Bây giờ chưa hết tháng ba nhưng mỗi tối từ chợ về, dì Diệu đã tranh thủ ngồi may đồ cho em bé. Đã biết là con gái nên bộ nào dì cũng dún bèo cổ, bèo tay, bèo lai áo . . . coi rất dễ thương ngộ mắt. Ban ngày, dì ra sạp vải, lúc nào có khách thì lo buôn bán, đo đắt, lúc nào rảnh dì ngồi đơm nút, vắt khuy. Tay dì tẩn mẩn xỏ từng đường kim tí xíu. Dì vừa làm vừa mủm mỉm cười một mình, rồi vui quá xá là vui, một mình vui không hết, dì Diệu khoe :
- Tui sắp có con gái rồi nghen.
Một người dòm lom com vô cái eo thon thả của dì rồi cười :
- Nói chơi hoài, có thấy bầu bì gì đâu ?
Dì Diệu cười ngặt nghẽo, cười đến khi cái mũi thon thon xinh xẻo của dì ửng đỏ lên :
- Bốn mươi mấy tuổi rồi, bầu bì gì nữa. Tui xin con nuôi.
Mấy bà bạn bàn ra bàn vô, nói chuyện tò vò nuôi con nhện, chuyện con quạ nuôi tu hú nhằm lung lạc dì, nhưng dì Diệu vẫn khăng khăng chắc lòng chắc dạ, làm như dì đã thấy ràng ràng một tương lai chắc chắn rồi vậy. Thấy dì Diệu cười cười hoài, kiểu “chuyện của tui, chị em sao biết được”, thấy tức chết.
Đó thật sự là một bí mật của dì Diệu. Đứa bé sắp sinh ra là máu thịt của chú Đức, chồng dì Diệu. Chú Đức làm giám đốc văn phòng đại diện một công ty điện tử ở Cần Thơ. Chú làm việc xa nhà nhưng chưa bao giờ chú làm chuyện có lỗi với dì Diệu. Là vì chú Đức hiền hậu, chừng mực, mà cũng vì dì Diệu cực kỳ đáng yêu. Dì là loại người ít lo nghĩ, lúc nào cũng trẻ con, non nả. Dì ít giận ai mà có giận cũng mau quên. Chú Đức hay lấy tay ngoáy tóc dì, cười bảo :
- Em như con nít.. Tới chừng anh lụ khụ rồi em vẫn chưa già .
Suốt nữa đời, dì chỉ buồn là không còn được có con. Năm chú cưới dì, dì khám bịnh phát hiện ra mình có một khối u nhỏ ở buồng trứng. Dì vốn không lo mấy, không biết ngày nó càng lớn lên. Đến lúc sực nhớ trong bụng mình có bịnh thì là lúc đã đau quặn lên rồi. Đi bệnh viện, bác sĩ bảo cắt, dì nhoẻn cười, thì phải cắt, cắt để sống với chồng chớ. Rồi dì lạc quan lên bàn mổ. Không ai nói cho dì biết trước là sau ca mổ vĩnh viễn dì không thể có con được nữa. Dì nằm trong phòng hồi sức, nước mắt chảy về hai phía đuôi mắt ròng ròng, len vào tóc, ướt gối. Hồi nhỏ, em dì đông, tuổi thơ cơ cực, dì Diệu bồng em chai hông, có lần dì ra ngoài đình, dì than, dì ghét con nít lắm. Có phải vì vậy mà trời phạt gì không hỏng biết. Dì Diệu buồn như ai rứt ruột, dì khóc, biểu chú Đức thôi dì đi, sống chung mà không có con chỉ buồn thêm thôi. Chú Đức tỏ ra cứng lòng cứng dạ, cười xoà, chú sẽ ở bên dì suốt đời cho dù vợ chồng có con hay không có con. “Tìm đâu trên đời nầy một người vợ non nhuốt và trong trẻo như em để cho anh chở che mà em biểu bỏ nhau”, chú Đức nói vậy. Rồi từ từ dì Diệu cũng nguôi đi. Dì lại cười lại nói. Nhưng lạ cái, chuyện gì dì cũng mau quên, nhưng chuyện nầy rõ ràng quên không được. Trẻ con đi qua cửa lòng dì quặn lại, rối nùi, rát như muối xát vào vết thương đang mở miệng. Chú Đức an ủi dì bằng cách mỗi lần về tặng cho dì một món quà. Có lần chú đem về cho dì một con sáo, nó ẽo ẹt :
- Má ơi, nhà có khách.
