Apr 23, 2005

Ẩm ướt những cơn mưa



Vô tình tôi đi qua quán sách cũ buổi chiều hôm ấy. Sau cơn bão vừa tạt qua thành phố mấy bữa trước, trời đang lặng yên, bỗng còn nuối tiếc, đổ xuống một trận ào ào. Tốt hơn cả là chạy vào quán sách, vừa nhân thể chào cô bạn chủ quán vừa tìm một cuốn gì về đọc cuối tuần. Thời tiết xấu và sau những ngày lễ tết cuối năm, túi tiền vơi hẳn lại thêm thuế má đuổi bắt sau lưng, mọi người như sợ la cà phố quán.

Cô bạn đang lui hui xếp lại mớ sách trải đầy trên sàn gỗ, nghe tiếng tôi gọi sung sướng cười. Hoá ra nàng đang ế khách, có người nói chuyện hẳn thích đó thôi. Thường thường giờ này, đủ hạng người, già trẻ lớn bé, nhất là học trò sinh viên chen nhau trong cái phòng không được bốn chục mét vuông. Sách trên kệ, dưới sàn, trên bàn và cả những bực thang gỗ dẫn lên căn gác, nơi uống trà đọc sách của khách nhàn hạ.

Nhưng tôi nhầm, cô ta chẳng chút buồn tình, còn đang mừng có dịp xếp dọn mớ hàng hoá vô cùng bừa bộn sau những ngày tết mà thiên hạ đổ đến mua sách cũ làm quà. Trước đây, tôi không tưởng được người ta có thể gói lại trong giấy bóng một cuốn sách, nếu chẳng đến nỗi cũ mèm thì cũng cong góc hay nhạt màu bìa để đem tặng ai đó. Sau này, đôi lần phải một quyển đã tuyệt bản mới thấy thế nào là quí.

Nụ cười rạng rỡ khác hẳn ngày cô ngồi gọn lỏn trong chiếc ghế bành với hai đứa con nhỏ, đứa ôm cổ đứa kéo tay. Một mình sau đám tang người chồng, nàng loay hoay tìm cách sống. Lắc mái tóc buộc gọn sau vai :

- Tao bán nhà, lấy tiền mở tiệm sách.

Tự nhiên tôi bật cười :

- Sách gì, khoa học, văn chương ? Mày biết chi mà buôn với bán.

Cô ta ngửng lên, đôi mắt mở to thất vọng, đáp thõng :

- Sách cũ.

Tôi ngỡ ngàng nhận ra câu nói vô duyên của mình. Lâu rồi tôi nhìn cô qua hình ảnh một bà nội trợ có chồng chức phận, ở nhà nuôi con và quản lý cả trang trại lớn. Tôi quên bẵng bạn mình vốn có kiến thức trên xa mức trung bình. Lòng bỗng rộn ràng với khung cảnh một cửa hàng sách, nhất là sách cũ, với mùi giấy của thời gian không giới hạn và nét vàng khắc chạm trên bià nổi, dấu ấn một quá khứ.

Hai chúng tôi rủ nhau lên gác, tâm sự đủ chuyện. Tôi mới hay, cô bạn vừa mở thêm một phòng triển lãm tranh trên con phố gần đây. Trời dứt cơn mưa, chỉ còn vài giọt lất phất, ngoài kia gió đã ngừng. Tôi đẩy cửa ra về, cô bạn nhắn theo : - Nhớ ghé qua xem tranh, chắc chắn mày sẽ thích. Kèm theo nụ cười dụ dỗ khác thường.

Phòng tranh nằm sát con đường phố cổ chật hẹp, không được bốn thước chiều ngang. Một chiếc xe chạy qua là đủ nghẽn, cũng chẳng có vỉa hè. Những ngôi nhà hai bên trầm ngâm màu gạch cũ, không rong rêu nhưng đượm nét u hoài với các ô cửa kính cong cong và mái ngói sậm màu. Tôi đứng ngoài một ít lâu. Tật vẫn thế, thích có cái nhìn bao quát trước khi vào một phòng tranh nhỏ. Chừng hơn chục tấm xếp đặt mỹ thuật trên ba bức tường không thẳng góc. Cô bạn cho biết trước, đây là một hoạ sĩ mới trong vùng.

