Bà yêu quý của đời tôi,
Những gì mong đợi rồi cũng tới. Năm mươi năm, bà ạ, con số tròn trĩnh như một chu kỳ. Có mấy người trong đời có thể có được ngày kỷ niệm hiếm hoi này? Chắc hiếm lắm phải không bà? Tôi rất hạnh phúc, vì giữa cõi đời phức tạp, bà và tôi đã cùng nhau gìn giữ để có ngày „Khánh Tuế“ hôm nay. Tôi không biết chữ Khánh Tuế mà các con chúng ta cho viết trên vuông lụa đỏ để tặng cho chúng ta, có đúng không? Thường thì chữ này chỉ dùng để chúc thọ, chúc mừng tuổi Hạ của chư vị Tôn Đức đạo trọng đức dày chốn Thiền môn. Song cậu cả Tuệ Sinh của chúng ta cứ cả quyết là cậu có lý, vì trước khi cho viết chữ ấy, cậu đã thỉnh ý Hoà Thượng Tâm Hạnh, Thầy Bổn Sư của cậu. Cậu kể Hoà Thượng dạy rằng: "Ông bà cụ nhà con, dù rằng chỉ thọ giới Bồ Tát, không chịu giới Sa Di hay Tỳ Kheo, song hai vị đã sống một cuộc đời đạo hạnh, sống đúng theo lời dậy của Đức Thích Tôn, làm người con Phật chân chính, phát tâm theo chí nguyện Đại Thừa, hành tâm Bồ Tát, trên cầu Trí Tuệ Phật, dưới tiếp tay bố thí Pháp và hoá độ chúng sinh. Không chểnh mảng trong việc thúc liễm thân tâm, noi gương tu tập tinh tấn như những thiền sư đã bước vào cửa Không chân chính. Hai ông bà cụ là thiện tri thức của nhau, cùng sách tấn nhau trên con đường đạo vị giữa dương thế ta bà. Tại sao không thể dùng chữ Khánh Tuế để mừng thọ ông bà chứ!?" Nghe cậu cả Tuệ Sinh thuật lời Hoà Thượng Tâm Hạnh như vậy, tôi vô cùng cảm động, song vẫn cảm thấy mình chưa hề một mảy may xứng đáng. Chúng ta chỉ là những phàm phu giữa cuộc đời. Nhìn những gương Thánh Đức của chư Lịch Đại Tổ Sư, chúng ta chẳng dám một phần nhỏ nhoi so sánh. Dẫu rằng đã lâu nay, cả bà và tôi đều chăm chỉ thực hiện sáu phẩm giá Thiền Môn là Lục Độ Ba La Mật. Chúng ta đã dùng tâm bố thí, vì của cải vật chất chỉ là giả huyễn, hơn nữa theo Bố Thí Ba La Mật thì không có người nhận bố thí và không có người bố thí. Đôi khi chúng ta còn vướng vào chữ công đức, tức còn có người cho người nhận. Phẩm hạnh tu hành này, chúng ta chưa ráo rốt. Chúng ta tu theo Tinh Tấn Ba La Mật, song nhiều lúc thân tâm chúng ta bất kham, tôi muốn ngủ thêm chút nữa, trước giờ công phu buổi sáng. Bà siêng năng hơn tôi. Vì khi tôi còn mơ màng trong chốn "mộng trung mộng hữu" thì đã nghe tiếng bà thỉnh khánh đánh chuông bên tịnh thất của bà. Nhiều khi tôi trì Chú Lăng Nghiêm mà tâm la đà về quá khứ, đến vị lai. Bà trì Chú Đại Bi nghe có tiếng Cam Lộ tuôn trào. Vì vậy trong Tinh Tấn Ba La Mật chỉ có bà thực hiện được phần nào, còn tôi thì còn mịt mù giải đãi lắm. Nhẫn Nhục Ba La Mật thì cũng chỉ là bà. Cái tính nóng như Trương Phi của tôi ngày