Mèn ơi, dì Diệu nghe tiếng má mà nghe lịm ngọt trong lòng. Dì bảo dì không cần món quà nào khác ngoài một đứa con. Chú Đức tưởng dì nói chơi, cười sùi sụt :
- Trời đất, sao có được ?
Dì Diệu tỉnh rụi :
- Mướn đẻ. Em đọc báo thấy người ta mướn đẻ nhiều lắm.
- Rồi làm sao anh còn dám nhìn mặt em nữa ? – Nhìn vẻ mặt chú Đức rối rắm, dì Diệu cười :
- Em thương anh hoài. Anh đâu có làm gì có lỗi với em. Kỹ thuật mới mà.
Rồi dì te tái xách mấy tờ báo cho chú Đức coi, dì nói thiệt dứt khoát :
- Lần này mà anh không chịu, em thôi thiệt. Anh thì công tác xa, em ở nhà có một mình, nghĩ tới con nít buồn đứt ruột.
Đó là mở đầu một câu chuyện được bàn bạc rất lâu, dài, căng thẳng. Chú Đức mất bốn ngày nghĩ ngợi, năm đêm thức trắng. Lần đầu tiên chú chiều vợ vượt quá sức mình. Chú tin là dì Diệu sẽ thu xếp chuyện sau nầy thật chu đáo, nhưng trong lòng cắn rứt vì nghĩ mình đã làm một chuyện trái lương tâm. Dì Diệu nằm kê đầu lên tay chú thở đều, ngủ ngọt lịm. Thì dì có gì nữa đâu, người mà dì muốn mướn cũng đã có sẵn rồi: Chị Lành.
Chị Lành lỡ thời, mập mạp, hịch hạc. Chị sống trong khu nhà dì Diệu cất cho sinh viên thuê, nhưng chị không phải sinh viên, chị gánh nước mướn. Hai bên vai chị thâm xám, vai gồ lên. Một ngày chị gánh non trăm đôi nước. Chị gánh dẻo như múa, đường dài, hẻm nhỏ mà không chao một giọt nước ra ngoài. Dì Diệu chọn chị Lành bởi vì chị hiền. Dì tin rằng người mẹ hiền sẽ đẻ con hiền. Mà, chị Lành cũng rất cần tiền để gởi về xứ. Má chị biên thư xuống bảo nhà chị bây giờ mối ăn gần sụm bà chè rồi, lúc này mưa, nước dội ngay bàn thờ ba, rầu thúi ruột. Má nói làm sao bắt thằng em út chị Lành viết y chang như vậy.Chị Lành đắn đo hoài. Chị cần tiền nhưng sợ chuyện sau này, sợ những mối thâm tình ràng buột mình không tròn lời hứa với dì Diệu. Lại nữa sợ bà con người ta dị nghị, không chồng mà lại có con, bởi chuyện nầy , ai cũng muốn giấu cho thật sâu kín. Chị coi chuyện mình cần tiền với một đứa con như hai cánh tay. Cánh tay nào cũng quan trọng, biết chọn làm sao bây giờ. Nhưng khi chị nhìn thấy những giọt nước mắt rớt lộp độp xuống áo dì Diệu, chị cầm lòng không đậu, chị gật đầu. Hồi nào giờ có bà chủ nhà nào tốt với chị như Dì Diệu đâu.