Người đàn ông ấy đang đứng xem tranh phiá trái, tóc dài chấm vai. Ánh lá mạ của chiếc áo pull sáng trước nền xanh mãnh liệt đan những vạch trắng và đốm nâu của bức tranh trườu tượng. Anh ta có vẻ chăm chú, lại gần rồi lùi xa. Nơi chiếc bàn góc phải, cô tiếp tân đang chúi đầu vào một cuốn truyện. Tất cả yên ắng, trầm tư. Ðã đặt tay trên nắm cửa nhưng tôi bỗng ngại ngần không dám mở ra, sợ làm rộn người khách đang xem. Buông tay quay lưng định đi, quả nắm kêu lên tiếng động nhỏ. Người đàn ông quay lại hơi nhíu mày, nhưng liền sau đó, bắt gặp sự lúng túng của tôi, anh ta mỉm cười. Thoáng đôi mắt xanh như mặt hồ thật dịu. Ðã lỡ, tôi quyết định không vào. Chút ánh sáng cuối ngày vừa biến đi trên con đường nhỏ. Trời lại sắp đổ mưa.

***

Chẳng ngờ, tôi gặp lại người đàn ông tóc dài ấy ba bốn tháng sau, nơi một quán ăn gần biển. Cũng cô bạn hàng sách bầy têu, nhân ngày sinh nhật. Chẳng hiểu tiền định thế nào, cô và tôi sinh cùng ngày và tháng. Lần này cô gọi :

- Ðừng ngồi nhà, sửa soạn theo tao đến chỗ này. Giọng cô reo lên đầy hứa hẹn điều thú vị.

Từ biển quay vào thành phố, nối tiếp làng mạc là những cánh đồng thẳng tắp. Vào mùa hạ những hoa gai dệt vải xanh lung linh, bềnh bồng lan khắp chân trời. Lúc này cuối đông đầu xuân biển thường hay động, từng bày hải âu oang oác rủ nhau vào đất liền, theo chiều gió. Xe qua vài con đường nhỏ viền hai hàng bạch dương, chúng tôi dừng trước ngõ dẫn vào một quán ăn khuất lấp sau lùm cây nguyệt quế. Vừa bước xuống xe, tôi ngạc nhiên bật cười, một tấm biển nhỏ dựng cạnh bụi cây, kẻ chữ hồng : Chiếc vali tham ăn.

Lối đi trải đầy sỏi trắng đưa đến căn nhà tường phủ sọc gỗ nâu, tiêu biểu của vùng tôi ở. Hôm ấy trời đầy mây u ám. Có ngọn gió đông bắc lùa về căm căm nhắc nhở câu ngạn ngữ kỳ lạ của xứ sở này : Vào tháng tư không được rời một sợi vải. Dù ban ngày, sau cửa kính thấp thoáng ánh đèn ấm áp. Không chờ cô bạn đang khóa xe, tôi hấp tấp đẩy cửa như bị cuốn hút bởi không khí ấm bên trong. Nhưng tôi đã khựng lại ở ngưỡng cửa một phòng ăn có những chiếc bàn phủ khăn hồng nhạt, nổi bật đĩa ăn màu rượu chát. Ánh pha lê từ các cái ly cao cổ long lanh. Cành hoa trắng trong chiếc bình thấp đặt ở mỗi bàn mang vẻ cô độc đầy thanh lịch. Trên hai bức tường đá vôi là hai bức tranh sơn dầu khổ lớn. Ngoài ra chẳng còn gì khác. Tôi chưa nói đâu về những tấm tranh này, vì điều đã khiến tôi không thể bước thêm bước nào chính là người đàn ông đứng gần nơi quầy rượu. Anh ta đó, chàng tóc dài xem tranh chiều mưa nọ.

Tiếng chân cô bạn đến đằng sau, anh chàng nở nụ cười tươi, cặp mắt rất dịu lần trước sáng hẳn lên chào cô bạn đang nghịch ngợm nghiêng đầu. Trưa ấy trong tuần, vắng khách, người bồi phụ trách hai bàn xa hơn. Chúng tôi được chính chủ quán tiếp món ăn. Cô bạn giới thiệu đây là bạn thân của người họa sĩ triển lãm hôm nọ. Tôi đi từ ngạc nhiên này tới ngạc nhiên khác. Bạn rất thân mà sao anh ta đến xem tranh với phong cách của khách thưởng lãm không quen. Kỳ lạ thật.