trẻ nay đã bớt chút chút, song mới trở thành Trương Phì chứ chưa thể thành Hàn Tín.... Bà ơi, bà xứng đáng hơn tôi bà ạ. Bà biết đến Đạo, đến con đường giải thoát sau tôi. Nhưng bà tinh tấn, dũng mãnh và thực thi nhiều hơn tôi gấp bội. Tôi chỉ là học giả, còn bà là Hành Giả của Đạo Phật. Ngày bà mới đến bên tôi, bà đã tôn tôi làm „thầy dạy Đạo“ cho bà. Dù rằng thầy Bổn Sư của bà là vị cao tăng của thời đại. Ngài chỉ đứng sau Sư Phụ tôi một chút. Trí tuệ và Đức tu của Ngài tỏa sáng mười phương. Nhưng bà cứ thích hỏi tôi con đường vào Đạo. Bà bảo thỉnh ý của thầy Bổn Sư nhiều quá là ích kỷ, vì thầy còn phải dạy cho bao người khác nữa. Nào có phải mình bà là đệ tử? Bà cũng có lý, song bà có biết đâu tôi ngày ấy chỉ là một lý thuyết gia trong biển kiến thức của chư Phật. Tôi có học nhưng thiếu hành. Chỉ vẽ cho bà những môn Tuệ học cao siêu, song tự bản thân tôi chưa hề chứng nghiệm. Tôi khác biệt với chư Tôn Đức trong Thiền Môn là vậy. Có thể ở khía cạnh nào đó, vì được Sư Phụ tận tâm giáo huấn, tôi lượm lặt được chút ít kiến thức hơn một vài vị Sư thiếu may mắn. Song so về hành trì, tôi lại chỉ đáng là đệ tử sơ đẳng của một chú tiểu tại Chùa quê. Nhưng bà hỏi thì tôi nói, khi nào giảng Pháp cho bà, tôi cũng niêm hương trên bàn thờ Phật, cầu oai lực của chư Phật hộ trì cho tôi được ân sủng nói đúng theo Chánh Pháp. Vâng, bà đã hỏi tôi những câu hỏi từ rất giản đơn, đến rất cao siêu. Tôi nhớ mãi câu hỏi đầu tiên bà đặt ra: "Tại sao phải ăn chay?" Ồ dễ quá, tôi giảng cho bà 15 phút bà liền hiểu và phát tâm ăn chay mổi tháng 4 ngày. Câu kế tiếp bà hỏi: "Là thế nào để biết mình tu theo Chánh Pháp?" Tôi đã rụng rời, vì câu này nếu muốn giảng ra thì phải hết mấy ngày trời. Tôi có gắng giải thích cho bà bằng phương pháp quán chiếu "Vô Thường, Khổ, Vô Ngã" Vạn vật đều vô thường, đều giả hợp mà có, đều do thức biến mà sinh. Thọ thị khổ, vì có cảm thọ nên người ta thường có cảm giác lạc và khổ. Lạc qua nhanh, khổ còn đọng lại. Hãy cẩn thận đừng để lạc vào Pháp Môn "Phi Tưởng, Phi Phi Tưởng!" Còn Vô Ngã vì vạn Pháp vô ngã và ta tu đạo Bồ Đề phải cố gắng thoát khỏi cái tự ngã ràng buộc. Phải biết ứng dụng theo tinh thần "Ưng Vô Sở Trụ, Nhi Sinh Kỳ Tâm" của Kinh Kim Cương... Tôi giảng cho bà nghe nửa ngày, bà cũng mới ậm ừ, bỏ tôi ngồi đó mà đi nấu cơm. Ngày nay thì bà đã thấu triệt rồi, vì bà đã sống những năm sau này với tinh thần "gần như vô ngã." Nếu nhìn lại chuỗi ngày bà cố công tầm Đạo, hành trì, cũng như những thành quả bà đạt được, tôi thật hãnh diện vì bà. Tôi chẳng còn xứng đáng là vị "thầy" của bà nữa, vì nhiều phẩm hạnh bà đã vượt xa tôi.
