Jan 13, 2007
Chúng Ta Mất Hết Chỉ Còn Nhau
Bạn tôi,
Để ráng mà viết những lời thật êm dịu, thâm tình, cũng chưa biết sẽ được như ý hay không.
Trước hết, xin được khỏi nhắc lại những câu chúc lành lẩm cẩm, nghe nhà quê. Chỉ nghe một điều, bạn tôi chịu khó đọc, mà thương cho người đi, cầm chắc cuộc sống rồi đây sẽ rất gian khổ.
■
Để coi, có những người bạn đã từng một thời mặc quần đùi lon ton đánh đáo, chạy u. Lớn hơn một chút, lúc mà giọng nói đổi thành ồ ồ, lấm lét chia nhau những hơi thuốc hút lén, rồi nói về chuyện cô này, cô nọ. Cũng có khi uống cà phê ngồi đồng mà mặt vẫn cứ nghinh nghinh. Đi lính, lâu lâu gặp nhau xứ người không nhậu tới ói mửa là bị chê là chơi xấu, chơi dở. Việt cộng ra, qua những ngày mặt xanh như tàu lá, đứa vô trại cải tạo tới chừng thả ra thì tướng đi lựng khựng, lưng cứ lom khom; đứa lặng lẽ ăn cắp hông-đa ở nhà đem bám lấy tiền mua vé xe đò, nói là vô núi Dài, Bà Đen, vô bưng; đứa thì nhơn nhơn la cà đầu đường xó chợ, đùng một cái phóng xuống ghe đi tuốt...
Còn lại với vài thằng, rủ nhau làm đủ thứ nghề. Từ cu li bến tàu cho tới vô rừng đốn củi, xuống biển mò nghêu. Tới lúc biết rằng cần phải vô bưng mà sống cho đỡ quê thì hết đường. Ngồi quán cà phê, tụi nó nghi. Lên đồi đốt than tính chuyện làm cách mạng. Đọc Ngục Trung Thư thấy lo, rồi coi Milovan Djilas mà giận. Thằng thi rớt phần hai mà đòi viết cương lĩnh, đứa học ban B, mà thảo truyền đơn, hiệu triệu. Vừa run vừa rải. Có đứa chỉ kịp quăng nguyên một bó, ngủ một giấc thức dậy mà tim còn đập, uống gần một xị mà mặt còn xanh.
Bây giờ thì thằng nào còn ở lại, thằng nào ra được ngoài?
Một mùa hè, đi xuyên tiểu bang tìm tới một thằng cũng mới qua được hơn năm. Than rằng "Mệt quá, làm không được bao nhiêu lương mà tháng nào cũng trả biu hết sạch." Hỏi thì nói "Tiền nhà đã đành, lại còn tiền xe, tiền cái máy hát, cái máy chiếu phim, tiền bộ ghế... Mệt muốn chết." Mình nghe cũng mệt giùm. Nhắc chuyện cũ, cười, "Thiệt hồi đó mình không biết làm gì, mới làm bậy bạ, không bị bắt cũng may... Mà thôi, bỏ qua đi." Thì bỏ qua. Thằng này số nó ít khổ!
Mùa kế tìm tới thằng khác. Có vợ. Hai vợ chồng nó là bạn của mình hết mà! Tụi nó mua nhà ở một khu ngoại ô khang trang quá chừng! Vô nhà, con vợ đương hút bụi, phải chọt cởi giày. Thằng chồng mời uống nước. Nước là bia. Ba tiếng đồng hồ nói chuyện trong sở với sự phụ họa của con vợ, nghe không biết trời đất gì hết. "Tụi tao làm chung sở mà, cũng may, đỡ tốn tiền xăng vì làm cùng một ca. Hồi trước thì khác, sau này tao xì cho thằng súp-vai-dơ nửa tháng lương, mới đổi ca được đó chớ." Mình nghe, mình dội.
Muốn nói lại chuyện cũ với nó để hỏi, thấy thế nào về việc người mình bên này đấu tranh, thằng chồng lòn tay lôi ra một đống những tờ báo, lật lướt lướt. "Tổ chức, hội đoàn tụi nó đánh nhau tùm lum hết, mày không thấy sao? Mình có muốn nhảy vô, cũng không biết phải vô đâu, thì thôi. Cho em xin hai chữ. Thân mình, còn lo chưa xong..."
Con vợ mời ăn cơm, than rằng, "Hồi này hơi kẹt, suốt hai ba tháng nay chỉ ăn toàn gà."
