Người giàu có cũng như người nghèo khó, cuối cùng đều bỏ lại tất cả, chẳng mang theo bất cứ thứ gì về bên kia thế giới. Người thế tục cho rằng chết là hết. Danh vọng ư? Người ta có thể đọc vài hàng truy điệu về sự nghiệp của người quá cố trong tang lễ, với thời gian mọi chuyện sẽ đi vào quên lãng! Tài sản ư? Cùng lắm người hào phú có được ngôi mộ to hơn, đẹp hơn người nghèo khó, song hai ngôi mộ khác gì nhau, đều lạnh lùng chôn vùi thân xác, đều là nơi giun dế kiếm mồi. Trong mắt tôn giáo, sau khi lìa trần cuộc sống vẫn tiếp tục. Tùy theo tín ngưỡng, người hiền lương thì lên với Alah, sống bên Thiên Chúa, hoá sanh nơi Liên Trì của đức Phật A Di Đà hay tái sanh với nghiệp lực tốt hơn. Người độc ác bị trầm luân trong địa ngục hoặc đầu thai làm Ngạ Quỉ, Súc Sanh...
Dù trong mắt Đạo hay Đời, cuộc sống con người thế tục vẫn mang tính hữu hạn. Tất cả mọi hào nhoáng, vinh hoa, vật chất, danh lợi - nguyên nhân tạo nên những cuộc tranh giành, chém giết liên miên bất tận từ đời này qua đời khác - cuối cùng đều trở thành hư ảo.
Hầu như ai cũng biết như thế, song người ta vẫn thích hơn thua, vẫn thích dùng chuỗi thời gian quí báu hữu hạn kia làm khổ nhau và làm khổ chính mình.
*****
Bác sĩ Huỳnh Minh Tâm thở dài tuyệt vọng, tháo gỡ tất cả các máy móc, thiết bị y khoa tối tân trên cơ thể bệnh nhân vừa băng giá. Ông đứng ngây người, chăm chú nhìn vào vầng trán xanh xao,vào đôi mắt thâm quầng trũng sâu của xác chết, như cố tìm hiểu ý niệm cuối cùng của nhà tỷ phú trước khi nhắm mắt lìa trần. Ông Walter A. Koller, người đã từng đảo điên thị trường tài chánh thế giới, từng là thần tượng của bao người trẻ, từng là đối tượng cho giới báo chí, truyền hình săn đuổi, hưởng thọ 75 tuổi, để lại ba người con trưởng thành và sản nghiệp trị giá hơn 7 tỷ Mỹ Kim.
Cách đây hơn năm tháng, sau khi khám cho bệnh nhân cuối cùng trong ngày, cô Elena, y tá kiêm thư ký, chờ sẵn ông Tâm nơi cửa:
- Bác sĩ Huỳnh này, ông luật sư Widmer đang chờ ông trong văn phòng tiếp khách!
Ông Tâm cau mày:
- Luật sư Widmer? Ông ta tới chữa bệnh hay có việc gì?
- Tôi cũng không rõ - cô Elena nhỏ nhẹ trả lời - khi ông Widmer bước vào phòng mạch, tôi hỏi ông ta đã lấy hẹn với bác sĩ chưa? Ông ấy bảo chưa nhưng có chuyện rất cần bàn bạc với bác sĩ Huỳnh. Ông Widmer tự giới thiệu là luật sư của ông Walter Koller!
- Ông Walter Koller? Ông Tâm cao giọng hỏi lại, rồi cố nhớ xem nhân vật đó là ai? Có phải là một trong những bệnh nhân cũ của mình không? Nếu phải, chắc có rắc rối!
- Ông không biết ông Walter A. Koller sao? Người có tên trên báo chí hầu như hằng ngày và được mệnh danh "Chiếc Mũi Vàng“ đó! Cô Elena giải thích vội vàng.
- Tỷphú Koller? Ông Tâm nghi ngờ hỏi lại.
- Vâng, tỷ phú Koller!
- Ra thế, thôi cô đi về nghỉ ngơi đi, hơn 19 giờ rồi! Chúc cô buổi tối vui vẻ.
- Chào bác sĩ, chúc ông cũng vậy!
