Người đàn bà Việt kiều lo ngại nhìn màn mưa nhiệt đới lạ lùng nghiêng xám khoảng trời Sài Gòn buổi chiều cuối năm. Từng hạt nước thô tháp rơi lộp độp xuống mặt phi đạo, nóng nảy bốc hơi, quyện vờn trên mặt nhựa đen loáng nước. Hai người công nhân phi cảng, vui mừng với món tiền lớn, đang lăng xăng bận rộn làm vui lòng khách. Họ vội vã phủ lên chiếc quan tài bọc kẻm tấm bạt nhựa màu xanh rồi đứng che mưa bằng hai chiếc dù căng lớn như lọng.
Người đàn bà buồn bã sang trọng trong trang phục màu đen. Bà ngồi im lặng giữa đống hành lý trên băng ghế gổ đặt cạnh quan tài. Những ngón tay trắng xanh vịn hờ lên cổ áo quan có mẹ già trong đó, vĩnh viễn lìa xa. Khoảng đường bay sướt mướt im lìm trong màn mưa giăng như khúc xa lộ buồn lặng lờ một nỗi nhớ nào đó xa lắc hình như. Nhìn những bong bóng nước thoắt vỡ tan, bà nghĩ đến đóa hoa nở vội trong một bài hát cũ mà nghe lòng hụt hẩng nỗi buồn của thoáng chốc lìa tan, mông lung tạm bợ nẻo về.
Ðã hơn hai mươi năm, đây là lần đầu tiên ông bà trở về Sài Gòn sau ngày người chồng được thả khỏi trại tù cải tạo rồi trốn tìm tự do. Vài năm sau, khi cậu em của bà vượt biên, người mẹ theo con để có người “lo cơm nước cho thằng Út” và “kiếm vợ cho thằng Út để có cháu ẳm”. Ước vọng đơn giản của người mẹ đã trở thành một nỗi buồn. Cuộc sống bon chen trên vùng đất lưu vong đã cuốn hút con cái của mẹ vào chuyện học hành, mưu sinh, khuya sớm đi về, bơ phờ máy móc. Từ nhiều năm nay, bà chưa hề bước ra khỏi nhà một mình dù chỉ là chuyến đi ngắn mua sắm vặt vảnh. Ra vào một mình trong căn nhà vắng, nghĩ đến thằng Út đã xấp xỉ bốn mươi vẫn chưa có vợ, bà càng thêm buồn bã và nhớ quê hương. Có khi bà ngồi im lặng hàng giờ, nhắm mắt, mường tượng từng khoảng nắng trên con đường từ chợ về bến đò Quản Nhung. Bà vẫn nhớ rõ như in từng mái nhà ngói đỏ ẩn hiện sau những bụi điên điển vàng ngát nắng trưa. Bà vẫn như nghe rõ đâu đây tiếng máy tắc-ráng rộn rã đua nhau trên giòng kinh Ông Chưởng trên đường chạy ra Long Xuyên cho kịp phiên chợ. Bóng cây ô môi cao vời bên bến đò thả bóng nắng êm đềm xuống bờ nước, sóng lao xao vỗ về lòng cô gái cù lao Giêng rộn ràng ước hẹn. Thánh Ðịa Hòa Hảo bên kia vàm mênh mông phù sa - bến nước trong cho nàng sáo mơ màng một chuyến sang sông. Chuyến đò ngang mỗi sáng đưa ông giáo trẻ từ Thánh Ðịa về Chợ Mới dạy học đã một ngày kết hoa cho sáo sổ lồng. Vàm sông đêm hoa chúc thơm sáng một trời trăng, ân cần lời kinh răn nhủ, vương vấn điệu hò. Thời gian êm ấm trổi dài theo hạnh phúc gia đình, con cái lớn khôn, vuông tròn đời mẹ ước mong...
