Mar 2, 2007

Về Nơi Mù Sương





Ngày xưa, ở tỉnh Sơn Tây, có người thợ săn tên là Dã Tràng thường ngày vào rừng săn bắn, hay đi qua một cái hang rắn, trong đó có một con đực và một con cái mình đen lốm đốm trắng. Một hôm, anh ta thấy con rắn cái lột xác, thì con rắn đực săn sóc, đi tìm mồi về cho.

Lần sau, anh ta thấy con rắn đực lột xác thì con rắn cái không ở nhà trông nom, lại đi với một con rắn đực khác. Anh ta giận con rắn cái lang chạ, mới giương cung bắn chết. Con rắn đực đã khỏe, đợi không thấy vợ về mới đi tìm, thì thấy chết ở ngoài rừng, trên mình mang một mũi tên, xem biết là của Dã Tràng, mới bò đến nhà anh ta cắn để trả thù. Con rắn chồng còn đang nằm rình trên mái nhà thì nghe Dã Tràng nói với vợ rằng:
"Hôm nay tôi đi săn gặp một chuyện buồn cười về loài rắn: Con cái lột xác thì con đực trông nom, kiếm mồi về cho, còn đến khi con đực lột xác thì con cái bò đi với con đực khác. Thấy thế tôi tức mình bắn chết con cái..."

Rắn đực nghe thấy thế, biết vợ mình chết là đáng tội, không báo thù nữa, bỏ đi. Hôm sau, Dã Tràng thấy một con rắn đến nhả cho mình một viên ngọc sáng lòa trong bóng tối.

Dã Tràng nghe nói là có ngọc rắn thì nghe hiểu biết được tiếng loài vật, sáng hôm sau mới bỏ vào miệng ngậm đi săn. Vừa đến rừng, anh đã nghe tiếng chim quạ nói với nhau trên cây:
"Phía đàng đông, cách đây một dặm, có con nai bị thương, có ai thấy không?"
Dã Tràng nghe theo lời quạ đi đến nơi, quả nhiên thấy một con nai vàng đang hấp hối, liền giết thịt con mồi. Con quạ bay theo nói:
"Cho tôi bộ lòng! Cho tôi bộ lòng!"
Dã Tràng lấy bộ lòng nai đền ơn mách bảo cho quạ. Hôm sau, Dã Tràng trở vào rừng, quạ lại chỉ nơi cho anh tìm mồi, rồi cứ thế mà ngày nào anh cũng đem về nhà được rất nhiều thịt rừng. Dã Tràng và quạ thành đôi bạn liên minh, và anh không quên mỗi lần dành cho quạ bộ đồ lòng của con thú săn được.

Một hôm, phần thịt để cho quạ bị chó rừng đến trước tha mất, quạ tưởng Dã Tràng đã quên công mình mới bay đến nhà để trách đòi. Dã Tràng bảo có, quạ bảo không, rồi đôi bên cãi nhau to tiếng. Thấy quạ nói hỗn, Dã Tràng liền lấy cung bắn, trong lúc giận nên bắn trượt. Quạ mới bay theo cắp mũi tên rơi, kêu lớn:
"Ta báo thù! Ta báo thù!"

Vài hôm sau, có lệnh trên bắt Dã Tràng hạ ngục. Người ta vừa thấy một thây ma trôi sông trên bụng có ghim một mũi tên khắc họ tên của Dã Tràng. Anh ta biết ngay là quạ trả thù mình, hết sức kêu oan song vẫn bị tống giam.

Ở trong ngục, anh nghe lũ chim sẻ đậu trên mái ngói nhà tù nói với nhau rằng có nhiều kho lúa nhà vua không giữ cẩn thận đã bị chim kéo đến ăn sạch. Dã Tràng bèn xin gặp viên quan coi ngục để kể lại việc này. Ban đầu ông quan không tin, song đến khi nghe nói các lẫm lúa trong hoàng cung mất sạch mới biết là Dã Tràng đã nói đúng.

Sau đó, Dã Tràng nghe lũ kiến bảo nhau là sắp có lụt to, anh liền đem chuyện này thưa với viên quan coi ngục. Lần này viên quan vội vã tâu lên vua để tìm cách đề phòng thiên tai. Ba hôm sau, quả nhiên mưa to gió lớn, nước sông dâng lên tràn ngập khắp nơi.

Vua cho đòi Dã Tràng đến, anh ta cứ thực tình kể lại đầu đuôi, từ việc rắn cho ngọc đến việc quạ báo thù, và dâng viên ngọc rắn lên vua xem. Vua mượn viên ngọc để thử, thì nghe được tiếng chim ở vườn ngự uyển chuyện trò với nhau, lấy làm thích thú lắm, phong tước cho Dã Tràng và giữ lại bên mình. Từ ngày có viên ngọc, vua mải mê đi khắp nơi để nghe tiếng nói của các loài chim muông đủ mọi giống bay trên trời, bò chạy dưới đất. Dã Tràng nhờ thế mà sống được một quãng đời an nhàn, vui thú.

Ban đầu, vua say mê tìm nghe loài vật chuyện trò, nhận thấy chúng cũng chẳng khác gì loài người, cũng có những ham muốn, những khốn khổ, những vô lý như người ta, nên rồi vua cũng đâm chán.

Một hôm, vua muốn nghe tiếng nói của các loài ở dưới nước, mới ngự thuyền rồng ra biển, có Dã Tràng cùng đi theo. Các giống thủy tộc cũng như các loài ở trên đất, thường nói năng chẳng nghĩa lý gì hoặc chỉ nói để làm hại lẫn nhau.

Một buổi trưa, vua thấy một con cá mực bơi theo thuyền rồng mà hát khúc ca ngợi các làn mây trôi trên biển trời xanh. Trông con mực uốn éo ca những lời đẹp đẽ, vua bật cười làm rơi viên ngọc xuống biển.

Dã Tràng cuống cuồng tuyệt vọng, nhà vua cũng chặc lưỡi tiếc uổng. Các tay bơi lội giỏi trong nước lập tức được gọi đến để mò viên ngọc dưới đáy biển, nhưng đều uổng công. Dã Tràng thấy không tìm lại được viên ngọc, bỏ ăn, bỏ ngủ, ngày đêm ngơ ngẩn như kẻ mất hồn, nảy ra ý muốn lấp biển để tìm của quý. Anh ta mượn cả ngàn người xe cát đổ xuống biển sâu. Lúc đầu vua còn tội nghiệp để làm song thấy công việc ngông cuồng của Dã Tràng kéo dài vô ích nên bỏ mặc anh ta.

Còn lại một mình, Dã Tràng ngày đêm ra sức gánh cát lấp biển để tìm lại ngọc, cho đến khi buồn rầu kiệt sức lăn ra chết.

Sau đó, người ta thấy hiện ra ở bãi biển một giống cua nhỏ ngày đêm cứ xe cát hết hòn này đến hòn nọ, bị sóng dạt vào cuốn đi, lại đào lại xe. Cứ thế mà liên miên theo với sóng biển ngàn đời không dứt.

Người ta cho rằng Dã Tràng đã đầu thai hóa kiếp làm loài cua nhỏ ấy cố ngày đêm ra công lấp biển để tìm lại viên ngọc đã mất, mới đặt tên giống cua này là Dã Tràng. Trong dân gian ngày nay còn để lại câu hát để nhắc nhở đến việc ấy:
Dã Tràng xe cát bể đông,
Nhọc mình mà chẳng nên công cán gì.
1206

No comments:

Post a Comment