Jun 16, 2008

Mùa xuân hạnh phúc






Tường Vân
Ăn hết tiền thất nghiệp, sắp phải rút tiền tiết kiệm trong nhà băng ra thì má tôi lại kêu về. Bà đã kêu về lúc nghe tôi vừa mất việc. Khi ấy tôi cứ nghĩ đằng nào thì tôi cũng kiếm ra được việc khác nên làm lơ lời kêu gọi của bà. Ra trường với bằng danh dự, tôi lanh lẹ, thành tích làm việc rất xuất sắc, lại chịu khó, nên có một cái giốp khác là lẽ tự nhiên thôi. Tám tháng trôi qua tôi vẫn chưa kiếm được việc làm nào hợp với khả năng và sở thích của mình. Thời buổi khó khăn, công ăn việc làm khó kiếm, ngày nào báo chí cũng đăng như vậy. Nhưng tôi vẫn nghĩ cũng phải có người về hưu, hãng sở vẫn phải mướn người làm thế chứ. Má tôi lại kêu về. 
Bà đã kêu về lúc tôi còn cái giốp ngon lành. Con ơi, ba má nhớ con. Về đây được giốp ít tiền mà gần ba má thì vẫn hơn, đó con. Cái lúc mà bỏ đơn chỗ nào cũng được kêu đi phỏng vấn và cho giốp ngay! Cái lúc mà ngày nào thị trường chứng khoán cũng lên, mua cổ phần của hãng high-tech nào cũng có lời, mà không cần một chút kiến thức nào cả! Mấy bà nội trợ ngồi nhà cũng biết lên net mua bán!
Mấy năm đi làm, tôi kiếm được một chút vốn cũng khá lớn, đủ để sống thoải mái vài năm. Bỏ tiền chơi stocks, vừa bán ra để lấy tiền đặt xuống mua một căn nhà nho nhỏ, nhưng chưa tìm được một căn nhà vừa ý vì mặt Đông nhà cửa mắc mỏ mà với một lợi tức của tôi thì hơi khó, nên tôi phải tính toán kỹ lưỡng hơn, thì thị trường chứng khoán lại bắt đầu xuống dốc. Tiền của tôi, cả vốn lẫn lời gấp mấy lần vẫn còn nằm an toàn trong nhà băng. Bạn bè tôi ai cũng ít nhiều bị liểng xiểng vì stocks. Có đứa có lúc đã là triệu phú, dù chỉ là triệu phú trên giấy tờ, tính theo trị giá những cổ phần của các công ty lớn. Bây giờ có đứa trắng tay. Có đứa mất nhà, mang nợ vào người. Chúng kêu tôi hên. Mà tôi hên thật, vì đã bán cổ phần đi trong lúc còn cao điểm. Trong lúc mất giốp, tôi vẫn còn hên vì chưa mua nhà. Nếu mà ôm cái nhà vào lúc này thì cũng khó tính toán quá. Cho dù má tôi có năn nỉ đến cỡ nào thì tôi cũng không thể bỏ cái ào mà bay về với bà. Cho dù...ba tôi có bị vô nhà thương. Ồ không, nếu ba bị nặng thì tôi cũng phải bỏ tất cả mà bay về thôi. Mọi thứ trên đời đâu có gì quan trọng bằng người thân của mình đang cần mình.
Xây xẩm mày mặt, toát mồ hôi, bùng tai, kêu 911...tưởng bị bệnh tim, té ra sau bác sĩ mới khám phá ra chỉ là cái tai bị nhiễm trùng thôi. Một phen làm mọi người hết hồn, hết vía.
Má lại có cớ để khuyên:
-Dù là nhẹ, nhưng con cũng nên về ở gần ba má, vì ba má cũng già rồi, đâu biết đau ốm thế nào. Anh Hai với chị Ba con thì ở xa, gia đình, nhà cửa nặng nề, giốp chồng, giốp vợ, con cái học hành, không thể kêu bỏ là bỏ mà về đây được. Chỉ có con là dễ thôi. Con đang lúc không có việc, lại không có nhà cửa bận bịu bên ấy, con chỉ trả lại cái apartment là về đây ở với ba má. Nếu ba hay má có chuyện gì thì có con bên cạnh, ba má cũng đỡ lo nhiều. Cuối cùng thì tôi cũng nghe xuôi tai mà về. Đúng rồi! Cha mẹ nhỡ đau ốm có mệnh hệ nào trong lúc tôi lại ở xa thì tôi sẽ ân hận suốt đời.
Nhiều lần thoáng qua đầu tôi hình bóng chàng. Vâng, cái lý do tôi đã kiếm việc ở mặt Đông, cái lý do tôi đã rời bỏ xứ mưa mà đi. Cái con người đã làm tôi đau khổ. Không phải là tôi đã tự nhủ sẽ không bao giờ gặp lại mặt? Không phải là tôi đã cố quên đi rồi sao?
Căn phòng ngày nào của tôi đồ đạc vẫn còn nguyên như cũ. Cái bàn viết đặt bên cửa sổ nhìn qua khu rừng thông cao vút. Cái giường nhỏ vẫn xếp những con gấu nhồi bông lớn, nhỏ xinh xinh. Cái tủ sách với những cuốn sách chuyên môn cho nghề nghiệp, những cuốn sách học làm người, những cuốn sách Tự Lực Văn Đoàn. Cái dàn máy nhạc xưa cũ. Tất cả vẫn thế. Để những kỳ lễ lộc tôi về chơi, vẫn thấy mọi thứ quen thuộc.
Bây giờ thì về ở hẳn. Thôi không còn nghĩ chuyện mua nhà. Má nói nhà cửa rộng thênh thang, ở không hết, mua nhà làm chi con. Ở với ba má đi, rồi khi ba má mất thì sẽ cho con cái căn nhà này. Tôi la, Má! Má nói gì kỳ quá! Ba cười kêu, má con dụ con đó, để con đừng ra ở riêng. Bả cứ kêu ba mày nói thường không kiêng cử, mà bữa nay bả cũng ba láp quá. Tôi thấy ba má nói qua nói lại thật vui. Ừ, con gái út trút gia tài mà!
Tôi đang nộp đơn cho một cái hãng thầu xây cất ở Redmond. Hãng nhỏ, tôi không biết nhiều về hãng đó. Lại không quen ai làm ở đó để mà hỏi. Biết nhiều về cái hãng mình đang xin việc thì dễ trả lời lúc vào phỏng vấn, như thế có cơ hội được mướn hơn. Nhưng tôi chịu. Đành vậy.