Rồi con gái lấy chồng xa, tuy có bùi ngùi bờ lau bến nước, mẹ vẫn vui biết lòng con choáng ngợp yêu thương. Xe hoa là đoàn chiến đỉnh. Con tàu tình yêu đã đưa cô gái Hậu Giang đi hết một chiều dài đất nước, qua vùng biển xa, dừng lại bên bến nước êm đềm trang trọng một giòng Hương.
Rồi oan khổ tai ương đổ xuống. Con gái theo chồng sống kiếp lưu vong. Ông giáo qua đời. Bà mẹ, chân sáo thân cò lặn lội, sống hẩm hiu cùng con trai. Mỗi cuối ngày trên đường từ chợ về, bà thường ghé vào khu nghĩa trang gia tộc, ngồi lại bên mộ chồng. Giây phút yên lặng bên người thân đã giúp tâm hồn bà bình an mà gom sức cho ngày tới. Trong nhang khói, bà cảm thấy mình nhỏ nhoi trên rẻo cù lao Thánh Ðịa sông nước trùng vây. Ngọn tháp chuông nhà thờ phía cù lao Giêng cao vượt khỏi hàng cây lô nhô bóng lá, thẩm xanh trong ráng chiều. Bóng người lấm tấm di động dưới tàng cây ô môi phía bến đò cù lao Ông Chưởng trông xa như một cửa động thâm u.
Vàm sông rộng làm lênh đênh những chuyến đò ngang và quay quắt lòng người vợ không đành bỏ mộ chồng điêu tàn hương khói. Thế nhưng lòng thương con đã giúp bà bước chân xuống đò qua sông lần cuối, theo con đi đến một thế giới xa lạ.
Từ hơn một năm nay, lòng mẹ khấp khởi mừng vui khi thằng Út cho hay sẽ về Sài Gòn cưới vợ. Bà trông ngóng từng ngày chuyến trở về quê hương để thấy được ước vọng cuối đời trở thành hiện thực. Cưới vợ cho con. Ðưa dâu về quê nội, cùng nhau qua chuyến đò ngang từ bến đò Quản Nhung về Thánh Ðịa bà vẫn mộng hằng đêm.
Thế mà căn bệnh oan khiên đã kéo đến giết dần mòn thân xác và ước vọng một đời của mẹ.
Người đàn bà lau nước mắt, ngón tay thon mân mê vuốt nhẹ lên mặt chiếc áo quan lấm tấm những giọt mưa đọng như muốn níu giữ hình hài thương mến mẹ già.
- Ai như ông đang đi ra đó cô Hai ! Có tiếng reo vui của cô gái công nhân.
Người đàn bà thở ra nhẹ nhỏm, quay nhìn chồng đang vội vã đi về phía mình. Ông tươi cười lắt lay hai thẻ nhập cảnh trước mặt vợ.
- Cậu Út đã lấy visa. Anh chàng đang ở ngoài kia tìm thân nhân bên đàng gái và thuê bao xe để sáng sớm mai chở Má đi Long Xuyên cho kịp chuyến đò về Hòa Hảo.
- Họ có làm khó dể, hỏi han anh nhiều không ?
- Thì... ngoài lệ phí ba tấm visa, anh dúi thêm năm chục đô nữa nên ai cũng dể tính và lịch sự.
Người công nhân lớn tuổi nói chen vào.
- Ông cho vậy là nhiều quá rồi đó.
Cô gái chép miệng.
- Mấy thằng chả. Cha nào cha đó giàu sụ...
Người đàn ông ngồi xuống bên vợ. Ông dõi mắt ngó mông lung những vòm mái hoang phế, đổ nát, nằm rãi rác dọc theo phía bên kia phi đạo. Trong thời chiến tranh đó là nơi cất chứa chiến đấu cơ phản lực, giờ đây cỏ tranh cao quá đầu người mọc lan kín lối đi.
