Jun 13, 2009

Bất chính





Đáng lẽ tôi không nên dính vào những chuyện mà người đời thường gọi là bất chính. Tôi nói "đáng lẽ" bởi vì tôi thường dính vào. Và thường dính vào bởi tôi không biết phân biệt thế nào là bất chính. Tôi vẫn được cái mà nhà Phật gọi là vô minh, tiếng dân gian nôm na là dốt.
Cái dốt đó, tôi đổ thừa tại mắt kém. (Ai chẳng biết người sành sõi nhìn đời với con mắt tinh tường ? Mắt không tinh, sao tường được ?) Việt Nam mình mà mới bảy tuổi đầu đã phải mang kính là chuyện cổ kim hiếm cực kỳ. Chuyện bắt đầu từ một chiều đi học về, tôi ra vườn chơi với con bò đang gặm cỏ, vừa lúc nó phất cái đuôi. Bò mà, muốn phất đuôi lúc nào thì phất. Có phải người ta phất cờ khởi nghĩa đâu mà phải lựa thời cơ. Hậu quả là sáng hôm sau, cả nhà kinh hoảng tưởng đêm qua tôi hoá thân làm con gái qủy : hai hồ thu trở thành hai hồ máu. Hai hồ máu tròng trành chắc chắn hãi lắm !

Thôi thì hết thỉnh bác sĩ này tới thầy thuốc kia. Ai cũng cho vài ba món rồi chuồn. Bố mẹ phải cầu tới tiên tới thánh. Tiên thánh nhập vào cái ông ngồi giữa chiếu trước bàn thờ, đầu trùm khăn đỏ ủ chiếc khăn đóng bên trong. Chiếc áo dài the đen phần dưới nổi bật với chiếc khăn đỏ phủ xuống ngang lưng lắc lư nghiêng ngả, đũa cầm tay gõ gõ viết viết lên chiếc mâm đồng, ồn ào nhộn nhịp tạo cơ man hy vọng ! Bằng giọng lơ lớ âm dương, ông phán tôi lạy tất cả mọi người chễm chệ trên bàn thờ. Nào ông Tổ ông Tằng ông Cao ông Cố... Ai cũng với nụ cười nửa miệng, khinh khỉnh, thách thức sao sao. Và cái nhìn các cụ trông khiếp lắm : mình bước sang phải sang trái gì các cụ cũng trừng trừng rõi theo, ý muốn thấu suốt coi lòng mình có thực sự thành kính hay không ! Xong tôi uống chén nước lạnh mà ông tiên ông thánh đã huơ huơ đũa thần vào đấy. Rồi tiên thánh cũng chịu thua, vất đũa, thăng. Thường thì trước khi thăng, tiên thánh hay cười khanh khách, ta đây lắm, hất ông trùm khăn đỏ ngã lăn quay, chỏng trơ bất động hồi lâu. Nhưng lần này tiên thánh chỉ cười khúc khích (bởi vì không cười thì bớt vẻ "tiên" đi), không quên hất nhào cái xác phàm mình đã nhập vào, đủ hiểu tiên thánh cũng "tri túc", biết chắc lần này mình không thể biến hai hồ máu kia thành hai hồ thu trở lại. Ông Cao ông Cố vẫn tủm tỉm, nhưng có phần tẽn tò, ngại con cháu coi thường thực sự (rồi chúng nó sẽ chẳng thèm hoá vàng hoá bạc cho thì có mà... khất thực !). Bố mẹ héo hon. Tôi thì không nói ra chớ chẳng tơ hào buồn, tự nhiên được miễn ngày hai buổi tới trường, lại được chăm chút đặc biệt.

Anh con cậu, biết bố ghét dị đoan. Nhưng tới nước này thì cũng đành thủ thỉ thôi thì rước thử ông thầy pháp thầy gì gì đó. Cùng đường rồi, bố gật. Vừa bước vô sân, ông thầy phán "có gì đâu, anh em nó gặp nhau mừng nhau đó mà", rồi đặt bàn cúng ngoài sân và bảo phải làm cây cung với bốn mũi tên. Chị tôi lấy len cho bố làm dây cung.. Ông rầm rì dụ dỗ anh tôi gì đó (thầy pháp dụ ma như trai dụ gái) , xong bảo tôi bắn bốn mũi tên đi bốn hướng. Chẳng là anh Ba tôi chết non, chưa đầy tuổi. Chết non yểu thiêng lắm. Và vì đứng hạng nhì sau qủy nên có kiểu mừng của thế giới bên kia, thế giới bên này hơi bất mãn. Và dây cung mà bằng len thì bắn xa vạn dặm, hiệu nghiệm như một viên đạn du kích bắn chết một hơi bảy tên GI : sáng hôm sau thức dậy, mắt tôi xanh như mắt đầm. Cả nhà mừng hơn bắt được của (dĩ nhiên còn tùy của gì). Tôi thì cũng chẳng nói ra nhưng tiếc, biết là sắp tới ngày ôm cặp, và cũng chẳng còn lý do để cứ đôi mắt máu liếc tới đâu là y như toại nguyện cái ấy nữa. Sáu tháng sau, tôi bắt đầu mang kính. Người ta thường gọi quê tôi là nơi khỉ ho cò gáy, chớ nếu tỉnh thành thì chắc chắn tên tôi được thượng vào danh sách chuyện lạ bốn phương !