Chàng tóc dài hôm nay vẻ ngoài thay đổi, một bộ complet cắt khéo, trịnh trọng ông chủ nhà hàng, nhưng chẳng che đi màu tím nhạt của chiếc sơ-mi cũng nhẹ nhàng như màu áo lá mạ bữa ở phòng tranh. Anh rất hoạt bát, nói đủ thứ chuyện một cách dễ dàng. Vừa nghe tôi vừa đảo mắt nhìn quanh. Tất cả nơi đây toát ra không khí ấm cúng và lịch sự. Ðối diện lối vào có hai khung cửa mở ra khu vườn, những nhánh phong đã bắt đầu trổ lá. Cây hoa đào rủ cành, hồng thắm góc sân. Bức tường sau quầy rượu treo tấm tranh vẽ một ngôi nhà cổ cheo leo bên triền núi. Có một thứ nắng trời rực rỡ chiếu sáng các bờ đá và những cành cây mọc nghiêng trong không. Nhưng khi mắt dừng lại trên tấm tranh thứ hai thì tôi bị một luồng điện mạnh rút qua. Những mảng màu đập vào nhau, bắn ra như máu, như nước, như lửa cùng một lúc. Nó làm hồn tôi bấn loạn. Cô bạn chừng nhìn thấy, đưa mắt hỏi anh chàng tóc dài :

- Hắn đâu ?

- Dưới bếp, để gọi lên.

Vài phút sau, hắn đó. Một dáng người to cao vững vàng, chiếc áo ca-rô xanh hài hoà với màu quần xám, bên ngoài còn khoác cái tạp dề đầu bếp. Người mới đến ôm hôn cô bạn túi bụi, rồi quay lại chìa tay cho tôi, bàn tay ấm nhưng mềm mại. Bạn tôi giới thiệu :

- G., đầu bếp tham ăn, họa sĩ cuồng !

G. cười hiền lành. Tôi vẫn có tật hay nhìn người đối diện vào đôi mắt, và mắt anh ta lại thản nhiên lạ lùng

Cô bạn cùng hai người đàn ông nói chuyện vui vẻ, thân thiện quá, tôi đóng vai thính giả ngồi nghe im lặng. G. ít nói nhưng rất ý nhị. Chàng tóc dài hài hước vui tếu hơn. Có lúc anh ta đặt một tay lên đùi, tay kia choàng qua vai G. kéo lại gần. Họ nhìn nhau, ánh mắt trao đổi vuốt dài. Tôi ngẩn người trong giây phút, đến nỗi cô bạn tinh ý đá chân dưới gầm bàn, cười tủm tỉm.

Chúng tôi ngồi rất lâu sau bữa cơm. Khi bước ra khỏi chiếc vali thì trời đã tối. Một mùi hương bay lượn trong không, hình như là mùi thủy tiên dưới những gốc cây lẫn với mùi biển. Tôi kéo cao cổ áo, ngửng đầu nhìn trời. Mảnh trăng trên cao lẻ loi trong vắt. Hơi lạnh ngấm người, và chẳng hiểu vì sao, tôi bỗng ngoái nhìn. Sau cửa kính, hai người đàn ông quàng sát vai nhau vẫn đứng đấy, đưa tay vẫy chào. Màu đèn sau lưng họ vô cùng ấm áp.

***

Từ đó, tôi trở thành bạn. Cô hàng sách và hai người chủ chiếc vali tham ăn thường tụ họp gặp nhau vào những ngày nghỉ, tôi được mời cùng đến. Tôi cũng thường ghé qua quán ăn mỗi lần ra biển, có khi thêm ai đó, lúc một mình. Tôi gọi họ là tóc dài và họa sĩ. Hình như với thế giới bên ngoài G. vẫn luôn ít nói, dường như lời nói của anh đã là màu phá ra từ sơn cọ, là mùi thơm bốc trên những món ăn bày biện mỹ thuật. Còn với không gian sâu kín hơn, anh dành để nói với tóc dài bằng những cái nhìn thấm lắng. Tôi dần quen với cử chỉ thân mật đôi khi táo bạo có phần lộ liễu của họ. Trong tôi không còn hình ảnh những chàng gay mặc áo màu yểu điệu với hai bàn tay thích xoè từng ngón, vung vẩy trong mỗi bước đi.

