Apr 4, 2006
Chuyện Đời Tỵ Nạn
Tôi bẩm tính ít nói thích lủi thủi một mình mà trời dun duỉ sao tôi làm việc gì cũng phải nói nhiềụ làm nhiều ... Khi nói không được thì múa tay muá chân có khi như mãi võ Sơn Đông vậy.
Ở Việt Nam hay ở trại tỵ nạn đã đành. Đằng này, khi đặt chân tới Hoa Kỳ tôi đã quyết tâm chỉ làm thằng thợ thôi, chứ không dám làm thầy thiên hạ, thế mà ghét của nào trời trao của ấy.
Một hôm lúc tôi còn làm thợ, tới giờ nghỉ trưa, hộp cơm trưa của tôi chỉ có cái bánh mì Ba Lẹ, bánh mì Tây kẹp thịt nguội, để trong hộp đựng đồ ăn nằm trong góc phòng giải lao đông đúc người ngồi. Cô Betty, người mập mạp đẫy đà như ba thằng người tôi, lại ngồi ngay trước ngăn kéo của tôi mới chết chứ. Tôi lại gần nàng lịch sự nói:
-- Betty, would you excuse me? (Betty, xin lỗi cô )
Chẳng hiểu tôi nói lăng nhăng thế nào, cái cô nặng cả hơn 200 lbs, lại đứng lên cao hơn tôi cả cái đầu, nàng ôm tôi nâng lên hôn trên má cái chụt. Đúng là ỷ to ăn hiếp bé, thấy tôi vừa ròm vừa thấp như con khỉ nên nàng chẳng nể nang gì cả làm tôi sượng muốn chết giữa tiếng cười vui của bầy thợ vang vang như bầy kên kên thấy xác chết giữa sa mạc. Đúng là toi mạng sa trường. Tôi nhìn Betty hỏi:
-- Why did you do that? (Sao bạn làm vậỷ)
-- Didn'' t you say, " Would you kiss mẻ" Cô ta trả lờị (Chứ không phải bạn nói hôn tôi đi sao?)
Bầy kên kên lại được dịp cười vui thêm một trận nữa. Tôi giận tôi, hổng biết ăn mắm ăn muối bao nhiêu năm nay bị cong lưỡi hay sao mà nói một câu giản dị như câu " Would you excuse me!" mà người ta lại hiểu " Would you kiss me!"
Mẹ kiếp đã vậy từ nay ông quyết tâm luyện giọng làm thầy, chứ không làm thợ nữa. Tôi mua một loạt băng nhựa luyện phát âm và quyết tâm trả thù. Cô Betty lại hay thích đùa dai như đỉa mà giờ ăn trưa một tiếng của tôi lại trùng với giờ ăn trưa của nàng mới chết. Lần nào cô cũng lại ngồi chung bàn với tôi chọc phá. Cuối tuần bao giờ cũng hỏi:
-- Do you have a date this weekend? (Bạn có đi chơi với bạn gái cuối tuần này không?)
" Sư mày," tôi nhủ thầm, " đi chơi hay không kệ tao mắc mớ chi tới mi mà tuần nào cũng hỏi?" Nhưng ngoài mặt tôi ráng giữ vẻ mặt điềm đạm trả lời, " No, I will be busy studying!" (Không tôi mắc học)
Thế mà lúc nào nàng cũng không tha, lại hỏi thêm:
-- Do you have a girl friend? (Bạn có bạn gái không?)
-- Không, tôi đáp. Rủa thầm trong bụng, nếu tao muốn có chắc chắn cũng không phải là mày. May ra là Cindy Crawford!
