Mar 14, 2007

Lối Rẽ Khiêm Nhường



Lối Rẽ Khiêm Nhường


     Có rất nhiều lối rẽ trên đường đời, mà con người, khi đã đi đủ dài để ngoái lại, có thể không sao nhớ hết.

      Tết năm ấy trời rét đậm. Thằng Trình rủ tôi ra sông xem cá đớp mồi. Trường cấp hai của chúng tôi nằm trên bãi bồi của con sông Bùi. Cứ đến vụ rét là sông Bùi bé tí lại. Lũ trẻ con chạy qua chạy lại trên bãi sông hò hét mà người lớn cấm có để ý. Đôi ba năm lại có đứa sảy chân vào chỗ cát xoáy dưới lòng nước mà chết. Người lớn bảo nó đến số.

      Tôi mặc chiếc áo len màu đen, mẹ tôi chắp nối từ các loại len vụn rồi nối lại, rồi đem nhuộm đen. Mẹ ngồi đan trước Tết hai tháng là xong, Mùng một Tết, tôi có áo mới để diện. Tôi mặc đi ra sông theo thằng Trình. Nó nhìn tôi rồi nhìn xuống sông, nói câu bâng quơ:

      - Con gái chưa lớn đã thích màu đen.

      Thằng Trình mặc áo đại cán màu xanh công nhân của bố mới thải cho, chiếc quần tây cũng màu xanh công nhân. Nom nó giống người ở Công ty gang-thép. Nhưng nhà nó lại buôn gạo. Cả trường tôi, từ thầy cô giáo đến học sinh đều ghét bọn buôn gạo. Đó là giai cấp bóc lột, không thể sánh ngang tầm với nông dân và công nhân nông trường trồng cam của chúng tôi. Trong khi gạo phải phân phối từng cân từng lạng cho mỗi khẩu ăn theo đúng tiêu chuẩn quy định của Nhà nước thì gạo nhà thằng Trình luôn được cất giấu trong buồng. Đôi ba lần tôi ngồi ăn cơm nguội cùng nó. Cơm nguội mà vẫn thơm phức. Chỉ cần rưới vài muỗng tương là có thể đánh bay hết một bát sắt. Tôi ghét bọn buôn bán tư thương, nhưng lại thích chơi với thằng Trình. Vì sao tôi không biết.

      Nước sông năm ấy cạn lắm. Những chùm gai xấu hổ mọc lan cả xuống mép nước. Cá nhô lên đớp mồi đặc cả khúc sông. Trình đặt lưới xuống, thả thính chờ một lúc rồi vớt lên vô khối. Tôi cũng vớt được vài lưới đầy cá cơm với mấy con trắm cỏ đang lớn. Chúng tôi nổi lửa trên bờ sông nướng cá. Bữa tiệc kéo dài tới tận khi trời sập tối.

      Tôi nhìn lên bầu trời, ước:

      - Ước gì có một ông Bụt thật để tớ chôn những bộ xương cá này xuống cát.

      Thằng Trình cười:

      - Con gái hay nhỉ, chỉ thích quần áo đẹp. Không biết con trai cóc cần để ý quần áo.

      Tôi cãi:

      - Bọn tớ mặc quần áo là để cho mình, không phải để cho con trai nhìn.

      Thằng Trình rút cây đàn bầu tự chế nhỏ xíu giắt ở cặp quần ra gảy. Nó gảy bài “Trống cơm” nghe da diết lắm.

      “Tình bằng có cái trống cơm khen ai khéo vỗ ấy mới vông nên vông... Một bầy tang tình con xít. Nó mới lội sông, nó mới đi tìm...”.

      Khúc “Trống cơm” tự chế kéo lũ trẻ chăn trâu ngồi túm lại xung quanh. Những con trâu thiếu cỏ ngày Tết rống lên gầm gừ. Nhưng rồi tất thảy đều im lặng. Cả lũ trẻ. Cả dòng sông và lũ cá đớp mồi. Cả những ngọn gió rét thi thoảng ập tới thổi bùng ngọn lửa. Chỉ còn tiếng đàn tràn ngập bãi sông.

