Hận đưa tay ôm đầu rồi lại bịt tai để khỏi nghe những tiếng quát tháo bên ngoài, nhưng những âm thanh lồng lộng vẫn không làm sao xua đuổi được: “Đồ mọi đen, mầy không chịu ra đây còn ở trong đó thì chết với tao!” Cuối cùng Hận cũng phải bước ra ngoài đón nhận những cái tát bỏng má, những cái cú đau điếng của chị Loan. Sau khi đánh được Hận, cơn giận của chị cũng nguôi ngoai phần nào, chị ra lệnh: “Lo ra cắt cỏ đi cho rồi, còn đứng đó nữa hả!”. Hận lủi thủi bước đi, hai tay che đầu mang vẻ nhẫn nhục vì sợ chị Loan giận bất tử.
Hận uể oải đẩy chiếc xe cắt cỏ nặng trịch, cũ mèm ra sân và cố sức kéo sợi dây cho máy nổ. Năm sáu lần máy mới ì ạch nổ lên vài tiếng rồi tắt ngấm, Hận đưa tay quẹt mồ hôi rồi lại kéo nữa, may mắn chỉ mới ba lần nữa máy mới nổ đều. Trời Florida oi bức, rít rát thật khó chịu, Hận đẩy xe cắt cỏ vòng ra sân và chăm chú làm việc dưới nắng gắt.
Khi Hận tạm nghỉ, dòng suy tư lại cuộn lên trong lòng: Chỉ mới ba tháng thôi mà cuộc đời của Hận đã sang một ngả rẽ khác. Nhớ lại khoảng một năm trước, còn chui rúc trong mái tranh nghèo với bố, mẹ và năm anh chị em, còn được tự do buôn bán vặt vãnh dẫu phải thức khuya dậy sớm, kiếm tiền giúp cho bố, mẹ. Theo những người quen kể lại trước kia mẹ của Hận làm lao công cho một cơ quan Mỹ ở Việt Nam, một buổi chiều chạng vạng tối, hết ca mẹ hấp tấp ra về, vừa đến một hẻm vắng mẹ bị một tên Mỹ đen say rượu lôi vào hẻm vắng hãm hiếp và sau đó thì Hận ra đời. Mẹ đã đặt tên Hận ngụ ý trút tất cả hận thù của mình cho tên lính Mỹ vô danh kia. Hận ra đời giữa sự ghét bỏ, khinh khi hoàn toàn của mọi người từ gia đình đến xã hội. Nhưng chỉ có riêng mẹ là Hận thấy được sự mâu thuẫn giữa tình thương và hận thù. Đã nhiều lần bị bố đánh oan vì thiên vị các anh chị của Hận, mẹ vội ôm Hận khóc rấm rứt, rồi khi nhìn kỹ mặt Hận mẹ lại xô nàng ra... Những lúc như thế tim Hận nhói buốt, nàng cảm thấy đau hơn cả những lằn roi rướm máu của bố. Nhưng rồi tình mẹ thương con bao giờ cũng vô bờ, vô bến. Mẹ âm thầm nuôi nấng Hận lớn lên cũng thành một thiếu nữ như ai, song mỗi lần soi gương thấy cặp môi hơi dày, đôi mắt trắng dã và đầu tóc xoắn tít thì Hận chỉ muốn đập phá hết gương trong nhà.
Khi Hận lớn khôn, mẹ bỏ ra một số vốn nho nhỏ để ngày ngày Hận cùng với hai chị lớn mở hàng giải khát ở ngay đầu ngõ. Có đồng ra, đồng vào trong gia đình vui vẻ hơn, bố cũng bớt gay gắt khá nhiều làm Hận cảm thấy vui sướng trong lòng.
Đến một hôm, Hận đang lúi húi đếm những trái chanh từ một chiếc cần xé lớn qua rỗ của mình ở vựa chanh của chủ thì có một bà khách hơi lớn tuổi, ăn mặc sang trọng nhưng đôi mắt hơi dữ, tự nhiên đến sát bên Hận khều tay Hận và bảo:
- Nầy cháu, cháu tới đây bác nói cháu nghe chuyện nầy, lẹ lên!
Hận ngơ ngác:
- Bác muốn hỏi gì?
- Đi tới đây rồi bác nói.