Nhưng cô Betty lại chẳng tha cho tôi một cách dễ dàng, cứ hỏi hết câu này tới câu nọ. Chắc cô bị người ta kỳ thị là mập nên chẳng ai trò chuyện hay sao đó nên cô cứ tìm thân tép riu tôi trả thù. Có lần cô hỏi tôi:
-- Are you gay? ( Bạn là người đồng tính luyến ái hở)
Tôi giả bộ ngơ ngác con nai vàng, " What do you mean gay? Does it mean happy as in I have a gay time like in the book I am reading?" (Bạn muốn nói gì? Gay có nghĩa như vui vẻ như tôi có một thời gian vui vẻ như trong sách tôi đang đọc hở)
-- No, no, gay means homosexual. I mean to ask if you like men. (Không không, " gay" có nghĩa là đồng tính luyến aí. Tôi muốn hỏi bạn thích đàn ông hả)
-- I love everybody, men and women. Is that one of the ten commandments? I heard the minister preach in the church.(Tôi yêu hết mọi người, đàn ông lẫn đàn bà. Đó không phải là một trong mười giới răn sao? Tôi nghe mục sư giảng trong nhà thờ)
Thế là cô nàng lại tha hồ giải thích cặn kẽ cho tôi đời sống xã hội Mỹ. Rồi lâu dần tôi thấy cũng hay, cô gái mập này dạy tôi nói tiếng Mỹ thành thạo hơn. Tôi thấy biết ơn cô lắm nhưng cũng không khỏi đùa cô ta bằng những câu nghịch ngợm. Cô hỏi tên tôi tiếng Anh là gì, tên cô tiếng Việt là gì... Thế là tôi có dịp phịa bậy, tôi nói Betty tiếng Việt là Bé Tí và xin phép cô để tôi gọi là Bé Tí! Có tôi là bé tí thì có, chưa cô ta to gấp ba tôi kìạ..
Một hôm tôi nhận được một cú điện thoại hỏi tôi có thể đi nói chuyện về tình hình người tỵ nạn ở địa phương vào cuối tuần tới cho một hội nghị cấp tiểu bang không? Mấy ông tai to mặt lớn ở địa phương người nào cũng hỏi tiền thù lao là bao nhiêu mà hội nhà thờ địa phương không có kinh phí nên họ mới tìm tới tôi vì biết tôi bé mồm thấp cổ thích xông pha chỗ này chỗ nọ chết cũng cười trừ.
Việc sửa soạn gấp rút, nên tôi không có giờ nghiên cứu kỹ. Cứ lúc nào rảnh tôi lại gọi điện thoại lên mấy văn phòng lấy thống kê cả Mỹ lẫn Việt. Bố Mẹ tôi lắc đầu nói, " Cái thằng ăn cơm nhà, vác ngà voi! Không lo học hành đi mà cứ lo ba cái chuyện bao đồng, có ngày chết chẳng còn da!"
Bố Mẹ tôi nói vậy thôi, chứ ông bà cũng hí ha hí hửng với bà con vì thằng con út mới mười tám, vừa mới ở trại tỵ nạn qua chưa đầy một năm, chưa học Trung Học ở Việt Nam sắp thành diễn giả hùng hồn tới nơi. Đúng là nuôi con tốn cơm nhưng cũng không đến nỗi vì cơm tỵ nạn cũng hơn cả hai năm trời bên Thái Lan rồi Phi Luật Tân không thể kể là mồ hôi nước mắt lao động cực khổ, mà là mồ hôi dưới ánh nắng mặt trời thiêu đốt ở trại tỵ nạn thì đúng hơn.
Mấy ông lớn bắt đầu bực mình vì thấy tôi xung phong làm việc không công làm mất chén cơm bát gạo của mấy ông thầy, mấy cô có chức tước, nhưng đã lỡ từ chối rồi thì làm sao mà họ có thể giành lại chức diễn giả của thằng nhãi ranh như tôi được. Điếc không sợ súng, nhãi ranh không sợ người lớn, tôi cứ mạnh dạn điện thoại phỏng vấn và viết bài tường trình.