Mình về, biết rằng đêm đó sẽ phải buồn ghê lắm. Suốt chặng đường, nghĩ tới mấy thằng ăn cắp xe nhà bán rồi đi bưng, không biết hồi này tụi nó ra làm sao. Rồi lại nghĩ tới hai vợ chồng thằng này, đêm trước của ngày đám cưới, thằng chồng ngồi chồm hổm ủi truyền đơn, con vợ ngồi bếp, cầm cây kéo lụt nhách cắt từng tờ ra làm tư, sấp lại, chia ra mỗi bó năm chục, "một tuần nữa tối trời, mình rải..."
Thiệt, phải chi tụi nó chết trên biển lúc vượt biên, chắc bây giờ mình thương tụi nó nhiều ghê lắm. Giờ, đã không thương được một chút, còn thấy ghét...
Một thằng ở Tây viết thư, "Bên này tụi nó chơi nhau sát ván, toàn phe ta đánh phe mình, có nghe lúc này mày ở trong Mặt Trận, thì ráng đi. Tao thì tao chán lắm, tao chán hết thảy. Hình như ở bên đó sắp có Đại Hội. Hội Ái Hữu Võ Bị, mày gói cho tao ít tài liệu để biết, tao liên lạc với họ... Chán thì có chán, cũng phải có chút này chút nọ để giữ tinh thần chứ, phải không?" Biết là "không," nhưng không muốn trả lời.
Gần tới ngày mình đi, còn gặp thằng "lỗ tai lừa." Ba năm ấm ức trong lò "cải tạo," nó thấy nói nhiều thứ, kể cả cái thứ căm thù cộng sản. Tưởng rằng dưới sự dòm ngó, nó làm cảnh như vậy, mà qua được bên này, mới biết nó thay đổi thật sự. Làm ăn rất chi là cần cù, lo lắng từng chút trong cuộc sống. Từ những giờ làm thêm ngày cuối tuần, lơi dần những buổi họp mặt có chút chất đấu tranh, tới những đêm làm giờ phụ trội cũng còn cằn nhằn "không biết bao giờ lo đủ cho thằng em có tiền vượt biên bán chánh thức. Bên đó, nó khổ tội nghiệp..."
Đâu còn biết gì thêm nữa để nói. Bạn mình, ai cũng đang trong những ngày tháng "vì không biết phải làm gì, mới bày trò chống lại Việt cộng, bên này có nhiều thứ để làm quá mà! thời giờ dư ở đâu mà chống Việt cộng. Ghét cộng, chuyện này khó và cực quá Mình trốn cộng mình đi qua bên này, lo làm ăn đi... kệ cộng!"
Hình như trong những thằng bạn mình vô bưng hồi đó, có đứa suốt năm năm tuổi lính, đào ngũ sáu lần. Vậy mà trong lúc cả triệu quân rã ngũ, nó mới biết thân biết phận, bắt đầu tập tành nhập cuộc, phải không cà?
Có nghe, ăn bám nhà nước trong thời bình và đào ngũ trong thời chiến là không tốt, mà hung hăng dữ tợn trong thời chiến và đào ngũ trong thời bình cũng không tốt. Vậy thời nay là thời gì và làm thế nào để trước hết mình được nghĩ mình là người tốt, bạn mình?
Khổ ghê!
■
Có những người bạn quen nhau thời lính tráng, qua bên này gặp lại trong mấy lúc biểu tình, lễ lộc, chửi rủa, hô hào. Kéo vô quán nhắc chuyện cũ lai rai, chia với nhau một chút cái sầu xa xứ tuy rằng thằng nào cũng có.
Hồi mấy năm nay làm được những gì, nói từ chuyện học tới chuyện làm, từ chyện xe tới chuyện nhạc...
Không, muốn hỏi tới chuyện sinh hoạt đóng góp với người ta làm cái việc đánh nhau với Việt cộng kia. "Việt cộng nào ở đây? Muốn đánh thì trở về bên đó mà đánh. Mà đánh ra làm sao? Hồi trước mình một triệu quân, còn thua... không thấy sao?
Thấy.
"Mình là thằng lính, chỉ có biết đánh nhau. Bây giờ hết đất. Mấy năm nay, cũng hên là không dính dáng gì tới mấy cái sinh hoạt gọi là sinh hoạt chính trị hết... Mỹ nó giúp còn họa may. Đằng này... mới nghĩ tới đã thấy ghê rồi..."
Thiệt là giận. Thằng nào cũng quên một điều, không ai có thể ngu si rủ một đứa đui đi coi chiếu bóng hết.