Cô Elena cởi áo khoác trắng, với xách đầm, mở cửa bước ra. Elena Labella đã làm việc cho ông từ ba năm nay, gốc Tây Ban Nha, sanh ra và lớn lên tại Thụy Sĩ. Ngoài những đức tính siêng năng, chăm chỉ, cẩn trọng của người Thụy Sĩ, Elena còn mang tính nồng nhiệt, cởi mở của xứ đấu bò.
Bác sĩ Tâm bước vào văn phòng tiếp khách của phòng mạch. Người đàn ông trạc tuổi ngũ tuần, râu quai nón được cắt tỉa cẩn thận, mặc bộ Vest Valentino màu đen, Sơ Mi trắng và Cà Vạt màu rượu chát, vội vã đứng lên, đưa tay ra bắt:
- Chào bác sĩ Huỳnh, thật hân hạnh được diện kiến ông, tôi là André Widmer, luật sư của ông Walter Koller!
- Chào ông Widmer - bác sĩ Tâm bắt tay thân chủ - tôi có thể làm gì cho ông?
- Thưa bác sĩ - ông Widmer trầm giọng - tôi có chuyện hơi dài một chút, lại làm phiền ông vào lúc cuối ngày mệt mỏi thế này, rất lấy làm áy náy. Nhưng nếu có thể, xin ông cho phép được mời ông đến nhà hàng Grand National dùng bữa tối, tôi đặt nơi đó một bàn vắng vẻ, chúng ta có thể vừa dùng bữa vừa nói chuyện.
Bác sĩ Tâm gật đầu:
- Vâng, nếu ông có ý đó, ông làm ơn đợi cho giây lát, tôi thay đổi y phục, rồi theo ông.
Ông Widmer lễ phép:
- Xin ông cứ tự nhiên, tôi đợi ông dưới đường.
Bác sĩ Tâm thay vội y phục, áo Sơ Mi màu ngọc thạch, Cà Vạt xanh đậm có điểm vài ca rô trắng nho nhỏ, áo Vest màu xám nhạt, quần tây đen. Ông bước ra cửa, chợt nhớ tới vị hôn thê Túy Hằng, ông trở lại văn phòng quay số điện thoại. Giọng nói nồng ấm dịu dàng đầu kia vang lên:
- Allo Trần!?
- Túy Hằng hả, anh đây. Em đang làm gì đó?
- A anh, anh sắp về chưa? Giọng người đàn bà reo vang - Em đang đọc bản phân tích tài chánh mấy hãng dược phẩm Merck, Wyeth, Pfizer vì ngày mai có kỳ họp đầu tư hàng tháng trong ngân hàng.
Ông Tâm cười âu yếm:
- Đừng làm việc nhiều quá cưng ạ. Anh xong rồi, sắp sửa về thì có ông luật sư đến mời đi ăn tối. Chắc không gọi được cho em trước 22 giờ, nên gọi bây giờ chúc em buổi tối an lành và ngủ ngon.
Giọng Túy Hằng nửa đùa nửa thật:
- Anh hãy nói thật, cô luật sư hay ông luật sư!?
- Túy Hằng... anh chỉ say trăng!
Túy Hằng cười nhẹ:
- Cả "Trăng Sáng Vườn Chè“ của Nguyễn Bính nữa! Mà này, theo anh nên đầu tư vào hãng dược phẩm nào? Pfizer, Merck hay Wyeth?
