๑ Chương 14: Nắm chặt tay, bên nhau mãi mãi[1] ๑
[1] Trích trong Kinh Thi, bài Kích cổ. (ND)
Ngẩng
đầu nhìn tàng cây rợp những hoa, năm năm tháng tháng hóa như cũ, hoa có
cười chê người đổi lòng? Nói cái gì hẹn biển thề non, chớp mắt đã tan
theo bọt nước.
Gần mười
người đàn bà xúm xít quanh một cái nong lớn, trong nong là mười mấy nắm
tằm giống màu sắc khác nhau, A Hành lần lượt nhặt từng loại lên giảng
giải.
“Những giống
tằm phổ biến nhất ở đại hoang là tằm dâu, tằm tạc, tằm thầu dầu, tằm
sắn, tằm dâu ngựa, tằm long não, tằm dẻ, tằm xư, tằm ô cựu, tằm liễu,
tằm hổ phách… Đa phần chỉ cần nghe tên là biết thức ăn chủ yếu của giống
tằm đó là gì. Các giống tằm khác nhau cũng có công dụng khác nhau, ví
như tằm thầu dầu không ươm được tơ nhưng có thể kéo lụa sống, còn loại
màu vàng kim này là tằm hổ phách, chuyên ăn lá cây kim, tơ dai mà lóng
lánh như hổ phách, có điều sản lượng rất thấp nên chỉ dùng dệt vải vóc
thượng đẳng thôi…”
Đám đàn bà nhặt tằm giống lên vừa phân biệt thật kỹ, vừa rì rầm trao đổi.
A Hành bước
tới manh chiếu trúc trải cạnh đó, khoanh chân ngồi xuống sàng lọc những
giống tằm láo nháo mà người làng thu thập được, đương lúc trời nóng bức,
nàng lại hao tâm tổn sức phân loại nên chẳng mấy chốc đã đổ mồ hôi đầy
đầu. A Hành đưa tay quệt mồ hôi trán, đang định kiếm miếng nước uống
chợt thấy một cốc nước đưa tới trước mặt.
Ngỡ rằng ai
đó trong số đàn bà kia đem đến cho mình, nàng thuận tay đón lấy uống một
hơi cạn sạch rồi cười nói: “Cảm ơn.” Nghiêng người đưa trả chiếc cốc
mới nhận ra là Thiếu Hạo.
Y đang ngồi xổm một bên tò mò nhìn nàng lựa tằm giống, còn đám người trong sân chẳng biết đã tản đi tự lúc nào.
“Chàng tới khi nào vậy? Sao chẳng gọi thiếp?” A Hành hết sức bất ngờ.
“Hôm nay
trong triều chẳng có việc gì nên ta ra mấy thôn làng bên ngoài đi dạo
nghe nói nhà nào nhà nấy đều có thể tới nhận tằm giống miễn phí, vừa
khéo tiện đường, ta liền tới thăm nàng, thấy nàng đang giảng giải cho
mấy phụ nữ kia có vẻ rất thú vị, ta bèn đứng ngoài lắng tai nghe, thật
chẳng ngờ con tằm giống bé xíu mà cũng chứa nhiều kiến thức đến thế.”
A Hành nhoẻn cười, cúi xuống tiếp tục sàng lọc.
Thiếu Hạo hỏi: “Nàng lấy đâu ra nhiều tiền thế?”
“Chàng quên
những thứ phụ vương và vương hậu thưởng cho thiếp rồi sao? Những vật
dụng chuyên dùng trong vương thất thiếp đều sai Bán Hạ cất đi, còn các
thứ khác chất đống trong kho cũng chỉ tổ bám bụi, chi bằng đem ra mướn
người thu thập những loại tằm láo nháo về gây nên tằm giống.”
“Hèn chi dân tình mười dặm tám làng quanh đây đều hết lời ca ngợi phụ vương, té ra là vì chuyện này.”
“Thiếp dùng những thứ phụ vương ban thưởng nên đương nhiên ân trạch này thuộc về phụ vương rồi.”
Thiếu Hạo khẽ nói: “Cảm ơn nàng.”
A Hành thấy
sắc mặt Thiếu Hạo u ám, tựa hồ vừa xảy ra chuyện gì đó không vui, nhưng y
đã không nói, nàng cũng chẳng tiện gặng hỏi, bèn trỏ mấy con tằm giống
trước mặt bảo, “Chàng giúp thiếp lựa giống tằm đi, cứ dùng linh lực kiểm
tra, nếu thấy trứng tằm tốt, nở đều thì giữ lại, nếu thấy không tốt tức
là không thể gây giống được, thì để thả lại ra đồng hoang.”
Thiếu Hạo
khoanh chân ngồi xuống cạnh A Hành, bắt đầu sàng lọc. Y sẵn có linh lực
cao cường nên tằm giống vừa qua tay đã tự động chia thành hai loại,
chẳng hề mất công nhọc sức. Ỷ lại Thiếu Hạo, A Hành trốn việc không làm
nữa, chỉ ngồi một bên vừa hóng mát vừa xem y làm.
Thiếu Hạo
lại hỏi nàng: “Hôn lễ của Xương Ý đã định vào mùa xuân sang năm, Thanh
Dương phái sứ giả tới xin phép phụ vương để sang năm đón nàng về Hiên
Viên dự lễ cưới Xương Ý đó.”
A Hành mừng rỡ, “Thế phụ vương nói sao?”
“Phụ vương nhận lời rồi, còn bảo ta về cùng với nàng để bái kiến nhạc phụ nhạc mẫu.”
Nghĩ tới hôn
lễ của Tứ ca, lại nghĩ tới việc mình được về nhà, A Hành vô cùng vui
sướng, nheo nheo mắt ngắm vầng dương rực rỡ trên đầu ngọn cây.
Hai người
làm thinh chẳng ai nói gì nên nghe rất rõ những âm thanh trong làng đưa
lại, nào là tiếng trâu kéo cày, tiếng trẻ con đùa giỡn đuổi nhau… A Hành
lại chạnh lòng nhớ tới Cửu Lê, giờ đang là tiết hoa đào nở rộ trong núi
Cửu Lê, Mễ Đóa và Kim Đan đã con đàn cháu đống rồi chăng? Họ vẫn ca
vang khúc sơn ca tỏ lòng mình với đối phương trong bóng hoàng hôn loang
rực mặt sông kia chứ?
Thiếu Hạo cất tiếng hỏi: “Nàng đang nghĩ gì thế?”
A Hành khẽ đáp: “Nếu vĩnh viễn không có chiến tranh, cứ bình yên thế này mãi thì hay quá.”
Thiếu Hạo dịu giọng an ủi, “Sẽ như thế, nhất định sẽ như thế mà.”
A Hành vờ bình thản hỏi: “Gần đây phía Thần Nông sao rồi?”
Thật ra điều
nàng muốn biết là Xi Vưu dạo này ra sao. Từ khi gả tới Cao Tân, hết bị
thám tử của Tuấn Đế dòm ngó lại bị thị nữ do Hoàng Đế phái tới vây
quanh, A Hành gần như bị cách ly với thế giới, chẳng nhận được chút tin
tức nào từ bên ngoài.
“Thú vị lắm.”
“Sao cơ?”
“Nhân lúc
Chúc Dung bận đi đánh ải Đồng Nhĩ, Xi Vưu đã tạo dựng một đội quân,
thoạt đầu chỉ có mấy chục người, toàn là đàn ông Cửu Lê tộc, Xi Vưu bèn
đăng bảng chiêu mộ dũng sĩ trên khắp Thần Nông, bất kể xuất thân sang
hèn, địa vị cao thấp, chỉ trong mấy tháng đã tuyển được năm trăm người.
Chúc Dung ngồi không vững ở ải Đồng Nhĩ nhưng Du Võng lại sai hắn giữ
ải, ngoài miệng nói là để thưởng cho hắn, bảo vệ chiến công của hắn,
thực tế là ngăn không cho hắn quay về cản trở việc của Xi Vưu, hiện giờ
Chúc Dung đang khốn đốn mà chẳng biết kêu ai.”