Kể cho nó nghe chuyện "devant la loi" một anh nhà quê nhứt định ngồi trước cửa xin ăn, người gác cửa chút chút lại nói "Chờ một lát, chờ một lát." Như vậy, không biết chờ tới bao nhiêu lâu, tên ăn mày già, rồi kiệt sức, muốn bỏ đi chỗ khác, đi không nỗi. Gần chết, thấy người gác dợm đóng cửa lại mới hỏi, "Cánh cửa ông mở bao nhiêu lâu nay, sao bây giờ lại đóng? Đáp, "Cánh cửa này có là vì có mày, bây giờ mày chết thì tao đóng cánh cửa này lại và tao đi làm chuyện khác. Cửa này đóng luôn, không bao giờ mở nữa..."
Nó nghe, nó giận. Nó nói mình chọc quê nó!
Kỳ ghê!
■
Có những người bạn gặp nhau và quen nhau trên xứ người. Hơn nữa, gặp nhau và quen nhau trong sinh hoạt. Rủ nhau cùng vô một tổ chức làm việc, đồng ý trên quan điểm bỏ hết những chuyện cũ, bỏ qua những cái chướng tai gai mắt có thể gặp phải. Cái nhục Cối Kê thời này nhứt định phải được rửa sạch.
Nói với nhau, "Ừ, lãnh đạo hồi trước đó, cho nên mới có cái chuyện dân mình tan nát. Xưa Hạng Võ thua trận Cai Hạ, về tới Đồng Thanh nhứt định không chịu qua sông Giang Đông, vì nghĩ rằng lúc đi, đi với tám ngàn quân, mà về, về có một mình. Tự vận. Đời này, nước mình mấy chục Tướng, lúc ở, ở với một triệu quân, lúc đi, đi một mình Vậy mà cũng đành đi. Nhứt định phải đi cho được còn gạt người ta để đi, lạy người ta để đi... Nghe có Tướng tự vận, lấy làm khi dễ: khôn cũng chết, dại cũng chết, chỉ có biết (như moa) mới là sống, dù là sống nhục."
Bây giờ tới chuyện của mình làm. Làm đi!
Tới lúc làm, ngó qua ngó lại, toàn thứ người da vàng mất nước, không có một thằng mũi lõ mắt xanh, khớp. Kiếm đủ thứ chuyện. "Tại mày không biết, chứ hồi trước, ngay từ ngày đầu tiên ra đơn vị, dưới tay đã có ngay mấy chục thằng, có đâu như vậy. tới cái chuyện le lưỡi dán tem gởi bản tin hàng tháng cũng bắt tao làm nữa sao? Dân này là dân tác chiến ngoại hạng, đấu tranh mà không có súng thì nói làm mẹ gì?"
Còn phân bì nữa. "Mấy thằng đầu sỏ, lúc đi, ôm theo không biết bao nhiêu là tiền của. Bộ tụi nó qua bên này tụi nó què hay sao mà không thấy xuất hiện, bộ tụi nó điếc hay sao mà không nghe người ta kêu gào, bộ tụi nó đui hay sao mà không thấy người ta tranh đấu trong tình cảnh này, bộ tụi nó câm hay sao mà không lên tiếng gì hết...?"
Nó nói vậy chứ nó cũng ráng làm. Nó hy vọng rồi đây những ông chỉ huy của nó hồi tâm, bỏ qua mọi điều, lăn sả vô công việc đấu tranh.
Thời gian ít lâu, mới biết là lầm.
Biết là lầm, theo nó, vì làm công việc đấu tranh hoài không thấy con ma Mỹ nào giúp hết, mà càng lúc, công việc càng đòi hỏi nhiều thì giờ, trong khi nó chỉ có một ngày tám tiếng.
Biết là lầm, theo nó, mấy ông chỉ huy đã không giúp gì hết mà còn kiếm chuyện phá.
Mới đầu, nó giận mấy ông, sau, nó giận nó. Rồi tới lúc nó giận luôn công việc nó đang làm. Nhưng nó chưa dám giận tụi Mỹ sao lâu quá không giúp.
Nó nghe mấy ông chỉ huy sắp sửa hội họp với nhau, đeo lại lon lá cũ mà diễu tụi Mỹ, cho Mỹ sợ. Nó nghĩ, không chừng Mỹ nó sợ, nó phục, nó giúp, không chừng! Bèn làm bộ dẫy nẩy, đi ra. "Chơi với tụi kia, có khi vui hơn, có khi có súng, đánh đấm mới đã."