Chàng tóc dài kể, G. sinh trưởng tại miền biển này. Ngay tuổi thiếu niên đang lớn G. sẵn đẹp mạnh mẽ rắn rỏi và tâm hồn bồng bềnh nghệ sĩ, nhưng G. hờ hững với tất cả những cô gái cố tình. Chàng bỏ nhà ra đi về thành phố lớn khi không còn chịu đựng nổi tiếng thở dài của mẹ, cặp mắt vừa dò hỏi vừa đau xót của cha. G. bắt đầu vào làm bồi bàn rồi học thêm phụ bếp cho một hiệu ăn nổi tiếng. Tự nhiên khám phá thêm năng khiếu nấu ăn đặc biệt. Riêng tóc dài là con nhà giàu, học hành rất giỏi, làm việc trong ngành ngoại giao khi vừa hai mươi sáu tuổi. Hai người họ gặp nhau ở hiệu ăn G. làm. Một người vẫn tiếp tục nấu ăn và vẽ, người kia di chuyển nơi này nơi khác. Những chuyến đi như thế của tóc dài chẳng thú vị gì, lắm lúc là một khổ hình khi bắt buộc che giấu phần đời thực. Anh kể, có lần, một nhà ngoại giao nhật bản đãi bữa tiệc có những nàng geisha chuyên nghiệp. Saké chuốc từ đầu buổi đến tàn đêm. Các cô lơi lả, ông nhật say mèm sốt ruột. Nhưng anh là khách và vẫn ngồi yên tự tại, mặc cho các nàng có ý giục giã. Nhà ngoại giao Nhật khổ sở chịu trận, cuối cùng mất kiên nhẫn đành nói thẳng :

- Nếu ông không thích các cô gái kiểu này, chúng tôi có thể mời mấy cô tân thời điệu nghệ khác.

Tôi gọi vào cho ông chọn nhé.

Tóc dài chẳng có cách nào hơn là vội vã đứng dậy chắp tay :

- Thưa ngài, xin miễn cho, chả là…hôm nay kỷ niệm đám cưới vợ chồng tôi, và…tôi rất yêu nàng.

Ông Nhật cười ha hả :

- Không ngờ, không ngờ ! tây phương các ông lại có người lịch sự với vợ đến thế ! Bái phục !

G. đã chán ngán thành phố lớn ồn ào, thèm muốn trở về với biển. Khách đến quán vali tham ăn, nếu chẳng biết gì thì vì khẩu vị các món ăn và nơi chốn thơ mộng. Còn không, họ ghé lần đầu với sự tò mò. Số còn lại trở thành khách quen cởi mở, đồng tình. Nhiều người mua tranh G. và cũng không ít các bà các cô mê mệt phong cách lịch lãm, duyên dáng trong lời ăn tiếng nói của tóc dài.

Một lần, tôi hỏi G. tại sao anh thích nấu bếp. G. trả lời : - Tôi thích mọi thứ nghệ thuật. Nấu ăn là một, có phần đặc biệt hơn, nó giúp tôi giữ được thăng bằng trong con người. Nhờ nó, tôi trấn tĩnh, kìm hãm những sôi sục đảo điên thường đẩy tôi đến bờ vực. Tâm tôi vốn chẳng mấy bình an, tranh vẽ hiếm khi thanh thản. Trước khung bố, tôi không bao giờ biết trước rồi bức tranh sẽ ra sao, vì không thể kìm giữ được trạng thái tâm hồn mình, nhiều khi tôi trút cả bức xúc, ẩn ức, giận dữ vào đó. Thứ xúc động cao điểm ấy là một trong những cá tính của bọn người như chúng tôi. Người che giấu được, người càng đậy điệm càng bùng nổ. Còn nấu ăn là một nghệ thuật có qui tắc. Người làm bếp không thể tùy tiện, dù óc sáng tạo cũng là điều vô cùng cần thiết, chẳng kém gì các ngành nghệ thuật khác. Khi nấu ăn, phải điềm tĩnh, canh chừng. Trần nhánh rau thế nào cho xanh, cho cọng nui mềm vừa phải. Quậy món sốt cần mạnh tay lúc đầu nhẹ tay phút cuối…