A Hành không
nhịn được cười: “Thật chẳng khác nào đem Chúc Dung đày ra biên ải,
chiêu hiểm thế này không giống chủ ý của Du Võng, ắt là ý của Xi Vưu
đây.”
Vẻ mặt Thiếu
Hạo nặng nề như chất chứa trùng trùng tâm sự, hồi lâu y mới nói khẽ:
“Vừa nãy ta bị phụ vương quở mắng trên đại điện.”
“Sao thế?”
“Nói ra thì dài dòng lắm, một lời không hết được.”
“Chàng cứ thong thả kể đi, thiếp rảnh rỗi mà.”
“Thần Nông
và Cao Tân đều là Thần tộc thượng cổ, duy trì dòng dõi rất khắt khe, mấy
vạn năm nay để giữ gìn lợi ích cho tộc mình, họ nghiêm cấm những kẻ
không cùng đẳng cấp kết hôn với nhau. Viêm Đế đời trước muốn cưới Viêm
Hậu xuất thân thấp kém cũng chật vật muôn vàn, sau cùng phải nói thác
rằng Viêm Hậu thuộc chi thứ của Xích Thủy thị mới có thể miễn cưỡng kết
hôn. Bởi đã nếm mùi đau khổ nên suốt thời gian tại vị, Viêm Đế luôn nỗ
lực phá bỏ quy định khắt khe về dòng dõi, có điều muốn cải cách một tập
tục đã mấy vạn năm nhất định phải máu chảy đầu rơi, mà Viêm Đế lại là
người nhân hậu, không nỡ lòng nào, bởi thế dù ông ta cố gắng đến mấy đi
chăng nữa cũng chỉ thay đổi được bề ngoài chứ không sao chạm tới gốc rễ.
Nhưng Xi Vưu thì khác, để đạt được mục đích, hắn chẳng ngại gì thây
phơi đầy nội, dưới tay hắn, ắt hẳn Thần Nông sẽ thay da đổi thịt. Hiên
Viên vốn khác hẳn hai nước chúng ta, nên khỏi cần nhắc tới.”
“Phải, Hiên
Viên không giống với hai nước kia.” Giọng điệu A Hành toát lên vẻ kiêu
ngạo, “Thiếp phát hiện phụ nữ Cao Tân khi bình phẩm về đàn ông chẳng
thèm đếm xỉa gì tới phẩm cách tài hoa của họ mà đầu tiên phải quan tâm
tới dòng dõi huyết thống trước đã, như thế chỉ những kẻ con nhà dòng
dõi, mang huyết thống cao quý mới đáng để kết hôn vậy, những lời đó
thoạt nghe chỉ là chuyện vãn khuê phòng, nhưng lại phản ánh rất nhiều
điều. Người Hiên Viên bọn thiếp tuy không tránh khỏi bị ảnh hưởng bởi
hai đại Thần tộc, nhưng phụ vương thiếp từng nói: “Thần tiên, con người
hay yêu quái trừ chủng tộc bất đồng còn lại đều bình đẳng, chẳng có gì
là cao quý hay đê tiện cả, thật hoang đường hết sức.” Dù là người hay
yêu quái, sự sang hèn của bản thân chỉ phụ thuộc vào chính những hành
động của mình mà thôi. Ở Hiên Viên, bất kể chàng thuộc Thần tộc, Nhân
tộc hay Yêu tộc, bất kể chàng sinh ra trong nhà quyền quý hay nghèo hèn,
chỉ cần có tài, chàng sẽ được mọi người kính trọng.”
Thiếu Hạo
nói: “Đến giờ Cao Tân vẫn chìm trong niềm tự mãn của một Thần tộc thượng
cổ chứ nào chịu nhìn nhận sự cổ hủ của mình, ngay phụ vương cũng đâu có
nhận ra Thần Nông đang chuyển mình mạnh mẽ, họ chỉ coi chuyện tranh đấu
giữa Chúc Dung và Xi Vưu như một cuộc chiến giành quyền lực mà thôi.
Hôm nay trên triều ta tâu rằng cuộc tranh đấu giữa Xi Vưu và Chúc Dung
thật ra là cuộc xung đột giữa hai giai tầng rồi thử đề xuất một vài cải
cách nhưng phụ vương rất không vui, nói lễ nghi tôn ti là gốc để lập
quốc, vậy mà ta lại dám nói càn đòi thay đổi.”
Những chuyện
này A Hành chẳng làm sao tháo gỡ giùm y được, nàng đành lựa lời khuyên
giải: “Chàng cứ từ từ, có những chuyện không thể nóng vội được đâu.”
Thiếu Hạo
thở dài: “Chỉ mong có thể khuyên phụ vương để ngài dần hiểu ra thôi! Nếu
Cao Tân cứ khư khư bảo thủ thế này thì sớm muộn sẽ mất nước. Có lúc ta
cũng thực ngưỡng mộ Xi Vưu, hắn muốn gì làm nấy, chẳng ngại gì cả.”
A Hành lặng thinh, đăm đắm trông vời xa xăm.
Lựa giống
tằm xong, Thiếu Hạo quay sang hành lễ với A Hành, “Vương tử phi nương
nương, ta làm xong rồi, chúng ta về nhà được chưa?”
A Hành cười đáp: “Về thôi.”
Cùng Thiếu
Hạo cưỡi Huyền điểu quay về, thầm nghĩ tới đám cưới sắp tới của Tứ ca, A
Hành sực nhớ ra phải chuẩn bị quà gặp mặt cho chị dâu tương lai.
Thấy nàng lặng yên không nói, Thiếu Hạo bèn hỏi: “Đang nghĩ gì thế?”
“Thiếp đang nghĩ xem nên tặng quà gì cho Tứ tẩu.”
“Nàng đã nghe ngóng xem Tứ tẩu thích gì chưa?”
“Thiếp chẳng
biết gì hết, tại cái tính của Tứ ca đó! Hỏi mười câu huynh ấy chỉ đáp
nửa câu, thiếp lải nhải bên tai huynh ấy cả ngày chỉ moi được mỗi chuyện
chị ấy là con nhà vọng tộc ở đó, họ Trọc Sơn.”
“Thần Nông
có Cửu Lê, Hiên Viên có Nhược Thủy, đều là những vùng dân tình thuần
phác mà dũng mãnh, chỉ nể trọng những kẻ anh hùng kiêu dũng, Tứ tẩu này
của nàng chẳng những xuất thân từ vọng tộc Trọc Sơn thị mà còn là nữ tộc
trưởng tương lai của Nhược Thủy nữa đó.”
“Hả? Tứ ca
định cưới nữ tộc trưởng Nhược Thủy?” A Hành trợn tròn mắt, “Thiếp cứ ngỡ
Tứ ca sẽ cưới một cô gái dịu dàng hiền thục kia, ai dè huynh ấy lại
thích nữ trung hào kiệt!”
Thiếu Hạo bật cười, “Nàng định tặng gì cho nữ anh hùng nào?”
A Hành nghĩ
ngợi một thoáng, chợt sáng mắt lên, nghiêng đầu nhìn Thiếu Hạo cười ranh
mãnh: “Xưa nay anh hùng chuộng danh khí! Món quà thích hợp nhất phải
làm phiền Thiếu Hạo điện hạ vang danh thiên hạ về nghề rèn rồi, có điều
nghe nói xưa nay y không rèn binh khí, chẳng hiểu y có chịu ra tay giúp
đỡ hay chăng?”
“Không phải y không chịu, nhưng…”
A Hành hồi hộp hỏi: “Nhưng sao?”
Thiếu Hạo
ngẩng đầu nhìn trời, làm bộ nghĩ ngợi một hồi, “Cũng chẳng có nhưng gì
cả, năm xưa lấy không bí quyết nấu Thư tửu của nàng, xem như là trả lễ
vậy! Có điều hơi gấp gáp, thời gian một năm thì chỉ rèn được chủy thủ
tùy thân thôi.”
A Hành thở
phào nhẹ nhõm, nàng xúc động lắc lắc cánh tay Thiếu Hạo, mừng rỡ hơn cả
khi y làm lợi cho mình: “Cảm ơn chàng, cảm ơn chàng, cảm ơn…”
Thiếu Hạo cười, “Huynh muội nàng y hệt nhau, lúc nào cũng chỉ chăm chăm muốn dâng cho đối phương những thứ tốt nhất trên đời.”