Trời dứt mưa, bất chợt như lúc đến. Mây tan từ phía cuối phi đạo nhường chổ cho ánh mặt trời rọi chiếu lên những vũng nước đọng lónh lánh trời xanh. Mưa vẫn đến rồi đi vào buổi chiều ở Sài Gòn, bất chợt, thủy chung. Mưa Sài Gòn. Nào có ai đổi thay được cơn mưa nắng Sài Gòn... Những hạt mưa lóng lánh kỷ niệm, mát mặt ướt lòng. Từng giọt nặng đau thương mà cần thiết cho cuộc trở về. Lòng ông vun lên nỗi xúc động gặp lại niềm thân thiết tang thương cũ. Từ trong ngút ngàn kỷ niệm, lãng đãng những mãnh đời phung phá hoa niên và một mùa chinh chiến đã xa, người đàn ông bắt gặp mình trên nẻo về, rủ bụi phong trần sau cơn mưa chiều bất chợt, ngồi lại lắng nghe những bồi hồi xưa cũ trong từng nhịp đập tim mình.
Người đàn ông đăm chiêu nhìn cổ áo quan phủ bọc hình hài người mẹ. Vì thương con nên phải chịu đời lưu dân nhưng trong lòng mẹ vẫn mãi quay quắt một cõi về vĩnh cửu bên chồng. Ông bồi hồi nghĩ đến những người chết trong đoạn đời chiến binh ông đã đi qua. Bao nhiêu chiếc quan tài phủ quốc kỳ được người sống sắp thành hàng chờ đưa lên máy bay ở quãng phi đạo ngoài kia? Chiếc quan tài lẻ loi ở phi trường Ðà Nẳng một sáng tháng Ba bảy lăm. Cái chết muộn màng của Chánh ở cuối giòng sông Thu Bồn. Lần vĩnh biệt quá sớm cho hai hàng nước mắt tiếc thương trên má hồng non thiếu nữ. Ngôi mộ bạn cùng bao nhiêu nấm mồ chiến binh khác trong khu nghĩa trang có tượng người lính ngồi buồn bên xa lộ lối vào thành phố giờ đã lưu tán phương nào? Muôn vạn hồn thác oan, lạc nẻo trùng ngộ quê nhà, long đong bóng ma trơi cuối trời hư huyển. Người còn sống vẫn phải đọa lạc lưu đày trên chính quê hương mình hay mãi loay hoay tìm sống trên vùng đất tạm dung bên kia vời vợi biển xa. Còn ông? Có phải ông đang trở về? Hay chỉ là một chợt tỉnh phù du giữa cơn mê chiều bởi giọt nước mát đọng trên ngón tay ông lay buồn gõ nhịp lên nắp cổ quan tài.
Quê hương một thuở lớn lên. Xốn xang lòng ông hình ảnh con tàu chập chùng đêm khơi tháng Chạp. Vùng biển bên ngoài phá Tam Giang loang loáng trăng khuya. Bãi cát dài xuôi về phương Nam nhẩn nhục nằm yên nghe cơn cuồng nộ của biển. Quê cha trong đó, sau độn cát dài hoang vu uốn lượn hình hài của gió. Tháp chuông nhà thờ Thanh Hương cao vút trong nắng chiều ba mươi Tết. Tiếng chuông ngân đổ dài theo đường quan xuống tận bến đò Ðại Lược như lời chào đón con cháu về quê ăn Tết. Chưa hết háo hức sau chuyến xe từ Bến Ngự về Ðông Ba, bầy trẻ con đứng bên cha chờ xuống ghe ở bến đò Gia Hội. Bốn đứa bé ngập ngừng từng bước chân nhỏ trên tấm đà gổ hẹp để vừa kịp rơi vào tay mẹ đang đứng chờ dưới lòng thuyền. Ðò đi mất nửa ngày sông thì về tới làng. Dọc hai bên đường làng là những ngôi nhà thờ họ, lăng mộ ôm quanh, cát trắng in hình cỏ may bay đùa trong gió biển thơm quyện khói hương con cháu về thăm.
Người đàn ông buồn bã nghĩ đến mộ cha mộ mẹ giờ vẫn hai nơi, quạnh quẻ tha hương. Người chết, người sống, vẫn mãi long đong tìm kiếm lối về.