Tôi cũng đem thắc mắc về buổi gặp gỡ đầu tiên nơi phòng tranh hỏi tóc dài. Chàng cười bảo : - G. vẽ và tôi mê tranh, nhưng không bao giờ tôi nhìn hắn vẽ. Giản dị, chỉ vì tôi biết mình sẽ can thiệp vào việc làm của G. Tôi xem hắn như một...người vợ và có thói xấu là luôn luôn thích bảo vệ phái yếu. Tôi tỏ vẻ thông hiểu nhưng vẫn thấy có gì ngược đời. Hai người này đã chẳng bình thường, càng nghịch lý hơn khi G. vạm vỡ to con lại được che chở bởi anh chàng mảnh dẻ thư sinh mang đôi mắt dịu hồ trong suốt.

Quen họ một thời gian chẳng biết bao lâu và không có gì ngăn cản tôi yêu thích sự có mặt ấy trong cuộc sống của mình. Ðôi lần họ tổ chức họp mặt giữa những người đồng cảnh, mời tôi đến chơi. Tôi hăng hái nhận lời. Nhưng lần đầu tiên, đã ngồi trên xe, lúc mở máy tự nhiên tôi ngẫm nghĩ : - Khùng quá chăng, khi mình đàn bà lạc vào đám đàn ông đồng tình luyến ái? Aùi ngại lo âu, rồi buổi họp sẽ đi đến đâu, làm sao chuồn về nếu họ quá đà sau đó? Nhưng lỡ nhận lời. Thôi, đi. Cuối cùng, nơi nhà riêng của họ tối hôm ấy, ngoài mấy cặp bạn trai còn có một đôi bạn gái. Mọi người đón tôi tự nhiên cởi mở, tôi mỉm cười chế nhạo đầu óc tưởng tượng phong phú của mình trước khi đến đây.

Một trong hai cô gái mang tên Lise mà tôi rất thích. Dáng người cô cao và cân đối, một cô gái đẹp. Người bạn Lise mập mạp hơn, bộ ngực núng nẩy, mặt tròn nhưng nét cười thiên thần, hàm răng trắng bóng. Lise và cô bạn khi ngồi gần cầm tay, lúc ngồi xa chụm vài chiếc hôn gió. Cho mãi đến khuya, tôi đứng dậy cáo lỗi ra về thì sự cố mới xảy ra. Ðang từ biệt G. cùng tóc dài ở thềm cửa, tôi nghe hai cô gái to tiếng với nhau. Lise trách cô kia điều chi đó, rồi cô bạn ngúng ngẩy quay đi. Lise ào tới vật cô ta ngã dài - chẳng ngờ Lise mạnh đến thế - ôm chầm lấy, cào cấu dữ dội. Mặt nàng đầm đìa nước mắt. Dường như cô bạn tròn động lòng nên quàng ôm Lise, rồi họ hôn nhau mê mải. Tôi bước ra khỏi cửa. Thêm một lần, tâm hồn mất hẳn bình an.

Trên con đường đêm, ngồi trong xe qua những cánh đồng rạ tối, tôi nghĩ về tôi, về G. và chàng tóc dài, rồi về hai cô gái. Hình ảnh Lise chúi mặt vào khuôn ngực dầy của cô kia hệt như một đứa trẻ tìm vú mẹ. Nếu tôi là nhà tâm lý, sẽ kết luận ngay đấy là hậu quả của thứ tuổi thơ thiếu tình mẹ. Không thể nào che giấu, sự vuốt ve trao đổi giữa hai cô gái làm tôi vương vương khó chịu. Khác hẳn những lần tôi thản nhiên trước cử chỉ âu yếm của cặp vợ chồng chiếc vali, như thể một chuyện bình thường. Tại sao trong tôi có sự phân biệt giữa hai cặp tình nhân ấy? Vì sao tôi chấp nhận phái này mà không là phái kia? Do hai người đàn ông vốn bạn thân quen, còn hai cô ấy là người lạ mặt?