Cuối cùng thì chị Lành cũng đã trở thành người nhà dì Diệu. Dì thương chị như em gái ruột của mình. Mà, không thương sao được, nghe xóm giềng xầm xì chuyện chị Lành không chồng mà lại có con, lòng dì Diệu đau lắm, dì nghĩ, vậy là tai tiếng, khổ sở cả một đời con gái người ta. Không thương sao được, khi chị Lành thay dì chịu hết cơ cực khi có con. Mới hai tháng, khắp mình chị đã nổi sẩy sần như giề cơm cháy. Hai bên gò má da bắt đầu nám xạm đi. Chị không ăn được gì nhưng lại thèm đủ thứ. Dì Diệu biểu chị muốn ăn cái gì dì Diệu sẽ mua cho. Chị thèm thịt trâu luộc cơm mẻ, dì Diệu mới đem về tằng lăng tíu líu trong bếp, chị Lành đã bắt mùi cơm mẻ ói sấp ói ngửa. Dì Diệu thương tới rơi nước mắt. Tận đáy lòng chị Lành biết rằng dì Diệu thương chị thiệt tình như một con người với một con người chứ không phải vì đứa bé chị mang trong bụng. Dì Diệu bắt đầu chuẩn bị cho một đứa con ra đời. Dì mua mấy tấm hình em bé về dán trong căn nhà chị Lành. Đứa nào đứa nấy ú na ú nần, thấy cưng không chịu được. Dì biểu chị Lành phải siêng nhìn để sinh con ra nó sẽ xinh đẹp như thế. Chị Lành thắc mắc :
- Giống trong hình làm chi, giống ba giống má nó là được rồi .
Dì Diệu ngẩn người, ờ , dì bắt đầu nghĩ, đứa bé sinh ra sẽ giống ai, giống chú Đức đẹp người, giống dì trong trẻo, trẻ trung hay giống … ?
- Nó sẽ giống cả ba người.
Dì chắc chắn như vậy.
Chị Lành thường lén trốn dì Diệu đi gánh nước. Hồi chưa có bầu thì gánh đầy, bây giờ gánh lưng thùng. Chị muốn gởi về cho má nguyên số tiền đó mà không mẻ một đồng nào. Bây giờ, có con, chị thương má nhiều thiệt nhiều. Dì Diệu có hôm dọn hàng về sớm, thấy chị Lành vắt vẻo đôi thùng trên đường mà lòng xót xa :
- Con của chị em mình giờ là cục máu mỏng manh lắm, em làm vậy không được đâu.
Chị Lành rân rấn nước mắt cái câu “con của chị em mình”. Dì Diệu dỗ, “em mà khóc hoài, em bé sinh ra mặt sẽ buồn cho mà coi”. Rất nhẹ và dịu dàng, lòng hai người đàn bà tự dưng chỉ nghĩ về chỗ đứa con.
Dì Diệu bắt đầu mua sắm, từ cái núm vú da cầm tay tới bình ủ sữa, chiếu manh, nệm trẻ con, mùng chụp. Rảnh rỗi, dì ngồi mơn man mấy món đồ tưởng như đã thấy được đứa bé con ngo ngoe hai bàn chân nhỏ trên cái trường kỷ nhà dì. Chú Đức mỗi lần về lại thấy một mớ đồ trẻ con chất ngồn ngộn ở trong phòng. Chú đọc trong mắt dì Diệu một niềm khát khao hườm chín. Chú thấy mình vơi đi mối bận tâm trong lòng, đôi lúc chú cũng thèm muốn chết một đôi chân lẫm đẫm của trẻ con. Chỉ mỗi một chuyện, chú ngại gặp chị Lành. Chị cũng mắc cỡ khi gặp chú. Cho dù không đụng chạm gì nhau để có con nhưng suy tận cùng, cái quý giá, kín đáo của chú Đức đã nằm trong bụng chị. Trời đất ơi, mặt mũi nào mà nhìn người ta. Chị Lành vần còn nguyên con gái đó chớ.
Và khi tháng Ba đi qua, đứa bé bắt đầu báo hiệu sự sống. Chị Lành khoe :
- Nó đạp rồi, chị Diệu, nó đạp đây nè.