Lúc tôi đưa cho bà phước Mỹ, hội trưởng hội tỵ nạn, bà ta hết sức ngạc nhiên vì tài liệu của tôi phong phú quá, thực ra là cóp nhặt đó đây. Bà sửa lại đôi chút, rồi nói, " Con về tập dợt nói chuyện đi, chậm rãi, bình tĩnh là thành công!"
Tôi gọi cô bạn mập của tôi, " Bé Tí ơi, cô có thể ngồi nghe tôi đọc bài diễn văn ở thư viện hay công viên nào không?"
Betty trả lời:
-- Được mà," Cô nháy mắt chọc tôi, " Cuộc hẹn chính thức đó hở?
-- Ừ cuộc hẹn chính thức giữa cô giáo và học trò!
Cô phá lên cười, trông cái tên Á Châu nhỏ loắt choắt như tôi mà láu quá.
Không biết trời nghĩ như thế nào mà trong dịp đại hội tỵ nạn tiểu bang mấy diễn giả Việt Nam khác trình bày cao siêu quá về nền văn hoá Việt Nam, còn bài của tôi lại chú trọng về tình trạng tỵ nạn hiện tại và được đa số khán giả Mỹ chú ý, báo chí chụp hình lia lịa và đăng lên trang đầu với địa chỉ nhà tôi đàng hoàng.
Đại hội xong, tôi còn ráng ở lại khách sạn cho thêm một ngày nữa vì Hội nhà thờ bao cho cả 3 ngày ăn uống và ở miễn phí, dại gì mà về ngay tối thứ bảỵ Khi bà phước lái xe hỏi tôi muốn về chưa, tôi nói, " Để sáng mai về đi cho tiện! Sáng mai đi lễ ở đây rồi về cho thoải mái hơn!"
Bà phước hãnh diện về bài thuyết trình của tôi lắm nên cũng dễ dãị
Khi tôi về tới nhà hôm sau thì bố
mẹ tôi ra đón, " Con tôi sắp thành ông to rồi, hình của mày đăng báo trên trang đầu!" Không biết sao, nhà tôi đã ghi danh mua báo hằng ngày để anh em tôi trau dồi tiếng Anh, mà sáng nay bố mẹ tôi ra mua hết mấy chồng báo ngoài thùng báo bỏ tiền. Ông bà định gởi đi cho bà con bốn phương tìm vợ cho tôi quá!
Do tấm hình và chi tiết đăng trên báo, tôi được một công ty điện thoại lớn gọi tới nhà và hỏi tôi có thích làm cho hãng điện thoại không. Ây cha, câu hỏi này cũng như câu hỏi người Việt Nam có thích ăn cơm không? Tôi chịu liền dù có phải chấm nước mắm ăn tương cà thêm một năm nữa cũng chịu.
Thời gian làm với hãng điện thoại cũng là thời vui thú học hỏi của tôi. Hãng trả tiền cho tôi đi học bán niên, còn tôi phải làm đủ 40 tiếng mỗi tuần, không còn phải làm thợ nữa. Tôi có bàn giấy, điện thoại riêng, oai phong ra phết. Một tuần sau khi tôi vào làm, tôi đem cái máy chụp nhờ người ta chụp dùm, tay cầm ống nghe, ngồi gác chân lên nhau, trông đẹp trai bá cháy dù chiều cao khiêm nhượng của tôi chỉ có hơn một thước rưỡi. Đúng là ễnh ương kêu to!
Tôi làm được một năm ở hãng thì việc hãng bành trướng cần nhiều người Việt vào làm nên tôi nghiễm nhiên thành cốp lớn, có văn phòng riêng và đi đi lại lại hướng dẫn nhân viên mới làm việc thế mới có tếu không, đúng là mèo mù được cá rán.