      Lớp thằng Trình mới có thêm một đứa con trai từ trường khác chuyển về, tên là Vũ. Bọn con gái lớp tôi tò mò nhìn. Nom Vũ thật đẹp trai, con trai gì mà da trắng mịn, lại cao dong dỏng, lại mặc cái áo bludông có mũ phía sau, ối đứa nông thôn với cả dân trồng cam ở nông trường chưa được nhìn thấy cái áo có mũ như thế này bao giờ. Lúc tan học, Vũ đứng chắn ở cổng trường hỏi mượn tôi quyển vở sử. Tôi lấy ngay cho nó mượn cảm thấy hãnh diện, lại cũng cảm thấy ngồ ngộ.

      Mấy hôm sau Vũ hỏi tôi:

      - Tôi muốn kết bạn với Tâm, được không?

      Tôi chưa thấy đứa con trai nào trịnh trọng như thế. Tôi vốn đi đâu cũng xếp nhất trường cả Toán và Văn. Vốn con nhà cán bộ cách mạng, đi đâu cũng được ưu tiên. Nhưng tôi không thích con trai trịnh trọng với mình.

      Tôi cười:

      - Anh biết làm gì?

      - Tôi biết hóa trang để đóng những vai Yến Thanh với Lý Sư Sư trong tích Thủy Hử.

      Tôi trố mắt ngạc nhiên:

      - Tớ không biết mặt mũi họ thế nào cả. Nhưng sắp tới tớ phải đóng vai chị Vân.

      Thầy Lợi dạy văn chúng tôi xấu trai lắm. Mắt thầy hơi hiếng, lại lem nhem. Miệng đã méo lại vẩu răng. Nhưng mà lúc giảng văn, chúng tôi như bị thầy bỏ bùa mê. Cả những đứa dốt đặc cán mai cũng ngẩn tò te ra nghe thầy thúc trống khua chiêng, nghe thầy xua mái chèo hay cày cấy bên dòng sông Bùi mênh mang đưa nước về biển. Biển Đông hiền hòa của đất Việt đã chôn vùi bao lũ xâm lăng, những áng văn thơ vi vút trên bầu trời hòa bình. Những khúc quân hành đưa bước chân người anh hùng ra trận...

      Lúc tan học, gặp Trình ngoài lối đi tắt sau trường, tôi bảo:

      - Tớ chưa bao giờ thấy có bài thơ nào ca ngợi người bán gạo.

      Thằng Trình ngạc nhiên nhìn tôi, sau thì đỏ mặt, môi mím chặt. Bấy giờ nó thốc tới túm chặt tóc tôi, túm chặt dần chặt dần. Rồi tay nó nới lỏng:

      - Tâm quên bài thơ “Quanh năm buôn bán ở mom sông...” à?

      Tôi không quên. Nhưng dẫu sao thì cả nước vẫn đang phải phân phối từng cân gạo. Còn nhà nó lại ăn lãi người khác, lại chẳng phải thiếu gạo bao giờ.

      Thầy Lợi chọn tôi đóng vai chị Vân trong vở “Nổi gió”. Chọn thằng Mạnh, to khỏe nhất lớp, đóng vai trung úy Phương. Còn thằng Trình có nét tây tây, được chọn đóng vai đại úy Đuyn-lơ. Thằng Mạnh chúa hay quên, nên cứ tập đi tập lại cái câu:

      - Chị Vân, chị Vân, đêm nay em sẽ đưa chị đi...

      Tôi buồn cười quá phá lên cười. Thầy Lợi hô:

      - Dừng lại! Cười như thế nhé.

      Tôi phải cười đi cười lại đoạn chị Vân giả điên cho đến khi thầy Lợi gật đầu. Thằng Trình ngồi gảy đàn bầu phục vụ đội văn nghệ lúc giải lao. Nó cũng đăng ký một tiết mục độc tấu đàn bầu vào đêm biểu diễn kỷ niệm ngày thành lập Đoàn thanh niên cộng sản. Vai đại úy Mỹ của nó dễ ợt, chỉ nói vài câu lơ lớ là xong. Nhưng suốt thời gian tập nó không thèm nhìn tôi như trước đây. Đôi mắt nó lảng tránh, là lạ mỗi khi tôi cố nhìn thân thiện.

      Đêm biểu diễn. Vũ hát “Tình ca”. Dĩ nhiên chúng tôi phải nhờ vào Vũ hóa trang.