A Hành chẳng hề phủ nhận mà còn nhoẻn cười gật đầu, “Tứ ca là ca ca tốt nhất trên đời đó.”
“Thế còn Thanh Dương?”
A Hành tắt hẳn nụ cười, khẽ nói: “Đại ca giống phụ vương, đều lấy đại cuộc làm trọng.”
Thiếu Hạo định nói gì đó nhưng sau cùng chỉ gượng cười làm thinh.
Tối đến A
Hành ngồi ở giường, tấm áo đỏ rực đã gập vuông vắn đặt trên đầu gối.
Nàng vừa vuốt ve tấm áo vừa nhớ lại năm xưa trên Thần Nông sơn, Xi Vưu
bắt nàng hứa rằng mồng tám tháng Tư hàng năm sẽ gặp nhau dưới cội hoa
đào, nàng đã nói với hắn, miễn là năm nào hắn cũng mặc áo nàng may thì
nàng sẽ tới gặp. Trong lời nói đã có ý hẹn ước cả đời, Xi Vưu hiểu ý
nàng nên mừng rỡ khôn cùng.
Lúc sắp
thành hôn với Thiếu Hạo, bên cạnh nàng luôn có thị nữ giám sát, còn chỗ
Xi Vưu hắn cũng trùng trùng nguy cơ, bởi thế nàng không dám báo tin cho
hắn, lỡ bị phát hiện chẳng những sẽ liên lụy tới mẹ và Tứ ca mà còn có
thể đẩy Xi Vưu vào đường cùng nữa.
Có lẽ giờ
đây nàng và Thiếu Hạo thành hôn đã lâu, lại thêm tin tức bay về đều
khiến Hoàng Đế yên lòng nên ông dần nới lỏng vòng kiềm tỏa, đám thị nữ
cũng quen với việc nàng bận bịu chạy đi chạy lại, chẳng còn cảnh giác
như xưa.
Sáng mai
nàng định tới thôn trại Nhân tộc xem tằm, chắc có thể tìm cơ hội sai A
Tệ lén đem áo rời khỏi Cao Tân, đưa đến cho Xi Vưu, trông thấy áo, ắt Xi
Vưu sẽ hiểu nàng muốn nói gì. Dù xui xẻo rơi vào tay kẻ xấu đi nữa,
chúng cũng chỉ thấy một manh áo mà thôi.
Hai ngày
sau, A Hành dâng thư lên Tuấn Đế xin tới miền Bắc cực Cao Tân dạy dân
chăn tằm dệt lụa, vì đường sá xa xôi nên không thể ngày đi tối về Ngũ
Thần sơn được.
Thời gian
này, Tuấn Đế luôn để ý mọi hành vi của Hiên Viên Bạt trong dân gian,
đương nhiên cũng nghe thấy hết những lời tán tụng của muôn dân đối với
mình, so với một Thiếu Hạo thâm trầm tinh minh, ông còn thích nàng dâu
khéo trồng hoa nhổ cỏ, bình phẩm thư họa này hơn, liền vui vẻ chuẩn y
ngay.
Đám thị vệ
và thị nữ Cao Tân tộc theo Hiên Viên Bạt đi đi lại lại vô số làng mạc,
chưa từng có điều gì sơ suất, chỉ thấy vương tử phi hết lòng lo toan cho
trăm họ Cao Tân, đương nhiên cũng dần lơi lỏng cảnh giác.
Chập tối, A
Hành tạo ra một người gỗ thế vai mình đi ngủ thật sớm. Còn bản thân nàng
lại cùng A Tệ lẻn tới Cửu Lê, ngôi làng này rất gần Thần Nông quốc,
trăng vừa lên đến ngọn cây, nàng đã tới nơi.
Hoa đào trên
sườn núi rực rỡ đua tươi, ánh lửa trong sơn cốc sáng lòa cả mắt. Thanh
niên thiếu nữ đều quây quần dưới gốc đào, bên đống lửa, cao giọng hát
những khúc tình ca say lòng người.
A Hành đứng dưới cội đào lặng lẽ đợi.
Đợi mãi đến khi trăng tà bóng ngả vẫn chưa thấy Xi Vưu tới.
A Hành ôm lấy A Tệ hỏi nhỏ: “A Tệ, mày đem áo đưa cho hắn rồi chứ?”
“Gừ…” A Tệ gật đầu lia lịa, nhớn nhác ngóng trông.
Thấy vậy A Hành xoa đầu nó an ủi, “Đừng nôn nóng, hắn sẽ tới mà.” Nhưng thực tế lòng nàng còn chênh chao nôn nóng hơn ai hết.
Tựa vào A Tệ, A Hành vừa lẳng lặng nghe đám thanh niên thiếu nữ hát sơn ca, vừa đợi Xi Vưu.
Ngọn lửa dần lụi tắt, khúc ca dần bặt tiếng, chỉ có ngàn cội hoa đào trong sơn cốc vẫn rực rỡ huy hoàng, âm thầm mà nở rộ.
Xi Vưu vẫn không thấy tới.
A Hành ôm
lấy A Tệ, lòng đau như xé. Cao Tân cung đình quy củ ngặt nghèo, lần này
để tới gặp Xi Vưu, nàng đã phải chuẩn bị từ hơn nửa năm trước, mượn cớ
dạy muôn dân trồng dâu nuôi tằm xin Tuấn Đế đồng ý cho nàng xuất cung,
rồi lại giữ bổn phận từng ly từng tí nhằm đổi được lòng tin của Tuấn Đế,
vất vả cả nửa năm mới đổi được tự do một đêm, vậy mà Xi Vưu lại một lần
nữa thất hẹn.
Nàng đã
chuẩn bị bao điều để nói với hắn, nỗi bất lực của nàng, cơn giận của
nàng, cơn giận vì năm ngoái hắn đã thất hẹn, giận vì hắn không chịu tin
nàng, và mà hết thảy dự định ngọt ngào đều uổng phí, bao lời gan ruột
chẳng biết thổ lộ cùng ai.
Lại là bi thương, lại là phẫn nộ, nước mắt cứ thế lã chã rơi.
Đột nhiên
Liệt Dương hoan hỉ kêu quang quác, A Tệ vừa mừng rối rít vừa nhảy cẫng
lên. A Hành ngẩng đầu trông, liền thấy một bóng áo đỏ trong mây đang
phấp phới bay đến. Nàng vội nín khóc nhoẻn miệng cười, vừa cuống quýt
lau nước mắt vừa sửa lại búi tóc, quần áo, còn thấp thỏm hỏi A Tệ: “Thế
này đã được chưa? Có rối không?”
Cánh đại
bàng xẹt ngang trời như sao băng rồi đâm bổ xuống, nàng hồi hộp đứng
lặng, A Tệ mừng rỡ nhào đến, toan nhảy xổ vào lòng Xi Vưu như mọi bận,
đột nhiên nó khựng lại, hoang mang nhìn đại bàng.
Trên lưng
đại bàng chẳng có một ai, nó chỉ lượn quanh cội đào một vòng, thả manh
áo đỏ ngậm trong miệng xuống rồi đập cánh bay vút đi.
“Hu…u…u…” A Tệ kêu lên ai oán, bối rối vòng đi vòng lại quanh tấm áo.
Mặt A Hành
trắng bệch, nàng đã hứa chỉ cần hắn hàng năm đều mặc tấm áo này, nàng sẽ
tới gặp hắn, lần này nàng cố ý đưa áo tới nhưng hắn lại sai đại bàng
ngậm hồng bào quăng xuống dưới cội hoa đào, tỏ rõ rằng hắn sẽ không bao
giờ mặc nữa.
A Hành loạng choạng chạy tới nhặt tấm áo lên, thất thần ôm vào lòng, đờ đẫn.
Cánh đào rơi lả tả như mưa, chẳng mấy chốc, đầu nàng, vai nàng đỏ rực những hoa.
Nghe Liệt
Dương kêu lên quang quác, A Hành mới sực tỉnh, nhìn dáng vẻ lo lắng của A
Tệ và Liệt Dương, oan giận và bi thương đan xen dâng ngập lòng, nàng
liệng phắt tấm áo xuống đất ngươi đã chẳng cần, ta còn cần làm chi!
