn đó, mà cứ tìm trăng và lỗ khóa mà đến thì chẳng gặp Kiều đâu cả, chỉ thấy cái lầu xanh.
Mông mênh là cái không thấy đàng sau cái thấy. Mông mênh cả mùa thu nơi chiếc lá đầu tiên từ cây ngô đồng đang rơi. Ngô đồng nhất diệp lạc, thiên hạ cộng tri thu. Cả thiên hạ đều thấy cái không thấy. Mông mênh là cái biết thực đàng sau những cái biết lừa dối. Biết cả vũ trụ!
Ông giáo Minh xoay mãi cây bút; trang giấy vẫn còn nguyên. Kỷ niệm xa xưa thì về. Ông sư già và cô gái trẻ thì không đến. Ông biết chỗ dở của ông là tâm không định, ý nhảy bông lông như vượn chuyền cành. Nhiều lần ông định đi học ngồi thiền để tập chú tâm, nhưng tính ông lại đa nghi: biết ông thầy kia đang " thiền " hay đang nghĩ hươu nghĩ vượn như ông? Ông chỉ không nghi Phật mà thôi. Phật ngồi nhập định bốn mươi chín ngày nơi gốc cây bồ đề là chuyện thật lịch sử. ấy thế mà có người còn đa nghi hơn ông. Còn hỏi: ông có thấy cái định của Phật đâu mà dám nói rằng cái định đó rất sâu? Ông giáo Minh còn nhớ câu trả lời: hoa sen nở to thế kia, thế tất cuống sen phải đâm rất sâu vào bùn (3) ; ngọn đèn cháy to thế kia, thế tất cái bấc phải lớn, bình dầu phải sâu. Cuống sen là cái không thấy mà thấy; cái bấc, bình dầu cũng vậy. Ai cũng có con mắt thứ ba cả: tùy muốn mở hay nhắm.
Tất cả những bài thơ về mùa xuân của thời Lý-Trần mà ông giáo Minh vừa đọc lại mấy hôm nay đều mượn hứng từ con mắt thứ ba đó. Xuân trong thơ của các thiền sư là xuân đến, xuân đi, là lòng vượt lên trên sự đi, sự đến. Là không, là có, là cái biết vượt lên trên chuyện có, chuyện không. Xuân đến xuân đi như vậy thường nằm chung trong một bài thơ như bài thơ nổi tiếng của Mãn Giác :
Xuân khứ bách hoa lạc
Xuân đáo bách hoa khai
Dường như chỉ có Trần Nhân Tông mới dành nguyên cả bài cho xuân đến, cả bài cho xuân đi. Đây là xuân đến :
Liễu rũ hoa hồng chim hót ca
Mây chiều in bóng trước hiên nhà
Khách vào, thế sự không cần hỏi
Chỉ tựa lan can ngắm cỏ hoa (4)
Ai bảo đi tu không biết ngắm xuân ! Thương xuân hơn bất kỳ ai khác, thương đến độ lòng thương thấm cả vào lòng người khách đến chơi. Người đọc thơ tưởng mình bước vào bài thơ như bước vào hiên nhà Điều Ngự Thượng Hoàng : không nói gì cả, chỉ lặng yên để lòng tan vào cảnh. Cảnh xuân của ngài là lòng nhẹ lâng lâng.
Đi tu có biết vui không nhỉ ? Ông giáo Minh khẳng định : biết chứ ! Trần Thái Tông tả : ở trong đó có cái thú vị riêng không ai hay biết, nhà sư trong núi mặc tình vui đến sáng :
Cá trung tư vị vô nhân thức
Phó dữ sơn tăng lạc đáo minh
Nhưng cái vui của người đi tu không ồn ào. Hoa xuân nở rộ, tiếng xuân vẫn lặng lẽ. Chỉ có ông Hàn Mặc Tử mới la lối om sòm để báo động mùa xuân vừa đến :
Chàng ơi ! chàng ơi ! sự lạ đêm qua
Mùa xuân đến mà không ai biết cả
Tưởng tượng ông Hàn Mặc Tử hớt hơ hớt hải chạy xộc vào hiên nhà Điều Ngự la lớn : Ngài ơi ! ngài ơi ! sự lạ... Rồi im bặt, và se sẽ bước chân đến dựa lan can.