Hận không hiểu chuyện gì cũng trút ào rỗ chanh vào lại cần xé, quay qua nói với chủ vựa:
- Chút nữa tôi trở lui nghe bà!
rồi tất tả theo bà khách đi trước. Hận theo bà ta vào một tiệm hủ tiếu sát lề đường, trong lòng nàng bao nỗi thắc mắc dâng lên. Bà ta dịu dàng bảo:
- Cháu ăn mì nhé!
Không đợi Hận trả lời, bà ta ngoắc tay gọi người bồi bàn:
- Nè, cho tôi hai tô mì cọng nhỏ, hai ly nước chanh đi!
Hận chưa kịp hỏi, bà ta đã nói trước:
- Cháu muốn đi Mỹ không?
Đã từ lâu, Hận nghe rất nhiều người kể về những người giàu đi mua con Mỹ lai đen, trắng rồi làm giấy tờ để họ được đi theo; nay bà khách vừa hỏi thì Hận hiểu ngay. Sau khi ăn uống xong, bà khách cho Hận 100$ hấp tấp bảo Hận về nhà thử hỏi ý kiến bố mẹ xem sao. Nàng lưỡng lự nhưng rồi cuối cùng chấp thuận vì Hận nhớ có lần mẹ đề cập đến vấn đề nầy và ao ước ước Hận được đi Mỹ để gia đình đỡ khổ hơn. Cuộc gặp gỡ chớp nhoáng có lẽ của định mệnh và đưa đến kết quả ngoài sự dự đoán của Hận. Nghe nàng kể lại mẹ thì ngần ngừ nhưng nhìn sự hớn hở của bố cùng các anh chị em của Hận khi nghe bà khách trả giá 3 lượng, Hận đành chấp nhận số phận. “Ba lượng vàng cả nhà ra sức kéo cày cả đời cũng không có “, Hận thầm nghĩ... Từ đó, cứ vài hôm bà ta lại đến dẫn Hận đi lo giấy tờ và đều đem theo cá thịt, có khi sắm cả quần áo cho Hận và bảo nàng gọi bằng mẹ. Cả nhà vui nhộn hẳn lên trước sự sung túc nầy khiến cho Hận cảm thấy niềm an ủi; bù lại những ngày bị đòn vọt, hất hủi.
Không rõ bà Linh, tên bà ấy chạy chọt cách nào mà chỉ 8 tháng sau là bà ta đến dẫn Hận đi. Hận từ biệt gia đình trước nỗi đau khổ, dày vò của mẹ và các anh chị em quây quần nắm tay quyến luyến. Bố quay nhìn chỗ khác rồi bảo “Thôi con đi, qua đó cố gắng thường xuyên viết thư về cho gia đình!” Hận đi trong nước mắt của chia ly, buồn tủi.
Chuyến máy bay đã đem Hận sang một chân trời mới lạ. Hận về nhà mẹ nuôi với hai người chị xinh đẹp sang trọng nhưng vô cùng kênh kiệu, độc ác. Bây giờ Hận mới hiểu ra họ chỉ mua Hận với mục đích làm phương tiện cho họ ra đi chứ không có một chút tình người. Họ bắt đầu kể lể những tốn kém đã đem đến cho gia đình Hận và họ cho biết sẽ đòi lại qua thân phận tôi tớ của Hận. Thế là Hận trở thành con tin của họ.
Đau khổ hơn hết là hai chị em Loan, Phượng trẻ đẹp mà tiếng Mỹ lại lưu loát, mỗi khi người bảo trợ đến chẳng rõ hai chị nói điều gì mà họ thường nhìn Hận với cái nhìn mất thiện cảm. Thậm chí Hận đọc được cả sự ghét bỏ trong ánh mắt họ nữa...
Máy cắt cỏ ngừng nổ, cắt đứt dòng tư tưởng và cuốn phim đời, nàng đẩy máy vào bóng râm, châm thêm dầu rồi tiếp tục công việc.
Hôm nay sinh nhựt con trai người bảo trợ, cả gia đình được mời đến dự, Hận cũng được diện một bộ đồ mới ngồi ngoài hiên chờ xe, thì Loan sai lấy nước và Phượng sai lấy giẻ lau đôi giầy bụi bám. Rồi tiếng the thé của mẹ nuôi bảo tắt điện, đóng cửa... Hận xoay tới xoay lui muốn té xỉu.