Ðường đêm hun hút, thỉnh thoảng vài con thỏ hoang băng ngang dưới đèn xe rồi biến vào bên kia bờ ruộng tối. Lúa cỏ cao rạt từng làn theo gió. Con đường này có những khúc quành khá nguy hiểm, nhưng tôi không rời được suy nghĩ miên man. Cứ mỗi lần đôi môi Lise trơn ướt, cặp mắt nàng lóng lánh nhìn cô gái nọ hiện ra là tôi rờn rợn thịt da. Cuối cùng về đến nhà, tắt máy xuống xe, tôi tự nhủ : - Chẳng có chi lạ, mình là loại đàn bà mang xúc cảm định sẵn, nên không chấp nhận hình ảnh hai cô gái kia vì ngỡ tưởng một người đàn bà khác đang làm những động tác ấy trên chính mình, nên sờ sợ, thế thôi.

***

Tôi không có dịp gặp lại Lise sau đó. Cô hàng sách ngày càng bận bịu, mở thêm gian hàng mới, giao thiệp với họa sĩ, điêu khắc đến từ các nơi. Hơn nữa có gương mặt mới xuất hiện bên đời cô, thân thiết, nên dù vẫn vào mua sách, tôi ít dịp hàn huyên tâm sự. Tôi hay ghé phòng tranh những chiều cuối tuần, một mình hay với tóc dài, trong khi G. sửa soạn các món ăn. G. vẫn vẽ, nhưng có điều gì nơi G. làm tôi lo âu. Mỗi lần xem một bức tranh vừa hoàn tất của anh ta là hồn tôi nếu không hỗn loạn thì trĩu xuống. Tranh G. càng ngày càng táo bạo. Có khi, một con đường sâu hun hút với một hình nhân trần truồng nửa chạy nửa bay, rất thơ nhưng rất lạnh. Lúc toang đổ những tảng màu như máu, không hình không thể mà thường tôi chẳng thể chịu đựng lâu hơn. Tôi sợ và nói ra điều ấy với tóc dài. Tiếng thở ngưng lại trên khuôn mặt anh đăm chiêu, đọng buồn.

Một thời gian sau, tôi nằm bệnh viện. Tóc dài vào thăm buổi chiều hôm ấy. Trời mưa. Tôi với anh ta cùng những cơn mưa ướt át như thể có duyên hội ngộ. Sau các thăm hỏi bệnh tình, anh kiếm chiếc ghế nơi góc phòng, mệt mỏi buông người. Thời gian chừng dừng lại. Cả tôi và anh cùng im lặng nhìn ra ngoài trời. Những dòng nước đan mờ không gian xám. Lúc lâu, chẳng thể đợi nữa, tôi gọi nhỏ tên anh. Tóc dài quay mặt nhìn, tôi không tả nổi màu mắt đùng đục nhờ nhờ buồn thảm. Anh thở ra :

- Có lẽ bọn này đóng cửa chiếc vali.

Chẳng chờ tôi phản ứng, anh tiếp luôn một tràng giận dữ, vỡ bờ đập nước :

- G. nó điên rồi. Không thể nào chịu nổi ! Hắn nấu nướng bậy bạ, cháy khét vô chừng, trong khi khách hàng càng lúc càng đông. Bảo kiếm đầu bếp, hắn không chịu. Tranh chiếc thì cọ quẹt tưng bừng loạn đảo, chẳng cái gì ra cái gì. Tôi sẽ điên mất.

Tóc dài ấm ức kể thêm những sự việc xảy ra trong đời sống họ sau này, những bất mãn của khách hàng, cãi cọ đạp đổ hằng ngày của G. Cơn giận làm tóc dài nhổm lên ngồi xuống, khua tay vò đầu. Tôi không còn thấy đâu hình ảnh người đàn ông lịch lãm từ tốn, bông đùa quen thuộc. Cuối cùng thấm mệt, chàng ngồi lại, hai bàn tay không ngừng vuốt mái tóc rất mềm, vàng óng ả. Lại im lặng. Rồi tôi cũng phải nói một câu gì. Chẳng đơn giản là một câu nói bởi tôi linh cảm anh ta chưa kể hết sự thực, một sự thực đã dấy lên nỗi bức xúc điên cuồng. Nhẹ nhàng tôi hỏi :

- Còn gì nữa không ?