- Pfizer sát nhập với Pharmacia, có rất nhiều thuốc hay trị các bệnh nấm, hạ áp, suy nhược sinh lý, dị ứng vv, các Pipeline trong tình trạng sắp tung ra thị trường rất nhiều, sau khi sát nhập hai đại công ti, Pfizer có thể tiết kiệm hằng năm khoảng 2.5 tỷ Mỹ Kim ở các khâu nghiên cứu và tiếp thị. Merck cũng khá, đang làm chủ thị trường với các loại thuốc suy nhược thần kinh, dư mỡ trong máu, đau khớp... nhưng có nhiều loại của Merck thuốc hết bản độc quyền chế tạo, chẳng hạn như Prilosec (chống loét thành ruột) hoặc Prinivil (hạ áp) sẽ bị các hãng khác chế phụ bản (Generika) tranh cướp thị trường. Wyeth hiện đang gặp nhiều khó khăn. Thứ nhất hãng này bỏ mất cái tên ăn khách quen thuộc American Home Product, thứ hai thuốc tiểu đường của Wyeth có phản ứng phụ, bị kiện, sẽ phải đền tối thiểu 1.4 tỷ Mỹ Kim, thứ ba thuốc Premarin (kích thích tố nữ) làm mưa làm gió trên thị trường thế giới của Wyeth trong sáu mươi năm qua, có phản ứng phụ nâng cao khả năng gây ung thư vú và rối loạn hệ thống tim mạch ở nữ giới. Nếu Premarin bị cấm lưu hành, Wyeth sẽ bị thâm thủng khoảng 30% doanh thu hàng năm. Túy Hằng ơi, chắc anh phải đi đây, ông luật sư đợi hơi lâu rồi.
- Okay, cảm ơn anh giải thích, chúc anh ăn ngon, vui vẻ. Yêu anh!
- Yêu em. Ông Tâm gác máy, bước vi ra ngoài.
Ông và Túy Hằng đã đính hôn với nhau được gần một năm nay. Họ dự định mùa xuân năm tới sẽ thành hôn. Gia đình hai bên đều mong mỏi, thúc dục vì ông Tâm sắp bước vào tuổi tứ tuần, Túy Hằng cũng gần tam thập. Song cả hai quá đam mê sự nghiệp. Túy Hằng đậu tiến sĩ kinh tế tại đại học danh tiếng St. Gallen, với chức vụ chuyên viên đầu tư (Investment Officer) trong ngân hàng UBS ở Zürich, nàng làm việc sáu mươi tiếng đồng hồ mỗi tuần. Còn ông, từ năm năm nay, sau khi sang lại phòng mạch của vị bác sĩ hồi hưu ở Luzern, ngày đêm tận tụy với bệnh nhân. Họ chỉ gặp nhau cuối tuần, ăn uống, nói dăm ba câu chụyện rồi lăn đùng ra ngủ để lấy lại sức. Nhiều khi, họ lo lắng cho đời sống hạnh phúc tương lai. Ông nghĩ việc điều hành phòng mạch rất chính đáng. Trong cương vị người đàn ông, người chồng, người cha, ông phải có bổn phận đảm bảo đời sống vật chất cho vợ con, cũng như mang y đạo để cứu giúp cho đời. Nhưng Túy Hằng cho rằng trong xã hội hiện tại, phụ nữ cũng như nam giới đều có quyền làm sự nghiệp. Nàng tiếc công ăn học bao năm, tiếc sức phấn đấu gian nan vất vả khi mới ra trường. Nàng không muốn từ bỏ ánh hào quang danh vọng, chối bỏ địa vị mà bạn bè đồng nghiệp của nàng đều thèm muốn. Họ đã bàn tính cùng nhau, song lần nào cũng chỉ mang lại không khí ngột ngạt, cãi vã...
Ông Widmer và bác sĩ Tâm bước vào nhà hàng khách sạn năm sao Grand National ngay bên bờ hồ Luzern, thắng cảnh nổi tiếng Thụy Sĩ. Hầu như người Nhật nào khi du lịch châu Âu cũng phải chụp được vài chục tấm hình với danh lam này.
Người hầu bàn dắt hai người vào căn phòng lớn, bày trí sang trọng lịch sự, đặt duy nhất một bàn ăn kiểu Napoléon với hai chỗ ngồi. Khăn trải bàn trắng muốt, ly đĩa, muỗng nĩa đều là những mặt hàng xa xỉ thuộc hãng Bulgari của Ý. Người bồi bàn kéo ghế mời hai người ngồi, lịch sự nghiêng mình hỏi:
- Thưa, hai ông muốn dùng thức uống gì khai vị?
Ông Widmer hỏi bác sĩ Tâm:
- Xin ý ông!
- Tôi dùng ly Champagne nhỏ.
- Chúng tôi muốn chai Moët 1993! Ông Widmer bảo người bồi bàn.
Trước khi người bồi trở lại, ông Widmer mở đầu:
- Thưa bác sĩ Huỳnh, thể theo yêu cầu của ông Koller, tôi đến mời ông đến khám bệnh cho thân chủ của tôi.