Phong
Tôi không ngờ là Tường Vân đã về đây, đang xin việc ở hãng tôi. Cái địa chỉ nơi nàng ở, vẫn là địa chỉ quen thuộc của nhà cha mẹ nàng, chỗ mà tôi đã nhiều lần lui tới. Tôi mân mê cái résumé của nàng trên tay tôi. Tôi biết ngay là nàng có khả năng cho công việc hãng tôi đang cần. Nhưng nếu nàng biết có tôi ở hãng này, và nếu nàng biết tôi đang là phó giám đốc của hãng này, liệu nàng có chịu nhận cái giốp? Ngày đó nàng giận tôi lắm, bỏ đi mà không muốn nghe thêm một lời giải thích nào của tôi nữa, cho dù tôi đã cố giải thích cho hành động nông nổi của tôi lúc ấy. Một thoáng nông nổi đáng trách. Tôi cũng biết vậy.
Nghĩ thế, tôi sắp xếp kêu bạn tôi mướn nàng. Dễ thôi, vì tôi là sếp của hắn. Tôi sẽ không ra mặt. Khi nàng quen công việc và thấy tự nhiên nơi này thì chuyện biết sự có mặt hay địa vị của tôi ở đây sẽ không còn quan trọng nữa. Điều cần nhất là buộc chân không cho nàng đi. Cầu mong mọi việc êm xuôi. Con người ấy thông minh lắm, con mắt thật sắc bén. Ra trường với bằng danh dự kia mà. Trong khi tôi chỉ mong sao cho xong cái bằng.
Chính là bức ảnh của nàng mà tôi nhìn ngắm, trong ngần ấy năm. Bốn năm nay, quen bao nhiêu người con gái mà tôi vẫn không thể nào quên được nàng. Nàng vẫn hiện diện trong đời sống hằng ngày của tôi. Hạnh phúc trong tay mà không biết, đến khi mất rồi mới đỏ mắt đi tìm. Bây giờ tôi mới nghiệm là đúng.
Liệu tôi có được cơ hội lần thứ hai nắm giữ lấy hạnh phúc của mình?