Tóc dài lặng thinh nhưng hai vai rung nhè nhẹ. Tôi với áo khoác, bước ra khỏi giường, đến gần đặt tay lên mái tóc anh ta. Một lúc sau, anh buông thõng :

- G. nó trốn tôi, nhất định không cho tôi đụng đến người hắn nữa !

Tôi có cảm tưởng cả mớ ruột anh ta đã trút hết ra ngoài. Tấm thân người rũ rượi trên ghế kia hoàn toàn trống rỗng. Tôi im lìm nhìn những chiếc lá trĩu xuống dưới làn mưa. Chúng quằn quại hớn hở đón cơn mưa móc sau nhiều ngày hạ nắng. Tình dục trong thế giới G. và tóc dài không đơn giản là một nhu cầu thỏa mãn sinh lý, mà hơn thế, đó là phương cách biểu lộ và xác định sự hiện hữu khác người của mình với cuộc đời chung quanh. Nơi vốn xem chuyện tình yêu đồng phái là một chứng bệnh hoặc thứ gien khó chữa trị, hay một hội chứng tâm lý bất bình thường, phản xã hội. Họ phải chống đối ý tưởng bị xem là một sự vật biến thái, đưa đến thái độ công khai bộc lộ giới tính trước thế gian như thách thức.

Chẳng bao lâu sau, một ngày cuối hè, tôi đi xa về, đẩy cửa vào nhà chưa kịp đặt hành lý, chuông điện thoại reo. Cô hàng sách báo tin G. vừa mất. Hai hôm trước, sau khi đập nát một lô bát đĩa trong hiệu ăn, G. bỏ ra vườn, ngồi đấy rất lâu, rồi đứng dậy lái xe đi. Tóc dài không có đó. G. đi dọc bờ biển lên phiá bắc, vùng này có những vực sâu. Xe G. đã lao xuống một bờ cao và dốc đứng.

Tôi không còn nhớ gì, hay trí óc đã từ chối ghi nhận những điều xảy ra sau đó.

Thời gian qua đi lâu lắm, tôi không hề ra biển, mãi đến một lần có khách phương xa. Lúc quay về, chẳng đừng được nữa, tôi rẽ xe vào con đường có hai hàng bạch dương. Bụi nguyệt quế ở cổng mọc um tùm che gần lấp đường vào. Tấm bảng kẻ chữ hồng đã bong sơn nhưng vẫn còn đó. Lối sỏi mọc rêu và màu nâu của những thanh gỗ bọc tường đã bạc đi trong mưa và gió biển. Cửa đóng chối từ. Nhưng lạ lùng chưa, hạ qua lâu rồi mà còn lấm tấm vài bông hoa đào cuối góc vườn kia. Lá rụng nhiều mùa rã ra với mưa nắng, phủ dầy các lối đi. Nhớ còn người bạn ngồi đợi trong xe, đành trở ra. Nửa chừng không ngăn nổi, tôi ngoái lại. Mấy cánh cửa đang từ từ mở rộng, có ánh đèn vừa thắp lên trong ấy. Và sau ô kính, hai người đàn ông âu yếm sát bên nhau đưa tay vẫy vẫy.

Tóc dài đã bặt tin từ độ ấy. Quán ăn không bán lại cho ai, đóng cửa bỏ hoang chẳng biết đến bao giờ. Tôi sững sờ nhận ra, một quãng đời hằn dấu ấn của mình vừa chấm dứt. Sao G. bỏ thế gian này, bỏ những bức tranh vô hình vô thể toang bao nhát màu làm khủng hoảng hồn tôi. Còn tóc dài đang ở nơi đâu ? Anh ta có lượm lại được mớ ruột của mình để nhào nặn nó thành một sự sống khác hay chăng? Tại sao họ đã đến đây, đem thứ tình yêu ngoại khổ làm hỗn loạn, phá vỡ cái trật tự bình thường trong tâm hồn tôi, rồi vội vã bỏ đi.

***

....Chắc M. nghĩ tôi đã chết ở một bờ bụi nào rồi, nếu không cũng nằm trong một viện tâm thần đâu đó. Chẳng thể nào kể hết cho M. những gì tôi đã sống, đã làm trong quãng thời gian qua.