Bác sĩ Tâm cười nhẹ:
- Tưởng chuyện gì quan trọng, nếu ông Koller bị bệnh, ông ta có thể lấy hẹn tại phòng mạch của tôi. Y sĩ chúng tôi coi chữa bệnh là bổn phận. Dù người giàu hay người nghèo, dù bạn bè hay kẻ thù, có bệnh tôi đều mang hết khả năng chữa trị!
- Không đơn giản thế đâu bác sĩ ạ. Ông Koller cần một vị bác sĩ túc trực bên mình ngày đêm tại tư gia.
- Ra thế, chả lẽ một người giàu có như ông Koller, lại không có một người bác sĩ tư?
- Ông ấy không những có một mà có đến ba. Nhưng hiện tại chẳng ai trong ba người ấy có thể chữa trị được cho ông Koller. Tuần trước ông ây nổi giận đuổi hết!
Bác sĩ Tâm cười khổ:
- Tôi chắc cũng chẳng tài ba gì hơn các đồng nghiệp khác đâu. Nhưng xin ông cho biết, tại sao ông Koller chỉ định tìm tôi?
- Theo tôi biết, ông Koller từng sống ở Á châu hơn mười năm. Ông ta rất thích văn hoá Đông Phương. Hơn nữa, vị giáo sư ghép tủy sống cho ông Koller, thầy học cũ của ông, đã ca ngợi ông rất nhiều!
- Thầy học của tôi? Bác sĩ Tâm ngạc nhiên hỏi lại.
- Vâng, giáo sư Bernard Lange thuộc bệnh viện Insel đại học Bern.
- A, đúng vậy. Tôi đã thọ giáo giáo sư Lange năm thứ 5, sau khi ra trường tôi làm việc cho ông một năm. Hồi đầu tôi muốn trở thành bác sĩ giải phẫu, nhưng giáo sư Lange khuyên tôi nên đi về nội khoa. Ông bảo giải phẫu nghiêng nhiều về kỹ thuật, còn nội khoa nghiêng nhiều về y lý và y đạo!
- Ông Koller bị ung thư máu, đã giải phẫu ghép tủy sống, nhưng hệ thống miễn nhiễm không chấp nhận tủy mới. Mạng sống của ông Koller hiện tại phải cầm cự từng ngày qua truyền máu và dược liệu. Ông ta cần một bác sĩ nội khoa, không phải để chữa thân bệnh mà chữa tâm bệnh.
Người bồi bàn trở lại, hai ly Champagne được rót ra mời khách. Bác sĩ Tâm uống một ngụm nhỏ, trầm ngâm nói:
- Tôi nghĩ ông Koller cần bác sĩ tâm lý hơn là bác sĩ nội khoa. Chắc tôi không giúp được gì!
- Ban đầu tôi cũng nghĩ vậy, nhưng ông Koller cả quyết cần ông, vì ngoài việc khám bệnh, ông ta còn muốn nói chuyện với ông về đạo lý hay văn hóa gì đó.
- Nhưng tôi không thể bỏ bê bệnh nhân và phòng mạch của mình để trở thành bác sĩ cho một mình ông Koller được!
- Vâng, tôi hiểu, song mong ông cố gắng sắp xếp. Tiền bạc không thành vấn đề!
- Tôi mở phòng mạch không chỉ vì tiền, tôi muốn chữa bệnh theo công thức và lý luận của riêng mình. Tôi quí trọng bệnh nhân, những người tin tưởng vào khả năng trị bệnh của tôi.
- Nếu ông sắp xếp với đồng nghiệp về việc trông coi phòng mạch, tôi nghĩ chuyện trở thành bác sĩ tư cho ông Koller sẽ mở cho ông chân trời mới. Không phải bác sĩ nào cũng có cơ hội trị bệnh cho đức vua, tổng thống hay các nhà tỷ phú!
Bữa ăn lặng lẽ trôi qua, bác sĩ Tâm suy nghĩ thật nhiều. Cuối cùng ông nhận lời trở thành bác sĩ tư cho ông Koller, nếu bác sĩ Oliver Schindler, bạn thân ông, đang nghỉ Sabbatical (nghỉ làm việc một năm để nghiên cứu) đồng ý chăm sóc phòng mạch những ngày ông vắng mặt.