Ðôi vợ chồng im lặng ngồi bên nhau, lắng nghe tim mình đập nhịp trở về. Lòng họ bồn chồn thấy mình trên chuyến đò qua bắc Năng Gù, qua bến chợ Long Xuyên rồi theo giòng đưa mẹ về với cha bên vàm Nao, quê hương Thánh Ðịa, âm vọng muôn đời lời sấm giảng trọn vẹn nghĩa nhân.
Họ băn khoăn nghĩ tới chuyến đi sắp tới, dọc dài một phần đất nước, tìm bốc mộ cha. Ông không có nhiều kỷ niệm với vùng cao nguyên nhỏ bé có giòng sông cạn lòng lô nhô đá chảy qua thị xã. Có chăng là sự hàm ơn núi rừng đã chìu đãi bước chân người tha phương cầu thực. Người cha đã gầy dựng cơ nghiệp rồi nằm lại một mình trên vùng đất hẻo lánh. Mẹ theo các em ông trở về quê. Cuộc sống đã dừng bước chân gia đình bên Vịnh Hàn. Rồi mẹ ông qua đời ở đó, phíabên này đèo Hải Vân vời vợi mây bay. Cuộc sống khó khăn nên khoảng cách một ngày xe đã quá nhiêu khê. Mẹ cha trong cõi chết vẫn mãi nằm trong cách trở, núi biển lìa xa.
Người đàn ông cầm tay vợ, lòng run xúc động, mường tượng lúc đem hài cốt mẹ cha về sum họp trên bờ đất tổ, trắng phau triền cát rịn gió biển Ðông. Ông chợt nghe tiếng chuông nhà thờ Thanh Hương ngân dài theo bước chân ông về trên con đường quan dẩn xuống bến đò Ðại Lược.
Tay vịn hờ tấm hình mẹ đặt trên cổ áo quan, cậu Út bảo người tài xế từ từ lái xe ra bãi đậu trước nhà phi cảng nơi thân nhân bên đàng gái đang đứng chờ. Họ ngồi hai bên quan tài được đặt ngay ngắn trên sàn xe đã tháo trống các dãy ghế sau. Ðối diện cậu Út, hai vợ chồng chật vật ngồi trên cái đòn gỗ không đủ dài. Người đàn ông xoay người sắp lại mấy cái xách hành lý cho gọn trong lúc người vợ đang đốt nhang. Bà cúi đầu khấn vái rồi cắm nhang vào chiếc bình nhỏ chứa đất lấy bên khóm mộc lan người mẹ trồng ở vườn sau nhà bên Mỹ.
- Thật là may. Em và ông già vợ tương lai chạy tìm mãi, chỉ toàn là xe taxi chở khách. Ðang thất vọng thì gặp chiếc này. Một ông già Việt kiều về thăm nhà, qua đời bất ngờ vì bệnh tim, trối trăn con cháu phải mang về mai táng ở Mỷ.
Người đàn ông chép miệng.
- Sống. Chết. Kẻ đi người về, riết rồi chẳng biết ai đi ai về...
Rồi ông đùa với cậu em vợ giữa tiếng cười nhẹ.
- Cũng hay là Má muốn được mang về quê mai táng, cậu có thời giờ để cưới vợ chạy tang, chứ không cô cậu đành phải chờ thêm ba năm nữa... héo cả ra.
- Già cúp rồi. Khô nứt ra chứ héo úa gì được nữa anh Hai. Em đã tính... kẹt lắm thì cưới hàm thụ, qua điện thoại.
Người đàn bà gật đầu, nghiêm trang.
- Có lẽ Má đã nghĩ đến điều này lúc trối trăn. Mấy tháng trước lúc đi thăm sinh phần, Má vui lắm, đâu có đề cập gì đến chuyện về quê... Rồi bà bật khóc, kể lể...Bây giờ Má về quê nằm lại một mình. Con cái có giỏi lắm thì mỗi năm về thăm được vài ngày lại đi.