Nhưng tình cảm đã trao đi nào phải muốn quăng là quăng được, dù giận hắn oán hắn, hắn vẫn mãi ở trong tim nàng.
Ngẩng đầu
nhìn tàng cây rợp những hoa, năm năm tháng tháng hoa như cũ, hoa có cười
chê người đổi lòng? Nói cái gì hẹn biển thề non, chớp mắt đã tan theo
bọt nước.
A Hành phẫn
nộ đập một chưởng vào thân cây, lập tức hoa đào trên cành rào rào rụng
xuống như mưa, ngón tay nàng vẫn sờ thấy vô số chữ “Xi Vưu” vạch lên
thân cây năm ngoái, nếu hắn thấy những chữ này, lẽ nào chẳng hiểu cho
lòng nàng, tiếc rằng ngay cả đến đây, hắn cũng không buồn đến nữa.
Nàng rút
trâm ngọc, vạch bên cạnh mấy trăm chữ Xi Vưu kia một câu hoi đầy căm
giận, “Đã chẳng giữ lời, sao còn hứa hẹn?” Chưa viết hết câu, ngọc trâm
đã gãy đôi. A Hành cưỡi lên lưng A Tệ, chẳng nói chẳng rằng, chỉ vỗ vỗ
vào người nó, A Tệ hiểu ý nàng, lặng lẽ bay về Cao Tân.
Bấy giờ Xi
Vưu đang đứng chơi vơi trên sườn dốc chót vót gần Cửu Lê, tựa hồ chỉ cần
một cơn gió là rớt xuống. Hắn không khoác áo ngoài mà chỉ vận áo lót,
rõ ràng vừa cởi ra chưa lâu.
Khe núi dưới
chân hắn lô chô đá nhọn, um tùm cây cối, lại thêm một dòng suối róc
rách men theo sườn núi hai bên, quãng rộng quãng hẹp, nước suối lúc xiết
lúc chậm, sau cùng tụ lại thành đầm nước trong leo lẻo. Đang giữa mùa
hoa đào nở rộ, đôi bên khe núi đỏ rực những hoa, dưới ánh trăng bát ngát
hệt ráng chiều, như gấm lụa, đẹp tựa cõi mơ, gió vừa thổi qua, muôn
ngàn cánh hoa đã lả tả đổ xuống sơn cốc, phất phơ như tuyết.
Xi Vưu lặng lẽ ngắm nhìn cảnh tượng dưới chân, hồi lâu chẳng hề động đậy.
Đột nhiên
hắn như bừng tỉnh giấc mộng, vội ngoảnh đầu trông về phía Cửu Lê, thảng
thốt. Nàng đến rồi ư? Nàng đang đợi hắn ư? Nàng ân ái mặn nồng với Thiếu
Hạo như thế, sao còn vất vả giữ lời hẹn hoa đào gì nữa chứ?
Phân vân do dự một hồi, Xi Vưu cao giọng gọi: “Tiêu Dao!”
Đại bàng vừa đỗ xuống hắn đã vội vàng nhảy ngay lên, bay vụt về phía Cửu Lê.
Ánh trăng
tịch mịch rọi xuống khe núi rực sắc đào, gió đêm lành lạnh, dưới cội đào
nào thấy bóng ai, chỉ còn một manh áo đỏ tươi như máu bị quăng dưới
đất, cánh hoa rụng phủ dày, hiển nhiên nằm dưới đất đã lâu, xem ra từ
lúc Tiêu Dao quăng xuống cũng chẳng ai động tới.
Xi Vưu nhặt áo lên, ngước nhìn tàng hao cười nhạt, mấy lần nhấc tay định ném đi nhưng lại chẳng đành lòng.
Lát sau hắn ngửa mặt cười dài, nhảy lên lưng đại bàng bỏ đi thẳng.
Tháng Tư năm sau, khi sắc đào nhuộm đỏ khắp núi rừng, A Hành và Thiếu Hạo cùng về Hiên Viên dự hôn lễ của Xương Ý.
Trước khi
kết hôn, A Hành hầu như chẳng có cảm giác gì với ba chữ Hiên Viên tộc,
nhưng từ sau đám cưới, dù đi tới đâu, mọi người nhìn vào nàng, nhận xét
đầu tiên là người của Hiên Viên tộc, vì xuất thân Hiên Viên, có những kẻ
thuộc Thần tộc coi thường nàng, cũng có những kẻ Yêu tộc kính trọng
nàng, bấy giờ nàng mới thực sự hiểu ra ý nghĩa mà một dòng họ đại diện.
Nàng đã rời nhà rồi lại quay về vô số lần, nhưng trước giờ chưa bao giờ mừng rỡ vì được về nhà thế này.
A Hành vừa vào đến lãnh thổ Hiên Viên, nàng đã tươi cười reo lên: “Về tới nhà rồi!”
Thấy nàng
tươi tỉnh, A Tệ và Liệt Dương cũng vui lây, A Tệ vừa bay vừa kêu líu ríu
rất êm tai, khiến Huyền điểu tọa kỵ của Thiếu Hạo phải hoan hỷ cất
tiếng hót theo.
Thiếu Hạo
rớt lại sau mấy trượng, âm thầm nhìn theo A Hành đang hào hứng hoa chân
múa tay. Từ ngày gả tới Cao Tân, nàng luôn dè dặt thận trọng, từng cử
chỉ hành vi lời ăn tiếng nói đều nhất nhất tuân theo nghi lễ Cao Tân,
chưa từng được thoải mái tự do như hiện giờ.
A Tệ càng bay càng nhanh, thẳng một mạch đến Hiên Viên sơn, còn sớm hơn bọn họ dự tính nửa ngày.
A Hành định
cho cả nhà một bất ngờ, ai dè Thanh Dương tựa hồ cảm giác thấy bọn họ về
đến, đã đứng trước điện chờ sẵn. Trái lại, đám cung nữa quét tước trước
điện kinh ngạc khôn xiết, vội chạy như bay vào trong bẩm báo: “Vương cơ
về rồi! Vương cơ về rồi!”
Thiếu Hạo vừa bước xuống tọa kỵ, đã lên tiếng ghẹo Thanh Dương: “Mấy chục năm không gặp, nom tiểu đệ Thanh Dương vẫn như xưa.”
Thanh Dương thản nhiên cười: “Ở đây là Hiên Viên sơn, ngươi lại là con rể đến chơi, phải đổi cách xưng hô, gọi ta là Đại ca.”
Thiếu Hạo liếc A Hành cười nói: “Đợi chừng nào ngươi thắng được ta rồi tính!”
Thanh Dương đáp ngay: “Chọn ngày chẳng bằng gặp ngày!” Nói rồi chỉ vào rừng dâu, làm động tác mời.
“Được!” Thiếu Hạo thẳng thắn nhận lời, theo Thanh Dương về rừng dâu.
Chu Du hấp
tấp đuổi theo, càu nhàu, “Hai vị công tử đã đánh suốt ngàn năm nay rồi,
cứ gì mỗi lần gặp lại lôi nhau ra phân thắng bại chứ!”
Thiếu Hạo ngoảnh lại nhìn Chu Du, “Ngươi cứ chê khúc gỗ này ngu ngốc, nhưng ta thấy khá đấy chứ.”
Thanh Dương thoáng nét cười, “Ngốc lắm, rèn giũa mấy trăm năm vẫn ngốc đến kinh ngạc.”
Chu Du tức điên mà không dám lên tiếng, đành siết chặt tay lầm bầm: “Nô tì nghe thấy đấy, nô tỳ nghe thấy đấy…”
Thanh Dương
và Thiếu Hạo vừa cười nói vừa giăng cấm chế. Bàn tay Thanh Dương trắng
xóa những tuyết, từng đóa băng mẫu đơn ngưng kết quanh mình, cả rừng dâu
bỗng trở nên lạnh buốt. Thiếu Hạo cười cười đứng đó, vạt áo không gió
mà bay, nước từ dưới đất phụt lên quanh người, từng đóa hoa nước bắn
tung như những bông lan nở rộ.