******
Bác sĩ Huỳnh Minh Tâm đẩy cửa bước ra. Hai con trai, hai nàng dâu, ba đứa cháu nội và con gái ông Koller, ông Beat W. Koller (em trai ông Walter A. Koller), luật sư André Widmer, ông quản gia Daniel Meier, đều có mặt trong phòng khách. Bác sĩ Tâm mệt mỏi lên tiếng:
- Tử thần đã cướp ông Walter Koller từ tay chúng ta rồi!
Cô Christina Koller và ba đứa cháu nội khóc nấc. Hai anh trai của cô chỉ mím chặt vành môi. Ông quản gia vuốt mái tóc xòa xuống trán, đưa tay làm dấu Thánh Giá. Ông Beat Koller cùng hai nàng dâu cúi đầu im lặng. Luật sư Widmer cất tiếng trầm buồn:
- Cái gì đến, đã đến! Thưa bác sĩ Huỳnh, chúng tôi có thể vào viếng thăm thi thể của ông Walter Koller bây giờ chứ?
- Vâng, xin quí vị cứ việc tiến hành!
Cô người làm tiến tới bên bác sĩ Tâm khẽ hỏi:
- Chắc bác sĩ mệt lắm, tôi có thể mang đến cho bác sĩ thức giải khát gì không?
- Vâng xin cô cho một ly Whisky-Cola và vài viên đá lạnh.
Chừng uống xong một tuần trà, ông Widmer dắt mọi người trở ra phòng khách. Bác sĩ Tâm đứng dậy:
- Thưa quí vị, nhiệm vụ của tôi đã hết, tôi xin trở về phòng thu dọn quần áo và rời nơi đây!
- Khoan đã! Luật sư Widmer đưa tay chận lại - Khi ông Walter Koller còn tỉnh táo, ông ta yêu cầu tôi đọc chúc thư trước sự hiện diện của bác sĩ Huỳnh.
- Với sự hiện diện của tôi? Bác sĩ Tâm ngạc nhiên hỏi lại.
- Vâng, xin ông vui lòng nán lại thêm ít phút!
Luật sư Widmer bước đến bàn giấy mở cặp Samsonite, lấy ra một phong bì khổ A4. Ông lật phía lưng phong thư cho mọi người hiện diện thấy chữ ký của ông Walter A. Koller trên mép dán, chứng tỏ di chúc chưa hề bị mở sau khi chính tay người viết niêm lại.
Ông Widmer cầm dao rọc giấy cẩn thận khui phong thư, rồi cầm tờ di chúc chậm rãi đọc:
„Luzern, ngày 15 tháng 11 năm 2001
Khi thấy khả năng chiến thắng tử quá mỏng manh, tôi, Walter A. Koller 75 tuổi, bèn lập lại di chúc lần thứ hai, với sự chứng kiến của luật sư André Widmer, quản gia Daniel Meier cùng giấy xác nhận của bác sĩ tâm lý Michael Haudenschild: thần trí của tôi vào thời điểm tái lập di chúc hoàn toàn minh mẫn tỉnh táo, không bị bệnh hoặc thuốc gây xáo trộn! Di chúc này gói ghém tất cả tâm tư nguyện vọng của người sắp giã biệt cõi đời, tôi tuyên bố sự vô hiệu lực của di chúc trước đây. Tự tay tôi hủy tờ di chúc thứ nhất trước mặt Luật sư Koller và quản gia Daniel Meier.