Người đàn ông ôm vợ vỗ về.
- Má về quê nằm bên Ba, với làng với nước, như vậy là ấm cúng mãn nguyện rồi.
Xe chầm chậm lăn bánh qua khoảng sân rộng trước nhà khách phi cảng rộn rịp người xe qua lại, đến đi, đưa đón, khóc cười.
Ông cha vợ tương lai của cậu Út dáng người thấp nhỏ, nhanh nhẹn. Ông vồn vã tay bắt mặt mừng lúc cậu Út giới thiệu anh chị mình. Bà mẹ đứng nhỏ nhẹ hiền từ bên cô dâu. Có lẽ sự niềm nở của người đàn bà Việt kiều đã giúp họ giữ được tự nhiên. Ánh mắt họ cười theo chuổi cười còn vướng víu chút ngỡ ngàng của bầy năm đứa em trai đang lắng nghe người đàn ông kể chuyện Cali. Người cha lăng xăng thắp nhang khấn vái rồi bảo con gái bày biện quả trái lên nắp quan tài. Nhìn đôi vợ chồng sắp cưới vụng về bên cổ áo quan mẹ già, người cha đắn đo hồi lâu, rồi thấp giọng như phân trần với vợ chồng người Việt kiều.
- Lẽ ra thì...nhà chật chứ chật chi lòng...nhưng vì...
- Chú thím đừng ngại. Cậu Út có nói em Nương đã tìm mướn giúp phòng ở khách sạn rất gần nhà. Như vậy là thuận tiện lắm rồi... Người đàn bà thân thiện cầm tay bà mẹ, nhanh nhảu đở lời.
- Cô Hai nói vậy vợ chồng tui cũng yên tâm. Khách sạn có sân rộng kín đáo lắm. Xe đậu ở đó qua đêm, mình thường trực thăm chừng khói hương ấm cúng thì có lẽ bác cũng không chấp trách.
Người đàn ông nghiêng đầu, cáo từ.
- Cảm ơn chú thím đã lo lắng chu đáo. Chúng tôi xin phép về khách sạn để kịp thu xếp chuẩn bị đến nhà cô dâu cho tươm tất. Ông nhìn vợ, cười ý nhị...Tang gia tuy có bối rối nhưng đi dự lễ cưới của cậu Út, chị Hai phải diện vào cho bảnh chứ!
Bà mẹ nhìn người đàn bà bằng đôi mắt ngưỡng mộ.
- Cô Hai như vậy là đẹp quá rồi, khỏi cần sửa soạn gì thêm...
- Bên nhà, mọi việc đã chuẩn bị xong, chỉ chờ cô chú và anh Út qua là bắt đầu lễ cưới... Gọi là chút nghi lễ cho đúng phong tục ông bà để lại. Sau đó...coi như là rước dâu đi!... Cậu Út sẽ đưa con Nương về lạy quan tài để bác nhìn nhận dâu con.
Người cha cảm thấy nhẹ người sau khi bày tỏ ra được mấy câu nói ngắn ngủi mà ông mãi suy nghĩ sắp xếp suốt thời gian cùng gia đình đứng chờ trước nhà phi cảng. Nét mừng hiện rõ lên khuôn mặt khắc khổ của người cha suốt đời lo lắng cho gia đình, con cái. Ông mừng cho con Nương có được nơi gia thế đàng hoàng để nương tựa. Vợ chồng ông từ đây sẽ hết lo buồn cho đứa con gái độc nhất, “hâm tới hâm lui” tám chín lần mà vẫn chưa có chồng. Ông bước đến vuốt tóc Nương, dặn dò con gái ở lại theo xe để chỉ đường về khách sạn, rồi cùng vợ rảo bước theo bầy con trai đang đi về phía bãi đậu xe gắn máy.