Lúc xe vừa đậu, cả nhà ào chen lên, Hận rụt rè lên sau chót. Xe nhỏ, nàng lại ngồi sát bên chị Phượng khiến chị cứ né sang bên kia và đưa tay bịt mũi như Hận hôi hám lắm khiến cho hai đứa bé ngồi băng trước tò mò nhìn rồi cười rúc rích làm Hận vô cùng tủi thân. Hai tay bấu chặt vào mép ghế và nàng cố xích ra sát cánh cửa hơn. Hận tức tối mình không biết tiếng Mỹ để nói bao nỗi niềm cho người bảo trợ hiểu rõ hoàn cảnh và tâm sự của mình.
Cả nhà đến nơi thì mọ
i người đã đông đủ, tiếng nhạc du dương, mời gọi... Hận chóa mắt trước sự lộng lẫy của căn nhà. Giờ ăn đến, Hận cũng nối đuôi sắp hàng cầm dĩa lấy thức ăn bày biện thực đẹp mắt nhưng Hận ăn không được một món nào ngoài cánh gà chiên. Ăn xong, họ tụ lại nói chuyện. Hận vô cùng buồn tủi vì lạc loài: ”Biết nói mà không nói được, tai nghe được lại chẳng hiểu họ nói gì!” Bỗng sau khi vài lời nói của con trai người bảo trợ, khách khứa vỗ tay rầm rầm, rồi thì tiếng ghế xô đẩy. Sau cùng Hận hiểu ra họ dẹp chỗ để nhảy đầm. Đèn được tắt bớt, một khung cảnh mờ ảo hiện ra .... Tiếng nhạc xập xình, từng cặp kéo nhau ra sàn. Chị Loan được con ông bảo trợ mời nhảy trước tiên, rồi đến chị Phượng và ông bảo trợ đến mời mẹ nuôi... Hận ngồi coi cảm thấy cô đơn lạc lõng trước từng cặp dìu nhau tình tứ, âu yếm. Trong lòng Hận cũng nổi lên những khát khao, thèm muốn... Nàng thầm hỏi tại sao cũng một kiếp người mà ta lại hẩm hiu thế này? Trong bóng tối mắt Hận càng mờ đi... Những giọt lệ nóng bỏng âm thầm rơi rớt...Hận nghe đâu đây lời của mẹ đã nói với mình “Con ạ, cái nết đánh chết cái đẹp. Tuy con không đẹp nhưng con nết na thế nầy mẹ tin chắc rồi con sẽ có một tấm chồng xứng đáng!” Lệ rơi bao nhiêu, lòng càng nghe chua chát bấy nhiêu theo lời của mẹ. Lần đầu tiên Hận bừng lên oán mẹ: Tại sao mẹ không cho Hận được chết đi từ trong trứng nước để cho đời Hận bớt đi đau khổ triền miên?
Cuộc đời buồn thảm của Hận cứ theo ngày tháng qua đi... cứ cuối tuần theo gia đình mẹ nuôi đến nhà thờ dự lễ và làm những công tác từ thiện khác. Tấm lòng khoan dung và nhẫn nại của Hận dần dần mọi người trong nhà thờ thấy được và họ thay đổi cách cư xử với nàng. Rồi cuối năm đó hai chị Loan, Phượng lên xe hoa về nhà chồng... Hận vẫn ở lại với mẹ nuôi, tấm lòng hiếu thảo của Hận đã cảm hóa được bà và bà đã thực sự thương yêu Hận hơn kể từ khi hai người con gái ruột theo chồng...
Chiều nay, ngồi giữa đám trẻ em trong nhà thờ Hận tận tâm chỉ dẫn cho các em tô màu trong lúc bố mẹ các em còn đang dự lễ. Lòng Hận rộn lên một niềm vui. Nàng đưa mắt nhìn lên cây thánh giá và thầm cám ơn Chúa đã cho nàng niềm hạnh phúc hôm nay...
May 20, 2006
THÂN PHẬN
Labels:
Ái Khanh,
TruyenNgan
Subscribe to:
Post Comments (Atom)
No comments:
Post a Comment