Tôi bước vào đời năm hai mươi bảy tuổi, sau khi tốt nghiệp cao học kinh tế tại đại học Bern. Bốn năm sau, cha mẹ giao cho tôi số tài sản gia đình năm triệu ba trăm ngàn Quan Thụy Sĩ vào tháng 6 năm 1957. Tôi đã dùng hết tài năng của mình để đầu tư khuếch trương số tài sản kia. Hạnh phúc của tôi: Tiền tràn vào trương mục! Vinh quang của tôi: Tên tuổi xuất hiện trên báo chí Thụy Sĩ và thế giới! Mục đích của tôi: Trở thành người giàu nhất châu Âu! Tôn chỉ của tôi: Tiền là tiền không phân biệt cách thức kiếm tiền! Tôi lao vào công việc, không bỏ lỡ bất cứ cơ hội thu lợi nào. Tôi thầu khai thác rừng rậm châu Phi, châu Mỹ La Tinh. Đầu tư vào các mỏ kim cương tại Nam Phi, mỏ khai thác dầu lửa ở vùng Cận Đông, địa ốc tại Nhật và ngân hàng tại Thụy Sĩ, Lục Xâm Bảo cũng như Lichtenstein. Trong thời gian chiến tranh Việt Nam, tôi có mặt tại Á châu, nhận vận chuyển quân nhu, quân dụng và vũ khí cho khối Đồng Minh, cũng như cung cấp thuốc men, lương thực cho bên kia chiến tuyến.
Sau chiến tranh Việt Nam, tôi đến Hoa Kỳ mua khẩu phiếu, sát nhập hàng loạt công ty lớn nhỏ trong ngành tin học và dược phẩm.
Vinh quang của tôi lên đến tột cùng vào những thập niên 70, 80, 90. Báo chí vinh danh tôi với Chiếc Mũi Vàng!
Tôi quyền năng như phù thủy làm phép với chiếc đũa thần. Sự hiện diện của tôi nơi đâu, mang lại thay đổi đến đó. Hàng trăm ngàn người mất việc trong các cuộc sát nhập công ty tại Hoa Kỳ. Hàng triệu gia đình tan nát trong và sau cuộc chiến Việt Nam. Hàng trăm tỉ Đô La tiền tham nhũng, buôn lậu được rửa sạch tại Thụy Sĩ, Lục Xâm Bảo và Lichtenstein. Hàng triệu Hecta rừng bị tàn phá và hàng trăm loài thú quí hiếm bị tuyệt chủng ở châu Phi, châu Mỹ La Tinh... Ngày ấy, tôi không hề thẩm vấn lương tâm. Thỉnh thoảng tôi cũng làm công tác từ thiện qua việc tặng tiền cứu đói châu Phi, cứu lụt Băng Đảo, chống Liệt Kháng tại Phi Châu hoặc cho tiền Cao Ủy Tị Nạn Liên Hiệp Quốc, Hồng Hội Chữ Thập Đỏ vv.
Tôi kết hôn bốn lần, song chỉ có 3 đứa con với người vợ cuối cùng. Ba lần ly dị, những bà vợ trước đã được bồi thường thỏa đáng, không được hưởng bất cứ giá trị vật chất nào tôi để lại. Người vợ hiền hậu đáng thương cuối cùng, đã dùng mạng sống của mình để thức tỉnh tôi. Vì thế, tôi quyết định phân chia gia tài như sau:
* Một nửa gia tài tôi để lại, có giá trị ba tỉ tám trăm năm mươi lăm triệu Mỹ Kim tức năm tỉ chín trăm bảy lăm triệu Quan Thụy Sĩ sẽ chuyển giao cho quĩ (Foundation) Gabriella Hofmann-Koller, do người vợ quá cố của tôi thành lập nhằm vào các mục đích cứu trợ thiên tai, giúp đỡ y tế, giáo dục trẻ em tại thế giới thứ ba, bảo vệ rừng và thú vật, trao giải thưởng cho các quản trị gia tạo công ăn việc làm nhiều nhất trong năm.
* Tôi tặng em trai Beat W. Koller toàn bộ cổ phiếu hãng Biotechnology Gensono, trị giá hai trăm năm mươi triệu Mỹ Kim. Mong em tôi điều hành và tìm ra các dược liệu mới chống Liệt Kháng và Ung Thư.
* Để lại cho con trai trưởng Peter D. Koller, con dâu trưởng, hai cháu Tim và Vanessa trang trại, bất động và các động sản nơi đây, trị giá bốn mươi lăm triệu Mỹ Kim, hãng Swissknight sản xuất đồ dùng trong quân đội Thụy Sĩ, trị giá năm mươi triệu Mỹ Kim và mười triệu Đô La qua Hedge Fund trong trương mục ngân hàng.