Để góp phần vào cái thị lực mong manh ấy, tôi rất ít nói, mà hễ mở miệng thì văn hoa bí hiểm. Người cho tôi tàng tàng (bố lờ đi, không nghe). Người (chắc là tàng tàng) thì cho tôi có máu thi sĩ (bố tủm tỉm, bảo con nhà tông không giống lông cũng giống cánh. Và không nghi ngờ gì lòng thủy chung của mẹ, bố nhứt định là tôi mang máu bố, chính thống). Ví dụ vào năm lên mười, đang ăn cơm, bất chợt tôi nhăn nhó với mẹ :

- Có người quyên sinh !

Cả nhà ngưng đũa, trợn mắt nhìn. Tôi gật gù tiếp :

- Trên sông. (Các đôi mắt vẫn không chớp) Bên đám rong rêu.

Bố thở dài. Con gái đã mang tật mắt lại còn dở hơi thì dù có đại tiện trên đống vàng cha mẹ cũng chẳng vui nào. Nhưng bố quên là tôi con nhà tông, mang máu bố, chính thống. Mẹ buông đũa ôm vai tôi :

- Ăn đi con. Chuyện thiên hạ ở đâu mà nói làm gì.

Tôi lắc đầu suýt văng cả kính :

- Nhưng nó muốn chui vào bụng con !

Có một đứa con như vậy thì phải biết lòng kiên trì của mẹ. Những sợi tóc mai chân trắng nghiêng xuống bên tôi :

- Ai mà chướng vậy, nói mẹ nghe.

Tôi chỉ vào chén canh, có cái gì lênh đênh. Bố sửa mục kỉnh, liếc, nhướng mày nhìn mẹ :

- Con ruồi, mẹ nó à !

Bối rối, mẹ vội lấy chén cơm tôi săm soi rồi kêu lên :

- Ruồi muỗi gì đâu, nấm hương đó con. Còn một cái bỏ thì tiếc, mẹ xắt bỏ vô canh. (Chép miệng) Con nhỏ mắt mũi đã vậy mà ông thì cũng chẳng hơn gì ! Thôi ăn đi con, có ai quyên sinh đâu !

Tôi thích ngồi trầm ngâm hằng giờ chẳng cục cựa, tịnh khẩu, mắt nhìn xuống. Mà hễ nhìn ai thì cứ chăm bẳm không chớp khiến thiên hạ rờn rợn với ý nghĩ dù tội từ tổ tông, dưới mắt tôi cũng sẽ phơi phới chưng ra. Người ta ơn ớn, muốn tìm mà chẳng hiểu nổi trong cái đầu tóc bum-bê kia chứa đựng phù phép gì. Và họ cho tôi giống bà già. Thì mới nứt mắt đã mang mục kỉnh, đã "nói chữ" ra gì thì có muốn trẻ e cũng khó. Ở trường tôi không có bạn gái. Tôi không thích bọn con gái chớ không phải mới nứt mắt đã ham trai. Vô lớp đầu giờ hay sau giờ chơi, ông cai luôn luôn dành cho tôi cái vinh dự đánh trống. Tôi cho đó là cách cảnh tỉnh chúng sinh, nhắc nhở tới lúc phải trở về với thực tại, với trách nhiệm, đừng lao mãi vào vũng lầy nhân loại (tôi ưa dùng chữ này lắm !). Giải thích vậy mà bọn con gái vẫn không hiểu tại sao tôi thích đánh trống ! Và tôi hỏi tại sao bọn con gái thích chơi trò cút kiếm. Bởi lần nào tôi kiếm cũng chẳng ra ai, mà trốn thì cứ bị bọn nó bắt gặp liền, lại bị úp mặt vào tường đếm tới trăm xong dáo dác đi kiếm, lại cũng chẳng ra ai, lại úp mặt vào tường đếm trăm... có gì thú vị ?

Trở lại, năm đầu tiên tôi lên trung học, chị tôi xin mẹ cho bạn là chị Điểm ở trọ, vì nhà chị Điểm mãi trong quê. Nhà lại quen chú Đạm, chẳng biết bạn ai. Bố thì lớn hơn chú nhiều, anh Hai thì đàn em quá trẻ, và chị em tôi thì gọi bằng chú. Chú Đạm tốt lắm, thường tới nhà chơi và ch1070

No comments:

Post a Comment