Tường Vân



Tôi được cái giốp ốp phơ dễ dàng quá. Chỉ có một người phỏng vấn tôi rồi nói ngay chị có thể đi làm ngay nếu chị muốn. Nói bằng tiếng Việt. Đơn giản như thế.
“Không có phỏng vấn ai khác nữa à?”
“Nhìn cái đơn của chị thấy chị thích hợp với cái việc quá rồi, những người kia không bằng thì phỏng vấn chi cho mất công.”
Dĩ nhiên là tôi nhận lời. Nằm nhà lâu quá, tôi còn đợi chờ gì nữa.
Đi làm được vài ngày thì tôi nghe như có tiếng nói của quá khứ hiện về:
“Vân khỏe không%3
F Lâu ngày mới gặp.”
Xoay lại nhìn, tưởng như gặp ...ma. Trái tim tôi đánh lộn nhịp. Tôi tưởng nó đã chai lì với thời gian. Tôi mất bình tĩnh, suýt làm đổ ly cà phê Starbucks, tôi ấp úng:
“Anh...anh làm...ở đây?”
Tôi không ngờ là gặp Phong ở chỗ này. Bao năm chạy trốn, bây giờ thất nghiệp lại về đây “nạp mạng”? Sau đó tìm hiểu tôi mới biết Phong không những là sếp cao của tôi mà còn là ông chủ của tôi. Hãng này do ông bố nuôi của Phong thành lập. Bây giờ ông già rồi, gần như về hưu, trên giấy tờ vẫn là ông làm chủ nhưng thật sự ông đã để cho Phong coi ngó hầu như mọi việc. Ông không có con. Trong tương lai cái sản nghiệp này sẽ về tay Phong, đó là ý nguyện của ông lúc Phong còn học đại học giai đoạn mới xin vào ngành, ông đã muốn Phong đi về ngành xây cất. Ngày đó, Phong có nhắc tới ông bố nuôi người Mỹ. Mỹ gốc Hy Lạp. Ông từng đi lính qua VN và biết ba của Phong. Khi Phong chạy qua đây một mình thì ông đứng ra bảo lãnh và nhận đỡ đầu lo lắng cho Phong từ đấy. Nhưng tôi chưa bao giờ thấy mặt ông vì ông đi nước ngoài nhiều.
Tú, cái anh chàng đã mướn tôi, đã dẫn tôi đi giới thiệu với mọi người trong hãng. Gần như...mọi người, chỉ có một người Tú đã không dẫn đi, mà tôi cũng chẳng biết còn những ai tôi chưa gặp mặt. Cho tới bây giờ...
Tôi đã nghĩ chuyện nghỉ việc, vì quả thật tôi chưa đến lúc đói. Về nhà gọi phôn cho cô bạn, cô ả nói, mi có điên không, cứ làm tỉnh, việc mình mình làm, không cần phải để ý đến hắn. Với lại thời buổi khó khăn, không dễ gì kiếm việc khác. Mi quit là mi sẽ nằm nhà một thời gian dài, mà như vậy lại không đẹp cho cái hồ sơ xin việc của mi, trong tương lai khi mi đi xin việc, mi sẽ trả lời làm sao.
“Vân cũng nghĩ như vậy. Việc gì sợ chứ! Quả là không sợ, nhưng thật không muốn nhớ chuyện cũ nữa.”
Tâm ngập ngừng đổi tông:
“Với thời gian đã thử thách hai người, Tâm thấy chuyện cũ cũng không có gì, ai mà chẳng có lúc lầm lẫn.”
“Tâm thay đổi cái nhìn từ bao giờ? Ngày trước Tâm cũng đồng ý với Vân mà.”
“Đúng vậy! Chúng mình đã trưởng thành, đã già đi thêm vài năm. Phải biết tha thứ. Miễn là mình giữ được cái hạnh phúc của mình. Cái hạnh phúc đó là có thật đó Vân! Nhiều người, cái hạnh phúc họ có thì thật mỏng manh mà họ còn phấn đấu giữ cho bằng được. Đằng này...”
“Nếu đàn bà con gái mình cũng làm sai lầm như thế, có được tha thứ không? Chắc chắn là không, thì tại sao lại coi việc bọn đàn ông họ làm là nhẹ cho được. Sao lại cứ nói chuyện nam nữ bình quyền.”
“Vân còn giận Khánh không?”
“Không, đâu phải lỗi của nó. Phải có người dụ thì cô ta mới sa ngã chứ. Ừ, cho dù mình không biết ai dụ ai, đâu có quan trọng.”
“Vậy Tâm nghĩ là Vân đã cho rằng phụ nữ cũng được tha thứ. Bây giờ cái nhìn của thiên hạ dễ dàng hơn nhiều rồi, như Vân đã tha thứ cho Khánh.”
“Thiên hạ bao giờ cũng vậy. Chỉ có mấy năm, đâu có bao lâu đâu!”
Tâm cười:
“Vậy thì chính mình là người cổ lỗ sĩ rồi!”