Thoáng một cái cũng qua 5 năm, tôi ra trường đại học, gặp lúc thời buổi kinh tế xuống thấp nên chẳng hãng nào thèm gọi tôi trừ hãng mà tôi đang làm. Họ tăng lương tôi lên, nhưng công việc cũng như cũ, tấm hình in trên báo, và hình tôi chụp trong hãng lúc đầu vẫn còn treo trên tường. Bố mẹ tôi vẫn còn hậm hực, cái hình đẹp như thế mà sao chẳng có ai liên lạc để môn đăng hộ đối cả. Bố mẹ tôi đâu có biết là qua đây các cô ăn bơ uống sữa cô nào cô nấy cũng cao hơn tôi cả cái đầu, thì tôi làm sao xứng đôi vừa lứa được, trừ khi tôi uống thuốc thần cao thêm mấy tấc chứ ai nhìn tôi ngoài đường vẫn cứ nói, " Cái thằng con nít ranh sao mà diện quá vậy!" khi thấy tôi mặc áo vét, đeo cà vạt mỗi dịp lễ lớn.
Cô Cindy Crawford. người mẫu nổi tiếng Hoa Kỳ, quê ở DeKalb, gần Chicago. Một lần nàng trở về làm Homecoming Queen. Anh chàng bà con với nàng nghĩ tôi là người ái mộ Cindy Crawford, vì thấy hình nàng cắt trong báo để trên bàn, mời tôi về nhà chàng và hứa sẽ giới thiệu Cindy cho tôi làm quen. Đi chơi thì đi chơi, chứ tôi biết thân phận nhỏ bé của tôi nên đâu dám trèo cao té nặng. Tôi để hình nàng trên bàn vì tôi thấy nàng dấp dáng khoẻ mạnh đô con chứ đâu phải như người ta tưởng. Không lẽ tôi để hình Sylvester Stallone, James Dean, hay Tom Selleck để tôi tủi thân hằng ngày khi nhìn họ. Không chừng người ta tưởng tôi thích con trai thì tiêu tán đường.
Trong bữa ăn gia đình, cô Cindy rất bình dân, cười vui thoả thích. Cô hỏi chuyện tôi, tôi ba hoa kể chuyện vui đời tôi khiến cô cười nứt nẻ. Lúc cô về, tôi hỏi cô cho tôi chụp hình chung với cô một tấm để khoe với bá quan thiên hạ, cô mỉm cười gật đầu. Cô cho tôi đứng đằng trước, cô đứng sau. Mèng ơi, tôi trông sao nhỏ thó, đầu ngang ngực cô ta, chứ chưa đụng tới cằm. Cô đứng đằng sau mà cái chi cũng cao và lớn hơn tôi cả. Máy chụp lấy liền nên cô ký tên tặng tôi, " For my amusing little friend, Nuyen, Cindy Crawford" (Tặng người bạn nhỏ vui tính) thay vì Nguyên. Vậy cũng được, miễn là có chi để hù các ông, con trai người Việt là được rồi! Giá cô ta bỏ chữ nhỏ ra, tôi vui biết mấy, hồn bay tới tầng thứ chín!
Người nhỏ con được cái ai cũng xem như con nít nên đôi khi được thương tình dễ dãi mà đôi khi cũng bực mình. Mỗi lần các anh bạn tôi có tiệc tùng, gọi tôi tới chơi, các anh hay nói chuyện vui vẻ với nhau, rất hợp chỉ có tôi là hay bị ra rìa vì không có gì để nói về vợ con gia đình nên hay bị sai đi mua bia, đồ nhắm nếu nửa chừng hết mồi. Khổ một nỗi tôi hai mươi mấy rồi mà cứ bị hỏi giấy tờ hoài. Tôi mong có râu để tôi nuôi râu mép cho đẹp hay cắt như râu Hitler doạ thiên hạ nhưng chỉ le te vài sợi trong phát bực nên phải cạo đành chịu mang tiếng là thiếu niên.