* Để lại cho con trai thứ Oliver W. Koller, con dâu thứ và cháu Anja biệt thự mùa hè tại bờ biển Tây Ban Nha, bất động sản xung quanh và du thuyền Vivien, trị giá ba mươi sáu triệu Mỹ Kim, hãng Greenearth tái chế biến nguyên liệu, trị giá sáu mươi triệu Mỹ Kim, mười triệu Đô La qua Hedge Fund trong trương mục ngân hàng.
* Để lại cho con gái út Christina G. Koller Texas Ranche và ba ngàn con ngựa, trị giá tám mươi triệu Mỹ Kim. Toàn bộ sưu tập tranh và các đồ ngoạn cổ trị giá hai trăm triệu Mỹ Kim. Con gái Christina không được phép bán hoặc sang nhượng các tác phẩm nghệ thuật trên, khi về già chuyển giao lại cho Bảo Tàng Viện quốc gia, mười triệu Đô La qua Hedge Fund trong trương mục ngân hàng.
* Tặng đại học Bern năm triệu Mỹ Kim (7.75 triệu Quan) tiền mặt.
* Tặng Hồng Hi Chữ Thập Đỏ một trăm ba mươi triệu Mỹ Kim (201.5 triệu Quan) tiền mặt, cũng như hãng International Care, sản xuất dụng cụ cứu thương, trị giá hai mươi lăm triệu Mỹ Kim.
* Tặng bệnh viện Insel Bern năm mươi triệu Mỹ Kim (77.5 triệu Quan) dùng vào việc nghiên cứu và chữa trị cho các trẻ em dị tật ở thế giới thứ ba.
* Tặng chính phủ Liên Bang Thụy Sĩ một tỉ Mỹ Kim (1.55 tỉ Quan) sử dụng vào các việc nghiên cứu khoa học, giúp đỡ người ngoại quốc đến xin tị nạn, giúp đỡ các vùng có chiến tranh.
* Tặng Kanton Luzern hai trăm triệu Mỹ Kim (310 triệu Quan) để giữ gìn các bản sắc văn hóa đặc biệt địa phương.
* Tặng ông luật sư André Widmer năm triệu Mỹ Kim (7.75 triệu Quan)
* Tặng ông quản gia Daniel Meier bốn triệu Mỹ Kim (6.2 triệu Quan)
* Tặng tất cả mọi người làm (tại đây) hai trăm ngàn Quan (gồm 12 người).
* Thưởng tất cả mọi nhân viên làm việc trong các công ty của tôi có đa phần cổ phiếu, 3 tháng lương, tổng cộng khoảng bốn trăm triệu Mỹ Kim.
* Số tiền còn lại (khoảng tám trăm triệu Mỹ Kim), sau khi chi trả các khoản thuế má khi sang tay các cổ phiếu công ty, cũng như phát mại các bất động sản ở khắp mọi nơi trên thế giới không thuộc vào danh sách thừa kế, được chuyển giao cho bác sĩ Minh Tâm Huỳnh thành lập tổ chức không sinh lợi (Non-Profit-Organisation) mang tên Combiculture với mục đích trợ giúp nghiên cứu các nền văn minh trên thế giới trong lãnh vực y học và tâm linh.
Tôi chỉ định các ông André Widmer, Beat Koller và Minh Tâm Huỳnh lập thành ủy ban phát mại các cơ sở, công ty và bất động sản không nằm trong danh sách thừa kế. Tất cả giấy tờ liên quan đến tài sản được bảo quản trong Ngân Hàng X.
Sau cùng tôi còn một gia tài vô giá để lại cho các con, các cháu và các bạn của tôi, đó là tâm sám hối và giác ngộ. Những đột biến trong đời, những cảm nhận khô khan về hạnh phúc qua vật chất, những khoảng khắc trống vắng, những nỗi bất an sợ mất mát, bệnh tật, tử vong... đã khiến tôi nghĩ thật nhiều về chân giá trị của cuộc sống trong những tháng ngày ngã bệnh sau này.
Bác sĩ Huỳnh đã giúp đỡ tôi rất nhiều qua các cuộc thảo luận trong các lãnh vực tìm hiểu chính mình, mục đích của cuộc sống và cửa ngõ của sống chết.