Lặng yên như thế mà vào cuối đời, Trần Nhân Tông còn nói rằng mình chưa đủ yên lặng. Ngắm cảnh, vua còn gởi lòng nơi muôn hoa, còn vướng với hoa, còn vui còn buồn. Bây giờ, hiểu được mặt mày của sự vật, vua thản nhiên, thanh thoát nhìn xuân qua hoa rụng. Đây là xuân đi :
Niên thiếu chưa từng hiểu sắc không
Xuân sang hoa sắc vướng tơ lòng
Diện mục xuân nay từng khám phá
Thiền tọa an nhiên ngắm rụng hồng (5)
Học trò chất vấn ông giáo Minh : thấy hoa nở không vui, thấy hoa rụng không buồn, trơ trơ gỗ ngói như vậy, chúng tôi không tu đâu ! Ông cãi : vui buồn ai chẳng có, khác nhau ở chỗ vui mà không vướng mắc, buồn mà không hệ luỵ. Thản nhiên không phải là trơ trơ, thản nhiên là vượt lên trên : thấy không, thấy có, và vượt lên trên có không thì an nhiên tự tại, tự do tung hoành, thì khi nào hoa cũng có đấy vì khi nào lòng cũng bình yên như hoa nở. Cắt nghĩa như thế, học trò vẫn phân vân, nhưng đọc câu thơ Mãn Giác thì cậu nào cũng cảm nhận được cái không thấy đó :
Đừng tưởng xuân đi hoa rụng hết
Đêm qua sân trước một cành mai
Hứng thơ đó - ông giáo Minh cắt nghĩa - bàng bạc trong thơ thiền. Một nhà thơ lớn khác đời Trần, Huyền Quang, cũng gợi lên một cảm nhận tương tự khi ông tả hoa cúc cuối thu :
Khi mọi loài hoa rơi chật đất
Dậu Đông hoa cúc vẫn chưa tàn
Vẫn còn hoa đấy ! Vội gì chưa kịp nhìn hoa đã để cho ý lông bông chạy theo chuyện " tàn ", loanh quanh luẩn quẩn với buồn, phai, rơi, rụng, tiếc nuối, biệt ly, xa mất cánh hoa mà mắt đã thấy ở giây phút đầu tiên. Hãy trở về với cái thấy đầu tiên đó, cái thấy trinh nguyên không vướng những chia cách của " đi " của " đến ", của " hôm qua ", " hôm nay ", " năm này ", " năm ngoái ", những chia cách càng lúc càng đẩy xa người ngắm hoa ra khỏi hoa, người ngắm trăng ra khỏi trăng. Mà làm gì có hôm qua ! Đâu là biên giới của hôm qua ? "Mới tạnh mưa trưa chiều đã tà": đâu là biên giới của trưa, đâu là biên giới của chiều ? "Tháng mười chưa cười đã tối": đâu là biên giới của ngày, đâu là biên giới của đêm ? Chẳng là một, chẳng là khác đấy thôi ! Ông giáo Minh mượn tay Tuệ Trung để đập vỡ những phân biệt đóng khung đó : trăng sáng đêm qua vẫn là trăng đêm nay, hoa nở năm mới cũng là hoa năm cũấ:
Tạc dạ nguyệt minh kim dạ nguyệt
Tân niên hoa phát cố niên hoa
Và ông vỗ tay tuyên bố : mấy trăm năm sau, ai ngờ Nguyễn Du dịch thơ Tàu với cái thấy đó của Tuệ Trung :
Trước sau nào thấy bóng người
Hoa đào năm ngoái còn cười gió đông
Hoa đào năm ngoái cười, chứ không phải hoa năm nay y cựu tiếu đông phong, cười như hoa năm ngoái. Không phải : vẫn nụ cười đó, mà là : vẫn hoa đó. Mấy ai thức giấc khi gà vừa gáy sáng, nghe tiếng gà gáy mà còn phân biệt gà gáy sáng nay với gà gáy sáng qua : tiếng gà không phải là một, không phải là khác. Hãy thử tiếp tục cứ để cho ý dẫn đi lang thang phân biệt như thế giữa một với khác, giữa đến với đi, rồi xemấ: rốt cuộc chẳng nghe tiếng gà đâu nữa. Nghe gà gáy thì người nghe với tiếng gà là một. Suy nghĩ loanh quanh thì người với tiếng gà bỗng thành hai. Thì người bỗng thành hai với chính mình ! Quên mất hoa để dựa vào nở, dựa vào tàn là dựa vào cửa ngỏ nhà người ta, Tuệ Trung nói như vậy. Hãy trở về nhà của mình, và ngay khi thấy điều đó thì vụt một cái,
Nhất điểm xuân quang xứ xứ hoa.