Phong



Tôi thấy thấp thoáng nàng trong những ngày đầu nàng đến làm việc. Dáng vẫn gầy. Cổ cao. Tóc vẫn xõa ngang vai như thế. Gặp lại nàng, tôi phải đóng vai ...mọi việc như là một sự tình cờ. Không dám vồn vã. Không dám nắm bàn tay thật lâu. Tôi có để ý thấy tay nàng không đeo nhẫn, đoán nàng chưa lập gia đình. Không dám để nàng nhìn lâu vào đôi mắt của tôi. Không phải là vì tôi sợ nàng thấy được cái giả dối đóng kịch (tôi rất thành thật), mà vì tôi sợ nàng đọc được ánh mắt đắm đuối của tôi rồi sợ hãi không trở lại nữa. Tôi nhủ thầm, mọi việc phải từ từ. Tôi cần phải gây lại niềm tin nơi nàng.
Hôm nay, có buổi họp, tôi vào trễ, may mắn là còn hai chỗ trống, tôi chọn ngồi ở cái ghế kế bên ghế nàng. Nàng ngẩng đầu cười nhẹ. Dấu hiệu tốt, tôi thấy vui. Vẫn mùi nước hoa quen thuộc. Không gắt, thoang thoảng dễ chịu.
Lại gặp nhau trong cafeteria. Tôi và nàng nói chuyện bâng quơ. Nàng không tỏ vẻ lạnh lùng, cũng đủ làm tôi vui. Nhưng tôi chưa dám ngồi lâu với nàng. Chưa dám xin nàng một cơ hội để tâm sự, dù là đã bốn năm rồi. Có bao điều muốn hỏi. Có bao điều muốn nói. Tôi muốn cho nàng biết tôi vẫn chưa lấy ai, bao năm trong tim chỉ vẫn có một hình bóng của nàng mà thôi. Nhưng sợ là quá đường đột, không muốn làm nàng sốc.
Không dám dành trả tiền cho một ly cà phê của nàng. Không dám hẹn hò!