Chu Du can ngăn không nổi đành quay sang cầu viện A Hành, “Vương cơ nói giùm một câu đi.”
Trông thấy mẹ và Tứ ca, A Hành lè lưỡi với Chu Du tỏ vẻ lực bất tòng tâm rồi chạy vụt về phía Luy Tổ, nhào vào lòng bà, “Mẹ!”
Luy Tổ tươi
cười ôm lấy nàng, A Hành tựa vào lòng mẹ, soi Xương Ý từ trên xuống
dưới, “Trông Tứ ca ra dáng chú rể ghê, chúc mừng huynh!”
Nhìn Xương Ý
đỏ mặt tía tai, A Hành phá lên cười khanh khách, đang định ghẹo thêm
thì Luy Tổ đã vỗ vỗ lưng nàng, “Hôm nay là ngày lành của Tứ ca con, đừng
bắt nạt nó nữa.”
A Hành nũng nịu, “Mẹ thiên vị quá, Tứ ca đã có Tứ tẩu chiều chuộng rồi mà mẹ vẫn thiên vị huynh ấy!”
Xương ý lườm nàng, “Lẽ nào Thiếu Hạo không chiều muội? Mọi người nghe được bao nhiêu chuyện về hai người rồi đó.”
A Hành gục mặt vào vai mẹ, gương mặt tắt hẳn nụ cười nhưng giọng nói vẫn nhí nhảnh, “Mẹ, Tứ ca bắt nạt con, mẹ giúp con với!”
Đột nhiên, những bông tuyết trắng xóa như lông ngỗng âm thầm trút xuống khiến Xương Ý ngơ ngác ngẩng lên.
A Hành trỏ vào rừng dâu, “Đại ca đang giao đấu với Thiếu Hạo, hy vọng cả hai đừng ai bị thương quá nặng.”
Luy Tổ mỉm
cười đưa tay hứng tuyết, đoạn quay sang dặn thị nữ theo sau: “Tuyết rơi
đúng lúc lắm, đợi lát nữa các ngươi đi hái ít dâu lạnh đi.”
Chu Du lẩm bẩm than, “Thật không biết là muốn thắng Thiếu Hạo hay muốn mượn lý do chính đáng để làm tuyết rơi nữa.”
Thiếu Hạo
cùng Thanh Dương ra khỏi rừng dâu, sắc mặt Thiếu Hạo tái nhợt, khóe môi
Thanh Dương ứa máu, hiển nhiên cả hai đều bị thương không nhẹ.
Chu Du cuống
quýt móc đơn dược trong người ra đưa cho Thanh Dương nhưng y chỉ xua
tay lạnh lùng, “Tục Mệnh đan của ngươi chẳng có tác dụng gì với ta đâu,
cứ giữ lại cho mình đi!”
Xương Ý liền
trêu: “Xem ra vẫn là Thiếu Hạo ca ca… à, Thiếu Hạo muội phu thắng rồi!”
Hiếm lắm mới có khi chòng ghẹo bắt nạt được Thiếu Hạo, Xương Ý chưa nói
dứt câu đã cười phá lên.
Thiếu Hạo
nghe nói cười cười, chẳng thừa nhận cũng chẳng phủ nhận, tiến lên mấy
bước quỳ xuống trước mặt Luy Tổ hành đại lễ, đổi giọng gọi bà là mẫu
hậu.
Luy Tổ nhận ba lạy của y rồi ra hiệu cho Xương Ý đỡ y dậy.
Xương Ý nói
với Thiếu Hạo: “Hồi nhỏ lần đầu tiên gọi Thiếu Hạo ca ca, ta đã ước giá
mà Thiếu Hạo là ca ca của mình thật, ngờ đâu hôm nay chúng ta lại thành
người một nhà thật rồi!”
Thiếu Hạo vẫn tươi cười như thường, nhưng ánh mắt thoáng vẻ hoảng hốt.
Luy Tổ một tay dắt A Hành, một tay dắt Xương Ý bước vào tẩm điện, Thanh Dương và Thiếu Hạo sánh vai đi sau.
A Hành cùng
Xương Ý vẫn chứng nào tật nấy, vừa đi vừa nói, vừa nói vừa cười, râm ran
cả lên. Xương Ý đấu võ mồm không lại A Hành còn định quay lại kêu Thiếu
Hạo đòi phân xử.
Thiếu Hạo
chỉ cười không nói gì, nụ cười từ khóe môi lan dần lên ánh mắt. Cung
đình Cao Tân lễ giáo nghiêm ngặt, y không có mẹ, cũng chẳng có huynh đệ
ruột rà, trong trí nhớ, từ nhỏ y đã phải để ý lời ăn tiếng nói từng chút
một, luôn luôn đề phòng để khỏi bị người ta hãm hại, xưa nay chưa bao
giờ làm con của một người mẹ, cũng chưa bao giờ làm huynh trưởng của các
em. Y cứ ngỡ rằng vương tộc chính là như vậy, nhưng lần này y mới cảm
nhận được, thì ra anh chị em với nhau có thể thoải mái nói cười, thuận
hòa vui vẻ thế này đây.
Đến giữa
Ngọ, nghe kẻ hầu vào bẩm đoàn đưa dâu đã tiếp cận Hiên Viên sơn, Xương Ý
cuống quýt lên, chân tay như thừa thãi cả, vừa đội mũ mặc áo vừa luôn
miệng hỏi Thiếu Hạo, “Hôm đó lúc đón A Hành về, đệ nói những gì?” Chẳng
đợi Thiếu Hạo trả lời, y lại nói tiếp: “Hôm đó hai người suôn sẻ hết mọi
bề, lỡ hôm nay có sự cố gì, ta phải làm sao đây?”
A Hành và
Thiếu Hạo đưa mắt nhìn nhau, Thiếu Hạo mỉm cười làm thinh còn A Hành
cười đáp: “Tứ ca yên tâm đi, nếu huynh không xử lý được thì Tứ tẩu sẽ xử
lý!”
Xương Ý lườm
A Hành rồi ngẩng lên trời lẩm nhẩm cầu khẩn: “Lạy trời cho mọi bề suôn
sẻ, mọi bề suôn sẻ!” Khấn xong vẫn chần chừ bất động, lại quay sang
Thanh Dương, “Đại ca, huynh cùng xuống núi với đệ nhé?” Gương mặt y đầy
vẻ nài nỉ, tội nghiệp vô cùng, hệt như hồi nhỏ mỗi khi có chuyện gì rắc
rối lại đi tìm Đại ca nhờ vả.
Thanh Dương
chịu hết nổi bèn đẩy thẳng Xương Ý vào xe mây, sốt ruột mắng, “Đệ đi
rước dâu chứ đâu phải đi đánh lộn, ta đi theo làm gì? Mau đi nghênh đón
cô dâu đi!”
Xương Ý vẫn bấu chặt tay áo Thanh Dương, căng thẳng nài nỉ: “Đại ca, huynh đợi đã, đệ còn muốn hỏi…”
“Hỏi cái gì
mà hỏi? Ta đã lấy vợ đâu mà biết!” Thanh Dương giật tay ra, một chưởng
quét qua lưng chim loan kéo xe mây, chim loan liền hót vang bay thẳng
xuống núi.
Xe mây tròng
trành nghiêng ngả rồi biến mất giữa biển mây, tiếng gọi của Xương Ý vẫn
văng vẳng lại: “Đại ca, Đại ca…” Thanh Dương bực bội cau mày.
A Hành cười
lăn cười bò với Thiếu Hạo: “Trong mắt Tứ ca, Đại ca cái gì cũng biết,
cái gì cũng giỏi, việc gì cũng phải tìm Đại ca.”
Thiếu Hạo
cười cười không đáp. Trên danh nghĩa, y có hơn hai mươi người em trai,
nhưng chẳng đứa nào coi y là Đại ca cả, y chỉ là hòn đá ngáng đường
chúng bước lên vương vị mà thôi. Nhìn Thanh Dương bực bội như vậy, nhưng
kỳ thực trong lòng hắn rất sung sướng. Cả hai đều hiểu, ở vị trí của
mình không thể tin tưởng bất kỳ ai, cũng chẳng có ai dám tin tưởng hai
người bọn họ, có được một người toàn tâm toàn ý tin cậy là chuyện chỉ có
thể gặp chứ chẳng thể cầu.