Tôi tóm lược năm điểm chính như sau:
1. Mục đích của cuộc sống là hạnh phúc.
2. Hạnh phúc chỉ đến khi tâm hồn thanh thản.
3. Tâm của ta biến động vô thường, dục vọng khiến thân hành động, ta phải luôn luôn kiểm chứng thân tâm. Nếu sai lầm ta nên ráo rốt sám hối!
4. Tiền bạc, danh vọng, vật chất, sắc đẹp là vật ngoại thân, khi ta sống chúng làm khổ ta, khi ta chết chẳng mang theo được.
5. Tôi suốt đời lo âu, toan tính nên ít thấy hạnh phúc đích thực. Hạnh phúc thực sự chỉ đến với tôi trong những ngày cuối đời, khi tôi hoàn thành xong di chúc và sẽ không còn một cắc nào.
Tôi yêu cầu hỏa thiêu xác tôi, đem tro rải ra đồng ruộng Luzern. Cát bụi trở về với cát bụi! Không khác biệt giữa cát bụi của tổng thống Mỹ, hoàng gia Nhật, tỷ phú Thụy Sĩ, hay của người khất thực tại Ấn Độ!
Người lập chúc thư Walter A. Koller ký tên, nhân chứng luật sư André Widmer trong nhiệm vụ chưởng khế và quản gia Daniel Meier đồng kế tên“
Luật sư Widmer đọc xong di chúc, ông nhìn quanh một vòng rồi hỏi:
- Có ai hiện diện phản đối điều gì không?
Hai ông con trai Peter và Oliver Koller đều tỏ thái độ giận dữ.
Peter Koller với gương mặt xám xanh, đập tay xuống bàn:
- Ông già bệnh hoạn sắp chết nên lẩm cẩm. Tôi phản đối chúc thư. Theo bộ dân luật Thụy Sĩ về thừa kế, ông ta không thể phát tán tài sản một cách bừa bãi như vậy! Tôi sẽ kiện!
Oliver Koller nói phun bọt mép:
- Tôi không thể để một người sắp chết, mang tài sản của chúng tôi đi cúng cho quỉ được! Tôi nhất định không ký vào bản chia chác tài sản như trên!
Cô Christina G. Koller bật khóc nói với các anh:
- Xin các anh bình tĩnh, cha nhận của ông bà có hơn năm triệu Quan Thụy Sĩ, cả đời cha vất vả làm việc, nay để lại cho mỗi anh số tài sản hơn ba mươi lần khi cha nhận từ ông bà. Hơn nữa cha vừa cho chúng ta lời khuyên ra sao?
- Cô mang lời khuyên ấy bán đi mà ăn! Peter Koller hét vào mặt em gái.- Một mình cô nhận hơn gấp đôi chúng tôi còn gì? Tùy cô, cô có thể ký nhận rồi cút khỏi nơi đây, hoặc cùng chúng tôi kiện đến ra lẽ công bằng!
Bác sĩ Tâm chán nản, ông lớn tiếng:
- Tôi rất mệt mỏi, xin rút lui ngay bây giờ. Quí vị bình tâm bàn bạc.
Ông ghé vào căn phòng giành riêng cho mình, xếp hành lý, rồi lặng lẽ ra cửa.
Trời lạnh, buồn, tuyết trắng bao trùm vạn vật. Ông Tâm chợt thấy cô đơn, mấy hôm nay không liên lạc được với Túy Hằng, không biết chuyến công tác vừa qua của nàng bên Mỹ ra sao? Liếc nhìn đồng hồ, còn khoảng hai giờ nữa Túy Hằng sẽ đáp xuống sân bay Kloten Zürich, ông vẫy Taxi, ra ga lấy chuyến tàu tốc hành trực chỉ phi trường. Trên tàu, ông Tâm chợp mắt ngủ đi một giấc, ông mơ thấy mình là lão già sống rất bình thản hạnh phúc bên bầy con cháu.../
Aug 22, 2008
Di Chúc của Tỷ Phú
Labels:
Bảo Toàn,
TruyenNgan
Subscribe to:
Post Comments (Atom)
No comments:
Post a Comment