Tường Vân
Ngày tôi về nhà thì Tây Bắc đã cuối mùa thu. Khắp nơi những chiếc lá vàng đã rơi rụng, hiếm hoi mới thấy sót lại vài cây phong lá vàng còn bám trên cành cây. Trời đã có những ngày lạnh, bầu trời xanh lục chứ không còn xanh màu xanh da trời. Tôi đi làm đã nhớ khoác thêm một cái áo khoác bên ngoài. So ra sao lạnh bằng miền Đông được. Tại có má tôi bên cạnh nhắc hoài làm tôi tưởng là trời lạnh dữ lắm.
Năm nay chuẩn bị đón Xuân, có tôi bên cạnh, má tôi vui quá, bà nhờ tôi chở bà đi chợ Á Đông tận Seattle mua gừng non về làm mứt. Bà cũng làm mứt hột sen, mứt dừa. Tôi phụ bà nạo dừa, xắt dừa. Bà ngâm nếp, ngâm đậu xanh để gói bánh chưng, bánh tét, bánh ú, bà giải thích, má làm thêm cho mấy bà bạn già sống một mình, tội lắm, sẵn làm cho mình thì làm cho họ luôn, để lấy thảo cuối năm. Tôi hứa với má đêm giao thừa tôi sẽ đưa má đi chùa dự lễ. Những năm đi làm xa, tôi chỉ về nhà vào những dịp lễ lớn như Thanksgiving hay Giáng Sinh. Nếu đi vào dịp Thanksgiving thì không đi dịp Giáng Sinh, hay ngược lại. Có khi tôi cũng về vào mùa hè. Nhưng Tết Việt thì không khi nào, vì mình ăn Tết chứ Mỹ đâu có ăn Tết.
Lâu ngày mới có dịp mẹ con ngồi bên nhau làm bánh mứt cuối năm, vừa làm vừa tâm sự.
“Công việc ở sở mới thế nào, con? Hợp với con không? Có dễ chịu không? Có người Việt nào làm ở đó không? Sếp của con có tốt với con không?”
Má hỏi nhiều quá. Tôi chỉ cười nói gọn:
“Con má thông minh học việc nhanh làm việc gì cũng được hết đó má! Dĩ nhiên là ai cũng tốt với con.”
Tôi nghĩ thầm Má không cần biết tôi đã gặp lại ai. Rồi tôi huyên thuyên nói qua chuyện bánh mứt, hỏi làm như thế nào cho ngon. Nhưng má nói:
“Má rảnh thì má làm cho vui, con biết làm chi cho cực, con, ăn uống có bao nhiêu đâu.”
Rồi...
Chiều cuối năm, tôi vẫn còn ngồi nơi sở làm, bận rộn với đống giấy tờ. Nhân viên đã về hết rồi. Cảnh vật yên tĩnh. Chợt nghe tiếng chân, ngẩng đầu lên đã thấy Phong đứng trước cửa phòng. Chàng cười dặn dò:
“Đừng làm quá sức đó!”
“Đúng vậy! Cuối năm rồi, cũng nên về sớm, còn lo đưa bà già đi chùa. Tối nay là tối giao thừa.”
“Vậy là anh lại càng bậy nữa. Lại để em làm quên giờ về.”
Tôi đứng lên bước ra cửa, định kêu Phong cứ yên tâm về đi, tôi sẽ ngồi không lâu nữa đâu. Ai dè, Phong chờ tôi đến gần, chụp lấy tay tôi, nói ngay:
“Anh xin lỗi!...”
Tôi hiểu ngay là chàng muốn nói gì, tôi giựt tay lại:
“Vân không muốn nhớ chuyện cũ!”
“Xin em hiểu mấy năm nay anh vẫn nhớ thương em.”
“Nếu anh còn nhắc, thì Vân sẽ nghỉ việc. Tiền thất nghiệp thì hết được ăn rồi, nhưng Vân sẽ không đói.”
Mặt tôi phải nghiêm trang lắm vì chàng nói:
“Thôi! Vân cứ làm ở đây. Đừng nghỉ. Anh hứa không làm phiền em nữa, nếu em muốn vậy.”
Chàng buồn bã bỏ đi. Tôi bần thần trong người, nhìn theo bóng chàng xa dần và mất đi ở khúc quanh của dãy hành lang. Chần chừ nửa muốn đuổi theo, nửa muốn buông xuôi, mặc thế nào thì mặc.
Bây giờ ở nhà, nằm trên giường của mình, mắt nhìn lên trần nhà (không thấy một con thằn lằn nào làm chứng cho tình cảnh của tôi), tôi cứ nhớ lại cảm giác hốt hoảng của tôi và của Phong lúc ấy. Bất ngờ quá, tôi không thể dịu dàng hơn, cái câu trả lời đã được chuẩn bị từ lâu, đã nhập tâm tôi rồi, nó cứ tự nhiên nhảy bổ ra thôi. Và Phong cũng không ngờ tôi lại cứng rắn như vậy. Tôi gặp ánh mắt van xin của Phong kêu tôi đừng đi đâu cả. Tôi đã muốn ngã vào lòng Phong mà nói Em đã tha thứ cho anh, chúng ta hãy bắt đầu lại từ đầu. Nhưng tôi lại làm khác ý của tôi! Lời tuôn ra khỏi miệng rồi thì không kịp nuốt lại được!
Vắt tay trên trán, nghĩ tới nghĩ lui có ích gì!
Cũng chưa muộn mà. Chúng mình vẫn yêu nhau phải không? Tôi bắc phôn gọi cho Phong. Bên kia đầu dây reng những tiếng dài. Hồi lâu, mới có người trả lời:
“Anh Phong không có ở nhà. Anh vừa bị tai nạn xe cộ, còn nằm ở nhà thương (trong thoáng giây, tim tôi tưởng như ngừng đập). Chị là chị Vân hả? Ồ tưởng ai, mới nói vòng vo làm chị lo. Không sao đâu chị. Bác sĩ cho biết anh không có nguy hiểm gì đâu. Vết thương ở bên hông nhẹ thôi. Họ giữ lại qua đêm để theo dõi, chỉ chờ chụp hình coi cho chắc chắn.”
Tôi chạy vội xuống nhà, nói với má tôi là tôi phải vào bệnh viện ngay, để thăm Phong. Vắn tắt cho Má biết lý do. Má tôi ngạc nhiên lúc đầu, sau đó vui vẻ nói, đi đi, đừng lo chuyện phải đưa má đi chùa dự lễ giao thừa. Má cũng bận cúng kiến ở nhà rồi, má sẽ không quên xin Trời Phật phù hộ cho hai đứa bay.
Hình như bao nhiêu năm nay má tôi chỉ chờ đợi cái ngày này. Cái ngày đứa con gái út của bà có đôi lứa êm ấm đẹp đẽ.