Cử chỉ trìu mến hiếm hoi của cha già làm cô gái ngạc nhiên đến ngơ ngác rồi vỡ bùng xúc động. Ðôi mắt Nương long lanh giọt lệ lúc nàng bước lên xe ngồi cạnh người chồng sắp cưới. Ngón tay Nương run run vịn hờ lên nắp cổ áo quan.
Sài Gòn sau cơn mưa tươi mát như người vừa tắm gội xong. Dãy phố bán cây kiểng phía ngoài cổng phi trường rực rỡ từng hàng chậu hoa tết dọc theo lề đường nhộn nhịp người xe qua lại. Vợ chồng người chị sau vài câu thăm hỏi thân mật đang mãi mê quay nhìn cảnh phố phường lạ lùng trước mặt. Nương bẽn lẽn liếc nhìn người chồng sắp cưới đã tự lúc nào đó tìm nắm lấy tay nàng. Trong bấc giác, ngón tay cô gái khẻ lay đôïng như muốn bấu víu chút sự thật ấm lòng, cùng lúc với cảm giác vừa chạm mặt nỗi buồn rất mới ùa đến bủa vây.
Bầy xe gắn máy của em trai Nương, vui mắt chạy thành đoàn như trong một đám rước, chìm lẫn rồi biến mất trong làn sóng người xe tất tả vội vàng trên con đường chạy về phía Ngã Tư Bảy Hiền. Nương căng mắt nhìn con đường cần mẫn nắng mưa nàng đã quen thuộc đi về gần hai mươi năm nay. Từ ngày Nương còn là đứa bé mười tuổi trên vùng quê nghèo xứ Quảng, cùng gia đình tha phương cầu thực, ngơ ngác lạc lõng giữa phố phường Sài Gòn.
Nương cảm thấy bơ vơ trên chuyến xe đưa người chết về quê. Chuyến xe sẽ giúp đưa nàng về cõi sống vẫn từ lâu ước vọng, sao nhịp vòng quay nghe như nhịp lòng đang thổn thức.
- Cô dâu chưa làm đám cưới mà đã nhớ mẹ rồi sao ?!
Cô gái lau vội vệt nước mắt trên má, ngượng ngập nhìn người chị chồng tương lai đang nhìn nàng mỉm cười chế diễu.
- Em nghĩ đến chuyến đi ngày mai rồi chợt nhớ quê nội ngoài Trung đã hai mươi năm xa cách chưa về thăm lại một lần.
- Anh cũng rất mong muốn được về thăm quê em một lần cho biết. Sau chuyến đi Hậu Giang, tụi mình thế nào cũng ra Trung.
Người anh rể nhìn cậu Út pha trò.
- Cậu đã lượng sức chưa mà dám tuyên bố hung hăng quá vậy ?! Ðất Quảng Nam chưa mưa đã thấm. Rượu Hồng Ðào chưa nhấm đã say...đó! Tui đóng Giang Ðoàn ở Cửa Ðại một thời gian đã từng chứng kiến bạn bè “cá gô cây” bị thất tình quên cả đường về Lục Tỉnh.
Nghe người đàn ông nhắc đến tên vùng quê nội thân thiết, Nương mừng nói như reo.
- Anh Hai có ở Cửa Ðại vậy là biết làng nội Xuyên Thọ của em rồi.
Giọng người đàn ông chùng xuống.
- Tôi có người bạn thân gục chết trong lòng tàu giữa đầm sông rộng đó.
Nương bồi hồi lắng nghe người đàn ông kể lại kỷ niệm thời chiến tranh ông đã đi qua trên vùng quê nội điêu tàn. Nàng chợt cảm thấy gần gủi với người đàn ông đang ngồi trước mặt mình. Nơi chốn. Thời gian. Sự trùng ngộ ấm lòng giữa mơ hồ giăng mắc nhân sinh. Ðứa bé gái lên hai chập chửng bước trên bãi cát vương màu lụa. Người lính trẻ đứng trên chiến thuyền giữa đầm sông nối biển vọng mãi triều âm. Buổi sáng. Buổi chiều. Hay đêm trăng mờ cát vàng Xuyên Thọ. Phận người mở ra, khác biệt mà tương quan. Và như thế, trong một lúc một nơi nào đó, hạnh phúc choàng đến. Hạnh phúc được bắt gặp trên nẻo về quê nhà. Hạnh phúc được tìm thấy từ sự gặp gở qua mỗi phận người.