Đợi đoàn xe rước dâu của Xương Ý đi xa, Thanh Dương, Thiếu Hạo và A Hành mới thong thả xuống núi.
Thấy hai bên đường là hai hàng cây cao vút, thân đỏ sẫm, lá xanh biếc, A Hành tò mò hỏi: “Cây gì thế này?”
Chu Du đắc ý
cười khoe: “Trừ giống phù tang ở Thang cốc[2], trên đại hoang còn ba
loại thần mộc khác là nhược mộc, tầm mộc và kiến mộc. Đây chính là nhược
mộc nổi tiếng khắp nơi. Nhược mộc rời khỏi Nhược Thủy thì không thể ra
hoa, nhưng nô tỳ đã khiến bọn chúng nở hoa vào hôm nay đó.”
[2]
Thang cốc hay còn gọi là Dương cốc, theo truyền thuyết là nơi mặt trời
mọc. Theo Sơn Hải kinh, ở Thang cốc có loài cây phù tang, là như lá dâu,
còn gọi là phù mộc. (ND)
Dọc hai bên
đường bọn họ đi qua, nhược mộc nở hoa rực rỡ từ chân núi lên tận đỉnh,
từng đóa từng đóa hoa to bằng miệng chén đỏ chói, nhuộm thắm cả đất
trời.
A Hành ngây ra trước sắc đỏ rạng rỡ ấy, dưới biển hoa đở thắm kia, nàng nhìn thấy nổi lên một bóng áo đỏ rực còn chói mắt hơn.
Đặt cạnh vóc
dáng cao lớn, khoác tấm áo đỏ rực như máu của Xi Vưu, những cây nhược
mộc chót vót đều nhạt nhòa hẳn đi. Hắn chăm chú nhìn A Hành, vẻ mặt lạnh
lùng xa cách nhưng cặp mắt lại rực lên nóng bỏng, bao ánh nhìn là bấy
nhiêu khổ đau và khát vọng. A Hành cũng ngơ ngẩn nhìn hắn, nghe đau đớn
quặn lên trong lòng.
Xe mây đỗ
lại, Thanh Dương và Thiếu Hạo bước tới trước mặt Xi Vưu nói lời cảm tạ
bọn họ không quản đường sá xa xôi tới tham dự hôn lễ. A Hành sững sờ
nhận ra đây chẳng phải là ảo ảnh, Xi Vưu quả thật đang đứng dưới gốc
nhược mộc.
Chẳng ngờ
lần này lại gặp Xi Vưu ở đây, A Hành hoảng hốt, không dám nhìn về phía
hắn, cũng chẳng dám tiến lại, đành vờ chăm chú ngắm nhược mộc hoa.
Thấy Thanh Dương gọi nàng qua bên đó, A Hành biết mình trốn không nổi, đành cố định thần, tươi cười bước tới trước mặt bọn họ.
Có đông đủ
mọi người, Vân Tang không muốn vồn vã với A Hành nên chỉ trao đổi xã
giao mấy câu, giữ đúng lễ tiết vương tộc gặp nhau. A Hành cũng biết Vân
Tang nhiều mối lo âu, giờ đây nàng mới dần dà hiểu được giữa vương tộc
với nhau có bao nhiêu phức tạp. Chẳng phải Đại ca nàng và Thiếu Hạo
trước mặt mọi người vẫn khách sáo xã giao với nhau đó thôi, nghĩ vậy,
nàng cũng bày ra một nụ cười giả tạo che mắt quan khách.
Nào ngờ gã
Hậu Thổ lạ hoắc vừa gặp A Hành đã tỏ vẻ thân thiết vô cùng, khác hẳn
thái độ nhã nhặn kín đáo thường ngày, còn kéo cả Mộc Cận tới hành lễ với
A Hành, luôn miệng gọi “vương tử phi”, trái lại, Xi Vưu chỉ hờ hững vái
một cái: “Vương cơ dạo này ổn chứ?”
Mộc Cận ngỡ
Xi Vưu không hiểu lễ nghi nên lỡ lời, bèn nhắc khẽ: “Nữ tử đã thành hôn
sẽ xưng hô theo vai vế bên chồng, phải gọi là vương tử phi.”
Thanh Dương
và Thiếu Hạo hình như đều không nghe thấy gì, A Hành rung động, lo âu
cùng vui mừng dâng ngập cả lòng, nỗi oán hận đã vơi đi quá nửa, liền
đáp: “Mọi chuyện ổn cả.”
Xi Vưu cười
hỏi tiếp: “Chẳng biết những lúc vương cơ ân ái mặn nồng cùng Thiếu Hạo,
có khi nào chạnh lòng nhớ tới người xưa chăng?”
Mọi người
nghe nói đều tái mặt, may sao đúng lúc đó đoàn đưa dâu Nhược Thủy đến
nơi, hỷ nhạc rộ lên rộn rã, át cả câu hỏi của Xi Vưu.
Hai ả thị nữ
vén rèm xe, nữ tử áo đỏ rực ngồi ngay ngắn bên trong, dung mạo thanh
tú, mày mắt đoan trang, áo cưới nàng vận cũng chiết eo hẹp tay hệt như
phục trang cưỡi ngựa bắn cung, càng làm nổi bật vẻ hiên ngang hào sảng.
Hỷ nương đặt
một đầu dải lụa hồng vào tay tân nương, đầu kia do Xương Ý cầm, ra hiệu
cho tân nương đi theo Xương Ý. Chỉ cần xuống khỏi xe đưa dâu theo Xương
Ý lên xe loan, nàng đã trở thành con dâu của Hiên Viên.
Nào ngờ tân
nương nắm lấy dải lụa nhưng chẳng hề bước xuống, trái lại còn đứng lên
càng xe, ngạo nghễ đưa mắt nhìn chúng nhân bên dưới. Bị khí thế của nàng
chấn nhiếp, tiếng nói cười xôn xao chợt ngưng bặt.
Xương Ý đang
căng thẳng lo lắng nên vẫn chưa phát hiện ra, chỉ nắm chặt lấy dải lụa
hồng cắm cúi đi, đột nhiên dải lụa căng ra khiến y suýt chút ngã lăn
quay, bèn quay phắt lại, trông thấy tân nương đang ngạo nghễ đứng trên
xe, toàn thân hỷ phục rực rỡ lóa mắt.
Trọc Sơn
Xương Phó giơ tay làm hiệu, lập tức đoàn đưa dâu phía sau ngưng tấu
nhạc, cả đám người dũng mãnh như hổ báo đều ngẩng đầu ưỡn ngực, đứng
thẳng tắp nghiêm trang.
Đoàn rước
dâu của Hiên Viên thấy đối phương như vậy cũng từ từ ngưng tấu nhạc, một
trời rộn rã tiếng kèn sáo chợt trở nên tĩnh lặng trang nghiêm lạ
thường.
Trọc Sơn
Xương Phó cao giọng: “Hôm nay, Trọc Sơn Xương Phó của Nhược Thủy tộc ta
được gả cho Hiên Viên Xương Ý của Hiên Viên tộc, cảm ơn các vị chẳng
quản đường sá xa xôi tới tham dự hôn lễ, xin các vị làm chứng cho chúng
ta.”
Khách khứa khắp nơi đều dồn mắt về phía Trọc Sơn Xương Phó, không đoán ra nàng định làm gì.
Xương Phó
nhìn thẳng vào mắt Xương Ý, “Nữ nhi Nhược Thủy tộc bọn thiếp suốt đời
chung thủy với một chồng, đời này kiếp này thiếp nguyện theo chàng đến
răng long đầu bạc, chàng có bằng lòng cả đời chỉ có mình thiếp là vợ
không?”
Thế này là
muốn Xương Ý thề không nạp phi trước bàn dân thiên hạ, Thanh Dương biến
hẳn sắc mặt, định bước ra lên tiếng nhưng A Hành đã níu lấy tay y, ánh
mắt lộ vẻ khẩn cầu: “Đại ca!”