Nó quên một điều, đánh nhau với kẻ thù, kẻ thù dữ tợn, hung hãn, tàn bạo, mình đánh mới oai, mới hách. Kẻ thù có quân đông, mình mới cần phải thị uy. Bên này, kẻ thù có to lắm cũng cỡ những thằng mang dép râu bằng vỏ xe, viết thư nặc danh trật chính tả. Thứ này, hồi trước, anh em Dân Vệ dư sức chơi rồi, cần gì tới lon, lá.
Hình như cũng có một lần hai đứa phàn nàn về việc tại làm sao có những người qua tới bên này thì có khuynh hướng thêm vào tên mình bằng tên mấy thằng Mỹ. Hỏi, có phải là để cho Mỹ nó dễ kêu, lỡ có chuyện gì nó kêu còn dạ kịp? Đáp, "Cái đó đâu có thành vấn đề, nói tới làm chi. Giả tỷ những người này mà Mỹ không nhận vô lúc đi tỵ nạn, cứ tống cổ qua Kampuchia, thì rồi cũng lại có chuyện thêm tên Kampuchia vô tên của mình, cho Kampuchia nó dễ kêu vậy thôi. Cà-Chơm Nguyễn, Xà-Bây Trần chẳng hạn. Đâu có thành vấn đề..."
Rồi ra với những người chỉ huy cũ, lâu mà cũng không thấy sơ múi được gì, nó cũng dám nản.
Mấy năm, gặp lại ngoài phố. Cười thiệt tươi, "Ê, không đến nỗi tao thêm tên Mỹ chứ thiệt tình, nói mày đừng buồn, cố làm cho lắm rồi cũng không đi tới đâu đâu. Trước, tao từng nói với mày là mình có một triệu quân mình còn thua mà. Chắc phải an cư lạc nghiệp thôi..."
Nó không biết, mình chuẩn bị đánh với Việt cộng bằng mấy chục triệu quân và mình nắm trong tay chính nghĩa thật sự, cái chính nghĩa mà hồi trước, Việt cộng dùng làm chiêu bài.
Kể cho nó nghe chuyện đời Tấn bên Tàu, có người mê chơi vô rừng, lạc tới một chỗ đông đúc, đời sống an nhàn, vô cùng vui sướng. Hỏi ra mới hay cả ngàn năm trước những người này vì tránh chế độ bạo ngược của nhà Tần nên tìm đến đây dựng nhà.
Nó nghe, hỏi thì có gì lạ đâu? Bày đặt chuyện kể tiếp: người đi lạc mới hỏi, "Lúc đầu trong này chắc hoang vu lắm, chưa bao giờ có người lui tới phải không?" Đáp, "Phải, hoang vu lắm bằng chứng là bọn công an mật vụ nhà Tần kiếm không ra mà! Lúc chúng tôi vào đây, cũng may là trời thương, cây trái đầy rừng, thú vật cũng nhiều, nhất là khỉ." Hỏi, "Như vậy hẳn là trong này nhiều chuối?" Đáp, "Đúng, nhiều chuối. Khỉ nó thích ăn chuối lắm, nhưng chúng tôi là xếp của tụi nó, chúng tôi không ăn chuối."
Nó nghe, nó nhứt định giận mình. Buồn ghê!
■
Có những người bạn, ngày tiễn nhau đi, mắt sáng quắc.
Bây giờ, có muốn nói gì cũng bằng thừa.
Mình có ý nghĩ, chắc phải dứt khoát cắt đứt liên hệ với những người lừng khừng, thụ động. Thời nay là thời loạn mà! Sống, không còn biết ơn, biết nghĩa của bao nhiêu đời mình vay mượn bằng máu, thì nên lánh xa, phải rồi.
Tới một địa bàn khác, mình nghĩ tới những đôi mắt sáng quắc tiễn đưa với bao nhiêu lời hứa hẹn ác liệt, chắc làm việc không biết mệt. Có còn muốn nói nữa chỉ có thể nói với những người này, mình gọi họ là chiến hữu, lâu rồi.
Mà còn những thằng bạn, ngày nào lặng lẽ bỏ vô bưng. Hồi này ra sao rồi? Gặp nhau, chắc nhiều chuyện để nói lắm.
Mới chớm nghĩ, mà thấy vui ghê!256
Labels:
TruyenNgan,
Võ Hoàng
Subscribe to:
Post Comments (Atom)
No comments:
Post a Comment