      Thầy Lợi đứng ngoài gật gù:

      - Con bé này ra dáng lắm. Hợp vai lắm. Nhưng mà đôi mắt buồn thế kia, lớn lên rồi thì khổ.

      Tôi cười, tôi thích người ta bảo tôi lớn lên khổ. Tính tôi từ nhỏ đã quái đản thế. Không hiểu sao. Thầy Lợi nói thì tôi lại càng tin. Tôi tin lớn lên dù kiểu gì cũng vẫn khổ. Tôi chuẩn bị cho nỗi khổ ấy với niềm kiêu hãnh như người ta biết chắc mình sẽ bước xuống mồ. Và khiêm nhường bước trên lối đi dành cho mình. Nhưng để đến được lối đi khiêm nhường đó, con người ta phải trả giá, thậm chí cái giá đắt đến khôn lường.

      Lúc Vũ hát bài “Tình ca”, tôi quên hẳn “Trống cơm” của Trình. Cô Dung thì thào với mấy thầy cô đứng cạnh:

      - Ai duyệt cho hát bài này thế? Ướt át quá. Lớn quá.

      Thầy Lợi bênh:

      - Bài này vừa tình cảm, vừa hùng tráng. Khuyến khích thanh niên lắm.

      Chúng tôi vẫn là trẻ con. Nhưng sắp đủ tuổi vào Đoàn. Thầy Lợi chỉ được vào Đoàn rồi hết. Nghĩa là thầy không được vào Đảng. Thầy lấy vợ là con địa chủ. Nghe nói cô ấy rất đẹp, nhưng vì là con địa chủ nên không ai dám lấy, đành lấy thầy giáo nghèo, lại toét mắt. Chỉ có lũ trẻ con chúng tôi biết thầy tinh tướng lắm. Được làm vợ thầy, coi như cô ấy đã được đi trên lối đi khiêm nhường của cuộc đời. Nhưng ở trường lúc nào người ta cũng xếp thầy vào hàng những người mù mờ ý thức giai cấp...

      Tôi không còn mày tao với thằng Trình. Không về nhà Trình ăn cơm nguội rưới tương. Cũng không còn cùng nó ra sông kiếm cá hay ngắm mặt trời lặn. Tôi cảm nhận làn da của mình đang bừng lên dưới nắng mới. Tôi biện hộ cho mình.

      Một hôm trong ngăn bàn học của tôi bỗng xuất hiện một lá thư. Tôi hoa mắt khi nhìn những dòng chữ quen thuộc nhảy múa trước mắt: “Tâm ơi, trái tim còn đập, anh còn yêu em”.

      Cái Thanh chồm lên giật tờ giấy đáng thương:

      - Chết nhé. Thư tình chúng mày ơi...

      - Cái gì vậy? Lũ con gái ngốc nghếch ùa tới.

      - Thư của thằng nào gửi cho cái Tâm. Cái gì thế này? “Tâm ơi trái tim còn đập, anh còn yêu em”. Eo ôi!

      Cái thời chiến tranh bom đạn, chỉ cần nói chữ “yêu” thôi người ta đã không dám, huống chi những đứa trẻ mới mười hai, mười ba như chúng tôi. Một cái nhìn như là sự phạm tội xấu xa. Lòng kiêu hãnh, mong muốn bảo vệ danh dự trỗi lên như thứ ung nhọt thường nhấn sâu con người vào nỗi hoảng sợ. Cha tôi là một sĩ quan cao cấp. Mẹ tôi là bác sĩ được cả vùng yêu quý. Tôi luôn là tấm gương mà mọi người trong vùng thường lấy ra răn dạy con cái vậy mà lại có “thư tình” sao? Mà lại là của ai cơ chứ. Gia đình ấy...

      Tôi giằng lấy tờ giấy, chạy vụt lên văn phòng nhà trường, nước mắt chảy ra giàn giụa. Các thầy cô giáo chuyền tay nhau mẩu giấy, cùng nhăn mặt phẫn nộ:

      - Ghê gớm quá. Mới tí tuổi đầu. Đứa nào thế nhỉ?

      Thầy Lợi đang soạn bài ở góc phòng, nhìn mẩu giấy rồi nhìn gương mặt đầm đìa nước mắt của cô học trò cưng. Nước mắt của tôi hay sự nhu nhược của thầy đã phạm sai lầm?