Những năm qua, bà và tôi đã mang Đạo vào đời, mang đời vào Đạo. Tuy sống trong cảnh thế gian, nhưng chúng ta cố gắng cùng nhau tu tập. Ta mang tâm tỉnh thức vào đời để thấy mỗi phút hiện tại đều đáng sống, đều đích thực. Ta lại học theo tinh thần "một là tất cả, tất cả là một" để không phân biệt đối xử với tha nhân. Bà còn đi thêm một bước, học hạnh của "Thường Bất Kinh Bồ Tát" để có thể cung kính với tất cả mọi người xung quanh. Chúng ta đã dùng tịnh tài để cúng dường chư Tăng, làm công tác từ thiện giúp người nghèo, lập Học Viện đào tạo Tăng Tài, mở hội khuyến học, tạo các học bổng cho thanh thiếu niên hiếu học mà nghèo. Đúng vậy bà ạ, bà là người bạn đời, bạn Đạo của tôi. Đời tôi nếu kể đến những điểm đắc ý nhất, tôi phải nói đến bà, đến người vợ, người bạn, người tình, và người Thiện Tri Thức.
Trong buổi công phu chiều nay, tôi đã thắp một đỉnh trầm thơm, lắng lòng thiền định trước tôn tượng Đức Bổn Sư. Nhưng tâm tôi không tịnh như mọi hôm, tại vì quá nhiều điều trong quá khứ chợt trở về. Tôi thấy mình còn phàm tục quá, vì Bồ Đề Đạt Ma đã nói: "Tâm quá khứ đã qua, tâm vị lai chưa tới, tâm hiện tại không tìm thấy..." Vậy mà tôi vẫn để cho ký ức làm xao động tâm tư. Tôi vẫn muốn thốt lên lời cảm tạ bà! Nếu bà là tôi và tôi cũng là bà thì sao phải cảm tạ nhau cơ chứ? Tôi vẫn yêu bà hơn tất cả mọi người trên thế gian! Nếu tôi chứng ngộ, thì tôi đã yêu bà như tất cả mọi người và yêu mọi người như bà! Tôi vẫn mong lấy một cái hẹn với bà trong kiếp lai sinh, tiếp tục làm vợ chồng! Nếu tôi đã dứt thói phàm phu, thì sao không cầu mong bà ở vị trí khác, lại vẫn cầu bà làm vợ! Bà ơi, tôi còn phàm phu thật, song tôi nghĩ bà cũng hài lòng và hạnh phúc với cái chất phàm phu nơi tôi. Nếu không thì....
Tôi nghĩ bà đã rất hài lòng với Đám Cưới Vàng của chúng ta đêm qua. Dù rằng những bạn bè và tôn trưởng của chúng ta chẳng còn cùng ta tham dự như trong đám cưới bạc. Nhưng tôi vẫn thấy họ hiện hữu nơi đây. Nhìn lũ con cháu của chúng ta vây quanh, tôi đã thấy mình hoàn thành nhiệm vụ. Bà ơi, bà đã cười vui biết mấy. Bà là hiện thân của bà tiên dịu hiền, phúc hậu. Trong lúc bà ôm cháu Tôn Duyên, con út vợ chồng cậu ba Tuệ Học vào lòng mà hôn, tôi chợt nhớ đến Mẹ tôi quá. Ngày đám cưới vàng của Ba Mẹ tôi, thằng Tuệ Học cũng mới 6 tuổi như cháu Tôn Duyên bây giờ. Thời gian cứ qua đi như dòng sông. Cũng đến ngày nào đó những cặp vợ chồng con chúng ta làm Đám Cưới Vàng của chúng, chúng sẽ nhớ đến bà đến tôi, như tôi đang nghĩ đến những đấng Sinh Thành và Dưỡng Dục chúng ta bà ạ!
Dù rằng bà đã đọc những dòng tôi viết cho bà hai hôm nay, bà đã mắng khe khẽ vào tai tôi: "Ông già mất nết!" Nhưng tôi thấy những dòng lệ long lanh sung sướng nơi khoé mắt của bà. Tôi biết bà cảm động và sung sướng, nên tôi kết thúc lá thư bằng điệp khúc của "ông già mất nết":
ANH YEU EM
Chồng của Vợ
Mar 11, 2009
Đám Cưới Vàng
Subscribe to:
Post Comments (Atom)
No comments:
Post a Comment