Một chấm ánh nắng mùa xuân thôi, một chấm thôi, cả vũ trụ hoa nở. Cái chấm đó, cái giây phút bừng sáng đó, ông phải mượn thơ để diễn dạt, bởi vì chỉ có thơ mới làm thấy cái chỗ không thấy. Một buổi chiều nào đó, tâm hồn thư thả, cứ thử ngồi ngắm hoa. Rồi bỗng thấy lạ lùng, như tuồng hoa muốn nói chuyện với mình. Làm sao diễn tả cái hồn nhiên của người ngắm hoa ? Làm sao diễn tả cái hồn nhiên của hoa cúc nở ? Làm sao nói đươc trạng thái tuyệt vời khi người không còn phân biệt với hoa, khi hoa không còn phân biệt với người, khi hai cái hồn nhiên chỉ còn là một ? Đành phải mượn thơ Huyền Quang :
Chủ nhân dữ vật hồn vô cạnh
Hoa hướng quần phương xuất nhất đầu
(Hồn nhiên người với hoa vô biệt
Một đóa hoa vàng chợt nở tung)
Chợt nở... Cái không thấy thường là chợt thấy. Khắp nơi hoa nở. Nở tung ! Trong nháy mắt !
Huyền Quang là một nhân vật ly kỳ, trong cuộc đời, trong giai thoại. Học giỏi, nghe một biết mười, ông đậu thủ khoa kỳ thi hội năm 21 tuổi. Cha mẹ cưới vợ cho ông, ông không chịu. Vua yêu tài, muốn gả công chúa cho ông, ông chối từ. Làm quan trong triều, tiếp sứ Trung Quốc, ông không ham chức vị, chỉ muốn đi tu. Ba lần dâng biểu xin từ chức, mãi đến năm 51 tuổi ông mới được toại nguyện xuất gia. Tài năng xuất chúng, đạo hạnh nghiêm trang, Huyền Quang được suy tôn làm tổ thứ ba của dòng thiền Trúc Lâm Yên Tử. Con người đạo cao đức trọng như vậy mà lại bị hàm oan vì miệng lưỡi của một cung nhân. Biết sư có tiếng là giới hạnh cao nghiêm, vua Minh Tông sai cung nữ Điểm Bích nhan sắc tuyệt vời đi thử lòng sư. Giai thoại ly kỳ, đây là đoạn cuối : Minh Tông hối lỗi, sụp lạy tạ tội.
Con người đặc biệt. Thơ cũng đặc biệt, ít thuật ngữ Phật giáo mà vẫn thanh thoát, đạo vị. Ông yêu hoa cúc. Người tri kỷ của ông ở thế kỷ này, tác giả Nguyễn Lang, hạ một câu trữ tình khi viết về Huyền Quang của hoa cúc: "hễ thấy hoa cúc là tâm tình rộn ràng như một người trai trẻ vừa thấy bóng người yêu" (6). Rộn ràng như thấy bóng người yêu là món sở trường của ông giáo Minh. Chẳng lẽ ông thua cuộc ?
