Apr 4, 2006
Tiếng Đờn Trong Những Đêm Trăng
A, gã đây rồi! Gã xuất hiện từ bờ bên kia và lò dò tiến về bờ bên này. Gã lại vòi rượu đây. Này, mi một ly, ta một ly, cạn! Dưới mẩu trăng cuối tháng còm nhom, lão ngồi chén tạc chén thù. Lão rót rượu ra hai cái ly, rót đầy tràn cả ra ngoài. Rồi lão mời bạn, cụng ly, rồi cạn. Uống hết ly của mình, lão cạn luôn phần của bạn. Khi chai rượu đã gần cạn, vừa lúc trăng trên mặt sông đã đến gần bên lão, lão mang đờn ra. Và kéo.
Tiếng đờn cò ai oán trong đêm, len lỏi qua từng giọt sương oằn mình trên ngọn cỏ. Những giọt âm thanh thấm vào đêm như hòa mình vào một thế giới tưởng chừng quen thuộc lắm. Tiếng đờn bên sông chỉ heo hút thổi vào gió không đủ làm ai tỉnh giấc, kể cả những người khó ngủ nhất. Vă trăng cũng yếu ớt như tiếng đờn không đủ chia ánh sáng cho mấy nóc nhà xa xa...
Người làng gọi lão là lão Gàn. Mà lão gàn thật. Lão sống một mình trong túp lều bên sông cuối làng, không họ hàng, không vợ con. Suốt ngày lừa mấy con vịt còm, đêm đến một mình ngồi uống rượu kéo đờn cò. Ngoài chăn vịt lão còn có một cái nghề mà chỉ mới nghe nhắc đến, nhiều người đã nổi da gà: nghề bốc mả. Lão chuyên đi bốc mả, hốt cốt cho người trong làng, chỉ người làng này thôi. Những cái mả mấy chục năm trời lưu lạc, nay con cháu muốn đem về nằm cạnh nhau; những cái mả không ai thừa nhận cần chuyển đi nơi khác, những cái mả dưới đáy ao... tất cả đều nhờ vào tay lão. Mỗi khi cần bốc mả người làng lại tìm đến lão. Lão có cách làm việc thật lạ lùng, chẳng cần bao bọc che chắn gì sấc, chỉ cần hai xị, đúng hai xị thôi là lão tiến hành công việc ngay tức khắc. Lão làm việc rất tỉ mỉ, lượm từng mẩu xương lau chùi, thổi rửa, thật sạch mới xếp lên tấm vải, rồi tự tay gói cẩn thận đặt vào chiếc hòm con. Lão không lấy tiền công ai bao giờ, chỉ nhận rượu cúng, còn bánh trái chia cho tụi con nít hết. Mỗi lần như thế, lũ trẻ mừng lắm, dù người lớn vẫn hay đe: nếu ăn đồ cúng mả thì sẽ bị ma bắt.
Sau mỗi lần bốc mả lão lại dầm mình trong rượu và lại kéo lên những âm thanh não nùng giữa đêm trăng cuối tháng vàng bệch như màu da người bị bệnh gan gần chết...
* * *
Vào một đêm cuối tháng, trăng nhợt nhạt như lòng đỏ trứng gà ung, trước ngõ nhà hội đồng Hào vang lên tiếng khóc khe khẽ của trẻ con. Hội đồng sai mụ Nhót ra xem. Thấy mụ đàn bà cà thọt ẵm một đứa bé vào, lão quát cho một hồi, nhưng sau nghĩ lại cứ để mụ ấy nuôi đứa bé, biết đâu sau này lại được việc.
Thế là thằng bé lớn lên trong sự chăm bẵm của mụ Nhót. Cũng như mọi đứa trẻ bị bỏ rơi khác, nó dễ nuôi đến lạ lùng, cho gì ăn nấy, chẳng bệnh hoạn gì, té không khóc, chân giẫm phải mảnh chai gai sắt, lấy bùn trét vào là khỏi.
Năm đứa trẻ lên mười, người đàn bà tội nghiệp ấy ra đi sau một lần bị rắn độc cắn. Kể từ đó, nó chính thức trở thành một đứa ở trong nhà hội đồng. Và đúng như lão hội đồng dự đoán mười năm trước, nó rất được việc. Nó chăm như con kiến, hiền như cục đất, bảo thì làm, hỏi mới nói.
Hai mươi năm sau, đứa trẻ bị bỏ rơi trước nhà hội đồng Hào bây giờ đã là một chàng trai cường tráng, gánh vác hết mọi công việc nặng nhọc trong nhà.