Dì Diệu hớn hở vén bụng chị Lành lên, dưới làn da căng mẫn, đứa bé con chòi đạp rối rít. Chị Lành cười giòn:
- Nó mạnh quá chị ha ?.
Dì Diệu cười, rồi làm như một cơn gió từ đâu xộc tới, tim dì riết lại một nỗi đau. Dì thèm biết bao nhiêu cái cảm giác che chở cho một sinh linh sống trong mình, để được thèm tới cùng, tới chảy nước dãi món ngọt, món chua, để có thể cảm nhận từ trái tim chứ không phải bằng bàn tay đôi bàn chân bé bỏng quẩy đạp bụng mình thon thót. Đó là những thứ cảm giác thiêng liêng không vay mượn, thuê mướn được : cảm giác làm mẹ. Dì bắt đầu lo lắng, mình đã làm một việc đúng không.
Chỉ còn một tháng hai mươi ngày nữa, đứa bé sẽ ra đời. Dì Diệu tính từng ngày, từng bữa. Chị Lành tính từng ngày từng bữa. Người trông cho mau, người trông đừng bao giờ đến. Dì Diệu cố quên cái vẻ mặt buồn bã, van nài của chị Lành. Chị biết, khi đứa bé khóc ngoe ngoe cất tiếng khóc chào đời, là chị với nó sẽ phải chia lìa. Hợp đồng đã ghi rõ ràng như vậy. Chị thấy thương mình, thương con và thương dì Diệu. Chị rối rít ăn, rối rít ngủ vì biết rằng mai nầy rồi chẳng còn nhau . . .
Một sáng, chị Lành biến mất.
Dì Diệu kêu chú Đức về, nước mắt ròng ròng khi thấy bóng chồng qua cửa. Chú đau lòng bảo thôi bỏ đi, dì Diệu cãi, “em bỏ không đành, anh à”. Chú cũng thấy rằng bỏ không được. Máu mủ ruột ràng mình mà bỏ sao được. Hai người đi tìm xơ bơ xấc bấc. Không có, không gặp. Dì Diệu về quê, bà mẹ già chị Lành tay run bẩn, vừa đau vừa xót.
- Vậy ra nó không nói gì với cô sao ? Tui hay tin nó hư hỏng , tôi từ nó rồi, tui tính bỏ nó luôn, nhưng thiệt tình tui thương nó lắm, phải nó về, tui cũng nuôi.
Dì Diệu lau nước mắt cho mẹ chị Lành, lòng nghĩ, làm sao mình lại để ra nông nỗi nầy. Dì không tiếc tiền của, sông sức, dì cũng không tiếc tình thương dồn đắp cho chị Lành, dì chỉ cảm thấy xót xa cho mình “làm người thì ai lại đi giành con với người ta”, dì luôn dằn vặt vậy.
Dì Diệu bỏ sạp vải tối ngày chạy xe long rong ngoài đường để may ra tìm được bóng người …
Khi đã không trông chờ gì, một ngày, khi mở cửa, dì Diệu nhìn thấy chị Lành đang ngồi ngoài hàng ba và khóc.
Những người có tình có nghĩa, dễ gì bỏ được nhau.
Dì Diệu cắn cho môi vằn đỏ dấu răng, dì ôm chị Lành vào lòng rất chặt. Dì cảm nhận được từ trái tim bàn chân bé bỏng của đứa bé đang lòi chòi. Nó háo hức nằm giữa hai tấm lòng của hai bà mẹ.
Dì Diệu đi lấy tờ hợp đồng ra và đốt cháy thành một tờ tro mỏng. Đôi khi người ta hay bày chuyện nầy chuyện nọ để làm xao động cuộc đời đang hết sức yên bình, lãng nhách vậy đó …/.
Nov 16, 2005
Làm Mẹ
Labels:
Làm Mẹ,
TruyenNgan
Subscribe to:
Post Comments (Atom)
No comments:
Post a Comment