Còn gì hấp dẫn hơn khám phá chất trữ tình trong thơ thiền ! Ông giáo Minh đã đọc gần như thuộc lòng đoạn kết của bài " Mấy lời tâm đắc " mà ông rất tâm đắc trong cuốn Thơ Văn Lý-Trần của Viện Văn Học (7). Chỉ mấy câu này của người bình thơ làm ông không hài lòng :
" Tình yêu nam nữ đã làm cảm hứng cho nhiều bài thơ rất tình tứ mà vẫn rất " trong trẻo ". Tôi chỉ muốn nhắc lại ở đây một bài đặc biệt có ý nghĩa, vì tác giả là một nhà tu hành, một nhà sư " đạo cao pháp rộng " đã được tôn làm vị " tổ sư thứ ba " trong quốc tự đời Trần - nhà sư Huyền Quang, một ngày xuân, ý chừng hồi này ngài còn trẻ, và cuộc gặp gỡ cố nhiên là ngẫu nhiên. Vậy, một ngày xuân nọ, nhà sư thấy một thiếu nữ rất xinh ngồi thêu. Bỗng mũi chỉ đường kim dừng lại... và từ trong lùm cây tử kinh hoa trổ rộ nghe thanh thoát tiếng hót của mấy chú hoàng ly. Nhà sư viết ngay bốn câu tứ tuyệt dưới đầu đề Tức cảnh ngày xuân ".
Rõ ràng thơ xuân Huyền Quang khác hẳn các bài thơ xuân trước. Ông đưa vào thơ một cô gái trẻ, đôi tám xuân xanh. Thế mới có chuyện ! Chuyện ông sư già với cô gái trẻ ! Chẳng biết ông làm bài thơ này lúc bao nhiêu tuổi. Nhưng dù ở tuổi nào đi nữa, bài thơ quá " trong trẻo " để lòng người đọc chẳng vướng chút bụi mờ gì của hồn ma Thị Bích.
Nhị bát giai nhân thích tú trì
Tử kinh hoa hạ chuyển hoàng ly
Khả liên vô hạn thương xuân ý
Tận tại đình châm bất ngữ thì
(Đường kim bỗng chậm lại trên tay cô nàng đẹp mười sáu xuân xanh
Mấy chú oanh vàng thỏ thẻ trong lùm tử kinh hoa rộ
Thương quá đi bao nỗi lòng thương xuân vô hạn
Đang trút cả vào giây phút ngừng kim và im phắc)
Ông sư già và cô gái trẻ ! Họ đến rồi ! Bám chặt bài thơ, ông giáo Minh lẩm nhẩm : " tình yêu nam nữ đã làm cảm hứng...". Tình yêu nam nữ nào đây ? Hôm nọ em biếng học ? Rêver d"une femme inconnue ? Quả là có một người con gái, lại là con gái đẹp. Nhưng đâu là chàng trai ? Ông giáo Minh vốn sở trường về chuyện gặp người yêu, nên ông dễ dàng tưởng tượng một cuộc gặp gỡ " cố nhiên là ngẫu nhiên ". Ngày xuân ấm áp, cô gái ngồi thêu cạnh cửa sổ, vô tình không thấy một chàng trai đang lén nhìn... Ông giáo Minh thất vọng, thấy tưởng tượng của mình nghèo nàn quá. Bài thơ sâu thăm thẳm, khó đo bằng gang tấc của tình yêu nam nữ thường tình. Mà ai nhìn trộm cô gái xuân vậy ? Tại sao không nghĩ chính là mùa xuân ? Mùa xuân đến nhè nhẹ bên cạnh cô, mùa xuân làm ấm má cô như một bàn tay. Có kẻ thấy má cô hồng lên vì thẹn, vì hồi hộp : đó là hai con oanh vàng đang khúc khích với nhau trong khóm hoa. cô thẹn, và lần đầu tiên cô biết cô thẹn về tình ý xôn xao trên má cô khi gặp tình ý xôn xao của bàn tay mùa xuân. Giây phút thần tiên giao cảm ! Giây phút nhỏ như mũi kim, mong manh như hạt bụi, nhưng từ đó bừng nở cái chợt thấy nơi cái không thấy, không lời.
Ông giáo Minh vẫn cảm thấy không bằng lòng. Cảm thấy bất lực. Bài thơ bay lên như một đôi cánh vỗ : nơi cánh này, có bàn tay đang thêu bỗng đường kim chậm lại rồi ngừng thoắt ; nơi cánh kia, có hoa đang nở, chim đang hót bỗng im bặt. Cái gì vậy ? Tương quan gì vậy ? Cái gì kỳ lạ khiến hai cánh giao thoa với nhau như vậy ? Khiến người và cảnh bắt gặp ý nhau như vậy ? Hợp với nhau làm một như vậy ? Hai cánh là hai hay là một - một đôi ? Bài thơ là khác hay là giống các bài thơ trước ? Hay là vừa giống vừa khác ? Sự gặp gỡ giữa người ngắm hoa cúc và hoa cúc nở có giống sự gặp gỡ giữa cô gái xuân và mùa xuân chăng ? Ai cũng biết : muốn thấy cá phải nhìn nước, vậy muốn thấy mùa xuân làm sao không nhìn cô gái xuân ? Làm sao tách hai ra được ?