Không biết đại đế Napoléon hay quan Án Anh ngày xưa làm thế nào mà trị đám quan lại quần thần chứ thân tôi như vầy ra đường ai cũng xem mình là thiếu niên thì chẳng ma tơi nào phục. Có lần lúc còn đi học tôi ghi danh vào chương trình ROTC dành cho sinh viên vừa học vừa theo khóa sĩ quan quân sự, sĩ quan phỏng vấn lắc đầu, hỏi tôi có thể đeo súng trường được không. Tôi nói tôi học thành sĩ quan để đeo súng ngắn chứ đâu đeo súng dài, súng dài thì đeo vào vai, báng súng gần đụng đất. Ông ta cám ơn, nhưng bác bỏ đơn xin vào ROTC. Thế mới có phải là kỳ thị kích thước không?
Đi mua quần áo thì chỉ vào chỗ " Boys" (Con trai) mới ác! Đồ con trai choai choai thì sao mà mặc đi làm. Cũng may mà chỗ tôi có người Việt biết may giỏi nên cần gì cũng có chỉ có điều là phải chi tiền nhiều tí thôi. Ông bà chủ mỗi lần nhận đo may cho tôi đều nói, " Làm cho chú người Việt quen biết chúng tôi tính gía gia đình! Chú cho ba trăm!" Ông bà chủ chém nhẹ nhàng ba bò trong khi nếu tôi cao lớn một chút thì ra Macýs, hay Bergner, hay JC Penney thì chỉ tốn dưới 100 Mỹ kim.
Gia đình anh chị của tôi đã có con cái, biết tôi không có bạn gái, lại cũng ít đi chơi đâu, cuối tuần cứ gọi lại nhà nói, " Cậu giữ giùm các cháu cho anh chị cuối tuần này nhé!" Không lẽ từ chối! Tuần sau ông anh lại gọi, " Tuần này chú sang nhà anh coi hộ các cháu, anh chị đi chơi hai ngày nha!" Còn bốmẹ tôi thì an ủi tôi nói rằng, " Trong các anh chị em mày, bố mẹ chỉ nhờ được có mỗi mày thôi!" Tôi cười bảo thầm, " Tại con có tấm thân nhỏ bé đó không ai để ý, chứ nếu có ai à, con cũng đi chơi hoài, đâu có giờ để đưa bố mẹ đi thăm người này, người kia hằng tuần đâu."
Có lần bạn cùng khóa sĩ quan của ba tôi được đi qua diện nhân đạo sau những năm tù ngục. Ba tôi mừng nói với tôi, " Mày tháng tới phải diện chỉnh tề chở bố mẹ ra phi trường đón gia đình Bác Haị Gia đình Bác cô mấy cô chưa chồng cũng được qua cùng chuyến!" Ba tôi không báo cho ai sợ các thanh niên độc thân ở hội Người Việt đi đón mất phần của con mình nên ông bà bí mật đi một mình với tôi ra phi trường đón gia đình mới tới. Trước sự chưng hửng cuả bố mẹ tôi, cô nào cô nấy dù ở Việt Nam nghèo khổ nhưng cũng cao lớn hơn con út của mình cả hai tấc.
Bố Mẹ tôi an ủi, " Thôi con ráng chút đi, lúc nào con muốn thì về Việt Nam, tha hồ mà chọn!"
Tôi cười, biết rằng ngày tôi về còn xa xăm lắm. Tôi đã thấy bao nhiêu bi hài kịch chuyện áo gấm về làng, cưới vợ về dinh rồi. Quen ở bên đây lâu mà còn lục đục khi cưới nhau, huống chi là về chơi 2, 3 tuần thì làm sao kiếm được người hợp với mình!
Lạy Trời, cho con hai chữ bình yên! Nếu Trời thương, cho con cao thêm chừng năm tấc nữa, để con không phải nghe người ta nói sau lưng con, " Nhất lé , nhì lùn," tội nghiệp con lắm, con sẽ ăn chay trường trọn năm! Trời có bắt con ở vậy suốt đời cũng được, cho con thêm năm tấc nữa để đi lấy oai với thiên hạ.269
Labels:
Nguyên Đỗ,
TruyenNgan
Subscribe to:
Post Comments (Atom)
No comments:
Post a Comment