Hình ảnh đứa bé gái còm cõi ngồi trên độn cát vẫn sống mãi trong trí nhớ nàng, buồn bã như giấc mơ không thành. Bé Nương lo lắng khóc ròng nhìn chú bò sơ sinh chập choạng đi theo mẹ, sợi nhau nối liền cuốn rún chưa lìa kéo lê trên triền cát. Nội phì phèo điếu thuốc rê, lấy rựa cắt nhau cho chú bê con, vùi nắm nhau máu me trong cát nóng, rồi ẳm cháu về nhà. Mấy tháng sau thì Nội mất. Ông nội nằm sơ sài bên mộ bà nội trong nghĩa địa cuối làng có hàng dứa xanh xơ xác trồng quanh. Những bụi xương rồng gai góc mọc lẫn giữa hàng mộ cát làm ngại ngần bước chân ba chị em, tóc khét nắng tìm hái sim dại. Làng quê Xuyên Thọ nằm dọc theo biển phía bờ Nam Cửa Ðại. Khu xóm chài quay mặt về phía đầm sông, ẩn mình sau độn cát dài để tránh mùa thịnh nộ tháng Mười, “Ông tha Bà không tha”. Vùng đầm sông rộng như một vịnh biển mênh mông sóng tràn. Vào mùa lũ lụt, nước nguồn theo sông Ô Lâu, Thu Bồn, Trường Giang, Ðế Võng, cuồn cuộn đổ về cuốn theo từng mảng lục bình, dừa nước, quây quần trong đầm sông trước khi bị cuốn phăng ra biển. Bên kia đầm, làn nước dâng cuộn nhận chìm trong sóng bạc bãi cát phơi lưới của xóm chài Thuận Tình xanh ngắt bóng dừa.
Có lần con Nương nghe mẹ kể chuyện với cha về ánh trăng chiếu lên độn cát quê làng đẹp như lụa vàng mẹ dệt khi từ dưới bóng dừa Thuận Tình đứng nhìn về Xuyên Thọ. Chuyện kể thành giấc mơ đẹp trong đầu óc bé thơ nên con Nương vẫn thường tần ngần đứng nhìn chuyến đò ngang hiếm hoi rẽ sóng chạy về khu xóm dừa xanh.
Ngày cha mẹ đưa ba chị em trốn theo ghe ra Cù Lao Chàm tìm đường vào Sài Gòn sinh sống, con bé Nương đứng trên bến đò nhìn về phía xóm chài Thuận Tình, lòng buồn thiu nhớ lại giấc mơ chưa làm được vì chuyện ra đi. Vẫn chỉ là giấc mơ.
Từ lâu lắm, màu trăng soi trên cát vàng quê nội vẫn sáng mãi trong huyền hoặc giấc mơ nàng.
- Có thể nào mình về quê cho kịp Rằm tháng Giêng này không anh.
Giọng cô gái nhẹ như hơi thở quyện trong ánh mắt ngước nhìn long lanh màu trăng sáng. Âm ba khẽ rung từ cung bậc khác với tiếng đời đang rộn ràng kéo đuổi ngoài kia, mong manh mà gần gủi như bờ môi đang chạm lên từng sợi thính giác tê rần. Người đàn ông đứng tuổi lưu lạc quê người cầm tay vợ, tươi cười gật đầu trong thảng thốt bàng hoàng của nỗi hạnh phúc trễ nải mà tinh khôi đang rào rạt lòng mình .
Feb 20, 2005
NẺO VỀ
Labels:
Phan Thái Yên,
TruyenNgan
Subscribe to:
Post Comments (Atom)
No comments:
Post a Comment