Ông giáo Minh muốn lạc đường. Ông muốn nghĩ đến ông tăng vô ngữ nơi chùa Gia Lâm, tiễn khách về, không nói, trong lúc hoa thông rụng đầy đất thơm :
Khách khứ tăng vô ngữ
Tùng hoa mãn địa hương (8)
Ông đi như thế bên cạnh ông tăng, bỗng chợt khám phá ra chuyện phi lý ông đang làm : ông tách ông với bài thơ ra làm hai trong khi đáng lẽ ông nhập một với nó, như khách, tăng, hoa, đất, hương thơm hợp với nhau làm một trong im phắc. Ông tách ông với trực giác ra làm hai, trong khi trực giác, nhọn hoắc như mũi kim, chưa bao giờ biết phân biệt. Ông đóng cửa sổ giữa ông với cảnh, giữa ông với sự vật, giữa ông với ông : bên kia cửa sổ là cỏ non xanh tận chân trời. Nơi mênh mông bát ngát không ranh giới, không phân biệt ấy, và chỉ nơi ấy mà thôi, ông mới tìm ra được cái không thấy, cái mà ông mơ mộng hoài suốt đời : khuôn mặt không phải là một, không phải là khác của Thuý Kiều e ấp nép dưới hoa.
Cao Huy Thuần
Chú thích
Chú thích thì đạo mạo quá. Mà không chú thích thì e có người bắt bẻ : sao không chú thích ? Vậy thì :
1. Mấy chữ " nằm chết như mơ " hiển nhiên là nhạc Trịnh Công Sơn. Tự nhiên nói đến chiến tranh thì mấy chữ đó bay về đậu trên tay, đuổi không đi.
2. Bài thơ Giận nhau là của Nguyễn Xuân Huy.
3. Ví dụ về cuống sen đâm sâu trong bùn là lấy trong Luận Đại Trí Độ, Tập 2, HT Thiện Siêu dịch, NXBTPHCM, 1999, trang 37.
4. Bài Cảnh xuân của Trần Nhân Tông nguyên văn như sau :
Dương liễu hoa thâm điểu ngữ trì
Khách lai bất vấn nhân gian sự
Hoạ đường thiền ảnh mộ vân phi
Chỉ bạng lan can khán thuý vi
Thơ dịch của Nguyễn Lang
5. Bài Cuối xuân :
Niên thiếu hà tằng liễu sắc không
Nhất xuân tâm sự bách hoa trung
Như kim khám phá Đông Hoàng diện
Thiên bản bồ đoàn khán truỵ hồng
Vẫn thơ dịch của Nguyễn Lang
6. Câu viết " trữ tình " của Nguyễn Lang về Huyền Quang và hoa cúc nằm trong trang 441 của tác phẩm của ông : Việt Nam Phật Giáo Sử Luận, Tập 1, NXB Văn Học Hà Nội, 1994. Mấy câu thơ về hoa cúc của Huyền Quang cũng do cùng tác giả dịch.
7. Mấy điều tâm đắc về một thời đại văn học là của Đặng Thai Mai, Thơ Văn Lý-Trần, Tập 1, NXBKHXH, Hà Nội, 1977, trang 44.
8. Bài Chùa Gia Lâm là của Trần Quang Triều đời Trần. Nguyễn Lang dịch thơ :
Tro lòng tàn mộng nhỏ
Chân dạo tới thiền đường
Cuối xuân sắc hoa nhạt
Rừng vẳng tiếng ve suông
Mưa tạnh trời bích ngọc
Hồ lặng lộ khuôn trăng
Khách về, tăng chẳng nói
Hoa thông rụng ngát vườn. 284
No comments:
Post a Comment