Hội đồng Hào có ba cô con gái, hai cô chị đã yên bề gia thất, riêng cô út thì tính lẳng lơ, đến hăm lăm mà vẫn chưa chồng. Một đêm trăng treo xếch ngược qua cửa sổ phòng khách, lão hội đồng cho gọi thằng ở lên. Từng lời đường mật lần đầu tiên trong đời chảy vào tai con người côi cút ấy. Tao gả cô út cho mầy, coi như mầy đã trả ơn cho tao, tao còn cho mầy mảnh đất sau đồi, mai mốt sẽ cho tụi thợ xây nhà ở đó.
Anh tá điền đứng đực người ra. Bây giờ anh mới hiểu tại sao mấy hôm nay cô út thường ra cây khế phía sau vườn hái quả nhai ngấu nghiến, còn ông hội đồng thì lúc nào cũng vò đầu bứt tai tức tối. Anh chợt hiểu ra hoàn cảnh của mình lúc này. Anh không có quyền lựa chọn.
Rồi căn nhà sau đồi cũng được dựng lên. Và một bé gái ra đời. Anh rất thương con, chăm chút từng li từng tí. Đêm nào đi soi, anh cũng bắt vài con ếch nấu cháo cho nó.
Thỉnh thoảng trong cuộc nhậu có kẻ khịa khích, anh chỉ cười trừ ''Trâu ai nghé mình''. Những người hàng xóm luôn ái ngại cho anh. Họ thương anh vì cô út từ ngày lấy chồng vẫn không thay đổi tính nết. Mỗi lần nghe hàng xóm kể chuyện, anh chỉ cười buồn rồi bỏ đi.
Năm con bé tròn năm tuổi, cái nghề anh không hề mong đợi nhưng tất phải đến cũng đã đến. Đêm ấy là một đêm cuối tháng, trăng vàng chạch lả bả trên sông, đi mỏi cẳng mà chẳng kiếm được con cua con cá nào, anh quay về giữa chừng. Vừa đẩy cửa vào nhà đập ngay vào mắt anh là một cảnh tượng tồi tệ. Anh với cái rựa dựng ở góc nhà. Một tiếng tru ai oán vang lên giữa đêm khuya...
Mọi người sẽ tưởng anh chết già trong tù, nhưng không, anh đã trở về sau hai mươi năm chăm chỉ lao động cải tạo, nhờ có thành tích vạch trần một âm mưu vượt ngục, anh được đặc xá. Trở về với cây đờn cò và ngón đờn do một người bạn tù xấu số truyền lại trước khi ra đi, anh không còn chốn dung thân. Hàng xóm kể, đứa con gái mà anh yêu thương, cất công chăm bẵm đã bán đất, bán nhà theo một tay anh chị ra nước ngoài mấy năm rồi.
Rồi vào một đêm cuối tháng, có một người lặng lẽ bơi qua sông dựng một túp lều nhỏ cuối xóm. Và cũng từ đó, người ta bắt đầu nghe những tiếng đờn thê thiết trong những đêm trăng.
Những người già trong làng thỉnh thoảng kể cho lũ cháu nghe về cái ngày mà lão từ bờ bên kia bơi sang bờ bên này. Ngày đó đã xa lắm rồi, ít người nhớ đến. Họ cũng không quan tâm lắm đến một con người mà nếu không có người ấy vẫn không ảnh hưởng đến cuộc sống của ai. Lão nuôi bầy vịt còm, câu cá, bắt cua sống qua ngày, đi bốc mả kiếm rượu uống đêm đêm, không nhờ vả ai, không nợ nần ai. Dần dần người ta cũng quen với những tiếng đờn cò ảo não trong những đêm trăng cuối tháng...
***
Có người từ ''bên kia'' về thăm nhà. Người nhà xôn xao chuyện con gái lão gởi cho lão mấy ''vé". Hôm người ấy đem tiền đến cho lão, lão cười nói luôn. Chưa bao giờ dân làng thấy lão nói nhiều như vậy. Lão mua bánh kẹo cho tụi trẻ con và mua rất nhiều rượu. Đêm hôm ấy lão lại ngồi uống rượu một mình với trăng. Đến nửa đêm lão lại lấy cây đờn ra và kéo. Những giọt đờn run bần bật giữa hơi sương giá lạnh...
Hôm sau và sau nhiều hôm nữa, bên sông không còn bóng dáng túp lều đâu nữa. Có người quả quyết lão đã ôm tiền đi xứ khác mà hưởng vinh hoa phú quý. Có người thì khẳng định lão lấy tiền đốt lều của mình rồi nhảy xuống sông mà chết, sau trôi ra biển nên không thấy xác... có người nói như đinh đóng cột rằng mình vẫn nghe tiếng đờn thảm thiết trong những đêm trăng tàn... *182
Subscribe to:
Post Comments (Atom)
No comments:
Post a Comment