      Chính thầy! Dù bây giờ thầy còn sống hay đã chết, tôi cũng xin dâng thầy lời phán xét duy nhất của tôi trong toàn bộ đoạn đường khiêm nhường để bước xuống mồ của thầy. Dù tôi biết thầy chỉ vì quá yêu quý tôi.

      Thầy Lợi ra lệnh thu vở của tất cả con trai khối 7 để dò chữ. Chẳng mấy chốc, kẻ phạm tội đã bị gọi lên gặp thầy hiệu trưởng. Cả trường xôn xao về việc thằng “con buôn” dám tỏ tình nhăng nhít với con gái một sĩ quan đang quên mình ở chiến trường. Vũ đến gần tôi, nhắc khẽ khàng:

      - Tâm đừng để bọn con trai đến gần. Chúng nó dễ nhờn lắm.

      Tôi nhìn Vũ, thấy ớn lạnh.

      Sau đó mấy hôm thì không thấy Trình đi học. Trình bỏ học lặng lẽ như dòng nước sông Bùi chảy về biển. Tôi muốn đến nhà để tìm, nhưng tôi đã lớn để hiểu rằng, mình không còn tư cách để nhìn thẳng vào mắt Trình.

      Chiến dịch Hồ Chí Minh mở ra đúng vào lúc chúng tôi đang học kỳ hai lớp mười. Từng đoàn quân mặt trẻ măng lên đường ra trận. Có một đoàn quân đi qua lớp học, cùng chững lại rồi gọi vọng vào lớp:

      - Tâm ơi! Trình muốn chào em.

      - Tâm ơi!

      Lớp học đang im phắc bỗng sôi cả lên, rồi nhào cả ra mấy cửa sổ. Cô giáo dạy sử cũng nhào ra. Chỉ có mình tôi không dám nhúc nhích khỏi chỗ của mình. Cô sử gọi:

      - Tâm ơi, ra chào các bạn kìa!

      Tôi khẽ vươn người ra cửa sổ. Tôi không nhìn thấy Trình đâu trong đoàn người đang bừng sôi nhiệt huyết. Nhưng tôi nghe rõ tiếng của Trình giữa cái không khí sôi động đó:

      - Tâm ơi, Trình đây! Chào Tâm nhé! Học giỏi để sau này thành cô giáo.

      Tiếng của Trình chìm trong tiếng nói cười vô tư của đồng đội. Có ai đó dõng dạc:

      - Tâm ơi quả đất xoay tròn. Trái tim còn đập anh còn yêu em.

      - Các em ơi, ở lại học nhé. Bọn anh đi đây!

      - Chúc chiến thắng trở về!...

      Tôi không biết về sau Trình có trở về khi chiến tranh kết thúc? Vùng quê có con sông Bùi chỉ là nơi mẹ tôi về công tác mấy năm.

      Tôi cũng không biết thầy Lợi sướng khổ ra sao? Có mệt mỏi trên con đường gập ghềnh đời thầy đã chọn?

      Vũ theo tôi một thời gian thì mệt, đành bỏ. Tôi vẫn gặp anh hàng tuần trên một trang báo lớn. Nhưng chưa một lần anh đưa tay ra giúp tôi khi tôi gặp trắc trở trong cuộc sống riêng. Chưa lần nào, dù chỉ một đồng xu cầu may.

      Bây giờ hễ có ai gảy đàn bài “Trống cơm” là tôi dừng xe lại bằng được để nghe trọn câu cuối cùng.

      “... Tình bằng tang tình con xít. Nó mới lội sông. Nó mới đi tìm. Em nhớ thương ai. Duyên nợ khách tang bồng”.

      Nhưng tiếng đàn bầu trong thành phố nghe sao lạc lõng. Mà cũng chẳng có ai chơi đàn bầu bên sông, dưới bầu trời đêm như cái đêm mùng một Tết năm ấy.

      Bây giờ tôi kể chuyện này cho người con trai tôi yêu. Không phải tôi vương vấn gì người xưa. Mà để anh hiểu, là anh đã dự phần trong một phần ngàn con đường đi tìm lối rẽ khiêm nhường của tôi. Để đừng đánh mất tôi.



Tác Giả: Võ Thị Xuân Hà

92

No comments:

Post a Comment