Phong
Tôi không tin con mắt của mình. Tường Vân đến thăm tôi. Mọi việc xảy ra nhanh chóng quá. Mới hồi chiều đây, tôi tưởng như tất cả con đường đưa tôi đến gần nàng đều bị bít lối. Nàng không cho tôi nhắc tới chuyện cũ. Nàng cũng chẳng muốn nghe tôi nói tới chuyện tương lai. Chỉ hiện tại là chủ nhân ông với người làm việc thôi. Tôi phải nhớ vai vế như vậy thì nàng mới chịu ở lại làm việc. Tôi đành hứa với nàng như vậy vì sợ nàng bỏ đi lần nữa, hứa mà ruột gan tôi thì co thắt lại.
Nhưng tất cả đã là quá khứ rồi. Tôi đang ôm nàng trong lòng, nghe được nhịp tim của nhau. Hạnh phúc quá. Tôi sẽ không dại dột đánh mất đi lần nữa. Câu tôi nói, nàng đã nghe hồi chiều, nhưng bây giờ nói lại thì có ý nghĩa hơn, tôi thì thầm:
“Anh vẫn thương nhớ em.”
“Em biết. Em cũng vậy. Em cũng thương nhớ anh.”
Nước mắt của nàng nhỏ giọt lên mặt tôi, nóng hổi. Qua Xuân ấm áp mình sẽ làm đám cưới, em nhỉ, để anh buộc chân em lại, để em không dễ dàng bỏ anh đi xa được. Anh hứa sẽ không bao giờ làm em buồn nữa.
Nàng cười khúc khích:
“Buộc nhè nhẹ nha, buộc em bằng sợi chỉ hả? ....Người ta sẽ nói nhân viên mà đi lấy ông chủ, để leo nhanh lên...bước thang danh vọng, đó.”
Tôi xiết chặt lấy nàng:
“Ai nói gì mặc kệ, em sẽ là cánh tay mặt đắc lực của anh. Anh còn nhớ, ngày đó em đã ra trường với bằng tối ưu mà.”
Đang cuối đông mà đã thấy một mùa xuân hạnh phúc đón chờ trước mặt

2032

No comments:

Post a Comment