Những ngày tháng đầu, tôi tự hiểu phải rũ tất cả ra đi. Ði khắp nơi như hồi tôi ở trong ngoại giao nhưng không cùng mục đích và công việc. Tôi tìm đến nơi tụ tập của những kẻ như tôi, như G. Một xã hội nhỏ nhoi trong cái xã hội mênh mông của loài người. Vì chỉ ở nơi ấy, tôi mới tìm ra cho mình câu trả lời về những ngày tháng cuối cùng của G. Ngày nào chưa hiểu nguyên nhân nỗi đau mà trước nó tôi đã bó tay, chẳng làm được gì cho G., thì tôi không thể tiếp tục sống bình yên. Tôi nghĩ mình đã tìm ra M. ạ. Ðơn giản thôi, chỉ do một thái độ chấp nhận hay không. Tôi chấp nhận con người tôi, nên tôi yêu cuộc đời này. G. thì bị dằng co, mặc cảm. Nhất là từ ngày trở về vùng biển tuổi thơ ấy. Có lần chúng tôi đi qua ngôi nhà xưa của G. nay thuộc về chủ khác. Cha mẹ G. đã dọn về L. sau khi G. bỏ nhà đi. Tôi cao hứng nhìn vào khu vườn im vắng giữa nắng trưa, hỏi han G. đôi điều về quá khứ. Nhưng G. cáu kỉnh giục tôi lăn bánh. Tôi đã vô tâm, chẳng nhận ra kịp thời những chối từ vướng vất, dằn vặt, thêm thái độ sống bông lông đùa cợt của tôi chẳng đem lại chia sẻ nào cho G. cả.

Tôi lang thang đó đây, thay đổi cảnh, thay đổi người tình để lắng dịu những ngọn lửa bừng bừng mà tôi đã bắt buộc ủ đi từ ngày G. chẳng tha thiết gì với cuộc sống chung. Tất cả mọi điều phải có cái thời của nó, và cũng chỉ có một thời mà thôi. Muốn rút ngắn con đường cũng không được nào. Muốn đổi thay, làm một cuộc cách mạng cũng phải chờ cái thời này đi qua, thời kia mới đến.

Tấm thiệp kèm đây, M. đủ hiểu tôi đang ở xa thành phố M, nơi G. say ngủ, cả ngàn vạn dặm. Nhưng tôi đã ra khỏi buổi chiều vào bệnh viện thăm M. Chẳng phải tôi đang sung sướng, chỉ là một sự bình lặng của mặt nước hồ sau cơn giông. M. sẽ ngạc nhiên nếu biết tôi đang sống chung với Lise trong cùng một căn nhà. Trên con đường tìm kiếm, tôi đã gặp lại Lise, nàng cũng lang thang mất hướng. Cô bạn Lise đã thay người tình khác. Riêng tôi, sau những trận tình vội vã từ các hộp đêm, những buổi tiệc xô bồ, tôi bắt đầu mỏi mệt. Tôi cần một người bạn cuối ngày, một tâm hồn nhạy cảm, như Lise. Có đôi lần tôi nghĩ, chả lẽ mình chẳng thể xúc động trước một người đàn bà đẹp như Lise? Chúng tôi đã trao nhau một lần thử nghiệm. Kết quả không là thiên đường, nhưng một giao hòa yên thắm.

Lise đã trải qua một thời làm vợ bị tên chồng hành xác. Nàng đi tìm một người nữ biết dịu dàng với thể xác nàng hơn. Cùng một phái, hiểu tận tường ngõ ngách cơ thể và cách truyền giao cảm xúc, dễ cùng nhau đi đến vùng trời mà ở đấy con người không còn đau đớn nữa. Tôi và Lise cho nhau chẳng được nhiều. Mọi thứ tự nó có giới hạn. Nhưng chúng tôi nhìn nhau an tâm.. Hiện thời Lise làm việc trong một nhà giữ trẻ. Còn tôi, cả đời chưa từng mó tay vào bếp thì lúc này đang xoay nồi xoay chảo, linh tinh kiểu bánh này món thịt nọ.

M. hiểu rồi phải không. Chúng tôi sẽ về, mở lại chiếc vali. Làm sao đóng nó một đời trong ẩm ướt của những cơn mưa và hơi biển mặn. Nhất là, tôi đã đem về ấp ủ trong đó tất cả những tấm tranh mà M. vẫn bảo cuồng điên, trước lúc ra đi...
127

No comments:

Post a Comment