Thanh Dương
giật mạnh tay A Hành ra, bước tới trước mặt Xương Phó định lên tiếng,
nào ngờ Xương Ý đã định thần lại, chẳng chút do dự đáp ngay: “Ta bằng
lòng!”
Tiếng xôn xao rộ lên khắp nơi, Thanh Dương giận tím mặt, trừng mắt nhìn Xương Ý, ánh mắt vô cùng phức tạp.
Xương Phó
lại hỏi tiếp: “Tương lai thiếp trở thành tộc trưởng Nhược Thủy, người
trong tộc sẽ liều mình chiến đấu đến người cuối cùng vì thiếp, thiếp
cũng phải bảo vệ bọn họ đến hơi thở cuối cùng, nếu lấy thiếp, chàng phải
cùng thiếp bảo vệ cho nhược mộc của Nhược Thủy năm năm đều nở hoa,
chàng có bằng lòng không?”
Xương Ý mỉm
cười bình thản đáp: “Ta chỉ biết rằng từ nay về sau ta là phu quân của
nàng, ta sẽ dùng tính mạng mình để bảo vệ cho nàng.”
Xương Phó
nhoẻn miệng cười tươi tắn, hạnh phúc càng khiến nhan sắc của nàng thêm
rạng rỡ, còn đẹp hơn cả những đóa nhược mộc hoa đỏ thắm rợp trời kia.
Nàng nắm chặt dải lụa hồng bước xuống xe, chạy vụt tới trước mặt Xương
Ý, tươi cười tuyên bố với tộc nhân: “Từ nay về sau, Xương Phó sẽ chung
họa phúc, cùng sống chết với Xương Ý.”
Sau lưng
nàng, tất cả phụ nữ Nhược Thủy đều rộ lên hoan hô vang trời dậy đất. Còn
Hiên Viên tộc bên này thì ngượng ngùng im lặng, mọi người đều nhìn về
phía Thanh Dương, chẳng biết nên phản ứng ra sao.
Thấy A Hành
tươi cười cất tiếng hoan hô, Chu Du liếc trộm Thanh Dương đang tái mặt
vì giận rồi cũng ra sức vỗ tay, vừa vỗ tay vừa hoan hô theo A Hành, Hiên
Viên tộc thấy vương cơ như vậy mới rộ lên hoan hô cười nói, chẳng chút e
dè.
Nam nhi
Nhược Thủy thổi kèn, nữ nhi rung chuông Nhược Mộc Hoa, vừa ca hát vừa
nhảy múa, lại khiêng ra từng vò lớn rượu ngon, rót cho mỗi vị khách một
bát thật lớn. Mọi người cũng vui lây cùng những nàng con gái Nhược Thủy
chân thành thẳng thắn, tất cả nghi lễ ban đầu loạn hết lên, đành hùa
theo bọn họ nâng chén chúc mừng.
Xương Ý dắt
Xương Phó lại trước mặt Thanh Dương và A Hành, giới thiệu: “Đây là Đại
ca ta, đây là tiểu muội của ta, còn đây là muội phu Thiếu Hạo.”
Vừa nãy
trước bao nhiêu khách khứa đại hoang, Xương Phó hào sảng hiên ngang,
dõng dạc thẳng thắn nhường ấy, vậy mà lúc này lại đỏ mặt thẹn thùng, hồi
hộp hành lễ chào hỏi Thanh Dương, như sợ Thanh Dương ghét bỏ mình.
Thật lòng A
Hành rất thích vị Tứ tẩu này, vội rút ngay lễ vật đã chuẩn bị sẵn, hai
tay đưa cho Xương Phó, “Tẩu tẩu, thanh chủy thủ này là muội và Thiếu Hạo
rèn cho tẩu đấy.” A Hành vẽ kiểu, Thiếu Hạo dùng sắt Hàn sơn, nước
Thang cốc, lửa mặt trời, rèn suốt một năm mới xong.
“Là binh khí
do Cao Tân Thiếu Hạo rèn ư?” Đây quả là món quà mà mọi kẻ học võ đều
khao khát, Xương Phó không nén nổi kinh ngạc, liền nhận lấy xem thật kỹ.
Chuôi và vỏ đều bằng gỗ phù tang, bên trên khắc hoa văn nhược mộc hoa,
Xương Phó từ từ rút chủy thủ ra, thấy lưỡi dao lấp loáng như nước, soi
gương được. Nàng thích thú không rời tay, vội cảm ơn A Hành và Thiếu
Hạo.
Để đáp lễ,
nàng tháo chiếc vòng bằng nhược mộc trên tay xuống, đeo vào tay A Hành,
“Chiếc vòng này chỉ làm bằng gỗ thường, nhưng có khắc lời thề của nhi nữ
Nhược Thủy chúng ta trên đó, bất kể lúc nào muội có gặp khó khăn, nhi
nữ Nhược Thủy chúng ta sẽ đeo cung tên che chắn cho muội.”
A Hành ung dung hành lễ, “Đa tạ tẩu tẩu.”
Xương Ý đăm đăm nhìn thê tử, ánh mắt ngập tràn niềm vui cùng hạnh phúc khiến Xương Phó đỏ mặt cúi đầu, chẳng dám ngẩng lên.
Thấy tình
cảnh đó, Thanh Dương chỉ biết than thầm, bất lực bảo Xương Ý: “Nghi lễ
loạn hết lên rồi, thôi hai người lên núi luôn đi, phụ vương và mẫu hậu
đang ở Triêu Vân điện chờ bọn đệ tới dập đầu hành lễ đó.”
Chu Du vội gọi xe ngọc lại.
A Hành tiễn hai người lên xe rồi ngơ ngẩn trông theo, cỗ xe đã khuất sau làn mây mà vẫn chưa định thần lại được.
Bên tai chợt
vang lên tiếng Xi Vưu, “Cô rõ những ân ân ái ái như của bọn họ lắm nhỉ?
Duyên mới đã là châu là ngọc, tình xưa chỉ là mắt cá, còn đoái hoài tới
làm gì, sai A Tệ đến đưa áo làm chi?”
A Hành giật
thót người, vội lách mình né ra mấy bước mới kịp trấn tĩnh quay lại đáp:
“Ta cùng Thiếu Hạo tình đầu ý hợp, đầm ấm hạnh phúc, chẳng hiểu Đại
tướng quân đang nói gì nữa.”
Căm hận và
bất lực ngập đầy trong mắt Xi Vưu, hắn đau đớn thốt, “Cô không hiểu ta
coi cô là gì thật ư? Cô đúng là đồ ong bướm lả lơi, nhu nhược hèn nhát,
ích kỷ tàn nhẫn, vậy mà ta vẫn không sao quên nổi.”
Thấy Thanh
Dương và Thiếu Hạo đều đang nhìn mình, A Hành sầm mặt, “Có lẽ trước đây
ta đã làm gì đó khiến Đại tướng quân hiểu lầm, nhưng giờ ta đã là vương
tử phi của Cao Tân, xin ngài hãy tự trọng.” Dứt lời, nàng đi thẳng về
phía Thiếu Hạo, đứng bên cạnh y, bấy giờ Thanh Dương mới dời mắt đi nơi
khác.
Xi Vưu phá lên cười ha hả, vừa cười vừa bưng bát rượu lên tu ừng ực uống cạn.
A Hành nghe lòng lạnh buốt, đành ráng giữ nụ cười trên môi, đờ đẫn nhìn thẳng phía trước.
Thiếu nữ
Nhược Thủy bưng vò rượu tới chúc mừng, Thiếu Hạo liền đưa A Hành một
bát, “Nhược tửu của Nhược Thủy rất có phong vị riêng, nàng nếm thử xem.”
A Hành mỉm cười bưng lên uống, chỉ thấy đắng chát trong miệng, “Ừm, ngon lắm.”
Hậu Thổ bưng
hai bát rượu tiến lại, A Hành ngỡ gã định kính rượu trò chuyện với
Thiếu Hạo nên khéo léo tránh đi, nào ngờ gã bước tới đưa một bát cho
nàng, chăm chú nhìn nàng cười cười không nói, A Hành đành ngượng nghịu
cười đáp lễ, “Đa tạ Tướng quân” rồi ngửa cổ dốc cạn bát rượu.
Ánh mắt Hậu Thổ không giấu nổi thất vọng, “Vương tử phi không nhận ra tôi ư?”
A Hành sững
người, mấy năm nay, Hậu Thổ nổi danh ngang với Xi Vưu, đều là anh tài
mới nổi xuất sắc nhất Thần Nông tộc gần đây, đương nhiên nàng đã nghe
tiếng từ lâu nhưng mới chỉ gặp mặt một lần duy nhất lúc cùng Xi Vưu lên
Thần Nông sơn tìm Viêm Đế xin thuốc giải, đúng lúc gã phụng mệnh trấn
giữ Thần Nông sơn. Lần đó nàng lại dùng Trụ Nhan hoa thay đổi dung mạo
nên nói đúng ra A Hành đã gặp Hậu Thổ nhưng Hậu Thổ chưa từng gặp A
Hành. Có điều, vẻ thất vọng hằn rõ trong mắt gã khiến A Hành hơi cảm
động, toan hỏi rõ tại sao thì Xích điểu đã đậu xuống vai Hậu Thổ, thả
tấm thẻ ngọc nho nhỏ vào tay gã, Hậu Thổ liền nghiêm mặt, nhìn A Hành
định nói gì đó nhưng lại thôi, sau cùng chỉ hành lễ rồi vội vã đi khỏi.
Lòng A Hành
trăm mối ngổn ngang, lại chẳng bụng dạ nào mà nghĩ ngợi nhiều, bèn tìm
một góc yên tĩnh, ừng ực nốc Nhược tửu như uống nước.
Vân Tang
lặng lẽ tới gần nhưng thấy Chu Du đứng hầu bên A Hành, nàng chỉ cười nói
mấy lời khách sáo rồi quay mình định đi, nào ngờ A Hành bỗng níu lại,
“Không sao đâu, Chu Du là thị nữ của Đại ca muội, có thể tin được.” Đoạn
quay sang nửa năn nỉ, nửa ra lệnh cho Chu Du: “Tỷ tỷ tốt bụng ơi, muội
muốn nói riêng với Vân Tang mấy câu, tỷ canh chừng giùm bọn muội với.”
Trước khi
đi, Thanh Dương chỉ dặn Chu Du chông trừng A Hành, không được để A Hành
cùng Xi Vưu gặp riêng nhau chứ không dặn không cho A Hành cùng Vân Tang
nói chuyện riêng, nên Chu Du mau mắn nhận lời, bước sang một bên canh
chừng.
Vân Tang ngồi xuống cạnh A Hành, chăm chú nhìn nàng, “Nghe nói muội cùng Thiếu Hạo ân ái mặn nồng, keo sơn khăng khít?”
A Hành gượng cười, ngửa cổ ừng ực dốc cạn bát rượu.
Vân Tang
hiểu rõ ngọn ngành, chỉ biết thở dài, “Xương Phó thật đáng ngưỡng mộ! Có
thể tự do thoải mái, muốn yêu thì yêu, không chịu chung chồng cùng kẻ
khác liền buộc Tứ ca muội lập lời thề trước mặt mọi người. Tứ ca muội
cũng rất chân thành, biết rõ phụ vương muội sẽ nổi giận, vậy mà vẫn lập
lời thề không chút do dự.”
A Hành liếc
nàng, “Tỷ cần gì phải ngưỡng mộ người khác? Viêm Đế Du Võng là em trai
tỷ, đâu thể ép buộc được tỷ, nếu tỷ chịu hạ giá[3] thì Nặc Nại cũng
chẳng ngần ngại lập lời thề, suốt đời suốt kiếp ở bên tỷ.”
[3] Hạ
giá: chỉ việc công chúa (trong tác phẩm này là “vương cơ”) kết hôn với
người có địa vị thấp hơn mình, ví như tướng quân, quan lại…
“Nha đầu
chết tiệt, ăn nói càng lúc càng không ra thể thống gì cả.” Vân Tang đỏ
bừng mặt, trong vẻ ngượng ngùng lại toát lên bao ngọt ngào êm dịu không
lời.
Trông bộ
dạng Vân Tang, A Hành bật cười, xem ra lần trước Nặc Nại lên Thần Nông
sơn cũng chẳng uổng công, mọi hiềm khích giữa đôi bên đã hóa giải cả
rồi, “Chừng nào đến tỷ và Nặc Nại?”
“Chừng nào cái gì?” Vân Tang giả vờ không hiểu.
“Chừng nào
thành hôn đó! Tỷ là Trưởng vương cơ của Thần Nông, hạ giá lấy Nặc Nại
cũng có phần thiệt thòi, có điều đèn nhà ai nhà nấy rạng, cần gì quan
tâm kẻ khác nói gì, chỉ cần Nặc Nại kiên trì nhẫn nại, nhất định Thiếu
Hạo sẽ giúp y.”
Vân Tang gật
đầu, “Nặc Nại chẳng nhẫn nại thận trọng được thế đâu, y chưa từng coi
ta là vương cơ, chỉ cần ta đồng ý, y sẽ chính thức lên đỉnh Tử Kim cầu
hôn.”
“Vậy tại sao…”
“Du Võng là
đệ đệ ngoan của ta, chuyện gì nó cũng nghĩ cho ta, lẽ nào ta có thể ích
kỷ không nghĩ cho nó ư? Tính tình Du Võng muội biết rồi đấy, ngai vị này
nó ngồi chật vật vô cùng, bọn Chúc Dung lúc nào cũng chòng chọc nhìn
vào nó, hiện giờ Xi Vưu chưa đủ lông đủ cánh, chỉ có ta mới miễn cưỡng
trấn áp được chúng đôi phần, nếu bây giờ ta thành hôn, lại gả cho một
tướng quân ngoại tộc thì sẽ rất bất lợi cho Du Võng, nên ta đành nói Nặc
Nại đợi ta hai trăm năm. Hai trăm năm nữa, Xi Vưu đủ khả năng nắm giữ
quân đội Thần Nông, có hắn phụ tá Du Võng, ta mới có thể yên tâm xuất
giá.” Vân Tang cười, đoạn thở phào nhẹ nhõm, “Lúc đó ta cũng có thể thật
sự từ bỏ thân phận Trưởng vương cơ, làm một người phụ nữ bình thường,
kiến thức nông cạn, bụng dạ hẹp hòi, chỉ lo toan về gạo dầu mắm muối,
ngày ngày nấu canh bồi bổ cho chồng.”
A Hành vui
vẻ nói, “Chúc mừng tỷ tỷ! Bao năm nay tỷ đã phải nghĩ cho cha, cho muội
muội đệ đệ, cũng đến lúc nên nghĩ cho chính mình rồi.”
Vân Tang
cười hỏi lại: “Thế còn muội? Từ nhỏ muội đã ngang ngược quật cường, ta
chẳng tin muội chịu nghe phụ vương muội sắp xếp đâu.”
“Muội tự có
tính toán của mình.” A Hành rót hai bát rượu, đưa một bát cho Vân Tang,
“Tỷ thấy hôm nay Tứ ca muội hạnh phúc nhường nào rồi đấy, thuở nhỏ, bất
kể chuyện gì Tứ ca cũng nhường nhịn muội, bảo vệ cho muội, bây giờ muội
cũng nên nhường Tứ ca, bảo vệ Tứ ca để Tứ ca có thể yên ổn ở bên người
Tứ ca thật lòng yêu thương. Chỉ cần mẹ và Tứ ca được bình yên, dù có
thiệt thòi đến mấy muội cũng vẫn vui vẻ.”
Vân Tang lắc
đầu cảm thán, “A Hành, muội lớn thật rồi!” Nhưng tự đáy lòng, Vân Tang
lại mong mỏi A Hành có thể mãi mãi như khi trước xiết bao.
“Cạn!” A
Hành chạm bát với Vân Tang, Vân Tang vốn không thích uống rượu nhưng hôm
nay bất luận ra sao, nàng cũng phải uống cùng A Hành.
Hai người cứ
thế chuốc hết bát này sang bát khác, chẳng bao lâu Vân Tang đã say lăn
ra không biết trời trăng gì, để lại một mình A Hành tự rót tự uống, mãi
đến lúc mê man mất hết ý thức.
No comments:
Post a Comment